top of page

NGÀY 37 : CHIA SẺ SỨ ĐIỆP CUỘC ĐỜI BẠN

Hung Tran

Jun 4, 2023

<p class="font_7">Sống Theo Đúng Mục Đích Tác giả: Rick Warren</p>



NGÀY 37: CHIA SẺ SỨ ĐIỆP CUỘC ĐỜI BẠN


“Ai tin đến Con Đức Chúa Trời, thì có chứng ấy trong mình.”

IGi1Ga 5:10a.

“Vì đạo Chúa không những từ nơi anh em vang ra… nhưng đức tin mà anh em có trong Đức Chúa Trời đã đồn khắp mọi nơi, đến nỗi chúng tôi không cần phải nói đến nữa.”

ITe1Tx 1:8.


Đức Chúa Trời đã ban cho bạn một sứ mệnh cuộc đời để chia sẻ.


Khi bạn trở thành một tín nhân, bạn cũng trở thành sứ giả của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời muốn nói với thế gian thông qua bạn. Phao-lô nói, “Chúng tôi lấy lòng chân thật, theo như đạo từ Đức Chúa Trời đến thể nào, thì giảng ra thể ấy trước mặt Đức Chúa Trời, trong Đấng Christ.” (IICo 2Cr 2:17b).


Có thể bạn cảm thấy rằng mình không có gì để chia sẻ, nhưng thực ra đó là điều ma quỷ đang dùng để khiến bạn im lặng. Bạn có cả một kho kinh nghiệm mà Đức Chúa Trời muốn dùng để đưa dắt những người khác trở về nhà Ngài. Kinh Thánh chép, “Ai tin đến Con Đức Chúa Trời, thì có chứng ấy trong mình.” (IGi1Ga 5:10a). Sứ Điệp Cuộc Đời bạn có bốn phần:

· Bài làm chứng của bạn: Câu chuyện kể về cách bạn bắt đầu mối tương giao với Chúa Giê-xu.

· Những bài học trong cuộc đời bạn: Những bài học quan trọng nhất mà Đức Chúa Trời đã dạy bạn.

· Sự sốt sắng của bạn: Những điều Chúa khiến bạn quan tâm tới nhất.

· Tin Lành: Sứ điệp về sự cứu rỗi.


Sứ Điệp Cuộc Đời bao gồm bài làm chứng của bạn.


Bài làm chứng là câu chuyện kể về cách Đức Chúa Trời đã biến đổi cuộc đời bạn. Phi-e-rơ nói với chúng ta rằng chúng ta được Đức Chúa Trời chọn để “làm công việc Ngài và rao báo về Ngài, để nói với những người khác về sự biến đổi Ngài làm trong đời sống của anh em.” (IPhi 1Pr 2:9 bản Msg-ND). Đây chính là cốt lõi của việc làm chứng-chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân của bạn với Chúa. Trong phòng xử án, nhân chứng không được tranh luận về vụ kiện, phán quyết về sự thật, hoặc tuyên án; đó là công việc của những luật sư. Người làm chứng chỉ tường trình lại điều đã xảy ra cho họ hoặc điều họ nhìn thấy.


Chúa Giê-xu phán, “Các ngươi sẽ làm chứng về ta.” (Cong Cv 1:8) chứ không phải là “Các ngươi sẽ làm luật sư cho ta.” Ngài muốn bạn chia sẻ câu chuyện của mình cho những người khác. Chia sẻ bài làm chứng là một phần quan trọng trong sứ mệnh của bạn trên đất vì nó độc nhất. Không có một câu chuyện nào khác giống với câu chuyện của bạn, nên chỉ có một mình bạn mới chia sẻ được. Nếu bạn không chia sẻ, thì sẽ mất nó mãi mãi. Có thể bạn không phải là một học giả Kinh Thánh, nhưng bạn có quyền trên đời sống mình, và thật khó khi tranh luận với kinh nghiệm cá nhân. Thật ra, bài làm chứng cá nhân của bạn hiệu quả hơn một bài giảng vì những người chưa tin nhìn các mục sư như những người bán hàng chuyên nghiệp, và nhìn bạn như “một khách hàng được hài lòng,” cho nên họ tin nơi bạn hơn.


Những câu chuyện cá nhân cũng dễ nhắc đến hơn là các nguyên tắc, và người ta thích nghe chúng. Chúng thu hút sự chú ý của chúng ta và chúng ta nhớ chúng lâu hơn. Những người chưa tin có lẽ sẽ không còn thích thú nữa khi bạn bắt đầu trích dẫn các nhà thần học, song họ thực sự tò mò về những kinh nghiệm mà họ chưa bao giờ trải qua. Những câu chuyện được chia sẻ xây nên một chiếc cầu quan hệ mà Chúa Giê-xu có thể bước từ lòng bạn vào lòng của người khác.


Một ích lợi khác của bài làm chứng đó là nó vượt qua được rào cản lý trí. Nhiều người không chấp nhận thẩm quyền của Kinh Thánh sẽ lắng nghe một câu chuyện riêng tư, khiêm nhường. Đó là lý do tại sao Phao-lô đã dùng bài làm chứng của mình đến sáu lần khác nhau để chia sẻ Phúc-âm thay vì trưng dẫn Kinh Thánh.


Kinh Thánh chép, “Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em, song phải hiền hòa và kính sợ, phải có lương tâm tốt, hầu cho những kẻ gièm chê cách ăn ở lành của anh em trong Đấng Christ biết mình xấu hổ trong sự mà anh em đã bị nói hành.” (IPhi 1Pr 3:15-16). Cách tốt nhất để “sẵn sàng” là viết ra bài làm chứng của bạn và ghi nhớ những điểm chính. Hãy chia nó làm bốn phần:


1. Cuộc đời tôi trước khi gặp Chúa Giê-xu ra sao?

2. Tôi đã nhận ra mình cần Chúa Giê-xu như thế nào?

3. Tôi đã dâng hiến đời sống mình cho Chúa Giê-xu ra sao?

4. Chúa Giê-xu đã biến đổi đời sống tôi như thế nào?


Dĩ nhiên, bạn có rất nhiều bài làm chứng khác bên cạnh câu chuyện cứu rỗi mình. Bạn có một câu chuyện ứng với mỗi kinh nghiệm Đức Chúa Trời giúp đỡ bạn. Bạn nên liệt kê ra những nan đề, hoàn cảnh và khủng hoảng mà Chúa đã dìu dắt bạn qua. Sau đó hãy nhạy cảm và sử dụng câu chuyện gần gũi với người bạn chưa tin của bạn nhất. Những tình huống khác nhau luôn đòi hỏi những bài làm chứng khác nhau.


Sứ Mệnh Cuộc Đời bạn bao gồm những điều bạn học được. Phần thứ hai trong sứ điệp cuộc đời bạn là những lẽ thật mà Đức Chúa Trời đã dạy từ những kinh nghiệm bạn có với Ngài. Đây là những bài học và những ý tưởng bạn học được từ nơi Đức Chúa Trời, các mối quan hệ, những nan đề, sự cám dỗ và các khía cạnh khác của cuộc sống. Đa-vít đã cầu nguyện, “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin chỉ dạy tôi con đường luật lệ Chúa, thì tôi sẽ giữ lấy cho đến cuối cùng.” (Thi Tv 119:33). Đáng tiếc là chúng ta chẳng học được nhiều từ những gì xảy đến cho mình. Kinh Thánh nói về dân Y-sơ-ra-ên như sau, “Nhiều lần Chúa giải cứu tổ phụ chúng ta, nhưng họ phiền lòng Ngài bởi ý muốn họ, và họ hèn mọn vì tội ác của họ.” (106:43). Có lẽ bạn đã từng gặp những người như vậy.


Học hỏi từ kinh nghiệm là điều khôn ngoan, nhưng học hỏi từ những kinh nghiệm của người khác lại còn khôn ngoan hơn nữa. Bạn không có đủ thời gian để học mọi thứ trong cuộc đời này bằng phép thử và sai. Chúng ta phải học từ những bài học cuộc sống của nhau. Kinh Thánh chép, “Người khôn ngoan quở trách lỗ tai hay nghe, khác nào một cái vòng vàng, một đồ trang sức bằng vàng ròng vậy.” (ChCn 25:12).


Hãy viết xuống những bài học lớn trong cuộc đời mình để bạn có thể chia sẻ với những người khác. Chúng ta thật cám ơn Sa-lô-môn vì ông đã làm điều này, ông đã viết cho chúng ta hai sách Châm-ngôn và Truyền-đạo với rất nhiều bài học thực tiễn trong cuộc sống. Hãy hình dung xem chúng ta sẽ tránh được biết bao nhiêu bối rối không cần thiết nếu chịu học hỏi từ những kinh nghiệm của người khác.

Người trưởng thành phát triển thói quen rút ra những bài học từ các kinh nghiệm hằng ngày. Tôi khuyến khích bạn liệt kê những bài học của mình ra. Bạn chưa thực sự nghĩ đến chúng trừ khi bạn viết ra. Sau đây là một số câu hỏi để bạn bắt đầu:

· Đức Chúa Trời đã dạy tôi điều gì từ thất bại?

· Đức Chúa Trời đã dạy tôi điều gì từ việc thiếu tiền?

· Đức Chúa Trời đã dạy tôi điều gì từ những nỗi đau, phiền muộn hay chán nản?

· Đức Chúa Trời đã dạy tôi điều gì qua sự chờ đợi?

· Đức Chúa Trời đã dạy tôi điều gì qua bệnh tật?

· Đức Chúa Trời đã dạy tôi điều gì qua sự thất vọng?

· Tôi học được gì từ gia đình, Hội thánh, các mối quan hệ, nhóm nhỏ và những người chỉ trích tôi?


Sứ Mệnh Cuộc Đời bao gồm việc chia sẻ sự sốt sắng của bạn. Đức Chúa Trời là một Đức Chúa Trời đầy đam mê. Ngài hết lòng yêu thương một số điều và hết lòng căm ghét những điều khác. Khi bạn đến gần Ngài hơn, Ngài sẽ ban cho bạn lòng sốt sắng về điều mà Ngài quan tâm tới để bạn có thể làm ngôn sứ cho Ngài trong thế gian. Đó có thể là đam mê đối với một vấn đề, mục đích, nguyên tắc hay một nhóm người nào đó. Dù là gì đi nữa, thì bạn cũng sẽ thấy mình được thúc giục để nói về nó và làm mọi điều bạn có thể làm.


Bạn không thể không nói về những gì mình quan tâm nhất. Chúa Giê-xu phán, “Bởi vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra.” (Mat Mt 12:34). Hai tấm gương của chúng ta đó là Đa-vít, ông đã nói, “Sự sốt sắng về Đức Chúa Trời và công việc của Ngài thiêu đốt trong lòng tôi.” (Thi Tv 69:9 bản LB-ND), và Giê-rê-mi, người đã nói, “Trong lòng tôi như lửa đốt cháy … và tôi mệt mỏi vì nín lặng, không chịu được nữa.” (Gie Gr 20:9).


Đức Chúa Trời ban cho một số người lòng sốt sắng để thắng hơn một điều gì đó. Thường thì đó là một nan đề mà cá nhân họ đã trải qua chẳng hạn bị ngược đãi, nghiện ngập, vô sinh, suy nhược, bệnh tật hoặc một khó khăn nào đó. Đôi khi Chúa ban cho nhiều người lòng sốt sắng để nói thay cho một nhóm những người không thể lên tiếng cho chính mình: những người chưa ra đời, bị bắt bớ, nghèo đói, cầm tù, ngược đãi, thiểu năng, và bất công. Kinh Thánh có nhiều mạng lệnh bảo chúng ta phải bảo vệ những người không thể tự vệ.


Đức Chúa Trời dùng những người sốt sắng để phát triển vương quốc của Ngài. Ngài có thể ban cho bạn lòng sốt sắng để mở một Hội thánh mới, gây dựng nhiều gia đình, dâng hiến cho việc dịch Kinh Thánh, hoặc huấn luyện những người lãnh đạo Cơ-đốc. Ngài cũng có thể ban cho bạn lòng sốt sắng để rao giảng Phúc-âm cho một nhóm người nào đó: những thương nhân, thiếu niên, những sinh viên ngoại quốc, những bà mẹ trẻ, hoặc những người có một thói quen hay chơi một môn thể thao cụ thể nào đó. Nếu bạn cầu xin Chúa, Ngài sẽ đặt để gánh nặng trên lòng bạn về một quốc gia hoặc một giống dân nào đó đang cần một chứng nhân Cơ-đốc mạnh mẽ.


Đức Chúa Trời ban cho chúng ta nhiều sự sốt sắng khác nhau để mọi sự Ngài muốn làm trên thế gian sẽ được hoàn tất. Bạn không nên trông đợi mọi người khác cũng sốt sắng về sự sốt sắng trong lòng bạn. Thay vào đó, chúng ta phải lắng nghe và đánh giá sứ mệnh cuộc đời của người khác vì không ai có thể nói hết được. Đừng bao giờ xem thường lòng sốt sắng của người khác. Kinh Thánh chép, “Có lòng sốt sắng vì điều thiện thì tốt lắm, lúc nào cũng thế. (GaGl 4:18).


Sứ Mệnh Cuộc Đời gồm có cả Tin Lành.


Tin Lành là gì? “Trong Tin Lành nầy có bày tỏ sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi đức tin mà được, lại dẫn đến đức tin nữa.” (RoRm 1:17). “Vì chưng Đức Chúa Trời vốn ở trong Đấng Christ, làm cho thế gian lại hòa với Ngài, chẳng kể tội lỗi cho loài người, và đã phó đạo giảng hòa cho chúng tôi.” (IICo 2Cr 5:19). Tin Lành chính là khi chúng ta tin rằng ân điển của Đức Chúa Trời sẽ cứu rỗi chúng ta thông qua những gì Chúa Giê-xu đã làm, tội lỗi chúng ta được tha, chúng ta có mục đích cho cuộc sống và chúng ta có một quê hương tương lai trên thiên đàng.


Có hàng trăm cuốn sách hay viết về cách chia sẻ Tin Lành. Tôi có thể cung cấp một danh sách những cuốn đã giúp ích cho tôi nhiều (phụ lục 2). Nhưng tất cả mọi công việc huấn luyện trong thế gian này sẽ không thúc đẩy bạn làm chứng về Đấng Christ cho tới khi nào bạn tiếp thu tám niềm tin đã nói đến trong chương trước. Điều quan trọng nhất là bạn phải học biết yêu thương những người hư mất theo cách Chúa yêu.


Đức Chúa Trời chẳng hề dựng nên một người nào mà Ngài không yêu thương. Mọi người đều quan trọng đối với Ngài. Khi Chúa Giê-xu dang tay Ngài trên thánh giá, Ngài nói rằng, “Ta yêu các ngươi nhiều như vậy đó!” Kinh Thánh chép,“Vì tình yêu thương của Đấng Christ cảm động chúng tôi, và chúng tôi tưởng rằng nếu có một người chết vì mọi người, thì mọi người đều chết.” (IICo 2Cr 5:14). Bất cứ khi nào bạn cảm thấy thờ ơ trước sứ mệnh của mình trong thế gian, hãy dành thì giờ suy nghĩ về những gì Chúa Giê-xu đã làm cho bạn trên thánh giá.


Chúng ta phải quan tâm đến những người chưa tin vì Chúa quan tâm đến họ. Tình yêu thương không hề có lựa chọn. Kinh Thánh chép, “Quyết chẳng có điều sợ hãi trong sự yêu thương, nhưng sự yêu thương trọn vẹn thì cắt bỏ sự sợ hãi.” (IGi1Ga 4:18). Người cha hay mẹ có thể chạy vào ngôi nhà đang cháy để cứu con mình vì tình yêu họ dành cho con lớn hơn sự sợ hãi của họ. Nếu bạn lo sợ khi chia sẻ Tin Lành với những người xung quanh mình, hãy xin Chúa làm đầy lòng bạn với tình yêu dành cho họ.


Kinh Thánh chép, “Chúa … không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn.” (IIPhi 2Pr 3:9). Hễ bạn biết một người nào chưa biết Đấng Christ, bạn phải cầu nguyện cho họ, phục vụ họ trong tình yêu thương và chia sẻ Tin Lành. Và hễ còn một người nào trong cộng đồng của bạn chưa gia nhập gia đình của Đức Chúa Trời, Hội thánh của bạn phải tiếp tục tiếp cận người đó. Hội thánh nào không muốn phát triển tức là nói với thế gian rằng, “Các người hãy xuống địa ngục đi!”


Bạn sẵn sàng làm gì để những người bạn biết được lên thiên đàng? Mời họ đến nhà thờ? Chia sẻ câu chuyện của bạn? Tặng họ cuốn sách này? Mời họ đi ăn? Cầu nguyện cho họ mỗi ngày tới khi nào họ được cứu? Cánh đồng truyền giáo chính là môi trường xung quanh bạn đó. Đừng bỏ lỡ những cơ hội Đức Chúa Trời ban cho bạn. Kinh Thánh chép, “Hãy lấy sự khôn ngoan ăn ở với những người ngoại, và lợi dụng thì giờ.” (CoCl 4:5).


Có ai được lên thiên đàng nhờ bạn không? Có ai trên thiên đàng sẽ đến nói với bạn rằng, “Cám ơn anh. Nhờ anh quan tâm và chia sẻ Tin Lành cho tôi nên tôi mới được gặp anh ở đây” không? Hãy hình dung sự vui mừng khi bạn chào hỏi những người trên thiên đàng mà chính bạn đã giúp họ lên đó. Sự cứu chuộc đời đời của một linh hồn quan trọng hơn bất cứ điều gì khác mà bạn có thể đạt được trong cuộc sống. Chỉ có con người mới tồn tại mãi mãi.


Trong cuốn sách này, bạn đã học được năm mục đích của Đức Chúa Trời cho đời sống bạn trên đất: Ngài tạo dựng bạn để làm một thành viên trong gia đình Ngài, một gương mẫu về nhân cách của Ngài, một sự bày tỏ của vinh hiển Ngài, một người phục vụ bởi ân điển Ngài, và một sứ giả của Tin Lành Ngài. Trong số năm mục đích này, mục đích thứ năm là điều chỉ có thể thực hiện trên trần gian mà thôi. Còn bốn điều kia thì bạn sẽ tiếp tục trong cõi đời đời. Đó là lý do tại sao rao truyền Tin Lành lại quan trọng đến như vậy; bạn chỉ có một khoảng thời gian ngắn ngủi để chia sẻ sứ điệp cuộc đời mình và làm trọn sứ mệnh của bạn.


Suy Nghĩ Về Mục Đích Của Tôi: Ngày 37


Vấn Đề Suy Nghĩ: Đức Chúa Trời muốn nói một điều gì đó với thế gian thông qua tôi.

Câu Gốc: “Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em, song phải hiền hòa và kính sợ, phải có lương tâm tốt, hầu cho những kẻ gièm chê cách ăn ở lành của anh em trong Đấng Christ biết mình xấu hổ trong sự mà anh em đã bị nói hành.” IPhi 1Pr 3:15b-16

Câu Hỏi Suy Gẫm: Khi tôi ôn lại câu chuyện của cuộc đời mình, Chúa muốn tôi chia sẻ nó với ai?



bottom of page