top of page

3. Từ Nam Lên Bắc

Hung Tran

Apr 27, 2024

Vì vậy bây giờ xin mời xem tiếp vùng đất của Kinh Thánh bằng cách di chuyển từ ranh giới phía nam hướng về biên giới phía bắc của nó...



Phần một: Tổng Quan Xứ Thánh.



Vùng đất từ Nam đến Bắc.


Xem...

...xét vùng đất từ một góc nhìn khác có thể cung cấp những hiểu biết mới mẻ về ý nghĩa của các đặc trưng đa dạng cho các kế hoạch và mục đích của Đức Chúa Trời. Dù vậy vì cũng vẫn là vùng đất đó, góc nhìn thứ hai nầy chỉ bổ túc cho phần tổng quan trước đây. Vì vậy bây giờ xin mời xem tiếp vùng đất của Kinh Thánh bằng cách di chuyển từ ranh giới phía nam hướng về biên giới phía bắc của nó.


Ai-cập


Nằm bên ngoài nhưng lại gắn liền với lịch sử của vùng đất đó là Ai-cập , nơi khởi đầu của quốc gia Y-sơ-ra-ên. Trước khi các tổ phụ đi xuống miền nầy, Đức Chúa Trời đã bảo Áp-ra-ham phải trông đợi điều gì. Trong hơn bốn trăm năm, dòng dõi ông sẽ bị đàn áp dưới những bàn tay ngoại bang trong khi Đức Chúa Trời bày tỏ lòng kiên nhẫn của Ngài đối với dân cư Ca-na-an thoái hoá (SaSt 15:13, 16). Khi thời điểm giải phóng đến gần, những hành động của Pha-ra-ôn Ai-cập đượm tính chất quỷ quyệt. Những dấu kỳ dối trá của ông, việc ông sát hại trẻ em, lòng cứng cỏi kiêu hãnh và không khuất phục của ông đối với các mục đích tốt đẹp của Đức Chúa Trời cho thấy ông là công cụ của Sa-tan, kẻ thù lâu đời của Đức Chúa Trời. Nhưng bị đánh tơi tả qua các dịch lệ liên tục và rồi bị đánh gục bởi thiên thần sự chết do Đức Chúa Trời sai đến, Pha-ra-ôn mềm lòng đủ lâu để cho con dân của Đức Chúa Trời ra đi. Sự ăn năn của ông tỏ ra không thành thật khi quân đội ông đuổi theo dân Y-sơ-ra-ên đến tận bờ biển, chỉ để được trả lời bởi một sự sỉ nhục cuối cùng dưới làn nước báo thù.


Sự phán xét của Đức Chúa Trời trên Ai-cập và lòng ưu ái của Ngài đối với dân Y-sơ-ra-ên không thể và không được giải thích như một định kiến phân biệt chủng tộc, quốc gia hoặc lãnh thổ. Vì những vị thế ưu tiên và khước từ có thể thay đổi hết sức nhanh chóng. Ai-cập, là một quốc gia hàng đầu tại Châu Phi, chưa hề bị hạn chế hay ở trong tình trạng phân cách khỏi các ơn phước của Đức Chúa Trời; và Y-sơ-ra-ên cũng chưa hề được khẳng định vĩnh viễn vào một địa vị phước hạnh chắc chắn. Nếu đúng như vậy, cuộc hôn nhân giữa Môi-se với một phụ nữ người Cút có ý nghĩa gì (Dan Ds 12:1)? Vậy thì làm thế nào hiểu được lời tiên tri của Ê-sai khi ông dạn dĩ công bố rằng để đáp ứng với lời kêu cứu của những người Ai Cập, Chúa giao ước sẽ sai một “đấng cứu tinh và người binh vực” đến với họ; và Chúa Toàn Năng sẽ công bố. “Phước cho Ai-cập dân ta” (EsIs 19:19-20, 25)?

Vậy thì ý nghĩa của việc đảo ngược hoàn toàn các hoàn cảnh là gì khi đất Ai-cập cung ứng một chỗ an toàn cho hài nhi Christ trước sự truy sát của Hê-rốt, ông vua lai Do-thái (Mat Mt 2:13-15)? Vậy thì Chúa có ý gì khi cất Phi-lip ra khỏi một cơn phục hưng giữa vòng người Sa-ma-ri và sai ông vào sa mạc để đem Đấng Christ và cách báp-têm của Ngài đến cho một người Ê-thi-ô-pi đang trên đường trở về Châu Phi (Cong Cv 8:5-7, 26-39)? Những sự phát triển nầy phải có ý nghĩa rằng Ai-cập và Châu Phi không thể là một quốc gia và lãnh thổ hạng hai trong các mục đích cứu chuộc của Đức Chúa Trời. Ho cũng có thể trở thành người thừa kế mọi lời hứa giao ước của Đức Chúa Trời, một phước hạnh trên đất.


Nhưng vào buổi bình minh của công tác cứu chuộc, Ai-cập thủ vai một kẻ đàn áp quỷ quyệt đối với con dân Đức Chúa Trời. Vùng đất nó, quốc gia nó, và dân tộc nó sừng sững như là biểu tượng cho hạt giống của sa-tan giữa các dòng dõi người nữ.


Hoang mạc.



Đợt di chuyển tiếp theo từ nam đến bắc dẫn đến hoang mạc :

Trải qua mọi thời đại, sa mạc biểu trưng cho nơi chốn trắc nghiệm và thử thách đối với con dân Đức Chúa Trời. Trong suốt thời kỳ lang thang trong hoang mạc, việc thiếu bánh mì và nước có nghĩa rằng Y-sơ-ra-ên phải cứ tin cậy Đức Chúa Trời ngay cả khi bị tước đi những thứ để duy trì sự sống. Khi phép lạ cung ứng bánh từ trời cao đến đều đặn, dân chúng lại bị cám dỗ ham muốn nhiều hơn và phàn nàn về số lượng ít ỏi. Nhưng chỉ với lòng tin cậy vâng phục trước những hoàn cảnh khắc nghiệt thì họ mới học được bài học của hoang mạc. “Loài người sống chẳng phải nhờ bánh mà thôi, nhưng loài người sống nhờ mọi lời bởi miệng Đức Giê-hô-va mà ra” (PhuDnl 8:3).


Nhưng ngay cả bốn mươi năm trong trường hoang mạc cũng chưa đủ. Ngay sau khi thịnh vượng trong vùng đất đượm sữa và mật, dân Y-sơ-ra-ên đã quên ngay những bài học nhiều năm trong hoang mạc. Những sự hấp dẫn của nền văn hoá Ca-na-an bắt lấy họ; và họ thờ lạy Ba-anh, những vị thần của chủ nghĩa duy vật chất, thậm chí đến việc dâng con trẻ của mình làm tế lễ thiêu. Vì vậy, một lần nữa họ cần được trang bị bài học về sự phá sản tơi bời trong hoang mạc.

Tiên tri Ô-sê tiên đoán điều đó. Đức Chúa Trời Toàn Năng sẽ đóng vai trò của một tình nhân, dẫn họ vào hoang mạc, và tại đó để cho họ bị lột hết mọi tiện nghi vật chất cho đến khi tìm thấy con đường ăn năn một lần nữa. Trước khi họ nhận thêm bất cứ ơn phước nào từ nơi Ngài, hoang mạc cháy bỏng, nơi của bò cạp và rắn rít, của chông gai và tật lê sẽ khiến cho họ phải hạ mình (OsHs 2:2-3:8-10).


Vì vậy, con dân của Chúa đáng lẽ chẳng nên ngạc nhiên gì khi vị sứ giả khô khan và quyết đóan của giao ước mới tìm chỗ đứng của mình “trong hoang mạc.” Một quốc gia suy nhược vì tội lỗi phải đến với người trong hoang mạc và thuận phục bap-tem bằng nước về sự ăn năn xét lòng để được tha tội (Mat Mt 3:1-6). Bị bao quanh bởi những cao nguyên gồ ghề gồm có cát sa mạc và những tảng đá trơ trọi, dân Y-sơ-ra-ên của giao ước mới cần được nhắc nhớ kinh nghiệm xa xưa của họ trong cùng một môi trường, và ra khỏi sự ràng buộc vào những điều tự mãn vốn bị thế chỗ cho tình yêu thương của Đức Chúa Trời mình.


Người ta cũng không nên ngạc nhiên rằng chính Con Đức Chúa Trời phải gặp ma quỉ trong sa mạc. Dù bốn mươi ngày không phải là bốn mươi năm, nhưng tính chất tương tự của các con số và hoàn cảnh cũng đủ để nối kết hai biến cố đó. Bị cám dỗ về bánh, quyền lực, và những ưu thế - như dân Y-sơ-ra-ên thời xưa - Con thật của Đức Chúa Trời đã thành công trong cuộc thử nghiệm mà dân Y-sơ-ra-ên xưa kia đã thất bại. Sau một kỳ kiêng ăn bốn mươi ngày, Ngài không đầu hàng cơn cám dỗ biến đá trong sa mạc thành ra những ổ bánh mì. Vì Ngài tin rằng dù có tước đoạt phương tiện mưu sinh thì lời Đức Chúa Trời vẫn chính là một nguồn sống thật (Mat Mt 4:1-11).


Trong kinh nghiệm của con dân Đức Chúa Trời vai trò của sa mạc luôn quay lại như một yếu tố bất biến đầy ý nghĩa. Ngay cả ngày nay, con dân Đức Chúa Trời phải học biết những bài học của hoang mạc. Mọi thế hệ mới được làm cho sống động bởi ân điển Đức Chúa Trời có thể mang đặc điểm như một dân tộc của hoang mạc đang trải qua một thời gian thử thách kéo dài sau khi xuất hành hướng về sự yên nghỉ dành cho con dân Đức Chúa Trời (HeDt 3:7-4, 11).


Vùng núi non Giu-đê.


Sự nghỉ ngơi của du khách nằm ở phía trước, vì tiếp theo đó là vùng núi non miền nam của Giu-đê : Chính là để vào trong những ngọn núi nầy mà những người Y-sơ-ra-ên mỏi mòn đã sai mười hai thám tử, đại diện cho mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên đi do thám. Ở đó họ tìm thấy vùng đất “đượm sữa và mật” - không phải theo nghĩa đen, mà bằng sự tương phản với Ai-cập và vùng sa mạc mà họ nóng lòng muốn quên đi. Những thám tử từ khu vực nầy trở về, đem theo một chùm nho lớn hơn sức một người đàn ông có thể mang nổi. Nhưng sự thiếu đức tin của họ ngăn trở họ hưởng lấy ơn phước vô cùng dư dật của Đức Chúa Trời (Dan Ds 14:1-4). Sự tự thị của họ trong việc đi lên sau khi Chúa từ chối mở lối cho họ khiến họ bị thất bại trước các cư dân của vùng đất ấy (PhuDnl 1:41-46). Họ đi lên vào trong miền đồi cao kia và bị quân thù đánh bật trở lại. Vì thế thêm ba mươi tám năm nữa họ lang thang trong sa mạc, bị ngăn trở khỏi việc vui hưởng “địa đàng” của Đức Chúa Trời.


Những bức tranh nầy về một vùng đất tương tự “địa đàng” không được hiểu theo nghĩa đen đơn thuần. Những núi non và thung lũng xứ Giu-đê có một vẻ đẹp riêng, nhưng chúng không hẳn là cho năng suất quá mức. Một ngụ ngôn Do-thái cho rằng vào lúc Sáng Tạo, Đức Chúa Trời giao cho hai con hạc lớn đem tất cả các hòn đá rải đều trên khắp mặt đất. Nhưng giỏ của một trong hai con chim khổng lồ bị vỡ ra trên xứ Pa-lét-tin nên một nữa số đá của thế giới đổ dồn hết xuống vùng đất của Kinh Thánh. Những cánh đồng lúa mì và vườn nho sai quả có thể được tìm thấy tại nhiều vùng trong lãnh thổ Giu-đê. Nhưng chỉ bởi hình ảnh thơ ca thì vùng đất nầy mới tương đương với “địa đàng”.


Như trong hầu hết các vấn đề liên quan đến địa lý của vùng đất nầy, cần phải suy nghĩ theo những phạm trù nhỏ hơn điều mà người ta có thể tưởng tượng lúc đầu. Lãnh thổ Giu-đê trải dài về hướng bắc từ tỉnh thành Bê-e Sê-ba trên rìa sa mạc phía nam cách khu vực Giê-ru-sa-lem chỉ có năm mươi dặm (khoảng 80 km). Tính toán lãnh thổ Giu-đê từ tây sang đông, khoảng cách từ vùng núi non Giu-đê đến Biển Chết chỉ có khoảng mười tám dặm (khoảng 29 km). Dù vậy miền đất nhỏ bé nầy chứa đựng toàn bộ khu vực được phân chia cho chi phái quan trọng nhất trong mười hai chi phái. Ngay cả trước thời phân chia đất đai dưới thời Giô-suê, đã có lời tiên tri rằng nhà cai trị được hứa cho Y-sơ-ra-ên sẽ ra từ chi phái Giu-đa (SaSt 49:10).

Cuối cùng Đa-vít được sinh ra tại Bết-lê-hem, bảy dặm (khoảng 11 km) phía nam Giê-ru-sa-lem. Đầu tiên ông lên ngôi tại vùng cao Hếp-rôn, cách nơi sinh của ông mười dặm (16 km) về phía nam. Từ địa bàn thuận lợi nầy, Đa-vít có thể nhìn về phía đông ngang qua Biển Chết hướng đến vùng núi non Mô-áp, và theo hướng ngược lại đến vùng bờ biển Địa Trung Hải. Vị vua trẻ hầu như có thể nhìn thấy được các đạo binh Phi-li-tin tập luyện cho đợt tấn công kế tiếp chống lại dân tộc mình.


Đất Giu-đê chủ yếu phân chia thành hai miền chính. Hãy đi theo rặng núi xương sống hướng bắc nam nối liền Hêp-rôn với Giê-ru-sa-lem, và phần lãnh thổ chia ra một cách tự nhiên thành hai phần theo lượng mưa đến từ Địa Trung Hải. Khi những đám mây di chuyển về hướng đông, chúng buộc phải bị đẩy lên cao khi gặp các đỉnh núi Giu-đê, kết tụ trong vùng khí quyển cao hơn, mát lạnh hơn và toả độ ẩm ướt của chúng xuống sườn dốc phía tây của Giu-đê. Một khi chúng đã lên đến đỉnh cao của rặng núi nầy, các đám mây lại đi xuống để bềnh bồng phía trên phay nứt Biển Chết, để rồi bị buộc phải bốc lên cao một lần nữa khi gặp những ngọn núi còn cao hơn của vùng Mô-áp ở bên kia sông Giô-đanh. Nhưng do kiểu thời tiết lâu hàng thế kỷ nầy, những vùng đất canh tác đặc trưng cho phần phía tây của Giu-đa, trong khi sa mạc đi xuống vào trong phay nứt Giô-đanh ở sườn phía đông của chính rặng núi nầy. Vùng liên hợp Hêp-rôn-Giê-ru-sa-lem-Bêt-lê-hem cưỡi lên rặng núi nầy, có những vùng đất đai khác biệt rộng rãi ở cả hai bên sườn. Do đó, Đa-vít và dòng dõi của ông biết trực tiếp vùng đất bỏ hoang cằn cỗi liên kết với một vùng đất nóng cháy và khô khốc, cũng như những sự hưng phấn tuôn trào từ một vườn được tưới nước đầy đủ. Di chuyển về hướng tây và họ kinh nghiệm một thái cực; quay về hướng đông và họ chứng kiến chính xác tình cảnh ngược lại.


Trong những ngọn đồi xứ Giu-đê nầy, Vua Đa-vít học biết những bài học về “người chăn chiên hiền lành.” Hàng giờ trong nghề nghiệp nầy được sử dụng cách hiệu quả trong sự suy gẫm có thể đã cung cấp đủ vật liệu thô gợi hứng cho sáng tác nổi tiếng nhất của Đa-vít. “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi, tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì” (Thi Tv 23:1). Những kinh nghiệm nầy cũng in dấu vào tâm trí vị vua trẻ tuổi cái khuôn mẫu thích hợp của một nhà cai trị giống như một vị thần là người “chăn giữ họ theo sự thanh liêm của lòng người, và lấy sự khôn khéo tay mình mà dẫn dắt họ” (78:72).


Dọc theo phần ngoại vi của Giu-đê, Đa-vít học biết bài học của sự kiên nhẫn thông qua nghịch cảnh khi ông chờ đợi Đức Chúa Trời làm trọn lời hứa với mình. Sau-lơ không ngớt tìm kiếm ông trong các hang động, vòng quanh vùng chân núi, qua các làng mạc, và trong sa mạc. Nhưng Đa-vít không nhúc nhích cánh tay để tự vệ bằng cách động vào người Chúa đã xức dầu. Thay vào đó ông chọn tin cậy vào thời điểm của Đức Chúa Trời. Cuối cùng Đa-vít đã học xong mọi bài học rút ra từ vùng đất nầy. Khi một người kiên nhẫn hạ mình trước mặt Đức Chúa Trời, đúng thời điểm người ấy sẽ được tôn cao hơn mọi kẻ thù nghịch mình.


Sa-ma-ri.



Nằm về phía bắc Giê-ru-sa-lem là phần lãnh thổ Sa-ma-ri , với khu liên hợp thủ đô tại Si-chem và thành phố Sa-ma-ri. Nằm dưới chân của vùng núi đôi Ga-ri-xim và Ê-banh là bàn thờ đầu tiên cho Chúa được xây dựng trong vùng đất nầy.


Tại địa điểm cụ thể nầy Đức Chúa Trời là Đấng kêu gọi Áp-ra-ham ra khỏi xứ U-rơ của người Canh-đê, cuối cùng đã chỉ định rằng đây là vùng đất sẽ thuộc về ông và dòng dõi ông cho đến đời đời (SaSt 12:6-7). Hướng về chỗ nầy, Đức Chúa Trời truyền lệnh cho Y-sơ-ra-ên quay về và nhóm họp lại để đọc lời rủa sả và lời chúc phước của giao ước (PhuDnl 11:29-30). Sau đó Giô-suê dẫn dân chúng đi thẳng về địa bàn nầy để họ có thể làm trọn mệnh lệnh của Chúa trong việc làm mới lại giao ước (Gios Gs 8:30-35).


Thật là một ngày đáng buồn, nhiều năm sau đó một thủ đô đối địch với thành phố Giê-ru-sa-lem do Chúa chỉ định đã được thiết lập trong chính miền nầy. Sa-ma-ri trở nên trung tâm cho một chuỗi các vương triều tự phong ở vương quốc phía bắc, trong khi chỉ có một vương triều Đa-vít cứ tiếp tục tại Giê-ru-sa-lem với tư cách là ngai vàng hợp pháp duy nhất của Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên trong sự kiên nhẫn lâu dài của Ngài, Chúa không hoàn toàn từ bỏ mười chi phái phía bắc. Nằm ở trung tâm phần lãnh thổ được chia cho dòng dõi Giô-sép, Sa-ma-ri tiếp tục được ưu đãi với sự hiện diện của các tiên tri của Đức Chúa Trời như là Ê-li, Ê-li-sê, A-mốt, và Ô-sê.


Nhưng đến cuối cùng các lực lượng của A-sy-ri cho vùng lãnh thổ nầy nếm trái đắng của sự phản loạn. Nạn đói kéo dài trong thành phố Sa-ma-ri một thời thịnh vượng khiến các phụ nữ ăn thịt con ruột của mình (IIVua 2V 6:26-29). Dù vậy Đức Chúa Trời khích lệ họ nhìn vượt quá những thảm kịch họ không tưởng tượng nổi và hy vọng vào một Đấng Mêt-si-a, bên Ép-ra-im, Con Trai của cánh tay hữu Đức Chúa Trời là Đấng sẽ đem lòng của Ép-ra-im và Ma-na-se trở về cùng Chúa (SaSt 49:22-26, Thi Tv 80:14-19).


Phần nhỏ của Sa-ma-ri còn sống sót qua nạn xâm lược của A-sy-ri đến cuối cùng trở thành sự khinh miệt của vùng đất, vì vị vua chinh phục của A-sy-ri tái cơ cấu dân chúng của lãnh thổ nầy bằng những dân tộc ngoại quốc, về sau có hôn nhân pha trộn với con dân của Đức Chúa Trời (IIVua 2V 17:24). Truyền thống về một trung tâm cạnh tranh về quyền lực và sự thờ phượng cứ tiếp tục cho đến thời của giao ước mới, đến nỗi người Do-thái trong thời Chúa Giê-xu cứ khăng khăng không giao thiệp với dân Sa-ma-ri (GiGa 4:9).


Nhưng sự hiện diện của Đức Chúa Giê-xu Christ đã đánh ngay vào nền móng của sự tự phụ bởi thành kiến nầy. Ngài uống nước múc từ cái giếng tại Si-chem bởi một phụ nữ Sa-ma-ri tội lỗi. Đổi lại, Ngài cho bà uống nước của sự sống đời đời được tìm thấy trong sự tha thứ miễn phí dành cho những kẻ tội lỗi bị đẩy ra ngoài lề xã hội (outcasts). Ngài kể cho người Do-thái nghe ngụ ngôn “người Sa-ma-ri nhân lành” là người duy nhất đưa tay giúp đỡ một du khách bị thương trên đường từ Giê-ru-sa-lem đến Giê-ri-cô. Bất chấp sự kiện những làng Sa-ma-ri khước từ Ngài bởi vì Ngài xây hướng đi về Giê-ru-sa-lem, Chúa được tôn cao đã tuôn đổ Thánh Linh Ngài trên người Sa-ma-ri như Ngài đã làm cho những người Giê-ru-sa-lem (Cong Cv 8:4-25).



Không phải mọi thời đại và cộng đồng đều có những “người Sa-ma-ri” của riêng mình, là những người láng giềng thuộc các giai cấp, phong tục, ngôn ngữ, chủng tộc hoặc quốc tịch khác nhau hay sao? Chẳng phải cạnh chúng ta cũng có các giai cấp thấp kém hơn, những người ở nội thành, hoặc những người bị kỳ thị tôn giáo đó sao? Mệnh lệnh của Chúa dành cho chúng ta nào có khác gì mệnh lệnh dành cho các sứ đồ đầu tiên - rằng chúng ta phải đi đến Sa-ma-ri cũng như đến Giê-ru-sa-lem của mình đó sao?


Ga-li-lê.


Sau đó đến Ga-li-lê , vùng đất của Dân Ngoại. Phần cuối trong vùng đất nầy khi du khách di chuyển từ nam đến bắc là lãnh thổ của những đám đông rộng lớn thuộc nhiều quốc tịch khác nhau đại diện cho mọi dân tộc trên thế giới. Trong miền nầy, con dân của Đức Chúa Trời như thấy chính mình liên tục giao thiệp với phần còn lại của nhân loại.

Họ hẳn không thể thoát khỏi sự giao lưu (interchange) nầy cho dù họ muốn đi nữa. Dù có ở trong thời kỳ quốc gia thịnh vượng hay suy yếu cũng chẳng có gì khác biệt. Những chiến binh trên đường đi hoặc những thương gia lưu động đều uốn lượn đường đi của mình xuyên qua Ga-li-lê của Dân Ngoại. Vì Đức Chúa Trời đã định cho nó như thế theo chính phương cách mà Ngài định hình các lục địa. Dãi đất hẹp nầy một mình nó nối kết ba khối lục địa mà từ đó nền văn minh nhân loại phát khởi. Châu Phi treo vào một sợi chỉ, với Châu Âu và Châu Á cân bằng phía trên. Mọi giao thông đường bộ của ba lục địa nầy cuối cùng đều giao lưu qua con đường xứ Ga-li-lê của Dân Ngoại. Chính bởi vị trí chiến lược của nơi nầy mà qua con dân Ngài, Chúa đã định rằng cuối cùng Tin Lành cứu rỗi sẽ vươn tới toàn thế giới bằng năng quyền của Đức Chúa Trời, trước cho người Do-thái và sau cho Dân Ngoại.


Những sườn dốc đi xuống từ những ngọn núi của Sa-ma-ri nối liền Ga-li-lê với phần còn lại của xứ Palestine. Những đường đèo đây đó mở vùng lãnh thổ phía bắc nầy ra vùng đồng bằng duyên hải dọc theo Địa Trung Hải dẫn đến Ai-cập và phần còn lại của Bắc Phi. Nổi bật giữa vòng những đường đèo nầy là đường đèo được canh giữ bởi thành phố pháo đài Mê-ghi-đô, luôn luôn sẵn sàng ngăn chặn mọi đạo quân tiến đến. Tại chỗ nầy Giô-si-a, vị vua tốt đẹp cuối cùng của Giu-đa, chết bởi tay Pha-ra-ôn Nê-cô của Ai-cập. Sự tự phụ của Giô-si-a dẫn ông đến chỗ bỏ qua lời cảnh cáo của Chúa, nhưng cái chết của ông khuấy động Giê-rê-mi sáng tác một bài ca thương tiên tri (IISu 2Sb 35:25). Biến cố có tính chất bi kịch tại địa điểm chiến lược nầy mang một ý nghĩa khải huyền (apocalyptic significance) với những lời tiên tri về trận đại chiến cuối cùng A-ma-ghê-đôn, là địa danh có bao gồm lời ám chỉ Mê-ghi-đô cổ (cf. XaDr 12:10-11, KhKh 16:16).

Một giải nghĩa quá thiên về nghĩa đen không phù hợp với khuôn mẫu Kinh Thánh tự giải nghĩa Kinh Thánh đã dẫn một số Cơ-đốc nhân ngày nay đoán trước một trận đối đầu thực sự giữa các đạo quân của Đức Chúa Trời với các lực lượng của Sa-tan, sử dụng xe tăng, súng máy, và phi cơ chiến đấu phản lực tại địa điểm của thành cổ Mê-ghi-đô. Nhưng cuộc chiến tranh của những ngày cuối cùng nầy đã được mô tả rõ ràng bởi sứ đồ Phao-lô là không phải với thịt và huyết mà với các quyền lực thiêng liêng và phải được đắc thắng bởi các vũ khí của sự cầu nguyện và gươm của Thánh Linh là Lời Đức Chúa Trời (Eph Ep 6:10-18).

Liên hệ đến cuộc chiến cuối cùng nầy, Kinh Thánh cho thấy rằng khi Chúa xuất hiện trong vinh quang, Ngài sẽ tiêu diệt mọi kẻ thù Ngài bằng hơi thở của miệng Ngài (IITe 2Tx 2:8). Theo ý nghĩa nầy, tính chất biểu tượng của nơi nầy được gọi là Mê-ghi-đô, bây giờ được bất tử hoá trong Kinh Thánh như là A-ma-ghê-đôn, không thể bị bỏ qua. Đấng Christ sẽ trở lại trong vinh quang để tận diệt mọi kẻ thù của Ngài và của chúng ta nữa.


Một đặc trưng nổi bật thứ hai của vùng cao nguyên Ga-li-lê là những cánh đồng rộng lớn chạy dài từ tây sang đông trên một độ nghiêng nhẹ từ Địa Trung Hải đến sông Giô-đanh. Rải rác với vài ngọn núi, như là Ghinh-bô-a nơi Sau-lơ ngã xuống và Tha-bô nơi Đê-bô-ra tập họp quân đội, những khoảng không gian mở rộng nầy được biết như là Gít-rê-ên (hoặc Esdraelon) cung cấp đất đai màu mỡ cho vụ mùa tăng trưởng và những khoảng không đủ rộng cho chiến xa vận hành.

Vì vậy Si-sê-ra đàn áp Y-sơ-ra-ên bằng chín trăm chiến xa bằng sắt, có khả năng băng ngang qua vùng thung lũng rộng lớn của Ga-li-lê, cho đến khi Chúa dấy Đê-bô-ra lên để giải phóng con dân Ngài (Cac Tl 4:12-16). Vì thế người Ma-đi-an cũng tràn ngập lên vùng không gian mở rộng lớn nầy, cướp bóc nguồn lúa dồi dào của Y-sơ-ra-ên ngay sau khi nó có thể được thu hoạch, cho đến khi Chúa bổ nhiệm con người mạnh mẽ Ghi-đê-ôn (6:1-6:11-14). Trong cùng lãnh thổ nầy, đội quân Phi-li-tin dàn trận để chiến tranh với Y-sơ-ra-ên cho đến khi Sau-lơ và Giô-na-than ngã chết bi thảm trên các sườn dốc của núi Ghinh-bô-a (ISa1Sm 31:1-6).


Các đạo binh A-sy-ri của San-chê-rip và các quân đoàn Ba-by-lôn của Nê-bu-cát-nết-sa hành quân xuyên qua các cánh đồng nầy. Người Mê-đô Ba-tư, người Hy-lạp, người La-mã, và các đoàn Thập Tự Chinh lần lượt đạp chân lên cùng vùng đất nầy. Theo lịch sử cận đại, các lực lượng Anh quốc dưới quyền đại tướng Allenby đã đánh một trận chiến lược trong thế kỷ thứ hai mươi.


Nhưng có ý nghĩa hơn mọi điều đến và đi nầy và các quốc gia hùng cường rồi suy vong là vai trò chiến lược của chính vùng đất Ga-li-lê của Dân Ngoại trong việc lan truyền Phúc-âm của Đức Chúa Trời cho mọi quốc gia trên thế giới. Khi Đức Chúa Giê-xu nghe tin rằng Giăng Bap-tít đã bị Hê-rốt An-ti-pa, vua của người Do-thái, bắt bỏ tù thì Ngài bỏ Na-xa-rét và đến thành Ca-bê-na-um, có vị trí bên mé biển (Mat Mt 4:12-15). Cả Na-xa-rét và Ga-li-lê đều nằm ở Ga-li-lê, nhưng Ca-bê-na-um có tầm quan trọng hơn với tư cách là một điểm giao thông cho vô số dân tộc du hành giữa các lục địa. Nhìn thấy cách thức nhà cai trị dân Do-thái đáp ứng với người tiền hô chính thức của Ngài, Đức Chúa Giê-xu mở màn chức vụ công khai bằng cách có cân nhắc đặt mình tại Ca-bê-na-um để Ngài có thể vươn tới mọi quốc gia với Phúc-âm của mình. Tại điạ bàn nầy Ngài có thể giảng cho mọi dân tộc của thế giới - không chỉ cho người Do-thái - về “nước thiên đàng” khắp thế giới đã hầu gần (4:17).


Tác giả Phúc-âm nhấn mạnh rằng Đức Chúa Giê-xu cố ý phóng chức vụ Ngài “bên mé biển” tại “Ga-li-lê của dân ngoại” cho mục đích làm trọn lời tiên tri (4:14-15). Trải qua các thời đại, Đức Chúa Trời đã hoạch định việc vươn tới mọi quốc gia trên thế giới với Phúc-âm cứu rỗi của Con Ngài. Dự định nầy tìm được sự ứng nghiệm qua chức vụ Đức Chúa Giê-xu. Ngài liên tục đi khắp các làng mạc Ga-li-lê rao giảng Tin Lành (4:23). Ca-bê-na-um tiếp tục là điểm trung tâm của chức vụ Ngài khi Ngài sử dụng Hồ Ga-li-lê để vươn tới nhiều làng mạc và thành phố khác nhau. Sau khi Ngài phục sinh, Ngài giao Đại Mệnh lệnh cho các môn đồ trong vùng Ga-li-lê của Dân Ngoại (28:16-20). Từ điểm đó cho đến ngày nay, Phúc-âm của Ngài đã lan truyền giữa vòng mọi quốc gia trên thế giới. Theo ý nghĩa nầy, Ga-li-lê tiếp tục có tầm quan trọng như là một đại diện biểu tượng của các mục đích đi tới (ongoing) của Chúa để phục vụ ân điển cứu rỗi của Ngài cho mọi dân tộc trên thế giới.


Xa hơn nữa đến điểm cực bắc của xứ Ca-na-an là địa bàn cho lần định cư thứ hai của chi phái Đan. Không tìm được nền hoà bình họ mong ước trong phần đất ban đầu chia cho họ tại rìa lãnh thổ Phi-li-tin, chi phái Đan đi lên rìa phía bắc của quốc gia tìm kiếm một quê hương mới. Khi họ đến thành La-ít, họ để ý rằng những người tại đó “ở an ổn, bình tịnh và vững chắc” (Cac Tl 18:7). Họ tấn công những cư dân yêu hoà bình nầy trong một hành động xâm lược không khiêu chiến, nghĩ rằng trong vùng nầy họ sẽ tìm được nền thái bình họ hết lòng mong ước. Họ không nhận thức được chút nào rằng họ đang định cư ngay trên đường tiến quân của mọi đạo binh trải qua vùng đất cầu nối nầy của Palestine. Trong địa đàng tự tạo của những người ngu nầy, họ không tìm được hoà bình chi cả. Ngược lại, họ sẽ phải đương đầu với một dòng liên tục các đạo quân xâm lược, những chiến binh khao khát chinh phục thế giới.


Đến điểm nầy, một hành trình đã được thực hiện từ Bê-e Sê-ba cho đến Đan, và từ Địa Trung Hải cho đến Sông Giô-đanh và xa hơn nữa. Thật sự mọi hình thức của các vùng khác nhau trên trái đất được gói lại trong vùng lãnh thổ nhỏ bé nầy, và mỗi phần của vùng đất nầy đều đầy dẫy những kỷ niệm về phương cách của Đức Chúa Trời nhằm đem lại sự cứu rỗi cho thế giới. Toàn bộ vùng đất nầy được thiết kế bởi Chúa cho các mục đích tốt lành của Ngài khi Ngài quyết định chúng trước khi tạo nền thế giới.



bottom of page