top of page

CHƯƠNG 2 : TIN CẬY MANG LẠI SỰ YÊN NGHỈ

Hung tran

Feb 19, 2024

Hãy tin cậy Chúa giúp bạn làm hết sức mình và cũng tin cậy Ngài làm phần còn lại...Nếu chúng ta không thể có điều mình muốn kèm với tâm trí bình an, thì có lẽ không đáng để có...



Tin Cậy Mang Lại Sự Yên Nghỉ


“Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho các ngươi được an nghỉ.” Ma-thi-ơ 11:18



Trong...

...định nghĩa của Noah Webster về sự tin cậy, ông ám chỉ rằng đó là sự an nghỉ trong tâm trí về một phẩm chất tốt của một ai đó. Tôi cảm thấy thật quan trọng để một chương trong sách để nói về “ý tưởng làm cho tâm trí an nghỉ.” Đây là điều mà tất cả chúng ta đều rất cần và muốn biết. Có rất nhiều điều trong cuộc sống mà chúng ta cần chú ý đến để chúng ta có thể suy nghĩ về những điều này mà không cảm thấy bị choáng ngợp. Chúa muốn giúp đỡ chúng ta, nhưng chừng nào chúng ta cố tự mình tiếp tục làm hết thì Ngài sẽ không áp đặt lên chúng ta.

Chúa thường giúp chúng ta bằng cách dùng người khác để giúp chia sẻ gánh nặng trong cuộc đời chúng ta. Dave và tôi có hai con trai làm việc với chúng tôi trong chức vụ, và Chúa đã cung cấp các con tôi giúp chúng tôi qua việc gánh vác bớt gánh nặng quản lý một chức vụ lớn. Lúc đầu, thật khó để chúng tôi buông những điều mình chịu trách nhiệm trước đó và giao cho hai con trai tôi. Đó là một quyết định chúng tôi phải đưa ra, nhưng khi làm thế thì đầu óc chúng tôi được nhẹ nhàng lạ lùng.

Sau đó có nhiều việc và nhiều tình huống mà vợ chồng tôi không cần phải nghĩ đến nữa, vì các con trai tôi đã lo hết những việc này cho chúng tôi. Tôi rảnh rang để dạy dỗ, viết sách, cầu nguyện, nghiên cứu, và làm các chương trình truyền hình. Khi tôi ngồi đây viết, có rất nhiều điều đang diễn ra trong chức vụ tôi mà thậm chí tôi không biết hết. Tôi thấy được các kết quả tốt đẹp, nhưng do tôi tin cậy các con trai tôi và chúng quản lý nhiều mảng khác nên mới có kết quả như thế. Hôm qua, Dan, con trai tôi vừa mới cho tôi hay hiện tại chương trình truyền hình của chúng tôi đã có mặt ở Netflix, và tôi rất đỗi ngạc nhiên và vui mừng. Đó là một cơ hội tuyệt vời để hướng tới nhiều người hơn. Tất cả những điều đó xảy ra mà không có tôi can dự vào, vì tôi đã giao trách nhiệm quản lý chức vụ về khâu này cho các con trai tôi.

Con trai tôi là David đã làm tôi ngạc nhiên khi nó cho tôi xem những hình ảnh của một dự án tại Tanzania mà chúng tôi đang tài trợ và giám sát. Tôi chia sẻ niềm vui khi giúp đỡ được nhiều con người hơn, nhưng tôi không phải lo lắng tí nào về bất cứ chi tiết gì trong số hàng ngàn chuyện để đảm bảo là dự án thành công.

Các con trai tôi đang cộng tác với chúng tôi trong chức vụ, và dù chúng tôi vẫn phải làm việc nhiều, nhưng chúng tôi không bị quá tải. Chúng tôi không lo lắng hay bận tâm là bị áp lực. Đầu óc chúng tôi được thảnh thơi! Chúa thích làm cho chúng ta ngạc nhiên và Ngài thường làm thế nếu chúng ta giao mọi sự vào tay Ngài và vào sự giữ gìn của Ngài. Ngài muốn cộng tác với chúng ta trong cuộc đời, và khi chúng ta để Ngài làm thế thì đầu óc chúng ta được thảnh thơi. Theo Kinh Thánh, chúng ta được kêu gọi vào sự hiệp thông và dự phần với Đức Chúa Trời. 1 Cô-rinh-tô 1:9 nói thế này:

Đức Chúa Trời là đấng thành tín; Ngài đã gọi anh chị em vào sự hiệp thông với Con Ngài, là Đức Chúa Jesus Christ, Chúa chúng ta.

Mối quan hệ với Chúa còn hơn là việc đọc Kinh Thánh mỗi ngày, đi nhà thờ mỗi tuần một lần, dâng hiến chút tiền, và làm một số việc lành. Đó chỉ là tôn giáo, nhưng mối quan hệ phong phú và tuyệt vời mà chúng ta dâng cho Chúa qua đức tin nơi Chúa Giê-xu là một sự hợp tác. Ngài ban cho chúng ta khả năng và mong chúng ta dùng nó, cùng lúc cũng phải luôn tin cậy Ngài nữa. Ngài cũng sẵn sàng giải quyết bất cứ việc gì chúng ta không giải quyết được. Tôi thích nói, Hãy tin cậy Chúa giúp bạn làm hết sức mình và cũng tin cậy Ngài làm phần còn lại.


Tâm Trí Bình An


Chúa ban cho chúng ta tâm trí bình an khi chúng ta đặt lòng tin cậy nơi Ngài. Mỗi ngày trôi qua, có nhiều tư tưởng đến với tâm trí chúng ta khiến chúng ta lo lắng và bận tâm. Sáng nay tôi gặp một người cực kỳ trầm tính và không hứng thú nói chuyện với tôi, đầu óc tôi suy nghĩ thế này, Mình không nghĩ cô ta rất thích mình. Khi tôi nghĩ thế, tôi bắt đầu cảm thấy có lẽ mình cần làm gì đó để thay đổi tình huống, thế nhưng tôi chẳng nghĩ ra cách phải làm gì.

Khi chúng ta cố làm những điều mà chúng ta không biết cách làm, nó luôn tạo ra căng thẳng, phân vân, lo lắng và đôi khi là sợ hãi. Có điều nào trong đời sống mà bạn cảm thấy mình có trách nhiệm “chấn chỉnh” lại nhưng bạn không biết phải làm gì không? Nếu có, bạn có thể làm điều tôi đã làm sáng nay và cầu nguyện, dâng hoàn cảnh đó cho Chúa và tin cậy Ngài “chấn chỉnh lại.” Tôi đã cầu nguyện một lời đơn giản, “Cha ơi, con giao mối quan hệ của con với ............... vào tay Ngài. Con dâng nó cho Chúa và xin Ngài khiến mối quan hệ này diễn tiến theo ý Ngài.” Ngay khi tôi làm việc đó, sự bình an trong tâm trí trở lại với tôi.

Không lâu sau đó, tôi nghe từ một người con của tôi, tôi biết được là cảm xúc của chúng không được bình thường. Tôi hỏi liệu tôi có thể giúp đỡ gì được chăng, nhưng chúng nói không, và lập tức tôi suy nghĩ, Không biết có gì trục trặc đây? Chúng có cãi nhau với ai không? Chúng có cảm thấy tồi tệ không? Chuyện gì đã xảy ra? Tôi có thể lắm mang hết những gánh nặng này suốt cả ngày, nhưng tôi nhớ lại mình có thể dâng nó cho Chúa, Đấng duy nhất biết điều gì trục trặc và điều gì cần làm.

Tôi cầu nguyện, “Cha ơi, xin hãy giúp ...................... quyết định có một ngày tốt lành. Hãy giúp chúng thấy chúng được phước thế nào, giúp chúng cảm tạ Chúa thay vì buồn bã.” Không lâu sau khi tôi cầu nguyện, tôi nhận được tin nhắn: “Con cảm thấy khá hơn rồi. Con yêu mẹ!”

Chúng ta có thể trải qua nhiều điều như thế này mỗi ngày. Không có gì ngạc nhiên khi người ta bị căng thẳng nếu họ không biết cách tin cậy Chúa và giao những lo lắng của họ cho Ngài. Mất hơn nửa đời người tôi cũng từng thuộc trong số những người này, nhưng bây giờ tôi rất biết ơn Chúa khi tôi biết cần phải làm gì với những lo lắng của mình.

Hãy để Chúa san sẻ hoạt động mỗi ngày của bạn bằng cách nói chuyện với Ngài về mọi sự. Cầu nguyện chỉ đơn giản là nói chuyện với Chúa, nên tôi khuyên bạn đừng xem cầu nguyện là một trách nhiệm cần phải thực hiện. Cầu nguyện là cách chúng ta để Chúa bước vào mỗi khía cạnh của đời sống, bao gồm những khía cạnh tìm cách cướp đi sự bình an của chúng ta và khiến chúng ta lo lắng.

Đừng bị lừa dối mà nghĩ rằng bạn không thể chọn những gì bạn suy nghĩ. Nếu những suy nghĩ trong tâm trí bạn là lo lắng, bạn có thể chọn suy nghĩ về điều khác. Lời Chúa dạy chúng ta phá đổ những tư tưởng sai trật, bắt phục nó để vâng lời Chúa Cứu Thế (xem 2 Cô-rinh-tô 10:5). Tôi thấy rằng khi nói chuyện với Chúa Giê-xu suốt cả ngày về mọi việc tôi làm và về bất cứ lo lắng nào tôi gặp, là một trong những cách tốt nhất để ở trong sự thông công với Ngài, tận hưởng sự hiện diện của Ngài, và cùng lúc nhận được sự giúp đỡ từ Ngài.

Chúa Giê-xu sẽ nghĩ gì khi Ngài gặp phải một tình huống được cho “rắc rối”? Trong Kinh Thánh chúng ta có nhiều ví dụ nói về cách Ngài giải quyết những tình huống như thế, trong mỗi trường hợp, Ngài chọn tin cậy Cha Ngài ở trên trời. Ngay cả khi Ngài ở trên thập tự và cảm nhận Ngài đã bị bỏ rơi, Ngài nói, “Cha ơi, con giao linh hồn con cho Ngài!” (Lu-ca 23:46). Đây là thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời của Ngài, thế nhưng đang lúc chịu đau đớn và khổ hình kinh khiếp Ngài đã tin cậy Đức Chúa Trời!

Kinh Thánh cũng cho chúng ta một sự ký thuật về việc Chúa Giê-xu ở trên thuyền và một cơn bão lớn nổi lên. Các môn đồ vốn ở với Ngài đã bị mất vía, đâm ra nhát sợ và kinh hãi, nhưng Ngài thì ngủ ở phía sau thuyền. Khi họ đánh thức Ngài và bày tỏ nỗi sợ của mình thì Chúa nói, “Tại sao các ngươi sợ? Các ngươi vẫn chưa có đức tin sao?” (Mác 4:40).

Chúa mong muốn chúng ta tin cậy Ngài! Ngài ban cho chúng ta sự chọn lựa đó, và chúng ta thảy đều sẽ khôn ngoan hơn nếu chúng ta học tin cậy Ngài bất cứ lúc nào chúng ta bị cám dỗ để lo lắng. Tại sao phải khổ sở trong khi mà chúng ta không cần phải làm thế?


Chuyện Gì Xảy Ra Nếu Tôi Không Nhận Điều Tôi Muốn?


Tôi nghĩ nỗi sợ về việc không nhận được điều mình muốn chính là nguyên nhân chính mà chúng ta thấy khó mà tin cậy nơi Ngài. Phần lớn chúng ta được thuyết phục rằng cách duy nhất để chúng ta biết chắc là chúng ta nhận được điều mình muốn là nếu chúng ta tự lo cho bản thân. Nỗi sợ này ngăn chúng ta không hoàn toàn tin tưởng người khác.

Vì tôi được nuôi dưỡng bởi một người cha và người mẹ ích kỷ và lạm dụng, nên tôi cảm nhận chắc chắn rằng không một ai suy nghĩ đến lợi ích tốt nhất của tôi. Thái độ của tôi là, Nếu tôi không tự lo cho bản thân, thì sẽ không ai lo cho tôi! Có lẽ bạn nhận ra thái độ đó, và nó đã làm cho bạn khổ sở như nó đã từng làm với tôi.

Dave thường bị tôi làm cho tổn thương vì tôi không tin tưởng anh ấy lắm, nhưng tôi lại không tin rằng anh ấy chỉ đưa ra những quyết định ích kỷ, chỉ lợi cho anh ấy mà thôi. Tôi tin anh ấy yêu tôi, nhưng cha mẹ tôi cũng đã từng nói là họ yêu tôi và tôi thấy kết cuộc rất khác xa. Tôi bị tiêm nhiễm thói quen không thể tin tưởng ai cho đến khi tôi tin tưởng tình yêu vô điều kiện của Đức Chúa Trời và nhận ra rằng dẫu một người làm tôi tổn thương thì Chúa sẽ chữa lành và an ủi tôi. Chúa luôn nghĩ đến lợi ích tốt nhất cho chúng ta trong tâm tư và kế hoạch của Ngài, và khi chúng ta tin điều đó, chúng ta có thể tin cậy Ngài và học tin tưởng người khác.

Tin cậy Chúa không đảm bảo là chúng ta sẽ luôn có được điều mình muốn. Tuy nhiên, nếu chúng ta không có, lí do duy nhất là Chúa nghĩ đến những điều khác tốt hơn cho chúng ta. Nhiều lần trong đời sống tôi, tôi khát khao và cầu xin Chúa những điều mà tôi không có được, sau đó mới nhận ra nếu Chúa ban cho tôi điều tôi muốn lúc đó thì nó sẽ không tốt cho tôi. Khi chúng ta học muốn điều Chúa muốn cho chúng ta, thậm chí còn hơn là những gì bản thân chúng ta muốn, thì chúng ta có tâm trí bình an trong mọi hoàn cảnh.

Chúa Giê-xu nêu ra một ví dụ hoàn hảo về thái độ kiểu này khi Ngài cầu nguyện tại vườn Ghết-sê-ma-nê, trước khi Ngài chịu chết đau đớn. Ngài nói:

“...Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin Cha cất chén này khỏi Con. Dầu vậy, không theo ý Con, mà xin ý Cha được nên.” Lu-ca 22:42.

Tâm trí bình an dựa trên việc liệu chúng ta có sẵn lòng tin cậy Chúa rằng ý muốn của Ngài là tốt hơn ý muốn của chúng ta dẫu chúng ta có hiểu hay là không. Vì chúng ta được tạo dựng có ý chí tự do, chúng ta có quyền chọn tự điều khiển cuộc đời của mình và sống cho những gì mình muốn, nhưng cảm tạ Chúa, chúng ta cũng có sự lựa chọn khác, đó là tin cậy vào sự tốt lành và quyền tể trị của Đức Chúa Trời. Tiên tri Ê-sai nói thế này: “Quyền trị vì của Ngài sẽ thêm mãi không ngừng, và hòa bình sẽ kéo dài vô tận…” (Ê-sai 9:7). Càng để Chúa cai quản cuộc đời chúng ta thì chúng ta càng tận hưởng sự bình an!


Ai Cầm Lái Cuộc Đời Bạn?


Khi cuộc đời diễn ra không như chúng ta muốn và chúng ta cũng không học tin cậy Chúa, thì rất dễ chúng ta đẩy Ngài ra và tự lèo lái, ra lệnh cho Ngài và cố ép Ngài làm theo cách của chúng ta. Buồn thay, việc làm này sẽ đẩy một người, dù là tay lái giỏi nhất, rơi xuống hố sâu của cảm xúc và suy sụp thuộc linh. Thay vào đó, tại sao lại không để Chúa lèo lái cuộc đời của bạn?

Gần đây tôi nghe một câu chuyện về hai thiếu nữ dành thời gian với nhau trong ngày. Một cô là kiểu người bộc phát, thường làm việc mà không suy nghĩ thấu đáo. Bất chợt cô ta quyết định muốn đổi chỗ với cô gái đang lái xe, cô ta bắt đầu thử lái xe trong khi xe đang chạy. Dù ban đầu tài xế kháng cự, cuối cùng cô ta cũng để cho thử, thế là xe họ rớt xuống hố và bị hư hỏng.

Tôi khuyên bạn hãy để Chúa cầm lái. Đừng cố giật vô-lăng của Ngài trong khi Ngài đang đưa bạn tới chỗ Ngài muốn bạn tới. Hãy để Chúa lèo lái và học đi theo Ngài.

Đây là cách sống khôn ngoan nhất, an toàn nhất và thỏa nguyện nhất. Đây là lúc để ngừng đọc một tí và suy nghĩ về một số câu hỏi sau:

Trong cuộc đời bạn ai là người cầm lái?

Bạn vui hưởng tâm trí bình an ở mức nào?

Bạn thường lãng phí cả một ngày để lo lắng về những chuyện sẽ cướp đi sự bình an của bạn thế nào?

Có phải nỗi sợ về việc không có điều bạn muốn ngăn bạn tin cậy Chúa không?

Bạn có khao khát có thêm sự bình an trong tâm trí không?

Bạn có muốn vui hưởng cuộc sống của mình nhiều hơn không?

Trả lời thành thật những câu hỏi này sẽ giúp bạn xác định mức tin cậy của bạn. Nếu bạn thấy mình không tin cậy Chúa như đáng phải làm thì chẳng có lí do gì để bị định tội cả. Từ giây phút này trở đi bạn chỉ việc chọn tin cậy, đừng chọn lo lắng. Hãy xem câu Kinh Thánh này,

“Lạy Chúa, người nào quyết giữ tâm trí mình trung thành theo Ngài, Ngài sẽ ban cho người ấy được bình an trọn vẹn; họ được bình an vì đã giữ lòng tin cậy nơi Ngài.” Ê-sai 26:3

Để tôi gợi ý cách cầu nguyện mới cho bạn. Thay vì chỉ nói với Chúa về điều bạn muốn Ngài làm cho bạn, hãy cố gắng xin điều bạn muốn nhưng hãy thêm vào câu này: “Nhưng, Chúa ơi, nếu đây không phải là điều tốt cho con, thì xin đừng ban cho con!”

Trong cuộc đời của tôi, tôi đã có nhiều lần (chắc chắn trong đời sống bạn cũng vậy) tôi làm việc siêng năng để có điều mình muốn nhưng phát hiện thấy nó không làm tôi thỏa nguyện, thậm chí nó làm cho hoàn cảnh của tôi tồi tệ hơn. Chúng ta mua được thứ mình muốn nhưng thực tế thì chúng ta không trả hết nổi, và kết cục là áp lực trong tâm trí vì nợ nần. Hay chúng ta bắt đầu tranh cãi với người phối ngẫu khi có sự khác biệt quan điểm, nhưng sau khi có được điều mình nghĩ là mình muốn thì chúng ta phát hiện thật không đáng làm vậy khi chúng ta trải qua sự khổ sở trong đầu óc và cảm xúc để được như ý mình hay được theo cách của mình.

Tôi học được rằng nếu chúng ta không thể có điều mình muốn kèm với tâm trí bình an, thì có lẽ không đáng để có. Kinh Thánh khuyên chúng ta hãy để sự bình an làm trọng tài trong cuộc đời chúng ta, đưa ra những quyết định cuối cùng (xem Cô-lô-se 3:15). Sau nhiều năm rối loạn cả về tâm trí và cảm xúc, tôi học biết rằng sự bình an là một món quà giá trị và chúng ta nên làm bất cứ cách nào để có được bình an.

Khi bạn thấy mình khó tin cậy Chúa, thì hãy tự hỏi: “Có phải vì mình sợ nếu mình tin cậy Ngài, mình sẽ không có điều mình muốn không?” Nếu câu trả lời là có, thì bạn đã xác định được nguyên nhân của việc thiếu sự tin cậy và sự bình an.

Chuyện nào cũng phải làm theo cách của mình thì hơi quá quắt. Thật ngạc nhiên là cuộc đời chúng ta đã bị phí phạm quá nhiều khi bắt người khác làm cho chúng ta tự thỏa mãn, rốt cuộc thì phát hiện ra rằng chúng ta không thấy thỏa mãn gì cả.

Chỉ có ý muốn của Chúa mới có khả năng làm thỏa mãn chúng ta. Chúng ta được tạo dựng cho Ngài và cho mục đích của Ngài, và bất cứ điều nào không phải thế thì không có khả năng đem đến sự thỏa lòng lâu dài. Khi chúng ta còn trẻ, có thể chúng ta nghĩ có được điều mình muốn là điều quan trọng nhất trong đời, nhưng khi lớn tuổi, hy vọng là chúng ta học được bài học và có đủ kinh nghiệm để sẵn sàng nói, “Tôi khao khát ý muốn của Chúa hơn là ý riêng của tôi.” Không có nơi nào tốt hơn thế để ở trong ý muốn hoàn hảo của Đức Chúa Trời!



bottom of page