top of page
Hung Tran
Jul 9, 2023
Cuộc đời của mỗi con người đều được lèo lái bởi một điều gì đó...
NGÀY 3: ĐIỀU GÌ LÈO LÁI CUỘC ĐỜI BẠN?
“Ta cũng thấy mọi công lao và mọi nghề khéo là điều gây cho người nầy kẻ khác ganh ghét nhau!”
TrGv 4:4
“Người nào không có mục đích cũng giống như con thuyền không bánh lái-một kẻ bơ vơ, chẳng là gì cả, chẳng là ai cả.” Thomas Carlyle.
Cuộc đời của mỗi con người đều được lèo lái bởi một điều gì đó.
Hầu hết các tự điển đều định nghĩa lèo lái là “hướng dẫn, điều khiển hoặc định hướng.” Khi bạn lái xe, đóng đinh hoặc đánh quả bóng golf, bạn đang hướng dẫn, điều khiển và định hướng ngay trong thời điểm đó. Động cơ lèo lái cuộc đời bạn là gì?
Ngay trong lúc này đây, bạn có thể đang bị lèo lái bởi một nan đề, một áp lực, hoặc một kỳ hạn nào đó. Bạn có thể đang bị lèo lái bởi một ký ức đau khổ, một nỗi sợ kinh hoàng, hoặc một niềm tin vô thức nào đó. Có hàng trăm hoàn cảnh, giá trị và những tình cảm có thể lèo lái cuộc đời bạn. Sau đây là năm điều phổ biến nhất trong số đó:
Nhiều người bị lèo lái bởi mặc cảm tội lỗi. Họ sống cả đời loanh quanh với những nuối tiếc hoặc cố gắng che đậy sự xấu hổ của mình. Những người bị mặc cảm tội lỗi lèo lái luôn bị ký ức điều khiển. Họ để cho quá khứ của mình điều khiển tương lai họ. Họ thường tự trừng phạt mình một cách vô ý thức khi ngầm phá hỏng thành công của chính mình. Khi Ca-in phạm tội, mặc cảm tội lỗi của ông đã lôi kéo ông ra khỏi sự hiện diện của Đức Chúa Trời, và Chúa phán, “Ngươi sẽ lưu lạc và trốn tránh, trên mặt đất.” (SaSt 4:12). Đó là điều mô tả hầu hết mọi người thời nay-lang thang trong cuộc sống mà không có mục đích gì.
Chúng ta là những sản phẩm của quá khứ của chính mình, nhưng chúng ta không cần phải làm tù nhân cho nó. Mục đích của Đức Chúa Trời không hề bị giới hạn bởi quá khứ của bạn. Ngài đã biến một kẻ sát nhân tên Môi-se thành một nhà lãnh đạo, và một kẻ hèn nhát tên Ghê-đê-ôn thành một anh hùng can đảm, và Ngài cũng có thể làm những điều thật kỳ diệu trọn phần còn lại của cuộc đời bạn nữa. Đức Chúa Trời là Đấng chuyên ban cho con người những khởi đầu mới. Kinh Thánh chép, “Phước thay cho người nào được tha sự vi phạm mình! Được khỏa lấp tội lỗi mình!” (Thi Tv 32:1).
Nhiều người bị lèo lái bởi lòng oán giận. Họ cứ bám lấy những đau khổ của mình mà không bao giờ vượt qua chúng. Thay vì thoát khỏi nỗi đau của họ bằng sự tha thứ, họ nhắc lại nó hết lần này đến lần khác trong trí mình. Một số người bị lèo lái bởi lòng oán giận thường “câm lặng” và đè nén cơn giận của họ trong khi đó có một số người “nổi điên” và tuôn đổ nó lên những người khác. Cả hai phản ứng này đều không lành mạnh và không ích lợi gì. Lòng oán giận luôn khiến bạn đau đớn nhiều hơn là người mà bạn oán giận. Trong khi người có lỗi với bạn có lẽ đã quên chuyện đó và tiếp tục sống, thì bạn cứ ôm lấy nỗi đau của mình, ghi nhớ mãi quá khứ.
Hãy nghe điều này: Những người đã làm bạn đau khổ trong quá khứ không thể tiếp tục làm bạn đau khổ nữa trừ khi bạn cứ tiếp tục bám lấy nỗi đau bằng lòng oán giận. Quá khứ của bạn là quá khứ! Không một điều gì có thể thay đổi được. Bạn đang tự làm mình đau khổ bằng sự cay đắng mà thôi. Vì lợi ích của chính bạn, hãy học điều gì đó từ nó, và rồi bỏ nó đi. Kinh Thánh chép rằng, “Vì nổi sầu thảm giết người ngu muội, sự đố kỵ làm chết kẻ đơn sơ.” (Giop G 5:2).
Nhiều người bị lèo lái bởi sự sợ hãi. Những sợ hãi này có thể là kết quả của một kinh nghiệm đau buồn, những mong muốn phi thực tế, lớn lên trong một gia đình khắt khe, hoặc khuyết tật về gen. Dù với bất cứ lý do nào, thì những người bị sự sợ hãi lèo lái thường bỏ lỡ những cơ hội lớn vì họ luôn sợ rằng mình sẽ thất bại. Thay vào đó, họ lựa chọn những gì có vẻ an toàn, tránh mạo hiểm và luôn cố gắng duy trì nguyên trạng.
Nỗi sợ hãi là một nhà tù tự tạo khiến bạn không thể trở thành điều mà Đức Chúa Trời muốn bạn trở thành. Bạn phải chống lại nó bằng những vũ khí của đức tin và tình yêu thương. Kinh Thánh chép, “Quyết chẳng có điều sợ hãi trong sự yêu thương, nhưng sự yêu thương trọn vẹn thì cắt bỏ sự sợ hãi; vì sự sợ hãi có hình phạt, và kẻ đã sợ hãi thì không được trọn vẹn trong sự yêu thương.” (IGi1Ga 4:18).
Nhiều người bị lèo lái bởi chủ nghĩa vật chất. Khao khát vật chất đã trở thành mục tiêu chính của cuộc đời họ. Sự thúc đẩy con người ta luôn muốn có nhiều hơn đặt nền tảng trên những quan niệm sai lầm rằng có nhiều hơn thì sẽ hạnh phúc hơn, quan trọng hơn, và an toàn hơn, nhưng cả ba điều đó đều không đúng sự thật. Của cải chỉ mang lại hạnh phúc ngắn ngủi. Bởi vì vật chất thì không thay đổi và cuối cùng chúng ta trở nên nhàm chán với nó và thế là muốn có những cái mới hơn, lớn hơn, tốt hơn.
Việc tôi có nhiều hơn tức là tôi sẽ trở nên quan trọng hơn cũng chỉ là chuyện hoang đường. Giá trị của bản thân và giá trị thực không giống nhau. Giá trị của bạn không thể quyết định bằng những của cải bạn có, và Chúa phán rằng những thứ có giá trị nhất trong cuộc đời là không có gì cả!
Một quan niệm sai lầm phổ biến nhất về tiền bạc đó là có nhiều tiền hơn thì sẽ được an toàn hơn. Không. Sự giàu có có thể mất đi trong phút chốc bởi tác động của nhiều yếu tố khác nhau ngoài tầm kiểm soát. Sự an ninh thật chỉ có thể được tìm thấy nơi những gì không thể lấy khỏi bạn được-đó chính là mối tương giao của bạn với Đức Chúa Trời.
Nhiều người bị lèo lái bởi nhu cầu được chấp nhận. Họ để cho những mong muốn của cha mẹ, người bạn đời, con cái, thầy giáo hay bạn bè điều khiển cuộc đời họ. Nhiều người trưởng thành vẫn đang cố gắng tìm sự chấp nhận nơi những người cha người mẹ không thể nào làm cho hài lòng được. Những người khác thì bị lèo lái bởi áp lực của những người đồng trang lứa với mình, luôn luôn lo lắng về điều người khác có thể nghĩ về mình. Thật không may là hễ ai chạy theo đám đông thì thường lạc mất trong đó. Tôi không biết mọi chìa khóa dẫn đến thành công, nhưng một trong những chìa khóa dẫn đến thất bại chính là cố gắng làm vừa lòng mọi người. Để cho mình bị điều khiển bởi những quan điểm của người khác là con đường chắc chắn đưa bạn đến chỗ đánh mất những mục đích của Đức Chúa Trời cho cuộc đời bạn. Chúa Giê-su phán, “Chẳng ai được làm tôi hai chủ.” (Mat Mt 6:24).
Có nhiều động cơ khác lèo lái cuộc đời của bạn, nhưng tất cả đều dẫn đến cùng một ngõ cụt: tiềm năng bị lãng phí, căng thẳng không cần thiết và một đời sống không đầy trọn.
Cuộc hành trình 40 ngày này sẽ chỉ cho bạn cách để sống một đời sống theo đúng mục đích -một đời sống được hướng dẫn, điều khiển và lèo lái bởi những mục đích của Đức Chúa Trời. Không có điều gì quan trọng hơn là nhận biết những mục đích của Đức Chúa Trời cho cuộc đời bạn, và không điều gì có thể bù đắp cho được nếu bạn không biết đến chúng-không phải thành công, giàu có, danh tiếng hay khoái lạc. Không có mục đích, cuộc đời là một hành trình vô nghĩa, một hoạt động vô định hướng, và một loạt những biến cố vô lý. Không có một mục đích, cuộc sống thật tầm thường, nhỏ nhặt và vô dụng.
Những Ích Lợi Của Đời Sống Theo Đúng Mục Đích
Có năm lợi ích lớn của một đời sống theo đúng mục đích:
Biết rõ mục đích khiến cuộc đời bạn có ý nghĩa. Chúng ta được tạo dựng với một ý nghĩa. Đó là lý do tại sao nhiều người đã thử nhiều phương pháp không đáng tin cậy, chẳng hạn như chiêm tinh hay tâm linh học, để khám phá nó. Khi cuộc sống có ý nghĩa, bạn có thể chịu đựng hầu như mọi sự; nếu không có ý nghĩa, thì không thể chịu đựng bất cứ việc gì.
Một thanh niên ở độ tuổi hai mươi đã viết như thế này, “Tôi cảm thấy thất bại vì tôi đang chiến đấu để trở thành một cái gì đó, mà thậm chí tôi cũng chẳng biết nó là cái gì. Tất cả những gì tôi biết về việc phải làm như thế nào là cứ tiếp tục sống. Một ngày nào đó, nếu tôi khám phá được mục đích của tôi, thì tôi mới bắt đầu cảm nhận rằng mình thật sống.”
Không có Đức Chúa Trời, cuộc sống không có mục đích, và nếu không có mục đích, thì cuộc sống thật vô nghĩa. Mà nếu vô nghĩa thì sự sống không có chút quan trọng và hy vọng nào. Trong Kinh Thánh, nhiều người đã tỏ rõ tình trạng tuyệt vọng này. Ê-sai nói, “Ta đã làm việc luống công, đã hao sức vô ích và không kết quả. Song lẽ ngay thẳng của ta ở nơi Đức Giê-hô-va, sự ban thưởng cho ta ở nơi Đức Chúa Trời ta” (EsIs 49:4). Gióp nói, “Các ngày tôi qua mau hơn thoi dệt cửi, tiêu đi, chẳng có trông cậy gì” (Giop G 7:6) và “Tôi đã chán sự sống. Tôi sẽ chẳng sống hoài. Xin Chúa để tôi ở một mình; vì các ngày tôi chỉ là hư không” (7:16). Thảm kịch lớn nhất không phải là sự chết, bèn là sống mà không có mục đích.
Hy vọng là điều cần thiết cho cuộc đời bạn cũng như không khí và nước. Bạn cần có hy vọng để vượt qua. Tiến sĩ Bernie Siegel khám phá rằng ông có thể tiên đoán bệnh nhân ung thư nào của mình sẽ thuyên giảm bệnh tình chỉ với một câu hỏi, “Ông có muốn sống đến một trăm tuổi không?” Những ai cảm nhận sâu sắc mục đích của cuộc đời sẽ trả lời có và họ là phần lớn những người sống sót. Hy vọng bắt nguồn từ một mục đích.
Nếu bạn cảm thấy vô vọng, hãy chờ đó! Những thay đổi lạ lùng sẽ diễn ra trong cuộc đời bạn khi bạn bắt đầu sống với một mục đích. Chúa phán, “Vì ta biết ý tưởng ta nghĩ đối cùng các ngươi, là ý tưởng bình an, không phải tai họa, để cho các ngươi được sự trông cậy trong lúc cuối cùng của mình.” (Gie Gr 19:11). Có thể bạn cảm thấy rằng mình đang đối diện với một hoàn cảnh không thể vượt qua, nhưng Kinh Thánh nói như vầy, “Vả, Đức Chúa Trời, bởi quyền lực cảm động trong chúng ta, có thể làm trổi hơn vô cùng mọi việc chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng.” (Eph Ep 3:20).
Biết rõ mục đích khiến cuộc sống của bạn đơn giản hơn. Nó xác định điều bạn sẽ làm và điều bạn không làm. Mục đích của bạn trở thành một tiêu chuẩn để bạn đánh giá những việc làm nào là quan trọng và những việc nào là không quan trọng. Bạn chỉ cần hỏi cách đơn sơ, “Việc làm này có giúp tôi làm thành những mục đích của Đức Chúa Trời cho cuộc đời tôi hay không?
Không có một mục đích rõ ràng, bạn sẽ không có nền tảng để dựa vào đó mà quyết định, phân phối thời gian, và sử dụng các tài nguyên của mình. Bạn sẽ có khuynh hướng quyết định theo hoàn cảnh, áp lực, và tâm trạng của bạn ngay thời điểm đó. Những người không biết rõ mục đích của mình luôn cố làm quá nhiều việc-và điều đó dẫn đến sự căng thẳng, mệt mỏi cũng như xung đột.
Bạn không thể làm hết mọi điều mà những người khác muốn bạn làm. Bạn có vừa đủ thời gian để làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Nếu bạn không thể làm trọn mọi điều đó, thì có nghĩa là bạn đang cố làm nhiều hơn điều Chúa muốn bạn làm (hay có lẽ bạn đang xem truyền hình quá nhiều). Đời sống theo đúng mục đích dẫn tới một lối sống đơn giản và một lịch làm việc lành mạnh. Kinh Thánh chép, “Một đời sống khoe khoang, phô trương là một đời sống trống rỗng; một đời sống đơn sơ và ngay thẳng là một đời sống đầy trọn.” (ChCn 13:7 bản Msg-ND). Nó cũng dẫn đến sự bình an trong tâm trí: “Người nào để trí mình nương dựa nơi Ngài, thì Ngài sẽ gìn giữ người trong sự bình yên trọn vẹn, vì người nhờ cậy Ngài.” (EsIs 26:3).
Biết rõ mục đích giúp bạn tập trung cuộc đời của mình. Nó giúp tập trung nỗ lực và sức lực của bạn vào những điều quan trọng. Bạn sẽ kết quả khi biết lựa chọn.
Bản chất của con người là hay bị xao lãng bởi những vấn đề nhỏ. Chúng ta theo đuổi những điều tầm thường trong cuộc đời mình. Henry David Thoreau nhận định rằng con người có cuộc sống “tuyệt vọng âm thầm,” nhưng ngày nay nó được diễn tả cách rõ ràng hơn là sự xao lãng vu vơ. Nhiều người giống như những con quay hồi chuyển, cứ quay tròn một cách điên cuồng mà chẳng đi đến đâu cả.
Không có một mục đích rõ ràng, bạn sẽ liên tục thay đổi định hướng, nghề nghiệp, các mối quan hệ, Hội thánh hay những việc bên ngoài khác-với hy vọng rằng mỗi thay đổi sẽ giải quyết sự bối rối hoặc khỏa lấp khoảng trống vắng trong lòng bạn. Bạn nghĩ rằng, Có lẽ lần này mọi chuyện sẽ thay đổi, nhưng nó không thể giải quyết được nan đề thật của bạn-sự thiếu tập trung và không có mục đích. Kinh Thánh chép, “Vậy chớ nên như kẻ dại dột, nhưng phải hiểu rõ ý muốn của Chúa là thế nào.” (Eph Ep 5:17).
Sức mạnh của sự tập trung có thể thấy trong ánh sáng. Ánh sáng khuyếch tán có rất ít tác động hay năng lượng, nhưng bạn có thể tập trung năng lượng ánh sáng khi hội tụ nó lại. Với một thấu kính hội tụ, các tia nắng mặt trời sẽ tập trung lại và đốt cháy cỏ hoặc giấy. Khi ánh sáng được tập trung nhiều hơn nữa chẳng hạn như một tia lazer, nó có thể cắt đứt thép.
Không có điều gì mạnh mẽ cho bằng một đời sống tập trung, một đời sống có mục đích. Những người nam và nữ đã có ảnh hưởng lớn trong lịch sử là những người có đời sống tập trung nhất. Chẳng hạn như sứ đồ Phao-lô, người đã loan truyền Cơ-đốc giáo trên khắp đế chế La-mã. Bí mật của ông chính là một đời sống tập trung. Ông nói, “Tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy.” (Phi Pl 3:13).
Nếu muốn cuộc đời mình có kết quả, bạn hãy tập trung nó lại! Hãy thôi nhún nhảy. Hãy thôi cố gắng làm mọi việc. Hãy làm ít việc hơn. Hãy bỏ bớt đi thậm chí cả những việc tốt, và chỉ làm những điều gì quan trọng nhất mà thôi. Đừng bao giờ nhầm lẫn giữa hoạt động và hiệu suất. Bạn có thể bận rộn mà không có một mục đích nào, nhưng vấn đề ở đây là gì? Phao-lô nói, “Chúng ta hãy tập trung vào mục tiêu đó, hỡi những ai muốn nhận lãnh mọi điều mà Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta.” (3:15 bản Msg-ND).
Biết rõ mục đích thúc đẩy cuộc đời của bạn. Mục đích luôn tạo nên nhiệt huyết. Không có gì tiếp thêm nghị lực nhiều cho bằng một mục đích rõ ràng. Trái lại, nhiệt huyết mất đi khi bạn thiếu một mục đích. Một việc đơn giản như là ra khỏi giường lại trở thành vấn đề lớn. Thường thì những việc vô nghĩa, chứ không phải có quá nhiều công việc, khiến chúng ta kiệt sức, và mất đi niềm vui.
George Bernard Shaw viết, “Đây chính là niềm vui thật của cuộc sống: hết lòng sống vì mục đích mà bạn đã xác định cho mình; làm một nguồn lực về bản chất thay vì trở thành một căn bệnh ích kỷ, đau buồn, than thở và phàn nàn rằng thế giới đã không hết lòng làm cho bạn vui.”
Biết rõ mục đích chuẩn bị bạn cho cõi đời đời. Nhiều người sống cả đời cố gắng tạo nên một di sản bền lâu trên trần gian này. Họ muốn được người ta nhớ đến khi đã qua đời. Tuy nhiên, điều quan trọng thực sự không phải là những gì người khác nói về cuộc đời của bạn, bèn là những gì Đức Chúa Trời nói. Điều con người không nhận thấy là tất cả những thành tựu cuối cùng cũng sẽ qua đi: những kỷ lục bị phá, danh tiếng phai mờ, và những cống hiến bị quên lãng. Khi còn học đại học, mục tiêu của James Dobson là trở thành vô địch quần vợt của trường. Ông cảm thấy tự hào khi chiếc cúp của ông được đặt cách trang trọng trong tủ trưng bày của trường. Nhiều năm sao đó, một người đã gởi cho ông chiếc cúp đó. Họ đã tìm được nó trong thùng rác khi mà trường khởi công xây lại! Jim nói, “Nếu có đủ thời gian, mọi chiếc cúp của bạn rồi sẽ bị ai đó ném bỏ vào thùng rác!”
Sống để tạo nên một di sản trần tục thật là một mục tiêu thiển cận. Một con người khôn ngoan hơn sẽ dùng thời gian đó để xây dựng một di sản đời đời. Bạn có mặt trên trần gian này không phải để cho người ta ghi nhớ mình. Bạn có mặt ở đây để chuẩn bị cho cõi đời đời.
Một ngày nọ bạn sẽ đứng trước mặt Đức Chúa Trời, và Ngài sẽ xem xét lại toàn bộ cuộc đời bạn, một kỳ thi cuối cùng, trước khi bạn bước vào cõi đời đời. Kinh Thánh chép, “Vì chúng ta hết thảy sẽ ứng hầu trước tòa án Đức Chúa Trời.” (RoRm 14:10). Thật may mắn là Đức Chúa Trời muốn chúng ta vượt qua được kỳ thi này, cho nên Ngài đã cho chúng ta biết trước các câu hỏi. Nhờ Kinh Thánh, chúng ta có thể phỏng đoán rằng Đức Chúa Trời sẽ hỏi chúng ta hai câu hỏi quan trọng:
Thứ nhất, “Ngươi có mối quan hệ như thế nào với Con ta, Giê-xu Christ?” Đức Chúa Trời sẽ không hỏi về nền tảng tôn giáo hay các quan điểm giáo lý của bạn. Vấn đề quan trọng duy nhất đó là bạn có tiếp nhận điều Chúa Giê-su đã làm cho bạn và bạn có học biết yêu thương, trông cậy Ngài hay không. Chúa Giê-xu phán, “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha.” (GiGa 14:6).
Thứ hai, “Ngươi đã làm gì với điều mà ta ban cho ngươi?” Bạn đã làm gì với cuộc đời mình-tất cả những ân tứ, tài năng, cơ hội, sức lực, các mối quan hệ và những tài nguyên mà Chúa ban cho bạn? Bạn có dùng chúng cho riêng mình, hay bạn đã dùng chúng cho những mục đích mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng bạn?
Chuẩn bị chính bạn cho hai câu hỏi đó là mục đích của cuốn sách này. Câu hỏi thứ nhất sẽ quyết định bạn sẽ sống đời đời ở đâu. Câu hỏi thứ hai sẽ quyết định bạn làm gì trong cõi đời đời. Đến cuối cuốn sách này, bạn sẽ sẵn sàng để trả lời hai câu hỏi này.
Suy Nghĩ Về Mục Đích Của Tôi: Ngày 3
Vấn Đề Suy Nghĩ: Sống có mục đích là con đường dẫn đến sự bình an.
Câu Gốc: "Người nào để trí mình nương dựa nơi Ngài, thì Ngài sẽ gìn giữ người trong sự bình yên trọn vẹn, vì người nhờ cậy Ngài.” (EsIs 26:3)
Câu Hỏi Suy Gẫm: Gia đình và bạn bè của tôi sẽ nói gì về động cơ lèo lái cuộc đời tôi? Tôi muốn trở nên như thế nào?
bottom of page