top of page

Hung Tran
Feb 9, 2024
Khi chúng ta sẵn sàng tha thứ cho những người làm chúng ta tổn thương, thật ra là chúng ta đang làm ơn cho bản thân mình...
Mặt Khác Của Sự Chịu Khổ
“Người ta cột chân người vào cùm, làm cho người bị còng xiềng.” Thi-thiên 105:18
Giô...
..-sép là một thanh niên có ước mơ làm những điều lớn lao. Các anh cậu ghét cậu và ganh tị với cậu vì cậu là con út của Gia-cốp và được sủng ái. Sự ganh ghét của các anh cậu quá lớn đến độ một ngày nọ họ đem cậu ra ngoài và bán cho các tay buôn nô lệ, và họ đem về chiếc áo dính đầy máu và đặt trước mặt cha cậu, nói rằng cậu đã bị một con thú hoang giết hại.
Giô-sép trải qua nhiều năm bi kịch, những hoàn cảnh bất công khiến cậu chịu khổ rất nhiều, nhưng cậu vẫn trung tín với Chúa và tiếp tục tin cậy Ngài. Chúa ban ơn cho cậu bất cứ nơi nào cậu ở và cuối cùng cậu được đặt ở vị trí lãnh đạo chỉ dưới quyền Pha-ra-ôn của Ai-cập mà thôi. Kết quả là Chúa dùng cậu để cứu nhiều người - bao gồm gia đình của cậu - ra khỏi đói kém khi nạn đói kinh khiếp xảy ra trong xứ. Thật kỳ diệu khi thấy phản ứng của Giô-sép với các anh mình khi họ phát hiện cậu ở vị trí quyền lực và có thể trả thù họ vì cớ tất cả những nỗi đau khổ mà cậu đã chịu cách bất công vì sự đối xử tàn bạo của họ suốt những năm tháng trước đây.
“Chánh các anh người đến sấp mình xuống dưới chân mà nói rằng: Các anh đây thật là kẻ tôi tớ của em đó. Giôsép đáp rằng: Các anh đừng sợ chi, vì tôi há thay mặt Đức Chúa Trời sao? Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi, hầu cho cứu sự sống cho nhiều người, y như đã xảy đến ngày nay, và giữ gìn sự sống của dân sự đông đảo.” Sáng-thế 50:18-20
Những câu Kinh Thánh này quá tuyệt vời nếu chúng ta suy ngẫm kỹ càng. Sau khi Giô-sép đã trải qua tất cả những khổ nạn này, thay vì cay đắng, cậu thấy bàn tay Chúa hóa giải toàn bộ những diễn tiến để mang lại ích lợi cho cậu. Bây giờ, thay vì cay đắng, cậu được chuẩn bị để giúp đỡ anh em mình. Đây là những gì Giô-sép nói :
“Vậy, đừng sợ, tôi sẽ cấp dưỡng các anh và con cái các anh. Đoạn, Giô-sép an ủi các anh, và lấy lời êm dịu mà nói cùng họ.” Sáng-thế 50:21
Khi nói về một người đã trải qua những bi kịch, những sự đối xử bất công nhưng đã phản ứng theo cách mà Chúa muốn thì Giô-sép là anh hùng của tôi. Nên không lạ gì ông là một người đầy quyền lực. Ông đã sống tới một trăm mười tuổi và rõ ràng là ông đã vui sống những năm tháng hạnh phúc nhiều hơn là những tháng ngày chịu khổ. Sau khi chịu khổ Giô-sép đã tận hưởng chiến thắng lớn lao. Chúng ta có thể nói sự chịu khổ đã cất nhắc ông tới một đời sống tốt đẹp hơn. Nếu chúng ta cứ vững vàng và tiếp tục tin cậy Chúa thì ngay cả trong sự chịu khổ chúng ta có thể chứng tỏ mình là người mà Chúa có thể tin tưởng giao cho trách nhiệm lớn lao cùng với các phước hạnh lớn lao.
Khi chúng ta sẵn sàng tha thứ cho những người làm chúng ta tổn thương, thật ra là chúng ta đang làm ơn cho bản thân mình, vì chúng ta không thể tận hưởng cuộc sống và đầy dẫy cay đắng cùng một lúc. Tấm gương mà chúng ta học được từ cuộc đời của Giô-sép là tấm gương chúng ta nên noi theo.
Suốt những năm sau khi Giô-sép bị bán làm nô lệ, cậu đã ngồi tù mười ba năm vì tội mà cậu chẳng hề phạm. Cậu bị xiềng bằng sắt, và trong Thi-thiên 105, câu mà tôi đã trích trước đó, chúng ta được biết, “linh hồn cậu bị xiềng vào sắt.” Điều này có nghĩa gì? Nếu chúng ta suy nghĩ điều này ở mức độ thực tế, thì đối với tôi nếu linh hồn cậu bị xiềng thì việc này sẽ làm cậu mạnh mẽ hơn. Nói cách khác, sự chịu khổ khiến cậu thành một con người tốt hơn và trang bị cho cậu để cai trị Ai-cập.
Chúng ta thường nghe câu nói này, “Những khổ nạn có thể khiến chúng ta tốt đẹp hơn hoặc cay đắng hơn,” và điều này đúng. Tin cậy Chúa suốt những năm tháng rơi vào hoàn cảnh đau đớn luôn luôn mang lại phần thưởng và kết cuộc sẽ được hậu đãi. Một trong những phần thưởng đó là nó làm cho bạn mạnh mẽ hơn.
Trong sách Ê-sai, chúng ta thấy qua tiên tri Chúa phán với dân sự và khích lệ dân sự là đừng sợ hãi những gì họ đã trải qua vì Ngài đang làm cho họ mạnh mẽ hơn.
“Đừng sợ, vì ta ở với ngươi; chớ kinh khiếp, vì ta là Đức Chúa Trời ngươi! Ta sẽ bổ sức cho ngươi; phải, ta sẽ giúp đỡ ngươi, lấy tay hữu công bình ta mà nâng đỡ ngươi. Này, ta sẽ lấy ngươi làm cái bừa nhọn, thật mới và có răng bén. Ngươi sẽ tán các núi và nghiền nhỏ ra, làm cho các gò nên giống như cám mịn.” Ê-sai 41:10, 15
Đây là một ví dụ khác về lời hứa của Chúa, dùng những gì chúng ta trải qua để làm chúng ta mạnh mẽ hơn và tốt hơn là quá khứ của chúng ta. Nhưng tất cả điều này phụ thuộc vào việc bạn có sẵn lòng tin cậy Chúa hoàn toàn về những việc khổ đau mà chúng ta đối diện trong cuộc sống hay không. Dù hiện tại bạn đang trải qua điều gì đi nữa, lời hứa này là dành cho bạn. Kẻ thù toan làm hại, nhưng Chúa toan làm điều lành, và trong quá trình đó Ngài sẽ khiến bạn thành một con người tốt hơn. Khi cuộc đời thật đau đớn và khổ cực, hãy nhớ là Chúa yêu thương bạn, vì cớ đó bạn không cần phải sợ hãi. Đây là một câu chuyện ngắn mà một lần tôi nghe được, minh họa rất rõ điểm này:
Một người đàn ông mới cưới vợ và đang trên đường về nhà cùng với vợ. Một phần trong hành trình là họ buộc phải đi thuyền qua một cái hồ. Đang khi đi thuyền, một cơn bão nổi lên khiến con thuyền rung lắc dữ dội, và người vợ rất sợ hãi. Tuy nhiên, người chồng dường như rất bình tĩnh, và cô cứ hỏi tại sao anh ta không sợ hãi.
Anh cười và rút ra một con dao ra, và đưa sát lại người vợ như thể anh ta sắp hại cô. Cô thậm chí không hề nao núng, khi anh ta hỏi tại sao cô không sợ, cô nói, “Sao em phải sợ chứ? Em biết anh yêu em, và anh không thể hại em.”
Người chồng nói, “Đó là lý do trong con bão này anh không sợ, anh biết Chúa yêu chúng ta, và dù gì xảy ra đi nữa, Ngài sẽ làm thành điều ích lợi cho chúng ta.” Dù chúng ta có đối diện biết bao nhiêu giông bão đi nữa, nhưng chúng ta luôn an toàn trong cánh tay yêu thương của Đức Chúa Trời.
Lòng Trắc Ẩn Và Sự Cảm Thông
Tôi phát hiện ra rằng những khổ nạn trong chính cuộc đời của tôi đã giúp tôi có được lòng trắc ẩn nhiều hơn với những người cũng đang chịu biết bao nhiêu nỗi khổ. Nếu chúng ta chưa trải qua nỗi đau bị đối xử tệ bạc hay gặp phải sự mất mát, thì rất khó cảm biết điều người khác đang trải qua.
Đưa ra lời khuyên thì rất dễ, nhưng nếu không có kinh nghiệm thì thái độ của chúng ta có một chút xem thường. Giả sử tôi hai mươi lăm tuổi và cuộc sống đối với tôi tới thời điểm này rất dễ dàng. Cha mẹ tôi luôn chu cấp và phần lớn những gì tôi muốn là họ cho tôi. Tôi thông minh, nên ở trường tôi có điểm cao không khó. Cha tôi bảo đảm một công việc mơ ước cho tôi từ hiệp hội làm ăn của ông trước khi tôi tốt nghiệp. Cuộc sống thật tốt đẹp! Bây giờ một đồng nghiệp tại chỗ làm, người tôi biết khá rõ, rất nản lòng và đau buồn, và tôi thắc mắc không biết có chuyện gì nhưng lại không màng hỏi han gì cả. Cuối cùng có người bạn cố gắng nói cho tôi biết về những tranh chiến liên quan đến tài chính của họ. Tôi vội vàng đề nghị cô ta gọi điện cho cha mẹ cô và xin họ giúp, vì đó là điều tôi sẽ làm. Cô đáp rằng khi cô lớn lên họ đã lạm dụng cô và họ không quan tâm gì đến cô. Cô bảo đảm là không thể nhận sự giúp đỡ từ cha mẹ cô. Vì tôi không thể tưởng tượng cảnh cha mẹ lạm dụng con cái hay không giúp đỡ con cái, nên tôi bỏ qua nan đề của cô bằng một câu nói vô cảm. Tôi sẽ nói, “Đừng lo, mọi sự sẽ ổn thôi,” rồi tôi bỏ đi.
Người bạn của tôi chắc bỏ đi mà vẫn cảm thấy trống rỗng và cô đơn. Sự thật đáng buồn ở chỗ là tôi thì quá dư dật về tiền bạc nhờ vào lòng rộng rãi của cha mẹ tôi nên tôi rất dễ dàng ra tay giúp đỡ cô bạn này, nhưng vì tôi thiếu từng trải trong sự chịu khổ nên khiến tôi không đồng cảm với những người đang bị tổn thương.
Ở đời này có rất nhiều người giống như thế. Họ không phải là người xấu, nhưng họ thiếu kinh nghiệm. Nếu họ đối diện sự khó khăn trong cuộc sống thì hy vọng họ sẽ thay đổi tốt hơn.
Tôi không giống cô gái hai mươi lăm tuổi, có cuộc sống dễ dàng. Tôi chưa bao giờ được cha mẹ tôi thật sự yêu thương hay giúp đỡ theo bất cứ cách nào khi tôi lớn lên, và cha mẹ tôi rất lạm dụng. Thời thơ ấu của tôi đầy ắp sợ hãi, chịu khốn khổ và cô đơn. Tôi muốn nói rằng khi qua tuổi thơ ấu, tôi có lòng trắc ẩn rất nhiều đối với những người đang đau khổ, nhưng đồng thời tấm lòng của tôi đã chai cứng. Trước khi tôi thay đổi tôi cần mối quan hệ sâu nhiệm với Chúa Giê-xu và cần vài năm có thêm kinh nghiệm trải qua những nỗi đau đớn và khổ nạn cá nhân.
Khi tôi bị ung thư, tôi có lòng trắc ẩn nhiều hơn đối với những người nhận được sự chẩn đoán như thế. Sau khi bị đau nửa đầu trong mười năm, bây giờ tôi có đức tin để cầu nguyện với lòng trắc ẩn để người ta được lành bệnh đau đầu. Nhờ ân sủng của Chúa và nhờ Lời của Ngài, cuối cùng tôi cũng có thể tha thứ cho cha tôi vì đã lạm dụng tình dục tôi, chính tôi biết rõ tha thứ tốt hơn hận thù và cay đắng như thế nào. Tôi bắt đầu một chức vụ mà không có gì khác ngoại trừ có Chúa và có một giấc mơ, bốn mươi năm sau tôi vẫn tập chú vào điều ấy. Qua kinh nghiệm đó tôi đã học hỏi được rất nhiều, nhưng giá trả cũng rất cao. Tôi kinh nghiệm nhiều người phán xét và chỉ trích tôi và cảm thấy tôi không phù hợp cho chức vụ vì nhiều lý do khác nhau, nhưng tôi cũng kinh nghiệm sự an ủi của Chúa trong những hoàn cảnh đó, và giờ tôi có thể an ủi người khác. Chúa dạy chúng ta về ơn đem sự an ủi đến cho những người chịu khổ bằng cách chính Ngài an ủi chúng ta khi chúng ta chịu khổ.
“Chúc tạ Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, là Cha hay thương xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên ủi, Ngài yên ủi chúng tôi trong mọi sự khốn nạn, hầu cho nhân sự yên ủi mà Ngài đã yên ủi chúng tôi, thì chúng tôi cũng có thể yên ủi kẻ khác trong sự khốn nạn nào họ gặp!” 2 Cô-rinh-tô 1:3-4
Tôi nhớ lại rất rõ trước đây tôi thường cố gắng chia sẻ với người khác những gì tôi trải qua, nhưng họ không biết làm cách nào để giúp tôi. Họ không thể cảm biết nỗi đau của tôi vì họ chẳng có nỗi đau nào cả. Họ không thể an ủi tôi vì họ chưa bao giờ cần Chúa an ủi họ, hoặc có lẽ họ cần sự an ủi nhưng không biết cầu xin và lãnh nhận nó. Tôi thường nói chúng ta không thể cho đi cái mà chúng ta không có. Trước tiên, chúng ta phải nhận từ Chúa, và những gì Ngài ban cho chúng ta có thể tuôn tràn từ chúng ta ra đến người khác.
Khi người khác đến với chúng ta chia sẻ nan đề của họ, thì phần lớn họ đã biết là chúng ta không thể giải quyết được. Điều họ thật sự cần là sự cảm thông, sự an ủi và lòng trắc ẩn. Sau khi chịu khổ, chúng ta sẽ trở nên mềm mại hơn, dịu dàng hơn, tử tế hơn, trắc ẩn hơn và cảm thông hơn. Những phẩm chất này là một vài trong những phẩm chất mà chúng ta ngưỡng mộ nơi Chúa chúng ta và chính nó sẽ khiến chúng ta đủ tiêu chuẩn trở thành người phục vụ Chúa thay mặt cho Ngài.
Phát triển lòng trắc ẩn và cảm thông đối với người khác là một trong các phước hạnh mà chúng ta có được khi vượt qua phía bên kia của sự chịu khổ. Món quà bày tỏ lòng trắc ẩn này rất quý giá đối với những người đang đau thương!
Nhưng chỉ chịu khổ thôi thì chúng ta chưa đủ tiêu chuẩn để được Chúa sử dụng để giúp đỡ người khác. Chắc chắn, Chúa có thể và sẽ sử dụng lớn lao những người mà có những người cha, người mẹ tuyệt vời, có tuổi thơ tốt đẹp, không gặp khó khăn về tài chánh và có nhiều lợi thế khác. Tuy nhiên, có rất ít những người như thế, chỉ vì là ai cũng phải nếm trải cuộc đời, và mùi vị của nó không phải lúc nào cũng là “vị ngọt.”
Mối Quan Hệ Sâu Nhiệm Hơn Với Chúa
Một trong những lợi ích tôi thấy được sau khi chịu khổ là mối quan hệ sâu nhiệm hơn với Chúa. Khi chúng ta được đặt vào chỗ là không ai có thể giúp chúng ta ngoại trừ Chúa và chúng ta đặt lòng tin cậy nơi Ngài, chúng ta kinh nghiệm nhiều điều kì diệu về Chúa và sự tốt lành của Ngài. Chúng ta kinh nghiệm sự thành tín, công lý, nhân từ, thương xót, ân sủng, khôn ngoan, và quyền năng của Ngài và vân vân. Phao-lô nói quả quyết mục đích của ông là biết Đấng Cứu Thế và biết cách sâu nhiệm hơn về sự kì diệu của thân vị Ngài. Ông nói ông muốn biết quyền năng phục sinh của Chúa, và sau đó ông nói tiếp, “cho đến nỗi tôi được biết Ngài và sự thông công thương khó của Ngài” (Phi-líp 3:10).
Có vài điểm rất hay trong câu Kinh Thánh này:
1. Phao-Lô Rất Quyết Tâm!
Đòi hỏi sự quyết tâm nếu chúng ta muốn hoàn thành bất cứ điều gì trong đời. Không phải chúng ta làm việc gì đó tốt đẹp một vài lần là chúng ta thành công, mà chính là những gì chúng ta làm lặp đi lặp lại mới mang lại cho chúng ta kết quả mong đợi.
2. Phao-Lô Muốn Biết Chúa Sâu Nhiệm Hơn Và Thân Mật Hơn.
Ông không chỉ muốn biết về Ngài, ông muốn biết rõ Ngài! Ông muốn có mối quan hệ cá nhân thân mật với Ngài. Chuyện này ai khao khát và sẵn lòng tìm kiếm Chúa Giê-su với cả tấm lòng đều có thể có được.
3. Phao-Lô Muốn Biết Rõ Ràng Và Kỹ Càng Về Những Sự Huyền Nhiệm Của Thân Vị Chúa Cứu Thế.
Phao-lô biết Chúa Cứu Thế. Ông đã gặp gỡ Ngài trên đường Đa-mách, nhưng ông tìm kiếm hơn nữa. Chúng ta không nên thỏa mãn nếu chúng ta không tăng trưởng thuộc linh. Còn nhiều điều để học về sự kì diệu của Chúa Giê-xu, và chúng ta sẽ biết nhiều hơn nếu chúng ta tìm kiếm Ngài nhiều hơn. Khi chúng ta cùng bước đi với Ngài trong cuộc sống, chúng ta thấy Ngài ở với chúng ta trong tất cả mọi hoàn cảnh. Ngài không bao giờ lìa bỏ chúng ta.
4. Phao-Lô Muốn Kinh Nghiệm Quyền Năng Phục Sinh Của Chúa Cứu Thế, Là Quyền Năng Đem Chúng Ta Ra Khỏi Vòng Kẻ Chết Dù Chúng Ta Vẫn Còn Sống Trong Thể Xác Này.
Khi chúng ta thật sự biết Chúa Giê-xu cách sâu nhiệm và thân mật, chúng ta có thể có bình an và vui mừng trong những lúc khó khăn. Chúng ta tin cậy Ngài khiến mọi sự chúng ta đang đối diện mang lại ích lợi cho chúng ta dù hoàn cảnh có đau đớn thế nào đi chăng nữa. Chúng ta không cần sống cuộc đời thất bại khi mà quyền năng phục sinh của Chúa Giê-xu đã có sẵn trong chúng ta.
Khi chúng ta kinh nghiệm quyền năng của Chúa trong đời sống, thì lần sau khi chúng ta có nhu cầu thì chúng ta rất dễ tin cậy Ngài hơn. Chúa muốn bày tỏ cho chúng ta quyền năng của Ngài trong và qua chúng ta. Ngài không chỉ muốn giải cứu chúng ta, nhưng Ngài cũng muốn dùng chúng ta làm sứ giả để kéo mọi người đến với Chúa Giê-xu.
Nếu bạn và tôi đang trải qua những khó khăn nghiêm trọng và người ngoại thấy rằng chúng ta cứ tin cậy Chúa và giữ thái độ bình an và vui mừng, điều đó làm chứng cho họ về quyền năng bảo vệ của Chúa. Khi chúng ta kiên nhẫn chờ đợi, dù là kéo dài bao lâu đi nữa, như thế sẽ làm chứng cho người ngoại về quyền năng vững bền của Chúa. Sau đó, khi chúng ta kinh nghiệm sự giải cứu và người ngoại thấy Chúa là thành tín, điều đó làm chứng với họ về sự hiện diện và quyền năng của Ngài cũng như cho họ thấy Ngài muốn giúp đỡ chúng ta. Tấm gương của chúng ta có thể là lợi thế khiến một người dâng đời sống mình cho Chúa.
5. Phao-Lô Nói Ông Sẵn Sàng Chia Sẻ Sự Thương Khó Của Chúa Cứu Thế, Để Ông Được Biến Đổi Theo Ảnh Tượng Của Chúa Giê-Xu.
Điều đó không có nghĩa là chúng ta cần phải bị treo trên thập tự giá như Chúa Giê-xu đã chịu. Mà chỉ đơn giản là chúng ta nên sẵn lòng chịu bất cứ điều gì cần thiết để được giống như Chúa Giê-xu và thấy Ngài được vinh hiển qua chúng ta.
Phải chăng điều này có nghĩa rằng Đức Chúa Trời cho chúng ta chịu khổ cực và thử thách để chúng ta học những điều ích lợi cho chúng ta sau này không? Ngài không phải là một ông Thần sát phạt con cái mình nhằm dạy cho chúng nó một bài học.
Tôi chọn diễn đạt thế này: đó là khi chúng ta có nan đề hay gặp khó khăn, Chúa dùng nó để xúc tiến mục đích của Ngài trong đời sống chúng ta. Nếu chúng ta đang chịu khổ, sao chúng ta không học được điều gì đó ích lợi từ kinh nghiệm đó? Tôi đã từng đau khổ mà không có Chúa, và tôi cũng từng khổ đau mà có Ngài, tôi có thể nói cách khẳng định rằng khổ đau mà có Chúa thì lúc nào cũng tốt hơn. Tôi tin Chúa luôn có kế hoạch giải cứu chúng ta, nhưng Ngài có thể hoãn lại một thời gian nhằm dùng nó để giúp chúng ta tăng trưởng và kiện toàn cá tính. Thời điểm của Ngài là toàn hảo trong đời sống chúng ta, và đang khi chúng ta chờ đợi, chúng ta có đặc ân tin cậy Ngài.
Niềm Vui Đoạt Được Giải
Chúa Giê-xu nói dù Ngài xem thường nỗi nhục của thập tự, nhưng Ngài vẫn chịu đựng nó vì cớ niềm vui sẽ nhận được giải sau khi chịu khổ xong (xem Hê-bơ-rơ 12:2). Nhiều người đã nói với tôi rằng họ sẽ không đánh đổi những gì họ đã trải qua để lấy bất cứ thứ khác, chỉ đơn giản là vì kinh nghiệm đó đã thay đổi họ và đem họ đến gần Chúa hơn.
Chúng ta có thể xem thường những gì chúng ta đang trải qua trong lúc chúng ta đang kinh qua. Không ai thích đau đớn hay khổ nạn, dù đó là khổ gì đi nữa. Nhưng nếu chúng ta có thể tập chú vào phần thưởng sau khi chịu khổ xong, chúng ta có thể chịu đựng với thái độ vui mừng hơn. Nếu chúng ta tiếp tục tin rằng chúng ta sẽ thấy sự tốt lành của Chúa dù chúng ta có bị thiệt hại thể nào hay phải chịu đựng bao lâu đi nữa, chúng ta sẽ nếm được vị ngọt của chiến thắng vẻ vang.
Tôi thường nói chúng ta trải qua “cay đắng” trước khi chúng ta kinh nghiệm chiến thắng. Đừng sợ khó khăn, vì Chúa sẽ không để cho bạn đối diện khó khăn quá sức chịu đựng của bạn, vì bạn có Ngài giúp đỡ và hướng dẫn bạn luôn trong đời.
bottom of page