top of page

CHƯƠNG 17 : KHI CHÚA YÊN LẶNG

Hung Tran

Feb 4, 2024

Bạn có bao giờ cảm thấy rằng Chúa thu xếp đồ đạc, cuốn gói đi xa và không để lại địa chỉ gì không?Nếu Chúa không nói cho bạn chính xác điều phải làm, thì hãy tự tin là Ngài tin tưởng bạn có những quyết định đúng!...



Khi Chúa Yên Lặng



“Đức Chúa Trời ôi! xin chớ làm thinh. Đức Chúa Trời ôi! xin chớ nín lặng, chớ đứng yên.” Thi-thiên 83:1



Tôi...

...đã suy nghĩ nhiều lần, Ước gì Chúa đến và ngồi đây với mình và nói cho mình biết điều Ngài muốn mình làm! Tôi chắc chắn vào thời điểm nào đó trong cuộc đời bạn cũng đã nghĩ tương tự như thế. Dường như đối với tôi, như thế thì mọi sự sẽ dễ dàng hơn nhiều, nhưng dường như Chúa lại có những ý tưởng khác, vì đó không phải là điều Ngài chọn để làm. Nếu Ngài không muốn làm theo cách của chúng ta, thì chúng ta sẽ phải học làm theo cách của Ngài. Ngài muốn chúng ta tin cậy Ngài ngay cả trong lúc Ngài yên lặng!

Bạn có bao giờ cảm thấy rằng Chúa thu xếp đồ đạc, cuốn gói đi xa và không để lại địa chỉ gì không? Khi chúng ta không thấy Chúa làm bất cứ điều gì trong cuộc sống chúng ta và chúng ta không nghe Ngài nói gì cả, có thể chúng ta cảm thấy mình đang mò mẫm trong bóng tối, cố tìm cách thoát ra khỏi mê cung. Dù những thời điểm đó thách thức đức tin chúng ta, nhưng nó có thể dạy chúng ta một bài học quan trọng: tin cậy Chúa cả trong lúc Ngài yên lặng. Ngài yên lặng không có nghĩa Ngài không làm gì cả. Chúa đã yên lặng trong 400 năm giữa lúc kết thúc Cựu Ước và mở đầu Tân Ước. Nhưng trong thời gian đó có nhiều việc đã xảy ra nhằm chuẩn bị dân sự cho sự giáng thế của Đấng Mê-si-a. Kinh Thánh nói kì đã trọn Chúa Giê-xu đã được sinh ra! (Xem Ga-la-ti 4:4). Chúa luôn có thời điểm thích hợp cho mọi vấn đề. Khi Ngài sẵn sàng, Ngài sẽ phán, và cho tới khi Ngài phán thì công việc của chúng ta là cứ lắng nghe và chờ với lòng mong đợi.

Chúng ta hãy xem Lời Chúa cho chúng ta biết về Ê-li trong 1Các Vua 17:1. Ê-li đã nói tiên tri với dân sự rằng sẽ không có mưa trong vài năm, và đúng như vậy đó là trời đã không mưa trong ba năm sáu tháng. Dân chúng chịu cảnh hạn hán kinh khiếp, và chắc chắn thời điểm đó Ê-li không nổi tiếng lắm. Tôi tưởng tượng ông muốn nghe điều gì đó mới mẻ từ Chúa liên quan tới hạn hán, nhưng theo 1Các Vua 18:1 thì, “Cách lâu ngày, trong năm thứ ba, có lời của Đức Giê-hô-va phán dạy Ê-li rằng: Hãy đi, ra mắt A-háp; ta sẽ khiến mưa sa xuống đất.” Chúa đưa ra cho ông một sự chỉ thị khác. Lần này ông phải thông báo là sẽ có mưa, và thế là đã có mưa!

Có những ví dụ khác nói về việc Chúa yên lặng đối với những người tin cậy Ngài. Ngài yên lặng với Gióp và với Áp-ra-ham. Khi đọc Gióp 23, chúng ta sẽ hiểu rõ sự thất vọng của Gióp vì ông không thể tìm thấy Chúa hay nghe được Ngài. Chúng ta hãy xem một số câu Kinh Thánh này:

“Ôi! Chớ chi tôi biết nơi nào tìm được Chúa, hầu cho đi đến trước tòa của Ngài!” Gióp 23:3

“Này, tôi đi tới trước, nhưng không có Ngài tại đó; tôi đi lại sau, song tôi cũng chẳng nhìn thấy Ngài; qua phía tả, khi Ngài đương làm công việc đó, song tôi không phân biệt Ngài được; Ngài ẩn tại phía hữu, nên tôi chẳng thấy Ngài.” Gióp 23:8-9

“Bây giờ hãy lắng nghe lời công bố đức tin của Gióp giữa lúc Chúa yên lặng một cách đáng sợ: Nhưng Chúa biết con đường tôi đi; khi Ngài đã thử rèn tôi, tôi sẽ ra như vàng.” Gióp 23:10

Dù Gióp không thể thấy hay nghe Chúa, nhưng ông nói ông tin Chúa đang canh giữ ông và lo liệu cho ông. Ông nói về “khi nào” Chúa sẽ giải cứu ông, chứ không nói “nếu” Ngài giải cứu ông!

Áp-ra-ham đã đối diện với sự yên lặng của Chúa liên quan đến việc dâng con trai duy nhất của ông là Y-sác. Chúa bảo Áp-ra-ham hy sinh con trai của ông như một cách để thử sự trung tín và vâng lời của ông, và Ngài chờ đợi đến giây cuối cùng để nói chuyện với Áp-ra-ham, bảo ông không được làm hại Y-sác. Nhưng cho đến lúc đó, Áp-ra-ham chỉ có đức tin đơn sơ để vượt qua. Ông được thuyết phục về sự thành tín của Chúa, ông cảm nhận dù có giết Y-sác thì Chúa cũng sẽ khiến cậu sống lại (xem Sáng-thế 22:1-12).

Tôi chưa trải qua bất kỳ thử thách nào cùng cực như Gióp hay Áp-ra-ham mô tả, nhưng tôi phải sống trong thời gian yên lặng rất lâu giữa những lúc chờ nghe tiếng Chúa. Đây là những thời điểm khó khăn khi chúng ta bị cám dỗ để nghĩ rằng Chúa không ở với chúng ta hay Ngài không quan tâm tới chúng ta. Có thể chúng ta cũng nghĩ là chúng ta đã mất khả năng nghe tiếng Chúa.

Tôi đã ép mình trong nhiều năm, tự gánh trách nhiệm là phải “cố gắng” nghe được tiếng Chúa, nhưng rốt cuộc tôi nhận ra nếu Chúa muốn nói điều gì đó với tôi, thì Ngài có nhiều cách để bảo đảm là tôi biết. Thay vì “cố gắng” nghe tiếng Chúa và cảm thấy thất vọng khi bạn không nghe được, hãy tin cậy rằng khi Chúa muốn nói với bạn thì Ngài sẽ tỏ rõ chính Ngài.

Thay vì sợ rằng bạn sẽ không nghe tiếng Chúa được, hãy tin là bạn sẽ nghe từ Ngài. Nếu Chúa biết bạn thật sự muốn nghe tiếng của Ngài và bạn đã chuẩn bị sẵn sàng để làm theo, thì khi đến thời điểm chắc chắn Ngài sẽ nói. Khi thời điểm đã trọn, hay tới thời điểm đã định Chúa đã phán với Ê-li lần nữa, và Ngài cũng sẽ lại phán với bạn!


Sáu Điều Phải Làm Khi Chúa Yên Lặng!


1. Khi Chúa Yên Lặng, Cứ Làm Những Gì Ngài Đã Bảo Bạn Làm Khi Bạn Nghe Ngài Phán Mới Đây Nhất.

Phao-lô dạy các tín hữu hãy đứng vững vàng trong sự tự do mà họ được ban cho và đừng mắc vào cái ách nô lệ lần nữa (xem Ga-la-ti 5:1). Hãy bám chắc điều bạn có và đừng cho phép thời gian Chúa yên lặng làm bạn nản chí và làm suy yếu đức tin của bạn.

Có nhiều điều mà tôi không biết, nhưng tôi cũng biết nhiều thứ, và tôi tích cực làm tất cả những gì tôi biết ngay thời điểm hiện tại trong cuộc đời tôi. Người ta thường hỏi tôi, “Bà sẽ làm gì tiếp theo trong chức vụ?” Vì tôi không thể nói trước tương lai nên thường tôi không biết câu trả lời. Nếu chúng ta lên kế hoạch cho một việc gì đó thì tôi có thể làm chứng đó là tôi chỉ làm những gì mà phần lớn chúng ta làm, tức là sống ngày nào hay ngày đó và tin cậy Chúa. Chuyện tương lai cũng là điều ngạc nhiên cho tôi cũng như cho những người khác thôi.

Một câu hỏi mà nhiều người hỏi tôi, “Chúa có đang nói gì với bà không?” Đặc biệt là cứ mỗi đầu năm là người ta thường hỏi tôi câu này, giống như thể cứ qua năm mới là tôi phải có một sự mặc khải từ Chúa. Cho dù ngày Một tháng Một có thể được xem là một cơ hội để nói về việc thực hiện những điều mới, nhưng chỉ vì đó là ngày đầu năm mới không có nghĩa là Chúa lúc nào cũng có những từ mới đặc biệt. Chúa không phải là cái máy tự động đưa ra nhiều lựa chọn mà chúng ta có thể yêu cầu Ngài trong những lúc nhất định. Ngài nói lúc Ngài chọn, và nếu Ngài chọn, khi Ngài yên lặng chúng ta cứ làm điều mình biết là nên làm.

Gần đây chồng tôi là Dave và tôi cùng với một số người bạn đã có một trận cười vì có một phụ nữ kể khi cô ta và chồng mới cưới nhau, anh ta thuộc linh quá khích, thế là anh ta “khoán” cho cô ta phần đọc Kinh Thánh mỗi ngày. Khi anh ta đi làm về với tư cách một mục sư phụ tá tại một hội thánh địa phương, thì điều đầu tiên mà anh nói tới vợ là, “Hôm nay Chúa tỏ gì cho em vậy?” Tôi có thể tưởng tượng được áp lực như thế nào lên cô này, và cô có cảm giác là thua kém nếu cô nói, “Không có gì cả.” Bây giờ kể ra thật buồn cười, nhưng tôi nghĩ lúc đó chuyện này chẳng vui vẻ gì. Đừng tự gây áp lực cho mình hay bất cứ ai, phải nghĩ là Chúa có “phán” lời nào đó, còn không bạn sẽ mở cửa cho ma quỷ lừa dối bạn.

2. Sự Yên Lặng Của Chúa Có Thể Là Lời Khen Dành Cho Bạn.

Có lẽ Ngài không cho bạn bất kỳ sự hướng dẫn cụ thể vì Ngài tin tưởng bạn có quyết định đúng. Thật là sai lầm khi tin rằng Chúa sẽ bảo chúng ta biết mỗi cử động của chúng ta. Mối quan hệ kiểu đó chỉ dành cho cha mẹ và trẻ nhỏ, không dành cho con trai, con gái trưởng thành. Một trong các con trai của tôi nói sáng nay, “Mẹ ơi, chiều này con sẽ ghé qua.” Tôi không gửi cho con tôi một danh sách hướng dẫn chính xác cách tôi mong nó ứng xử khi bước vào nhà. Tôi tin tưởng nó, và tôi tin tưởng là nó biết lòng tôi và hành động xứng hợp. Chẳng hạn, nó sẽ không bước vào mà không đóng cửa lại. Nó sẽ không đậu ô-tô tại một nơi làm cản đường người khác lấy ô-tô của họ ra khỏi nhà. Nó sẽ không dẫn ai đó vào nhà mà tôi không biết. Tôi không cần nói cho con tôi những việc đó, vì nó biết lòng tôi.

Chúa cho chúng ta tự do quyết định làm theo Lời Ngài và làm theo những gì chúng ta biết về ý muốn và bản tính của Ngài. Mới đây tôi có nghe một tôi tớ nổi tiếng của Chúa nói rằng Chúa không bao giờ ban cho ông bất cứ sự hướng dẫn cụ thể nào vào những khúc quanh trong cuộc đời ông. Có những lúc ông thấy khi ông phải đưa ra những quyết định quan trọng, khi ông cầu nguyện xin sự hướng dẫn từ Chúa, ông được soi dẫn để bước ra và thử làm vài việc khác nhau cho đến khi có sự bình an về việc nào là đúng. Chúng ta phải nhớ dù dối với chúng ta có vẻ Chúa yên lặng, nhưng Ngài luôn truyền thông với chúng ta qua nhiều cách khác nhau - qua Lời Ngài, qua sự bình an, sự khôn ngoan và qua kinh nghiệm ở quá khứ và nhiều điều khác nữa.

Nếu Chúa không nói cho bạn chính xác điều phải làm, thì hãy tự tin là Ngài tin tưởng bạn có những quyết định đúng! Một chiếc xe đã nằm trong bãi đậu thì không thể chạy được, nên có lúc chúng ta phải cho cuộc đời của mình di chuyển và bắt đầu chạy tới trước khi chúng ta phát hiện mình có đi đúng hướng hay không.

3. Đừng Sánh Mình Với Ai Khác!

Chúng ta thường nghe người ta làm chứng cách Chúa đối xử với họ và cho rằng Chúa cũng phải làm việc với chúng ta cách tương tự, nhưng Ngài không làm thế đâu. Tôi có đọc những cuốn sách của người khác viết. Họ nói như thể là Chúa ngồi cạnh giường ngủ của họ và ban cho họ những hướng dẫn mỗi ngày về những gì họ phải làm. “Chúa phán” và “Chúa bảo tôi” là những từ ngữ mà họ thích dùng. Tôi cũng dùng những từ ngữ này, và có lẽ là dùng hơi nhiều, bởi vì có những lúc người ta hiểu sai ý của chúng ta. Chúa có thể dẫn dắt và hướng dẫn chúng ta liên tục, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phải được trình bày tỉ mỉ những gì chúng ta phải làm mỗi ngày.

Tôi biết có người thường nghe tiếng Chúa cách chi tiết hơn tôi, nhưng tôi đã học để không ví sánh mình với ai cả. Nếu chúng ta so sánh thì chúng ta sẽ không bao giờ thỏa lòng trong mối quan hệ của chính mình với Chúa. Chúng ta là những cá thể riêng biệt, và Chúa làm việc với chúng ta theo những cách khác nhau vì những lý do khác nhau, và chúng ta nên tin điều đó. Khi bạn cảm thấy thoải mái với ai đó, có thể bạn chỉ ngồi trong một căn phòng nhưng chẳng nói lời nào. Có một số ngày chỉ cần tin là Chúa ở với chúng ta là đủ cho chúng ta rồi!

4. Cứ Nói Chuyện Với Chúa Dù Bạn Nghĩ Là Ngài Không Trả Lời

Chúng ta cần bày tỏ chính mình, và Chúa muốn bảo đảm với chúng ta là chúng ta có thể nói chuyện với Ngài thường xuyên hay lúc cấp thiết là tùy chúng ta. Đa-vít, người viết Thi-thiên, đã dốc đổ lòng mình với Chúa và ông làm việc này với tấm lòng thành khẩn. Phần lớn chúng ta có những lúc chỉ muốn có ai đó để nói chuyện. Có thể bạn không quan tâm lắm về những gì họ nói, bạn chỉ cần ai đó lắng nghe và giữ kín chuyện là được, và Chúa lúc nào cũng giỏi làm chuyện này.

5. Cứ Lắng Nghe, Dù Bạn Có Một Thời Gian Dài Thất Vọng Vì Không Nghe Được Gì Cả.

Cứ tiếp tục lắng nghe tức là cho Chúa biết lòng bạn đang mở ra với Ngài và bạn đang chờ đợi Ngài. Tôi thường hay hỏi Chúa xem Ngài có gì muốn nói gì với tôi không, và tôi để vài phút yên lặng. Đó là cách mà tôi vâng lời điều Ngài nói với chúng ta trong Châm-ngôn:

“Phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con.” Châm-ngôn 3:6

Dù tôi không nghe gì khi hỏi câu hỏi đó, tôi vẫn tin sự lắng nghe của mình là giá trị. Tôi phát hiện ra rằng Chúa có thể yên lặng lúc tôi hỏi, nhưng sau đó Ngài sẽ hướng dẫn các hoàn cảnh của tôi theo một cách mà tôi biết rõ là Ngài đã can dự vào để lèo lái kết quả cho hoàn cảnh đó.

6. Xin Chúa Tra Xét Bạn.

Đôi lúc Đa-vít xin Chúa tra xét ông để xem có điều nào không ngay thẳng trong lòng của ông (xem Thi-thiên 26:2; 139:13- 14). Đây là một bước đi can đảm, nhưng cũng là bước đi chứng minh tỏ tưởng rằng liệu một người có thật sự làm theo ý muốn của Chúa hay không, dù hoàn cảnh là gì đi nữa.

Có thể là có điều gì đó đang ngăn trở chúng ta nghe tiếng Chúa rõ ràng không? Tội lỗi nào đó, một thái độ sai trật nào đó, hay việc hiểu sai về cách nghe tiếng Chúa, đều có thể ngăn trở chúng ta. Chúng ta không cần phải sợ khi biết sự thật này, bởi vì sự thật sẽ giải phóng chúng ta. Khi Chúa yên lặng, có lẽ chúng ta đã không làm gì sai, nhưng tìm biết lí do tại sao thì cũng không hề hấn gì.

Dù Chúa có yên lặng với Gióp trong một thời gian dài, cuối cùng Ngài cũng trả lời ông, nhưng khi trả lời, Chúa có nhiều điều để nói mà chắc chắn là ông Gióp không mong đợi. Do thất vọng nên cuối cùng Gióp đã nói với Chúa là ông không đáng phải bị đối xử như thế, và ít hay nhiều thì ông cũng đòi hỏi có câu trả lời thỏa đáng. Ông Gióp ám chỉ rằng ông nghĩ Chúa không công bằng khi đối xử với ông. Ông không ý thức về cuộc chiến thuộc linh đang diễn ra phía sau đó, cũng như chúng ta cũng thường không biết những gì đang diễn ra “phía sau hậu trường.” Kinh Thánh nói Gióp đã ăn năn, nên rõ ràng là ông đã phạm tội.

Dù là người công chính mọi bề khi những thử thách bắt đầu, cuối cùng Gióp cho rằng Chúa không xử đúng với ông (xem Gióp 42:3-6). Sự công chính của ông trở thành sự công bình riêng, đây là điều rất nguy hiểm cho chúng ta để nắm giữ. Chắc chắn là ông Gióp đã trải qua một thời điểm rất khó khăn (chắc chắn khó khăn hơn nhiều điều mà chúng ta biết), nhưng cuối cùng ông nói mình biết Chúa nhiều hơn trước (xem Gióp 42:5). Ngoài ra, Chúa cho ông lại gấp đôi những gì ông đã mất và ban phước cho ông nhiều vô số kể (xem Gióp 42:10-17).

Hành trình đầy gian nan, nhưng kết thúc hóa ra lại vẻ vang! Chúng ta cũng có thể mong điều tương tự. Hãy nhớ, những gì Sa-tan định làm hại thì Chúa định làm phúc cho chúng ta (xem Sáng-thế 50:20).



bottom of page