top of page
Hung Tran
Feb 2, 2024
Không bao giờ là quá trễ để thay đổi bản thân và nhìn thấy định mệnh của bạn được ứng nghiệm. Được biến đổi theo ảnh tượng của Chúa là sự thay đổi lớn nhất...
Tôi Thật Sự Muốn Thay Đổi
“Ai cũng nghĩ thay đổi thế giới nhưng không nghĩ phải thay đổi chính mình.” Leo Tolstoy
Có...
...một số điều trong cuộc sống mà chúng ta muốn thay đổi, và chúng ta sẽ rất sung sướng nếu Chúa quyết định thay đổi những điều này. Nhưng nếu chúng ta là người cần thay đổi thì sao?
Tôi đã lãng phí nhiều năm nghĩ rằng nếu hoàn cảnh hay những người xung quanh tôi thay đổi thì tôi sẽ hạnh phúc hơn. Tôi đã cố gắng thay đổi họ, và tôi cầu nguyện để Chúa thay đổi người ta hay hoàn cảnh, nhưng sau đó tôi phát hiện ra Chúa muốn tôi thay đổi. Cho tới lúc đó, tôi đã không xem xét là tôi cần thay đổi, và đó là giải pháp cho một số bất hạnh và thất vọng trong đời sống tôi. Cuối cùng khi tôi thành thật nhìn lại bản thân, tôi nhận ra rằng không điều gì và không ai có thể làm cho tôi sung sướng cho tới khi tôi thấy mình sung sướng trước. Thật sự tôi không thích con người của mình trước đây, nhưng tôi đã để quá nhiều thời gian cố gắng đổ sự bất hạnh của mình cho những người khác và cho nhiều chuyện khác đến nỗi tôi đã hoàn toàn bỏ qua sự thật.
Sa-tan thích chúng ta tập trung vào điểm sai của người khác, bởi vì như thế thì chúng ta sẽ không bao giờ thấy cái sai ở mình. Chúng ta phán xét họ, nhưng hành động đó che mắt chúng ta không thấy lỗi lầm của mình. Thật là hữu ích cho tôi khi nhận ra rằng khi thời gian của tôi trên đất đã hết, tôi sẽ đứng trước mặt Chúa và được yêu cầu phải giải trình về bản thân tôi (xem Rô-ma 14:12). Ngài sẽ không hỏi tôi về người khác, chỉ tôi thôi. Vì thế, tôi nên tập trung để Chúa làm điều Ngài muốn làm trong tôi, thay vì ép Ngài thay đổi ai đó hay điều gì đó.
Khi Chúa xử lý hành vi và thái độ của chúng ta mà Ngài không đồng tình, điều này có thể khiến chúng ta rất bối rối. Lời Chúa nói về quá trình này là “sự cáo trách,” và đó là công việc của Thánh Linh. Có thể chúng ta chỉ cảm thấy “có điều gì đó sai trật,” nhưng chúng ta không biết nó là gì. Thay vì cố đoán ra, tôi khuyên bạn hãy tin cậy Chúa! Càng sống trong lĩnh vực lí trí, chúng ta càng có ít khả năng phân biệt và thật sự hiểu những gì Chúa muốn bày tỏ cho chúng ta.
Giả sử tôi đang tranh cãi với chồng tôi về chuyện gì đó, dù trong tâm tinh tôi cảm thấy không thoải mái, nhưng đối với tôi không có vẻ là Thánh Linh đang cáo trách tôi về hành vi sai trật, chỉ vì tôi được thuyết phục hoàn toàn rằng quan điểm của tôi là đúng và chồng tôi là sai.
Cho đến khi chúng ta học để nhanh chóng nhận ra những cảm giác thật này và biết những cảm giác đó là gì thì chúng ta vẫn chống cự công việc của Thánh Linh và không biết mình đang làm gì. Nhưng khi chúng ta tin cậy Chúa bày tỏ sự thật cho chúng ta thì chúng ta sẽ học được bài học và lẽ thật sẽ giải phóng chúng ta. Tôi tin rằng khôn ngoan thì hãy cầu nguyện đều đặn để chúng ta không bị lừa dối trong bất cứ lĩnh vực của đời sống, và cầu nguyện Chúa sẽ thay đổi và biến đổi chúng ta theo ảnh tượng của Chúa Giê-xu (xem Rô-ma 8:29-20).
Bạn Có Chịu Thay Đổi Không?
Tôi tin vào định mệnh, nhưng tôi không tin định mệnh là một kết quả tự động, hoàn toàn do Chúa kiểm soát, và chúng ta chẳng có liên quan gì đến. Chúa có một nhiệm vụ cho mỗi chúng ta, nhưng chắc chắn chúng ta cần được thay đổi trước khi Ngài có thể dùng chúng ta theo cách Ngài muốn. Tôi rất phấn khởi về sự kêu gọi của Chúa cho cuộc đời tôi để dạy dỗ Lời Ngài, nhưng lúc đầu tôi không biết Ngài sẽ phải xử lý biết bao nhiêu điều trong tôi trước khi Ngài có thể làm việc qua tôi.
Chúa có một kế hoạch tốt lành cho mỗi chúng ta, nhưng có lúc chúng ta đi chệch hướng và sai đường. Nhưng cảm tạ Chúa, nhờ có Chúa giúp, chúng ta lúc nào cũng sửa lại hướng đi. Thậm chí chúng ta thấy những lỗi lầm của mình trở thành các phước hạnh bằng cách bước theo sự hướng dẫn của Chúa. Trong Kinh Thánh có hai người đi sai hướng là Gia-cốp và Phao-lô. Nhưng khi Chúa làm việc trong đời sống họ thì cả hai đều thay đổi, và dù họ đã phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng nhưng họ kết cuộc đã sống một cuộc đời kì diệu.
Gia-cốp từng là một kẻ lường gạt, lừa đảo và lưu manh nhưng đã trở thành một con người vĩ đại của Chúa (xem Sáng-thế 32:22-28). Phao-lô là người đã từng bắt bớ các Cơ-đốc nhân và trở thành vị sứ đồ vĩ đại (xem Công-vụ 7:58, 8:1-3; 9:1; 4, 17, 22). Không bao giờ là quá trễ để thay đổi bản thân và nhìn thấy định mệnh của bạn được ứng nghiệm.
Nhiều khi để kinh nghiệm những sự thay đổi mà chúng ta muốn có trong hoàn cảnh của chúng ta thì chúng ta phải chịu thay đổi trước. Nhưng Gia-cốp và Phao-lô không chỉ kinh nghiệm những sự thay đổi trong hoàn cảnh của họ, họ đã chấp nhận những sự thay đổi cần thiết trong chính họ. Tôi muốn khuyên rằng nếu bạn không hạnh phúc với cuộc sống hiện tại của bạn, thì trước khi bạn xin Chúa thay đổi đời sống bạn, hãy xin Ngài thay đổi bất cứ điều gì cần thiết trong bạn cần thay đổi. Chúng ta hãy trở thành người mà Chúa muốn chúng ta trở thành và chẳng mấy chốc chúng ta sẽ làm những gì Ngài muốn chúng ta làm, và chúng ta sẽ có những gì Ngài muốn chúng ta có. Được biến đổi theo ảnh tượng của Chúa là một hành trình lâu dài và đau đớn, nhưng nó sẽ diễn ra cách trơn tru và nhanh chóng nếu chúng ta hợp tác với Thánh Linh khi Ngài làm việc trong chúng ta.
Đôi lúc trong hành trình của bạn, có cảm giác như thể bạn là người duy nhất cần thay đổi. Chuyện này đặc biệt khó khăn cho tôi khi tôi cảm thấy mình là người duy nhất Chúa đang xử lý. Một lần nọ khi tôi phàn nàn với Ngài về việc đó, Ngài thì thầm trong lòng tôi, “Joyce, con đã xin Ta rất nhiều, con muốn có những thứ đó không?” Tất nhiên, Chúa xử lý tất cả chúng ta, ít ra thì Ngài thử làm thế, nhưng không phải tất cả chúng ta đều lắng nghe và chấp nhận những sự thay đổi Ngài muốn thực hiện trong chúng ta. Tôi thật sự muốn khích lệ bạn đừng bao giờ lo lắng quá nhiều về việc Chúa làm hay không làm trong đời sống người khác, nhưng hãy chấp nhận những gì Ngài đang làm trong cuộc đời của bạn.
Nếu Chúa đang làm việc trong bạn tại thời điểm này, thì dường như bạn không phải là con người như trước đây nữa, nhưng bạn cũng chưa phải là người hoàn hảo, và bạn cảm thấy như thể mình bị kẹt cứng một chỗ! Bạn không thể quay lại và cũng không thể tiến về phía trước nếu Chúa không giúp, và dường như Chúa đang nghỉ. Đây không phải là lúc để bỏ cuộc, hãy tiếp tục tin cậy Chúa! Tin cậy Chúa không phải là chuyện một lần đủ cả hay trong chốc lát, mà là một hành trình hết ngày này qua tháng nọ. Chúa thay đổi chúng ta từng chút một. Thường thì chúng ta thậm chí không phân biệt được là sự thay đổi đang diễn ra cho đến khi chúng ta nhìn lại một khoảng thời gian dài trong quá khứ và quan sát thấy mình thật sự khác với con người trước đây. Tôi thường nói, “Tôi chưa tới đích, nhưng cảm tạ Chúa tôi không còn như trước đây nữa!”
Sau khi bị cha tôi lạm dụng, tính nết tôi rối bời, dù sau khi tôi thừa nhận việc đó và muốn thay đổi nhưng vẫn mất một thời gian rất dài. Đừng nản lòng nếu tiến trình của bạn dường như là chậm, chỉ cần tin rằng Chúa biết Ngài đang làm gì, và vui thích bản thân trong lúc bạn thay đổi. Hãy nhớ - sống khổ sở không làm cho sự thay đổi diễn ra nhanh hơn đâu!
Trong suốt tiến trình trưởng thành thuộc linh, chúng ta cần tin cậy thời điểm của Chúa và các đường lối của Ngài, dù chắc chắn là nó không phải là điều chúng ta lựa chọn. Tuy nhiên, nhiều năm về sau, khi bạn nhìn lại cuộc đời của mình, bạn sẽ nhận ra thời điểm và cách thức của Chúa là hoàn hảo!
Được biến đổi theo ảnh tượng của Chúa là sự thay đổi lớn nhất, và việc này mất nhiều thời kỳ trong cuộc đời chúng ta, nhưng mỗi thời và kỳ đều là tốt lành trong thời điểm của nó. Chúa có một chương trình được thiết kế đặc biệt cho mỗi chúng ta. Nên hãy tận hưởng mỗi thời kỳ, hãy vui hưởng Chúa và vui vẻ với bản thân khi bạn đang đi trên cuộc hành trình ấy.
Học Để Làm Khác Đi!
Khi tôi suy nghĩ những sự thay đổi tuyệt vời Chúa đã thực hiện trong tôi qua nhiều năm, tôi nhận thấy mỗi sự thay đổi đều đỏi hỏi tôi phải học để làm khác đi, hay học cách phản ứng với hoàn cảnh khác đi so với cách của tôi trước đây.
Chẳng hạn, trước đây tôi rất ích kỷ, nhưng khi Chúa bày tỏ cho tôi tính ích kỷ sâu xa trong tôi và biết bao nhiêu nan đề mà ích kỷ gây ra trong đời sống tôi, tôi thật sự muốn thay đổi. Nhưng “cái tôi” thường chết từ từ, và quá trình này thường rất đau đớn. Tôi phải mất một thời gian dài chỉ để nhìn thấy tính ích kỷ của tôi, và thậm chí mất một thời gian dài hơn để học sống trong hạnh phúc và giữ thái độ tích cực khi mọi sự không diễn ra theo cách của tôi. Càng học tin cậy Chúa, thì việc này càng dễ hơn nhưng chắc chắn là nó không xảy ra ngay lập tức!
Tôi học được rằng để hưởng sự bình an, tôi buộc phải thích nghi với người khác và với hoàn cảnh, thay vì lúc nào cũng mong muốn họ thích nghi với tôi (xem Rô-ma 12:16). Tôi mất vài năm mới thật sự nhận thấy có bình an là tốt hơn việc lúc nào cũng đòi theo cách của mình. Sự bình an là một trong những điều quý giá nhất chúng ta có thể có, và chúng ta sẽ khôn hơn khi đánh giá cao bình an. Bạn có muốn có bình an đủ để thực hiện bất kì sự thay đổi nào cần thiết để bạn có bình an không?
Tôi cũng học được rằng thái độ “cứ cho mình là đúng” đã bị đẩy lên quá cao. Nếu tôi phải mất sự bình an để cố chứng tỏ là tôi đúng khi tôi bất đồng với ai đó thì thật chẳng đáng chút nào. Chúng ta có thể tin cậy Chúa chứng tỏ chúng ta đúng nếu cần thiết, còn nếu không thì chúng ta có thể chọn để thỏa lòng.
Quá trình học hỏi không bao giờ kết thúc. Chúng ta tiếp tục học hỏi cả đời trong nhiều lĩnh vực, học để đi theo đường lối của Chúa cũng vậy! Mỗi ngày tôi vẫn còn học hỏi về mối quan hệ của tôi với Ngài, và tôi tin bạn cũng thế!
Tiến Trình Thay Đổi
Một khi chúng ta quyết định rằng chúng ta muốn thay đổi và chúng ta chịu để Thánh Linh làm việc trong đời sống chúng ta, có một bài học quan trọng mà tất cả chúng ta phải học: chúng ta không thể tự mình thay đổi bản thân, và sự thay đổi thật đòi hỏi tin cậy Chúa làm những công việc cần làm trong chúng ta. Phần lớn chúng ta tranh chiến và kết cục là phẫn uất, thất vọng vì chúng ta cố thay đổi nhưng thất bại. Chúng ta tiến bộ được một chút và rồi dường như chúng ta lại rơi vào những thói quen cũ. Thế là chúng ta quyết định cố gắng nhiều hơn, hoặc chúng ta lập ra những kế hoạch và công thức mới về cách thay đổi, nhưng chúng ta vẫn không thành công.
Nếu chúng ta muốn thay đổi và chúng ta cố gắng thay đổi, thì tại sao chúng ta không thể thay đổi? Tại sao chúng ta không thể chấm dứt không làm điều mà chúng ta không muốn làm? Chẳng hạn, nếu tôi được thuyết phục rằng tôi hay nói mà không suy nghĩ và chuyện này gây ra nhiều nan đề trong mối quan hệ của tôi nên tôi muốn thay đổi tính nết này trong tôi, nhưng tại sao tôi không làm được? Câu trả lời rất đơn giản: Ta không thể thành công nếu không có Chúa. Ngài muốn chúng ta cầu xin và nhận sự giúp đỡ của Ngài trong mọi việc chúng ta làm. Chỉ có Chúa mới thật sự thay đổi được chúng ta, vì đó là một công việc xảy ra trong lòng.
Nếu chúng ta thật sự cố gắng để giữ im lặng và không gây ra những tranh cãi do nói tầm bậy, có thể chúng ta thành công được một lúc, nhưng trong lúc không cảnh giác thì nan đề này lại xuất hiện. Nhưng nếu chúng ta tin cậy Chúa giúp chúng ta trong lời ăn tiếng nói của mình thì chúng ta sẽ thấy Ngài thay đổi chúng ta từng chút một. Rồi sẽ có một ngày chúng ta nhận ra rằng nan đề cũ không còn là vấn đề nữa, và chúng ta không thể làm gì ngoài việc tạ ơn Chúa vì chúng ta biết chính Ngài làm việc đó. Chỉ những người ở trong Chúa mới kinh nghiệm sự thay đổi thật! Đây là kế hoạch của Chúa, “Nếu con ở trong Ta và Ta ở trong con thì con sẽ kết quả nhiều, ngoài Ta con không làm gì được” (Giăng 15:5).
Bản chất con người muốn tự mình làm để tự hào về bản thân, nhưng Chúa muốn chúng ta tin cậy Ngài trong mọi sự và dâng sự cảm tạ cho Ngài vì mọi điều Ngài đã làm.
Bạn có đang tranh chiến với bản thân không? Bạn đang cố gắng thay đổi điều này, điều kia về chính con người của bạn mà bạn không thích hay những điều mà bạn biết là không phù hợp với ý muốn của Chúa không? Có lẽ bạn hay lo lắng và bạn cố gắng để không lo nữa, hay có thể bạn giận ai đó và bạn cố gắng tha thứ cho họ. Nan đề thì vô số kể, nhưng có một điều chúng ta phải học; chúng ta không thể thay đổi nếu chỉ cố gắng; chúng ta cần sự giúp đỡ của Chúa.
Cảm tạ Chúa, chúng ta có thể cầu nguyện và đặt lòng tin cậy nơi Ngài để Ngài làm những gì cần làm trong chúng ta. Bất cứ nỗ lực nào chúng ta thực hiện phải được thực hiện trong lúc chúng ta nương dựa vào Chúa, chứ không phải bên ngoài Ngài. Điều này nghe thật đơn giản, nhưng đó là một trong những điều khó nhất chúng ta cần học, vì xác thịt con người thích độc lập và tự chủ. Chúng ta phải đổi tự do của mình để lấy sự lệ thuộc nơi Chúa Giê-xu nếu chúng ta muốn có sự thành công thật. Hãy học để nương nhờ! Hãy học để tin cậy!
Sứ đồ Phao-lô chia sẻ với chúng ta trong Rô-ma 7:15-25 rằng ông đã cố gắng nhưng thất bại cho đến khi ông học biết chỉ có Chúa mới có thể giải cứu ông và Ngài sẽ làm việc đó qua Chúa Giê-xu. Sau khi tranh chiến vất vả với bản thân khi ông cố gắng làm điều đúng nhưng cứ thất bại, Phao-lô nói:
“Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết này? Cảm tạ Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta!” Rô-ma 7:24-25
Rõ ràng là cách nói và cách chấm câu trong câu Kinh Thánh này cho thấy Phao-lô nhấn mạnh và chắc chắn ông đã tìm được câu trả lời đúng. Chỉ có Chúa mới làm nổi những việc cần làm trong ông, và chỉ có Chúa mới có thể làm những việc cần làm trong chúng ta!
Cầu Xin Và Nhận Lãnh
Nếu bạn muốn thay đổi, Chúa thấy điều đó và Ngài lấy làm đẹp lòng! Bước tiếp theo là tin cậy Ngài làm những gì cần làm và ban cho bạn sức mạnh bạn cần để thay đổi. Thường thì khi chúng ta muốn thay đổi, chúng ta cố gắng thay đổi trong khi lại hoàn toàn bỏ Chúa ra ngoài cuộc trong toàn bộ tiến trình. Làm thế sẽ không hiệu quả đâu! Chuyện này đã không hiệu quả cho sứ đồ Phao-lô và sẽ không hiệu quả cho chúng ta. Tóm lại, chúng ta phải tin cậy Chúa thực hiện ý muốn của Ngài trong chúng ta thay vì cố gắng tự mình làm.
Gia-cơ 4:6 nói Chúa ban cho chúng ta ân sủng hơn nữa. Ân sủng là ân huệ của Chúa và là quyền năng thêm sức của Ngài, và nếu ân sủng không liên tục chảy vào đời sống chúng ta, chúng ta kết cuộc sẽ phẫn uất và kiệt quệ.
Tôi nhớ tôi rất phấn chấn khi tôi khám phá ra chân lí này. Trước đó tôi đã cố gắng rất nhiều để trở thành những gì mà tôi nghĩ là Chúa muốn tôi trở thành, nhưng tôi liên tục thất bại, và tôi bối rối và thất vọng. Tôi đã cố gắng và thất bại hàng ngàn lần. Tôi tự nhủ là mình sẽ bỏ cuộc, nhưng tôi lấy lại quyết tâm, tôi lại thử và rồi thất bại thêm vài lần. Nhưng khi tôi học biết ân sủng Chúa là yếu tố bị thiếu đi trong các kế hoạch của tôi, và rồi tôi bắt đầu tin Ngài thay đổi tôi, tôi bắt đầu thấy sự chiến thắng.
Giống như bài thánh ca, “Ân điển lạ lùng!” Âm điệu ngọt ngào làm sao? Nhưng chúng ta phải xin Chúa ban ân sủng của Ngài trong cuộc đời chúng ta. Gia-cơ 4:2 nói, “…Anh chị em không có vì không cầu xin.” Rất đơn giản! Hãy xin đi! Hãy cầu xin và nhận lãnh “để sự vui mừng của bạn được trọn vẹn” (Giăng 16:24). Khi tôi tranh chiến để thay đổi, tôi cố gắng nhưng tôi không cầu xin… tôi không tin cậy. Tin cậy Chúa thường là yếu tố bị thiếu trong tất cả các thất bại của chúng ta. Nếu chúng ta từ bỏ tất cả những cố gắng theo xác thịt của mình và đổi lấy việc tin cậy Chúa nhiều hơn thì chúng ta sẽ kinh ngạc về những kết quả đạt được!
Phần Của Chúng Ta Là Gì?
Chúng ta được dạy trong Lời Chúa rằng khi chúng ta nhìn chăm Lời Chúa, chúng ta sẽ được biến đổi theo ảnh tượng của Chúa từ vinh hiển đến vinh hiển (xem 2 Cô-rinh-tô 3:18). Phần của chúng ta là học Lời Chúa và tin rằng Lời Chúa có quyền năng thay đổi chúng ta. Hãy “uống” Lời Chúa vào trong lòng bạn giống như uống thuốc vậy và tin cậy Lời Chúa sẽ làm việc. Gia-cơ nói Lời Chúa có quyền năng cứu linh hồn chúng ta (xem Gia-cơ 1:21).
Tin cậy Lời Chúa tương đương với việc tin cậy Chúa! Đừng chỉ đọc Lời Chúa như là bổn phận tôn giáo mỗi ngày, nhưng hãy đến với Lời Chúa bằng thái độ tôn kính, hiểu rằng Lời Chúa có đầy năng quyền. Hãy nhận lấy Lời Chúa như thể thức ăn hằng ngày của bạn, vì đó là thức ăn chúng ta cần cho sức mạnh thuộc linh. Hãy tin cậy Lời Chúa làm công việc thay đổi cần thiết để thay đổi trong bạn. Giống như chúng ta tin thuốc được kê toa sẽ chữa lành bệnh tình trong thân thể chúng ta thể nào thì chúng ta có thể tin thuốc (quyền năng chữa lành) trong Lời Chúa sẽ chữa lành tâm hồn chúng ta thể ấy.
Tôi muốn gợi ý rằng bạn hãy xem xét về việc biến những lời bạn đọc thành những lời cầu nguyện. Chẳng hạn, khi bạn đọc những sự dạy dỗ về tầm quan trọng của việc yêu thương người khác, thì đừng chỉ đọc mà thôi, hãy xin Chúa giúp bạn yêu người khác. Khi bạn đọc về tầm quan trọng của việc tha thứ kẻ thù, hãy biến nó thành một lời cầu nguyện. Hãy xin Chúa luôn giúp bạn mau tha thứ và giàu lòng thương xót. Khi làm thế, chúng ta không chỉ đọc Lời Chúa, mà chúng ta xin Chúa biến Lời đó thành một thực tại trong đời sống chúng ta.
Hãy luôn nhớ rằng điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm là nương nhờ, nương cậy, lệ thuộc và đặt lòng tin cậy nơi Chúa!
bottom of page