top of page
Hung Tran
Jun 26, 2023
Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ chịu. Vậy thì khi đó bạn thờ phượng Đức Chúa Trời như thế nào? Bạn làm gì khi dường như Đức Chúa Trời ở xa hàng triệu dặm?..
NGÀY 14: KHI CHÚA DƯỜNG NHƯ Ở XA
“Đức Giê-hô-va đã ẩn mình khỏi dân sự Ngài, nhưng tôi tin cậy Ngài và đặt hy vọng nơi Ngài.”
EsIs 8:17 (bản TEV-ND)
Đức Chúa Trời là thật, bất luận bạn cảm thấy như thế nào.
Thật dễ thờ phượng Đức Chúa Trời khi mọi sự đều tốt đẹp trong cuộc đời bạn-khi Ngài chu cấp thức ăn, bạn bè, gia đình, sức khỏe và những hoàn cảnh hạnh phúc. Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ chịu. Vậy thì khi đó bạn thờ phượng Đức Chúa Trời như thế nào? Bạn làm gì khi dường như Đức Chúa Trời ở xa hàng triệu dặm?
Mức độ sâu sắc nhất của sự thờ phượng là ngợi khen Đức Chúa Trời bất chấp nỗi đau, tạ ơn Ngài trong thử thách, tin cậy Ngài khi gặp cám dỗ, đầu phục Ngài khi chịu thương khó, và yêu thương Ngài khi Ngài dường như ở xa.
Tình bạn thường được thử thách bởi sự chia cắt và im lặng; bạn bị chia cắt bởi khoảng cách địa lý hoặc bạn không thể nói chuyện được. Trong tình bạn với Đức Chúa Trời, không phải lúc nào bạn cũng cảm thấy gần gũi Ngài. Philip Yancey đã nói, “Bất cứ mối quan hệ nào cũng có những lúc gần gũi và những lúc xa cách, và trong mối tương giao với Đức Chúa Trời, bất luận có thân mật thế nào, thì con lắc cứ đung đưa từ bên này sang bên kia.” Đó là lúc sự thờ phượng gặp khó khăn.
Để phát triển tình bạn của bạn, Đức Chúa Trời sẽ thử thách nó bằng những khoảng thời gian dường như xa cách-những lúc mà bạn cảm nhận như thể Ngài đã bỏ bạn hoặc quên bạn rồi. Có vẻ như Chúa ở cách xa một triệu dặm vậy. Thánh John của Thập Giá đã gọi những tháng ngày khô hạn, nghi ngờ thuộc linh và xa cách Đức Chúa Trời là “đêm tối của linh hồn.” Henri Nouwen gọi đó là “chức vụ vắng bóng.” A. W. Tozer gọi đó là “chức vụ của bóng đêm.” Những người khác thì gọi là “mùa đông của tấm lòng.”
Ngoài Chúa Giê-xu ra, thì Đa-vít có lẽ là người có một tình bạn mật thiết nhất với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời cũng đẹp lòng khi gọi ông là “một người theo lòng Ngài.” Nhưng Đa-vít cũng thường phàn nàn về sự vắng mặt của Đức Chúa Trời: “Đức Giê-hô-va ôi! vì cớ gì Ngài đứng xa, Lúc gian truân tại sao Ngài ẩn mình đi?” (Thi Tv 10:1). “Đức Chúa Trời tôi ôi! Đức Chúa Trời tôi ôi! sao Ngài lìa bỏ tôi? Nhân sao Ngài đứng xa, không giúp đỡ tôi, và chẳng nghe lời rên siếc tôi?” (Thi Tv 22:1). “Đức Chúa Trời ôi! Chúa là sức lực tôi; cớ sao Chúa đã từ bỏ tôi?” (Thi Tv 43:2).
Dĩ nhiên, Đức Chúa Trời không thực sự lìa bỏ Đa-vít, và Ngài cũng không lìa bỏ bạn. Ngài đã lứa rằng, “Ta sẽ chẳng lìa ngươi, chẳng bỏ ngươi đâu.” Nhưng Đức Chúa Trời không có hứa rằng “ngươi sẽ luôn luôn cảm nhận được sự hiện diện của ta.” Trên thực tế, Đức Chúa Trời khẳng định rằng đôi khi Ngài giấu mặt Ngài khỏi chúng ta. Có những lúc dường như Ngài mất tích khỏi cuộc đời bạn.
Floyd McClung mô tả như sau: “Bạn thức dậy vào một buổi sáng và mọi cảm nhận thuộc linh đều biến mất. Bạn cầu nguyện nhưng không có điều gì xảy ra. Bạn quở trách ma quỷ, nhưng việc làm đó cũng không thay đổi được gì. Bạn vẫn thực hiện những bài tập thuộc linh… bạn nhờ những người khác cầu thay cho mình… bạn xưng nhận mọi tội lỗi mình có thể tưởng tượng ra được, và bạn đi loanh quanh xin lỗi hết mọi người bạn biết. Bạn kiêng ăn… và cũng chẳng có gì mới. Bạn bắt đầu tự hỏi không biết bao lâu thì đêm tối thuộc linh âm u này mới qua đi. Nhiều ngày? Hàng tuần? Hàng tháng? Hay nó sẽ không bao giờ chấm dứt?... bạn cảm nhận dường như lời cầu xin của mình dội xuống từ trần nhà. Trong sự chán nản cùng cực, bạn thốt lên, ‘Chuyện gì xảy đến với tôi vậy?’”
Sự thật là bạn không có gì sai trật cả! Đây là một việc bình thường trong sự thử thách và trưởng thành của tình bạn với Đức Chúa Trời. Mọi Cơ-đốc nhân đều trải qua điều này ít nhất một lần, và thường thì vài lần. Nó thật đau đớn và làm cho lúng túng, nhưng nó tuyệt đối quan trọng đối với sự phát triển đức tin của bạn. Biết rõ việc này, nên Gióp có hy vọng khi ông không thể cảm nhận sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong đời sống của mình. Ông nói, “Nầy, tôi đi tới trước, nhưng không có Ngài tại đó; tôi đi lại sau, song tôi cũng chẳng nhìn thấy Ngài. Qua phía tả, khi Ngài đang làm công việc đó, song tôi không phân biệt Ngài được; Ngài ẩn tại phía hữu, nên tôi chẳng thấy Ngài. Nhưng Chúa biết con đường tôi đi; khi Ngài đã thử rèn tôi, tôi sẽ ra như vàng” (Giop G 23:8-10).
Khi Chúa dường như ở xa, bạn có thể cảm nhận rằng Ngài đang nổi giận với bạn, hoặc đang kỷ luật bạn vì một tội lỗi nào đó. Trên thực tế, tội lỗi không hề chia cắt chúng ta khỏi mối tương giao mật thiết với Đức Chúa Trời. Chúng ta làm buồn lòng Thánh Linh và chấm dứt mối thông công với Ngài bởi sự bất tuân, xung đột với những người khác, bận rộn, thân thiết với thế gian và các tội lỗi khác.
Nhưng thường thì cảm giác bị bỏ rơi hay xa rời Đức Chúa Trời không có liên quan đến tội lỗi. Đó là sự thử thách đức tin-là điều mà tất cả chúng ta phải đối diện: Bạn sẽ vẫn tiếp tục yêu thương, tin cậy, vâng lời, và thờ phượng Đức Chúa Trời, ngay cả khi bạn không còn cảm nhận được sự hiện diện của Ngài, hoặc thấy được bằng chứng rõ ràng về công việc của Ngài trong cuộc đời bạn hay không?
Sai lầm phổ biến nhất mà các Cơ-đốc nhân ngày nay vấp phải trong sự thờ phượng đó là tìm kiếm một trải nghiệm thay vì tìm kiếm Đức Chúa Trời. Họ tìm kiếm một cảm giác, và nếu nó xảy đến, họ kết luận rằng họ đã thờ phượng. Sai! Trên thực tế, Đức Chúa Trời thường cất bỏ những cảm xúc của chúng ta để chúng ta không bị lệ thuộc vào chúng. Tìm kiếm một cảm xúc, thậm chí là cảm xúc gần gũi với Đấng Christ, thì không phải thờ phượng.
Khi bạn còn là con đỏ thuộc linh, Đức Chúa Trời ban cho bạn nhiều cảm xúc để xác nhận và thường đáp lại những lời cầu xin ấu trĩ, tự cho mình là trung tâm nhất-để qua đó bạn biết rằng Ngài hiện hữu. Nhưng khi bạn lớn lên trong đức tin, Ngài sẽ cai dứt bạn khỏi những sự lệ thuộc này.
Sự toàn tại của Đức Chúa Trời và sự biểu lộ vinh hiển của Ngài là hai việc khác nhau. Một cái là sự thật; còn cái kia thường là cảm xúc. Đức Chúa Trời luôn luôn hiện hữu, ngay cả khi bạn không nhận thức về Ngài, và sự hiện diện của Ngài sâu sắc đến độ khó có thể đo lường chỉ bằng tình cảm.
Phải, Ngài muốn bạn cảm nhận được sự hiện diện của Ngài, nhưng Ngài quan tâm nhiều hơn đến việc bạn tin cậy thay vì cảm nhận Ngài. Đức tin, chứ không phải những cảm xúc, làm đẹp lòng Đức Chúa Trời.
Những hoàn cảnh thách thức đức tin của bạn nhiều nhất là lúc cuộc đời đổ vỡ mà không thể tìm thấy Chúa ở đâu cả. Việc này đã xảy ra cho Gióp. Trong chỉ một ngày, ông đã mất tất cả -gia đình, công việc, sự giàu có, và mọi thứ ông sở hữu. Điều làm ngã lòng nhất là trong suốt ba mươi bảy chương, Đức Chúa Trời không nói một lời!
Làm sao bạn có thể ngợi khen Đức Chúa Trời khi bạn không hiểu điều gì đang xảy ra cho cuộc đời mình và Đức Chúa Trời thì im lặng? Làm sao bạn có thể giữ được sợi dây liên lạc trong lúc khủng hoảng mà không nói một tiếng nào? Làm sao bạn có thể hướng mắt nhìn lên Chúa Giê-xu đang khi chúng đong đầy nước mắt? Bạn hãy làm điều mà Gióp đã làm: “Gióp bèn chổi dậy, xé áo mình, và cạo đầu, đoạn xấp mình xuống đất mà thờ lạy, và nói rằng: ‘Tôi trần truồng lọt khỏi lòng mẹ, và tôi cũng sẽ trần truồng mà về; Đức Giê-hô-va đã ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi; đáng ngợi khen danh Đức Giê-hô-va! ’” (1:20-21).
Hãy nói với Chúa đúng điều bạn cảm nhận. Hãy tuôn đổ lòng mình ra trước mặt Đức Chúa Trời. Hãy nói hết mọi cảm xúc của bạn. Gióp đã làm việc này khi ông nói: “Bởi cớ ấy, tôi chẳng cầm miệng tôi; trong cơn hoạn nạn của lòng tôi, tôi sẽ nói ra; trong cay đắng của linh hồn tôi, tôi sẽ phàn nàn.” (Thi Tv 7:11). Ông kêu gào khi Đức Chúa Trời dường như ở xa: “Chớ chi tôi được như lúc còn tráng kiệt, Khi tình thiệt hữu của Đức Chúa Trời còn đoái đến trại tôi.” (Thi Tv 29:4). Đức Chúa Trời có thể giải quyết sự nghi ngờ, nóng giận, sợ hãi, buồn rầu, bối rối, và những thắc mắc của bạn.
Bạn có biết rằng thừa nhận sự tuyệt vọng của mình trước mặt Đức Chúa Trời là một bản tuyên xưng đức tin không? Vừa tin cậy Đức Chúa Trời, vừa cảm thấy chán nản cùng một lúc, Đa-vít đã viết: “Tôi tin, nên tôi nói. tôi đã bị buồn thảm lắm.” (Thi Tv 116:10). Điều này có vẻ mâu thuẫn: Tôi tin Đức Chúa Trời, nhưng tôi chán nản lắm! Sự thẳng thắn của Đa-vít thực sự bày tỏ đức tin sâu sắc: Trước hết, ông tin cậy nơi Đức Chúa Trời. Kế đến, ông tin rằng Đức Chúa Trời sẽ lắng nghe lời cầu nguyện của mình. Thứ ba, ông tin rằng Đức Chúa Trời sẽ để cho ông nói điều ông cảm nhận mà vẫn còn yêu thương Ngài.
Hãy tập trung vào việc Đức Chúa Trời là ai-bản chất không thay đổi của Ngài. Bất luận hoàn cảnh như thế nào, và bạn cảm thấy ra sao, hãy bám lấy bản chất không thay đổi của Đức Chúa Trời. Hãy nhắc chính mình bạn nhớ rằng điều mà bạn biết là điều luôn luôn đúng về Đức Chúa Trời: Ngài là Đấng tốt lành, Ngài yêu thương tôi, Ngài ở với tôi, Ngài biết tôi đang trải qua điều gì, Ngài quan tâm, và Ngài có kế hoạch tốt lành cho cuộc đời tôi. V. Raymond Edman đã nói, “Đừng bao giờ nghi ngờ điều Đức Chúa Trời phán với bạn về ánh sáng đang lúc bạn đi trong bóng tối.”
Khi cuộc đời của Gióp tan vỡ, và Đức Chúa Trời im lặng, ông vẫn thấy có nhiều điều ông có thể ngợi khen Đức Chúa Trời:
· Ngài là Đấng tốt lành và yêu thương (Giop G 10:12).
· Ngài là Đấng toàn năng (42:2; 37:5, 23).
· Ngài quan tâm đến mọi chi tiết trong cuộc đời tôi (23:10; 31:4).
· Ngài đang kiểm soát (34:13).
· Ngài có một kế hoạch cho cuộc đời tôi (23:14).
· Ngài sẽ cứu tôi (19:25).
Hãy tin cậy rằng Đức Chúa Trời sẽ giữ lời hứa. Trong những lúc khô hạn thuộc linh, bạn cần phải nhẫn nại nương dựa nơi những lời hứa của Đức Chúa Trời, chứ không phải những tình cảm của bạn, và ý thức rằng Ngài đang đưa bạn vào một mức độ trưởng thành sâu sắc hơn. Một tình bạn dựa vào cảm xúc thực sự rất nông cạn.
Cho nên, đừng bối rối vì cớ nan đề. Các hoàn cảnh không thể thay đổi được bản chất của Đức Chúa Trời. Ân điển của Ngài vẫn đầy dư luôn; Ngài vẫn ở đó vì bạn, ngay cả khi bạn không cảm nhận được điều đó. Trong sự thiếu vắng những sự xác quyết, Gióp bám lấy Lời của Đức Chúa Trời. Ông nói, “Tôi chẳng hề lìa bỏ các điều răn của môi Ngài, vẫn vâng theo lời của miệng Ngài hơn là ý muốn lòng tôi.” (Thi Tv 23:12).
Lòng tin cậy nơi Lời của Đức Chúa Trời khiến Gióp vẫn trung tín ngay cả khi không còn điều gì có ý nghĩa nữa. Đức tin của ông thật mạnh mẽ trong cơn đau đớn: “Dẫu Chúa giết ta, ta cũng còn nhờ cậy nơi Ngài.” (Thi Tv 13:15).
Khi bạn cảm thấy bị Đức Chúa Trời bỏ rơi mà vẫn tiếp tục tin cậy nơi Ngài, bất chấp cảm nhận của mình, bạn đang thờ phượng Ngài một cách sâu sắc nhất.
Hãy nhớ lại điều Đức Chúa Trời đã làm cho bạn. Nếu Chúa chưa hề làm bất cứ điều gì khác cho bạn, thì Ngài vẫn xứng đáng nhận sự ngợi khen liên tục suốt cả quãng đời còn lại của bạn vì điều Đấng Christ đã làm cho bạn trên thánh giá. Con Một của Đức Chúa Trời đã chết cho bạn! Đây là lý do lớn nhất để thờ phượng.
Thật không may là chúng ta thường quên những chi tiết đau thương của của lễ mà Đức Chúa Trời đã phó vì cớ chúng ta. Sự quen thuộc dẫn đến xem thường. Ngay trước khi chịu đóng đinh, Con Đức Chúa Trời đã bị lột trần, bị đánh đập đến độ hầu như không còn nhận dạng được, bị mắng nhiếc, nhạo báng, bị đội cho một mão gai, và bị nhổ vào mặt. Dưới bàn tay của những con người vô tâm, Ngài bị đối xử còn tệ hơn cả một con vật.
Sau đó, gần như bất tỉnh vì mất máu, Ngài bị buộc phải vác một thập giá lên đồi, bị đóng đinh vào đó và để cho chết dần, một cái chết nhục hình, chậm chạp. Khi dòng máu sự sống của Ngài đổ ra, những kẻ chất vấn đứng đó nói lời xúc phạm, cười nhạo vì sự đau đớn của Ngài và thách thức lời tuyên bố Ngài là Đức Chúa Trời.
Kế tiếp, Chúa Giê-xu gánh lấy mọi tội lỗi của nhân loại trên Ngài, Đức Chúa Trời ngoảnh mặt khỏi cảnh tượng đau lòng đó, và Chúa Giê-xu thốt lên trong sự tuyệt vọng, “Đức Chúa Trời tôi ôi, Đức Chúa Trời tôi ôi, sao Ngài lìa bỏ tôi?” Chúa Giê-xu có thể tự cứu lấy mình-nhưng như thế thì Ngài không thể cứu bạn được.
Không lời nào có thể mô tả được bóng tối bao trùm thời khắc đó. Tại sao Đức Chúa Trời lại cho phép sự đối đãi tàn bạo, độc ác, kinh khiếp đến như vậy? Tại sao? Để bạn có thể thoát khỏi cõi đời đời trong hỏa ngục, và để bạn có thể chia sẻ với Ngài trong sự vinh hiển đời đời! Kinh Thánh chép, “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời.” (IICo 2Cr 5:21).
Chúa Giê-xu đã từ bỏ mọi sự để bạn có thể có được mọi sự. Ngài chết để bạn có thể sống mãi mãi. Chỉ việc đó thôi cũng xứng đáng để bạn tạ ơn và ngợi khen không thôi. Đừng bao giờ hỏi một lần nữa là bạn phải tạ ơn vì điều gì!
Suy Nghĩ Về Mục Đích Của Tôi: Ngày 14
Vấn Đề Suy Nghĩ: Đức Chúa Trời là thật, bất luận tôi cảm thấy như thế nào.
Câu Gốc: “Chính Đức Chúa Trời có phán rằng: Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu.” HeDt 13:5b
Câu Hỏi Suy Gẫm: Làm sao tôi có thể tiếp tục tập chú vào Đức Chúa Trời ngay cả khi Ngài dường như xa cách?
bottom of page