top of page
Hung Tran
Feb 10, 2024
Sau khi kinh qua nhiều chuyện khác nhau trong cuộc sống, tôi đã nhận ra rằng lúc nào Chúa cũng ban cho chúng ta ân sủng cho vị trí hiện tại của chúng ta...
Những Lý Do Tại Sao Ta Chịu Khổ
(Phần 2)
Ở...
...chương trước, tôi đã bàn đến ba lí do chúng ta chịu khổ. Lý do thứ nhất là sự có mặt của tội lỗi. Thứ hai, tôi đã nói về sự chịu khổ do không đưa ra các lựa chọn khôn ngoan. Và thứ ba, tôi đã nói về sự chịu khổ do kết quả của việc bị bắt bớ vì niềm tin của chúng ta nơi Chúa.
Trong chương này tôi muốn tiếp tục nói về các lý do tại sao chúng ta chịu khổ, và tôi cầu nguyện chương này sẽ giúp ích cho bạn trong bước đường theo Chúa.
Chịu Khổ Bất Công Vì Tội Của Người Khác
Chịu khổ loại này rất khó cho chúng ta chịu đựng vì chúng ta cảm thấy mình hoàn toàn vô tội, nhưng chúng ta lại chịu khổ vì những điều nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Suy nghĩ đầu tiên của chúng ta là, Điều này không công bằng, và chắc chắn là vậy. Nhưng dẫu cuộc đời không phải lúc nào cũng công bằng, người nào tin cậy nơi Chúa có thể mong đợi nhìn thấy công lý của Ngài - theo thời điểm của Ngài và theo cách của Ngài. Vì Chúa yêu mến công lý nên Ngài yêu thích hóa giải những điều sai trái thành ngay thẳng. Ngài là Đấng biện hộ của chúng ta và Ngài bù đắp cho chúng ta khi chúng ta bị đối xử bất công.
Dù đó là việc bị lạm dụng lúc nhỏ, bị đối xử bất công vì cớ màu da, giới tính, quốc tịch hay hàng ngàn điều khác, việc bị đối xử bất công luôn gây ra tổn thương sâu sắc và nếu chúng ta xử lý không đúng, nó có thể để lại những vết thương và vết sẹo sâu trong tâm hồn mà sẽ ảnh hưởng tới lối sống của chúng ta.
Một đặc điểm trong bản tính của Chúa mà tôi rất phấn khích đó là Ngài là Đức Chúa Trời của công lý. Đây là một lời hứa của Ngài mà chúng ta có thể tin cậy:
“Vì chúng ta biết Đấng đã phán rằng: Sự trả thù thuộc về ta; ta sẽ báo ứng, ấy là lời Chúa phán. Lại rằng: Chúa sẽ xét đoán dân mình.” Hê-bơ-rơ 10:30
Đây là câu Kinh Thánh tuyệt vời và đầy an ủi, và nếu bạn đang chịu khổ vì bị đối xử bất công từ người khác thì bạn nên giấu câu Kinh Thánh này trong lòng và tin cậy Chúa làm ứng nghiệm lời hứa của câu này trong đời sống bạn. Tôi đã kinh nghiệm công lý của Ngài trong chính cuộc đời của tôi rất nhiều lần.
Tôi đã đề cập sự khước từ tôi đã trải qua lúc mới khởi đầu chức vụ, và dù mất nhiều năm nhưng cũng có vài trong số những người làm tổn thương tôi cách sâu sắc đã xin lỗi tôi và nói rằng cách họ đối xử với tôi trước đây là sai.
Được bù đắp về một bất công nào đó có nghĩa bạn được báo đáp lại về những gì đã xảy ra với bạn. Không có điều gì ngọt ngào hơn là nhìn xem Chúa tôn trọng và ban phước cho bạn vì có người đã đối xử không công bằng với bạn. Nhưng nếu muốn thấy Chúa biện hộ cho chúng ta, ch úng ta phải từ bỏ việc cố gắng bắt người khác bù đắp lại cho chúng ta vì cớ những sự bất công chúng ta đã chịu đựng.
Sau khi bị cha tôi lạm dụng tình dục, bị mẹ tôi và các người họ hàng khác bỏ rơi trong hoàn cảnh đó, là những người đã không làm gì để giúp tôi, tôi đã có những thái độ mà đã đầu độc cuộc đời tôi. Tôi muốn trả thù những người làm tổn thương tôi, cũng như những người đã không giúp đỡ tôi. Tôi cay đắng, đầy giận dữ, và cảm thấy thế giới này mắc nợ tôi. Tất nhiên, chẳng có thái độ nào trong số ấy đem lại lợi ích cho tôi. Nó không giải quyết nan đề của tôi hay làm tôi cảm thấy tốt hơn, nhưng nó cứ tiếp tục làm tôi khổ sở. Tôi đã bị lạm dụng và thế cũng đủ tồi tệ rồi, nhưng nhiều năm sau tôi vẫn là một nạn nhân và bị lún sâu vào những chuyện đã xảy ra trước đó. Tôi thật sự cảm thấy mình sẽ chẳng bao giờ có được đời sống bình thường và lành mạnh về cảm xúc.
Lúc đó tôi là một Cơ-đốc nhân, nhưng tôi thật sự không biết Lời Chúa. Tôi đã được tái sinh, nhưng vẫn làm việc theo ý riêng của mình thay vì học hỏi và bước theo đường lối của Chúa. Một khi tôi biết Chúa yêu mến công lý và muốn chính Ngài sẽ xử lý những việc quá khứ của tôi, thay vì tôi cố gắng thực hiện theo cách của mình, thì mọi sự bắt đầu thay đổi cho tôi. Tôi sẽ không nói tất cả đều xảy ra ngay lập tức, nhưng dần dần sự đổ vỡ của tôi được chữa lành và Chúa đã lấy điều xấu người ta làm cho tôi biến thành điều ích lợi cho tôi.
Chúa yêu cầu chúng ta hãy buông quá khứ ra và hoàn toàn tha thứ cho kẻ thù của chúng ta, cầu nguyện cho họ và thậm chí là chúc phước cho họ khi Chúa hướng dẫn cách làm. Cuối cùng cha tôi đã xin lỗi tôi và khóc lóc trong sự ăn năn. Tôi có đặc ân dẫn dắt ông tin Chúa và làm báp-tem cho ông. Ông nói rất hãnh diện về tôi và về công việc mà tôi được Chúa ban phước để thực hiện trong chức vụ.
Tôi nghĩ thật an toàn khi nói rằng phần lớn những khổ nạn của chúng ta trong đời đều đến từ sự đối xử bất công của những người xấu, nhưng một số khổ nạn có thể đến từ những người mà nói rằng họ yêu thương chúng ta. Trong trường hợp như vậy thì những vết thương sẽ sâu hơn. Nhưng dù vấn đề có thâm sâu hay khốc liệt thế nào đi nữa thì Chúa vẫn có thể đụng đến, chữa lành, và dùng nó thành ích lợi và bù đắp cho bạn về những đau đớn trong quá khứ.
“Ngài ban mão hoa thay cho tro bụi, sự vui mừng thay cho tang chế.” (xem Ê-sai 61:1-3).
“Ngài hứa trả lại cho chúng ta những gì chúng ta đã mất. Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sẽ thương xót ngươi, đem những phu tù ngươi trở về, nhóm hiệp ngươi từ giữa các dân, là nơi Ngài đã tản lạc ngươi đó.” Phục-truyền 30:3
Không ai muốn chịu khổ và chịu đau đớn trong cuộc đời của họ, nhưng thật tốt khi biết rằng khi bạn trải qua chuyện đó thì Chúa sẵn sàng bù đắp cho bạn nếu bạn bước theo đường lối Ngài và tin cậy Ngài để Ngài làm thế.
Chịu Khổ Vì Ta Cố Thay Đổi Những Điều Mà Chỉ Có Chúa Mới Có Thể Thay Đổi
Tôi nghĩ một trong những điều đầu tiên tôi phải học để làm giảm bớt sự khốn khổ về cảm xúc đó là tôi không phải là người kiểm soát thế giới này. Vì sinh ra với cá tính mạnh mẽ và thái độ hiếu chiến và kiểm soát, nên tôi tranh chiến chỉ vì tôi cố kiểm soát và thay đổi nhiều chuyện mà tôi không có quyền đối với nó. Phải mất vài năm đau đớn tôi mới hiểu được Chúa quan tâm tới việc thay đổi tôi hơn là thay đổi các hoàn cảnh khó chịu của tôi. Tất nhiên, tôi cũng tranh chiến để cố gắng thay đổi những con người trong thế giới của tôi, để họ làm cho tôi hạnh phúc hơn và giống tôi hơn, nhưng tôi cũng phải học (dù chuyện này không đến cách dễ dàng hay nhanh chóng) rằng chỉ có Chúa mới có thể thay đổi người ta, thậm chí Ngài cũng sẽ không thay đổi nếu họ không muốn sự giúp đỡ của Ngài.
Một khi tôi học để xem trọng người khác ngay tại vị trí hiện tại của họ thay vì mong đợi gì nơi họ (tôi vẫn đang học điều này mỗi ngày), nhiều nỗi khổ và đau đớn của tôi đã chấm dứt. Tôi rất cần sự khiêm nhường, và dù Chúa mời gọi chúng ta hãy “khiêm nhường,” nhưng rất ít người trong chúng ta sẵn sàng làm việc đó, nên Ngài đã làm việc đó cho chúng ta. Ngài hoàn tất điều này bằng cách đặt chúng ta vào những hoàn cảnh, trong đó người ta làm chúng ta thất vọng và tức giận, và qua những thất vọng đó để chấm dứt sự chịu khổ của chúng ta, cuối cùng chúng ta mới nhận ra Chúa đang dùng nó để soi rọi những nan đề tiềm ẩn sâu trong chúng ta. Ngài là Đấng giải cứu chúng ta, dù Ngài làm việc lâu hơn chúng ta muốn, nhưng Chúa sẽ luôn dùng những điều xấu trong cuộc đời chúng ta để biến nó ích lợi.
Bạn có bao giờ xem phản ứng của bạn với nan đề mới chính là nan đề thật sự chứ không phải điều mà lúc đầu bạn nghĩ nó là nan đề? Nhiều năm tôi đã nghĩ mình không hạnh phúc vì ông chồng tôi là Dave không đáp ứng các nhu cầu của tôi, nhưng Chúa cho tôi thấy thái độ ích kỷ của tôi mới là nan đề thật sự. Tôi cứ cố thay đổi chồng tôi, chẳng có nỗ lực nào của tôi đem lại kết quả mong muốn, vì Chúa đang dùng hoàn cảnh đó để soi rọi tận gốc rễ nan đề thật của chính tôi.
Lời Chúa cho chúng ta biết rằng một cậu bé chăn chiên là Đa-vít được xức dầu để làm vua. Nhưng một thời gian dài trước khi cậu đội vương miện, cậu phải làm việc dưới quyền hạn và ứng phó với ông vua điên loạn và gian ác mà cậu được định để thay thế. Nhiều điều xảy ra với Đa-vít dưới bàn tay của Sau-lơ dường như thật bất công, nhưng có một mục đích ở trong đó.
Có một lần tôi nghe rằng Chúa sử dụng vua Sau-lơ để loại bỏ “Sau-lơ” trong người Đa-vít trước khi cậu trở thành vua như Sau-lơ. Tôi biết điều đó là đúng trong chính cuộc đời của mình. Bây giờ tôi có thể nhìn lại sự tàn ác trong hành vi của cha tôi, và giờ tôi nhận ra mình đã học được rất nhiều về tính nết của ông, nhưng lúc đó tôi đã không nhận ra. Tôi là một phụ nữ được kêu gọi vào chức vụ, nhưng tôi hận thù vì sự lạm dụng mà tôi chịu đựng khi làm người con. Cách sống của tôi rất cộc cằn, và tôi sống rất là “luật pháp” khi tôi nghĩ về những gì người khác phải làm hoặc không nên làm. Để có được mối quan hệ với tôi phải làm theo những quy tắc của tôi, và tôi nhấn mạnh các quy tắc “của tôi.” Tôi có ân tứ, nhưng thiếu phẩm chất cơ đốc cần thiết để làm công việc trước mắt. Lúc đó tôi bị che mắt về hành vi của tôi, vì nó đã khắc sâu trong những tổn thương nằm trong tâm hồn tôi, là những thứ cần phải được xử lý. Việc trở thành một cơ đốc nhân không có nghĩa là chúng ta phí cả đời mình để cải thiện hành vi cử chỉ, mà trái lại chúng ta cần để Chúa Giê-xu biến đổi chúng ta từ bên trong và uốn nắn chúng ta theo ảnh tượng của Ngài.
Chúa đã dùng một người lãnh đạo thuộc linh, và một vài người khác là những người đã không đối xử tốt với tôi, để giúp tôi nhận ra rằng tôi không bao giờ được đối xử với người khác theo cách mà họ đã đối xử với tôi. Thật ra Chúa đã làm ơn cho tôi bằng cách đặt tôi trong sự liên hệ gần gũi với những con người này trong nhiều năm. Dù rất đau đớn nhưng việc này đã giúp tôi rất nhiều và khiến tôi trở thành một con người tốt hơn. Tôi thích nói rằng đôi khi chúng ta cần một điều gì khó chịu và khó khăn xảy ra để giúp chúng ta nhìn thấy con người thật của mình, chứ không phải theo cách chúng ta suy nghĩ mình là ai. Suy nghĩ của chúng ta dễ bị sự kiêu ngạo che mắt, khiến chúng ta phán xét người khác một cách chua chát, và mặc dù chúng ta cũng làm chính những điều mà chúng ta phán xét người khác nhưng chúng ta lại không nhìn thấy (xem Rô-ma 2:1).
Tôi thấy Phi-e-rơ là một tấm gương tốt trong lĩnh vực này. Ông là một người hiếu chiến và mau miệng. Ông được định để làm những điều lớn lao, nhưng ông đã nghĩ quá cao về bản thân mình hơn thực tế. Thái độ của ông cần phải được xử lý là vì ích lợi của ông. Khi Chúa Giê-xu bảo ông rằng Sa-tan sẽ sàng sảy ông như lúa mì trong những thử thách sắp tới mà các môn đồ sẽ trải qua. Nhưng Ngài đã cầu nguyện cho ông để đức tin của ông không thất bại, thì Phi-e-rơ vội vàng tuyên bố ông sẵn sàng vào tù và thậm chí là chết với Chúa Giê-xu nếu cần. Kết cuộc là ngay ngày hôm đó ông chối Chúa ba lần. Do thất bại của mình nên ông thấy được con người thật của mình. Ông là một con người yếu đuối, cần sự tha thứ và sự giúp đỡ của Chúa (xem Lu-ca 22:31-34, 55-62). Khi Chúa Giê-xu bảo Phi-e-rơ rằng Ngài đã cầu nguyện cho ông thì đáng lẽ ông phải cảm ơn Chúa và thừa nhận ông thật sự cần tất cả những sự giúp đỡ đó.
Sau khi chối Chúa, Phi-e-rơ đã ăn năn và khóc lóc đắng cay, và sau đó ông trở thành một trong những vị sứ đồ vĩ đại và hiệu quả nhất. Không phải những yếu đuối của chúng ta gây ra nan đề cho chúng ta mà chính là thái độ không sẵn sàng xử lý nó. Sẽ thật khôn ngoan nếu mỗi ngày chúng ta xin Chúa giúp đỡ và bày tỏ bất cứ điều gì về bản thân chúng ta mà cản trở Ngài không làm những gì Ngài muốn nơi chúng ta. Chúng ta hãy luôn luôn muốn ý muốn của Chúa hơn muốn bất kỳ điều nào khác.
Phi-e-rơ khuyên chúng ta hãy hạ mình dưới cánh tay quyền phép của Chúa và đến kỳ Ngài sẽ nhắc chúng ta lên (xem 1 Phi-e-rơ 5:6). Hạ mình là chịu phục dưới một điều gì đó hơn là tranh chiến để thoát ra khỏi nó bởi vì hoàn cảnh khó khăn quá. Không ai trong chúng ta muốn chịu khổ, nhưng chúng ta phải sẵn sàng chịu khổ nếu cần thiết.
Giả sử một người nữ cưới một người đàn ông đánh đập vợ con. Trong hoàn cảnh đó, chắc chắn cô ta không nên sống dưới sự lạm dụng đó. Cô ta phải tránh xa anh chồng này. Mẹ tôi sống với cha tôi, bà biết điều ông làm với tôi, có thể đó là lỗi lầm tệ nhất bà phạm phải trong cả cuộc đời của mình.
Nhưng giả sử một người làm việc trong một công ty, nơi mà chỉ có cô ta là Cơ-đốc nhân vì thế cô là người duy nhất ở trong vị trí để làm chứng về Chúa. Cô ta bị nhiều nhân viên khác khước từ và chế nhạo, thậm chí không cất nhắc cô lên vị trí mà cô xứng đáng. Có phải cô ta sẽ bỏ việc vì cô thấy khó chịu, hay cô sẽ cầu nguyện rằng nếu Chúa muốn cô sẽ thôi việc, xin Ngài bày tỏ, và nếu Ngài không muốn thì xin ý Ngài được nên? Trong trường hợp này, có thể Chúa muốn cô cứ chịu khó khăn một thời gian, vì Ngài cần cô làm công cụ để đại diện cho Ngài. 2Ti-mô-thê 4:2 nói chúng ta phải sẵn sàng phụng sự Chúa “bất luận gặp thời hay không gặp thời.”
Khi một hoàn cảnh hay một người nào đó làm cho chúng ta khốn khổ, chúng ta phải luôn tìm kiếm Chúa để biết cách xử lý. Thật là không khôn ngoan nếu chúng ta đưa ra quyết định không cầu hỏi sự hướng dẫn của Thánh Linh trong lúc chúng ta bị tổn thương. Phao-lô nói với những người Ga-la-ti rằng nếu họ là người thuộc linh, họ phải mang (chịu đựng) gánh nặng cho nhau (xem Ga-la-ti 6:2). Theo tính tình trước đây của tôi thì tôi sẽ nói, “Tôi không cần phải chịu đựng điều này và sẽ không chịu đựng nổi,” nhưng bây giờ thì Chúa Giê-xu đã chịu đựng tôi nên tôi vui vì Ngài làm thế. Sau khi kinh qua nhiều chuyện khác nhau trong cuộc sống, tôi đã nhận ra rằng lúc nào Chúa cũng ban cho chúng ta ân sủng cho vị trí hiện tại của chúng ta. Nói cách khác, nếu chúng ta ở nơi Ngài muốn thì Ngài có thể ban cho chúng ta đủ ân sủng để vui hưởng những gì mà làm cho người khác khốn khổ.
Khi tôi nhìn lại những năm tháng đầu bước đi với Chúa, dường như lúc nào tôi cũng tranh chiến với điều gì đó. Nếu không phải chuyện này thì cũng là chuyện nọ. Hoàn cảnh hoàn toàn kiểm soát tâm trạng của tôi. Chẳng hạn, khi một trong những hội nghị của tôi có nhiều người tham dự thì tôi vui, nhưng nếu ít người tham dự tôi nản lòng và nói rất nhiều điều tiêu cực. Nên chúng tôi làm mọi thứ có thể để tăng người tham dự, nhưng khi số người tham dự vẫn lên xuống, thì tôi cũng lên xuống theo. Cuối cùng tôi nhận ra tôi đang cố gắng thay đổi điều mà tôi không thể, nhưng Chúa có thể, và Ngài sẽ thay đổi nếu đúng thời điểm. Thật sự thì thời điểm của chúng ta ở trong tay Ngài (xem Thi-thiên 31:15). Cuối cùng tôi dâng những lo lắng của tôi cho Chúa, và quả thật, sự bình an đã đến như Ngài đã hứa (xem Phi-líp 4:6-7).
Bấy giờ các buổi nhóm hội nghị của chúng tôi có nhiều người tham dự hơn, nhưng thỉnh thoảng vẫn có hội nghị ít người tham gia vì một số lý do nào đó, và dù tôi không thích chuyện này, nhưng điều này cũng không khiến cho tôi khốn khổ như trước nữa, đơn giản là vì tôi không tranh chiến với chuyện này nữa. Tôi đã vượt qua được và tiếp tục với hội nghị tiếp theo.
Lần sau khi bạn thấy mình khốn khổ về mặt cảm xúc và tinh thần vì bạn đang cố gắng thay đổi một điều gì đó mà bạn không thích thì hãy tự hỏi phải chăng bạn cố làm điều mà chỉ có Chúa mới làm được, thì tôi khuyên bạn hãy buông tay đi và để Chúa ra tay.
Chịu Khổ Vì Sống Trong Một Thế Giới Bất Toàn
Chúng ta đã thấy rằng chúng ta chịu khổ vì tội lỗi cá nhân hay tội lỗi của người khác. Nhưng một trong những lí do chính chúng ta chịu khổ là vì chúng ta sống trong một thế đầy dẫy tội lỗi, và dường như rằng bao lâu mà quả đất này còn thì tội ác lại càng gia tăng. Tôi nghĩ trong mỗi thế hệ người ta đã bị sốc bởi nhiều điều xấu xa xảy ra ở thế gian. Tôi nhớ khi còn nhỏ có nghe người lớn nói sao bây giờ mọi thứ đều xấu xa và bây giờ thì chúng ta nói về việc là chúng ta bị sốc về những chuyện tàn bạo xảy ra trên thế giới. Và nếu Chúa không trở lại sớm, thì một ngày nào đó con cái chúng ta sẽ bàn tán và nói mọi sự trong thế hệ của chúng sẽ còn tệ hại hơn nhiều so với trước đó. Tội ác và điều xấu xa là tiệm tiến. Nó không giữ nguyên trạng thái, nhưng nó sẽ gia tăng và nhân rộng ra. Chồng tôi nhớ lúc cậu bé bán báo lần đầu tiên bị cướp trong thành phố của chúng tôi, đó là năm 1950. Đó là cú sốc với mọi người và họ không thể hiểu một điều như thế lại xảy ra. Nhưng nếu chúng ta nhìn những gì đang xảy ra ngày nay thì việc một cậu bé bán báo bị cướp sẽ không khiến ai ngạc nhiên hay bị sốc gì cả. Thật là buồn khi tình trạng tồi tệ như bây giờ. Nhiều thứ càng trở nên tồi tệ nên con người càng đau khổ hơn. Dù chúng ta không có hết câu trả lời, nhưng chúng ta có đặc ân tin cậy Chúa.
Chúa có bảo vệ những người đặt lòng tin nơi Ngài không? Tôi hoàn toàn tin là có. Chúng ta thường nghe những câu chuyện thể nào Chúa bảo vệ ai đó, và chúng ta cũng có những câu chuyện của riêng mình. Nhưng cũng có những lúc sự bảo vệ của Ngài dường như không ở đó và chúng ta kết cuộc gánh chịu điều mà chúng ta không hiểu thì sao? Chúng ta hãy quay lại lời khuyên khôn ngoan mà tôi đã nghe từ Lee Strobel: “Câu trả lời tối hậu của Chúa cho sự chịu khổ không phải là một sự giải thích; đó là sự nhập thể.” Không ai có thể giải thích hết, nhưng Chúa Giê-xu có thể cứu chuộc hết.
Mới đây một trong những nhân viên của chúng tôi đã mất căn nhà và toàn bộ đồ đạc trong một trận lũ lụt tại St. Louis. Cô là trưởng bộ phận sứ mạng y tế, cô đã hy sinh rất nhiều để đi đến các quốc gia thuộc thế giới thứ ba và giúp đỡ người dân. Cô là một người nữ tin kính, xuất thân từ một gia đình tin kính. Tại sao điều này lại xảy ra với cô? Đôi khi điều đau đớn xảy ra chỉ vì chúng ta ở trong thế gian. Tin mừng là Chúa đang phục hồi toàn bộ hoàn cảnh của cô. Có nhiều người và nhiều chức vụ khác nhau đang giúp gia đình cô xây lại và mua sắm những thứ cô cần, và tới khi nhà xây xong thì cô lại có một căn nhà tốt hơn và đồ đạc tốt hơn trước.
Tôi biết có những cơ đốc nhân khác suýt nữa là mất căn nhà của họ nhưng lại không mất. Họ cảm nhận rằng Chúa bảo vệ họ và khi chúng ta nghe lời chứng của họ, chúng ta vui mừng với họ. Tại sao một số người không bị hề hấn gì nhưng một số khác lại bị? Một lần nữa, chúng ta không nên tập trung tìm kiếm lời giải thích; chúng ta hãy hướng sang sự nhập thể và nhìn xem Đức Chúa Trời cứu chuộc và phục hồi nỗi đau đớn và biến nó thành mối lợi lớn.
bottom of page