top of page
Hung Tran
Feb 17, 2024
Ai là người mà bạn tín thác cuộc đời duy nhất của bạn? Chúa sẽ không chỉ chữa lành bạn, Ngài sẽ phục hồi lại những năm tháng đã bị đánh mất trong cuộc đời bạn...
Dựa Vào Bản Thân Là Ngu Dại
“Chúng tôi không cho rằng nhờ khả năng của mình mà chúng tôi đã làm được việc gì, nhưng khả năng chúng tôi có được là do Đức Chúa Trời ban.” 2 Cô-rinh-tô 3:5
Tin...
...cậy Chúa hay tin tưởng bản thân? Đây là sự tranh cãi biết bao đời nay mà nhiều người ngẫm nghĩ đến câu hỏi này mỗi ngày. Chủ nghĩa nhân bản từ trước giờ luôn tranh đấu chống lại quan niệm là cần đến Đức Chúa Trời.
Mỗi con người, và chắc chắn là mỗi Cơ-đốc nhân, nên nỗ lực sử dụng hết sức khả năng của mình, và chúng ta cần đưa ra những quyết định. Nhưng chúng ta không được kêu gọi để tự lèo lái cuộc đời của mình, làm theo ý mình muốn và bỏ qua Chúa cho đến khi chúng ta gặp phải sự cố khẩn cấp không thể giải quyết được.
Cố gắng sống cuộc đời dựa vào bản thân chỉ kết thúc trong sự kiệt quệ cả về tâm trí, cảm xúc và thể chất và đâm ra thất vọng, sống ảo tưởng và có khả năng là giận dữ và rối loạn.
Giô-suê 24:15 đưa ra một chọn lựa mà chúng ta phải có, và đó vẫn là sự lựa chọn quan trọng nhất đối với mỗi tín hữu.
“Bây giờ nếu anh chị em không muốn thờ Chúa, hôm nay hãy chọn lấy thần nào mình muốn thờ, hoặc các thần tổ tiên anh chị em đã thờ bên kia Sông Cả, hoặc các thần của dân A-mô-ri trong xứ anh chị em đang sống đây, nhưng tôi và gia đình tôi sẽ thờ Chúa.”
Trong số tất cả những lời cảnh báo tôi có thể đưa ra cho bạn hôm nay, lời cảnh báo quan trọng nhất là, “Hãy tự đưa ra lựa chọn của mình, liệu bạn có phục vụ Chúa hay không, đừng để thế gian hay bất cứ người nào khác chọn cho bạn.”
Ai là người mà bạn tín thác cuộc đời duy nhất của bạn? Có phải là Đấng Alpha và Omega, Đấng biết sự cuối cùng ngay từ khởi đầu không? Hay bạn sẽ tin tưởng vào các thần của hệ thống thế gian và tinh thần dựa vào bản thân?
Thế Nào là Dựa Vào Bản Thân?
Dựa vào bản thân là nỗ lực của con người nhằm đạt đến hạnh phúc qua những vẻ hào nhoáng bên ngoài như tiền bạc, địa vị, quyền lực, dáng vẻ, tài sản và vân vân. Khi chúng ta tin rằng những thứ này sẽ làm cho chúng ta hạnh phúc, chúng ta sẽ miệt mài đeo đuổi chúng, chỉ để rồi chuốc lấy những thất vọng khi phát hiện ra rằng nó không đem lại những gì chúng ta nghĩ là vậy.
Có người đã nói, “Nhiều người để cả đời cố leo lên nấc thang thành công, chỉ rồi sau đó phát hiện ra rằng cái thang đặt không đúng chỗ.” Tôi không tin một người lúc sắp chết lại hỏi về số tiền trong tài khoản của họ còn lại bao nhiêu. Thường là họ gần gũi với gia đình, bạn hữu, và hy vọng là họ được ở với Chúa.
Tôi đoan chắc là bạn chưa từng phát biểu hay nghe người ta nói, “Tôi chẳng cần ai cả. Tôi có thể tự lo cho bản thân tôi.” Trong cuộc đời tôi, có dạo tôi đã nói điều đó hoặc nói những lời tương tự, nhưng thật biết ơn thay tôi phát hiện ra rằng tôi thật sự cần người khác, và tôi rất cần Chúa. Những người nào nói họ bất cần ai thường là những người bị người khác làm tổn thương một cách sâu xa, và họ chưa được giới thiệu đến mối quan hệ đích thực với Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu. Họ không tin tưởng ai cả ngoại trừ bản thân họ, và họ chưa khám phá ra rằng việc tin tưởng bản thân là lựa chọn tệ nhất mà họ chọn. Họ cần gặp Đức Chúa Trời chân thần, Đấng tạo dựng ra họ và yêu thương họ vô điều kiện.
Một người có thể nghĩ họ không cần ai, nhưng Chúa đã tạo dựng chúng ta để cần lẫn nhau, và dù muốn hay không, chúng ta không thể thực hiện hết chức năng của mình nếu chúng ta không học nương nhờ và hợp tác với những người khác trong cuộc sống. Là những cá thể, mỗi chúng ta có những tài năng và khả năng, nhưng không ai trong chúng ta có tất cả. Chúa đặt để chúng ta trong những mối quan hệ với những người khác, là những người có thứ mà chúng ta không có, và khi chúng ta học làm việc với nhau, chúng ta có thể hoàn thành những điều lớn lao và tận hưởng cuộc sống.
Buồn thay, chúng ta thường phí thời gian chỉ trích người khác vì họ không làm theo cách chúng ta làm, và chúng ta khước từ họ thay vì chấp nhận họ. Điều này khiến chúng ta lỡ mất những điều mà họ có thể thêm vào cuộc đời chúng ta, và điều đó cũng khiến chúng ta đánh mất cơ hội thêm những điều khác cho đời sống họ. Một trong những điều quan trọng nhất mà tất cả chúng ta đều có thể học được đó là mỗi người đều rất giá trị. Họ cũng bất toàn như chúng ta, và những mối quan hệ tốt đẹp đều cần phải tốn công sức và nỗ lực, nhưng nó đáng để chúng ta nỗ lực làm việc.
Đừng cho rằng vì bạn đã bị ai đó làm tổn thương nên mọi người đều sẽ làm bạn tổn thương! Tốt hơn là hãy tin tưởng và đôi khi bị tổn thương hơn là sống tách biệt và không chịu mở lòng ra với ai cả. Do va chạm với nhiều con người mà trước đây tôi đã dựng một bức tường ngăn cách trong lòng tôi và sợ không cho phép ai bước vào. Tôi từng có một số mối quan hệ, nhưng nó không lành mạnh vì tôi để nhiều thời gian cho việc cố thủ để không bị khước từ hơn là dành thời gian xây dựng mối quan hệ đó trở nên tốt đẹp. Thật cảm tạ Chúa biết bao, qua mối quan hệ của tôi với Chúa và qua kinh nghiệm quyền năng của Lời Ngài mà tôi học để tin cậy trở lại.
Nếu bạn đã bị tổn thương, Chúa đang chờ đợi để chữa lành tâm hồn thương tổn của bạn. Ngài chữa lành kẻ vỡ lòng và ban cho họ niềm vui thay vì sầu thảm (xem Ê-sai 61:1-7). Ngài sẽ trở thành bức tường bảo vệ quanh bạn. Chúa không bảo đảm rằng chúng ta sẽ không bao giờ bị tổn thương, nhưng Ngài hứa an ủi, chữa lành và phục hồi chúng ta khi chúng ta bị thương tổn. Hãy dành thời gian để đọc chậm rãi và suy gẫm câu Kinh Thánh sau. Các câu này đã giúp tôi rất nhiều trong suốt những năm tháng tôi học lệ thuộc nơi Chúa thay vì dựa vào bản thân.
“Tôn ngợi Đức Chúa Trời, Cha của Đức Chúa Jesus Christ, Chúa chúng ta. Ngài là Cha thương xót và Đức Chúa Trời luôn an ủi. Ngài an ủi chúng ta trong mọi cơn đau buồn, để chúng ta có thể an ủi những người khác trong mọi cơn đau buồn của họ bằng niềm an ủi chính chúng ta đã được Đức Chúa Trời an ủi.” 2 Cô-rinh-tô 1:3-4
Nếu tôi không để Chúa chữa lành tâm hồn bị tổn thương của tôi, tôi sẽ không thể dạy dỗ người khác cách nhận sự giúp đỡ và an ủi từ Ngài. Chúa cũng có một số công việc quan trọng để bạn làm, và có những con người cần bạn giúp đỡ. Nếu bạn là một trong số những người còn bị thương tổn và bị chôn vùi trong những nỗi đau ở quá khứ, thì tôi cầu nguyện để bạn bắt đầu nhận sự an ủi và chữa lành của Chúa ngay hôm nay. Hãy bắt đầu bằng cách xin Chúa chữa lành tâm hồn của bạn và an ủi bạn trong nỗi đau của mình.
Chúa sẽ không chỉ chữa lành bạn, Ngài sẽ phục hồi lại những năm tháng đã bị đánh mất trong cuộc đời bạn. Ngài hứa ban cho chúng ta phước hạnh gấp đôi thay cho những hoạn nạn trước đây nếu chúng ta tin cậy nơi Ngài. Mặc dù tất cả những chuyện này không xảy ra tức thời, nhưng nó sẽ xảy ra từng hồi từng lúc khi chúng ta tiếp tục tin cậy Chúa và hợp tác với Đức Thánh Linh để đạt đến sự đầy trọn. Ê-sai 61:7 nói:
“Thay vì hổ thẹn, dân Ta sẽ nhận phước gấp đôi; thay vì tủi nhục, chúng sẽ vui mừng hưởng phần của mình sẽ nhận. Như vậy chúng sẽ hưởng gấp đôi phần được chia trong xứ; niềm vui đời đời sẽ ở với chúng luôn luôn.”
Lời hứa này của Chúa đã ứng nghiệm trong chính đời sống tôi và cho nhiều người khác mà tôi biết. Nếu những phước hạnh này chưa phải là kinh nghiệm của bạn thì bạn có quyền tin cậy. Tin cậy Chúa là chìa khóa mở ra lời hứa này và tất cả những lời hứa khác nữa.
Kẻ Ngu Dại
Châm-ngôn là một cuốn sách chia sẻ những nguyên tắc của sự khôn ngoan. Tác giả Sa-lô-môn để nhiều thời gian chỉ rõ kết quả của sự khôn ngoan và hậu quả của sự ngu dại. Có những lời hứa dành cho cả người khôn lẫn kẻ dại. Người khôn được hứa ban đủ thứ phúc lành mà bạn có thể kể ra: sự hướng dẫn, sự bảo vệ, sự sống lâu và sức khỏe tốt, sự thịnh vượng cho cả ba phần của con người, sự thăng tiến và sự tôn trọng và vân vân. Nhưng kẻ ngu dại thì chuốc lấy những điều ngược lại.
Trong Châm-ngôn, kẻ ngu thường được miêu tả là người tự tin hay tự mãn. Chúng ta nói rõ hơn - ai mà tự mãn là kẻ ngu dại, và hậu quả của một sự chọn lựa như thế chẳng bao giờ là tốt đẹp. Người tự mãn không chịu nhận lời khuyên. Hắn được thuyết phục rằng cách của hắn luôn đúng. Sự xấu hổ là phần thưởng cao nhất “dành tặng” cho kẻ ngu (xem Châm-ngôn 3:35). Người ngu nói mà không suy nghĩ, và bạn có thể nhận ra họ qua cách nói chuyện. Họ là người chế nhạo và khinh thường người công bình. Họ thích sự ác mà ghét sự lành. Một trong những đặc điểm nguy hại nhất của một kẻ ngu hay tự mãn là sự kiêu ngạo. Chính sự kiêu ngạo đã lừa dối họ và họ không chịu lắng nghe Chúa.
Tôi nghĩ sẽ an toàn khi nói trên đời này có rất nhiều kẻ ngu, và họ sẽ gặt kết quả của sự ngu dại của mình nếu họ không chịu thay đổi. Điều lí thú nhất về Đức Chúa Trời là Ngài ban những sự khởi đầu tươi mới bất cứ khi nào chúng ta cần. Không ai phải bị chôn vùi mãi trong quá khứ của mình trừ khi họ chọn như vậy. Dù tôi từng là người tự mãn trong nhiều năm, nhưng nhờ Chúa giúp tôi đã thay đổi, và tôi nhận thức rõ rằng tôi cần Chúa trong mọi lúc và tôi cũng cần người khác nữa! Tôi tin cậy Chúa đặt để đúng người trong cuộc đời tôi và rồi khi chúng tôi cùng nhau tin cậy Chúa thì nhiều điều kì diệu xảy ra.
Thậm chí một người thật sự kết ước trở thành một cơ đốc nhân thì đôi khi cũng làm những điều ngu dại. Ít ra thì tôi biết mình đã từng làm như thế. Vài tháng trước, tôi đưa ra một cam kết lâu dài mà không suy nghĩ thấu đáo, và giờ tôi ước gì mình đã không cam kết. Tôi cam kết phát xuất từ cảm xúc, hơn là để thời gian tìm kiếm sự khôn ngoan của Chúa. Tôi đã ăn năn và xin Chúa giúp tôi giữ lời hứa vì tôi biết nếu không giữ lời thì tôi lại càng ngu dại nữa, và tôi có thể học được lỗi lầm trong sự phán đoán này.
Điểm tôi muốn nói là tất cả chúng ta lúc này hay lúc khác đều có sự ngu dại, nhưng nếu lòng chúng ta ngay thẳng với Chúa, Ngài có thể biến những lỗi lầm đó thành ích lợi cho chúng ta. Đôi khi việc đưa ra những quyết định ngu dại và không tham vấn Chúa thì khác với việc sống như một kẻ ngu dại tự mãn.
Việc học biết rằng một kẻ ngu dại được mô tả trong Kinh Thánh là kẻ tự mãn, là người chỉ dựa vào bản thân đã mở mắt tôi rất nhiều. Tự mãn là một nan đề trầm trọng hơn là chúng ta tưởng. Về căn bản hành động như thế là đóng lại với tất cả cánh cửa giúp đỡ mà Chúa muốn mở cho chúng ta. Khi chúng ta cậy vào bản thân thì kết quả thật nhỏ bé khi so với những kết quả lạ lùng mà chúng ta có được khi chúng ta tin cậy Chúa.
Bạn Không Cần Phải Làm Hết
Không tin ai mà chỉ tin bản thân là một gánh nặng rất khó mang. Điều này có nghĩa là bạn phải làm tất tần tật. Ôi thôi! Nội nghĩ đến việc đó thôi tôi cũng mệt rồi, vì tôi nhớ lại lúc tôi đã từng làm như thế. Một phần định nghĩa của sự tin cậy là “nương nhờ,” có nghĩa là nương dựa, đặt lòng tin cậy, lệ thuộc hay nhờ cậy. Khi chúng ta lệ thuộc người khác, lập tức chúng ta làm cho gáng nặng vơi đi.
Nếu bạn nghe bản thân mình thủ thỉ, “Mình không thể tiếp tục như thế này được nữa,” thì có lẽ điều đó đồng nghĩa là bạn đang ôm đồm quá nhiều việc mà bạn có thể chịu đựng được. Mỗi chúng ta đều có giới hạn. Chúng ta có thể nhận ra những giới hạn này nếu chúng ta để ý đến mức độ căng thẳng của mình. Khi tôi mang những gánh nặng như thế đến nỗi lúc nào tôi cũng thấy kiệt sức, hay than phiền, thường nhăn nhó và không kiên nhẫn với người khác, đó là lúc tôi đã đi vượt quá giới hạn của mình. Tôi cần sự giúp đỡ, hoặc là từ Chúa hoặc là từ ai đó Chúa mang đến. Tôi cần phải phụ thuộc vào người khác, nhưng làm điều đó thật khó nếu chúng ta không biết cách tin cậy.
Chúng ta có thật sự cần làm tất cả những việc chúng ta làm
không? Phải chăng chúng ta là người duy nhất có thể làm công việc cần được làm? Hay đơn giản là chúng ta sợ phải tin tưởng người khác? Hoặc phải chăng chúng ta có tiếng là “người làm tất cả?” Để thành thật trả lời những câu hỏi này đòi hỏi sự tra xét sâu xa trong linh hồn. Chúng ta rất giỏi che giấu cái tôi của mình. Có bao nhiêu người thật sự biết được bản thân họ và các động cơ đằng sau những việc họ làm? Chúng ta có ngại tự hỏi bản thân mình tại sao chúng ta nghĩ chúng ta phải làm tất tần tật bởi vì có lẽ chúng ta không thích những câu trả lời mà chúng ta phát hiện ra? Một trong những điều tôi khám phá được là tôi cảm thấy tôi phải biết mọi việc bởi vì trước đây tôi là người rất kiêu ngạo, nghĩ rằng không ai có thể làm tốt công việc như tôi làm.
Tôi cũng bị khước từ trong cuộc đời của mình trong quá khứ, vì cớ đó tôi rất e dè nhờ người khác giúp đỡ vì nghĩ rằng nếu tôi làm thế, tôi sẽ bị từ chối. Chẳng dễ chịu chút nào khi chúng ta nhờ giúp đỡ nhưng lại nhận câu trả lời “không được.” Giống nhiều người khác, tôi từng sợ tra xét đời sống của mình, thế là tôi tiếp tục làm tất cả cho đến khi tôi gần như suy sụp. Chính lúc đó mà tôi mới chịu xin Chúa giúp đỡ!
Nếu bạn cảm thấy mình đang ở bước đường cùng, hãy vững vàng và xin Chúa giúp đỡ. Khi chúng ta xin Chúa giúp đỡ chúng ta, Ngài thường ban cho chúng ta những lẽ thật rất khó nuốt. Lẽ thật khiến chúng ta được tự do, nhưng chỉ khi chúng ta đón nhận lẽ thật đó, và thật lòng mà nói thì nó thường làm chúng ta đau đớn.
Trước đây rất khó cho tôi để nhìn nhận tôi kiêu ngạo, vì tôi thích kiểm soát và rất tự mãn. Lúc đó thái độ “bất cần ai” của tôi là tội lỗi. Khi Chúa bày tỏ những điều này cho tôi, tôi cảm nhận như thể tâm hồn tôi bị xé tung ra và được phơi bày một cách khó chịu, nhưng lẽ thật đã giải phóng tôi. Và lẽ thật cũng sẽ làm tương tự cho bất cứ ai sẵn lòng đón nhận.
Bây giờ tôi không chỉ không muốn làm tất tần tật, tôi biết mình không thể làm tất cả! Thực tế thì tôi không bao giờ có thể làm thế, và bạn cũng không.
Tin cậy Chúa là sự khởi đầu của tất cả sự chữa lành. Chúng ta phải tin tưởng đường lối của Ngài dẫu lúc đầu dường như mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn. Thật khó hiểu tại sao sự chữa lành có thể làm chúng ta bị “tổn thương” hơn là bệnh tật, nhưng bàn đến phạm trù thuộc về tâm hồn, thì trường hợp này rất đúng. Trước đây tôi có một tâm hồn bệnh hoạn. Lúc đó tôi không biết cách để tin cậy. Tôi sống trong sợ hãi. Ba-lô của tôi chất đầy những gánh nặng và tôi đã liên tục mang những gánh nặng này. Thật ra tôi rất vui vì tôi có một quá khứ như thế để kể ra, vì kinh nghiệm đó đã giúp tôi nhìn thấy giờ cuộc đời của tôi thật tuyệt vời làm sao. Khi tôi nhớ lại những áp lực mà tôi đã từng sống trước đây và hiện giờ tôi thấy thật nhẹ nhàng và tự do, tôi thật sự kinh ngạc trước quyền năng và sự tốt lành của Chúa!
Tôi nói về lối sống của tôi trước đây vì tôi nghĩ nhiều người vẫn còn bị chôn vùi trong đó. Tôi cầu nguyện rằng khi biết được có ai đó đã được tự do thì sẽ làm một tâm hồn mỏi mệt được khích lệ rằng điều tương tự có thể xảy ra cho họ nếu họ “buông tay ra và để Chúa hành động” trong đời sống họ.
Hãy nương nhờ Chúa và lệ thuộc nơi Ngài để giúp bạn và chăm sóc bạn! Tôi liên tục bị sốc khi tôi nghĩ đến rất nhiều người ở thế gian ngày nay nghĩ rằng họ không cần Chúa. Nếu tôi không có Chúa trong cuộc đời mình một giây phút nào, tôi không thể tìm thấy mục đích trong bất cứ việc gì. Chúa thiết kế chúng ta là để cần Ngài, nên ngoài Chúa chúng ta không bao giờ có thể “sống cho ra hồn.” Một số người có thể tự lừa dối bản thân, nghĩ rằng họ có tất cả, nhưng “ngày tàn” của họ đang đến. Rốt cuộc họ cũng phải chết, và hy vọng rằng họ hạ mình đủ mời Chúa vào lòng họ.
Nếu bạn bị cáo trách theo cách nào đó qua sự dạy dỗ về lòng tự mãn và bạn muốn được giúp đỡ thì hãy cầu nguyện! Chúa là chuyên gia đứng đầu thế giới trong việc giúp đỡ con người! Thánh Linh của Ngài ở đây với chúng ta và Ngài được gọi là Đấng Giúp Đỡ (xem Giăng 14:26). Hãy tưởng tượng: Bạn có một Đấng Giúp Đỡ từ trời luôn túc trực chờ bạn mọi lúc, vậy tại sao không để cho Ngài làm việc gì đó? Thật ra thì bạn không cần phải làm hết đâu. Sự thật là Chúa Giê-xu đã làm hết rồi, và qua việc tin cậy, tin tưởng và tín thác vào Ngài, bạn có thể thở phào nhẹ nhõm và quăng đi gánh nặng của mình!
Bạn có thể lệ thuộc nơi Chúa thay vì dựa vào bản thân.
bottom of page