top of page
Hung Tran
Jun 20, 2023
Sự hiệp nhất trong Hội thánh quan trọng đến nỗi Thánh Kinh Tân Ước chú trọng đến nó nhiều hơn là cả thiên đàng lẫn địa ngục...
NGÀY 21: BẢO VỆ HỘI THÁNH CỦA BẠN
“Phải khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà chìu nhau, dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh.”
Eph Ep 4:3
“Nhưng trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu thương, vì là dây liên lạc của sự trọn lành.”
CoCl 3:14
Công việc của bạn là bảo vệ sự hiệp nhất trong Hội thánh.
Sự hiệp nhất trong Hội thánh quan trọng đến nỗi Thánh Kinh Tân Ước chú trọng đến nó nhiều hơn là cả thiên đàng lẫn địa ngục. Đức Chúa Trời thực sự khao khát chúng ta kinh nghiệm sự hiệp một và hòa thuận lẫn nhau.
Sự hiệp nhất chính là linh hồn của mối thông công. Phá hủy nó tức là bạn bóp nát trái tim của Thân Thể Đấng Christ. Đó chính là ý nghĩa, cốt lõi của việc Đức Chúa Trời muốn chúng ta kinh nghiệm đời sống chung trong Hội Thánh Ngài. Gương hạnh trọn vẹn nhất cho sự hiệp nhất của chúng ta chính là Ba Ngôi. Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Linh hoàn toàn hiệp làm một. Chính Đức Chúa Trời là tấm gương cao cả nhất về tình yêu hy sinh, khiêm nhường, hướng ngoại và hòa thuận trọn vẹn.
Cũng giống như các bậc cha mẹ, Cha thiên thượng của chúng ta thích thú nhìn xem các con của Ngài hòa thuận với nhau. Trong những giờ phút cuối cùng trước khi bị bắt, Chúa Giê-xu cầu nguyện hết lòng cho sự hiệp nhất của chúng ta. Sự hiệp nhất của chúng ta là điều quan trọng nhất trong tâm trí Ngài suốt những giờ đau thương đó. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng của vấn đề.
Không có điều gì quý giá đối với Đức Chúa Trời hơn là Hội thánh của Ngài. Ngài đã trả cái giá cao nhất cho Hội đó, và Ngài muốn bảo vệ Hội thánh khỏi những nguy hại lớn lao của sự chia rẽ, xung đột và không hòa thuận. Nếu bạn là một thành viên trong gia đình của Đức Chúa Trời, thì trách nhiệm của bạn là bảo vệ sự hiệp nhất trong mối thông công. Bạn được Chúa Giê-xu ủy nhiệm là phải làm mọi điều có thể để duy trì sự hiệp nhất, bảo vệ mối thông công và thúc đẩy sự hòa thuận trong gia đình Hội thánh cũng như giữa vòng các tín nhân. Kinh Thánh chép, “Dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh.” (Eph Ep 4:3).
Chúng ta làm việc này cách nào? Kinh Thánh đã cho chúng ta một lời khuyên thực tiễn.
Hãy tập trung vào những điểm chung, chứ không phải những khác biệt, của chúng ta. Phao-lô nói rằng, “Vậy chúng ta hãy tìm cách làm nên hòa thuận và làm gương sáng cho nhau.” (RoRm 14:19). Là những tín nhân, chúng ta chia sẻ một Cứu Chúa, một thân thể, một mục đích, một Cha, một Thánh Linh, một niềm hy vọng, một đức tin, một báp-tem và một tình yêu thương. Chúng ta chia sẻ cùng một sự cứu rỗi, một cuộc sống, một tương lai-những yếu tố quan trọng hơn nhiều so với bất cứ khác biệt nào mà chúng ta có thể liệt kê ra. Đây là những vấn đề chúng ta cần phải tập trung vào, chứ không phải những khác biệt cá nhân chúng ta.
Chúng ta phải nhớ rằng chính Đức Chúa Trời quyết định ban cho chúng ta những nhân cách, nền tảng, chủng tộc, và sở thích khác nhau để chúng ta có thể xem trọng và tận hưởng những khác biệt đó, chứ không phải chịu đựng chúng. Đức Chúa Trời muốn sự hiệp một chứ không phải sự đồng dạng. Nhưng vì ích lợi của sự hiệp một, chúng ta không được để cho những khác biệt của mình gây ra sự chia rẽ. Chúng ta cần phải tập trung vào điều quan trọng nhất-đó là học biết yêu thương lẫn nhau như Đấng Christ đã yêu thương chúng ta, và làm trọn năm mục đích của Đức Chúa Trời cho mỗi đời sống chúng ta cũng như cho Hội thánh Ngài.
Sự xung đột thường là một dấu hiệu cho thấy chúng ta đã chú trọng vào những điều kém quan trọng hơn, những điều mà Kinh Thánh gọi là “điều tranh cạnh” (IITi 2Tm 2:23; RoRm 14:1). Khi chúng ta tập trung vào những cá tính, sở thích, cách hiểu vấn đề, các phong cách hay những phương pháp của chúng ta, sự chia rẽ luôn luôn xảy ra. Nhưng nếu chúng ta tập trung vào việc yêu thương lẫn nhau và làm thành những mục đích của Đức Chúa Trời, sự hòa thuận sẽ đến. Phao-lô nói thế này, “Hỡi anh em, tôi nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, khuyên anh em thảy đều phải đồng một tiếng nói với nhau, chớ phân rẽ nhau ra, nhưng phải hiệp một ý một lòng cùng nhau.” (ICo1Cr 1:10).
Hãy thực tế trong các mong muốn của bạn. Trừ khi bạn khám phá được điều Đức Chúa Trời muốn trong mối thông công thật, nếu không thật dễ để chúng ta trở nên thất vọng trước khoảng trống giữa lý tưởng và thực tế trong Hội thánh. Thế nhưng chúng ta phải hết lòng yêu thương Hội thánh bất chấp những bất toàn của Hội. Mong đợi điều lý tưởng trong khi lại phê phán thực tế là dấu hiệu của sự không trưởng thành. Mặt khác, bằng lòng với thực tại mà không tranh đấu để đạt đến lý tưởng là tự mãn. Trưởng thành là sống với sự căng thẳng.
Các tín nhân khác sẽ thất vọng về bạn và hạ thấp bạn xuống, nhưng đó không phải là lời bào chữa để khỏi thông công với họ nữa. Họ là gia đình của bạn, ngay cả khi bạn không tỏ ra như vậy, và bạn cũng không thể tách ra khỏi họ. Thay vào đó, Chúa phán với chúng ta, “Phải khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà chìu nhau.” (Eph Ep 4:2).
Nhiều người thất vọng với Hội thánh vì nhiều lý do dễ hiểu. Danh sách đó khá dài: xung đột, tổn thương, giả hình, thờ ơ, nhỏ nhen, câu nệ luật pháp, và các tội lỗi khác.
Thay vì bị sốc và ngạc nhiên, chúng ta phải nhớ rằng Hội thánh được hình thành từ những tội nhân thực thụ, gồm có cả chúng ta. Vì chúng ta là tội nhân, nên chúng ta làm tổn thương nhau, đôi khi cố tình, đôi khi vô ý. Nhưng thay vì rời bỏ Hội thánh, chúng ta cần phải ở lại và đối diện với nó. Sự hòa giải, chứ không phải bỏ chạy, là con đường dẫn đến một nhân cách mạnh mẽ hơn và một mối thông công sâu đậm hơn.
Lìa bỏ Hội thánh khi mới có dấu hiệu chán nản hay thất vọng đầu tiên là dấu hiệu của sự chưa trưởng thành. Đức Chúa Trời có nhiều điều muốn dạy bạn và cả những người khác nữa. Ngoài ra, không có một Hội thánh nào là hoàn hảo để bạn chạy đến. Mỗi Hội thánh đều có những yếu đuối và nan đề riêng. Rồi bạn sẽ sớm thất vọng nữa.
Groucho Marx nổi tiếng vì nói rằng ông ta không muốn thuộc về bất cứ câu lạc bộ nào nhận ông vào. Nếu một Hội thánh phải hoàn hảo mới làm bạn thỏa mãn, thì chính sự hoàn hảo đó sẽ loại trừ bạn, vì bạn không hoàn hảo!
Dietrich Bonhoffer, một mục sư người Đức đã tuận đạo vì chống lại Đức quốc xã, đã viết một tác phẩm kinh điển về sự thông công, Life Together. Trong đó ông nói rằng sự thất vọng đối với Hội thánh địa phương chúng ta là một điều tốt vì nó đánh đổ những mong muốn hão huyền của chúng ta về sự hoàn hảo. Chúng ta càng sớm loại bỏ những hão vọng về Hội thánh bao nhiêu, thì chúng ta càng sớm bắt đầu thừa nhận rằng tất cả chúng ta đều bất toàn và cần ân điển, đồng thời sẽ không giả đò nữa. Đó là khởi điểm của một cộng đồng thật.
Mỗi Hội thánh có thể trương lên một tấm bảng ghi rằng “Không một người hoàn hảo nào được vào đây. Nơi này chỉ dành cho những ai thừa nhận rằng họ là tội nhân, cần ân điển và muốn lớn lên.”
Bonhoffer nói, “Hễ ai yêu chuộng mơ ước của mình về cộng đồng nhiều hơn là chính cộng đồng Cơ-đốc thì sẽ trở thành người phá đổ chính cộng đồng Cơ-đốc đó… Nếu mỗi ngày chúng ta không tạ ơn vì mối thông công Cơ-đốc của mình, ngay cả khi không có một kinh nghiệm lớn lao nào, không có sự giàu có nào, mà chỉ có sự yếu đuối, đức tin nhỏ nhoi và khó khăn; nếu ngược lại, chúng ta cứ phàn nàn về mọi điều nhỏ nhặt, tầm thường, thì chúng ta đang ngăn trở Đức Chúa Trời khiến cho mối thông công của chúng ta lớn lên.”
Lựa chọn khích lệ thay vì chỉ trích. Lúc nào cũng vậy, đứng ngoài lề và chỉ trích những người đang phục vụ sẽ dễ dàng hơn là dấn thân đóng góp. Đức Chúa Trời cảnh báo chúng ta rằng không được chỉ trích, so sánh hoặc đoán xét lẫn nhau. Khi bạn chỉ trích điều mà một tín nhân khác đang làm bởi đức tin và một niềm tin chân thành, bạn đang ngăn trở công việc của Đức Chúa Trời: “Ngươi là ai mà dám xét đoán tôi tớ của kẻ khác? Nó đứng hay ngã, ấy là việc chủ nó; song nó sẽ đứng, vì Chúa có quyền cho nó đứng vững vàng.” (RoRm 14:4).
Phao-lô nói thêm rằng chúng ta không được đoán xét hoặc xem thường những tín hữu khác vì họ có niềm tin khác với chúng ta: “Nhưng ngươi, sao xét đoán anh em mình? Còn ngươi, sao khinh dể anh em mình? Vì chúng ta hết thảy sẽ ứng hầu trước tòa án Đức Chúa Trời.” (14:10).
Bất cứ khi nào tôi đoán xét một tín nhân khác, có bốn điều lập tức xảy ra:
- Tôi mất sự tương giao với Đức Chúa Trời,
- Tôi bộc lộ sự kiêu ngạo và bất an của mình,
- Tôi đưa mình vào chỗ bị Đức Chúa Trời đoán xét, và
- Tôi gây hại cho mối thông công của Hội thánh.
Tinh thần chỉ trích là một thói xấu đắt giá.
Kinh Thánh gọi Sa-tan là “kẻ kiện cáo anh em.” Công việc của ma quỷ là đổ lỗi, than phiền, và chỉ trích các thành viên trong gia đình của Đức Chúa Trời. Khi chúng ta làm cùng một công việc đó, chúng ta đang bị lừa để làm việc cho Sa-tan. Hãy nhớ rằng dù bạn có bất đồng với các Cơ-đốc nhân khác bao nhiêu thì họ vẫn không phải là kẻ thù thật của bạn. Bất cứ khi nào chúng ta dành thời gian so sánh hay chỉ trích những tín nhân khác thì đó lẽ ra phải là khoảng thời gian dùng để gây dựng sự hiệp nhất cho mối thông công của mình. Kinh Thánh chép, “Vậy chúng ta hãy tìm cách làm nên hòa thuận và làm gương sáng cho nhau.” (14:19).
Không nghe lời nói hành. Nói hành là lan truyền những thông tin khi mà bạn không liên quan đến vấn đề và cũng chẳng liên quan đến giải pháp. Bạn biết rằng nói hành là sai, nhưng bạn cũng không nên nghe người ta nói hành nữa, nếu bạn muốn bảo vệ Hội thánh mình. Nghe người ta nói hành cũng giống như chấp nhận của ăn cắp vậy, và nó cũng khiến bạn phạm cùng một tội đó.
Khi một ai đó bắt đầu nói hành với bạn, hãy can đảm để nói, “Xin đừng nói nữa. Tôi không cần phải biết chuyện này. Anh đã nói chuyện trực tiếp với người đó chưa?” Những người nào nói hành với bạn cũng sẽ nói hành về bạn. Họ không đáng tin. Nếu bạn nghe theo lời nói hành, Chúa gọi bạn là kẻ làm ác. “Kẻ làm ác chăm chỉ về môi gian ác; kẻ hay nói dối lắng tai nghe lưỡi độc hiểm.” (ChCn 17:4). “Ấy chính chúng nó là kẻ gây nên phe đảng, thuộc về tánh xác thịt, không có Đức Thánh Linh.” (Giu Gd 1:19).
Thật đáng buồn là trong bầy chiên của Đức Chúa Trời, những vết thương lớn nhất thường đến từ những con chiên khác thay vì chó sói. Phao-lô cảnh báo về những “Cơ-đốc nhân xác thịt” là những người “cắn nuốt nhau” và phá hủy mối thông công (GaGl 5:15). Kinh Thánh nói rằng phải lánh xa những kẻ nói hành. “Kẻ nào đi thèo lẻo bày tỏ điều kín đáo; vậy, chớ giao thông với kẻ hay hở môi quá.” (ChCn 20:19). Cách nhanh nhất để chấm dứt một xung đột trong Hội thánh hay trong nhóm nhỏ là đối chất với những người nói hành và bảo họ đừng làm như vậy nữa. Sa-lô-môn chỉ ra rằng, “Lửa tắt tại thiếu củi; khi chẳng có ai thèo lẻo cuộc tranh cạnh bèn nguôi.” (ChCn 26:20).
Tập theo phương pháp giải quyết xung đột của Chúa. Bênh cạnh những nguyên tắc được đề cập tới trong chương trước, Chúa Giê-xu cũng đã dạy cho Hội thánh ba bước đơn giản: “Nếu anh em ngươi phạm tội cùng ngươi, thì hãy trách người khi chỉ có ngươi với một mình người; như người nghe lời, thì ngươi được anh em lại. Ví bằng không nghe, hãy mời một hai người đi với ngươi, hầu cứ lời hai ba người làm chứng mà mọi việc được chắc chắn. Nếu người không chịu nghe các người đó, thì hãy cáo cùng Hội thánh” (Mat Mt 18:15-17a).
Trong khi xung đột, người ta dễ bị cám dỗ để than phiền với một bên thứ ba hơn là can đảm nói thẳng sự thật với người mà mình đang phật lòng. Điều này khiến cho vấn đề thêm trầm trọng. Thay vào đó, bạn nên đến trực tiếp nói chuyện với người có liên quan.
Gặp gỡ riêng tư luôn là bước đầu tiên, và bạn cần phải thực hiện bước này càng sớm càng tốt. Nếu bạn không thể giải quyết được vấn đề giữa hai người, bước tiếp theo là mời một hoặc hai nhân chứng đến để giúp khẳng định lại vấn đề và hòa giải mối quan hệ. Nếu người kia vẫn tiếp tục cứng lòng, không chịu nghe thì bạn nên làm gì? Chúa Giê-xu phán hãy nói với Hội thánh. Nếu người đó vẫn không chịu nghe sau khi bạn nói với Hội thánh rồi, thì hãy đối xử với người đó như một người ngoại.
Ủng hộ mục sư và những người lãnh đạo của bạn. Không có người lãnh đạo nào là hoàn hảo, nhưng Đức Chúa Trời giao cho những người lãnh đạo trách nhiệm và thẩm quyền để duy trì sự hiệp nhất của Hội thánh. Khi có xung đột liên cá nhân, thì công việc của họ gặp khó khăn nhiều. Các mục sư thường phải gánh lấy một nhiệm vụ nặng nề là làm trung gian cho những thành viên đang đau khổ, xung đột hay chưa trưởng thành. Họ cũng phải gánh vác một nhiệm vụ bất khả đó là cố gắng làm cho mọi người vui vẻ, là điều mà chính Chúa Giê-xu cũng không thể làm được!
Kinh Thánh nói rõ ràng về cách chúng ta phải đối xử với những người chăm lo cho chúng ta: “Hãy vâng lời kẻ dắt dẫn anh em và chịu phục các người ấy, bởi các người ấy tỉnh thức về linh hồn anh em, dường như phải khai trình, hầu cho các người ấy lấy lòng vui mừng mà làm xong chức vụ mình, không phàn nàn chi, vì ấy chẳng ích lợi gì cho anh em.” (HeDt 13:17).
Các mục sư một ngày nào đó phải đứng trước mặt Đức Chúa Trời và giải trình về việc họ chăm lo cho bạn như thế nào. “Các người ấy tỉnh thức về linh hồn anh em, dường như phải khai trình.” (13:17). Nhưng bạn cũng phải chịu trách nhiệm nữa. Bạn phải giải trình trước mặt Đức Chúa Trời về việc bạn tuân theo những người lãnh đạo đó ra sao.
Kinh Thánh hướng dẫn các mục sư rất chi tiết về cách đối xử với những người gây chia rẽ trong mối thông công. Họ phải tránh cãi lẫy, phải nhẹ nhàng dạy dỗ những người chống đối trong khi cầu nguyện để họ được thay đổi, phải cảnh tỉnh những người hay tranh cãi, cầu xin Chúa ban sự hòa thuận và hiệp nhất, phải quở trách những ai thiếu tôn trọng sự lãnh đạo, và đưa những người gây chia rẽ ra ngoài Hội thánh nếu họ không chịu nghe sau hai lần cảnh cáo.
Chúng ta bảo vệ mối thông công khi chúng ta tôn trọng những người nào lãnh đạo mình. Các mục sư và các trưởng lão cần lời cầu nguyện, sự khích lệ, tôn trọng và yêu thương của chúng ta. Chúng ta phải “kính trọng kẻ có công khó trong vòng anh em, là kẻ tuân theo Chúa mà chỉ dẫn và dạy bảo anh em. Hãy lấy lòng rất yêu thương đối với họ vì cớ công việc họ làm.” (ITe1Tx 5:12-13a).
Tôi thách thức bạn gánh vác trách nhiệm của mình nhằm bảo vệ và gây dựng sự hiệp nhất trong Hội thánh. Hãy hết lòng vì nó, và Đức Chúa Trời sẽ đẹp lòng. Việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Đôi lúc bạn sẽ phải làm điều gì tốt nhất cho Thân Thể, chứ không phải cho chính bạn, dành ưu tiên cho những người khác. Đó là một lý do tại sao Đức Chúa Trời đặt để chúng ta trong gia đình Hội thánh của Ngài-để học biết vị tha. Trong cộng đồng, chúng ta học biết cách nói “chúng ta” thay vì “tôi,” và “của chúng ta” thay vì “của tôi.” Chúa phán, “Chớ ai tìm lợi riêng cho mình, nhưng ai nấy hãy tìm cho kẻ khác.” (ICo1Cr 10:24).
Đức Chúa Trời ban phước cho Hội thánh nào hiệp nhất. Tại Hội Thánh Saddleback, mỗi thành viên ký một cam kết trong có lời hứa sẽ bảo vệ sự hiệp nhất của mối thông công. Kết quả là Hội thánh chưa bao giờ gặp phải một xung đột nào đe dọa chia cắt Hội thánh. Cho nên, nhiều người muốn trở thành thành viên của nơi đây, bởi lẽ đó là một mối thông công yêu thương, hiệp nhất. Trong vòng bảy năm qua, Hội thánh đã làm báp-tem cho hơn 9100 tân tín hữu. Khi Đức Chúa Trời có rất nhiều con đỏ mà Ngài muốn giải cứu, Ngài tìm kiếm Hội thánh nào là lò ấp ấm áp nhất và đem họ vào đó.
Cá nhân bạn hiện đang làm gì để khiến Hội thánh bạn trở nên ấm cúng và yêu thương hơn? Có rất nhiều người trong cộng đồng của bạn đang tìm kiếm tình yêu thương và một nơi nào đó để nương dựa. Sự thật là mọi người đều cần và muốn mình được yêu, và khi người ta tìm được một Hội thánh nơi mà các thành viên chân thành yêu thương cũng như chăm lo cho nhau, thì bạn sẽ phải khóa cửa để họ đừng ùa vào.
Suy Nghĩ Về Mục Đích Của Tôi: Ngày 21
Vấn Đề Suy Nghĩ: Trách nhiệm của tôi là bảo vệ sự hiệp nhất của Hội thánh.
Câu Gốc: “Vậy chúng ta hãy tìm cách làm nên hòa thuận và làm gương sáng cho nhau.” RoRm 14:19
Câu Hỏi Suy Gẫm: Cá nhân tôi hiện đang làm gì để bảo vệ sự hiệp nhất trong Hội thánh?
bottom of page