top of page

1. Toàn Cảnh

Hung Tran

Apr 29, 2024

Nén chặt vào một lãnh thổ rộng không quá 50 dặm (80 km) và dài không quá 150 dặm (240 km) là những đỉnh núi phủ tuyết quanh năm và một thung lũng...

Phần một: Tổng Quan Xứ Thánh.



Toàn Cảnh.



Chỉ...

...nhìn bằng đôi mắt tò mò của những du khách lần đầu tiên đến đây, xứ thánh là một vùng đất kỳ lạ với những nét tương phản ngoạn mục. Chính Chúa gọi đây là “đất mà ta đã tìm sẵn cho chúng nó, tức là đất đượm sữa và mật ong, vinh hiển nhất trong các đất ” (Exe Ed 20:6). Ở chỗ khác nó được gọi là “xứ tốt tươi” (PhuDnl 8:7), “đất vinh hiển” (DaDn 8:9, 11:16), “đất vui thích” (MaMl 3:12), “đất tốt đẹp” (Thi Tv 106:24, cf. OsHs 9:13), và “một đất tốt, cơ nghiệp quý giá của cơ binh các nước” (Gie Gr 3:19).

Nén chặt vào một lãnh thổ rộng không quá 50 dặm (80 km) và dài không quá 150 dặm (240 km) là những đỉnh núi phủ tuyết quanh năm và một thung lũng (depression) sâu đến nỗi nó có đủ những đặc trưng của vùng đất thấp nhất trên địa cầu. Phía tây của vùng đất nầy là vùng duyên hải Địa Trung Hải, và phía đông là vùng sa mạc A-ra-bi-a. Những thung lũng phì nhiêu của xứ Ga-li-lê tương phản với vùng núi non lởm chởm tại Negev.


Trong các chương 1-3 chúng ta sẽ xem xét vùng đất của Kinh Thánh trước hết như một toàn thể và sau đó sẽ xem xét từng phần, từ tây sang đông và từ nam lên bắc. Những miền đất khác nhau nầy có thể được quan sát từ góc độ các vai trò riêng biệt mà chúng đảm nhiệm trong lịch sử cứu chuộc.


Toàn cảnh xứ thánh: Vùng đất như một toàn thể

Đất đai” như một yếu tố có ý nghĩa thần học bắt đầu từ “Địa đàng” (Paradise). Vườn Ê-đen nguyên thủy thể hiện sự hoàn hảo của ơn phước mà Đức Chúa Trời ban cho con người vừa được sáng tạo làm nơi cư ngụ. “Mảnh đất” nguyên thủy nầy cung ứng dư dật cho việc duy trì sự sống và là không gian cư trú thoải mái. Tại “vùng đất” được gọi là “địa đàng” nầy con người có thể phục vụ Đức Chúa Trời và tìm thấy mục đích đầy ý nghĩa cho cuộc đời.


Do việc ly khai khỏi Đức Chúa Trời gây ra bởi sự cố ý phản loạn của họ, người nam và người nữ đầu tiên chợt thấy chính mình bị đuổi ra khỏi vùng đất phước hạnh nầy. Khi con người sa ngã lưu lạc trên đất, sự xa cách của con người khỏi thế giới quanh mình như được tăng cường mọi chỗ. Môi trường của con người đã trở thành kẻ thù của chính mình. Chông gai và tật lê mọc dày đặc khắp nơi.


Nhưng một lời hứa thiên thượng đem lại cho con người hy vọng. Có một “vùng đất”, vùng đất đượm sữa và mật. Một nơi nào đó phía trước mà con người có thể tìm thấy vùng đất ấy, vì Đức Chúa Trời đã dự định cứu chuộc con người khỏi lời rủa sả, cho con người được trở lại vùng đất phước hạnh mà mình đã đánh mất.


Tia hy vọng nầy được diễn đạt cụ thể trong lời hứa đối với Áp-ra-ham. Bằng một hành động tối cao của đức tin, vị Tổ phụ từ bỏ vùng đất của cha ông mình và trở nên một lữ khách lang thang, luôn luôn di chuyển về phía “vùng đất” mà Đức Chúa Trời đã hứa.



Cảnh đời kiều ngụ của ông là một bức tranh hoàn hảo về hành trình đến địa đàng mà những người được cứu chuộc phải trải qua. Con người phải rời bỏ môi trường quen thuộc của chính mình và ra đi với đức tin vào lời hứa cứu chuộc của Đức Chúa Trời, hướng về một vùng đất đã được định sẵn trên thế giới.


Áp-ra-ham đến được vùng đất ấy nhưng ông chưa bao giờ sở hữu nó. Ông tận mắt thấy nơi chốn của sự khôi phục đã được hứa hẹn, nhưng ông chết và chẳng có gì hơn ngoài một khu nghĩa địa gia đình (SaSt 23:17-20). Kinh nghiệm cả một đời người buộc ông phải nhìn xa hơn hoàn cảnh hiện sống tạm thời để hướng về “một thành có nền vững chắc, mà Đức Chúa Trời đã xây cất và sáng lập”(HeDt 11:10).


Đối với Môi-se và những người thuộc thế hệ ông, Đức Chúa Trời làm mới lại lời hứa khôi phục vùng đất. Ở phía bên kia sa mạc, một vùng đất đượm sữa và mật đang chờ đợi họ. Nhưng Môi-se và những người đồng thời lang thang trong sa mạc Si-na-i suốt bốn mươi năm, và Môi-se đã chết trong đức tin, không nhận lãnh được lời đã hứa (11:39).



Dưới quyền thống lĩnh của Giô-suê dân chúng chinh phục vùng đất, nhận lãnh được một kiểu mẫu giới hạn của địa đàng mà Đức Chúa Trời đã hứa. Nhưng việc lãnh thổ nầy không phải là địa đàng tối hậu đã nhanh chóng trở nên hiển nhiên. Những người Ca-na-an chưa bị đánh bại cứ làm những “con ong lỗ” để nhắc nhở Y-sơ-ra-ên về tình trạng chưa hoàn hảo của chính nó, cũng như những giới hạn của chính vùng đất; vì làm sao có thể thực hiện được việc quay về vùng đất địa đàng với bản lĩnh đầy đủ mà dân chúng lại thiếu sự thánh khiết trọn vẹn được chứ? Tuy qua bài học trực quan rộng lớn đó tức là vùng đất của người Ca-na-an, mỗi thế hệ kế tiếp nhau học biết cách sống trong hy vọng, họ vẫn chưa sở hữu được lời hứa theo ý nghĩa đầy đủ nhất của nó.


Hình ảnh về tình trạng đơm hoa kết trái tương xứng với địa đàng không đạt đến hiện thực đầy trọn mãi cho đến kỷ nguyên quân chủ thống nhất của Y-sơ-ra-ên. Vị vua được xức dầu cai trị trên toàn vùng đất, và dân cư của vua vui hưởng những phước hạnh của sự thịnh vượng. Cuối cùng, dưới triều Sa-lô-môn, Y-sơ-ra-ên sở hữu vùng đất từ Ơ-phơ-rát đến biên giới Ai-cập, như Đức Chúa Trời đã hứa từ ban đầu với Áp-ra-ham (SaSt 15:18, XuXh 23:31, IVua 1V 4:21, 8:65, IISu 2Sb 9:26). Cảnh thái bình và thịnh vượng dưới thời trị vì của Sa-lô-môn được mô tả như một tình trạng mà trong đó mỗi người ngồi “dưới cây nho và cây vả mình” (IVua 1V 4:25), một bức tranh hòa hợp lý tưởng giữa vòng con người, Đức Chúa Trời của con người, và môi trường của con người. Các nhà tiên tri mở rộng chính hình ảnh địa đàng nầy thành một tương lai xa, nói đến ngày mà mọi người đều ngồi hưởng cảnh thanh bình dưới cây nho và cây vả mình (MiMk 4:4, XaDr 3:10).


Nhưng nền quân chủ thống nhất không phải là một tình trạng hoàn hảo, và nó không thể kéo dài mãi mãi. Sau thời Sa-lô-môn, dòng dõi Đa-vít, dự báo nền trị vì của “Đấng Mê-si-a” của Y-sơ-ra-ên, chỉ còn tiếp tục ở vương quốc Giu-đa. Dù vậy, nó kéo dài được bốn trăm năm, tỏ ra là một trong những đế chế lâu bền nhất trong lịch sử nhân loại. Nhưng vì con dân Chúa cứ ghì mài trong tội lỗi, và vì giao ước cũ có tính chất tiên báo về phước hạnh tương lai, bức tranh về một địa đàng được khôi phục, rốt lại cũng đã đến hồi kết thúc.


Đất đai hoang tàn, dân cư bị lưu đày. Liên tục bất chấp luật pháp Đức Chúa Trời, họ đi đến chỗ đáng sợ là lo-ammi, nghĩa là “không- phải- dân- ta” (OsHs 1:9). Vùng đất phì nhiêu mang dáng dấp của một sa mạc, một nơi ở cho chó rừng, chim cú và bò cạp. Dân chúng bị kéo đi bằng xiềng đến địa bàn cổ xưa của tổ phụ mình, bị buộc phải quay lại với kỷ nguyên trước khi lời kêu gọi của Chúa đến với Áp-ra-ham. Địa đàng, ngay cả dưới hình thức hình bóng của giao ước cũ, cũng bị tước mất khỏi họ.


Tuy nhiên, ngược lại với một ấn tượng sai lầm phổ biến, lịch sử của giao ước cũ không chấm dứt với cuộc lưu đày. Con dân Đức Chúa Trời không bị bỏ lại bên ngoài vùng đất đó. Thay vào đó họ trở về với Đất Hứa trước khi bức màn phủ xuống phần cuối của kỷ nguyên giao ước cũ. Đối với họ việc quay về là một kiểu phục sinh từ cõi chết, làm mới lại sự sống họ đã mất. Khải tượng của Ê-xê-chi-ên về trũng xương khô sống lại dự báo sự khôi phục Đất Hứa, và cũng đem lại khải tượng về sự phục sinh từ cõi chết. Đức Chúa Trời sẽ thở hơi sự sống vào trong các xương cốt khô kia (Exe Ed 37:4-6). Những người bị tản lạc sẽ trở lại với sự sống. Họ sẽ trở về vùng đất đó, vì Chúa đã tuyên bố,


Hỡi dân Ta, nầy, Ta sẽ mở mồ mả các ngươi, làm cho các ngươi lại lên khỏi mồ mả, và Ta sẽ đem các ngươi về trong đất của Y-sơ-ra-ên: Hỡi dân Ta, các ngươi sẽ biết Ta là Đức Giê-hô-va, khi Ta đã mở mồ mả các ngươi, và làm cho các ngươi lại lên khỏi mồ mả: Ta sẽ đặt Thần Ta trong các ngươi, và các ngươi sẽ sống: Ta sẽ lại lập các ngươi trong đất riêng của các ngươi; rồi các ngươi sẽ biết rằng Ta, Đức Giê-hô-va, sau khi hứa lời ấy thì đã làm thành, Đức Giê-hô-va phán vậy: (37:12-14)


Phần bé nhỏ của “vùng đất” mà Y-sơ-ra-ên quay về để sở hữu sau chuyến lưu đày Ba-by-lôn là rất nhỏ nhoi so với phần lãnh thổ mở rộng dưới thời Sa-lô-môn năm trăm năm trước. Chưa đầy năm mươi ngàn người quay về để dự phần trong sự phục hồi “vinh hiển” nầy, một con số rất nhỏ so với cả triệu người hoặc hơn đã cùng Môi-se ra khỏi Ai-cập. Những người già cả hơn là những người có thể nhớ lại sự vinh hiển của đền thờ Sa-lô-môn bật khóc khi họ thấy nền móng khiêm tốn của đền thờ được khôi phục (Exo Er 3:2). Đây không thể là địa đàng được!


Không, không phải đâu.


Nhưng chuyến hồi hương về lại “vùng đất” và việc tái thiết đền thờ chỉ ra con đường đi. Những sự kiện nầy không chỉ miêu tả việc hồi hương mà còn là sự hồi sinh, sự phục sinh từ cõi chết, tiên báo sự khôi phục hoàn toàn con dân của Đức Chúa Trời.


Năm trăm năm trước khi Đấng Christ đến, các tiên tri của thời kỳ khôi phục nầy đã tiên báo những ơn phước đến trên vùng đất nầy. Giê-ru-sa-lem sẽ là một thành phố không có tường thành, dù vậy một bức tường lửa sẽ bao quanh nó (XaDr 2:4-5). Vinh hiển của đền thờ bé nhỏ nầy sẽ lớn hơn kiến trúc đền thờ thời Sa-lô-môn, và sự giàu có của mọi quốc gia sẽ chảy về đó (AgKg 2:9).


Tất cả đều là ngôn ngữ biểu tượng (hyperbolic) - vậy thì điều đó có ý nghĩa gì?


Điều đó có nghĩa là Đức Chúa Trời có một điều gì đó tốt hơn. Những hoàn cảnh tốt hơn cái tốt nhất có thể tưởng tượng ra được dưới những giới hạn hiện tại của vũ trụ sẽ đặc trưng cho những phước hạnh của tương lai. Lời hứa về vùng đất sẽ được ứng nghiệm không bởi điều gì kém hơn một địa đàng được khôi phục. Như Ê-sai nói tiên tri trước đó, chó sói sẽ nằm chung với cừu con, và một đứa trẻ sẽ dẫn chúng đi (EsIs 11:6). Tội lỗi và sự sầu khổ sẽ không còn cai trị, và chông gai cũng không lan tràn mặt đất nữa.



Khi Đấng Christ thực sự đến, góc nhìn của Kinh Thánh về “vùng đất” đã trải qua những thay đổi triệt để. Quan sát cách thức những nhà lãnh đạo Do-thái và Hê-rốt đối xử với Giăng Báp-tit, Đức Chúa Giê-xu có chiến lược mở màn chức vụ của Ngài tại Ga-li-lê của Dân Ngoại, tại Ca-bê-na-um, “bên bờ biển” (Mat Mt 4:12-16, EsIs 8:23-9:1). Chẳng phải vô cớ mà Chúa đã chỉ cho Áp-ra-ham thấy rằng ông phải định cư trên giải đất hẹp nối liền ba lục địa nầy. Trải qua hàng ngàn năm lữ khách từ Châu Phi đến Châu Âu, từ Châu Á đến Châu Phi đều đi dọc theo via maris , “con đường bên mé biển”. Họ đi ngang qua ngay tại địa bàn Ca-bê-na-um, và họ tiếp tục đi qua đó trong thời Đức Chúa Giê-xu. Qua việc đăng quang chức vụ công khai của Ngài tại Ga-li-lê của Dân Ngoại dọc theo con đường thương mại quốc tế chính yếu, Đức Chúa Giê-xu đã đưa ra một tuyên ngôn. Vùng đất nầy sẽ đóng vai trò một bàn đạp để đến mọi quốc gia. Vương quốc của Đức Chúa Trời là một lãnh thổ vượt xa hẳn vùng biên giới cổ xưa của Y-sơ-ra-ên. Như Phao-lô đã nhận định một cách sắc bén, lời hứa của Áp-ra-ham từ góc nhìn của giao ước mới có nghĩa rằng ông sẽ là người thừa kế vũ trụ, “lấy thế gian làm cơ nghiệp” (RoRm 4:13). Mọi quốc gia, mọi vùng đất, và mọi dân tộc sẽ kinh nghiệm những ơn phước của nền cai trị nhân từ nầy.


Những hàm ý cơ bản trong việc Đức Chúa Giê-xu định hướng chức vụ mình đến toàn thế giới chứ không giới hạn trong vùng đất Ca-na-an cần phải được cảm nhận đầy đủ. Bằng cách đặt góc nhìn nầy lên chức vụ mình, Đức Chúa Giê-xu đã mở đường để “bóng” của giao ước cũ được thay thế bằng “hình” của giao ước mới. Hình ảnh việc trở về một “vùng đất” đượm sữa và mật được tập trung trên một sự hồi sinh bao trùm toàn bộ trật tự sáng tạo của Đức Chúa Trời. Không chỉ xứ Ca-na-an được hưởng lợi ích trong việc thiết lập vương quốc của Đấng Mê-si-a, mà toàn thế giới sẽ vui hưởng sự đổi mới do tính chất tươi mới của sự sống nầy mang lại.



bottom of page