top of page
Hung Tran
Apr 17, 2024
Quan niệm Cơ-đốc về hôn nhân dựa vào lời của Đấng Christ là người đàn ông và vợ được xem như là có cùng một cơ thể, đó là ý nghĩa của chữ “một thịt”...
PHẦN BA - CÁCH CƯ XỬ CỦA NGƯỜI CƠ-ĐỐC
3.6 HÔN NHÂN CƠ-ĐỐC
Chương...
...vừa rồi phần lớn là tiêu cực. Tôi bàn về cái gì sai đối với bản năng tình dục của con người, nhưng nói rất ít về cái đúng - nói một cách khác, về nhôn nhân Cơ-đốc. Có hai lý do mà tôi đặc biệt không muốn bàn về hôn nhân. Lý do thứ nhất là giáo lý Cơ-đốc đối với đề tài này thật không mấy người thích. Lý do thứ hai là tôi chưa bao giờ lập gia đình, và vì vậy, chỉ có thể nói với dữ kiện từ các nguồn khác. Mặc dù vậy tôi không thể bỏ qua đề tài này khi nói về đạo đức Cơ-đốc.
Quan niệm Cơ-đốc về hôn nhân dựa vào lời của Đấng Christ là người đàn ông và vợ được xem như là có cùng một cơ thể, đó là ý nghĩa của chữ “một thịt” trong tiếng Anh ngày nay. Cơ-đốc nhân tin rằng khi Ngài nói điều kể trên, Ngài bày tỏ một tình cảm nhưng mà nói lên một sự thật, cũng giống như khi người ta nói ống khóa và chìa khóa là một cấu tạo, hoặc cây đờn vĩ cầm và cái cung kéo đờn là một dụng cụ. Đấng tạo ra guồng máy con người cho chúng ta biết rằng, hai cái phân nửa, đàn ông và đàn bà, được tạo dựng để hợp thành đôi, không chỉ trên vị trí tính dục thôi nhưng mà hoàn toàn kết hợp.
Cái quái dị của sự giao hợp ngoài hôn nhân là những người làm như vậy muốn tách riêng một sự hiệp nhất (tính dục) ra khỏi tất cả các sự hợp nhất khác, mà đã được dự định để di cùng với nó, để làm thành một sự hiệp nhất hoàn toàn. Thái độ Cơ-đốc không có nghĩa là có gì sai đối với khoái lạc tình dục, cũng như khoái lạc ăn uống cũng không có gì sai. Thái độ này có nghĩa là bạn không được tách khoái lạc đó ra để chỉ có riêng mình nó, cũng như bạn cũng không nên chỉ muốn có vị nếm đồ ăn, mà không muốn nuốt hay tiêu hóa, thí dụ bằng cách nhai rồi nhả ra.
Kết quả là Cơ-đốc giáo dạy rằng hôn nhân là cho suốt cuộc đời. Dĩ nhiên ở đây có sự khác biệt quan điểm giữa các Hội thánh: một vài Hội thánh hoàn toàn không chấp nhận ly dị; một vài Hội thánh miễn cưỡng chấp nhận, cho một vài trường hợp đặc biệt. Rất đáng tiếc là Cơ-đốc nhân lại bất đồng ý kiến về một vấn đề như vậy; nhưng mà điều mà một người Cơ-đốc bình thường nên để ý là, các Hội thánh đồng ý với nhau đối với vấn đề hôn nhân nhiều hơn là bất cứ Hội thánh nào đồng ý với thế giới bên ngoài.
Tôi muốn nói là họ đều xem ly dị như là cắt bỏ đi một cơ thể đang sống, giống như một cuộc giải phẫu vậy. Một số Hội thánh nghĩ rằng sự mổ xẻ này tàn bạo quá, không thể làm được; những Hội thánh khác thừa nhận đó là liều thuốc mạnh chỉ dùng trong trường hợp cực đoan. Tất cả đều đồng ý là nó giống như có hai chân bị cưa, hơn là giống như sự giải tán sự liên hợp làm ăn, và hơn ngay cả sự đào ngũ. Điều mà họ cùng bất đồng ý kiến với quan điểm tân thời là, sự ly dị chỉ giản dị là sự chỉnh lại bạn đời, khi họ thấy không còn yêu thương nhau nữa, hay là khi một trong hai người yêu một người khác.
Trước khi chúng ta xét quan niệm tân thời này với sự thánh khiết, chúng ta đừng quên xét quan niệm này liên hệ với một đức tính khác, đó là đức tính công bằng. Công bằng, như tôi đã nói, gồm cả sự giữ lời hứa. Người nào làm đám cưới trong nhà thờ cũng đều hứa một cách công cộng và long trọng rằng, mình sẽ sống với người bạn đời của mình cho đến chết. Bổn phận giữ lời hứa này không liên quan đặc biệt với đạo đức tính dục: lời hứa này cũng giống như bất cứ lời hứa nào khác. Nếu như những người tân thời luôn luôn nói, bản năng tính dục cũng giống như các bản năng khác thì nó cũng phải được đối xử như là những bản năng khác, và nếu sự chiều ý theo những bản năng này được kiểm soát bởi lời hứa, thì sự chiều ý theo bản năng tính dục cũng phải như vậy. Nếu như tôi nghĩ, bản năng tính dục không giống như những bản năng khác, nhưng mà bị kích thích một cách bệnh hoạn, thì chúng ta phải đặc biệt cẩn thận để nó không dẫn chúng ta đến sự bất chánh.
Có người có thể trả lời lý luận trên đây rằng anh em xem lời hứa trong nhà thờ chỉ là một hình thức, và không bao giờ có ý định để giữ lời hứa đó. Vậy chứ anh ta muốn lừa gạt ai khi anh ta hứa? Thượng Đế? Thật không khôn ngoan lắm đâu. Chính anh ta? Cũng không khôn ngoan hơn gì. Cô dâu, chú rễ, hay “sui gia”? Như vậy là bất chánh. Tôi nghĩ thường là hai người (hoặc một trong hai người) hy vọng họ có thể lừa dược công chúng. Họ muốn có đợc sự kính trọng của cuộc hôn nhân, nhưng lại không muốn trả giá cho sự kính trọng đó: nghĩa là họ là những kẻ lường gạt, họ lừa đảo.
Nếu họ hài lòng với những sự lừa đảo, tôi không có gì để nói với họ: ai lại muốn đem bổn phận cao quý và khó khăn của sự thánh khiết nói với những người mà chỉ có sự thành thật không thôi họ lại còn không muốn có? Nếu bây giờ họ có lương tâm, và muốn được thành thật, thì lời của họ đã hứa bắt buộc họ phải giữ. Bạn sẽ thấy là vấn đề này thuộc sự công bằng, chứ không phải thuộc sự thánh khiết nữa. Nếu người ta không tin vào hôn nhân vĩnh cửu, có lẽ tốt nếu họ sống với nhau mà không kết hôn, hơn là hứa rồi không muốn giữ lời. Sống với nhau mà không thành hôn họ sẽ phạm tội (dưới mắt người Cơ-đốc) gian dâm. Nhưng người ta không sửa chữa một lỗi bằng cách thêm vào một lỗi khác nữa: sự gian dâm không cải thiện được bằng cách thêm vào sự bội thề.
Ý tưởng “yêu nhau” được đưa ra như là lý do duy nhất để duy trì cuộc hôn nhân, thực sự không còn chỗ nào hết để cho thấy cuộc hôn nhân là một khế ước, hay là một sự hứa nguyện. Nếu tình yêu là tất cả thì lời hứa không thêm được gì hết; và nếu vậy, không nên có lời hứa. Điểm kỳ lạ là chính những người đang yêu, trong khi họ còn yêu nhau thật sự, biết điều này hơn là những người nói về tình yêu. Như Chesterton cho thấy, những người đang yêu có khuynh hướng tự nhiên ràng buộc chính mình bằng lời hứa hẹn. Những bản nhạc tình yêu trên thế giới đầy những lời thề thốt trung thành mãi mãi. Luật Cơ-đốc không ràng buộc vào tình yêu thương tha thiết một điều không quen thuộc với bản tính của chính nó: luật này đòi hỏi những người yêu nhau quan tâm thực sự đến điều mà tình yêu của họ bắt buộc họ phải làm.
Và dĩ nhiên là lời hứa, được hứa khi tôi đang yêu và vì tôi đang yêu, trung thành với người tôi yêu suốt đời tôi, cũng bắt buộc tôi trung thành, dù tôi có hết yêu đi nữa. Một lời hứa phải là về những gì tôi có thể làm, về hành động: không ai có thể hứa là mình sẽ tiếp tục cảm thấy như vậy mãi. Nếu vậy thì cũng giống như anh ta hứa là sẽ không bao giờ nhức đầu, hay là sẽ luôn luôn thay đổi. Nhưng người ta có thể hỏi, giữ hai người sống với nhau để làm gì, nếu họ không còn yêu nhau?
Có nhiều lý do chính đáng và liên quan đến xã hội; để bảo vệ người đàn bà (có lẽ bà đã hy sinh, hoặc là bị thiệt hại, nghề nghiệp của bà khi lập gia đình) để bà không bị ruồng bỏ khi người đàn ông thấy chán. Nhưng còn một lý do khác nữa tôi biết chắc, mặc dù tôi thấy hơi khó để giải thích.
Khó là vì nhiều người không nhận thấy rằng khi B tốt hơn C, A cũng có thể tốt hơn cả B nữa. Họ thích nghĩ đến sự tốt và xấu, chứ không nghĩ đến tốt, tốt hơn và tốt nhất, hay xấu, xấu hơn và xấu nhất. Họ muốn biết bạn có nghĩ lòng ái quốc là tốt hay không: nếu bạn trả lời rằng, dĩ nhiên lòng ái quốc tốt hơn lòng ích kỷ cá nhân nhiều, nhưng kém hơn lòng tự thiện đối với cả thế giới, và khi có xung đột giữa hai tình yêu này, lòng ái quốc nên nhượng bộ, họ nghĩ là bạn nói tránh một cách khéo léo. Họ hỏi bạn nghĩ gì về cuộc quyết đấu giữa hai người. Nếu bạn trả lời rằng tha thứ một người tốt hơn là quyết đấu với anh ta, nhưng sự quyết đấu có thể tốt hơn là lòng thù hằn suốt đời thể hiện trong những cố gắng thầm kín “hạ hắn ta”, họ lại than rằng bạn không trả lời thẳng. Tôi hy vọng là không ai phạm lỗi như vừa kể về những gì tôi sắp nói.
Điều mà chúng ta gọi “yêu nhau”, là một trình trạng rực rỡ và tốt cho chúng ta trên nhiều phương diện. Nó giúp chúng ta rộng lượng và can đảm, mở mắt chúng ta để thấy vẻ đẹp, không chỉ của người yêu, mà tất cả những cái đẹp khác, và làm cho tính dục của chúng ta đứng hàng phụ thuộc (nhất là lúc đầu); trong ý nghĩa đó, tình yêu là kẻ chinh phục vĩ đại của dục vọng. Không ai có sự hiểu biết lại chối cãi rằng ở trong tình trạng đang yêu thì tốt hơn là nhục dục thường tình hoặc có tính tự kỷ lãnh đạm. Nhưng, như tôi đã nói trước đây, “điều nguy hiểm nhất bạn có thể làm là lập một bản năng của bản tính chúng ta thành cái mà chúng ta phải theo với bất cứ giá nào”.
Ở trong tình trạng yêu nhau thì tốt, nhưng không phải là tốt nhất. Có nhiều điều thấp hơn tình trạng đó, mà cũng có nhiều điều cao hơn. Bạn không thể thấp hơn tình trạng đó, mà cũng có nhiều điều cao hơn. Bạn không thể lấy đó làm căn bản cho cả đời sống. Nó là một cảm xúc cao quý, nhưng cũng chỉ là một cảm xúc mà thôi. Không có cảm xúc nào có thể tồn tại với cường độ tối đa, hay là chỉ kéo dài không mà thôi. Kiến thức có thể tồn tại, nguyên tắc có thể tồn tại, thói quen có thể tồn tại; nhưng cảm xúc đến rồi đi. Thật ra, dù ai có nói gì đi nữa, tình trạng gọi là “yêu nhau” thường không kéo dài lâu. Nếu các câu chuyện thần thoại ngày xưa kết thúc bằng “Họ sống hạnh phúc mãi mãi về sau” có nghĩa là “họ cảm thấy suốt năm mươi năm sau đó giống như là họ cảm thấy vào cái ngày trước khi họ thành hôn”, thì có lẽ câu nói trên nói về một điều đã không bao giờ và sẽ không bao giờ có thật, và nếu có thì cũng không thích nghi.
Ai có thể sống trong tình trạng say mê như vậy được đến năm năm? Rồi việc làm, sự ăn uống, giấc ngủ, tình bạn của bạn sẽ ra sao? Nhưng dĩ nhiên, không còn ở tình trạng “phải lòng nhau” không có nghĩa là không còn yêu nhau nữa. Tình yêu theo nghĩa thứ hai này - tình yêu, khác với “sự phải lòng”, không phải chỉ là một cảm xúc. Đó là một sự hiệp một sâu xa, được giữ gìn bởi ý chí và được làm mạnh thêm bởi thói quen; được làm kiên cố thêm (trong hôn nhân Cơ-đốc) bởi ân điển mà cả hai người cùng cầu xin và nhận được từ Thượng Đế.
Họ có tình yêu này cho nhau dù ở những lúc họ không thích nhau; như bạn yêu chính bạn dù có khi bạn không thích chính bạn. Họ có thể giữ được tình yêu này dù có khi họ, nếu họ để chuyện này xảy ra, dễ dàng “phải lòng” một người nào khác. Sự phải lòng nhau ban đầu khiến họ hứa trung thành với nhau: tình yêu yên lặng hơn này giúp họ giữ lời hứa đó. Guồng máy hôn nhân chạy được bằng tình yêu này: sự phải lòng nhau là sự nổ máy để bắt đầu.
Dĩ nhiên nếu bạn không đồng ý với tôi, bạn sẽ nói “Ông ta không biết gì về vấn đề đó hết, ông ta không có lập gia đình”. Bạn có thể nói rất đúng. Nhưng trước khi nói như vậy, bạn hãy chắc là bạn xét đoán tôi bằng những gì bạn thực sự biết, từ kinh nghiệm cá nhân của bạn, và do sự quan sát đời sống bạn bè của bạn, chứ không phải từ những ý tưởng bạn có được từ sách vở hay phim ảnh. Điều này không phải dễ làm như người ta tưởng. Kinh nghiệm của chúng ta bị sai lạc nhiều bởi sách vở và kịch nghệ và phim ảnh, chúng ta cần sự kiên nhẫn và sự khéo léo để cởi gỡ những gì chúng ta học được ở đời để dùng cho chính chúng ta.
Thiên hạ lấy từ sách vở cái ý tưởng là nếu bạn đã lập gia đình với một người thật đúng cho bạn, bạn có thể hy vọng là cứ tiếp tục ở trong tình trạng “phải lòng” mãi mãi. Kết quả là, khi họ thấy không phải như vậy, họ nghĩ điều này chứng minh là họ đã sai lầm và được phép thay đổi - mà không nhận thấy, khi họ thay đổi, sự say đắm rồi cũng phai nhạt trong tình yêu mới giống như là đã chấm dứt trong tình yêu cũ.
Trên phương diện này của đời sống, cũng giống như mọi phương khác, sự rung động đến vào lúc ban đầu và không tồn tại. Sự rung động của một cậu bé khi nghĩ đến việc thi hành lần đầu tiên sẽ không còn nữa khi cậu gia nhập không quân, và thật sự học bay. Sự rung động bạn cảm thấy khi viếng thăm một nơi xinh đẹp lần đầu cũng mất hết khi bạn thực sự đến đó để sinh sống? Chắc hẳn là không.
Trong cả hai trường hợp, nếu bạn tiến tới, sự mất đi của cái rung động lúc đầu sẽ được đền bù bằng một sự thích thú yên lặng và lâu dài hơn. Hơn nữa (tôi khó thể tìm lời để cho bạn biết là tôi thấy điều này quan trọng đến thế nào), chính những người sẵn sàng chịu khuất phục sự mất mát của cảm xúc và ổn định với những sở thích có chừng mực hơn, là những người có thể dễ gặp những rung động mới ở đường hướng khác. Người học bay và trở thành một phi công giỏi sẽ thình lình khám phá ra âm nhạc; người về sống ở một nơi xinh đẹp khám phá ra sở thích làm vườn.
Tôi nghĩ đó là một phần nhỏ của Đấng Christ muốn nói khi Ngài nói rằng một vật không thực sự sống trừ khi chết trước hết. Không tốt chi để mà giữ lại sự rung động: đó là điều tệ nhất bạn có thể làm. Hãy để sự rung động mất đi - để cho nó chết đi - tiếp tục qua giai đoạn chết này để đi đến một sự thích thú và hạnh phúc yên lặng hơn sau đó - bạn sẽ thấy bạn sống trong một thế giới luôn luôn đầy những rung động mới mẻ. Nhưng nếu bạn quyết định lấy rung động làm món ăn chính thường xuyên và cố gắng để kéo dài những rung động này một cách giả tạo, thì chúng sẽ yếu dần đi, ít dần đi, rồi bạn sẽ là một ông già buồn phiền, giác ngộ suốt quãng đời còn lại của bạn.
Vì có rất ít người hiểu được điều này mà bạn thấy nhiều người đàn ông và đàn bà đang tuổi trung niên vẫn lang thang về thời thanh niên đã mất của họ, họ ở cái tuổi mà đáng lẽ chân trời mới nên xuất hiện và những cửa mới nên mở rộng chung quanh họ. Vui thú hơn biết bao để học bơi thay vì cứ tiếp tục (một cách tuyệt vọng) tìm lại cảm xúc vọc nước khi còn thơ ấu.
Một khái niệm khác chúng ta có được từ sách vở và kịch nghệ là “phải lòng” người nào đó là một chuyện không thể cưỡng lại được; một việc tự dưng xảy ra, giống như là bệnh ban vậy. Và vì họ tin như vậy, nhiều người đã lập gia đình, lại bỏ hết, và chịu thua khi họ thấy mình bị quyến rủ bởi một người quen mới. Tôi có ý nghĩ rằng những đam mê không cưỡng lại được đó hiếm có ở ngoài đời hơn trong sách vở, ít nhất là khi người ta đã trưởng thành.
Khi chúng ta gặp một người nào đó đẹp và khôn ngoan và dễ thông cảm, dĩ nhiên chúng ta, trong một mặt nào đó, nên mến phục những đức tính đó. Nhưng phải chăng là do sự chọn lựa của chúng ta một phần lớn là sự mến thương này trở thành cái mà chúng ta gọi là “phải lòng”? Không còn gì nghi ngờ hết nếu tâm trí chúng ta đầy dẫy những quyển tiểu thuyết, những vở kịch và những bản nhạc tình cảm, và có thể chúng ta đầy rượu, chúng ta sẽ biến bất cứ tình yêu nào thành loại tình yêu đó: cũng giống như là nếu con đường bạn đi có dấu xe lún xuống thì nước mưa sẽ chảy hết xuống đó vậy, và nếu bạn đeo kính màu xanh thì mọi vật bạn nhìn sẽ thành ra xanh. Nhưng đó sẽ là lỗi của chính chúng ta.
Trước khi chấm dứt vấn đề ly dị, tôi muốn được phân biệt hai điểm mà người ta lẫn lộn. Quan niệm Cơ-đốc đối với hôn nhân là một: điểm kia là một vấn đề khác hẳn - người Cơ-đốc, nếu họ là người bỏ phiếu hay Dân biểu, thì có nên cố gắng để bắt buộc cộng đồng còn lại chấp nhận quan điểm hôn nhân của họ, thí dụ bằng cách đặt để một điều khoản vào luật ly dị. Nhiều người nghĩ rằng, nếu bạn là một Cơ-đốc nhân, bạn nên làm sao để cho ly dị trở thành khó khăn cho mọi người. Tôi không nghĩ vậy, ít nhất tôi biết là tôi sẽ rất giận dữ nếu người Hồi giáo cấm chúng ta uống rượu nho.
Quan điểm riêng của tôi là Hội thánh nên thẳng thắn nhìn nhận rằng, phần đông người Anh không phải là người Cơ-đốc và vì vậy chúng ta không thể mong họ sống đời sống Cơ-đốc. Nên có hai loại hôn nhân khác nhau: một loại cai quản bởi Chính phủ với luật lệ áp dụng cho tất cả các công nhân, một loại khác cai quản bởi Hội thánh với luật lệ áp dụng cho các hội viên của Hội thánh. sự phân biệt này nên tỏ ra rõ ràng để người ta biết là cặp vợ chồng nào làm đám cưới theo ý nghĩa Cơ-đốc và ai là không.
Tôi đã nói nhiều về giáo lý Cơ-đốc đối với sự lâu bền của hôn nhân. Còn một điều nữa, càng ít có người thích, cũng cần phải được đề cập tới. Các bà vợ người Cơ-đốc hứa là vâng phục chồng mình. Trong hôn nhân Cơ-đốc người chồng được gọi là “đầu”. Có hai câu hỏi được nêu lên ở đây. (a) Tại sao phải có người làm đầu - tại sao không bình đẳng (b) Tại sao lại là người đàn ông?
(1) Sự cần thiết để có người làm đầu do ý tưởng rằng hôn nhân là sự lâu bền. Dĩ nhiên, nếu vợ chồng đồng ý nhau thì không có vấn đề làm đầu nữa; và chúng ta hy vọng đây là tình trạng bình thường của cuộc hôn nhân Cơ-đốc. Nhưng khi có sự bất đồng ý kiến thật, điều gì xảy ra? Dĩ nhiên là nói chuyện với nhau; nhưng tôi giả sử là họ đã làm như vậy mà vẫn không tiến tới sự đồng ý. Họ nên làm gì sau đó? Họ không thể quyết định bằng số đông. Chắc chắn là chỉ có điều này hay điều kia, trong hai điều sau đây, có thể xảy ra: hoặc là họ phải chia tay nhau, đường ai nấy đi, hoặc người này hay người kia bỏ phiếu quyết đinh. Nếu hôn nhân là bền lâu, người này hay người kia, như là phương sách cuối cùng, phải có quyền để quyết định chính sách gia đình. Bạn không thể có một sự kết hợp lâu dài mà không có sự tổ chức.
(2) Nếu cần phải có người làm đầu, thì tại sao là người đàn ông? Trước hết, có ước muốn thật sự nào là người đàn bà làm đầu không? Như tôi đã nói, tôi không có lập gia đình, nhưng theo tôi thấy thì dù cho người đàn bà có muốn làm chủ gia đình của chính bà đi nữa, bà không khâm phục tình trạng như vậy ở bên láng giềng. Có lẽ bà sẽ nói: “Tội nghiệp ông X ! Không biết sao ông ta lại để cho người đàn bà đáng sợ này chỉ huy ông ta như vậy, tôi thật không tưởng tượng được”. Tôi không nghĩ bà sẽ thấy khoái trá nếu có ai nhắc rằng bà là “chủ” gia đình của chính bà. Có cái gì không được tự nhiên về việc vợ cầm quyền trên chồng, vì các bà vợ vừa thấy xấu hổ vừa khinh rẻ các ông chồng mà mình chỉ huy.
Nhưng còn có một lý do khác nữa; và ở đây tôi nói một cách thẳng thắn như là một người đàn ông không vợ, vì đây là lý do mà bạn có thể thấy rõ từ bên ngoài hơn là từ bên trong. Mối liên hệ của gia đình với thế giới bên ngoài, cái mà có thể gọi là chính sách ngoại vụ - phải tùy vào người đàn ông, như là phương sách sau cùng, vì người đàn ông thường nên, và thường là, công bằng với người ngoài hơn. Người đàn bà, trên hết, tranh đấu với thế giới bên ngoài cho con cái và chồng mình. Quyền lợi của chồng con bà là trên hết, đàn áp hết tất cả các quyền lợi khác, trong một ý nghĩa đó là điều tự nhiên và đúng. Bà là người tín cẩn đặc biệt đối với quyền lợi của họ. Nhiệm vụ của người chồng là để xem xét sự ưa thích tự nhiên này của bà không đi quá xa.
Ông có quyền quyết định để bảo vệ người khác đối với lòng yêu mến gia đình mạnh mẽ của bà vợ. Nếu có ai nghi ngờ điều này xin cho tôi hỏi một câu hỏi đơn giản. Nếu con chó của bạn cắn đứa bé bên cạnh, hoặc nếu đứa con của bạn làm con chó bên cạnh bị thương, bạn muốn gặp ai để giải quyết vấn đề, ông chủ hay bà chủ gia đình đó? Hoặc, nếu bạn là người đàn bà có chồng xin cho tôi hỏi câu này. Mặc dù bạn mến phục chồng bạn nhiều, có phải bạn nghĩ rằng nhược điểm của ông là khuynh hướng không bênh vực quyền lợi của ông và bạn đối với láng giềng một cách mạnh bạo như bạn muốn không? Ông có vẻ như là Người Khuyên Giải phải không?
bottom of page