top of page

CHƯƠNG 9 : CÓ PHẢI CHÚA CHO PHÉP SỰ CHỊU KHỔ ?

Hung Tran

Feb 12, 2024

Nếu chỉ dựa vào sự hiểu biết của bản thân thì không bao giờ tìm thấy sự bình an. Một điều gì đó không cần phải trở nên tốt đẹp để biến nó thành tốt đẹp...



Có Phải Chúa “Cho Phép” Sự Chịu Khổ?


“Bất cứ điều gì CHÚA muốn, Ngài làm điều ấy, bất kể trên trời hay dưới đất, trong lòng biển hay trong các vực sâu.” Thi-thiên 135:6



Một...

...người có thể nói, “Tôi không tin Chúa gây ra sự đau khổ và thảm kịch. Tôi không tin Ngài là tác giả của những điều đó, nhưng Ngài có cho phép không? Nếu Ngài cho phép thì mục đích là gì, và sự khác nhau giữa việc Ngài cho phép và Ngài gây ra là gì? Làm sao tôi có thể tin cậy một Đức Chúa Trời cho phép tôi chịu tai họa và thảm kịch?” Tôi biết có những thắc mắc như thế, bởi vì nhiều người cần có câu trả lời để tin.

Tôi cũng nghe có người nói, “Điều khiến tôi không tin có Thượng Đế không phải là do tôi tin khoa học mà chính là những khổ đau và tai họa trên thế giới này.” Người này không thể dung hòa tai họa mà người này chứng kiến với sự hiện hữu của một Thượng Đế được cho là tốt lành. Đối với một số người trong chúng ta có đức tin là vượt trên mọi thắc mắc này, còn nhiều người khác thì đòi hỏi câu trả lời mới có thể tin được.

Chính sự đau đớn mà tôi từng trải từ ông cha xấu xa đã kéo tôi tới đức tin nơi Chúa. Sự đau đớn và khổ cực vượt quá sức của tôi nhưng tôi đã tìm được sự bình an, hy vọng và sự chữa lành qua mối quan hệ với Chúa. Những lợi ích mà tôi nhận được nhờ biết và tin Đức Chúa Trời quan trọng hơn những thắc mắc mà tôi đã có trước đây, và bây giờ tôi có thể gác sang những thắc mắc một bên cho đến ngày tôi hoặc là nhận được câu trả lời từ Chúa hoặc là tôi sẽ ở với Ngài ở Thiên Đàng, là nơi câu trả lời cho mọi câu hỏi sẽ trở nên rõ ràng.

Tuy nhiên, tôi hiểu những câu hỏi mà người ta hỏi, và tôi nghĩ hỏi những câu hỏi này thì không sai. Chúa không bị tổn thương bởi những thắc mắc của chúng ta, nhưng Ngài không phải lúc nào cũng thấy phù hợp để trả lời. Cho dù chúng ta được giải đáp bao nhiêu câu hỏi đi chăng nữa, vẫn luôn có những câu hỏi khác đòi hỏi chúng ta phải quyết định là chúng ta có tin cậy Chúa hay không ngay cả khi cuộc đời dường như phi lý.

Tôi sẽ cố gắng hết sức để trả lời câu hỏi Đức Chúa Trời có cho phép “sự chịu khổ” hay không, nhưng tôi muốn nói trước rằng các câu trả lời của tôi sẽ không hoàn hảo, đặc biệt đối với những ai đang tìm lời bào chữa để không tin có Thượng Đế. Các câu trả lời của tôi cũng sẽ không làm thỏa mãn cho những ai cảm thấy họ phải hiểu hết mọi vấn đề bằng lý trí. Tìm kiếm tri thức thì tốt, nhưng nó có thể có tác dụng ngược nếu chúng ta đi quá xa. Một câu Kinh Thánh mà tôi tin với trọn cả đời được tìm thấy trong Châm-ngôn:

“Hãy hết lòng tin cậy CHÚA; chớ cậy vào sự thông sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài, Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con. Đừng cho mình là khôn ngoan theo quan điểm của mình; Hãy kính sợ CHÚA và lánh xa điều ác.” Châm-ngôn 3:5-7

Nếu chỉ dựa vào sự hiểu biết của bản thân thì không bao giờ tìm thấy sự bình an. Tại sao điều này, điều kia xảy ra, và tại sao nó xảy ra với tôi? là ý tưởng dối trá đầu tiên mà Sa-tan, kẻ thù của chúng ta, thì thầm với chúng ta khi nỗ lực kéo chúng ta ra khỏi mối quan hệ với Chúa. Chúng ta có thể quay trở lại vườn Địa Đàng và đọc cách mà ma quỷ đã thì thầm những thắc mắc với Ê-va, để rồi dẫn dụ A-đam và Ê-va phạm tội mà đã làm thay đổi hướng đi trong kế hoạch của Đức Chúa Trời muốn cho con người. Sa-tan nói với bà, “Có thật Đức Chúa Trời bảo, ‘Các ngươi không được ăn trái của mọi cây trong vườn’ chăng?” (Sáng-thế 3:1). Câu hỏi này đã mở đường cho một câu hỏi khác mà sa-tan thậm chí không cần phải hỏi - Nếu tất cả trái của cây trong vườn là tốt lành, thì tại sao Chúa lại muốn giữ lại không cho mình ăn? Ê-va bắt đầu lí luận, và chính lí luận đó đã dẫn tới sự lừa dối và đã làm thay đổi hướng đi trong cuộc đời của bà.

Chúa đã tạo dựng một thế giới toàn hảo, không có khổ đau và thảm kịch. Ngài muốn A-đam và Ê-va thi hành bằng thẩm quyền và chinh phục quả đất, dùng tất cả tài nguyên bao la của quả đất để phục vụ Chúa và phục vụ con người (xem Sáng Thế 1:28). Đức Chúa Trời không phải là Đấng mời mọc sự đau khổ vào thế gian, mà chính là người nam và người nữ mà Ngài đã tạo dựng. Ngay khi họ lắng nghe satan thay vì nghe Chúa và ăn trái cấm mà Chúa bảo đừng ăn, sự khổ đau của họ bắt đầu. Chỉ với một quyết định họ đi từ chỗ sống tự do và tận hưởng tình yêu và sự thông công của Chúa đến chỗ chạy trốn Ngài trong sợ hãi (xem Sáng-thế 3:8).

Chúa là Đấng tể trị, tất nhiên Ngài có thể làm bất cứ điều gì, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu và cho bất cứ người nào Ngài muốn. Chúng ta cầu nguyện và những lời cầu nguyện này lệ thuộc vào quyền tể trị của Đức Chúa Trời. Chúng ta lệ thuộc vào lời hứa rằng với Đức Chúa Trời mọi sự đều có thể xảy ra (xem Ma-thi-ơ 19:26). Tuy nhiên, Chúa đã chọn ban cho con người ý chí tự do, và điều đó đã thay đổi khả năng đó là hoặc chúng ta sẽ chịu đựng tai ương hay không. Liệu chúng ta sẽ vâng lời Chúa hay chúng ta sẽ làm theo ý riêng?

Chúa yêu chúng ta và Ngài muốn chúng ta yêu mến Ngài, nhưng tình yêu đó không phải là tình yêu đích thực nếu bị ép uổng? Tình yêu sẽ có ý nghĩa khi được trao ban cách tự nguyện. Chúng ta luôn để cho những người chúng ta thật sự yêu thương được tự do. Tôi nghe có người nói thế này: Tình yêu đòi hỏi sự tự do chọn lựa, và nơi nào có ý chí tự do nơi đó sẽ luôn xuất hiện điều ác, nhưng nơi nào có điều ác thì xuất hiện Đấng Cứu Thế, nơi nào có Chúa Cứu Thế nơi đó có sự cứu chuộc, và nơi nào có sự cứu chuộc, nơi đó có sự phục hồi.

Chúa ban cho con người quyền tự do lựa chọn, thừa biết trước rằng con người sẽ chọn lựa rất tồi và sự lựa chọn của con người sẽ mở cửa cho sự đau đớn và khổ cực, nhưng Chúa đã không bỏ chúng ta bơ vơ mà không vùa giúp gì. Theo quan điểm này, Đức Chúa Trời cho phép sự chịu khổ bước vào thế gian, và chuyện này còn tốt hơn là tạo dựng con người giống như con rối, không có quyền chọn lựa sẽ yêu thương Ngài hay không hoặc là con người sẽ ứng xử như thế nào.

Đức Chúa Trời không hề gặp một vấn đề nào mà không có câu trả lời! Biết trước những gì xảy ra, Ngài hoạch định từ trước vô cùng để sai Con Ngài, là Chúa Giê-xu để trả giá cho tội lỗi và mở đường để Đức Chúa Trời có lại mối quan hệ với con cái của Ngài. Đức Chúa Trời không cung ứng một lối thoát ra khỏi sự chịu khổ, bởi vì tội lỗi vẫn còn hiện diện ở thế gian, và chừng nào còn tội lỗi thì còn sự đau khổ. Nhưng qua Chúa Giê-xu, Đức Chúa Trời đã cung ứng sự tha thứ tội lỗi, sự an ủi, ân sủng, sức mạnh và tất cả sự giúp đỡ mà chúng ta cần để chịu khổ cách kiên nhẫn khi chúng ta buộc phải chịu. Chúa còn làm hơn thế nữa khi nói rằng nếu chúng ta tin cậy nơi Ngài, thì Ngài sẽ khiến những khổ đau cùng cực thành ích lợi cho chúng ta.

“Chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho những người yêu kính Đức Chúa Trời, tức những người được kêu gọi theo mục đích của Ngài.” Rô-ma 8:28

Một điều gì đó không cần phải trở nên tốt đẹp để biến nó thành tốt đẹp. Chính sự kiện này tự thân nó cũng minh chứng rằng Đức Chúa Trời là tốt lành và sự tốt lành của Ngài có thể tẩy xóa hết mọi hậu quả xấu xa của sự bất công và sự đau khổ của mỗi cá nhân. Nếu vì một lý do nào khác hơn lý do này thì chúng ta nên chọn tin cậy Chúa. Dù có tin nơi Chúa hay không thì chúng ta vẫn chịu khổ ở đời này. Chúa Giê-xu dạy chúng ta rằng chúng ta sẽ gặp hoạn nạn ở thế gian, nhưng ngay sau khi Ngài nói sự thật đó thì kèm theo lời hứa kì diệu: Ngài đã chiến thắng thế gian (xem Giăng 16:33). Tội lỗi gây ra sự đau khổ, và Chúa Giê-xu là câu trả lời cho sự đau khổ! Đức Chúa Trời sẽ để cho chúng ta bất lực!

Nếu chúng ta chịu khổ mà không có Chúa thì tại sao không chịu khổ mà có Ngài, tin cậy Ngài hoặc là giải cứu chúng ta khỏi khổ đau vào đúng thời điểm hoặc là hóa giải để mang lại ích lợi cho chúng ta? Đối với tôi, việc tin cậy Chúa là một điều hợp lí. Tin cậy Chúa mở ra cho chúng ta khả năng đón nhận sự giúp đỡ, trong khi đó không tin cậy Ngài hay không tin có Thượng Đế thì chắc chắn chúng ta sẽ gặp khổ đau mà không có hy vọng để được giải cứu và được chữa lành.

Chúa sẽ khiến mọi sự hiệp lại mang ích lợi cho những kẻ yêu mến Ngài, tin cậy Ngài và khao khát ý muốn của Ngài! Chúng ta được sinh ra có quyền tự do chọn lựa, và khi chúng ta chịu khổ chúng ta cũng có quyền tự do lựa chọn để tin cậy hoặc không tin cậy Ngài.


Tất Cả Mọi Đau Khổ Là Hậu Quả Của Tội Lỗi


Nếu không có tội lỗi thì sẽ không có khổ đau. Tất cả khổ đau và tội ác là hậu quả của tội lỗi. Nó có thể là do hậu quả trực tiếp của tội lỗi của chúng ta hoặc tội lỗi của người khác, hoặc là hậu quả gián tiếp khi sống trong thế gian sa ngã. Sa-tan là tác giả của tội lỗi. Nó là kẻ cám dỗ và là kẻ lừa dối, nên chúng ta có quyền nói rằng nó là căn nguyên của các nan đề của con người, nhưng chúng ta cũng phải chịu trách nhiệm khi nhận ra rằng việc chúng ta nghe ai và đi theo ai vẫn tùy vào ý chí tự do của chúng ta. Liệu chúng ta tin và chịu lắng nghe những lời dạy của Chúa cho cuộc đời chúng ta hay chúng ta sẽ để xác thịt cai trị chúng ta qua những lời nói dối của satan? Sa-tan cung phụng cho chúng ta những khoái lạc tạm thời nhằm lôi cuốn cảm xúc của chúng ta, như nó đã làm với Ê-va, nhưng Đức Chúa Trời ban cho chúng ta một đời sống vượt xa hơn những khoái lạc tạm bợ. Ngài cung ứng cho chúng ta mối quan hệ ngay thẳng với Ngài, sự bình an, sự vui mừng và đời sống ý nghĩa nhờ được dự phần và thông công với Ngài.

Để tôi cảnh báo bạn rằng đừng cố óc khi liên kết sự chịu khổ với tội lỗi cá nhân của bạn. Nhiều người bệnh đã làm cho nỗi khổ của mình càng gia tăng khi rơi vào mặc cảm tội lỗi về những sai trật họ đã làm nên mới mở cửa cho bệnh tật. Dù chúng ta có thể mở cửa cho bệnh tật qua tội lỗi cá nhân, nhưng cũng có thể là chúng ta không làm gì sai để gây ra bệnh tình, và nó chỉ đơn giản là hậu quả khi chúng ta sống trong một thế giới tội lỗi, mà hậu quả tất yếu là xảy ra đau yếu và bệnh tật. Đừng tự làm khổ bản thân bằng những mặc cảm tội lỗi trong khi bạn đã gánh chịu nhiều biến cố đau đớn hay bi kịch khác rồi. Ngay cả khi Đức Chúa Trời chọn bày tỏ cho chúng ta rằng chúng ta đã làm điều gì đó sai trật, nhưng đồng thời Ngài cũng không khiến chúng ta cảm thấy mặc cảm tội lỗi. Chúa cáo trách chúng ta, Ngài cho chúng ta cơ hội để ăn năn và tiếp nhận ơn tha thứ của Ngài. Đức Chúa Trời không lên án chúng ta; lên án là công việc của ma quỷ.

Ngoài việc con người muốn biết tại sao con người đau khổ và tại sao thế giới này đầy ắp tội ác, người ta muốn biết mục đích của họ trong cuộc đời là gì. Con người muốn cảm thấy là mình có giá trị. Nan đề đối với con người không phải là sự chịu khổ, mà chính là những khoái lạc như thế không còn làm họ thỏa mãn nữa. Chẳng hạn, một quốc gia như Ấn Độ, gặp đủ mọi thứ khổ nạn, và đây là một đất nước rất sùng đạo. Ngay cả họ có đủ thứ tôn giáo, nhưng dân chúng nước này vẫn tìm kiếm Thượng Đế. Họ tin vào việc thờ lạy điều gì đó ngoài bản thân họ. Nhưng thế giới phương Tây, vốn được sản sinh từ niềm tin lớn lao nơi Đức Chúa Trời, lại hưởng thụ đủ mọi thứ khoái lạc, và dường như chúng ta ngày càng xa cách Ngài. Về căn bản thế giới phương Tây muốn nói với Chúa rằng Ngài không còn được chào đón nữa. Rất nhiều nước ngày nay, người ta quay sang chủ nghĩa nhân bản, nghĩa là con người kiểm soát mà không cần Thượng Đế. Và tội lỗi càng gia tăng thì sự đau khổ và điều gian ác càng gia tăng. Nhưng dù một quốc gia có xa cách Chúa bao nhiêu đi nữa, thì bất kỳ cá nhân nào đều cũng có thể trở lại cùng Ngài, tin cậy Ngài trong mọi sự, kinh nghiệm vẻ đẹp của việc tiếp nhận sự giúp đỡ của Chúa trong những khó khăn. Người đó cũng sẽ kinh nghiệm sự giải cứu và sự bảo vệ khỏi tai họa, nhưng Kinh Thánh không bao giờ hứa rằng chúng ta hoàn toàn có thể tránh được hết. Chúng ta vẫn còn ở trong thế gian và thế gian này thì đầy ắp tội lỗi; vì thế, chúng ta không thể tránh hết các hậu quả của nó.

Sự chịu khổ có thể chia thành hai loại. Thứ nhất là sự chịu khổ do hậu quả của những quyết định thuộc về đạo đức, và thứ hai là sự chịu khổ tự nhiên, đó là các tai họa thiên nhiên như lũ lụt, cháy nổ, mưa bão và nhiều điều như thế. Có phải những thảm họa này đến từ Thượng Đế hay Ngài cho phép? Một số thần học gia nghĩ vậy, và số khác nghĩ rằng không phải vậy. Nhưng thay vì rơi vào những tranh cãi về thần học, tôi thà nhìn các thảm họa này như là hậu quả của thế gian này đang ở dưới sức nặng của tội lỗi.

Lúc nào cũng có những người tốt và vô tội bị tan nát bởi sự mất mát và sự khổ đau do hậu quả của các thảm họa thiên nhiên. Tôi thà cố gắng giúp đỡ những con người này hơn là tranh cãi nguyên do tại sao những thảm họa đó xảy ra. Có những người tin cậy nơi Chúa nhưng họ cũng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các thảm họa thiên nhiên như những con người gian ác, và đây là những điều chúng ta không thể giải thích được - ít ra thì tôi không thể giải thích được. Nhưng những người tin cậy Chúa có thể có hy vọng được cứu giúp và được phục hồi. Lòng thương xót và nhân hậu lúc nào cũng thắng hơn sự phán xét.


Khi Nào Sự Cứu Giúp Đến?


Dường như là đôi khi Chúa giúp đỡ tôi nhưng có lúc Ngài không giúp. Dù đối với tôi, dường như là như thế, nhưng không phải trường hợp nào cũng đúng. Khi Chúa không ban cho tôi sự giúp đỡ tôi muốn, theo cách mà tôi muốn, thì việc biết được bản tánh của Chúa sẽ giúp tôi tin cậy rằng Ngài luôn giúp đỡ tôi cách nào tốt nhất cho tôi khi tôi cầu xin Ngài. Thường thì chúng ta quá chú tâm vào việc nhận những gì chúng ta muốn đến nỗi chúng ta cảm thấy nếu Chúa không cho thì có nghĩa Ngài chẳng giúp chúng ta gì cả. Nên việc quá chú tâm vào cái tôi của mình sẽ khiến chúng ta không thể nhìn thấy những gì Chúa đang làm để giúp chúng ta.

Rồi chúng ta cũng gặp nan đề về thời điểm. Đôi khi chúng ta cầu nguyện rồi Chúa giúp đỡ và giải cứu chúng ta ngay tức thì, nhưng lúc khác thì sự giúp đỡ của Ngài đến theo thời gian biểu mà chúng ta không hiểu. Nếu tôi đang trải qua một điều gì đó khiến tôi chịu khổ, và Chúa sẽ giải cứu tôi, vậy thì tại sao tôi phải chờ đợi nhiều tháng, thậm chí nhiều năm trước khi Ngài làm thế? Ngài luôn có thời và kỳ của Ngài, nhưng Ngài hiếm khi chia sẻ hết cho chúng ta. Đôi khi Ngài dùng sự chịu khổ của chúng ta để thay đổi trong chúng ta, là điều mà trong những lúc thuận lợi chúng ta không cho phép Ngài làm.

C. S. Lewis nói, “Nỗi đau cứ dai dẳng đòi được để ý. Đức Chúa Trời thì thầm với chúng ta trong lúc nhàn hạ, nói với lương tâm của chúng ta, nhưng Ngài la lớn hơn trong những khổ đau của chúng ta. Ấy chính loa phóng thanh của Ngài cho thế giới đang bịt lỗ tai.”

Khi chúng ta nghe được tiếng Chúa, điều đó không có nghĩa là đó là lần đầu tiên Ngài phán với chúng ta. Tôi phát hiện ra rằng đôi khi chính suy nghĩ của tôi về một vấn đề nào đó ngăn tôi không nhận được những tư tưởng của Chúa, là điều hoàn toàn khác với tư tưởng của tôi. Tôi đã đề cập trước đó rằng câu trả lời của Chúa đối với con mắt bị khô của tôi là uống thêm nhiều nước, nhưng vì tôi nghĩ mình đã uống nhiều nước nên tôi không nhận câu trả lời của Ngài. Giờ tôi nhìn lại và nhận ra Ngài đã dùng một số người để nói, “Có lẽ chị nên uống thêm nước,” nhưng tôi vội trả lời, “Tôi đã uống nhiều nước rồi, đó không phải là câu trả lời!”

Có một người trong sách 2 Các-vua 5 có tên là Na-a-man. Ông là tướng đạo quân của dân Si-ri, một con người dũng cảm, nhưng ông ta bị bệnh phung. Một tớ gái đem một thông điệp đến với ông rằng tiên tri Ê-li-sê có thể chữa lành ông, nên họ đã đem Na-a-man tới gặp Ê-li-sê với một bức điện từ vua Si-ri nhờ ông giúp đỡ ông tướng này. Khi Na-a-man tới nơi, Ê-li-sê không trực tiếp nói chuyện với ông ta, mà chỉ nhắn cho ông ta là hãy đi rửa mình dưới sông Giô-đanh bảy lần thì ông sẽ được lành. Na-a-man tức giận và bỏ đi vì ông “nghĩ” người của Đức Chúa Trời sẽ có buổi lễ long trọng để tiếp ông và chữa lành cho ông ta. Dường như bởi vì ông là vị tướng nên đã quen với việc được đối xử theo cung cách hoàng gia, nhưng lần này thì không phải như thế.

Kinh Thánh nói Na-a-man giận dữ bỏ đi, cho rằng nếu ông cần phải tắm dưới sông thì ông đâu cần phải đi xa đến thế để tắm vì tại quê ông có những con sông sạch hơn nhiều. Nhưng một đầy tớ nói với ông, “Cha ơi, nếu tiên tri có truyền cho cha một việc khó, cha há chẳng làm sao?” (2 Sử-ký 5:13). Chúa đã sử dụng người đầy tớ thấp hèn này để thách thức sự kiêu ngạo của Na-a-man, là điều ngăn cản ông ta nhận sự chữa lành mà ông rất cần. Chúng ta có hay “nghĩ” về điều gì đó phải diễn ra theo cách nào đó và khi Chúa đưa ra cho chúng ta một cách khác (cách của Ngài) thì chúng ta lại phản đối bởi vì chúng ta không hiểu hoặc thậm chí chúng ta bị vấp phạm bởi điều đó không?

Lời Chúa nói, “…Người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận” (Gia-cơ 1:19). Tôi nghĩ chúng ta có thể nhận một số câu giải đáp chúng ta cần nếu chúng ta chịu khó lắng nghe hơn. Ít ra thì tôi biết trường hợp này đúng cho tôi.

Khi còn là một Cơ-đốc nhân non trẻ và chưa trưởng thành, tôi đã làm cho mình thất vọng rất nhiều bởi vì tôi luôn muốn biết “lý do” tại sao đằng sau mọi vấn đề mà tôi không thích hay không hiểu. Chúa ơi, tại sao chức vụ của con mất quá lâu mới phát triển? Chúa ơi, con cầu nguyện, sao Ngài không thay đổi chồng con là Dave và các con cái của con? Bây giờ câu trả lời đã rõ ràng cho tôi: Ngài không thay đổi chức vụ hay gia đình của tôi bởi vì tôi là người cần thay đổi; lúc đó tôi chưa đủ trưởng thành để nhận ra điều này. Những kinh nghiệm này đã dạy tôi rằng đôi khi Đức Chúa Trời chờ đợi để trả lời bởi vì chúng ta đã hỏi sai câu hỏi và đôi khi chúng ta cũng chưa sẵn sàng nhận lãnh những gì chúng ta đã cầu xin. Tóm lại, dù câu hỏi là gì đi nữa, câu trả lời vẫn luôn luôn là: Hãy tin cậy Chúa!



bottom of page