top of page
Hung Tran
Jan 31, 2024
Chúng ta có thể nghi ngờ sự nghi ngờ của chúng ta...
Xử Lý Nghi Ngờ
“Những gì bạn gieo trong đức tin thì đừng đào sâu trong nghi ngờ.” Elizabeth Elliot
Rất...
...dễ để tin cậy Chúa nếu nghi ngờ không viếng thăm chúng ta, nhưng nó lại thăm chúng ta hoài, nên chúng ta phải học để xử lý nó. Rất dễ để ước gì không có sự chống đối nào trong mọi việc, nhưng ước như thế thì không thực tế. Giá mà không có những sự cám dỗ. Giá chi không có sợ hãi. Ước gì sự nghi ngờ không tồn tại! Nhưng tất cả những chuyện này đều có! Nhưng chúng ta không cần phải để nó trở thành nan đề mà chúng ta thường cho phép nó. Chúa bảo chúng ta hãy có đức tin và đừng nghi ngờ, nhưng Ngài không hề nói nghi ngờ thỉnh thoảng sẽ không lui tới. Toàn bộ lí do Chúa bảo chúng ta đừng nghi ngờ là vì Ngài biết nó sẽ đến và Ngài muốn chúng ta sẵn sàng xử lý ngay lập tức và trúng phốc.
Mới đây tôi có thực hiện một chương trình truyền hình để trả lời những câu hỏi của người xem về sự tin cậy. Một người phụ nữ gửi câu hỏi về sự nghi ngờ qua trang mạng. Cô nói cô cố gắng tin cậy Chúa, cô muốn tin cậy Chúa, nhưng dường như cô không thể thoát ra khỏi sự nghi ngờ đang quấy rầy cô, và cô hỏi cô có thể làm gì.
Có lẽ bạn có câu hỏi tương tự; tôi biết tôi cũng đã hỏi như vậy một lần. Sự thật là chúng ta không thể ngăn sự nghi ngờ đến để tìm cách cướp đi đức tin và lòng tin cậy của chúng ta nơi Chúa.
Nhưng khi nghi ngờ đến, chúng ta có thể chọn không để nó ảnh hưởng chúng ta. Chúng ta có thể nghi ngờ sự nghi ngờ của chúng ta.
Khi Chúa bảo chúng ta không được làm việc gì đó, Ngài không nói chúng ta sẽ không bao giờ bị cám dỗ để làm việc đó hay không bao giờ cảm thấy thích làm hay không cần phải chống cự lại hành động đó. Thật ra Ngài nói điều ngược lại. Tại sao lại nói “đừng sợ hãi” nếu chúng ta không có một cơ hội để sợ hãi? Tại sao lại nói đừng để chúng ta rơi vào cám dỗ nếu chúng ta không bị cám dỗ? Tại sao lại nói đừng nghi ngờ nếu chúng ta không có một cơ hội để nghi ngờ?”
Nghi ngờ sẽ đến, nhưng chúng ta không cần phải để nó khiến chúng ta dao động về các lời hứa của Chúa.
Một Ví Dụ Của Kinh Thánh
Áp-ra-ham là ví dụ hay nhất mà tôi biết khi chúng ta muốn nghiên cứu cách một người sống trong mối quan hệ với Chúa xử lý nghi ngờ như thế nào. Áp-ra-ham đã nhận một lời hứa từ Chúa, rằng ông và Sa-ra sẽ có một đứa con. Trong tự nhiên thì hoàn cảnh của ông là không thể vì cả hai đều đã ngoài tuổi có con. Theo Kinh Thánh thì Áp-ra-ham không có lý do gì để hy vọng, nhưng ông hy vọng trong đức tin (xem Rô-ma 4:18).
Khi ông xem thân thể mình bất lực, còn vợ ông thì son sẻ vì dạ của Sa-ra đã khô, Áp-ra-ham vẫn không yếu đuối trong đức tin (xem Rô-ma 4:19). Sự vô tín không làm cho ông dao động (thắc mắc nghi ngờ) về lời hứa của Chúa, vì ông nhận sức mạnh nhờ ngợi khen Chúa (xem Rô-ma 4:20). Lời hứa của Chúa dành cho Áp-ra-ham và Sa-ra đã ứng nghiệm, dù chuyện này mất thời gian lâu hơn suy nghĩ ban đầu của họ.
Tôi tưởng tượng được thể nào sự nghi ngờ đã cố ngăn cản những con người mà chúng ta đọc trong Kinh Thánh đến gần với Chúa. Kinh Thánh đầy dẫy những ví dụ về những người nam, người nữ tin cậy Chúa dù họ phải trải qua sự chống đối, sự khó khăn và có lúc bị đối xử bất công. Chắc chắn sự nghi ngờ đã tới lui Giô-sép khi ông bị giam vì tội mà ông không phạm… và tới lui Ê-xơ-tê khi bà chuẩn bị diện kiến vua mà không được mời vì đó là tội phạm có thể bị xử tử… và tới lui Phao-lô khi ông đi hết chỗ này đến chỗ kia để đem Phúc-Âm của Chúa Giê-xu, phải đối diện với sự bắt bớ kinh khiếp, cảnh tù đày, việc đánh đập, cơn đói khát cùng nhiều khó khăn khác. Mỗi người trong số họ đã nhìn thấy sự thành tín của Chúa, và họ đã đánh một trận đánh tốt lành của đức tin.
Hiểu Được Sự Chống Đối
Gần đây tôi nhận ra rằng được tự do khỏi một vấn đề nào đó nhờ lòng thương xót của Chúa không có nghĩa là lúc nào vấn đề đó sẽ biến mất luôn. Chúng ta được tự do khỏi đau đớn quá khứ, nhưng đôi khi nó có thể còn cố lui tới chúng ta. Chúng ta được tự do khỏi sợ hãi, nhưng nó sẽ xuất hiện vào những lúc bất chợt để xem thử liệu nó có thể bước vào đời sống chúng ta lần nữa hay không.
Trong Lu-ca 4, chúng ta thấy sự ký thuật về việc Chúa Giê-xu được Thánh Linh dẫn vào sa mạc để chịu ma quỷ cám dỗ. Ngài đã ở đó suốt 40 ngày và chịu đựng nhiều sự cám dỗ, Ngài chống cự thành công từng cơn cám dỗ. Nhưng Kinh Thánh nói khi sự cám dỗ đã xong, thì ma quỷ tạm lui đi để chờ thời cơ. Nói cách khác, Chúa Giê-xu đã chiến thắng trận chiến, nhưng sẽ có những trận chiến khác sẽ đến. Sự chống đối sẽ đến!
Những thử thách mà chúng ta trải qua sẽ thử đức tin của chúng ta nơi Chúa. Chúng ta được rèn thử trong lò lửa hoạn nạn, hy vọng chúng ta vượt qua khỏi một cách mạnh mẽ và can trường. Nghi ngờ, sợ hãi và lo lắng đều là một phần trong sự chống đối. Cơ hội đến cùng với sự đối nghịch (xem 1Cô-rinh-tô 16:9). Phao-lô nói khi ông muốn làm điều thiện thì điều ác tới (xem Rô-ma 7:21). Chúng ta không nên để nó đánh bại đức tin của chúng ta, nhưng nó sẽ tới.
Sự đối nghịch đến trong nhiều hình thức, nhưng dù đến cách nào đi nữa cũng đều có ý định là khiến chúng ta từ bỏ hy vọng để nhận những gì Chúa hứa cho chúng ta.
• Con Người Chống Đối Chúng Ta:
Khi chúng ta tìm cách làm theo ý muốn Chúa, chúng ta thấy mọi người chống đối chúng ta. Các sứ đồ đã phải thường xuyên xử lý sự đối nghịch từ các lãnh đạo tôn giáo và những người La-mã. Chắc chắn Chúa Giê-xu đã phải xử lý sự đối nghịch từ con người, là những kẻ khước từ và khinh bỉ Ngài. Họ kiện cáo Ngài vô cớ, chỉ trích và sỉ nhục Ngài. Nhưng Ngài tập trung làm theo ý muốn của Chúa Cha. Có lúc người đối nghịch chúng ta là người mà chúng ta lệ thuộc để khích lệ chúng ta, nếu điều đó xảy ra thì sẽ thật là đau đớn. Chính các anh em của Chúa Giê-xu nghĩ Ngài bị điên khùng và xấu hổ khi ở với Ngài.
• Những Hoàn Cảnh Chống Đối Chúng Ta:
Tất cả chúng ta đều quen thuộc với các hoàn cảnh chống đối chúng ta và khiến chúng ta khó hoàn tất các mục tiêu của mình. Có lần suốt một tháng trời, tôi ghi lại một danh sách những việc bất ngờ xảy ra, những thất vọng, những điều làm mất thời gian và công sức xảy ra trong đời sống mỗi ngày. Suốt thời gian đó, tôi đang cố hoàn tất bản thảo của một cuốn sách, chuẩn bị cho những hội nghị sắp tới, quay phim cho chương trình TV, và đi lại để chia sẻ Phúc-Âm của Chúa Giê-xu. Sau ba mươi ngày, tôi có một danh sách các hoàn cảnh đối nghịch rất dài, từ việc làm đổ chai nước Red Vitamin lên ghế sô-fa cho đến việc té cầu thang.
Những sự việc thế này cùng gây ra lắm phiền phức, nhưng một số hoàn cảnh thì nghiêm trọng hơn và đòi hỏi chúng ta phải chú ý nhiều hơn. Khi điều nào đó đối nghịch chúng ta, nó ngăn trở điều chúng ta dự tính làm. Tất cả chúng ta có thể đoan chắc là khi chúng ta nỗ lực theo Chúa hết lòng thì sa-tan sẽ tìm cách chống đối chúng ta.
• Cảm Xúc Và Suy Nghĩ Chống Đối Chúng Ta:
Ngoài những chống đối thấy được mà tôi nói đến, những suy nghĩ và cảm xúc cũng thường chống đối chúng ta, là những thứ có ý định làm suy yếu lòng tin của chúng ta nơi Chúa. Sự nghi ngờ chỉ là một trong số đó. Cũng có những sợ hãi, sự lo lắng, nỗi kinh hãi, sự thất vọng, niềm lo âu cùng nhiều điều khác. Tuy nhiên, chúng ta được khích lệ khi biết rằng nhiều người nam và người nữ của Chúa, những người đã đi trước chúng ta, đã tấn tới và hoàn thành ý muốn của Chúa nhờ ơn của Chúa, nên chúng ta có thể và sẽ làm như vậy.
Chúng ta phải “thức canh và cầu nguyện” như Lời Chúa dạy (xem Ma-thi-ơ 26:40-41; 1Phi-e-rơ 4:7). Hãy chú ý đến những gì chống nghịch đức tin của bạn và tìm cách ngăn cản bạn không vâng lời Chúa. Hãy nhận biết bản chất của nó và đừng để nó cướp cơ nghiệp của bạn nơi Chúa.
Liên quan đến sự nghi ngờ, hãy nhớ rằng cảm thấy nghi ngờ không có nghĩa bạn không có đức tin và không tin cậy Chúa. Mà nó có nghĩa là Sa-tan đem đến sự cám dỗ để ngăn chúng ta không tin cậy Ngài, nhưng chúng ta có thể xem xét căn nguyên của nghi ngờ đó và nhận ra rằng chúng ta không nên tin nó.
Chẳng hạn, giả sử tôi nghe ai đó chỉ trích tôi, nhưng đó là người mà cũng đã chỉ trích nhiều người và người đó không thật sự biết tôi là ai. Tôi sẽ không buồn vì sự chỉ trích của họ bởi vì tôi sẽ xem xét đến nguyên do. Chúng ta nên làm điều tương tự khi những cảm giác và suy nghĩ tội lỗi đến và cám dỗ chúng ta không tin cậy Chúa. Chúa Giê-xu bảo các môn đồ của Ngài phải cầu nguyện để họ không rơi vào cám dỗ (xem Lu-ca 22:40). Sự cám dỗ sẽ đến, nhưng các môn đồ có quyền chọn tiếp nhận nó hay không.
Riêng cá nhân tôi, thật là hữu ích khi hiểu rằng chỉ vì tôi cảm thấy sợ hãi không có nghĩa tôi là người hèn nhát, và tôi cảm thấy nghi ngờ không có nghĩa tôi không còn tin cậy Chúa nữa. Chúng ta không thể đánh bại kẻ thù nếu chúng ta không nhận ra hắn! Nghi ngờ là bạn của sợ hãi, và cả hai đều là kẻ thù của chúng ta!
Ngăn Tiếng ồn
Có bao giờ bạn ở tại một chỗ mà nghe tiếng ồn khó chịu và bạn tắt ngay ti vi hay thiết bị phát thanh để không nghe tiếng ồn đó nữa chưa? Có lần tôi ở tại một khu chung cư, thường thì rất yên tĩnh, nhưng cứ một tuần một lần vào buổi tối, một nhà hàng/quán bar dưới phố lại có một ban nhạc chơi rất ồn ào mà tôi không thích, và việc này khiến tôi phân tâm. Họ làm một bức tường di dộng, chỉ cần kéo qua một bên nên tiếng nhạc phát ra từ bên trong lẫn bên ngoài. Tôi biết nếu bật ti vi to hơn một chút thì nó có thể át đi tiếng nhạc.
Tôi tin những gì Áp-ra-ham đã làm khi ông đánh bại nghi ngờ và vô tín qua sự ngợi khen Chúa là một ví dụ khác. Ông nghe và cảm nhận sự nghi ngờ, nhưng ông tắt đi tiếng ồn từ sa-tan bằng cách dâng lời ngợi khen.
Tôi có nghe rằng một phần của sự ngợi khen là kể một câu chuyện về điều tốt lành mà Chúa đã làm. Có lẽ khi Áp-ra-ham cảm nhận sự nghi ngờ, ông bắt đầu hỏi Sa-ra liệu bà có nhớ thời điểm họ rời quê hương ở xứ Cha-ran để theo Chúa, nhưng không hề biết Ngài sẽ dẫn họ đi đâu. Chúa dẫn dắt họ từng bước một và tôi chắc chắn có nhiều câu chuyện về sự tốt lành của Chúa mà họ có thể nhớ lại và nói chuyện với nhau. Chồng tôi và tôi cũng thường làm điều này.
Chúng tôi thích nói về những ngày đầu chức vụ và tất cả những thách thức chúng tôi đã đối diện và Chúa thành tín ra làm sao. Khi nhớ lại những lúc ấy tôi thấy khó mà nghi ngờ Chúa. Điều đó không có nghĩa tôi không cảm thấy nghi ngờ, nhưng tôi đã tắt nó rồi và tôi xem xét đến cái gốc!
Chúa sẽ không dạy chúng ta trong Lời Ngài rằng đừng nghi ngờ trừ khi Ngài biết nó sẽ đến tấn công đức tin của chúng ta. Nghi ngờ là công cụ của ma quỷ để ngăn cản chúng ta làm những việc Chúa muốn chúng ta làm và có được những gì Ngài muốn chúng ta có.
Khi Chúa Giê-xu trên đường đi chữa lành đứa con gái bị bệnh nguy kịch của một người đàn ông, thì có những người khác đã ngăn Ngài và cũng xin Ngài chữa lành cho. Ngài dừng lại để giúp họ, và lúc đó đang khi Ngài cầu nguyện cho người bệnh, thì các đầy tớ của ông ta đến và nói cho ông biết không cần phải theo Chúa nữa vì cô gái đã chết. Kinh Thánh nói Chúa Giê-xu nghe họ, nhưng Ngài bỏ qua, bảo ông ta hãy tiếp tục tin cậy (xem Mác 5:22-43). Bạn thấy đó, cả Chúa Giê-xu cũng làm lơ những lời báo cáo với mục đích mang đến nghi ngờ. Ngài cũng chịu cám dỗ như chúng ta chịu, nhưng không bao giờ phạm tội (xem Hê-bơ-rơ 4:15).
Không Bao Giờ Là Không Có Lối Thoát
Trong từ điển Vine’s Expository Dictionary of New Testament Words thì chữ “nghi ngờ” được định nghĩa là “không có lối đi,” hay “không có vốn liếng.” Chúng ta không bao giờ hết cách vì Chúa Giê-xu là con đường (xem Giăng 14:6). Có thể chúng ta không thấy đường đi, nhưng đó chính là lúc chúng ta cần tin cậy Chúa. Đức tin và lòng tin cậy dành cho những lúc chúng ta không biết phải làm gì hay bản thân chúng ta không có thứ gì. Chúa Giê-xu không chỉ là con đường - Ngài cũng là “vốn” của chúng ta! Không có điều gì chúng ta cần mà Ngài không thể cung cấp.
Người ta sẽ nói với bạn, “hết cách rồi,” và ma quỷ cũng sẽ thì thầm “vô phương rồi,” nhưng bạn hãy nhớ rằng “Phương Cách” đang sống ở trong bạn và Ngài ở với bạn! Liệu bạn có tin cậy Ngài đến khi thấy chiến thắng không?
Cách đây bốn mươi năm, khi Chúa kêu gọi tôi dạy dỗ Lời Ngài, tôi làm việc một tuần bốn mươi tiếng, ngoài ra còn phải làm vợ và làm mẹ nữa. Lịch trình bận rộn của tôi khiến tôi không đủ thời gian để học Kinh Thánh nhằm chuẩn bị cho chức vụ dạy dỗ và tôi được dẫn dắt để tổ chức lớp học Kinh Thánh hằng tuần.
Tôi cảm nhận mạnh mẽ trong lòng rằng tôi phải đi một bước đức tin thật lớn, bỏ việc làm để dành thời gian nhiều hơn nghiên cứu Lời Chúa. Chồng tôi đã đồng ý, thế là tôi bỏ việc làm và bỏ thu nhập. Mỗi tháng tiền nợ của chúng tôi nhiều hơn tiền lương của chồng tôi, và tôi nhớ sự nghi ngờ và sợ hãi đã tấn công tôi thế nào, nói với tôi rằng Chúa sẽ không cung ứng và bỏ việc là một quyết định tệ hại của tôi.
Sâu xa trong lòng tôi cảm nhận mình đã làm điều đúng, nhưng lí trí cứ lí luận với tôi. Tôi bị tra tấn tới mức rất là khổ sở. Rồi một sáng nọ trong lúc tôi đi bộ qua căn nhà, Chúa phán với lòng tôi, “Con có thể cố gắng tự lo cho bản thân và sống trong sợ hãi, nghi ngờ hoặc con có thể tin cậy Ta cung cấp cho con một cách kì diệu.” Tôi đang ở ngã ba của đức tin; tôi cần phải chấm dứt dao động hai bên và quyết định tôi sẽ tin cậy Chúa hay là không.
Chúa đã ban cho tôi ân sủng để tin cậy, trong sáu năm chúng tôi chứng kiến Chúa cung ứng một cách lạ lùng hết tháng này qua tháng nọ. Trong suốt những năm đó, đức tin của tôi đã tăng trưởng và qua kinh nghiệm tôi học biết Chúa là thành tín. Tôi vẫn nhìn lại và nhớ những năm tháng ấy, tôi vui vì mình có những kinh nghiệm như thế vì Chúa dùng những điều đó để đem tôi tới gần Chúa hơn trước.
Nếu bạn cảm nhận Chúa đang dẫn dắt bạn làm một điều gì đó nhưng ngay khi bạn bước ra trong đức tin, bạn bị sự nghi ngờ tấn công thì đừng ngạc nhiên. Đức tin của bạn đang chịu thử thách, dù có đầy thách thức nhưng đó là một điều tốt. Bạn càng học tin cậy Chúa qua kinh nghiệm, thì việc tin cậy Chúa sẽ càng dễ hơn. Bạn sẽ kinh nghiệm sự thành tín của Ngài theo cách mới, và mỗi lần như vậy, bạn sẽ được mạnh mẽ hơn.
Có lần tôi đã nghe được rằng sự nghi ngờ giết chết những giấc mơ nhiều hơn là sự thất bại giết chết. Đừng để nghi ngờ làm chệch hướng đức tin của bạn. Hãy nhận ra bản chất của nó và vượt qua nó bởi đức tin.
bottom of page