top of page

NGÀY 24 : ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI LẼ THẬT

Hung Tran

Jun 17, 2023

Sự tăng trưởng tâm linh là quá trình thay thế những lời giả dối bằng lẽ thật...



NGÀY 24: ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI LẼ THẬT


“Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời.”

Mat Mt 4:4

“Bây giờ tôi giao phó anh em cho Đức Chúa Trời và cho đạo của ơn Ngài, là giao phó cho Đấng có thể gây dựng, và ban gia tài cho anh em chung với hết thảy những người được nên thánh.”

Cong Cv 20:32


* Lẽ thật biến đổi chúng ta.


Sự tăng trưởng tâm linh là quá trình thay thế những lời giả dối bằng lẽ thật. Chúa Giê-xu cầu nguyện, “Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên thánh; lời Cha tức là lẽ thật” (GiGa 17:17). Sự nên thánh đòi hỏi sự mặc khải. Thánh Linh Đức Chúa Trời dùng Lời Ngài để khiến chúng ta trở nên giống như Con Đức Chúa Trời. Để trở nên giống như Chúa Giê-su, chúng ta phải đầy dẫy đời sống mình bằng Lời Ngài. Kinh Thánh chép, “Nhờ Lời Đức Chúa Trời, chúng ta được tập hợp nhau lại và chuẩn bị cho những công việc mà Ngài đã sắm sẵn cho chúng ta” (IITi 2Tm 3:17 bản Msg-ND).


Lời Đức Chúa Trời không giống như bất cứ lời nào khác. Đó là lời sống. Chúa Giê-xu phán, “Những lời ta phán cùng các ngươi đều là thần linh và sự sống” (GiGa 6:63). Khi Đức Chúa Trời phán, mọi sự thay đổi. Mọi sự xung quanh bạn-toàn bộ sự sáng tạo-đi vào hiện hữu vì “Đức Chúa Trời phán.” Ngài phán và tất cả hiện hữu. Không có Lời Đức Chúa Trời thì bạn cũng không thể sống được. Gia-cơ nói rõ, “Ấy chính Ngài theo ý muốn mình, đã dùng lời chân thật sanh chúng ta, hầu cho chúng ta được nên như trái đầu mùa của những vật Ngài dựng nên.” (Gia Gc 1:18).


Kinh Thánh không chỉ là một sách chỉ nam tín lý. Lời Đức Chúa Trời tạo ra sự sống, đức tin, đem đến sự thay đổi, làm ma quỷ sợ hãi, khiến phép lạ xảy ra, chữa lành những vết thương, xây dựng nhân cách, thay đổi hoàn cảnh, truyền thụ niềm vui, giúp vượt qua bất hạnh, đánh bại cám dỗ, đem đến hy vọng, khai phóng quyền năng, thanh tẩy tâm trí, khiến sự vật ra hiện hữu, và bảo đảm cho chúng ta một tương lai đời đời! Chúng ta không thể sống mà không có Lời Đức Chúa Trời! Đừng bao giờ xem thường Lời đó. Bạn phải xem Lời Ngài cần thiết cho cuộc đời mình như là thức ăn vậy. Gióp nói, “Tôi chẳng hề lìa bỏ các điều răn của môi Ngài, vẫn vâng theo lời của miệng Ngài hơn là ý muốn lòng tôi.” (Giop G 23:12).

Lời Đức Chúa Trời là chất dinh dưỡng thuộc linh mà bạn cần phải có để làm thành mục đích của mình. Kinh Thánh gọi đó là sữa, bánh, đồ ăn đặc, và mật ngọt. Bữa ăn bốn món này là thực đơn của Thánh Linh nhằm đem lại sức mạnh và sự tăng trưởng tâm linh. Phi-e-rơ khuyên chúng ta, “Hãy ham thích sữa thiêng liêng của đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh hồn.” (IPhi 1Pr 2:2).


* Làm Theo Lời Của Đức Chúa Trời


Ngày nay Kinh Thánh được in ra nhiều hơn bao giờ hết, nhưng một quyển Kinh Thánh chỉ nằm trên kệ thì chẳng có giá trị gì. Hàng triệu tín nhân đang mắc chứng biếng ăn thuộc linh, đang chết đói do thiếu dinh dưỡng thuộc linh. Để làm một môn đồ khỏe mạnh của Đức Chúa Giê-xu, ăn nuốt Lời của Đức Chúa Trời phải là ưu tiên hàng đầu của bạn. Chúa Giê-xu gọi đó là “làm theo.” Ngài phán, “Nếu các ngươi làm theo lời ta, thì các ngươi thực sự là môn đồ ta.” (GiGa 8:31). Trong cuộc sống hằng ngày, làm theo Lời Đức Chúa Trời gồm có ba việc:


1) Tôi phải chấp nhận thẩm quyền của Lời Đức Chúa Trời. Kinh Thánh phải là tiêu chuẩn quyết định cho cuộc đời tôi: một chiếc la bàn mà tôi có thể tin cậy để định hướng, một nguồn tư vấn mà tôi lắng nghe để có những quyết định khôn ngoan, và là tiêu chuẩn để tôi đánh giá mọi sự. Kinh Thánh phải luôn luôn là lời nói đầu tiên và cuối cùng của cuộc đời tôi.

Đa số các nan đề của chúng ta xuất hiện là vì chúng ta đưa ra những quyết định dựa trên các tiêu chuẩn không đáng tin cậy: văn hóa (“Mọi người đều làm như vậy mà.”), truyền thống (“Chúng ta luôn làm như thế mà.”), lý luận (“Nó có vẻ hợp lý.”), hay tình cảm (“Tôi cảm thấy thế là đúng.”). Cả bốn điều này đã bị Sự Sa Ngã làm cho lầm lạc. Điều chúng ta cần là một tiêu chuẩn trọn vẹn vốn không bao giờ khiến chúng ta đi sai hướng. Chỉ có Lời Đức Chúa Trời mới đáp ứng được nhu cầu đó. Sa-lô-môn nhắc nhở chúng ta rằng, “Các lời của Đức Chúa Trời đều đã thét luyện” (ChCn 30:5), và Phao-lô giải thích, “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình.” (IITi 2Tm 3:16).

Trong những năm đầu của chức vụ, Billy Graham trải qua một khoảng thời gian ông phải tranh đấu với những nghi ngờ về tính chính xác và thẩm quyền của Kinh Thánh. Vào một đêm sáng trăng nọ, ông quỳ gối xuống, nước mắt đong đầy và nói với Chúa rằng bất chấp những phân đoạn khó hiểu mà ông không thể hiểu được, từ giờ phút đó trở đi, ông sẽ hoàn toàn tin Kinh Thánh là thẩm quyền duy nhất cho đời sống và chức vụ của ông. Từ ngày hôm đó trở đi, cuộc đời của Billy được đầy dẫy ơn phước với quyền năng và kết quả lớn lao.

Quyết định quan trọng nhất bạn có thể chọn hôm nay đó là giải quyết vấn đề điều gì sẽ là thẩm quyền cao nhất trên cuộc đời bạn. Hãy quyết định bất chấp văn hóa, truyền thống, lý luận, hay tình cảm, hãy chọn Kinh Thánh làm thẩm quyền cao nhất trên bạn. Hãy quyết định cho vấn đề này trước, “Kinh Thánh nói gì?” Hãy quyết tâm rằng khi Đức Chúa Trời phán một điều gì đó, bạn sẽ tin cậy Lời Ngài và làm theo dù điều đó có tỏ ra vô nghĩa hoặc bạn không thích làm. Hãy mượn lời của Phao-lô làm lời tuyên xưng cho cá nhân bạn: “Tôi thờ phượng Đức Chúa Trời … và tin mọi điều chép trong sách luật và các sách tiên tri” (Cong Cv 24:14).


2) Tôi phải đồng hóa với lẽ thật của Kinh Thánh. Chỉ tin Kinh Thánh thôi chưa đủ; tôi phải làm đầy tâm trí mình bằng lời Kinh Thánh để Thánh Linh có thể biến đổi tôi bằng lẽ thật. Có năm cách để làm điều này: bạn có thể tiếp nhận Kinh Thánh, đọc Kinh Thánh, nghiên cứu Kinh Thánh, ghi nhớ Kinh Thánh, và suy gẫm Kinh Thánh.


.Trước hết, bạn tiếp nhận Lời Đức Chúa Trời khi bạn lắng nghe và tiếp nhận Lời với một thái độ cởi mở, tiếp thu. Ví dụ về người gieo giống cho thấy thái độ tiếp nhận của chúng ta quyết định việc Lời của Đức Chúa Trời có đâm rễ và sinh bông trái trong cuộc đời chúng ta hay không. Chúa Giê-xu xác định có ba thái độ không tiếp nhận-một tâm trí khép kín (đất cứng), một tâm trí nông cạn (đất mỏng), và một tâm trí phân tán (đất có cỏ dại)-và rồi Ngài phán, “Vậy, hãy coi chừng về cách các ngươi nghe” (LuLc 8:18).


Bất cứ khi nào bạn cảm thấy mình không học được một điều gì đó từ bài giảng hay một giáo sư Kinh Thánh, bạn nên xem lại thái độ của mình, đặc biệt là sự kiêu ngạo, vì Đức Chúa Trời có thể phán thông qua người giáo sư buồn tẻ nhất miễn là bạn hạ mình và tiếp nhận. Gia-cơ khuyên, “Vậy, hãy bỏ đi mọi điều ô uế, và mọi điều gian ác còn lại, đem lòng nhu mì nhận lấy lời đã trồng trong anh em, là lời cứu được linh hồn của anh em” (Gia Gc 1:21).

. Thứ hai, phần lớn thời gian trong khoảng 2,000 năm lịch sử của Hội Thánh chỉ có những thầy tế lễ được đọc Kinh Thánh cách cá nhân, nhưng bây giờ thì hàng tỉ người trong số chúng ta có thể đọc được rồi. Dầu vậy, nhiều tín nhân trung tín trong việc đọc nhật báo hơn là đọc Kinh Thánh. Thật chẳng có gì ngạc nhiên khi chúng ta không lớn lên. Chúng ta không thể xem TV trong ba tiếng đồng hồ, rồi đọc Kinh Thánh trong ba phút, và mong đợi mình trưởng thành.

Nhiều người tuyên bố tin Kinh Thánh “từ trang đầu đến trang cuối” lại chưa bao giờ đọc Kinh Thánh từ đầu đến cuối. Nếu bạn chỉ đọc Kinh Thánh có mười lăm phút mỗi ngày, bạn sẽ đọc hết trong vòng một năm. Nếu bạn bớt ba mươi phút xem TV mỗi ngày để đọc Kinh Thánh thì bạn sẽ đọc được hai lần mỗi năm.

Đọc Kinh Thánh sẽ giúp bạn gần gũi với tiếng phán của Đức Chúa Trời. Đó là lý do tại sao Đức Chúa Trời bảo các vị vua Y-sơ-ra-ên phải luôn giữ Lời Ngài ở bên: “Bản ấy phải ở bên vua trọn đời, vua phải đọc ở trong, để tập biết kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, cẩn thận làm theo các lời của luật pháp nầy, và hết thảy điều răn nầy” (PhuDnl 17:19). Nhưng đừng chỉ mang Kinh Thánh theo bên mình, hãy đọc nó thường xuyên! Một công cụ đơn giản và hữu ích để làm việc này là lịch đọc Kinh Thánh hằng ngày. Nó sẽ giúp bạn không đọc Kinh Thánh theo kiểu nhảy cóc và bỏ qua nhiều phần khác nhau. Nếu bạn muốn dùng lịch đọc Kinh Thánh của tôi, hãy xem ở phụ lục 2.

. Thứ ba, nghiên cứu, hay học hỏi Kinh Thánh là một cách thực tiễn khác để làm theo Lời. Sự khác biệt giữa việc đọc và nghiên cứu Kinh Thánh chính là ở chỗ này: nghiên cứu Kinh Thánh gồm có việc đặt câu hỏi về bản văn và viết xuống những suy nghĩ của bạn. Bạn không thực sự nghiên cứu Kinh Thánh nếu không viết những ý tưởng của mình xuống giấy hoặc vào máy tính.

Ở đây không có đủ chỗ để tôi giải thích về các phương pháp nghiên cứu Kinh Thánh khác nhau. Hiện đang có nhiều cuốn sách khá hữu ích về vấn đề này, bao gồm cả cuốn tôi đã viết hơn hai mươi năm trước. Chìa khóa của việc nghiên cứu Kinh Thánh hiệu quả đó là học biết cách đặt đúng các câu hỏi. Các phương pháp khác nhau dùng nhiều câu hỏi khác nhau.

Bạn sẽ khám phá nhiều hơn nếu dừng lại một chút và hỏi những câu đơn giản như Ai? Cái gì? Khi nào? Ở đâu? Tại sao? Và như thế nào? Kinh Thánh nói rằng, “Nhưng kẻ nào xét kĩ luật pháp trọn vẹn, là luật pháp về sự tự do, lại bền lòng suy gẫm lấy, chẳng phải nghe rồi quên đi, nhưng hết lòng giữ theo phép tắc nó, thì kẻ đó sẽ tìm được phước trong sự mình vâng lời.” (Gia Gc 1:25).

. Cách thứ tư để làm theo Lời Đức Chúa Trời là ghi nhớ nó. Khả năng ghi nhớ của bạn là một ơn Đức Chúa Trời ban cho. Có thể bạn nghĩ rằng mình có trí nhớ kém, nhưng sự thật là bạn nhớ được hàng triệu ý tưởng, biến cố, dữ kiện và nhân vật trong đầu mình. Bạn nhớ điều gì quan trọng đối với bạn. Nếu Lời Đức Chúa Trời là quan trọng, bạn sẽ dành thời gian để ghi nhớ nó.

Có vô số lợi ích của việc học thuộc lòng Kinh Thánh. Nó giúp bạn chống lại sự cám dỗ, có những quyết định khôn ngoan, giảm căng thẳng, xây dựng lòng tin, có lời khuyên tốt và chia sẻ niềm tin của mình với những người khác.

Trí nhớ của bạn cũng giống như cơ bắp. Bạn dùng nó càng nhiều, thì nó càng trở nên mạnh mẽ, và học thuộc lòng Kinh Thánh sẽ dễ dàng hơn. Bạn có thể bắt đầu bằng cách lựa chọn một số câu Kinh Thánh trong sách này và viết lên một tấm card nhỏ rồi mang theo bên người. Sau đó hãy lớn tiếng ôn lại chúng trong ngày. Bạn có thể học Kinh Thánh ở bất cứ nơi đâu: trong lúc đang làm việc, tập thể dục, lái xe, chờ đợi hoặc chuẩn bị ngủ. Ba chìa khóa để học thuộc lòng Kinh Thánh là ôn lại, ôn lại và ôn lại! Kinh Thánh chép rằng, “Nguyền xin lời của Đấng Christ ở đầy trong lòng anh em, và anh em dư dật mọi sự khôn ngoan.” (CoCl 3:16a).

. Cách thứ năm để làm theo Lời Đức Chúa Trời là suy gẫm về nó. Đối với nhiều người, ý tưởng suy gẫm gợi lên cho họ hình ảnh cố gắng làm cho tâm trí mình không suy nghĩ gì hết và để nó đi lang thang. Điều này hoàn toàn trái với sự suy gẫm mà Kinh Thánh đề cập tới. Suy gẫm là sự suy nghĩ có tập trung. Nó đòi hỏi nỗ lực lớn. Bạn chọn một câu và suy đi gẫm lại về nó trong trí mình.

Như tôi đề cập trong chương 11, nếu bạn biết lo lắng là gì, thì bạn cũng đã biết suy gẫm rồi. Lo lắng là suy nghĩ tập trung vào một điều gì đó tiêu cực. Suy gẫm cũng như vậy, nhưng thay vì tập trung vào nan đề của mình, bạn tập trung vào Lời Đức Chúa Trời.

Không một thói quen nào khác có thể làm biến đổi cuộc đời bạn trở nên giống như Chúa Giê-xu nhiều hơn là sự suy gẫm Kinh Thánh hằng ngày. Khi chúng ta dành thời gian suy gẫm về lẽ thật của Đức Chúa Trời, nghiêm túc ngẫm nghĩ về tấm gương của Đấng Christ, chúng ta được “hóa nên cũng một ảnh tượng Ngài, từ vinh hiển qua vinh hiển, như bởi Chúa, là Thánh Linh” (IICo 2Cr 3:18).


Nếu bạn tra lại tất cả những lần Đức Chúa Trời nói về việc suy gẫm trong Kinh Thánh, bạn sẽ ngạc nhiên về những ích lợi mà Ngài hứa ban cho những ai dành thời gian suy gẫm về lời Ngài suốt cả ngày. Một trong những lý do Đức Chúa Trời gọi Đa-vít “người vừa lòng ta” (Công Cv 13:22) đó là ông yêu thích suy gẫm Lời Ngài. Ông nói, “Tôi yêu mến luật pháp Chúa biết bao! Trọn ngày tôi suy gẫm luật pháp ấy” (Thi Tv 119:97). Sự suy gẫm nghiêm túc về lẽ thật của Đức Chúa Trời là chiếc chìa khóa để lời cầu xin được nhậm và sống thành công.


3) Tôi phải áp dụng những nguyên tắc của Kinh Thánh. Tiếp nhận, đọc, nghiên cứu, học thuộc lòng và suy gẫm Lời Đức Chúa Trời sẽ rất vô dụng nếu chúng ta không đem ra thực hành. Chúng ta phải trở thành “những người làm theo Lời” (Gia Gc 1:22 bản KJV-ND). Đây là bước khó nhất trong tất cả các bước đó, vì Sa-tan hết mình chống cự lại. Hắn không hề quan tâm đến việc bạn nghiên cứu Kinh Thánh bao nhiêu miễn là bạn không làm theo điều bạn học.


Chúng ta tự lừa dối chính mình khi cho rằng chúng ta nghe hay đọc hoặc nghiên cứu một lẽ thật là chúng ta đã tiếp thu được nó rồi. Thật ra bạn có thể bận rộn với những khóa hội thảo hay các chương trình nghiên cứu Kinh Thánh nọ đến độ bạn không còn thời gian áp dụng điều mà bạn vừa học. Bạn quên nó ngay trên đường đi đến buổi học tiếp theo. Không có áp dụng, mọi sự nghiên cứu Kinh Thánh của chúng ta đều vô ích. Chúa Giê-xu phán, “Vậy, kẻ nào nghe và làm theo lời ta phán đây, thì giống như một người khôn ngoan cất nhà mình trên hòn đá.” (Mat Mt 7:24). Chúa Giê-xu cũng nói rõ rằng phước hạnh của Đức Chúa Trời tuôn đổ qua sự vâng theo lẽ thật, chứ không phải chỉ biết nó. Ngài phán, “Ví bằng các ngươi biết những sự nầy, thì có phước, miễn là các ngươi làm theo.” (GiGa 13:17).

Một lý do khác khiến chúng ta né tránh việc áp dụng cá nhân là vì nó có thể rất khó khăn hay thậm chí đau đớn. Lẽ thật sẽ giải phóng bạn, nhưng trước hết, có thể nó sẽ khiến bạn khổ sở! Lời Đức Chúa Trời phơi bày những động cơ của chúng ta, chỉ ra những sai lầm chúng ta mắc phải, cáo trách các tội lỗi chúng ta và mong muốn chúng ta thay đổi. Bản chất của con người là kháng cự trước sự thay đổi, cho nên áp dụng Lời Đức Chúa Trời là một công việc khó khăn. Đó là lý do tại sao thảo luận những áp dụng cá nhân của bạn với người khác là điều quan trọng như vậy.

Tôi không hề nói quá về tầm quan trọng của việc làm thành viên trong một nhóm học Kinh Thánh thảo luận. Chúng ta luôn học hỏi được từ người khác những sự thật mà chúng ta không bao giờ học được khi chỉ có một mình. Người khác sẽ giúp bạn nhìn thấy những ý mà có thể bạn không thấy cũng như giúp bạn áp dụng lẽ thật của Đức Chúa Trời một cách thực tiễn.

Các tốt nhất để trở thành “người làm theo Lời” là luôn luôn viết ra bước hành động kế tiếp tùy theo sự dạy dỗ của phần Kinh Thánh mà bạn đã đọc, nghiên cứu hoặc suy gẫm. Hãy phát triển thói quen viết lại chính xác những gì bạn dự định làm. Bước này chỉ nên dành cho riêng bạn (một mình bạn mà thôi), phải thực tiễn (một điều gì đó bạn có thể làm ), và có thể đo lường (có một giới hạn nào đó để thực hiện). Mọi sự áp dụng sẽ hoặc liên quan tới mối tương giao giữa bạn với Đức Chúa Trời, quan hệ của bạn với những người khác hoặc nhân cách của bạn.

Trước khi đọc chương tiếp theo, hãy dành ít thời gian suy nghĩ về câu hỏi này: Đức Chúa Trời đã bảo bạn làm gì trong Lời Ngài mà bạn vẫn chưa bắt đầu làm? Sau đó hãy viết xuống một số việc nào đó giúp bạn làm được điều mà bạn biết mình cần làm. Bạn có thể nói với một người bạn nào đó. Như D. L. Moody có nói, “Kinh Thánh ban cho chúng ta không phải để gia tăng kiến thức bèn là để biến đổi cuộc đời chúng ta.”


Suy Nghĩ Về Mục Đích Của Tôi: Ngày 24


Vấn Đề Suy Nghĩ: Lẽ thật biến đổi tôi.


Câu Gốc: “Nếu các ngươi hằng ở trong đạo ta, thì thật là môn đồ ta; các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi.” GiGa 8:31-32


Câu Hỏi Suy Gẫm: Đức Chúa Trời đã bảo tôi làm gì trong Lời Ngài mà tôi vẫn chưa bắt đầu làm?



bottom of page