top of page
Hung Tran
Jun 1, 2023
Sống theo mục đích là cách duy nhất để thực sự sống. Mọi sự khác chỉ đơn thuần là hiện hữu...
NGÀY 40: SỐNG THEO ĐÚNG MỤC ĐÍCH
“Trong lòng loài người có nhiều mưu kế; Song ý chỉ của Đức Giê-hô-va sẽ thành được.”
ChCn 19:21
“Vua Đa-vít lúc còn sống làm theo ý chỉ Đức Chúa Trời.”
Cong Cv 13:36
Sống theo mục đích là cách duy nhất để thực sự sống. Mọi sự khác chỉ đơn thuần là hiện hữu.
Hầu hết mọi người đều tranh chiến với ba vấn đề căn bản của cuộc sống. Thứ nhất là nguồn gốc: “Tôi là ai?”, Thứ hai là tầm quan trọng: “Tôi có quan trọng không?”, Thứ ba là ảnh hưởng: “Chỗ của tôi trong cuộc đời này là gì?” Câu trả lời cho ba vấn đề đó được tìm thấy trong năm mục đích của Đức Chúa Trời cho bạn.
Tại Phòng Cao, trước lúc bị đóng đinh, Chúa Giê-xu đã rửa chân cho các môn đồ để làm gương và nói, “Ví bằng các ngươi biết những sự nầy, thì có phước, miễn là các ngươi làm theo” (GiGa 13:17). Một khi bạn biết điều Chúa muốn bạn làm, thì phước hạnh thực sự sẽ đến khi bạn làm điều đó. Khi chúng ta cùng nhau kết thúc cuộc hành trình bốn mươi ngày này, bạn đã biết được những mục đích của Đức Chúa Trời cho đời sống mình, bạn sẽ được phước chỉ khi nào bạn làm theo!
Có thể lắm bạn phải dừng một số việc khác mà bạn đang làm. Có rất nhiều điều “tốt” bạn có thể làm trong cuộc sống, nhưng những mục đích của Đức Chúa Trời là năm điều quan trọng mà bạn phải làm. Không may là chúng ta dễ dàng bị xao lãng và quên đi điều quan trọng nhất. Thật dễ dàng để xây khỏi điều quan trọng nhất và từ từ rẽ sang hướng khác. Để ngăn chặn việc này, bạn cần phải có một tuyên ngôn về mục đích của cuộc đời và ôn đi ôn lại thường xuyên.
*Tuyên Ngôn Mục Đích Cuộc Sống Là Gì?
Tuyên ngôn tóm tắt những mục đích của Đức Chúa Trời cho cuộc đời bạn. Theo cách nói của riêng mình, bạn hãy khẳng định cam kết của bạn về năm mục đích của Đức Chúa Trời. Một tuyên ngôn mục đích không phải là danh sách những mục tiêu. Các mục tiêu chỉ là tạm thời; các mục đích mới đời đời. Kinh Thánh chép, “Mưu của Đức Giê-hô-va được vững lập đời đời, ý tưởng của lòng Ngài còn đời nầy sang đời kia” (Thi Tv 33:11).
Tuyên ngôn định hướng cho cuộc đời bạn. Viết những mục đích của bạn ra giấy sẽ giúp bạn suy nghĩ về hướng đi cho cuộc đời mình. Kinh Thánh chép, “Hãy ban bằng cái nẻo của chân con đi, và lập cho vững vàng các đường lối con” (ChCn 4:26). Một tuyên ngôn mục đích cuộc sống không chỉ nói rõ bạn dự định làm gì với thời gian, sự sống và tiền bạc của mình, mà còn xác định điều bạn sẽ không làm. Châm Ngôn nói, “Người khôn ngoan nhắm vào việc làm khôn ngoan, nhưng kẻ ngu muội không có định hướng nào” (17:24 bản TEV-ND).
Tuyên ngôn định nghĩa “thành công” cho bạn. Nó khẳng định điều bạn tin là quan trọng, chứ không phải điều thế gian nói là quan trọng. Nó làm rõ những giá trị của bạn. Phao-lô nói, “Tôi muốn anh em hiểu điều gì là thực sự quan trọng” (Phi Pl 1:10 bản NLT-ND).
Tuyên ngôn làm rõ vai trò của bạn. Bạn sẽ có những vai trò khác nhau ứng với từng gia đoạn của cuộc đời, nhưng những mục đích thì không hề thay đổi. Chúng lớn hơn bất cứ vai trò nào bạn có.
Tuyên ngôn thể hiện định dạng của bạn. Nó phản ánh cách độc nhất mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng bạn để phục vụ Ngài.
Hãy dành thời gian để viết tuyên ngôn mục đích cuộc sống của bạn. Đừng xem thường, và đừng mong đợi mình sẽ có một tuyên ngôn hoàn hảo vừa khi đặt bút xuống viết; hãy viết ra những ý tưởng của bạn khi chúng vừa xuất hiện. Biên tập lại luôn dễ dàng hơn là sáng tạo. Sau đây là năm câu hỏi bạn cần đặt ra khi chuẩn bị cho tuyên ngôn của mình:
*Năm Câu Hỏi Lớn Của Cuộc Sống.
- Trung tâm của đời sống tôi là gì? Đây là câu hỏi về sự thờ phượng. Bạn đang sống cho ai? Bạn sẽ làm gì để xây dựng đời sống của mình? Bạn có thể tập trung cuộc đời mình xoay quanh nghề nghiệp, gia đình, một môn thể thao hoặc thói quen, tiền bạc, vui chơi hay nhiều hoạt động khác. Tất cả đều tốt, nhưng chúng không thuộc về trung tâm của cuộc đời bạn. Không có điều nào trong số những điều đó có thể nắm giữ bạn khi cuộc đời tan vỡ. Bạn cần một trung tâm không lay chuyển.
A-sa bảo với dân Giu-đa rằng họ phải “tìm cầu Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ phụ chúng” (IISu 2Sb 14:4). Thật ra, điều gì nằm ở trung tâm cuộc đời bạn chính là chủ của bạn. Khi bạn dâng hiến đời sống mình cho Đấng Christ, Ngài bước vào trung tâm, nhưng bạn phải giữ Ngài ở đó bằng sự thờ phượng. Phao-lô nói, “Đến nỗi Đấng Christ nhân đức tin mà ngự trong lòng anh em” (Eph Ep 3:17).
- Làm sao bạn biết được khi nào thì Chúa đang ở tại trung tâm của cuộc đời mình? Khi Đấng Christ ngự ở trung tâm cuộc đời bạn, bạn thờ phượng. Khi Ngài không còn ở đó, bạn lo lắng. Lo lắng là tia sáng cảnh báo rằng Đức Chúa Trời đã bị đẩy sang một bên. Giây phút bạn đưa Ngài trở về trung tâm của lòng mình, sự bình an sẽ quay trở lại. Kinh Thánh chép, “Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Phi Pl 4:7).
- Nhân cách của cuộc đời tôi là gì? Đây là vấn đề môn đồ hóa. Bạn sẽ trở thành người như thế nào? Đức Chúa Trời quan tâm đến việc bạn là ai nhiều hơn hẳn bạn làm gì. Hãy nhớ rằng bạn sẽ mang nhân cách vào cõi đời đời, chứ không phải công việc của bạn. Hãy liệt kê những phẩm chất mà bạn muốn phát triển trong đời sống của mình. Bạn có thể bắt đầu với trái Thánh Linh hoặc Các Phước Lành.
Phi-e-rơ nói, “Vậy nên, về phần anh em, phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự nhân đức, thêm cho nhân đức sự học thức” (IPhi 1Pr 1:5). Đừng chán nản và đầu hàng khi bạn vấp ngã. Cần phải tốn cả một đời để xây dựng nhân cách giống Đấng Christ. Phao-lô nói với Ti-mô-thê, “Hãy giữ chính mình con và sự dạy dỗ của con; phải bền đỗ trong mọi sự đó, vì làm như vậy thì con và kẻ nghe con sẽ được cứu” (ITi1Tm 4:16).
- Cuộc đời tôi sẽ đóng góp những gì? Đây là vấn đề phục vụ. Chức vụ của bạn trong Thân Thể Đấng Christ là gì? Biết rõ về những ân tứ thuộc linh, tấm lòng, các khả năng, cá tính và những kinh nghiệm của mình, bạn thấy vai trò nào trong gia đình Đức Chúa Trời là thích hợp với bạn nhất? Bạn góp phần như thế nào? Có một nhóm đặc biệt nào đó trong Hội Thánh thích hợp để bạn phục vụ không? Phao-lô chỉ ra hai lợi ích đặc biệt khi bạn làm trọn chức vụ của mình: “Sự phục vụ của anh em không chỉ đáp ứng những nhu cầu của dân sự Đức Chúa Trời mà còn làm gia tăng lòng biết ơn Ngài” (IICo 2Cr 9:12 bản TEV-ND).
Bạn được định hình để phục vụ những người khác, nhưng ngay cả Chúa Giê-su cũng không đáp ứng hết nhu cầu của mọi người lúc Ngài còn trên đất. Bạn phải lựa chọn xem mình thích hợp để giúp đỡ ai nhất, dựa trên định dạng của bạn. Bạn cần đặt câu hỏi, “Tôi muốn giúp đỡ ai nhất?” Chúa Giê-su phán, “Ta đã chọn và lập các ngươi, để các ngươi đi và kết quả, hầu cho trái các ngươi thường đậu luôn” (GiGa 15:16). Mỗi người trong chúng ta sinh ra những bông trái khác nhau.
- Đời sống tôi sẽ nói lên điều gì? Đây là vấn đề sứ mệnh cho những người chưa tin. Tuyên ngôn sứ mệnh của bạn là một phần trong tuyên ngôn mục đích đời sống. Nó bao hàm cam kết chia sẻ và làm chứng về Tin Lành cho những người khác. Bạn cũng nên liệt kê những bài học của cuộc sống và những sốt sắng mà bạn tin là Chúa đã ban cho mình để chia sẻ với thế gian. Khi bạn lớn lên trong Đấng Christ, Đức Chúa Trời có thể ban cho bạn một nhóm mục tiêu đặc biệt nào đó để bạn tiếp cận. Hãy nhớ thêm điều đó vào tuyên ngôn của mình.
Nếu bạn đã có con, thì một phần sứ mệnh của bạn là nuôi nấng con cái mình để chúng biết Đấng Christ, giúp chúng hiểu những mục đích của cuộc sống, và sai chúng đi thực hiện sứ mệnh của chúng trong thế gian. Bạn có thể đưa tuyên ngôn của Giô-suê vào tuyên ngôn của mình cũng được: “Ta và nhà ta sẽ phục sự Đức Giê-hô-va” (Gios Gs 24:15).
Dĩ nhiên cuộc sống của chúng ta phải phù hợp với điều mà chúng ta nói. Trước khi những người chưa tin Chúa thừa nhận rằng Kinh Thánh đáng tin cậy, thì họ muốn biết xem chúng ta có đáng tin hay không. Đó là lý do tại sao Kinh Thánh nói rằng, “Duy anh em phải ăn ở một cách xứng đáng với đạo Tin Lành của Đấng Christ” (Phi Pl 1:27).
- Cộng đồng của đời sống tôi là gì? Đây là vấn đề mối thông công. Làm sao bạn có thể chứng thực cam kết của mình với những tín nhân khác và gia đình của Đức Chúa Trời? Bạn sẽ thực hành những mạng lệnh “lẫn nhau” ở đâu? Bạn sẽ gia nhập Hội thánh nào? Bạn càng trưởng thành bao nhiêu, thì càng yêu mến Thân Thể Đấng Christ và hy sinh cho Thân Thể đó bấy nhiêu. Kinh Thánh chép rằng, “Đấng Christ đã yêu Hội thánh, phó chính mình vì Hội thánh” (Eph Ep 5:25). Bạn cần phải bày tỏ tình yêu bạn dành cho Hội Thánh Đức Chúa Trời trong tuyên ngôn của mình.
Khi bạn suy gẫm và trả lời những câu hỏi này, hãy liệt kê những phân đoạn Kinh Thánh nào nói về từng mục đích. Có rất nhiều phân đoạn như vậy trong sách này. Có thể bạn phải mất nhiều tuần hoặc nhiều tháng để thảo ra tuyên ngôn mục đích cuộc sống theo như ý mình muốn. Hãy cầu nguyện, suy nghĩ về nó, nói với những người bạn thân và suy gẫm Kinh Thánh. Bạn có thể viết thảo nhiều lần trước khi có bản chính thức. Dầu vậy, bạn vẫn có thể thay đổi chút ít theo thời gian, khi mà Đức Chúa Trời gợi ý cho bạn. Nếu bạn muốn xem một số tuyên ngôn mẫu của người khác, hãy email cho tôi (phụ lục 2).
Thêm vào bản tuyên ngôn mục đích cuộc sống, bạn cũng có thể soạn những câu khẩu hiệu ngắn dễ nhớ và ấn tượng nhằm tóm tắt năm mục đích cho cuộc đời bạn. Sau đó bạn hãy tự nhắc nhở mình mỗi ngày. Sa-lô-môn khuyên, “Vì nếu con gìn giữ nó trong lòng con, lập nó ở chung nhau trên môi miệng con, thì ấy thật một sự tốt đẹp” (ChCn 22:18).
Dưới đây là một số ví dụ:
· “Mục đích cuộc đời tôi là thờ phượng Đấng Christ với trọn cả tấm lòng, phục vụ Ngài theo định dạng của tôi, thông công với gia đình Ngài, lớn lên trong nhân cách của Ngài, và làm trọn sứ mệnh trên thế gian để Ngài được vinh hiển.”
· “Mục đích cuộc đời tôi là trở thành một thành viên trong gia đình của Đấng Christ, làm gương về nhân cách của Ngài, làm người phục vụ vì ân điển Ngài, làm sứ giả cho Lời Ngài, và làm dấu hiệu của sự vinh hiển Ngài.”
· “Mục đích cuộc đời tôi là yêu thương Đấng Christ, lớn lên trong Đấng Christ, chia sẻ về Đấng Christ, và phục vụ Đấng Christ thông qua Hội thánh, cũng như dẫn dắt gia đình tôi và những người khác cùng làm việc đó.”
· “Mục đích cuộc đời tôi là tận hiến cho Điều Răn Lớn và Đại Mạng Lệnh.”
· “Mục đích của tôi là trở nên giống Đấng Christ; gia đình tôi là Hội thánh; chức vụ tôi là_________; sứ mệnh của tôi là__________; động cơ của tôi là sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.”
Bạn có thể thắc mắc, “Còn về ý muốn của Đức Chúa Trời cho công việc hay hôn nhân, hoặc nơi tôi sinh sống hay chỗ tôi sẽ học thì sao? Chân thành mà nói, đó là những vấn đề thứ yếu trong cuộc đời bạn, và có rất nhiều khả năng là tất cả đều ở trong ý muốn của Đức Chúa Trời cho bạn. Điều hệ trọng hơn hết là bạn làm trọn năm mục đích đời đời của Đức Chúa Trời bất luận bạn sống ở đâu, làm gì, cưới ai. Những quyết định đó phải phù hợp với các mục đích của bạn. Kinh Thánh chép, “Trong lòng loài người có nhiều mưu kế; song ý chỉ của Đức Giê-hô-va sẽ thành được” (ChCn 19:21). Hãy tập trung vào những mục đích của Đức Chúa Trời cho cuộc đời bạn, chứ không phải những kế hoạch bạn có, vì đó là điều sẽ tồn tại đời đời.
Tôi đã từng nghe một người gợi ý rằng bạn hãy xây dựng một tuyên ngôn mục đích đời sống dựa trên những gì bạn muốn người ta nói về mình trong đám tang của bạn. Hãy tưởng tượng bạn sẽ được khen tặng những gì, và xây dựng tuyên ngôn của bạn trên điều đó. Thẳng thắn mà nói, đó là một kế hoạch tồi. Đến cuối cuộc đời mình, chuyện người ta nói gì về bạn không còn quan trọng nữa. Điều duy nhất quan trọng đó là Chúa nói gì về bạn. Kinh Thánh chép, “Chúng tôi cứ nói, không phải để đẹp lòng loài người, nhưng để đẹp lòng Đức Chúa Trời” (ITe1Tx 2:4b).
Một ngày nọ, Đức Chúa Trời sẽ xem xét những câu trả lời của bạn trước các câu hỏi này. Chúa Giê-xu có ngự tại trung tâm cuộc đời bạn hay không? Bạn có phát triển nhân cách của Ngài không? Bạn có dấn thân phục vụ những người khác không? Bạn có chia sẻ sứ điệp và làm trọn sứ mệnh của Ngài không? Bạn có yêu thích dự phần trong gia đình của Ngài không? Đây là những vấn đề quan trọng nhất. Như Phao-lô đã nói, “Về phần chúng tôi, chẳng muốn khoe mình quá mực, chỉ theo mực về địa phận mà Đức Chúa Trời đã chỉ định cho chúng tôi tới đến anh em” (IICo 2Cr 10:13).
Khoảng ba mươi năm trước, tôi để ý đến một cụm từ trong Cong Cv 13:36 mà nó đã mãi mãi thay đổi định hướng của cuộc đời tôi. Nó chỉ có vài từ, nhưng giống như dấu ấn của một thanh sắt nóng, cuộc đời tôi vĩnh viễn đóng ấn bởi những từ này: “Đa-vít đã làm trọn mục đích của Đức Chúa Trời trong thế hệ của ông” (Cong Cv 13:36a-ND). Bây giờ thì tôi hiểu tại sao Chúa gọi ông là “người vừa lòng ta” (13:22). Đa-vít đã cống hiến cả cuộc đời ông để làm thành những mục đích của Đức Chúa Trời trên đất.
Không có một văn bia nào tuyệt vời hơn câu nhận xét đó! Hãy hình dung rằng trên mộ bia của bạn, người ta khắc dòng chữ: Người này đã làm theo mục đích của Đức Chúa Trời trong thế hệ của ông/bà. Tôi cầu nguyện để mọi người có thể nói về bạn và tôi như thế khi chúng ta chết đi. Đó là lý do tại sao tôi viết cuốn sách này cho bạn.
Cụm từ này là định nghĩa căn bản của một đời sống tốt đẹp. Bạn làm những điều đời đời và vô tận (mục đích của Đức Chúa Trời) trong khung cảnh tạm bợ, giới hạn (thế hệ của bạn). Đó là toàn bộ đời sống theo đúng mục đích. Thế hệ trước và cả thế hệ sau cũng không thể làm thành mục đích của Đức Chúa Trời cho thế hệ này. Chỉ có chúng ta mới làm được. Giống như Ê-xơ-tê, Đức Chúa Trời đã tạo dựng bạn “vì cớ cơ hội hiện lúc này” (EtEt 4:14).
Đức Chúa Trời vẫn tìm kiếm nhiều người để sử dụng. Kinh Thánh chép, “Con mắt của Đức Giê-hô-va soi xét khắp thế gian, đặng giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài” (IISu 2Sb 16:9). Bạn là một người mà Đức Chúa Trời có thể dùng cho những mục đích của Ngài? Bạn sẽ làm theo mục đích của Đức Chúa Trời trong thế hệ của bạn?
Phao-lô đã sống một đời sống theo đúng mục đích. Ông nói, “Vậy thì, tôi chạy, chẳng phải là chạy bá vơ; tôi đánh, chẳng phải là đánh gió” (ICo1Cr 9:26). Lý do duy nhất để sống của ông là làm trọn những mục đích Đức Chúa Trời định cho ông. Ông nói, “Đấng Christ là sự sống của tôi, và sự chết là điều ích lợi cho tôi vậy” (Phi Pl 1:21). Phao-lô không hề sợ hãi trước sự sống hay cái chết. Dù như thế nào ông cũng làm thành những mục đích của Đức Chúa Trời. Ông không thể thất bại!
Một ngày nọ, lịch sử sẽ khép lại, nhưng cõi đời đời sẽ tồn tại mãi mãi. William Carey đã nói, “Tương lai cũng tươi sáng như những lời hứa của Đức Chúa Trời.” Lúc nào việc làm theo mục đích của Chúa cho đời sống bạn gặp khó khăn, đừng chán nản. Hãy nhớ đến phần thưởng bạn sẽ nhận, là cái còn lại đời đời. Kinh Thánh chép, “Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng, vô biên” (IICo 2Cr 4:17).
Hãy hình dung một ngày nào đó tất cả chúng ta sẽ đứng trước ngai Đức Chúa Trời trình dâng đời sống mình với lòng biết ơn sâu xa và ngợi khen Đấng Christ. Chúng ta sẽ cùng nhau nói, “Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh hiển, tôn quí và quyền lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý muốn Chúa mà muôn vật mới có và đã được dựng nên” (KhKh 4:11). Chúng ta sẽ ngợi khen Ngài bởi kế hoạch của Ngài, và sống phục vụ Ngài đời đời!
Suy Nghĩ Về Mục Đích Của Tôi: Ngày 40
Vấn Đề Suy Nghĩ: Sống theo mục đích là cách duy nhất để thực sự sống.
Câu Gốc: “Đa-vít đã làm trọn mục đích của Đức Chúa Trời trong thế hệ của ông.” Cong Cv 13:36 bản NASB -ND
Câu Hỏi Suy Gẫm: Khi nào thì tôi sẽ dành thì giờ để trả lời năm câu hỏi lớn của cuộc sống? Khi nào tôi mới viết mục đích của mình ra giấy?
*Các Câu Hỏi Thảo Luận:
Thêm vào mỗi câu hỏi ở cuối chương, bạn có thể dùng những câu hỏi này để thảo luận trong nhóm hoặc trong lớp Trường Chúa Nhật.
TÔI CÓ MẶT TRÊN TRẦN GIAN NÀY ĐỂ LÀM GÌ?
· Theo bạn, những ngụ ý của câu đầu tiên của cuốn sách này, “Không phải nói về bạn” là gì?
· Theo bạn, đời sống của đa số người hiện nay bị lèo lái bởi điều gì? Động lực đang lèo lái cuộc đời bạn là gì?
· Hình ảnh hay ẩn dụ nào phù hợp nhất để mô tả cuộc đời bạn? Một cuộc đua, một rạp xiếc v.v.?
· Nếu mọi người hiểu rằng cuộc đời trên trần gian là để chuẩn bị cho cõi đời đời, tất cả chúng ta sẽ hành động như thế nào?
· Điều gì trên trần gian này ngăn trở con người sống theo những mục đích của Đức Chúa Trời?
· Điều gì bạn đang gắn bó với có thể ngăn trở bạn sống theo những mục đích của Đức Chúa Trời?
BẠN ĐƯỢC TẠO DỰNG VÌ SỰ VUI THỎA CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI: THỜ PHƯỢNG
· Việc “sống trọn đời vì sự khoái lạc của Đức Chúa Trời” khác với cách hầu hết mọi người hiểu về “sự thờ phượng” như thế nào?
· Một tình bạn với Đức Chúa Trời giống và khác với bất cứ một tình bạn nào khác như thế nào?
· Hãy chia sẻ đôi điều về những gì bạn học được lúc bạn thấy Chúa dường như ở xa.
· Điều nào dễ hơn cho bạn-thờ phượng chung hay thờ phượng riêng? Cách thờ phượng nào thường khiến bạn cảm thấy gần gũi hơn với Đức Chúa Trời?
· Khi nào thì thích hợp để bày tỏ sự tức giận cho Đức Chúa Trời?
· Những mối lo sợ nào xuất hiện khi bạn nghĩ đến việc đầu phục Đấng Christ trọn đời sống mình?
BẠN ĐƯỢC TẠO DỰNG CHO GIA ĐÌNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI: MỐI THÔNG CÔNG
· Việc “cam kết với nhau như cam kết với Chúa Giê-su Christ” khác với cách mà hầu hết mọi người hiểu về “mối thông công” như thế nào?
· Những điều gì ngăn trở bạn yêu thương và quan tâm đến các tín nhân khác?
· Điều gì sẽ khiến bạn thấy dễ chia sẻ hơn về những nhu cầu, nỗi đau, sợ hãi và hy vọng của mình với người khác?
· Những điều mà người ta thường đưa ra để bào chữa cho việc không gia nhập Hội Thánh là gì, và bạn sẽ trả lời họ ra sao?
· Nhóm chúng ta có thể làm gì để bảo vệ và phát triển sự hiệp nhất trong Hội Thánh?
· Bạn có cần khôi phục mối quan hệ với một ai đó hay không?
BẠN ĐƯỢC TẠO DỰNG ĐỂ TRỞ NÊN GIỐNG ĐẤNG CHRIST: MÔN ĐỒ HÓA
· Việc “trở nên giống như Đức Chúa Giê-su Christ” khác với cách mà hầu hết mọi người hiểu về “môn đồ hóa” như thế nào?
· Hãy nêu một số thay đổi trong cuộc đời bạn kể từ khi tin Chúa. Những người khác thấy gì?
· Từ bây giờ tới năm sau, bạn sẽ giống Chúa hơn như thế nào? Ngày nay bạn có thể làm gì để hướng tới mục tiêu đó?
· Chỗ nào trong sự tăng trưởng tâm linh của bạn là chỗ bạn cần phải nhẫn nại vì dường như tiến triển rất ít?
· Đức Chúa Trời đã dùng nỗi đau và nan đề để giúp bạn lớn lên như thế nào?
· Bạn dễ bị cám dỗ nhất khi nào? Bước nào trong số các bước đánh bại cám dỗ giúp ích cho bạn nhiều nhất?
BẠN ĐƯỢC TẠO DỰNG ĐỂ PHỤC VỤ ĐỨC CHÚA TRỜI: CHỨC VỤ
· Việc “dùng định dạng của bạn để phục vụ những người khác” khác với cách mà hầu hết mọi người hiểu về “chức vụ” như thế nào?
· Bạn thích làm việc gì để phục vụ những người khác trong gia đình của Đức Chúa Trời?
· Hãy nghĩ đến những kinh nghiệm đau thương bạn đã trải qua mà Chúa có thể dùng để giúp những người khác cũng đang gặp phải hoàn cảnh tương tự.
· Việc so sánh giữa chúng ta và những người khác ngăn trở chúng ta phát triển trọn vẹn định dạng độc nhất của mình ra sao?
· Bạn thấy Đức Chúa Trời bày tỏ quyền năng của Ngài qua sự yếu đuối của bạn như thế nào?
· Làm sao để mỗi thành viên trong nhóm nhỏ hoặc lớp học của chúng ta có thể tìm thấy đúng vị trí chức vụ của mình? Nhóm chúng ta có thể làm gì để phục vụ Hội Thánh?
BẠN ĐƯỢC TẠO DỰNG VỚI MỘT SỨ MỆNH: TRUYỀN GIÁO
· Những lo sợ và ấn tượng sâu sắc mà người ta thường có mỗi khi nghe từ “truyền giáo” là gì? Điều gì ngăn trở bạn chia sẻ Tin Lành cho những người khác?
· Sứ Mệnh Cuộc Đời mà bạn tin rằng Chúa đã ban cho bạn để chia sẻ thới thế gian là gì?
· Hãy nêu tên một người bạn chưa tin của bạn để mọi người trong nhóm cầu thay cho.
· Nhóm chúng ta có thể làm gì để góp phần hoàn tất Đại Mạng Lệnh?
· Việc cùng nhau đọc qua cuốn sách này đã giúp bạn tái tập trung hay tái định hướng mục đích của cuộc đời mình như thế nào? Hãy nêu một số gợi ý hữu ích nhất cho bạn.
· Chúa nhắc bạn nhớ đến ai để bạn có thể chia sẻ cuốn sách với sứ điệp biến đổi đời sống này?
· Tiếp theo chúng ta sẽ học gì? (xem gợi ý trong phụ lục 2)
Hãy email và kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của nhóm bạn!
bottom of page