top of page

CHƯƠNG 20 : TIN CẬY CHÚA THAY ĐỔI NGƯỜI TA

Hung Tran

Feb 1, 2024

Một cú sốc lớn trong đời tôi xảy ra lúc Chúa giới thiệu con người của tôi cho tôi.



Tin Cậy Chúa Thay Đổi Người Ta


“Hãy học để coi trọng người ta ở mức hiện tại của họ, chứ không phải ở mức mà bạn muốn họ đạt tới.” John Maxwell



Tôi...

...nghĩ điều dễ nhất trên đời mà chúng ta làm là tìm thấy lỗi lầm của nhau, nhưng đó cũng là điều đau buồn nhất! Tất cả chúng ta đều có những khiếm khuyết, nhưng khi chúng ta theo đuổi việc thay đổi người khác, chúng ta lại bị che mắt không thấy những điều cần được thay đổi trong chúng ta.

Chỉ có Chúa mới có thể thật sự thay đổi người ta cách hiệu quả. Vì sự thay đổi là việc cần thực hiện từ trong ra ngoài. Để hành vi được thật sự thay đổi thì tấm lòng phải đổi thay, và chỉ có Chúa mới có thể cho chúng ta một tấm lòng mới. Trong Ê-xê-chi-ên 36:26, Ngài nói, “Ta sẽ ban lòng mới cho các ngươi, và đặt thần mới trong các ngươi. Ta sẽ cất lòng bằng đá khỏi thịt các ngươi, và ban cho các ngươi lòng bằng thịt.” Về cơ bản, điều này có nghĩa rằng Chúa sẽ ban cho chúng ta tấm lòng và Thánh Linh của Ngài, và cất tấm lòng bằng đá ra khỏi chúng ta và thay thế bằng một tấm lòng nhạy bén với ý muốn và với sự đụng chạm của Ngài. Nếu không có sự thay đổi này, thì không có nhiều hy vọng con người thật sự yêu thương nhau và sống chung nhau trong hòa bình.

Có lẽ có ai đó trong cuộc đời mà bạn muốn thấy sự thay đổi. Có thể là vợ chồng, con cái, cha mẹ, bà con, bạn bè, hay đồng nghiệp. Người ta sẽ không thay đổi trừ khi họ muốn, nên bước đầu tiên là cầu nguyện cho họ, xin Chúa ban cho họ sự sẵn lòng để đối diện với sự thật về hành vi của họ và có ước ao muốn thay đổi. Sau đó điều duy nhất bạn có thể làm là trở thành một tấm gương tốt cho họ và tập trung vào những đức tính tốt thay vì những điểm bạn không thích.


Cầu Nguyện Với Lòng Khiêm Nhu


Để cầu nguyện cho người khác thay đổi, chúng ta phải cầu nguyện trong sự hạ mình, còn không chúng ta sẽ lại rơi vào cái bẫy mà chúng ta nghĩ người khác đang mắc phải. 1Cô-rinh-tô 10:12 nói, “Vậy thì, ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã.” Tôi thường cầu nguyện thế này:

“Cha ơi, con xin Ngài thay đổi______________ nếu họ thật sự cần thay đổi. Nếu họ không thay đổi, vậy thì hãy thay đổi lòng con và cho con thấy có sai trật nào trong suy nghĩ của con khi cho rằng họ cần thay đổi. Con cũng xin Cha thay đổi trong con bất cứ cách nào mà con cần thay đổi. Amen!”

Có rất nhiều điều chúng ta biết là tội lỗi vì Lời Chúa nói rõ, nhưng cũng có nhiều điều khác mà chúng ta không thích nơi người khác, không vì lí do gì khác hơn ngoài việc chúng ta không thích họ. Khi người ta không giống chúng ta, hay khác quan điểm với chúng ta, thì rất dễ bắt lỗi họ, nhưng sẽ khôn ngoan hơn để mở rộng cái nhìn của mình và học biết rằng mỗi người đều có giá trị nếu chúng ta chỉ nhìn thấy nó.

Một trong những tranh chiến khốc liệt nhất trong cuộc đời chúng ta thường là với con người và những thứ chúng ta không thích! Chúng ta muốn họ thay đổi vì ích lợi của chúng ta, nhưng chúng ta hiếm khi xem xét thái độ như thế là ích kỷ làm sao - ít ra thì trước đây tôi là như vậy. Do kiêu ngạo, chúng ta cho rằng cách sống và cách làm việc của mình là đúng và tất cả những người còn lại trong ở thế gian này phải làm theo cách của chúng ta. Chính thái độ này đã gây ra phần lớn những cuộc li dị và làm hỏng vô số những mối quan hệ khác trong gia đình và trong cuộc sống nói chung.

Bước đầu tiên để chúng ta học hạ mình là nhận biết rằng xác suất là chúng ta sai nhiều hơn là những người mà chúng ta đang phán xét là sai. Tuy nhiên, chúng ta không thấy các lỗi lầm của mình, một phần là vì chúng ta quá bận tâm tới những lỗi lầm mà chúng ta nghĩ chúng ta phát hiện nơi người khác. Chúng ta cũng hay có xu hướng biện minh cho mình khi lối hành xử của chúng ta tệ quá, nhưng chúng ta lại không có lòng thương xót như thế đối với người khác.

Một cú sốc lớn trong đời tôi xảy ra lúc Chúa giới thiệu con người của tôi cho tôi. Một ngày nọ tôi đang cầu nguyện cho chồng tôi là Dave thay đổi thì Chúa bảo tôi ngưng cầu nguyện. Bạn tưởng tượng được việc đó không - tôi cố cầu nguyện còn Chúa bảo tôi ngưng! Giờ khi nghĩ lại, tôi xấu hổ vì mình quá ngu dại, nhưng lúc đó tôi chẳng biết gì. Chúa ngắt lời tôi trong lúc cầu nguyện cho Dave, Chúa nói anh ấy không phải là nan đề trong mối quan hệ của chúng tôi - mà là tôi. Tôi bị sốc! Suốt ba ngày sau đó Chúa phơi bày cho tôi thấy thực tại về viễn cảnh khi sống với tôi. Ngài bày tỏ tôi quá là ích kỷ và muốn kiểm soát, khó mà gần gũi, và tôi chỉ vui khi làm theo ý tôi. Phần lớn ba ngày đó tôi chỉ khóc, nhưng đó là sự khởi đầu của một số thay đổi lành mạnh trong đời sống tôi.


Sức Mạnh Của Lòng Thương Xót


Lòng thương xót luôn thắng hơn sự phán xét (xem Gia-cơ 2:13). Nói cách khác, lòng thương xót tốt hơn sự phán xét. Tôi không tin chúng ta có thể tỏ lòng thương xót cho người khác nhiều nếu chúng ta không thật sự nhận thấy chính những bất toàn, những yếu đuối và những lỗi lầm của chính chúng ta. Khi chúng ta nhận thấy Chúa ban cho chúng ta quá nhiều sự thương xót mỗi ngày, điều đó sẽ khiến chúng ta giàu lòng thương xót đối với người khác. Đây là một dụ ngôn về một ông vua không hiểu lòng thương xót và một người làm vườn nhưng lại hiểu.

Vị vua nọ có một vườn cây rất lớn. Ông ra lệnh trồng nhiều cây ăn trái trong đó. Ông thuê một tay làm vườn khéo léo để chăm sóc các cây ăn trái. Mỗi ngày người làm vườn sẽ hái trái chín và hoa quả từ những cây ăn quả khác nhau và cho nó vào một cái giỏ. Mỗi sáng khi triều đình họp, người làm vườn lại dâng trái cây cho vua.

Ngày nọ, người làm vườn hái mấy trái dâu tây và đem tới cho vua. Vua đang có tâm trạng không tốt. Khi ông chọn một trái dâu tây để ăn thử, nhưng nó rất chua. Thế là ông trút giận lên người làm vườn. Trong lúc giận ông ném luôn một trái dâu tây vào người làm vườn và trúng ngay trán ông ta, nhưng người làm vườn nói, “Chúa đầy lòng thương xót!”

Vua hỏi, “Chắc ông đau đớn và giận lắm, nhưng ông lại nói, ‘Chúa đầy lòng thương xót’ tại sao vậy?”

Người làm vườn nói, “Tâu bệ hạ, hôm nay hạ thần dự tính đem cho ngài trái dứa, nhưng đã thay đổi ý định. Nếu bệ hạ ném trái dứa vào người hạ thần, chắc hạ thần đau đớn lắm. Chúa đầy lòng thương xót khi Ngài thay đổi ý định của hạ thần.”

Rõ ràng là người làm vườn đã học tin cậy Chúa ngay cả khi sự đời bất công. Thực tế thì sự đời còn tồi tệ hơn thế nữa, và nếu không bởi lòng thương xót của Chúa, nó còn tệ hơn nữa!

Chúng ta không cần lý do nào khác để bày tỏ lòng thương xót với người khác, ngoài sự thật rằng Chúa đã tỏ lòng thương xót chúng ta là đủ rồi. Chúa mong đợi chúng ta ban cho người khác điều mà Ngài đã rời rộng ban cho chúng ta. Ngài tha thứ chúng ta và mong chúng ta tha thứ. Ngài yêu chúng ta vô điều kiện và mong chúng ta cũng yêu thương người khác như thế. Khi chúng ta thất bại Ngài ban cho chúng ta lòng thương xót và Ngài mong chúng ta trao ban lòng thương xót cho người khác. Ngài không mong chúng ta ban cho những gì chúng ta không có, nên Ngài trang bị cho chúng ta mọi điều tốt lành chúng ta cần để chúng ta vui hưởng sự sống và làm một đại diện sáng chói cho Ngài. Tôi tưởng tượng ông vua không có lòng thương xót kia đã suy nghĩ rất lâu vì thái độ thương xót của người làm vườn! Khi chúng ta bày tỏ lòng thương xót cho người khác, việc này làm người ta kinh ngạc, đặc biệt là khi họ thật sự biết mình đáng chịu hình phạt.

Tôi muốn đề nghị bạn để vài phút và suy nghĩ xem có ai trong cuộc đời bạn mà bạn cần bày tỏ lòng thương xót không? Lòng thương xót là một món quà. Nó không do công trạng hay công đức, nhưng khi nó được ban cho miễn phí, người ta sẽ kinh nghiệm sức mạnh của tình yêu Chúa một cách thực tế và việc này thường sẽ làm đổi thay họ.

Chúa đã ban cho chồng tôi và tôi ân sủng để tha thứ cho cha tôi về tội lạm dụng tình dục tôi lúc nhỏ, chúng tôi đến với ông bằng sự thương xót lúc ông về già và chăm sóc đến khi ông qua đời. Tôi nhớ lúc ông nói với chúng tôi, “Hầu hết người ta muốn giết bố vì những gì bố đã làm, nhưng các con đã luôn tử tế với bố!” Ông tin Chúa ba năm trước khi qua đời, tôi biết ơn Chúa vì điều đó. Qua chúng tôi Chúa đã tỏ ông lòng thương xót. Chúa làm việc qua con người và hợp tác với con người, và Ngài muốn dùng tất cả chúng ta một cách liên tục. Có vô số người trên thế gian này đang chết mất và bị tổn thương. Có thể họ đã thử tin một số tôn giáo nhưng đã thất vọng, nhưng nếu họ gặp gỡ Chúa Giê-xu, họ sẽ không bao giờ như trước nữa. Có thể Ngài chỉ có thể chinh phục ai đó trong cuộc đời của bạn qua tấm gương của bạn. Hãy cam kết bày tỏ cho người ta thấy Chúa Giê-xu thật thay vì chỉ cố gắng nói cho họ. Nếu không có hành động kèm theo thì lời nói suông thật là rẻ mạt và vô bổ.

Qua nhiều năm tôi thấy nhiều người đã nói chuyện với cha tôi, bảo ông hãy thay đổi hành vi của mình vì phần lớn trong cuộc đời, ông là người keo kiệt và lạm dụng, nhưng dù người ta nói như thế nào đi chăng nữa, việc này cũng không hề kết quả. Tuy nhiên, khi ông kinh nghiệm lòng thương xót của Chúa, điều đó bắt đầu làm cho tấm lòng của ông tan chảy và Chúa có thể thay đổi ông. Sau khi ông tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa và chịu báp-tem, ông thật sự đã thay đổi. Ông chỉ sống thêm được ba năm nữa, nhưng cảm tạ Chúa, giờ ông ở trên thiên đàng rồi.


Quyền Tự Do Lựa Chọn


Chúa không ép người ta làm những việc trái với ý chí của họ, và chúng ta cũng không nên ép người khác làm thế. Thật là sai lầm nếu chúng ta cố nói chuyện với ai đó về hành vi sai trái đã làm tổn thương bản thân họ, làm tổn thương bạn hay những người khác, nhưng nếu họ khước từ lời nói của bạn, thì chúng ta lãng phí thời gian nếu chúng ta cứ cố thuyết phục họ thay đổi. Suốt nhiều năm tôi thấy một số thay đổi kì diệu trong đời sống người ta, nhưng chuyện này sẽ không bao giờ xảy ra bởi vì tôi thuyết phục họ thay đổi? Chúa đã thực hiện những thay đổi như thế khi chúng ta cầu nguyện!

Lời Chúa nói nếu người vợ có chồng chưa được cứu, thì cô ta có thể chinh phục anh ta bằng hành vi tin kính, không phải qua lời nói (xem 1 Phi-e-rơ 3:1). Tôi chắc chắn khi một người vợ cố gắng thuyết phục chồng mình thay đổi, anh ta lại càng quyết tâm không thay đổi! Chúa lúc nào cũng thuyết phục người ta làm hay không làm một việc gì đó giỏi hơn chúng ta nhiều.

Hãy cam kết cầu nguyện chứ đừng cố thay đổi người ta và bạn sẽ thấy những kết quả tốt hơn.


Tự Phụ


Tự phụ là chúng ta ít khi chịu nghe ai, nhưng chúng ta cần lắng nghe nhiều hơn. Tự phụ xuất phát từ tấm lòng kiêu ngạo, và người tự phụ đưa ra những quyết định mà họ không có thẩm quyền để đưa ra và họ làm những việc họ chưa nhận được sự cho phép để làm.

Một nhân viên tự phụ hiếm khi được thăng chức, đứa con tự phụ kết cục sẽ mất hết đặc ân, và một con cái Chúa tự phụ phải được xử lý trước khi họ được Chúa dùng cách hiệu quả trong công việc Chúa. Việc tự đưa ra quyết định mà không nhận biết Chúa là tự phụ.

“Hỡi anh em, là kẻ nói rằng: Hôm nay hoặc ngày mai, ta sẽ đi đến thành kia, ở đó một năm, buôn bán và phát tài, song ngày mai sẽ ra thế nào, anh em chẳng biết! Vì, sự sống của anh em là chi? Chẳng qua như hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan ngay. Anh em phải nói trái lại: Ví bằng Chúa muốn, và ta còn sống, thì ta sẽ làm việc nọ việc kia. Kìa anh em lấy những lời kiêu ngạo mà khoe mình! Phàm khoe khoang như vậy là xấu.” Gia-cơ 4:13-16

Tiến hành làm việc mà không nhận biết Chúa, không cầu nguyện và tin cậy Chúa hướng dẫn, không phải là một việc làm được Thiên Đàng tán thưởng! Nó cho thấy thái độ kiêu ngạo cần được xử lý trong cuộc đời chúng ta.

Xác định rằng một người cần thay đổi và ra tay để cố gắng thay đổi người đó là sự tự phụ. Đó là lý do tôi thật sự khuyên khi chúng ta cầu nguyện Chúa thay đổi ai đó, chúng ta hãy cầu nguyện với thái độ hạ mình, biết rằng trong chúng ta cũng có nhiều điều cần thay đổi.

Tôi vui vì Chúa kiên nhẫn với tôi, nhưng có nhiều lần tôi thắc mắc sự kiên nhẫn của Ngài đối với người khác. Không phải lúc nào chúng ta cũng hiểu lí do Chúa không khiến cho một người thay đổi, là người đối xử tệ với chúng ta. Theo Phao-lô, Chúa bày tỏ cho con người sự nhân từ và trì hoãn sự phán xét là nhằm dẫn họ đến sự ăn năn (xem Rô-ma 2:4). Nếu Chúa có thể tỏ lòng thương xót và chịu đựng hành vi xấu trong nỗ lực đem một người đến sự ăn năn, có lẽ chúng ta nên xem xét làm điều tương tự.

Trước đây, tôi có một ông chủ đối xử rất tệ với các nhân viên! Ông ta không đánh giá cao sự làm việc siêng năng của họ, không trả lương thích đáng, mắc lỗi nhỏ là sửa ngay, và làm việc thiếu tôn trọng. Ông ta là một cơ đốc nhân và đáng lẽ phải biết những điều này, tôi phải thừa nhận là tôi thường thắc mắc với Chúa về việc tại sao Ngài để ông ta thoát tội vì cách ứng xử tồi tệ mà Ngài không làm gì đó để ngăn ông ta lại. Chỉ có những người tự phụ mới thắc mắc với Chúa! Đáng lẽ tôi phải cầu nguyện hay hơn thế, “Chúa ơi, con biết Ngài đang xử lý___________, con cầu nguyện ông ta sẽ lắng nghe Ngài và làm việc đúng. Ông ta làm con tổn thương, nhưng con biết lối hành xử của ông ta cũng làm Ngài tổn thương nhiều hơn. Cảm ơn Chúa, vì sự kiên nhẫn lớn lao của Ngài đối với tất cả chúng con.”

Buồn thay, ông ta không thay đổi cho đến khi Chúa phải xử lý cực kỳ nghiêm với ông ta. Hậu quả là cuộc đời của ông ta đã không ra nông nổi đó nếu ông lắng nghe và đầu phục Chúa. Khi suy nghĩ về việc đó, tôi rất buồn, bây giờ tôi thật sự ước gì mình đã dành nhiều thì giờ hơn để cầu nguyện cho ông chủ thay vì buồn với ông và lo lắng về cách ông đối xử với tôi.

Khi những con người trong cuộc đời của bạn không sống như họ đáng phải sống và hành vi của họ làm bạn và người khác tổn thương, hãy chắc chắn là bạn sốt sắng cầu nguyện cho họ. Hãy cầu nguyện để họ lắng nghe Chúa trước khi quá muộn. Thái độ thương xót tốt hơn thái độ phán xét nhiều. Dietrich Bonhoeffer nói, “Khi phán xét người khác, chúng ta sẽ tự che mắt để không thấy tội lỗi của chính chúng ta, và cũng không thấy hồng ân mà người khác cũng được quyền hưởng như chúng ta.”

Nếu chúng ta cầu nguyện cho người khác thay vì cố thay đổi họ, chúng ta sẽ hưởng sự bình an nhiều hơn trong cuộc sống. Và Chúa sẽ làm những việc mà chỉ Ngài mới làm được. Trong lúc chúng ta chờ đợi những sự thay đổi mà chúng ta ước ao sẽ xuất hiện, hãy chắc chắn là chúng ta vẫn trung tín với tất cả những điều Chúa đòi hỏi nơi chúng ta. Chúng ta hãy mềm mại và dễ uốn nắn trong tay của Ngài, và mời Ngài khiến chúng ta thành những cái bình thích hợp cho Ngài sử dụng!



bottom of page