top of page

CHƯƠNG 22 : BẠN CÓ BAO NHIÊU KINH NGHIỆM ?

Hung Tran

Jan 30, 2024

Hiểu biết dựa trên tri thức ở lý trí là một mức độ hiểu biết, nhưng biết bằng kinh nghiệm là mức độ sâu hơn. Đôi khi cách duy nhất chúng ta học để làm là khi chúng ta không còn chọn lựa nào khác...



Bạn Có Bao Nhiêu Kinh Nghiệm?



“Phước thay cho người tìm được sự khôn ngoan! Phước thay cho người có được sự thông sáng!” Châm-ngôn 3:13



Nếu...

...bạn đã nộp đơn xin việc, chắc chắn người phỏng vấn sẽ hỏi bạn một câu này, “Bạn có kinh nghiệm gì không?” Nếu câu trả lời của bạn là có, thì câu hỏi tiếp theo là, “Bạn có bao nhiêu kinh nghiệm?” Dù bạn có bằng cấp về một lĩnh vực cụ thể mà bạn muốn làm việc, trình độ học vấn không phải lúc nào cũng giúp chúng ta đủ tiêu chuẩn cho một vị trí công việc. Dù chúng ta nghĩ là mình biết bao nhiêu đi nữa, nếu tri thức của chúng ta không được rèn thử, thì không có bằng chứng nào về khả năng thực hiện công việc của chúng ta.

Chúa cũng tìm kiếm điều tương tự khi Ngài muốn sử dụng chúng ta cho vinh hiển và các mục đích của Ngài trên đất. Khi Môi-se cần sự giúp đỡ để lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên, nhờ có Chúa hướng dẫn, ông đã dạy những lời này cho dân sự:

“Hãy chọn giữa các chi tộc của anh chị em những người khôn ngoan, tài trí, và có tiếng tốt để làm những người lãnh đạo của anh chị em.” Phục-truyền 1:13

Bạn để ý rằng danh sách những yêu cầu này không có đề cập đến tài năng! Về tự nhiên một người có thể có tài năng trong một lĩnh vực, nhưng để trở thành một nhân tài, họ cũng cần sự khôn ngoan, sự hiểu biết và kinh nghiệm. Môi-se tìm những người có kinh nghiệm trước khi đặt họ vào những vị trí lãnh đạo.

Khi chúng tôi bắt đầu xây dựng chức vụ Chúa kêu gọi chúng tôi xây dựng, chúng tôi cũng cần nhiều người giúp đỡ. Khi tôi nói chuyện với một mục sư về một số nhu cầu, ông nói, “Joyce, hãy luôn nhớ cô sẽ không bao giờ biết rõ một người cho tới khi cô nhìn thấy họ trong đủ mọi tình huống khác nhau.” Tại sao? Vì không ai biết một người sẽ thể hiện thế nào cho đến khi nhân cách và kiến thức bị rèn thử. Thậm chí chúng ta cũng không biết mình sẽ làm gì cho tới khi chúng ta có kinh nghiệm vượt qua những thử thách khác nhau trong đời sống.

Rất dễ để suy nghĩ hay nói mình tin cậy Chúa, nhưng chúng ta có thật sự tin cậy Ngài khi chúng ta cần tin cậy không? Khi viết cuốn sách này về sự tin cậy Chúa, tôi chịu đựng một số thử thách đau đớn mà kéo dài trong một thời gian. Trong suốt thời gian đó, tôi có thể tin cậy Chúa lo liệu chuyện đó vì tôi có nhiều năm kinh nghiệm với Ngài, và tôi đã thấy sự thành tín của Ngài hết lần này tới lần khác.

Chúng ta có thể đọc một cuốn sách nói về sự tin cậy Chúa, nhưng chúng ta cũng cần kinh nghiệm để thật quán triệt như thế nào là tin cậy Chúa. Vì là một giáo sư dạy Lời Chúa, tôi cố gắng chia sẻ với người ta rằng chỉ nghe và đọc thì chỉ là một phần trong số những cái cần làm. Chúng ta cần phải “thực hành” những gì chúng ta học được, và khi thực hành chúng ta cũng học được như khi chúng ta nghe và đọc từ những kiến thức mà chúng ta có được qua nghiên cứu.


Chúa Giê-Xu Cũng Kinh Qua


Hê-bơ-rơ 5:8-9 nói dù Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời, “Dù Ngài là Con, Ngài đã học vâng lời bằng những điều Ngài chịu đau đớn, và sau khi đã được làm cho trọn vẹn, Ngài đã trở thành nguồn cứu rỗi đời đời cho tất cả những ai vâng lời Ngài.”

Ngay cả Chúa Giê-xu cũng được trang bị để thực hiện công việc Đức Chúa Trời muốn Ngài làm bằng cách trải qua nhiều thứ và lãnh hội được nhiều kinh nghiệm. Không biết bạn thì sao, nhưng điều đó khích lệ tôi! Nó giúp tôi hiểu rằng chúng ta có thể học đang lúc chúng ta sống. Là một Cơ-đốc nhân mới tin Chúa, có thể chúng ta thấy rất khó tin cậy Chúa, nhưng khi năm tháng trôi qua và đức tin chúng ta chịu thử thách, chúng ta biết mình có thể tin tưởng Chúa. Hiểu biết dựa trên tri thức ở lí trí là một mức độ hiểu biết, nhưng biết bằng kinh nghiệm là mức độ sâu hơn.

Chúng ta cần sự giáo dục (Lời Đức Chúa Trời) nhưng chúng ta cũng cần sự khải thị, và tôi tin sự khải thị đến từ những lúc tri thức của chúng ta chịu thử thách và chúng ta có kinh nghiệm nhìn thấy sự tốt lành và thành tín của Chúa trong chính những hoàn cảnh của cá nhân chúng ta.

Trong khi sứ đồ Phao-lô dạy dỗ và khích lệ người Cô-rinh-tô, ông nói không có điều nào chống lại họ mà vượt quá sức chịu đựng của họ, Chúa luôn cung ứng một lối thoát, vì Ngài thành tín với Lời Ngài (xem 1 Cô-rinh-tô 10:13). Tôi tin Phao-lô nói từ kinh nghiệm. Ông đã trải qua sự khó khăn trong lúc tin cậy Chúa, hết lần này tới lần khác ông nhìn thấy Chúa giải cứu ông và ban cho ông sức mạnh để vượt qua tất cả với thái độ chiến thắng.

Gần đây, trong phần hỏi đáp mà tôi thực hiện về chủ đề sự tin cậy Chúa, một phụ nữ đã hỏi, “Làm sao tôi có thể tin cậy Chúa, vì trong quá khứ tôi đã tin cậy Ngài nhưng Ngài đã không đến giải cứu tôi?” Nếu hai mươi năm trước chắc chắn tôi sẽ khó trả lời cô ta, nhưng sau bốn mươi năm kinh nghiệm với Chúa, tôi biết câu trả lời. Tôi nói, “Nếu cô tin cậy Chúa về một việc gì đó nhưng không nhận được, vậy thì cô đang tin cậy Ngài một điều gì đó cô muốn nhưng không nằm trong kế hoạch của Ngài dành cho cô.” Một người có đức tin trưởng thành có thể tin cậy Chúa ban cho điều gì đó, nhưng nếu họ không nhận được, họ tiếp tục tin cậy Chúa. Họ tin cậy rằng nếu họ đã cầu xin theo ý Chúa thì Ngài sẽ ban cho họ, và họ hiểu nếu điều họ muốn không phải là ý Chúa, thì khi không nhận được, họ sẽ thấy tốt hơn. Thật ra họ có thể học cảm tạ Chúa vì họ không có điều mà họ muốn! Họ không chỉ tin cậy Chúa để nhận những điều này, điều kia, nhưng họ cũng tin cậy Chúa để chấp nhận chịu hết điều này đến điều kia.

Phao-lô nói lời này:

“Chúng tôi mong ước mỗi người trong anh chị em đều biểu lộ lòng nhiệt thành như thế, để niềm hy vọng của anh chị em được bảo đảm đến cùng.” Hê-bơ-rơ 6:11

Mỗi lần chúng ta đặt lòng tin cậy nơi Chúa trong khi trải qua khó khăn, hoặc khi chúng ta có nhu cầu, thì lần sau tin cậy Chúa sẽ dễ dàng hơn. Chúng ta học tin cậy Chúa từng chút một (đôi khi là rất nhỏ), nên đừng nản lòng nếu hiện tại bạn không cảm thấy mình thành công như đáng phải có.


Trường Đời


Tất cả chúng ta đều ở trong trường đời, và chúng ta sẽ học hỏi thêm trong suốt quá trình chúng ta sống. Đa-vít, tác giả Thi Thiên, thường nói về những người có kinh nghiệm với Chúa. Ông nói những người đã kinh nghiệm lòng thương xót của Chúa sẽ nương cậy và đặt lòng tin cậy một cách xác quyết nơi Ngài (xem Thi Thiên 9:10). Khi chúng ta kinh nghiệm sự tốt lành, sự nhân từ, lòng thương xót, tình yêu vô điều kiện và sự hào phóng của Chúa, chúng ta có sự tin quyết rằng chúng ta có thể tin cậy Ngài trong bất cứ hoàn cảnh nào. Dù Ngài không ban cho chúng ta điều mà chúng ta hy vọng, cuối cùng chúng ta sẽ thấy Ngài luôn ban cho chúng ta điều tốt nhất. Chỉ vì chúng ta không hiểu lí do tại sao Chúa làm việc theo cách Ngài làm thì cũng không có nghĩa cách của Ngài không đúng. Rốt cuộc chúng ta cũng hiểu, dù đôi khi mất cả đời mới hiểu được.

Người ta thường nói, “Ước gì mình được trẻ lại và biết những gì mình biết bây giờ,” nhưng điều đó là không thể. Chúng ta chỉ biết những gì mình biết bây giờ vì chúng ta đã trải qua trường đời.

Tôi không thể bỏ hết mọi sự để đi học trường Kinh Thánh khi Chúa kêu gọi tôi dạy dỗ Lời Ngài, nhưng từ đó tới giờ tôi vẫn học ở trường đời. Tôi đã học được nhiều điều mà tôi sẽ không bao giờ học được nếu chỉ qua trường lớp.

Đa-vít nói về điều mà ông gọi là “những kinh nghiệm được thánh hóa” (xem Thi-thiên 119:7). Tôi thích ý tưởng đó! Một số điều chúng ta kinh nghiệm chắc chắn chẳng phải do chúng ta chọn, nhưng trong sự khôn ngoan vô hạn của Chúa, nó được “thánh hóa.” Nói cách khác, đó là những kinh nghiệm thánh khiết, được dùng để giúp chúng ta thật sự biết Chúa và quyền năng phục sinh của Ngài.

Suốt sáu năm Chúa thử thách đức tin chúng tôi sau khi tôi bỏ việc làm và phải phụ thuộc hoàn toàn vào Ngài, tôi đã tăng trưởng thuộc linh một cách kỳ diệu. Nhưng hoàn cảnh diễn ra không theo cách tôi đã chọn, nhưng chắc chắn đó là cách đúng!

Tôi thích suy nghĩ về cách Chúa đã chăm sóc dân Y-sơ-ra-ên trong khi họ đi qua sa mạc và tham gia để học trường đời. Ngài nuôi họ bằng ma-na (thức ăn siêu nhiên) và họ không biết nó đến từ đâu hay bằng cớ nào, ngoại trừ lời hứa của Chúa, rằng ngày mai và ngày mốt sẽ có bánh. Họ phải tin cậy Chúa ngày nào hay ngày đó. Đôi khi cách duy nhất chúng ta học để làm là khi chúng ta không còn chọn lựa nào khác.

Trong suốt bốn mươi năm họ đã đi qua sa mạc, quần áo của họ không cũ mòn (xem Phục-truyền 8:4). Họ không hề có quần áo mới, nhưng đồ đạc của họ rất bền trong một thời gian dài. Chúa nói Ngài thử họ để xem thử họ có giữ các điều răn của Ngài hay không. Bạn thấy đó, không có rèn thử thì không có bằng cớ về sự tin cậy! Mục đích của Ngài là đưa họ vào những hoàn cảnh tốt hơn nhiều, nhưng trước tiên Ngài phải dạy họ lệ thuộc nơi Ngài đến mức không bao giờ quên Ngài sau khi đã trải qua những trải nghiệm với Ngài (xem Phục-truyền 8:2,7,11).

Trong trường đời, tôi đã kinh nghiệm sự phản bội của những người mà tôi tưởng là những người bạn tốt, kinh nghiệm sự khước từ của các thành viên trong gia đình và bạn bè khi họ không đồng ý với các quyết định của tôi cho cuộc sống của riêng tôi, rồi những sự hiểu lầm, những kiện cáo vô cớ, những sự bắt bớ và những biến cố đau thương khác. Nhưng tôi cũng học tầm quan trọng của việc tha thứ những người làm tôi tổn thương và không để mình trở nên cay đắng và giận dữ. Tôi đã học được sự liêm chính, sự tối ưu, sự bình an, sự kiên nhẫn, tính tự chủ và cách chọn những người bạn tốt, việc để Chúa hàng đầu trong cuộc đời của mình, việc xem trọng người khác và hàng ngàn bài học khác trong đời. Phần lớn các bài học đó không dễ dàng để học vì nó đỏi hỏi sự thử thách để trở thành kinh nghiệm mà cho phép tôi bây giờ tin cậy Chúa cách dễ dàng hơn nhiều so với những năm tháng trước đây.


Đời Dễ Dàng Hơn


Tôi tin tôi có thể nói chắc chắn rằng việc tin cậy Chúa sẽ trở nên dễ dàng hơn khi việc sống với Chúa trở nên dễ dàng. Khi chúng ta chọn đặt đức tin nơi Ngài thay vì tin những thứ khác, chúng ta học tập và phát triển khả năng tin cậy Ngài. Tôi chứng kiến chồng tôi sống và anh có cái mà tôi gọi là “sự bình thản thánh thiện” suốt hơn năm mươi năm chúng tôi lấy nhau. Trước đây có lần tôi bực mình sao cuộc sống đối với chồng tôi sao dễ chịu quá, còn đối với tôi thì đời sao khổ cực quá, nhưng sau đó tôi biết cuộc đời là không dễ chịu cho bất kỳ ai trong chúng ta, nhưng chúng ta có thể sống với sự bình thản thánh thiện khi tin cậy Chúa trong mọi lúc và trong mọi việc.

Chồng tôi dường như học nhanh hơn tôi. Tôi hơi cứng đầu một chút và thường cần phải có thêm chút “những kinh nghiệm được thánh hóa” hơn anh ấy trước khi học thuộc bài. Anh ấy sớm học trao lo lắng cho Chúa và để Chúa chăm sóc anh. Tôi nhớ lại những năm đầu chúng tôi mới lấy nhau khi chúng tôi trải qua những khó khăn, anh cố gắng nói với tôi rằng lo lắng và buồn bực sẽ chẳng thay đổi điều gì, và tôi phải tin cậy Chúa. Tôi muốn tin cậy, nhưng chẳng biết phải tin cậy thế nào. Nếu bạn thấy khó tin cậy Chúa, tôi muốn đảm bảo với bạn là tôi biết cảm giác của bạn, nhưng theo kinh nghiệm tôi biết khi bạn tiếp tục cuộc hành trình của mình, bạn sẽ phải học thôi. Đừng nản lòng với bản thân bạn, nếu đôi lúc bạn dường như có rất ít đức tin; chỉ cần nhớ khi chúng ta dùng đức tin ít ỏi của mình, theo thời gian nó sẽ trở thành đức tin lớn.

Chúa Giê-xu bảo các môn đồ của Ngài đang hoảng hốt trong cơn bão, rằng họ có ít đức tin (xem Mác 4:40). Thế nhưng vài năm sau, chúng ta thấy cũng những con người đó thực hành đức tin lớn khi họ năng nổ truyền bá Phúc-Âm của Chúa Giê-su trong những thời điểm bị bắt bớ khốc liệt. Đức tin nhỏ của họ tăng trưởng thành đức tin lớn, đức tin của chúng ta cũng vậy. Họ không học để có đức tin lớn bằng cách nằm trên bãi biển vào ngày nắng đẹp - họ học bài học này trong một cơn bão cuồng phong! Trước đây họ đã thất bại không tin cậy Chúa trong cơn bão, nhưng cuối cùng học đã học để tin cậy Ngài trong mọi lúc và trong mọi sự. Những môn đồ này đối diện với cái chết mỗi ngày, và dẫu vậy họ tiếp tục tiến bước bởi vì dù sống hay chết họ biết họ có thể tin cậy Chúa!

Khi Chúa Giê-xu chịu khổ trên thập tự giá và sắp sửa trút hơi thở cuối cùng, những lời cuối cùng của Ngài là những lời tin tưởng, “Cha ơi, có phó linh hồn vào tay Cha!” (Lu-ca 23:46).

Tôi cầu nguyện để tất cả chúng ta sẽ học tin cậy Chúa cho đến khi chúng ta trút hơi thở cuối cùng! Sống cuộc đời tin cậy Chúa sẽ làm cho cuộc đời trở nên thú vị, còn không thì sẽ đâm ra bất hạnh. Tin cậy là một món quà đáng giá mà Chúa đã ban cho chúng ta, nên chúng ta hãy mở ra và sử dụng nó trong mọi lúc và suốt cả đời.



bottom of page