top of page

Hung Tran
Feb 11, 2024
Chúa Giê-xu không bao giờ bảo chúng ta đi đến nơi nào mà Ngài chưa từng tới. Dù hiện tại bạn đang trải qua
bất cứ điều gì, xin hãy biết rằng Chúa ở với bạn và Ngài có kế hoạch giải cứu và chữa lành bạn...
Những Lý Do Tại Sao Ta Chịu Khổ
(Phần 1)
“Phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ đối với anh em là như vậy.” 1Tê-sa-lô-ni-ca 5:18
Dù...
...chúng ta sẽ không bao giờ hiểu hoàn toàn sự chịu khổ nhưng có nhiều điều chúng ta có thể học về nó, và thật là khôn ngoan khi chịu học như thế. Khi chúng ta hiểu điều gì đó thì thường là dễ chịu đựng hơn là nếu chúng ta hoàn toàn bị bối rối. Khi chúng ta không hiểu gì cả, thì nó sẽ trở thành gánh nặng gấp đôi rất khó chịu đựng. Tôi phát hiện ra rằng rất nhiều câu trả lời mà tôi tìm kiếm liên quan đến lý do tại sao chúng ta chịu khổ, đã đến với tôi qua tiến trình trưởng thành thuộc linh của tôi. Chẳng hạn, tôi học biết rằng một số sự chịu khổ thực tế là ích lợi cho tôi. Một số sự chịu khổ tôi cần phải chấp nhận và để nó kiện toàn tôi và một số thì tôi cần chống trả cương quyết vì đó là ý định của Sa-tan nhằm tiêu diệt tôi. Trong tương lai, khi tôi tiếp tục tăng trưởng trong Chúa, có lẽ tôi sẽ hiểu nhiều hơn, nhưng bây giờ thì tôi sẽ chia sẻ với bạn những gì tôi đã học được.
Tạ ơn Chúa về nhiều phước hạnh có trong đời sống chúng ta giống như một liều thuốc bổ cho tâm hồn đang đau khổ. Càng tập trung vào sự chịu khổ chúng ta càng khổ đau thêm, nhưng tìm điều gì đó để tạ ơn Chúa và tập trung vào đó thì rất ích lợi. Nếu một người tin Đức Chúa Trời là tốt lành, thì ngay cả giữa những khổ đau tồi tệ nhất họ đã chứng tỏ rằng sự tin cậy của họ nơi Chúa rất mạnh mẽ và họ có thể chịu đựng suốt qua nhiều giai đoạn trong đời. Những lời biết ơn của chúng ta khi đối điện sự chịu khổ, đặc biệt là những sự chịu khổ bất công, là chứng cớ mạnh mẽ của lòng tin của chúng ta nơi Chúa hơn bất cứ điều gì khác mà tôi biết.
Sự chịu khổ là có thật và nó gây ra đau đớn. Đôi lúc nó rất kinh khiếp và dường như không thể chịu nổi. Có thể là chịu khổ về thể xác, về tinh thần, về tâm trí, về cảm xúc, về tài chính hay về mối quan hệ. Chúa Giê-xu đã chịu khổ nhiều hơn bất kỳ người nào trong chúng ta chịu, nhưng Lời Chúa nói Ngài đã học vâng lời qua những gì Ngài chịu khổ (xem Hê-bơ-rơ 5:8).Chúa Giê-xu không bao giờ bất tuân. Ngài duy trì lòng biết ơn và luôn luôn bày tỏ thái độ yêu thương. Nhưng qua sự chịu khổ của Ngài, Chúa Giê-xu kinh nghiệm rằng vâng lời Đức Chúa Trời đòi hỏi phải trả giá, và Ngài sẵn sàng trả giá để được trang bị hầu có thể phục vụ với tư cách Tác giả và Nguồn cứu rỗi của chúng ta (xem Hê-bơ-rơ 5:9; 12:2). Ngài là Thầy Thượng Tế hiểu mọi nỗi đau chúng ta trải qua trong cuộc sống này (xem Hê-bơ-rơ 4:15). Chúa Giê-xu không bao giờ bảo chúng ta đi đến nơi nào mà Ngài chưa từng tới. Tôi được an ủi khi biết Ngài luôn đi trước tôi và chuẩn bị con đường cho tôi bước đi.
Khi biết được những điều ấy rồi, hãy để tôi nêu cho bạn vài ý niệm để xem xét khi bạn xử lý những sự chịu khổ mà đôi lúc chúng ta đối diện ở đời này.
Tội Lỗi là Nguyên Nhân Chính Của Mọi Khổ Đau
Chúng ta đã giải thích rằng tội lỗi của chính chúng ta, tội lỗi của người khác, hay hậu quả khi sống trong một thế giới tội lỗi và sa ngã là nguyên nhân của mọi khổ đau. Nhưng tôi muốn giải thích thêm điều này để chúng ta hiểu biết tốt hơn. Ý định nguyên thủy của Đức Chúa Trời không phải để con người trải qua sự đau đớn và khốn khổ, và thật là không công bằng nếu đổ lỗi cho Ngài hết những điều đó.
Một trong những cách mà phần lớn chúng ta đôi khi chịu khổ trong đời sống của chúng ta là qua bệnh tật. Khi chúng ta nghe tội lỗi và bệnh tật thường liên hệ nhau, thì rất dễ để quá tập trung vào tội lỗi của chính chúng ta. Dù sự thật là những việc tôi làm có thể gây ra bệnh tật, nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng hoặc giả là thỉnh thoảng mới đúng thôi.
Trong Kinh Thánh không có ví dụ nào nói Chúa Giê-xu liên đới một tội lỗi cụ thể với bệnh tật cụ thể nào. Ngài là Đấng chữa lành của chúng ta, và Ngài thường dùng sự chữa lành như một cách để thuyết phục dân chúng rằng nếu Ngài có thể chữa lành bệnh tật, thì chắc chắn Ngài có thể tha thứ tội lỗi (xem Mác 2:9-11). Nghiên cứu đúng đắn Lời Chúa chỉ cho thấy sự chữa lành cũng như sự tha thứ tội được bao hàm trong sự chuộc tội của Chúa Giê-xu (xem Ê-sai 53:4-5). Đức Chúa Trời không thể nào vừa là Đấng chữa lành của chúng ta và cũng vừa là nguyên nhân của bệnh tật. Chúng ta hãy an tâm trong lòng một lần đủ cả rằng Chúa là tốt lành và ma quỷ là xấu xa!
Hằng năm khi tới mùa cảm cúm, ai ai cũng chịu ảnh hưởng của các chứng bệnh này - cả người tốt lẫn kẻ xấu, cả người già lẫn người trẻ! Đôi khi một cách ngẫu nhiên mà những người bị cảm cúm là những tội nhân và những người không bị bệnh là những thánh đồ. Tuy nhiên, tôi nghĩ khi chúng ta bị bệnh thì khôn ngoan là hãy hỏi Chúa có phải chúng ta mở cửa cho bệnh tật hay không. Thường chúng ta không hành động khôn ngoan trong cách chăm sóc bản thân và việc này đã làm suy yếu hệ thống miễn dịch của chúng ta, khiến chúng ta rất dễ bị nhiễm bệnh hơn là lúc chúng ta chăm sóc bản thân cách chu đáo. Dù Chúa có thể bày tỏ điều gì đó cho chúng ta mà chúng ta nên tránh trong tương lai, nhưng cũng có những lúc Ngài không bày tỏ. Khi Ngài yên lặng, tôi chỉ cầu xin sự chữa lành và tin cậy Chúa hóa giải để mang lại ích lợi cho tôi.
Điều này thật dễ hiểu nếu chúng ta nói về bệnh cảm lạnh hay cảm cúm, nhưng sự tình sẽ trở nên khó khăn hơn nếu căn bệnh đó là ung thư hay rơi vào một tình cảnh đau đớn, đe dọa đến mạng sống. Hoàn cảnh càng đau đớn thì càng khó để chúng ta hiểu nó.
Năm 1989 tôi bị ung thư ngực, và chỉ gần đây tôi mới nhận ra là tôi đã có thể tránh nó được nếu tôi khôn ngoan hơn trong việc chăm sóc thân thể. Vào thời điểm đó, chức vụ của chúng tôi khá mới và tôi đã sống dưới áp lực liên tục vì tôi chưa biết nhiều về việc tin cậy Chúa và trở nên kiên nhẫn. Ngoài việc cố gắng phát triển một chức vụ, lúc ấy tôi cũng trải qua tiến trình chữa lành nội tâm đầy đau đớn và khó khăn với Chúa. Tôi đã không ngủ đủ, đã không tập thể dục đủ, đã làm việc quá sức, đã không nghỉ ngơi đủ, đã ăn quá nhiều, đã uống quá nhiều càphê, đã không uống đủ nước, tôi thường tức giận, buồn bực và hay thất vọng - danh sách này vẫn còn dài. Hậu quả là sự căng thẳng khiến hóc-môn mất cân bằng, làm ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của tôi. Cuối cùng tôi phải đi khám bác sỹ, ông khuyên tôi cắt bỏ tử cung và tiêm estrogen (một loại hormone sinh dục nữ). Điều này cũng giúp ích rất nhiều, cuối cùng cứ mười ngày tôi phải tiêm một mũi. Sau khoảng một năm tôi được chẩn đoán một khối u ngực kí sinh estrogen. Nói cách khác, khối u được nuôi và phát triển do hậu quả của estrogen. Đó là một loại ung thư phát triển rất nhanh và nguy hiểm, và tôi buộc phải phẫu thuật triệt để.
Trong hoàn cảnh đó Chúa không hình phạt tôi hay trách cứ tôi vì đã không chăm sóc bản thân mình tốt hơn. Ca phẫu thuật thành công và tôi không cần điều trị thêm. Đối với tôi tự thân việc đó là một phép lạ rồi. Nhưng Chúa có dùng hoàn cảnh đó như một cơ hội để bắt đầu dạy tôi về tầm quan trọng của việc coi trọng thân thể vì đó là thân thể của Ngài, bây giờ mỗi ngày tôi đưa ra những quyết định tốt hơn nhiều liên quan đến sức khỏe. Tôi đi đến chỗ tin rằng vì chúng ta được mua với một giá rất cao và thuộc về Chúa, và vì thân thể chúng ta là đền thờ của Chúa, nên việc xem nhẹ và lạm dụng thân thể là tội. Nếu bạn nghĩ chuyện đó hơi quá cực đoan, thì hãy bỏ qua chuyện này cũng được, nhưng tôi khích lệ bạn hãy coi trọng bản thân đủ để chăm sóc tốt bản thân.
Khi nói chuyện với người ta, tôi phát hiện nhiều người - thậm chí là hầu hết - lạm dụng thân thể của họ. Có thể đơn giản vì chúng ta thiếu hiểu biết về tầm quan trọng của việc sống trong sức khỏe, vì lí do này (nếu không có lí do nào khác) thì việc tìm kiếm Chúa để biết căn nguyên của bệnh tật là việc làm khôn ngoan. Tôi đề nghị bạn đầu tư thời gian đọc một cuốn sách hay nào đó về cách sống khỏe mạnh trong tâm linh, hồn và thân thể. Tôi thật sự tin rằng làm thế sẽ mở mắt bạn thấy nhiều điều mà trước đây bạn bị che mắt.
Khi tôi bị ung thư, Chúa đã rất thương xót và ban ơn cho tôi, và kết quả là tốt hơn rất nhiều. Tôi muốn nói rõ khi tôi chia sẻ kinh nghiệm của mình, tôi không nói người bị bệnh ung thư là do không chăm sóc bản thân họ. Tôi không biết hết lí do đằng sau mọi đau yếu và bệnh tật. Nhưng tôi biết chúng ta nên đầu tư vào sức khỏe của mình và sống càng khỏe càng tốt. Satan gầm thét khắp nơi để tìm kẻ nào nó có thể bắt được và ăn nuốt, và tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo người đó không phải là tôi. 1 Phi-e-rơ 5:8 nói, “Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỷ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được.” Phi-e-rơ bảo chúng ta phải quân bình để tránh bị cắn nuốt. Trong cách sống trước đây tôi đã thật sự mất quân bình. Chúng ta không thể phá vỡ những quy luật của Chúa được tìm thấy trong Lời Chúa mà lại mong không bị ảnh hưởng tiêu cực khi làm thế. Ít ra, chúng ta sẽ mệt mỏi nếu chúng ta không chăm sóc tốt bản thân.
Gần đây tôi có ca phẫu thuật thay khớp toàn bộ do bị viêm khớp và bị viêm ở mông. Dù tôi ngạc nhiên là tôi được phục hồi rất nhanh, nhưng tôi cũng đã trải qua vài ngày cực kỳ đau đớn vì tôi đã hoạt động quá nhiều. Sự đau đớn là cách mà cơ thể tôi nói với tôi hãy chậm lại, giảm bớt hoạt động và kiên nhẫn hơn. Cả bác sĩ cũng bảo tôi hãy để cơn đau hướng dẫn tôi điều tôi có thể và không thể làm. Ông nói, “Nếu cô làm quá nhiều trong một ngày và ngày hôm sau cơn đau lại gia tăng thì hãy giảm hoạt động bớt lại và hãy để vùng đau dịu xuống.”
Khi ông Phao-lô viết cho người Ê-phê-sô: “…Hầu cho trong ngày khốn nạn... anh em được đứng vững vàng.” (Ê-phê-sô 6:13). Hãy cứ ở trong Chúa, hãy cứ ở trong tình yêu của Ngài, và tin cậy Ngài chữa lành bạn. Hãy làm điều Chúa tỏ cho bạn làm và rồi yên nghỉ trong tình yêu của Ngài, mong đợi sự phục hồi và chữa lành đầy đủ.
Người Khôn Ít Khổ Hơn Kẻ Ngu
Dù người khôn ngoan không thể né tránh tất cả sự chịu khổ, nhưng họ tránh được nhiều điều mà kẻ ngu sẽ gặp phải. Theo luật của Chúa thì chúng ta gặt những gì mình gieo (xem Ga-la-ti 6:7; Ma-thi-ơ 7:1-2; Lu-ca 6:31). Đối với tôi đó là một ý tưởng sáng suốt và là điều mà chúng ta phải nhớ mỗi ngày. Nếu một người chồng không chung thủy với vợ nhiều lần, có thể lắm anh ta sẽ đánh mất mối quan hệ vợ chồng. Đó là lỗi của anh ta, và anh gặt những gì mình gieo. Nếu một người tiêu xài quá độ và sống theo cảm xúc, và kết cuộc bị áp lực bởi nợ nần, vì anh đã gieo cách ngu dại và giờ anh ta gặt lấy những hậu quả. Sách Châm-ngôn có nhiều câu Kinh Thánh nói về việc thể nào lời nói của một kẻ ngu gây ra nan đề trong cuộc đời của hắn. Đây là một ví dụ:
“Môi kẻ ngu muội vào cuộc tranh cạnh, và miệng nó chiều sự đánh đập. Miệng kẻ ngu muội là sự bại hoại của nó; môi nó vốn một cái bẫy gài linh hồn của nó.” Châm-ngôn 18:6-7
Cũng có nhiều câu Kinh Thánh dạy chúng ta biết về lợi ích từ lời nói của người khôn. Đây chỉ là một ví dụ:
“Lời vô độ đâm xoi khác nào gươm; nhưng lưỡi người khôn ngoan vốn là thuốc hay.” Châm-ngôn 12:18
Ngoài việc cố gắng nói những lời khôn ngoan, chúng ta có thể chọn các hành động khôn ngoan. Châm-ngôn dạy rằng sự khôn ngoan là điều quý giá nhất mà chúng ta có thể tìm kiếm và sống nhờ đó. Những lời hứa dành cho người khôn ngoan thì rất nhiều và đáng để ước ao: ân huệ, sự giàu có, sự sống lâu, sự thăng tiến, sự trong sáng và sự bảo vệ, và vân vân.
Rõ ràng là chúng ta không gặt hay gánh chịu ngay các hậu quả của mỗi chọn lựa ngu dại chúng ta đã đưa ra, nếu vậy thì tất cả chúng ta đều sẽ gặp rắc rối nghiêm trọng. Chúng ta có thể nhận sự tha thứ và lòng thương xót của Chúa, nhưng khi chúng ta liên tục gieo trong ngu dại, chúng ta sẽ gặt những hậu quả và trải qua nhiều khổ đau.
Chúng ta sống trong một thế giới được xây trên những nền tảng đạo đức, và có những hậu quả cho các hành vi vô đạo đức. Chẳng hạn, nếu một người uống rượu bia rồi chạy xe, họ có thể bị thương hoặc gây tai nạn cho người khác. Nếu một người cứ liên tục nổi nóng thì chắc chắn kết cục là họ sẽ cô đơn. Nếu họ giết ai đó, dù rõ ràng là họ có thể được tha thứ, nhưng chắc chắn họ sẽ phải ngồi tù. Thật không tệ khi bắt đầu mỗi ngày bằng cách suy nghĩ về những hậu quả của lời nói và hành động của chúng ta. Nghĩ như thế sẽ thúc đẩy chúng ta đưa ra những quyết định khôn ngoan hơn.
Sứ đồ Phi-e-rơ nói về sự chịu khổ mà chúng ta đáng phải chịu và sự chịu khổ mà chúng ta không đáng phải chịu. Ông nói chịu khổ bất công vì làm việc đúng tốt hơn là chịu khổ vì làm việc sai (xem 1 Phi-e-rơ 2:19-20; 4:15-16).
Tôi có thể khẳng định rằng càng học Lời Chúa, rút tỉa sự khôn ngoan từ Lời Chúa và áp dụng Lời Chúa vào đời sống tôi thì tôi càng bớt khổ hơn. Kinh Thánh là cuốn Kim Chỉ Nam dạy chúng ta về cuộc đời! Nó giúp chúng ta suy nghĩ cẩn thận về mỗi quyết định mình đưa ra, và đây là việc làm quan trọng vì mỗi chọn lựa đều kéo theo kết quả. Những ai làm theo Lời Chúa sẽ không bao giờ phải trở thành nạn nhân của hoàn cảnh, bởi vì họ không chỉ đưa ra những quyết định giúp họ vượt qua hoàn cảnh, mà họ có thể học hỏi từ kinh nghiệm đó. Tôi từng là một nạn nhân của sự lạm dụng tình dục trước khi tôi học Lời Chúa. Nhưng giờ tôi được tự do khỏi những tác động của chuyện này vì tôi đã đưa ra những quyết định phù hợp với đường lối Chúa.
Chúng Ta Sẽ Chịu Bắt Bớ Vì Đức Tin Cơ-Đốc
Phao-lô viết cho Ti-mô-thê, nhắc cậu rằng người nào có ý định sống đời sống tin kính sẽ chịu bắt bớ vì cớ niềm tin của họ (2 Ti-mô-thê 3:12). Phao-lô cũng nói dù ông chịu nhiều sự bắt bớ, Chúa đã giải cứu ông ra khỏi hết (xem 2 Ti-mô-thê 3:11). Tôi rất biết ơn vì giữa mọi khổ nạn chúng ta có lời hứa giải cứu và chúng ta có đặc ân tin cậy Chúa để nhận sự giải cứu đó. Có thể chúng ta phải kiên nhẫn và chịu đựng khó khăn trong một thời gian, nhưng Chúa là thành tín, cho đến khi Ngài giải cứu chúng ta, Ngài sẽ thêm sức để chúng ta chịu đựng gian khó với một thái độ tích cực nếu chúng ta vui lòng chịu khổ.
Rất ít ai trong chúng ta tuyên bố rằng tôi bênh vực chính nghĩa của Chúa Giê-xu mà không trải qua sự bắt bớ. Thường sự bắt bớ đến dưới hình thức là sự khước từ. Kinh nghiệm riêng của tôi trong lĩnh vực này rất là thâm sâu và đau đớn. Khi đi theo sự kêu gọi của Chúa để dạy dỗ Lời Chúa, tôi bị loại ra khỏi nhà thờ của tôi và gánh chịu sự khước từ từ gia đình và bạn bè. Vì là con người, chúng ta thấy khó tìm thấy sự đa dạng trong sự hiệp nhất. Chúng ta muốn mọi người phải như chúng ta vì nếu không thì chúng ta cảm thấy suy nghĩ, quan niệm và hành động của chúng ta đang bị công kích.
Tôi cũng thoát ra khỏi vai trò thông thường và phổ biến của một người phụ nữ, và tôi tin tôi đã nghe tiếng Chúa. Việc đó cũng đủ khiến cho người ta tức giận. Tôi nghĩ tôi là ai? Tôi không qua học hành trường lớp gì. Tôi là phụ nữ và phụ nữ thì không làm những điều như thế giữa vòng cộng đồng tôn giáo của chúng ta. Lúc đó tôi đã không nhận ra rằng đây là nỗ lực đầu tiên của ma quỷ nhằm khiến tôi bỏ cuộc và ở yên tại một chỗ, là chỗ mà tôi sẽ khốn khổ và không thỏa mãn.
Các sứ đồ đã nhận lời cảnh báo từ Thánh Linh rằng họ sẽ chịu bắt bớ, nhưng họ vẫn can đảm tiến bước. Chúa Giê-xu dạy người nào nghe Lời Chúa và “liền vui mừng chịu lấy; song vì trong lòng họ không có rễ, chỉ tạm thời mà thôi, nên nỗi gặp khi vì cớ đạo mà xảy ra sự cực khổ, bắt bớ, thì liền vấp phạm.” (xem Mác 4:16-17).
Tất cả chúng ta đều muốn được chấp nhận. Không ai thích bị nỗi đau bị khước từ. Đó là nỗi đau đớn quá lớn về cảm xúc và tác động của nó có thể tiềm ẩn trong chúng ta trong một thời gian dài. Chúa Giê-xu đã bị khước từ và khinh dễ (xem Ê-sai 53:3). Thật ra, Giăng 15:25 nói Chúa bị ganh ghét vô cớ. Chúa là người tốt, không làm gì sai nhưng lại bị bắt bớ. Chúa nói trò không hơn thầy (xem Lu-ca 6:40). Nếu Ngài chịu khổ, chúng ta cũng sẽ chịu khổ.
Tôi muốn chia sẻ vài câu Kinh Thánh về sự chịu khổ mà tôi thấy khó hiểu trong những năm đầu theo Chúa:
“Vì nhân cớ lương tâm đối với Đức Chúa Trời, mà chịu khốn nạn trong khi bị oan ức, ấy là một ơn phước. Anh em đã được kêu gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài.” 1 Phi-e-rơ 2:19-21
Tôi không hiểu tại sao Chúa có thể đẹp lòng khi tôi chịu khổ, nhưng cuối cùng tôi nhận ra không phải nỗi đau và khổ nạn của tôi mà làm cho Chúa hài lòng, mà là việc tôi sẵn lòng chịu khổ vì cớ Ngài. Sự chịu khổ của chúng ta không tôn vinh Chúa, nhưng chúng ta có khả năng bày tỏ thái độ tốt trong sự chịu khổ mới làm Ngài đẹp lòng. Bất cứ khi nào chúng ta chịu khổ, Chúa cũng chịu khổ với chúng ta, như chúng ta chịu khổ khi con cái của chúng ta chịu khổ. Không gì phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu của Đức Chúa Trời, và Ngài không bao giờ bỏ chúng ta, dù chỉ là một giây phút nào đó (xem Rô-ma 8:38-39; Hê-bơ-rơ 13:5). Dù chúng ta cảm thấy Ngài đã bỏ chúng ta như Chúa Giê-xu cảm nhận trên thập tự, nhưng Ngài không bị bỏ đâu. Dù hiện tại bạn đang trải qua bất cứ điều gì, xin hãy biết rằng Chúa ở với bạn và Ngài có kế hoạch giải cứu và chữa lành bạn.
Chúa Giê-xu nói chúng ta được phước khi bị bắt bớ vì cớ sự công bình, và phần thưởng của chúng ta ở thiên đàng sẽ rất lớn (xem Ma-thi-ơ 5:10-12). Giả thử bạn giống tôi đó là bạn không không thích chờ cho đến khi về thiên đàng mới nhận phần thưởng, Chúa Giê-xu cũng nói nếu chúng ta từ bỏ bất cứ điều gì đó vì cớ Ngài và Phúc-Âm thì chúng ta cũng sẽ gặt lại ở đời này lẫn đời sau (xem Mác 10:29-30). Từ hai câu Kinh Thánh này chúng ta thấy lời hứa về phần thưởng ở cả trên thiên đàng lẫn dưới đất.
Một trong những điều mà chúng ta thường phải bỏ đi để phục vụ Chúa với cả tấm lòng là tiếng tăm của chúng ta. Chúa Giê-xu đã tự bỏ mình đi (xem Phi-líp 2:7), và bây giờ thì tôi thấy rất dễ hiểu được lý do tại sao. Nếu chúng ta quá quan tâm tới điều người ta nghĩ về chúng ta, chúng ta sẽ không bao giờ thật sự đi theo Chúa. Tôi đã hy sinh tiếng tăm của mình với những người mà tôi quen biết vào thời điểm Chúa kêu gọi tôi, và giờ Chúa đã thưởng cho tôi. Bây giờ tôi có nhiều bạn hơn so với số bạn mà tôi đã từ bỏ trước đây.
Chúa ban thưởng cho người nào sốt sắng tìm kiếm Ngài (xem Hê-bơ-rơ 11:6). Khi bạn chịu bắt bớ, hãy mong chờ phần thưởng mà Chúa đã chuẩn bị cho bạn! Nếu bạn chịu mất danh dự, hay bị phán xét và chỉ trích cách bất công vì cớ đức tin của bạn nơi Chúa thì đừng cũng tuyệt vọng. Hãy tiếp tục tin cậy Chúa và mong chờ phần thưởng của bạn.
bottom of page