top of page
Hung Tran
Apr 17, 2024
Tôi muốn nói rằng là Thượng Đế tạo dựng chúng ta, yêu thương săn sóc chúng là là như vậy Ngài là Cha chúng ta...
PHẦN BỐN - VƯỢT QUÁ NHÂN CÁCH TÍNH: CÁC BƯỚC ĐẦU CỦA GIÁO LÝ BA NGÔI
4.1 LÀM RA VÀ SANH RA
Ai...
...cũng bảo tôi đừng viết những gì tôi định viết trong chương sách sau cùng này. Ai cũng nói “người đọc bình thường không muốn biết về thần học đâu: hãy nói về tôn giáo thực dụng và giản dị”. Tôi không theo lời khuyên của họ. Tôi không nghĩ rằng một người đọc bình thường lại ngu xuẩn như vậy. Thần học có nghĩa là “khoa học về Thượng Đế” và theo tôi ai nghĩ đến Thượng Đế cũng đều muốn biết những điều rõ ràng và chính xác về Ngài. Bạn không phải là con trẻ, tại sao phải bị đối xử như con trẻ?
Trên một phương diện tôi cũng hiểu tại sao một số người không thích Thần học. Tôi cũng còn nhớ khi tôi thuyết trình cho Không Quân Hoàng Gia Anh. Một số sĩ quan lớn tuổi và từng trải đã đứng lên nói rằng: “Tôi không thích nghe những điều đó. Nhưng ông biết không, tôi cũng là một người sùng đạo. Tôi biết có Thượng Đế. Tôi đã cảm biết Ngài ở giữa sa mạc một mình vào một buổi tối: đó là một điều bí ẩn vô cùng. Và vì vậy tôi không tin ở lý thuyết và công thức nói về Ngài. Đối với những ai đã gặp cái gì thật, lý thuyết thì dài dòng, nhỏ nhắm và giả tạo làm sao!”
Tôi đồng ý với ông này trên một quan điểm nào đó. Tôi nghĩ rằng ông ta đã có kinh nghiệm thật về Thượng Đế ở sa mạc. Rồi khi ông ta đối chiếu kinh nghiệm đó với giáo điều Cơ-đốc, ông ta đối chiếu một điều thật với một điều không được thật như vậy.
Cũng giống như một người đã nhìn biển Đại Tây Dương rồi nhìn lên bản đồ Đại Tây Dương, ông ta cũng đi từ một cái gì có thật đến một cái gì không được thật như vậy; nhìn sóng biển thật thay vì một miếng giấy màu. Nhưng điều tôi muốn nói là thế này. Bản đồ đúng là giấy màu, nhưng có hai điều bạn nên chú ý. Điểm thứ nhất là bản đồ này đã do hàng trăm hàng ngàn người đã khảo sát biển Đại Tây Dương rồi vẽ ra.
Vì vậy nói cũng do kinh nghiệm thật mà ra, cũng giống như kinh nghiệm của bạn đã đứng ở biển Đại Tây Dương vậy. Chỉ có khác là kinh nghiệm của rất nhiều người. Điểm thứ hai là bạn cần bản đồ nếu muốn đi đến một địa điểm nào đó. Nếu bạn chỉ muốn đi dạo trên bờ biển thì đi đến đó để nhìn thú vị hơn là dùng bản đồ. Nhưng nếu bạn muốn đi đến nước Mỹ thì bản đồ cần hơn là đi dạo trên biển.
Thần học cũng giống như bản đồ vậy. Chỉ học biết và suy gẫm về giáo lý Cơ-đốc rồi thôi, thì hẳn là không thú vị bằng kinh nghiệm mà người bạn tôi đã có được trong sa mạc. Giáo lý không phải là Thượng Đế, nhưng mà giống như một loại bản đồ vậy. Nhưng bản đồ này dựa trên kinh nghiệm của hàng trăm người đã có mối liên hệ với Thượng Đế - so với kinh nghiệm này những gì chúng ta cảm nhận được thì chắc là sơ bản và lộn xộn hơn. Hơn nữa, nếu muốn đi xa hơn bạn cần có bản đồ.
Bạn có thấy không, điều đã xảy ra cho ông bạn tôi trong sa mạc có thể có thật đấy, và rất cảm động, nhưng không tác dụng gì hơn nữa. Không đưa đến đâu hết. Không cần làm gì hết. Thật ra vì vậy mà một tôn giáo mơ hồ - như những cảm nghĩ về Thượng đế trong thiên nhi ên v.v... - rất hấp dẫn. Gây khích động thật đó nhưng không có tác dụng gì nhiều, giống như nhìn sóng biển. Nhưng bạn không đến được Đất Mới bằng cách học về Đại Tây Dương như vậy, cũng như bạn không thể có sự sống đời đời bằng cách cảm thấy sự hiện diện của Thượng Đế qua bông hoa hay âm nhạc. Bạn cũng không đi đến đâu hết khi chỉ nhìn bản đồ mà không ra biển cả. Mà nếu ra biển mà không có bản đồ thì càng không an toàn.
Nói một cách khác, Thần học thì thực tế, nhất là cho thời kỳ hiện tại. Ngày xưa, nền giáo dục và sự thảo luận không được mở rộng thì một vài lý tưởng giản dị về Thượng Đế cũng đủ, nhưng bây giờ thì không được. Bây giờ ai cũng đọc sách và nghe người ta thảo luận. Vì vậy, nếu bạn không biết về Thần học, không có nghĩa là bạn không có ý niệm gì về Thượng Đế.
Nhưng có nghĩa rằng bạn có nhiều ý niệm sai lầm - xấu, lộn xộn và cổ thời. Bởi vì có nhiều ý niệm mà các nhà thần học đã xem qua ở các thế kỷ trước và gạt bỏ. Tin vào tôn giáo hiện đại của nước Anh tân thời là thụt lùi, giống như tin rằng trái đất là mặt phẳng.
Khi xét kỹ, phải chăng Cơ-đốc giáo mà nhiều người muốn tin là thế này: Jêsus Christ là bậc thầy đạo đức vĩ đại và nếu theo lời dạy của Ngài thì chúng ta có thể tạo dựng một xã hội trật tự hơn và tránh được một cuộc chiến tranh khác? Nói thật với bạn, điều này cũng đúng nó. Nhưng điều này không cho biết hết lẽ thật của Cơ-đốc giáo và cũng không quan trọng chút nào hết.
Đúng là nếu chúng ta theo lời dạy của Đấng Christ thì chúng ta sẽ sống trong một thế giới hạnh phúc hơn. Bạn không cần đi xa như Đấng Christ. Nếu chúng ta làm hết những gì Plato hay Aristotle hay Khổng tử dạy, thì chúng ta cũng khá lắm. Nhưng rồi sao? Chúng ta đã không theo lời dạy của những bậc thầy tốt. Tại sao bây giờ chúng ta lại bắt đầu làm như vậy? Tại sao chúng ta có thể theo Đấng Christ hơn những bậc khác? Bởi vì Ngài là bậc thầy cao hơn? Những điều này có thể làm chúng ta khó theo hơn.
Nếu chúng ta không nhận lấy những bài học căn bản thì có lẽ nào chúng ta muốn học những bài cao hơn? Nếu Cơ-đốc giáo chỉ có nghĩa là một lời khuyên tốt hơn một chút, thì Cơ-đốc giáo không quan trọng chi hết. Bốn ngàn năm nay chúng ta không thiếu những lời khuyên tốt. Một lời khuyên khác cũng không thay đổi được gì hết.
Nhưng nếu bạn đọc những bài nói về Cơ-đốc giáo thật bạn thấy họ nói khác hơn những gì tôi đã nói ở trên. Họ nói Đấng Christ là Con của Thượng Đế (dù điều này có nghĩa gì đi nữa). Họ nói rằng những người tin nhận Ngài cũng có thể trở thành Con cái Thượng Đế (dù điều này có nghĩa gì đi nữa). Họ nói rằng cái chết của ngài cứu chúng ta khỏi tội (dù điều này có nghĩa gì đi nữa).
Có than rằng những câu nói trên đây khó hiểu cũng không ích lợi gì. Cơ-đốc giáo cho rằng một thế giới khác được đề cập đến, và thế giới này ở đàng sau cái thế giới mà ta có thể sờ, nghe và thấy được. Bạn có cho rằng Cơ-đốc giáo nói như vậy là không đúng; nhưng nếu đúng thì thế nào cũng khó hiểu, giống như vật lý tân thời khó hiểu với cùng một lý do.
Cái điểm làm cho chúng ta thấy khó nhất là Cơ-đốc giáo cho rằng nếu chúng ta dính liền với Đấng Christ, chúng ta có thể “trở thành con Thượng Đế”. Có người hỏi “vậy chúng ta đã không là con cái của Thượng Đế hay sao” Ý niệm Thượng Đế là cha không phải là một trong những giáo điều chính yếu của Cơ-đốc giáo hay sao? “Vâng, trên một khía cạnh nào đó, chúng ta thật là con cái của Thượng Đế rồi đó.” Tôi muốn nói rằng là Thượng Đế tạo dựng chúng ta, yêu thương săn sóc chúng là là như vậy Ngài là Cha chúng ta. Nhưng khi Kinh Thánh nói rằng chúng ta “trở thành” Con cái Thượng Đế chắc là Kinh Thánh muốn nói đến một điều khác hơn. Và điều này dẫn chúng ta đến trọng tâm của Thần học.
Chữ begetting hay begotten ngày nay ít dùng, nhưng ai cũng hiểu. Beget (hay sanh ra) là trở thành cha, còn làm ra là tạo nên. Sự khác biệt là thế này. Khi sanh ra, là sanh ra cái gì cùng một giống. Một người sanh ra trẻ sơ sanh, con hải ly sanh ra hải ly con và con chim đẻ trứng nở thành chim. Nhưng khi làm ra cái gì đó thì không cùng giống. Con chim làm cái tổ, con hải ly làm cái đập, con người làm máy thu thanh, hay nắn cái tượng giống như anh ta. Nếu anh ta khéo tay thì cái tượng này có thể giống anh ta lắm. Nhưng dĩ nhiên cái tượng này không phải là người thật, chỉ giống hình dáng thôi. Nó không thở được hay suy nghĩ được. Nó không có sự sống.
Đó là điểm đầu tiên phải hiểu rõ ràng. Thượng Đế sanh ra Thượng Đế cũng giống như con người sanh ra con người. Nhưng những gì Thượng Đế làm ra không phải là Thượng Đế cũng như con người không làm ra con người. Vì vậy con ngươi không là con của Thượng Đế như Đấng Christ là con Thượng Đế. Họ có thể giống Thượng Đế trên một vài khía cạnh nào đó, nhưng không thuộc cùng một giống. Họ giống như hình ảnh hay pho tượng của Thượng Đế.
Một pho tượng thì có hình thể con người nhưng không có sự sống. Cũng như vậy, con người có “hình thể” giống như Thượng Đế nhưng không có sự sống mà Thượng Đế có. Trước hết hãy xét cái điểm con người giống Thượng Đế. Những gì Thượng Đế làm ra thì có cái gì đó giống Ngài. Thí dụ không gian giống Ngài ở chổ là nó vĩ dại: mặc dù sự vĩ đại nầy không giống như sự vĩ đại của Thượng Đế, nhưng có thể dùng để tượng trưng cho sự vĩ đại của Thượng Đế.
Vật chất cũng giống Thượng Đế vì có năng lượng, mặc dù năng lượng vật lý khác với quyền năng Thượng Đế. Thế giới thảo mộc giống Thượng Đế vì có sự sinh động và Ngài là Thượng Đế “hằng sống“. Nhưng sự sống của sinh vật không giống như sự sống của Thượng Đế mà chỉ là hình dáng hay hình bóng của sự sống này mà thôi. Khi nói về thú vật, thì cũng có những sự tương tự giống như vậy. Hoạt động và sự sanh nở mạnh mẽ của loài côn trùng cho thấy một phần nào sự hoạt động không ngừng của Thượng Đế.
Ở những loài thú cao hơn chúng ta thấy có những cảm xúc thiên nhiên. Mặc dù cảm xúc này không giống với tình yêu của Thượng Đế nhưng cũng có thể cho là giống - như một bức tranh vẽ trên giấy có thể thấy “giống” như mô hình. Khi nói về con người thì chúng ta thấy giống Thượng Đế hơn hết. (Có thể có những loài sinh vật khác giống Thượng Đế hơn con người nhưng chúng ta không hề viết về những loài này).
Con người không những có sự sống động nhưng còn yêu thương và lý luận ở con người sự sống sinh vật đã đạt mức tột đỉnh.
Nhưng trong tình trạng tự nhiên thì con người không có được sự sống Thuộc linh - một sự sống cao hơn và cũng khác hơn, là sự sống mà Thượng Đế có. Chúng ta dùng cùng một chữ sự sống cho cả hai: nhưng nếu bạn nghĩ là hai sự sống này giống nhau, thì cũng không khác gì cho rằng cái “vĩ đại” của không gian giống sự “vĩ đại” của Thượng Đế.
Trên thực tế, sự khác biệt giữa sự sống sinh vật và sự sống thuộc linh quan trọng đến nỗi tôi sẽ đưa ra hai cái tên khác nhau. Sự sống sinh vật mà chúng ta có được một cách tự thiên nhiên và giống như những gì trong thiên nhiên, sẽ càng ngày càng hư hao, mục nát, và cần phải có sự yểm trợ của những chất như không khí, nước, đồ ăn...mà tôi gọi là Bios.
Sự sống thuộc linh ở trong Thượng Đế từ cõi đời đời mà bởi đó vạn vật được làm ra tôi gọi là Zoe . Bios là hình bóng của Zoe , nhưng sự giống nhau chỉ có thể được so sánh như là bức ảnh và cảnh thật, hay pho tượng và con người thật. Một người đang có Bios muốn đổi để có Zoe cũng phải thay đổi giống như là một pho tượng bằng đá mà muốn trở thành con người thật.
Đó là ý nghĩa của Cơ-đốc giáo. Thế giới này như là một cửa tiệm điêu khắc. Chúng ta là những pho tượng, và có tin đồn rằng một số trong chúng ta một ngày nào đó sẽ thành người thật.
bottom of page