top of page

CHƯƠNG 1 : SỰ TIN CẬY LÀ GÌ ?

Hung Tran

Feb 20, 2024

Sự tin cậy giúp chúng ta sống không có gánh nặng hay lo lắng...



Sự Tin Cậy Là Gì?


Bắt đầu lo là hết tin cậy và bắt đầu tin cậy là hết lo.” George Mueller



Lúc...

...nào chúng ta cũng tin tưởng ai đó hay điều gì đó đáng tin cậy, làm thế sẽ không còn lo lắng nữa. Vì thế, quan trọng là ta phải học biết tin cậy là gì và cách để tin cậy. Chúng ta đặc biệt muốn học biết cách để tin cậy Chúa.

Từ điển Noah Webster 1828 định nghĩa tin cậy là “Sự tin chắc; sự nương cậy hay nghĩ đến việc nương dựa vào sự thanh liêm, sự chính trực, sự công minh, tình thiết hữu hay các nguyên tắc khác của một người.” Người nào tin cậy nơi Chúa sẽ được an toàn (xem Châm-ngôn 29:25).

Sự tin cậy giúp chúng ta sống không có gánh nặng hay lo lắng vì chúng ta có lòng tin rằng người khác sẽ giải quyết những điều đó cho chúng ta. Thay vì cảm thấy rằng chúng ta phải liên tục mang gánh nặng thì chúng ta có thể cảm thấy nhẹ nhàng trong tâm hồn.

Việc đặt lòng tin cậy nơi Chúa và trao lo lắng cho Ngài đòi hỏi chúng ta phải quyết định làm việc này. Tác giả Thi Thiên, Đa-vít thường nói về việc tin cậy nơi Chúa. Từ “đặt” (put) là một hành động mà chúng ta thường thấy trong Lời Chúa khi Ngài đưa ra cho chúng ta những lời chỉ dẫn về những gì nên làm - những việc như mặc lấy tình yêu thương (put on love), mặc lấy con người mới (put on the new man), mang giày bình an (put on your shoes of peace) cũng như đặt lòng tin cậy nơi Chúa (put your trust). (Xem Cô-lô-se 3:14; Ê-phê-sô 4:24; Ê-phê-sô 6:15; Châm 3:5).

Kinh Thánh nói, “Hãy trao gánh nặng cho Chúa vì Ngài nâng đỡ anh em...” (Thi 55:22). Tôi thích ý niệm là phóng thích gánh nặng. Chúng ta thường sống với tấm lòng nặng nề và đầu óc nặng trĩu, nhưng Chúa mời chúng ta sống một cuộc đời chất lượng hơn, nhưng chúng ta chỉ có thể kinh nghiệm điều này qua việc tin cậy nơi Ngài. Noah Webster nói sự tin cậy là làm cho đầu óc thảnh thơi. Sứ đồ Phao-lô xác nhận điều này khi ông nói những ai tin cậy Chúa sẽ bước vào sự an nghỉ (xem Hê-bơ-rơ 4:3).

Một trong những cách chúng ta có thể phân biệt là chúng ta có thật sự tin cậy Chúa hay không, hay chúng ta chỉ cố gắng tin cậy Ngài, đó là tâm hồn chúng ta có đang yên nghỉ nơi sự thành tín của Ngài hay không. Nếu tôi nói tôi đang tin cậy Chúa, nhưng tôi cứ mang gánh nặng qua thái độ lo lắng và phiền muộn thì tôi không trao gánh nặng cho Chúa. Có lẽ là tôi muốn làm. Có lẽ là tôi thử làm, nhưng tôi chưa thật sự làm việc đó.

Hiểu được chuyện này đã giúp tôi học biết như thế nào là lòng tin cậy thật sự. Đây không chỉ là lời nói suông, mà là một sự phóng thích gánh nặng của tôi; một hành động mang tính quyết định nhằm mang lại sự yên nghỉ cho tâm hồn tôi (tâm trí, ý chí, tình cảm). Hãy tưởng tượng là bạn đi đâu bạn cũng đang mang một túi xách đựng đầy những viên đá. Bạn mang nó đi làm, đi chợ, đi nhóm và nó nặng thật, nhưng bạn cứ muốn mang nó. Bây giờ hãy tưởng tượng bạn quyết định không mang nữa - hãy thử nghĩ xem bạn sẽ cảm thấy thế nào và mọi thứ sẽ dễ chịu hơn nhiều.

Đó là cách mà khi chúng ta lo lắng và mang gánh nặng trong người chúng ta thay vì phó thác cho Chúa. Chúng ta cứ sống và làm những gì chúng ta cần làm, nhưng gánh nặng cứ đè nặng lên chúng ta và làm cho đời sống chúng ta trở nên vô cùng khó khăn. Hôm nay bạn quyết định trao gánh nặng bằng cách tin cậy Chúa nếu bạn muốn và bạn sẽ rất vui khi bạn làm thế.

Tôi gặp nhiều người liền kể tôi nghe rằng họ đang tin cậy Chúa lo liệu cho các vấn đề của họ, nhưng họ cũng cho tôi biết họ rất lo sợ và suy nghĩ là họ nên làm gì đây. Điều này cho tôi biết rằng họ nghĩ là họ tin cậy Chúa và họ muốn tin cậy Chúa thật, nhưng họ chưa tin gì cả. Họ nói họ tin cậy Chúa, nhưng họ bị ám ảnh bởi nỗi lo về nhiều thứ.

Tôi học được rằng cách tốt nhất để có mối quan hệ tốt đẹp với Chúa đó là chúng ta phải thành thật với Ngài. Ngài biết hết mọi chuyện rồi, nhưng sẽ ích lợi cho chúng ta là phải đối diện với sự thật. Tôi đã phí rất nhiều năm tuyên bố rằng tôi tin cậy Chúa trong khi đó thì tôi lại lo lắng và khốn khổ, và sau này tôi nhận ra rằng lòng tin cậy thật sự sẽ mang lại kết quả tốt đẹp. Nó mang lại sự bình an - một sự bình an vượt quá mọi hiểu biết!

Nếu một người chưa đạt đến chỗ tin cậy Chúa hoàn toàn thì cách tốt nhất là hãy thành thật với Chúa về chuyện này. Trong Mác chương 9, có một câu chuyện hay về một người cha xin Chúa chữa lành cho con trai mình. Ông nói với Chúa Giê-xu rằng ông tin nhưng ông cần Chúa giúp ông chiến thắng sự vô tín của ông (xem Mác 9:24). Tôi rất thích sự thành thật của người cha này, và tin mừng là ông đã nhận được phép lạ. Tất cả chúng ta thỉnh thoảng cũng có một chút nghi ngờ đang khi tin cậy Chúa. Hy vọng rằng chúng ta sẽ tăng trưởng và học tin cậy Chúa càng hơn, sự tăng trưởng cần thời gian và không có lí do gì để bị định tội nếu bạn chưa tin cậy Chúa hoàn toàn.

Tôi đã dạy Lời Chúa suốt nhiều năm qua, và tôi vẫn chưa học hết về việc tin cậy Chúa. Tôi hy vọng rằng tôi sẽ học được nhiều hơn khi tôi nghiên cứu và viết sách này.


Bản Tính Của Chúa


Từ điển Merrian-Webster.com định nghĩa tin cậy là “một niềm tin rằng ai đó hoặc điều gì đó đáng tin tưởng, tốt đẹp, chân thành, có thể giúp đỡ...” Tin cậy là lệ thuộc vào những gì chúng ta biết về bản tính của người mà chúng ta tin tưởng. Nếu chúng ta không thể tin một người nào đó là tốt đẹp, công chính, tử tế, yêu thương và đáng tin tưởng thì chúng ta không đặt lòng tin nơi họ.

Tôi phát hiện ra rằng học kỹ về bản tính của Chúa đã giúp tôi rất nhiều trong việc học biết cách để tin tưởng hoàn toàn nơi Chúa. Chẳng hạn, một trong những khía cạnh về bản tính của Chúa mà mang lại cho tôi niềm an ủi đó là Ngài công minh, nghĩa là Ngài luôn luôn biến những việc ngang trái thành ngay thẳng.

Tôi đã kinh nghiệm sự công minh của Ngài nhiều lần trong chính đời sống tôi vì tôi bị đối xử bất công, tôi có thể tin cậy Chúa sẽ biến họa thành phúc theo cách của Ngài và theo thời điểm của Ngài. Đời không phải lúc nào cũng công bằng, nhưng Chúa thì công bằng và khi chúng ta đặt lòng tin cậy nơi Ngài, trao gánh nặng của chúng ta cho Ngài, Ngài sẽ hành động vì cớ chúng ta và đem sự công chính trong tình huống của chúng ta.

Tin cậy Chúa sẽ mang lại sự công minh làm cho tôi vơi đi gánh nặng để cố gắng tự mình làm việc đó. Chúa nói rõ trong Lời Ngài rằng sự báo thù thuộc về Ngài và Ngài sẽ báo trả kẻ thù của Ngài:

Vì chúng ta biết Đấng đã phán: “Sự báo thù thuộc về Ta; chính Ta sẽ báo ứng,” lại bảo: “Chúa sẽ xét đoán dân Ngài.” Hê-bơ-rơ 10:30.

Để kinh nghiệm sự công minh của Chúa, chúng ta phải sẵn sàng dâng tình huống hiện tại cho Ngài và chấm dứt cố gắng để tự mình cho liệu. Đây là phần khó làm! Đối với tôi, mà tôi nghĩ phần lớn trong chúng ta cũng vậy, chúng ta hay làm cho mình kiệt quệ khi nổ lực bảo vệ bản thân mà không thành công, cho đến khi chúng ta bằng lòng thử tin cậy Chúa. Một khi chúng ta làm điều đó và bắt đầu kinh nghiệm sự thành tín của Ngài, thì lần sau chúng ta sẽ thấy dễ dàng tin cậy hơn. Một trong những lý do tại sao tin cậy Chúa có thể là một việc làm đầy thách thức là vì Ngài không phải lúc nào cũng ban cho chúng ta ngay lập tức điều chúng ta cầu xin. Chúng ta nhận nơi Chúa là bởi đức tin và kiên nhẫn. Phần chờ đợi là phép thử nhằm làm kéo giãn đức tin của chúng ta đến cấp độ mới.

Chúa là tốt lành, đầy lòng thương xót, thánh khiết và nhân hậu. Ngài hay làm ơn và không chỉ Ngài có quyền năng giúp đỡ chúng ta mà còn muốn giúp chúng ta! Chúa đang chờ để giúp bạn và tôi, và điều duy nhất chúng ta cần làm là tin cậy Ngài sẽ làm thế.

Khi tôi ngẫm nghĩ lại cuộc đời tôi, tôi có thể khẳng định rằng Chúa thành tín. Ngài luôn có mặt với chúng ta, ngay cả khi chúng ta không nhìn thấy Ngài hay cảm nhận Ngài. Bao lâu chúng ta tin Ngài đang hành động, Ngài sẽ bày tỏ hay khải thị bằng cớ về công việc của Ngài đúng lúc. Đừng bỏ cuộc khi việc chờ đợi dường như quá lâu, hãy tiếp tục tin cậy Chúa!

Mỗi khi tôi gặp khó khăn khi tin cậy Chúa, tôi nhớ lại những việc Ngài đã làm cho tôi trong quá khứ và tôi an tâm rằng Ngài sẽ làm điều đó lần nữa. Tôi đã viết nhật ký suốt bốn mươi năm và tôi xem lại cuốn nhật ký từ thập niên 70, lúc đó tôi xin Chúa cung ứng cho tôi một vài chiếc khăn trải bàn. Chồng tôi và tôi lúc đó không có tiền để mua và vì tôi mới bắt đầu hành trình tin cậy Chúa, tôi đến với Ngài như một đứa trẻ và xin những nhu cầu này. Hãy tưởng tượng tôi phấn khởi thể nào khi một tuần sau đó, một chị em tôi mới quen đã xuất hiện ngay cửa nhà tôi và nói, “Tôi hy vọng cô không nghĩ tôi khùng, nhưng tôi cứ cảm nhận rằng Chúa muốn tôi đem cho cô một số khăn trải bàn mới!” Lúc đó tôi vô cùng phấn khởi đến độ cô này hơi sốc cho đến khi tôi giải thích rằng tôi đã xin Chúa tiếp trợ thứ này. Đó là một trong những kinh nghiệm sống động về sự thành tín của Chúa và suốt nhiều năm tôi đã kinh nghiệm nhiều điều như thế.

Trong Kinh Thánh, chúng ta đọc thấy rằng Đa-vít cần phải giết tên khổng lồ là Gô-li-át và ai cũng làm cậu nản chí và cho cậu biết là cậu sẽ thất bại, cậu nhớ lại những con sư tử và con beo mà cậu đã giết nhờ có Chúa giúp đỡ. Đức tin của cậu được mạnh mẽ và cậu tiếp tục giết tên Gô-li-át (Xem 1 Sa-mu-ên 17:34-36).

Tôi muốn khích lệ bạn hãy để thì giờ, có lẽ là ngay bây giờ, lên một danh sách về những lần bạn đã kinh nghiệm sự thành tín của Chúa trong chính đời sống của bạn. Tôi có thể đảm bảo với bạn rằng bạn sẽ nuôi dưỡng đức tin của mình và giúp bạn có khả năng tin cậy Chúa dễ dàng hơn về những nhu cầu hiện tại trong đời sống bạn.

Tôi đã nghe từ “thành tín” được định nghĩa là “đáng tin hay đáng nhờ.” Chúng ta có thể nương nhờ Chúa! Chúng ta có thể nương cậy Ngài. Ngài hứa sẽ không hề lìa hay bỏ chúng ta, nhưng sẽ ở với chúng ta luôn luôn (xem Ma-thi-ơ 28:20).

Khi chúng ta có nhu cầu, chúng ta có thể tin cậy Ngài ở với chúng ta và giúp đỡ chúng ta (xem Hê-bơ-rơ 13:5). Khi chúng ta trải qua những thử thách, Ngài ở với chúng ta và luôn luôn giúp chúng ta (xem 1 Cô-rinh-tô 10:13). Và khi tất cả những người khác bỏ chúng ta, Ngài vẫn ở với chúng ta và vẫn trung tín (xem 2 Ti-mô-thê 4:16-17).

Việc học về từng khía cạnh của bản tính của Chúa rất ích lợi để giúp chúng ta học tin cậy Ngài. Tôi sẽ nói đến nhiều hơn về bản tính Ngài xuyên suốt cuốn sách này, nhưng tôi cũng khích lệ bạn hãy tìm kiếm sách vở khác viết về đề tài này và tự nghiên cứu lấy.


Sự Tự Tin


Tin cậy cũng được cho là sự tự tin! Tất cả chúng ta đều biết cuộc sống sẽ dễ dàng hơn khi chúng ta có sự tự tin. Có sự tự tin rằng chúng ta có thể làm một việc nào đó khiến chúng ta có khả năng sống cuộc đời tràn đầy niềm vui và lòng mong đợi tích cực. Là tín hữu tin Chúa Giê-xu, sự tự tin của chúng ta cần ở trong Ngài. Tất cả chúng ta đều có niềm tin trong một số lĩnh vực, nhưng chúng ta cũng có thể có sự tự tin trong mọi lĩnh vực qua việc tin cậy Chúa. Chẳng hạn, đôi khi tôi cảm thấy tự tin khi tôi dạy tại hội nghị, nhưng cũng có những lúc tôi không có tự tin gì cả. Những lúc như thế tôi có thể chọn tự tin bao lâu sự tin quyết của tôi ở trong Chúa, chứ không phải ở bản thân tôi hay ở cách mà tôi cảm nhận.

Sứ đồ Phao-lô nói rất rõ khi ông cho biết rằng ông không tin quyết nơi xác thịt. Dù ông có nhiều lợi thế về tự nhiên, nhưng ông không đặt lòng tin vào những vẻ bề ngoài. Ông nhấn mạnh rằng sự tin quyết của chúng ta chỉ ở trong Chúa (xem Phi-líp 3:3). Tin cậy là tin quyết vào người mà đáng tin, và tin quyết nơi Chúa khiến cho chúng ta thoải mái! Nó cho phép chúng ta làm việc dễ chịu bởi vì chúng ta tin chúng ta có thể làm những gì cần làm. Lòng tự tin sẽ xua tan sự căng thẳng, áp lực, lo lắng và nỗi sợ thất bại.

Tôi cho rằng chúng ta có thể tin quyết ngay cả khi chúng ta không "cảm thấy" tin quyết, và đây là điểm rất quan trọng. Cảm giác rất lừa lọc; nó có khuynh hướng thay đổi liên tục và không thông báo trước, nên đặt niềm tin vào cách chúng ta cảm thấy thế nào thì không khôn ngoan chút nào.

Có lẽ bạn đi xin việc làm và lúc đầu cảm thấy đầy tự tin bởi vì bạn tin bạn có những kỹ năng cần thiết. Nhưng nửa chừng trong cuộc phỏng vấn, bạn có cảm giác là người phỏng vấn bạn không thích bạn lắm, và thình lình một ý tưởng (có lẽ là không đúng) khiến bạn mất cảm giác tự tin. Tuy nhiên, nếu sự tự tin của bạn nơi Chúa, bạn có thể tin cậy Ngài ban cho bạn ân huệ, và bạn có thể tiếp tục cuộc phỏng vấn đang khi tin xác quyết rằng nếu đây là công việc tốt cho bạn thì bạn sẽ nhận được việc làm.

Sa-tan không muốn chúng ta có sự tự tin bởi vì nó biết rằng không có sự tự tin, chúng ta sẽ không thành công nhiều trong cuộc sống. Ngay cả những người rất có tài, rất thông minh và rất có khả năng vẫn cần sự tự tin.

Sự tự tin giống như nhiên liệu cho động cơ: Một chiếc phản lực có khả năng bay nhưng nó vẫn nằm im dưới đất khi không có nhiên liệu.

Không thể nào có sự tự tin liên tục nếu sự tự tin của chúng ta đặt sai chỗ: đặt nơi con người hay sự việc, bởi vì những thứ này hay thay đổi, nhưng Chúa thì không bao giờ đổi thay và Ngài không nói dối! Ngài là Vầng Đá mà chúng ta nương nhờ trong một thế giới luôn thay đổi như chong chóng!



bottom of page