top of page
Hung Tran
Feb 14, 2024
Một trong những điều khôn ngoan nhất chúng ta có thể làm là biết các yếu điểm của mình và học nương cậy Chúa, để Ngài ban sức mạnh để không nhượng bộ nó...
Luôn Luôn
“Hỡi nhân loại, hãy tin cậy Ngài luôn luôn; hãy dốc đổ lòng mình ra trước mặt Ngài, vì Đức Chúa Trời là nơi ẩn núp của chúng ta.” Thi-thiên 62:8
Chữ...
...“sela” xuất hiện bảy mươi mốt lần trong sách Thi-thiên và ba lần trong sách Gióp. Bởi vì câu Kinh Thánh trên nói về việc hãy tin cậy Chúa luôn luôn là một trong 74 câu trong Kinh Thánh dùng chữ sela, nên tôi nghĩ chúng ta nên dừng lại đủ lâu để nhận ra rằng Chúa đang nói: Câu này rất quan trọng và bạn nên dừng lại và suy ngẫm về nó.
Trong những năm đầu bước đi với Chúa, tôi tập trung tin cậy Ngài để Ngài giúp tôi mỗi lần có nan đề mà tôi cảm thấy mình không thể giải quyết được. Nhưng sau vài năm, tôi bắt đầu nhận ra mình không có khả năng làm bất cứ việc gì nếu không có Ngài, nên giờ tôi tập trung tin cậy Ngài trong mọi lúc. Cách tôi làm việc này là sống với thái độ tin cậy rằng Chúa là Đấng giúp đỡ của tôi. Suốt mấy ngày qua mà tôi ít khi nói, “Chúa ơi, con tin cậy Ngài trong mọi sự.” Xưng nhận lòng tin của bạn nơi Chúa là một hình thức của sự ngợi khen. Tôi tin cậy Chúa về những điều cụ thể mà tôi biết nó đang xảy ra trong đời sống tôi và người khác, nhưng tôi cũng tin cậy Ngài về “mọi sự” mà tôi chưa hề biết.
Thật là khờ dại khi chờ đợi đến lúc đối diện trường hợp khẩn cấp hay một nan đề nghiêm trọng mới quyết định tin cậy Chúa. Chúng ta có thể sống trong thái độ tin cậy, khi làm thế chúng ta bước đi bởi đức tin. Điều này không đảm bảo chúng ta sẽ không có bất cứ nan đề nào trong cuộc sống, nhưng nó cho thấy chúng ta đang nương cậy Chúa giúp đỡ chúng ta vượt qua những khó khăn của mình, dẫu Ngài không chọn giải cứu chúng ta ra khỏi nan đề ấy.
Khi Chúa Giê-xu ở tại vườn Ghết-sê-ma-nê, Ngài ý thức về sự khó khăn, sự chịu khổ và sự cám dỗ mà Ngài và các môn đồ Ngài sắp đối diện. Ngài bảo các môn đồ hãy “cầu nguyện để các ngươi không rơi vào chước cám dỗ” (Lu-ca 22:40), nhưng họ lại thích ngủ hơn. Kinh Thánh nói họ buồn ngủ vì quá buồn rầu (xem Lu-ca 22:45). Có lẽ họ kiệt sức vì lo lắng và sợ hãi, hay có lẽ họ ngủ để trốn tránh nan đề. Nhưng Chúa Giê-xu dành thời gian dốc đổ cầu nguyện. Ngài ưu tiên tin cậy Cha Ngài hoặc là cất đi sự chịu khổ sắp tới hoặc là ban cho Ngài sức mạnh để vượt qua.
Chúa Giê-xu để Đức Chúa Trời chọn lựa. Thay vì cầu xin cho ý riêng của Ngài, Ngài nói những gì Ngài muốn, nhưng Ngài kết thúc lời cầu nguyện bằng những lời, “Không phải ý Con mà ý Cha được nên” (Lu-ca 22:42). Sau khi Ngài làm điều này, một thiên sứ từ thiên đàng được sai xuống để thêm sức cho Ngài! (Xem Lu-ca 22:43).
Cha của chúng ta ở trên trời không chỉ là Đấng giải cứu, Ngài cũng là Đấng thêm sức cho chúng ta! Nếu Ngài không giải cứu bạn cách tức thì, Ngài sẽ thêm sức cho bạn nếu bạn sẵn lòng chịu đựng và tiếp tục tin cậy Ngài để làm điều đúng vào đúng thời điểm.
Nếu có lĩnh vực nào trong đời sống mà chúng ta biết là điểm yếu của mình, thì khôn ngoan là liên tục tin cậy Chúa giúp đỡ để tránh xa sự cám dỗ trong các lĩnh vực này, hơn là chờ đợi đến khi chúng ta đã rơi vào đó.
Một trong những yếu điểm của tôi suốt nhiều năm là nói quá nhiều hay nói bộc phát mà không suy nghĩ. Tất nhiên điều này thường xuyên gây ra những nan đề. Buổi sáng tôi thường cầu nguyện trước khi bắt đầu nói chuyện với người khác để Chúa giúp tôi thành một người lắng nghe giỏi và dùng sự khôn ngoan trong mọi lời tôi nói.
Khi làm thế thì tôi không chờ cho đến khi tôi gây ra nan đề và cần phải xử lý những hậu quả của nó. Tôi cầu nguyện Chúa giữ tôi không nhượng bộ sự cám dỗ khi nó đến. Một trong những điều khôn ngoan nhất chúng ta có thể làm là biết các yếu điểm của mình và học nương cậy Chúa, để Ngài ban sức mạnh để không nhượng bộ nó. Ông Phi-e-rơ chắc sẽ tốt hơn rất nhiều nếu ông có sự khôn ngoan để làm việc này.
Chúa Giê-xu đã cảnh báo Phi-e-rơ rằng Sa-tan sẽ cám dỗ ông, nhưng thay vì xin Chúa Giê-xu giúp, ông nghĩ mình rất mạnh mẽ nên không thể thất bại. Hãy xem kỹ những câu Kinh Thánh này và hãy đảm bảo là thái độ mà Phi-e-rơ bày tỏ không phải là thái độ của bạn.
“Hỡi Si-môn, Si-môn! Kìa Sa-tan đã đòi sàng sảy các ngươi như lúa mì. Nhưng Ta đã cầu nguyện cho ngươi, để ngươi không mất đức tin. Phần ngươi, sau khi ngươi quay lại, hãy làm vững mạnh anh chị em ngươi.” Nhưng ông thưa với Ngài, “Lạy Chúa, con sẵn sàng đi với Ngài dù phải vào tù hay phải chết.” Lu-ca 22:31-33
Phi-e-rơ liên tục chối Chúa ba lần! (Xem Lu-ca 22:55-61). Có lẽ nếu ông đã nhận ra điểm yếu trong con người của ông và xin sự giúp đỡ từ Chúa Giê-su mà ông có thể nhận được, thì chắc hẳn ông đã mạnh mẽ hơn rồi. Chúa Giê-su không muốn giải cứu ông khỏi sự cám dỗ, nhưng Ngài muốn ông vượt qua cám dỗ đó một cách thành công để ông có đủ kinh nghiệm để có thể giúp đỡ những người khác. Nhưng rõ ràng Phi-e-rơ đã nghĩ ông miễn trừ khỏi cám dỗ. Đây là một sai lầm lớn, một sai lầm cho bất cứ ai trong chúng ta suy nghĩ như thế. Đánh giá quá cao về bản thân hơn thực tế thì chẳng khôn ngoan đâu, làm thế sẽ mở cửa cho sự suy đổ của chúng ta (xem Rô-ma 12:3). Chúa quá yêu chúng ta nên chưa xử lý sự kiêu ngạo của chúng ta ngay để chúng ta học lệ thuộc hoàn toàn nơi Ngài sau đó.
Phao-lô dạy chúng ta phải cầu nguyện luôn luôn, vào mọi dịp tiện và tại mỗi thời điểm (xem Ê-phê-sô 6:18). Khi chúng ta làm vậy, điều này tỏ cho thấy chúng ta luôn tin cậy nơi Chúa.
Hãy để thời gian tìm hiểu các yếu điểm của bạn và hãy bảo đảm bạn tin cậy Chúa luôn luôn để Ngài thêm sức trong sự yếu đuối của bạn. Đây là lời hứa của Chúa dành cho chúng ta:
“Vì trong ngày con kêu cầu, Ngài đã đáp lời con; Ngài đã ban cho linh hồn con sức mạnh, nên con bạo dạn.” Thi-thiên 138:3
Có lẽ bạn cảm nhận bạn đã cầu nguyện xin Chúa giúp bạn chống cự lại sự cám dỗ nhưng bạn vẫn nhượng bộ nó. Có lúc tôi đã cảm nhận như vậy, nhưng nếu bạn tiếp tục tin cậy Chúa, thì bạn sẽ càng được mạnh mẽ theo thời gian. Hãy kết hợp sự tin cậy của bạn với việc nghiên cứu kỹ Lời Chúa để có kết quả tốt nhất. Gia-cơ nói trong Lời Chúa có quyền năng cứu rỗi tâm hồn chúng ta (xem Gia-cơ 1:21).
Khi tôi cầu nguyện xin Chúa giúp kiểm soát những lời tôi nói, tôi cũng trích các câu Kinh Thánh khác nhau mà tôi đã học về lời ăn tiếng nói của môi miệng. Lời cầu nguyện đại khái như thế này:
“Lạy Cha, hôm nay xin giúp con chỉ nói những lời gây dựng. Giúp con thành một người lắng nghe giỏi và suy nghĩ trước khi nói. Con muốn lời con nói luôn tôn vinh Ngài và trở thành nguồn phước cho người nghe. Con cần Ngài, Chúa ơi. Con chẳng là gì khi không có Ngài. Xin hãy thêm sức cho con trong sự yếu đuối của con.”
Sau đó tôi cầu nguyện và công bố Lời Chúa, bởi vì việc nhắc Chúa về Lời của Ngài là điều mà Ê-sai nói là chúng ta nên làm (xem Ê-sai 43:26). Chắc chắn là Chúa không quên Lời Ngài rồi, vậy thì tại sao chúng ta phải nhắc Ngài nhớ? Đây là một số lí do:
• Khi chúng ta nhắc Chúa về Lời Ngài, điều này cho thấy chúng ta đang đặt sự tin cậy hoàn toàn nơi Ngài và nơi lời hứa của Ngài.
• Công bố lời Chúa lớn tiếng là một việc làm đầy quyền năng, vì Lời Chúa là gươm của Thánh Linh, là một vũ khí chiến trận thuộc linh của chúng ta (xem 2 Cô-rinh-tô 10:4-5; Ê-phê-sô 6:17).
• Công bố Lời Chúa giúp cho quá trình đổi mới tâm trí được tiếp tục (xem Rô-ma 12:2). Nó là một phần của tiến trình suy ngẫm Lời Chúa, và đó là điều chúng ta được khuyến khích làm trong Kinh Thánh.
Đây là ba trong số những câu Kinh Thánh mà tôi ưa thích liên quan đến lời nói mà tôi thường lồng vào lời cầu nguyện của mình:
“CHÚA ôi, xin canh giữ miệng con; xin canh giữ cửa môi con.” Thi-thiên 141:3
“Nguyện lời nói của miệng con và sự suy ngẫm của lòng con được đẹp ý Ngài; lạy CHÚA, Vầng Đá của con và Đấng Cứu Chuộc của con.” Thi-thiên 19:14
“Sống hay chết do quyền của lưỡi, ai yêu mến nó sẽ hưởng hoa lợi của nó.” Châm-ngôn 18:21
Bạn có thể dùng ý tưởng cầu nguyện và công bố Lời Chúa này trong bất kỳ lĩnh vực nào bạn cần sự giúp đỡ. Có phải yếu điểm của bạn là giận dữ không? Tham ăn? Ích kỷ? Là gì đi nữa, tôi có thể hứa với bạn có những câu Kinh Thánh là những lời hứa trong Lời Đức Chúa Trời nói về lĩnh vực đó. Bạn dễ dàng làm được việc này nếu sử dụng các chương trình học Kinh Thánh có sẵn trên mạng Internet. Tôi cũng khuyên bạn hãy nhớ rằng việc bạn làm việc này một vài lần sẽ không đem lại sự chiến thắng cho cuộc đời bạn đâu. Trước hết là hãy cam kết tiếp tục nương cậy nơi Chúa và Lời Ngài trong mọi lúc và khi đến kỳ bạn thấy có sự thay đổi.
Thỏa Lòng Liên Tục
Nếu chúng ta tin cậy Chúa luôn luôn, thì lẽ tự nhiên có nghĩa là chúng ta tin cậy Chúa trong những việc chúng ta không hiểu và dường như chúng ta cũng không biết rõ lắm. Tin cậy Chúa khi chúng ta có được điều chúng ta muốn là một chuyện, nhưng tin cậy Ngài khi chúng ta không nhận được điều chúng ta muốn lại là chuyện khác. Vì là Cơ-đốc nhân, tôi tin mục tiêu của chúng ta là nói như sứ đồ Phao-lô đã nói, “Tôi đã tập sống thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ” (Phi-líp 4:11). Phao-lô nói ông đã học cách thỏa lòng tới mức chẳng phải phiền lòng dù có dư dật hay thiếu thốn (xem Phi-líp 4:11-12).
Thỏa lòng không có nghĩa chúng ta không muốn thấy sự thay đổi hay không có tầm nhìn về những điều tốt đẹp hơn, nhưng việc này nghĩa là chúng ta không cho phép những điều mình muốn và những thứ mình không có cướp đi niềm vui mà chúng ta có ngay hiện tại.
Tôi đã trải qua một số năm đầy thất vọng, và căn nguyên của nan đề là tôi không vui hưởng ngay hiện tại đang lúc tôi đi đến nơi tôi định đến. Chúa ủng hộ sự tiến bộ và tăng trưởng của chúng ta, nhưng còn hơn thế nữa, Ngài ủng hộ sự bình an!
Hãy xem xét câu này từ sách Truyền-đạo:
“Tận hưởng những gì đang có trước mắt tốt hơn là mơ mộng những gì viển vông xa vời thực tế. Điều đó cũng là vô nghĩa và là công dã tràng xe cát.” Truyền-đạo 6:9
Tác giả (người ta tin đó là vua Sa-lô-môn) nói thật là vô ích để thèm khát thứ mà bạn không có, và làm thế sẽ ngăn bạn tận hưởng điều mà bạn đang có.
Phao-lô đã học thỏa lòng dù ông có điều mình muốn hay không, và đây phải là mục tiêu của chúng ta. Chỉ thỏa lòng và biết ơn khi chúng ta được theo ý mình thì thật là trẻ con và không bày tỏ sự trưởng thành thuộc linh gì cả. Là cha mẹ, chúng ta sửa dạy con cái mình về lối hành xử “trẻ con” như thế. Chúng ta nhắc con mình về tất cả các phước hạnh và bảo chúng hãy biết ơn về những gì chúng có. Có lẽ chúng ta cũng nên nhớ là phải làm gương cho con cái noi theo trong qua cách chúng ta ứng xử khi chúng ta không nhận điều chúng ta muốn.
Tin cậy Chúa rất dễ khi mà mọi thứ theo ý mình; tuy nhiên, cuốn sách này nói về việc tin cậy Chúa luôn luôn. Việc thỏa lòng khi cuộc đời bị tổn thương, hoặc khi chúng ta phải chờ đợi và không hiểu lí do, đòi hỏi phải có niềm tin rằng Chúa là tốt lành và đường lối Ngài khác với đường đi nước bước của chúng ta. Những gì tôi muốn làm cho bản thân có thể lắm không phải là điều tốt nhất cho tôi. Dĩ nhiên lúc đầu tôi sẽ cảm thấy rất tuyệt và lúc nào cũng có vẻ thoải mái, nhưng về lâu về dài chuyện đó có giúp ích gì cho tôi không? Việc lúc nào tôi cũng được theo ý mình có giúp tôi bớt ích kỷ hơn, thương yêu nhiều hơn, cảm thông nhiều hơn, thương xót người khác khi họ bị tổn thương nhiều hơn không? Không, chắc chắn là không rồi! Cách duy nhất để thật sự hòa đồng với người khác là phải có kinh nghiệm giải quyết những vấn đề mà ai ai cũng đối diện. Chúng ta không cần phải trải qua mọi chuyện như mọi người trải qua thì mới có thể giúp họ, nhưng chúng ta không thể hiểu nỗi thất vọng hay cảm xúc đau đớn, hay thể xác đớn đau hay bất kì khó khăn nào nếu chúng ta chưa bao giờ trải qua.
“Trong lúc đau đớn chúng ta ngửa trông nơi Chúa Giê-xu vì Ngài là thầy Thượng Tế cảm thông sự yếu đuối và bất toàn của chúng ta. Làm sao Ngài có thể hiểu? Ngài hiểu vì Ngài đã bị cám dỗ mọi sự như chúng ta nhưng chẳng hề phạm tội.” (xem Hê-bơ-rơ 4:15).
Rất dễ để chúng ta đến với Chúa Giê-xu để được giúp đỡ vì chúng ta tin Ngài hiểu chúng ta! Ngài quen thuộc với bệnh tật, sầu khổ, đau đớn, sự khước từ. Cũng như chúng ta có thể đến với Chúa Giê-xu thể nào thì chúng ta cũng tạo điều kiện dễ dàng để những người khác đến với chúng ta với cùng một niềm tin rằng chúng ta sẽ cảm thông cho họ như thế.
Khi chúng ta trải qua những biến cố trong đời, những kinh nghiệm này trang bị chúng ta để được Chúa sử dụng nhằm đem lại sự an ủi và sự khích lệ cho những người có nhu cầu. Có thể chúng ta không (và có lẽ là không) phải lúc nào cũng hiểu được đường lối của Chúa (xem Ê-sai 55:9), nhưng chúng ta có thể tôn trọng Ngài bằng cách tiếp tục tin rằng Ngài thật tốt lành và đường lối Ngài luôn luôn đúng!
Tin Cậy Đòi Hỏi Kiên Nhẫn
Tin cậy Chúa luôn đòi hỏi sự kiên nhẫn, vì Chúa không làm việc theo thời gian biểu của chúng ta. Sự kiên nhẫn cho phép chúng ta tận hưởng cuộc sống trong lúc chờ đợi! Có thể chúng ta thấy khó hiểu tại sao Chúa không làm điều gì đó mà chúng ta biết Ngài có thể dễ dàng làm nếu Ngài muốn, và khi việc này xảy ra, tất nhiên là Ngài có lý do rồi. Có thể là để thử đức tin chúng ta hay muốn nới rộng đức tin chúng ta để khả năng sống bởi đức tin của chúng ta được tăng trưởng. Có thể Chúa muốn làm điều gì đó tốt hơn những gì chúng ta muốn hoặc là cải thiện khả năng xử lí vấn đề của chúng ta trong hiện tại. Tất cả những lí do này (và nhiều lý do khác) là những cơ hội để chúng ta cứ tiếp tục sống bình an bằng cách tin vào sự tể trị, sự tốt lành và sự khôn ngoan của Ngài.
Sự kiên nhẫn thường là bông trái của Thánh Linh mà không dễ có được cách dư dật trong đời sống chúng ta. Tôi thấy mình kiên nhẫn trong một số lĩnh vực, còn một số lĩnh vực khác thì không. Chắc chắn là tôi vẫn tăng trưởng trong sự kiên nhẫn. Tất cả chúng ta đều chờ đợi điều gì đó, nên việc chờ đợi không phải là một lựa chọn. Nhưng cách chúng ta ứng xử và thái độ của chúng ta trong lúc chờ đợi là một lựa chọn. Trái kiên nhẫn được định nghĩa trong từ điển Vine’s Expository Dictionary là bông trái của Thánh Linh mà chỉ tăng trưởng trong thử thách. Chà! Ước gì từ điển nói khác được không? Tôi biết tôi cũng ước ao như vậy!
Tôi thích cầu nguyện có thêm lòng kiên nhẫn, và xin Chúa rót điều này vào trong tôi, nhưng sự việc không diễn ra theo cách ấy. Là con cái Chúa, chúng ta có bông trái kiên nhẫn ở bên trong, nhưng nó phải được phát triển và chúng ta phải cho phép nó bộc lộ ra bên ngoài. Việc này cần hơn là một bài giảng thuyết thiêng liêng hay một ý tưởng thuộc linh; sự kiên nhẫn thật được thể hiện trong đời sống và hoàn cảnh hằng ngày của chúng ta. Và đặc biệt là chúng ta cần kiên nhẫn khi chúng ta phải chờ đợi điều gì đó mà chúng ta muốn có ngay bây giờ!
Dù đó là việc chúng ta đang chờ xếp hàng tại siêu thị, chờ đợi khi kẹt xe, chờ ai đó đến trễ hẹn hoặc chờ đợi Chúa đáp lời cầu nguyện, chúng ta đều cần sự kiên nhẫn trong cuộc đời này nếu chúng ta muốn có bình an và tận hưởng cuộc sống của chúng ta. Thánh Augustine nói, “Kiên nhẫn là bạn của khôn ngoan.” Sự kiên nhẫn có vẻ thật cay đắng và chua chát làm sao nhưng kết quả của nó thật ngọt ngào và thơm ngát biết bao.
Thường thì lý do Chúa đòi hỏi chúng ta chờ đợi đơn giản là Ngài đang dùng những khó khăn để uốn nắn lòng kiên nhẫn trong chúng ta. Học để kiên nhẫn là việc quan trọng đối với Chúa nên Ngài kiềm chế không ban cho con cái Ngài điều họ muốn ngay lập tức. Đây là điều mà nhiều bậc cha mẹ phải học. Thật buồn vì thế giới của chúng ta đầy những con người không được dạy dỗ nguyên tắc rất quan trọng này trong đời sống họ, nên bây giờ họ đòi sự thỏa mãn ngay lập tức. Muốn được thỏa mãn ngay lập tức là việc làm khiến chúng ta đưa ra nhiều quyết định dại dột. Chẳng hạn, một số người rơi vào nợ nần và làm cho cuộc sống họ bị áp lực vô cùng. Một số người thì cưới lộn người vì họ làm theo cảm xúc không kiềm chế. Niềm tin sai trật cho rằng phải có sự thỏa mãn ngay lập tức đã tiếp thêm dầu cho những mảnh đời bất hạnh và gây ra nhiều thái độ tồi tệ cũng như những quyết định tệ hại.
Biết được bản tính của Chúa, tôi không nghi ngờ gì về chuyện Ngài bắt ai đó chờ đợi trừ khi Ngài biết đó sẽ là điều tốt nhất cho họ. Thật khó để chúng ta tin rằng chờ đợi là tốt cho chúng ta, nhưng chúng ta thấy khó tin vì chúng ta bị giáo dục sai và vì bản chất của xác thịt. Chờ đợi là tốt - nó khiến chúng ta biết ơn nhiều hơn khi chúng ta có được điều mình ước ao.
Thiếu kiên nhẫn làm đời ta thêm áp lực, nhưng tin cậy Chúa trong lúc chờ đợi sẽ vơi đi áp lực đó và cho phép ta chờ đợi với thái độ làm cho Ngài được vinh hiển. Những ích lợi của việc tin cậy thật tuyệt vời thay. Khi chúng ta tin rằng Chúa lo liệu về điều gì đó đang làm cho chúng ta phiền muộn, nó chúng ta khiến chúng ta tự do để tập trung vào những điều khác mà sẽ mang lại kết quả tốt lành. Việc này sẽ mang lại sức khỏe tốt và tuổi thọ, và tôi tin nó cũng giúp chúng ta dễ hòa đồng hơn. Sự tin cậy cất bỏ nỗi thất vọng và áp lực khỏi đời sống chúng ta, và đây là hai căn nguyên chính khiến chúng ta cộc cằn và giận dữ với người khác. Không hẳn là chúng ta muốn làm tổn thương người ta và đối xử tệ bạc với họ, nhưng khi tâm hồn chúng ta đầy ắp sự lộn xộn, chúng ta sẽ tập trung nhiều hơn đến cảm giác của mình hơn cách mình đối xử với người khác. Thậm chí chúng ta thường không nhận ra mình khắt khe và thô lỗ đến mức nào, nhưng người khác sẽ cảm nhận được, và rốt cuộc họ sẽ né tránh chúng ta nếu chúng ta cứ lạm dụng chuyện này.
Tôi rất yêu thích cái đặc ân được tin cậy Chúa! Và hẳn là tôi không thích chút nào khi sống trong tình trạng lo lắng, sợ hãi, thất vọng và áp lực nặng nề! Nếu trong hoàn cảnh hiện tại bạn đang quyết định nên đi hướng nào đây hoặc là nên tiếp cận cuộc đời theo cách nào đây, tôi có thể đảm bảo với bạn rằng tin cậy Chúa là lựa chọn tốt nhất.
bottom of page