top of page

NGÀY 19 : VUN ĐẮP CỘNG ĐỒNG

Hung Tran

Jun 21, 2023

Chỉ có Thánh Linh mới có thể tạo ra một mối thông công thật giữa các tín nhân, nhưng Ngài vun đắp nó bằng những lựa chọn và cam kết của chúng ta...



NGÀY 19: VUN ĐẮP CỘNG ĐỒNG


“Anh em chỉ có thể phát triển một cộng đồng lành mạnh, bền vững theo ý muốn của Đức Chúa Trời và nhận được những lợi ích từ đó nếu anh em hòa thuận với nhau, tôn trọng lẫn nhau.”

Gia Gc 3:18 bản Msg-ND

“Vả, những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện.”

Cong Cv 2:42


Cộng đồng đòi hỏi cam kết.


Chỉ có Thánh Linh mới có thể tạo ra một mối thông công thật giữa các tín nhân, nhưng Ngài vun đắp nó bằng những lựa chọn và cam kết của chúng ta. Phao-lô nói đến trách nhiệm hỗ tương này khi ông viết, “Phải khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà chìu nhau, dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh.” (Eph Ep 4:2-3). Cần phải có quyền năng của Đức Chúa Trời và cả nỗ lực của chúng ta để xây dựng một cộng đồng Cơ-đốc yêu thương nhau.


Thật không may là nhiều người trưởng thành trong những gia đình có các mối quan hệ không lành mạnh, cho nên họ thiếu những kỹ năng quan hệ cần thiết cho mối thông công thật. Họ cần phải học biết cách hòa thuận và quan hệ với những người khác trong gia đình của Đức Chúa Trời. May mắn là Thánh Kinh Tân Ước có hướng dẫn nhiều về cách chia sẻ cuộc sống với nhau. Phao-lô viết, “Tôi viết những điều này cho các anh em … để các anh em biết cách sống trong gia đình của Đức Chúa Trời. Gia đình đó chính là Hội Thánh.” (ITi1Tm 3:14-15 bản NCV-ND).


Nếu bạn mệt mỏi vì mối thông công giả tạo và muốn vun đắp mối thông công thật cũng như một cộng đồng yêu thương trong nhóm nhỏ, lớp Trường Chúa Nhật, và Hội thánh của bạn, bạn cần phải đối diện với một số lựa chọn khó khăn và phải mạo hiểm.


Vun đắp một cộng đồng đòi hỏi lòng chân thật. Bạn phải quan tâm đủ mới nói sự thật trong tình yêu thương được, ngay cả khi bạn thà che đậy hoặc tránh né một nan đề nào đó. Im lặng khi những người xung quanh chúng ta đang làm hại chính họ hay những người khác bằng một tội lỗi nào đó là điều dễ dàng hơn, nhưng đó không phải là tình yêu thương. Đa số người không có một ai trong cuộc đời yêu thương họ đủ để nói với họ sự thật (thậm chí nó gây ra đau đớn), cho nên họ cứ tiếp tục đi trong con đường tự hủy diệt chính mình. Thường thì chúng ta biết mình cần phải nói gì với một ai đó, nhưng nỗi sợ hãi đã ngăn cản chúng ta mở miệng. Nhiều mối thông công đã sụp đổ cũng vì sự sợ hãi: Không một ai có đủ can đảm để nói trước cả nhóm khi cuộc đời của một nhóm viên nào đó bị tan vỡ.


Kinh Thánh bảo chúng ta phải “lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật.” (Eph Ep 4:15) vì chúng ta không thể có một cộng đồng mà không có sự chân thành. Sa-lô-môn đã nói, “Ai đáp lời chánh đáng, tất như hôn nơi môi miệng vậy.” (ChCn 24:26). Đôi lúc điều này có nghĩa là quan tâm đủ để yên ủi người nào đang phạm tội hoặc bị cám dỗ để phạm tội. Phao-lô nói, “Hỡi anh em, ví bằng có người nào tình cờ phạm lỗi gì, anh em là kẻ có Đức Thánh Linh, hãy lấy lòng mềm mại mà sửa họ lại; chính mình anh em lại phải giữ, e cũng bị dỗ dành chăng. Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy anh em sẽ làm trọn luật pháp của Đấng Christ.” (GaGl 6:1-2).


Nhiều mối thông công Hội thánh và các nhóm nhỏ vẫn còn nông cạn vì họ sợ xung đột. Bất cứ khi nào một nan đề gì đó xuất hiện mà nó có thể khiến cho căng thẳng hoặc không thoải mái, thì nó lập tức được che đậy đi để bảo tồn một cảm giác bình an giả tạo. Cái ông Đừng đụng vào nhảy vô và cố gắng vuốt tóc của mọi người cho suôn lại, vấn đề không hề được giải quyết, và mọi người sống trong sự thất vọng ngầm. Mọi người biết về nan đề đó, nhưng không ai nói về nó cách công khai. Việc này tạo nên một môi trường bệnh hoạn của những điều bí mật, là nơi mà thói nói hành phát triển mạnh mẽ. Giải pháp của Phao-lô rất thẳng thắn: “Như vậy, mỗi người trong anh em phải chừa sự nói dối, hãy nói thật với kẻ lân cận mình, vì chúng ta làm chi thể cho nhau.” (Eph Ep 4:25).


Mối thông công thật, dù là trong hôn nhân, trong tình bạn hay trong Hội thánh của bạn, lệ thuộc vào sự thẳng thắn. Trên thực tế, đường hầm xung đột chính là con đường dẫn đến sự gần gũi trong bất cứ mối quan hệ nào. Cho tới khi nào bạn quan tâm đủ để đối đầu và giải quyết những cào cản ngầm thì bạn mới có thể đến gần những người khác. Khi xung đột được giải quyết một cách đúng đắn, chúng ta đến gần nhau hơn thông qua việc đối diện và giải quyết những khác biệt của chúng ta. Kinh Thánh chép, “Ai quở trách người nào, về sau sẽ được ơn hơn là kẻ lấy lưỡi mà dua nịnh.” (ChCn 28:23).


Sự thẳng thắn không phải là một giấy phép để bạn muốn nói gì thì nói, nói ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào bạn muốn. Nó không phải là sự thô lỗ. Kinh Thánh cho chúng ta biết là có những lúc thích hợp và không thích hợp để làm một việc gì đó. Những lời nói thiếu suy nghĩ sẽ để lại những vết thương lâu dài. Chúa bảo chúng ta phải nói với nhau trong Hội Thánh như là nói với những thành viên trong gia đình mình yêu thương vậy: “Chớ quở nặng người già cả, nhưng hãy khuyên dỗ họ như cha, còn kẻ trẻ thì như anh em, đàn bà có tuổi cũng như mẹ, bọn thiếu nữ như chị em, mà phải lấy cách thanh sạch trọn vẹn.” (ITi1Tm 5:1-2).


Đáng buồn thay, hàng ngàn mối thông công đã bị đổ vỡ vì thiếu sự chân thật. Phao-lô đã phải quở trách Hội thánh Cô-rinh-tô vì thái độ im lặng của họ và để cho sự trái đạo đức xâm nhập vào mối thông công. Do không có ai đủ can đảm để đối đầu với việc đó, nên ông nói, “Về phần tôi, thân dầu xa cách mà lòng ở tại đó … nên tôi đã dường như có mặt ở đó, nhân danh Đức Chúa Jêsus là Chúa chúng ta, tuyên án kẻ phạm tội đó rằng, một người như thế phải phó cho quỷ Sa tan, để hủy hoại phần xác thịt, hầu cho linh hồn được cứu trong ngày Đức Chúa Jêsus. Thật anh em chẳng có cớ mà khoe mình đâu! Anh em há chẳng biết rằng một chút men làm cho cả đống bột dậy lên sao? Hãy làm cho mình sạch men cũ đi, hầu cho anh em trở nên bột nhồi mới không men, như anh em là bánh không men vậy. Vì Đấng Christ là con sinh lễ Vượt Qua của chúng ta, đã bị giết rồi. Vậy thì, chúng ta hãy giữ lễ, chớ dùng men cũ, chớ dùng men gian ác độc dữ, nhưng dùng bánh không men của sự thật thà và của lẽ thật. Trong thơ tôi viết cho anh em, có dặn đừng làm bạn với kẻ gian dâm, đó tôi chẳng có ý nói chung về kẻ gian dâm đời nầy, hay là kẻ tham lam, kẻ chắt bóp, kẻ thờ hình tượng, vì nếu vậy thì anh em phải lìa khỏi thế gian. Nhưng tôi viết khuyên anh em đừng làm bạn với kẻ nào tự xưng là anh em, mà là gian dâm, hoặc tham lam, hoặc thờ hình tượng, hoặc chưởi rủa, hoặc say sưa, hoặc chắt bóp, cũng không nên ăn chung với người thể ấy. Vì chưng có phải tôi nên đoán xét kẻ ở ngoài sao? Há chẳng phải anh em nên đoán xét những người ở trong sao?” (ICo1Cr 5:3-12).


Vun đắp một cộng đồng đòi hỏi sự khiêm nhường. Sự tự cho mình là quan trọng, thiển cận mà tự mãn, và sự kiêu ngạo hủy diệt mối thông công nhanh hơn bất cứ điều gì khác. Sự kiêu ngạo xây lên những bức tường chắn giữa người với người; sự khiêm nhường thì xây nên những chiếc cầu. Sự khiêm nhường là chất bôi trơn và làm mát cho các mối quan hệ. Đó là lý do tại sao Kinh Thánh nói, “Hết thảy đối đãi với nhau phải trang sức bằng khiêm nhường.” (IPhi 1Pr 5:5b). Chiếc áo thích hợp nhất cho mối thông công là thái độ khiêm nhường.


Phần cuối của câu Kinh Thánh đó nói rằng, “…vì Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm nhường.” (5:5c). Đây là một lý do nữa để chúng ta khiêm nhường:

- Sự kiêu ngạo ngăn trở ơn của Đức Chúa Trời trên đời sống chúng ta, là cái mà chúng ta cần có để lớn lên, để thay đổi, chữa lành và giúp đỡ những người khác. Chúng ta nhận lấy ơn của Đức Chúa Trời bằng cách khiêm nhường thừa nhận rằng mình cần nó. Kinh Thánh nói rằng bất cứ khi nào chúng ta kiêu ngạo, thì chúng ta đang đứng ở chỗ chống đối Đức Chúa Trời! Đó là một cách sống thật dại dột và nguy hiểm.


- Bạn có thể phát triển lòng khiêm nhường trong những cách rất thực tiễn: thừa nhận sự yếu đuối của chính bạn, nhẫn nại với sự yếu đuối của những người khác, cởi mở đối với sự sửa sai, và tập trung chú ý vào người khác. Phao-lô khuyên, “Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình. Mỗi người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa.” (Phi Pl 2:3-4).


- Khiêm nhường không phải là suy nghĩ ít hơn về chính bạn; bèn là suy nghĩ ít hơn về cái tôi của bạn. Khiêm nhường là suy nghĩ nhiều hơn về những người khác. Những người khiêm nhường tập trung vào việc phục vụ những người khác đến độ họ không còn nghĩ đến chính mình nữa.


Vun đắp một cộng đồng đòi hỏi sự nhã nhặn. Nhã nhặn là tôn trọng những khác biệt của chúng ta, xét đến cảm nhận của từng người, và kiên nhẫn với những ai chọc giận chúng ta. Kinh Thánh chép, “Mỗi người trong chúng ta nên làm đẹp lòng kẻ lân cận mình, đặng làm điều ích và nên gương tốt.” (RoRm 15:2). Phao-lô nói với Tít, “Chớ nói xấu ai, chớ tranh cạnh, hãy dong thứ, đối với mọi người tỏ ra một cách mềm mại trọn vẹn.” (Tit Tt 3:2).


Trong mọi Hội thánh và mọi nhóm nhỏ luôn có ít nhất là một người “khó khăn,” thường thì có nhiều hơn. Những người này có những nhu cầu tình cảm đặc biệt, có những nỗi bất an sâu sắc, có phong cách dễ làm người khác phát cáu, hoặc có những kỹ năng xã hội kém cỏi. Bạn có thể gọi họ là những người CTƠ -Cần Thêm Ơn.”


Đức Chúa Trời đặt để những người này giữa vòng chúng ta vì lợi ích của họ và của cả chúng ta nữa. Họ là một cơ hội để tăng trưởng và thử thách mối thông công: Chúng ta sẽ yêu thương họ như anh chị em và đối xử với họ bằng lòng tôn trọng chứ?


Trong một gia đình, sự chấp nhận không dựa trên việc bạn thông minh ra sao, xinh đẹp thế nào hoặc có tài cán gì. Nó dựa trên sự thật là bạn thuộc về nhau. Chúng ta phòng thủ và bảo vệ gia đình mình. Một thành viên trong gia đình có thể là một người khờ khạo, nhưng đó là một người của chúng ta. Cũng vậy, Kinh Thánh chép rằng, “Hãy lấy lòng yêu thương mềm mại mà yêu nhau như anh em; hãy lấy lẽ kính nhường nhau.” (RoRm 12:10).


Sự thật là tất cả chúng ta đều có những tật xấu và những điểm làm phiền hà người khác. Nhưng cộng đồng thì không có liên quan gì đến tính tương thích. Căn bản cho mối thông công của chúng ta chính là mối tương giao với Đức Chúa Trời: Chúng ta là một gia đình.


Một chìa khóa dẫn đến sự nhã nhặn đó là hiểu rõ người khác từ nơi nào tới. Hãy tìm hiểu lịch sử của họ. Khi bạn biết họ đã trải qua những điều gì, bạn sẽ hiểu họ hơn. Thay vì nghĩ đến viện họ còn phải đi bao xa nữa, hãy nghĩ đến việc họ đã đi được bao xa bất chấp những đau đớn của mình.


Mặt khác, sự nhã nhặn không phải là xem thường những nghi ngờ của người khác. Việc bạn không sợ một điều gì đó cũng không biến nó thành một cảm xúc sai trái. Cộng đồng thật xuất hiện khi mọi người biết rằng đó là nơi đủ an toàn để chia sẻ những nghi ngờ và sợ hãi của họ mà không bị xét đoán.


Vun đắp một cộng đồng đòi hỏi sự tin cẩn. Chỉ trong một môi trường an toàn của sự chấp nhận và tin cẩn thì người ta mới cởi mở và chia sẻ những nỗi đau, những nhu cầu và sai lầm sâu sắc nhất của họ. Sự tin cẩn không có nghĩa là giữ yên lặng khi anh chị em của bạn phạm tội. Nó có nghĩa là những gì được chia sẻ trong nhóm của bạn phải được giữ kín trong nhóm, và cả nhóm cần phải giải quyết nó chứ không đồn ra cho những người khác.


Đức Chúa Trời ghét sự nói hành, đặc biệt là khi nó được ngụy trang dưới cái mác nan đề cầu nguyện.” Chúa phán, “Kẻ gian tà gieo điều tranh cạnh; và kẻ thèo lẻo phân rẽ những bạn thiết cốt.” (ChCn 16:28). Nói hành cũng gây ra nhiều đau đớn và chia rẽ, đồng thời nó phá hủy mối thông công. Và Chúa phán rõ ràng rằng chúng ta phải đối đầu với những ai gây chia rẽ giữa vòng các Cơ-đốc nhân. Họ có thể nổi giận và rời bỏ nhóm của bạn hoặc Hội thánh khi bạn đụng chạm đến những hành động gây chia rẽ của họ, nhưng mối thông công của Hội thánh là điều quan trọng hơn bất cứ cá nhân nào.


Vun đắp một cộng đồng cần phải làm thường xuyên. Bạn phải thường xuyên liên hệ với nhóm của mình để xây dựng mối thông công thật. Các mối quan hệ cần phải có thời gian. Kinh Thánh nói với chúng ta rằng, “Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy.” (HeDt 10:25). Chúng ta phải phát triển thói quen gặp gỡ nhau. Thói quen là điều bạn làm thường xuyên chứ không phải thỉnh thoảng. Bạn phải dành thời gian cho những người khác-nhiều thời gian -để xây dựng các mối quan hệ sâu đậm. Đây là lý do tại sao mối thông công trong nhiều Hội thánh rất cạn cợt; chúng ta không dành đủ thời gian cho nhau, và thời gian chúng ta dành ra thường chỉ đủ để nghe một người nói.


Cộng đồng không được xây dựng trên sự tiện lợi (“Chúng tôi sẽ nhóm nhau lại khi nào cảm thấy thích”) nhưng trên lòng tin chắc rằng tôi cần nó vì sức khỏe thuộc linh của mình. Nếu bạn muốn vun đắp một mối thông công thật, thì có nghĩa là bạn phải gặp gỡ nhau ngay cả khi bạn thấy không thích thú chuyện đó, vì bạn tin rằng nó quan trọng. Các Cơ-đốc nhân đầu tiên gặp gỡ nhau hằng ngày! “Ngày nào cũng vậy, cứ chăm chỉ đến đền thờ; còn ở nhà, thì bẻ bánh và dùng bữa chung với nhau cách vui vẻ thật thà.” (Cong Cv 2:46). Mối thông công đòi hỏi sự đầu tư thời gian.


Nếu bạn là thành viên của một nhóm nhỏ hoặc một lớp học, tôi khuyến khích bạn có một kết ước cho nhóm bao gồm chín đặc điểm của mối thông công Kinh Thánh: Chúng ta sẽ chia sẻ những cảm xúc thật của mình (sự chân thật), khích lệ lẫn nhau (sự tương thuộc), hỗ trợ cho nhau (sự cảm thông), tha thứ cho người khác (sự thương xót), nói lẽ chân thật trong tình yêu thương (sự thành thật), thừa nhận những yếu đuối của mình (sự khiêm nhường), tôn trọng những khác biệt (nhã nhặn), không nói hành (tin cẩn), và xem nhóm là một ưu tiên (tính thường xuyên). Khi bạn nhìn vào danh sách những đặc điểm này, bạn sẽ thấy rõ ràng tại sao mối thông công thật rất hiếm có. Nó có nghĩa là bạn phải từ bỏ sự hướng ngã và tự lập của mình để trở nên phụ thuộc vào nhau. Nhưng những ích lợi của việc chia sẻ cuộc sống cho nhau có giá trị hơn những gì phải trả, và nó chuẩn bị chúng ta cho cõi thiên đàng.


Suy Nghĩ Về Mục Đích Của Tôi: Ngày 19


Vấn Đề Suy Nghĩ: Cộng đồng đòi hỏi cam kết.


Câu Gốc: “Bởi đó chúng ta nhận biết lòng yêu thương, ấy là Chúa đã vì chúng ta bỏ sự sống; chúng ta cũng nên bỏ sự sống vì anh em mình vậy.” IGi1Ga 3:16


Câu Hỏi Suy Gẫm: Làm sao để tôi góp phần vun đắp những đặc tính của một cộng đồng thật trong nhóm nhỏ và Hội Thánh của mình?



bottom of page