top of page

6. Các Thị Trấn Và Thành Phố Trong Thời Các Tổ Phụ.

Hung Tran

Apr 24, 2024

Nhưng bây giờ là lúc quay lại những cấu trúc của cư dân loài người khi họ tiến lên theo sự uỷ thác văn hoá của Đấng Tạo Hoá...



Phần hai: Những Đặc Trưng Của Xứ Thánh.



Các thị trấn và thành phố vào thời các tổ phụ. (Khoảng 2000-1500 TC )


Chúng...

...ta đã xem xét địa hình vùng đất mà Đấng Tạo Hoá đã thiết kế. Nhưng bây giờ là lúc quay lại những cấu trúc của cư dân loài người khi họ tiến lên theo sự uỷ thác văn hoá của Đấng Tạo Hoá để chinh phục trái đất cho vinh quang của Đức Chúa Trời. Theo lời chứng của Kinh Thánh, những nỗ lực sớm nhất của một nhân loại sa ngã nhằm thiết lập các thành phố không hướng về sự vinh hiển Đức Chúa Trời. Những người xây dựng sơ khai nầy đặt tên các thành phố theo tên của mình, cho thấy rằng họ không có ý thức về bổn phận phải dâng sự tôn kính lên Đấng Tạo Hoá mình trong những thành tựu của họ (cf. SaSt 4:17, 11:4).


Khi con dân Đức Chúa Trời tiến vào vùng đất, hoàn cảnh nầy có thay đổi phần nào. Bây giờ những nơi nhất định dâng sự tôn kính lên Chúa bởi tên gọi của chúng, như Bê-tên, nghĩa là “nhà của Đức Chúa Trời”. Những nơi khác, như là Si-chem, trong khi giữ lại những tên được đặt cho chúng bởi các cư dân nguyên thuỷ, mang một ý nghĩa mới do công tác của Đức Chúa Trời làm cho con dân Ngài tại địa bàn đó. Trong bất cứ trường hợp nào, Chúa đang đẩy mạnh các mục đích cứu chuộc của Ngài trong vùng lãnh thổ nầy.

Khi xem xét những địa điểm nổi bật nầy, chúng ta có thể tìm thấy một góc nhìn ích lợi hơn khi lần theo dấu vết của các tiến trình lịch sử xuyên suốt Kinh Thánh hơn là hồi tưởng nét phác hoạ của những vùng địa lý đa dạng đã nói đến trước đây. Một số thành phố và thị trấn nổi bật trong một kỷ nguyên cụ thể của lịch sử cứu chuộc, trong khi những thành phố khác phát triển tầm quan trọng xuyên qua các thế kỷ. Chính trong bối cảnh tiến triển lịch sử nầy mà tầm quan trọng của những thành phố đó có thể được hiểu đầy đủ nhất.


Một số thành phố đóng một vai trò nổi bật trong cuộc đời của Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp, và Giô-sép. Sáu thành phố đáng được chú ý đặc biệt. Si-chem, Bê-tên, (Giê-ru-)sa-lem, Hếp-rôn, Bê-e Sê-ba, và Phê-ni-ên.


Si-chem.


Áp-ra-ham dâng tế lễ đầu tiên lên Chúa trong vùng Đất Hứa tại Si-chem, vì ở đó lần đầu tiên Chúa bày tỏ rằng đây là vùng đất được xem như sẽ thuộc về ông và dòng dõi ông (SaSt 12:6-7). Trước thời gian nầy, Áp-ra-ham đã đi theo đường mòn thông thường của các đoàn lữ hành di chuyển từ U-rơ xứ Canh-đê dọc theo thung lũng sông Ti-grít - Ơ-phơ-rát đến Cha-ran xứ Sy-ri rồi vào vùng đất của người Ca-na-an. Chúa đã truyền lệnh rằng vị tổ phụ phải lìa quê hương và đi đến một nơi Đức Chúa Trời sẽ chỉ cho ông. Dù vậy chỉ khi ông đến Si-chem giữa các cuộc hành trình của mình thì Chúa mới xác định vùng đất sẽ thuộc về ông.


Thành phố Si-chem nằm ở một ngã tư đường quan trọng tại trung tâm Palestine. Nằm ở đầu phía đông của con đường giao thương giữa các vùng núi gọi là Ga-ri-xim và Ê-banh, thành phố nầy đã đóng vai trò chủ nhà cho rất nhiều con đường chính yếu đi qua vùng đồi núi trung tâm nầy.


Không nên giả định rằng địa điểm được lựa chọn nầy thật sự là một chỗ không người, một quả mận chín sẵn sàng cho Áp-ra-ham hái lấy. Trái lại, như Kinh Thánh cho thấy rằng “dân Ca-na-an đang ở trong xứ” (12:6). Cuộc thử thách đức tin của Áp-ra-ham không kết thúc với việc ông đến Đất Hứa. Ông bây giờ phải trải qua một loại thử nghiệm khác. Trước đó ông được yêu cầu phải ra đi mà không biết hình dạng vùng đất Chúa sẽ ban cho ông như thế nào. Bây giờ ông phải sống với nhận thức rằng đây thật là Đất Hứa dành cho mình, dù nó đang được sở hữu bởi một người khác.



Bằng chứng ngoài Kinh Thánh khá hấp dẫn được khám phá tại Ai-cập khẳng định sự hiện diện của những dân tộc khác tại Si-chem trong suốt thời gian nầy. Những chén gốm và hình tượng nhỏ bằng đất sét bây giờ được biết như là “những bản văn nguyền rủa” (execration texts) khắc những lời rủa sả chống lại các kẻ thù của Ai-cập. Pha-ra-ôn sẽ đập nát những vật có chạm khắc nầy như một phương cách đặt một lời nguyền rủa lên kẻ thù của mình. Rõ ràng Si-chem được đề cập như là kẻ thù bị đánh bại của Ai-cập trên một trong những bản văn nầy có niên đại từ thế kỷ thứ mười chín trước công nguyên (Pfeifer 1966, 518).

Ngoài ra, thế kỷ thứ mười bốn T.C., những lá thư viết cho Pha-ra-ôn Ai-cập tại Amarna (nằm giữa Cairo và Luxor) nói về các cư dân tại Si-chem như là những kẻ âm mưu với người Habiru ngoại quốc nhằm tạo ra những bất ổn lớn và náo động dân chúng tại các thành phố Ca-an-an. Thật rõ ràng, từ Kinh Thánh cũng như những nguồn ngoài Kinh Thánh, Si-chem không phải là một “lô đất trống” được lựa chọn trong thời các tổ phụ.


Sau mười bốn năm vắng mặt khỏi Đất Hứa, khi trở về từ Pha-đan A-ram, Gia-cốp lại đi theo các bước chân của ông nội mình là Áp-ra-ham bằng cách lấy Si-chem làm nơi dừng chân đầu tiên của mình. Ở đó ông đi một bước khá ấn tượng hướng tới việc công bố cho chính mình lời hứa có liên quan đến vùng đất. Ông mua một miếng đất của các con trai Hê-mô, cha Si-chem, làm nơi cắm trại. Ngoại trừ lô đất nghĩa trang do Áp-ra-ham mua trước đó, quyền sở hữu vùng đất hẳn khởi nguồn tại chỗ nầy. Ở đây Gia-cốp, mới đây được đổi tên thành Y-sơ-ra-ên, xây dựng một bàn thờ cho “Đức Chúa Trời, là Chúa của Y-sơ-ra-ên” (33:18-20).


Nhưng quyền sở hữu các lời hứa không trôi chảy dễ dàng từ điểm nầy. Cuộc sống quá gần gủi với người Ca-na-an tạo ra những nan đề. Một nhà quý tộc Ca-na-an từ Si-chem xâm phạm tiết hạnh của Đi-na, con gái của Gia-cốp. Để báo thù, Si-mê-ôn và Lê-vi giết sạch mọi người nam của Si-chem một cách xảo trá. Vì việc đó, gia đình Gia-cốp bị buộc phải di chuyển khỏi khu vực, sự kiện nầy đã xúc phạm nặng nề các cư dân bản địa (34:1-31).


Sau đó khoảng năm trăm năm, dòng dõi của Gia-cốp tái xâm nhập Đất Hứa. Ngay sau khi Giô-suê và dân tộc ông dọn sạch con đường bằng cách đánh bại Giê-ri-cô và A-hi, họ tiến đến Si-chem. Ngay tại chỗ đã được chỉ định bởi Môi-se, Giô-suê lập một bàn thờ trên núi Ê-banh, cả dân tộc cùng nghiêm chỉnh ôn lại các lời rủa sả và chúc phước của luật pháp như một sự thể hiện hai chiều mối liên hệ giao ước được thiết lập giữa họ với Chúa (PhuDnl 11:29-30, Gios Gs 8:30-35).


Một lần nữa, vào cuối thời kỳ chinh phục, Giô-suê lại tập họp dân chúng tại Si-chem để làm mới lại giao ước. Ông giao phó họ cho Chúa và nhắc lại lời cam kết của Chúa đối với họ. Sau khi đọc toàn bộ luật pháp, ông dựng một hòn đá làm chứng chống lại họ nếu họ tỏ ra không trung thành với giao ước. Ở đây Giô-suê cũng chôn hài cốt của Giô-sép tại chính mảnh đất Gia-cốp đã mua của các con trai Hê-mô, cha của Si-chem (24:1-32). [3]


Địa điểm được xác nhận là Si-chem đã cho thấy đây là một nguồn gốc có giá trị về những hình tượng tôn giáo có liên quan đến các miếu thờ của dân Ca-na-an có niên đại vào thời các tổ phụ: Các ghi nhận khảo cổ cho thấy rằng thành phố nầy là trung tâm thờ cúng ngoại giáo quan trọng tại Palestine vào Thời Kỳ Đồ Đồng Giữa (1900-1500 T:C:): Những cuộc khai quật diện rộng một gò có tên là Tell Balatah đã để lộ ra một thị trấn quan trọng được bao quanh bởi một hệ thống phòng thủ tinh tế có nhiều cổng, có niên đại từ 1750 đến 1650 T:C: Bên trong những bức tường dày là một vệ thành phân cách với phần dân cư còn lại: Nhiều đền thờ “lộ thiên” lớn và quan trọng cũng được khám phá nữa: Người ta đã từng nghĩ rằng việc làm mới lại giao ước dưới thời Giô-suê diễn ra tại Đền Thờ Kiên Cố được khai quật tại Si-chem: Cấu trúc nầy ban đầu được xây dựng vào thế kỷ thứ mười bảy T:C: và có thể đã là trung tâm thờ phượng có tên là miếu thần Bê-rít trong Các-Quan Xét 9:46:


Tại địa điểm nầy nhiều thế kỷ sau đó, hài cốt của các tổ phụ đang yên nghỉ trong mộ thì Đấng là dòng dõi Gia-cốp nói lên những lời đầy ý nghĩa ảnh hưởng đến tương lai của họ. Tại giếng Si-kha (Si-chem) Đấng nầy hứa ban nước sống đời đời cho một phụ nữ đang sống trong nô lệ của tội lỗi (GiGa 4:1-26). Qua Ngài con đường được mở ra để làm ứng nghiệm đầy trọn các lời hứa về quyền sở hữu vùng đất cho các tổ phụ nhiều thế kỷ trước đó. Ơn phước của địa đàng được hứa cho các tổ phụ có thể trở thành quyền sở hữu cho mọi tội nhân đến cùng Ngài để được sự sống.


Bê-tên.


Địa bàn Bê-tên nằm tại giao lộ chính yếu thứ nhì của các lối thông thương nam-bắc và đông-tây xuyên qua trung tâm Palestine. Phía bắc là Si-chem và Sa-ma-ri; phía nam là Giê-ru-sa-lem và Hếp-rôn. Về phía tây, một thung lũng lớn dẫn đến con đường thương mại Địa Trung Hải; và về phía đông, một lộ trình ngắn đưa du khách đến Giê-ri-cô, địa điểm chính ngang qua sông Giô-đanh trong vùng. Thật chẳng có gì phải ngạc nhiên khi Giê-rô-bô-am, vua đầu tiên của vương quốc phía bắc, đặt bàn thờ tương tranh của mình tại vùng ngã tư Bê-tên (IVua 1V 12:26-29). Mọi khách hành hương nam giới mỗi năm ba lần lên đường về Giê-ru-sa-lem để dự các lễ hội hằng năm đều cảm thấy họ đang đi trên con đường quen thuộc đến địa điểm thờ phượng truyền thống. Nếu họ đi con đường trung tâm xuyên qua Palestine, họ dừng lại sớm hơn mười dặm. Nếu họ đi qua Giê-ri-cô, họ sẽ đổi nhẹ sang hướng bắc một chút là đến Bê-tên thay vì đến Giê-ru-sa-lem. [4]


Những cuộc khai quật tại Beitin hiện đại, mà có thể xác định đó là Bê-tên trong Kinh Thánh, đã để cho thấy một thành phố Ca-na-an thịnh vượng trong thời kỳ các tổ phụ thuộc Thời Đại Đồ Đồng Giữa (1900-1500T:C:): Thành phố nầy được phòng thủ chặt chẻ bởi một lớp tường thành ngoài dày đo được 3,5 m độ dày và bốn phức hợp cổng kiên cố: Một đền thờ Ca-na-an lớn đã được khám phá ngay bên trong tường thành: Địa điểm linh thiêng nầy chứa đựng những tàn tích của một số lượng lớn các vật liệu thờ cúng, kể cả các bình chứa có biểu tượng con rắn, xương thú vật và các thứ đồ gốm tế tự:


Bê-tên có những truyền thống linh thiêng của riêng nó, những truyền thống quyết định tên gọi của nó. Khi Gia-cốp lên đường về hướng bắc để tránh cơn giận dữ của anh mình là Ê-sau, ông qua đêm tại địa điểm Bê-tên, mà trước đấy có tên gọi là Lu-xơ. Ngay trước khi rời khỏi Đất Hứa để rồi phải vắng mặt mười bốn năm, Gia-cốp có một giấc mơ trong đó ông thấy một đoàn thiên sứ lên xuống một cái thang vươn đến sự hiện diện của Đức Chúa Trời (SaSt 28:10-22). Làm thế nào ông có thể quên được chỗ nầy? Vì đó là cổng thiên đàng, không gì bằng Bê-tên, “nhà của Đức Chúa Trời.” Cuối cùng khi Gia-cốp quay về vùng Đất Hứa, Chúa dạy ông phải biệt mình thánh ra một lần nữa bằng cách lập một bàn thờ tại Bê-tên (35:1-15).


Vào một kỷ nguyên sau đó, một dòng dõi của chính Gia-cốp nầy đã kinh nghiệm một đặc quyền còn cao cả hơn vị tổ tiên sáng giá của mình. Thay vì xuất hiện dưới dạng một giấc mơ, “cái thang” mới nầy dẫn đến sự hiện diện của Đức Chúa Trời đứng ngay trước Na-tha-na-ên bằng xương bằng thịt. Con Đường sống nầy dẫn đến sự hiện diện của Đức Chúa Trời được hiện thân trong thân vị của Con Đức Chúa Trời. Trên Ngài dòng dõi của Gia-cốp có thể hy vọng được thấy các thiên sứ của Đức Chúa Trời đi lên đi xuống. Không chỉ là Bê-tên linh thiêng mà chính Con Người linh thiêng, Đấng mở ra con đường đi thẳng vào sự hiện diện của Cha (GiGa 1:49-51).


Giê-ru-sa-lem [5]


Để nghiên cứu thêm về Giê-ru-sa-lem, xin xem các chương 7, 8, 9:


Khi Áp-ra-ham thực hiện cuộc hành trình mười hai dặm (khỏang 20 km) xa hơn về hướng nam trên con đường chạy dọc theo sống lưng của rặng núi trung tâm ở Palestine, ông hẳn đã đến địa điểm Sa-lem. Được biết rõ hơn với tên Giê-ru-sa-lem, thành phố quan trọng nhất trong lịch sử cứu chuộc nằm tại điểm cực bắc của vùng đồi xứ Giu-đê. Từ thời kỳ sớm nhất trong lịch sử Y-sơ-ra-ên, Giê-ru-sa-lem đã đóng một vai trò sống còn [6]


Thành phố Giê-ru-sa-lem của người Giê-bu-sít hay người Ca-na-an được đặt trên một ngọn đồi có tên là “Ô-phên”, nằm ở phần đông nam của thành phố hiện đại: Dân cư của nó có niên đại lui đến thời kỳ Chalcolithic (thiên niên kỷ thứ ba T:C:): Những khai quật mới đây đã khám phá một tường thành có niên đại Đồ Đồng Giữa II (1900-1500 T:C:), thời gian của các tổ phụ: Tầm quan trọng cổ xưa của Giê-ru-sa-lem được cho thấy nhiều hơn bởi việc nhắc đến nó trong các văn bản Ai Cập vào thế kỷ hai mươi T:C: .


Trước hết phải nói đến Mên-chi-xê-đéc, vua Giê-ru-sa-lem. Trong sách Sáng-thế ký, mà cấu trúc toàn sách được xây dựng chung quanh mười “gia phổ” khác nhau, hình ảnh huyền bí nầy xuất hiện trên sân khấu lịch sử như một sự thật bất thường. Bởi vì Kinh Thánh không cung ứng bản ghi chép nào về thân thế của ông nên rất thích hợp khi mô tả ông như là “không cha không mẹ” (HeDt 7:3). Như một ngoại lệ hiếm hoi trong khuôn mẫu được điều hoà chặt chẽ của Cựu Ước, Mên-chi-xê-đéc kết hợp các chức vụ thầy tế lễ và vua. Ông cai trị trên thành quốc cổ xưa (Giê-ru-) sa-lem, đồng thời cũng thực hiện chức năng như “thầy tế lễ của Đức Chúa Trời Chí Cao” (SaSt 14:18). Áp-ra-ham vĩ đại đã nộp một phần mười cho ông, và Áp-ra-ham vĩ đại nhận được lời chúc phước từ ông. Vì có đủ bằng chứng tự thân rằng người kém hơn được chúc phước bởi người lớn hơn, Mên-chi-xê-đéc của Giê-ru-sa-lem, trong các mục đích cứu chuộc của Đức Chúa Trời, phải lớn hơn Áp-ra-ham (HeDt 7:7). Kết luận nầy được khẳng định tối hậu bởi sự kiện chức tế lễ của Chúa Giê-xu Christ được kể là thuộc dòng đời đời lấy hình bóng từ con người Mên-chi-xê-đéc chứ không phải từ dòng tạm thời của Lê-vi, dòng dõi của Áp-ra-ham (7:14-16).


Ngoài việc dâng một phần mười cho vị vua Giê-ru-sa-lem, Áp-ra-ham sau đó còn dâng một sinh tế đặc biệt tại địa bàn cai trị của vị vua nầy. Trên núi Mô-ri-a tại Giê-ru-sa-lem, Áp-ra-ham trói đứa con trai một yêu quý của mình trên bàn thờ (SaSt 22:9-10). Thật vui mừng vì vị tổ phụ được đòi hỏi dâng sinh tế nầy chỉ bằng tấm lòng mà thôi, vì Chúa giữ con dao lại và chính Ngài cung cấp một con chiên thay thế để dâng lên bàn thờ. Nhưng nơi nầy phải được ghi nhớ liên tục vì chính tại đây trên địa bàn núi Mô-ri-a ở Giê-ru-sa-lem, Đa-vít dâng tế lễ chuộc tội để ngăn lại cơn thịnh nộ phừng phừng của Đức Chúa Trời (ISu1Sb 21:25-26); tại đây Sa-lô-môn xây dựng đền thờ tráng lệ để các sinh tế liên tục được dâng lên Chúa trải qua nhiều thế kỷ (IISu 2Sb 3:1) và cuối cùng tại đây Chiên Con của Đức Chúa Trời là Đấng cất tội lỗi của thế gian đã dâng chính thân thể mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn để Ngài làm một sinh tế dâng lên một lần đủ cả vì tội lỗi của cả nhân loại (HeDt 10:5).


Hếp-rôn [7]



: Để nghiên cứu thêm về Hếp-rôn, xin xem thêm chương 8:


Khi Áp-ra-ham đi theo con đường tổ phụ rộng mở về phía nam hơn hai mươi dặm nữa (khỏang 35 km) về phía Tây Nam Giê-ru-sa-lem, ông sẽ đến được thị trấn Hếp-rôn. Còn được biết đến dưới tên Mam-rê, Hếp-rôn nằm trên đỉnh núi cao nhất (khỏang 1000 m) của vùng Palestine đích thực. Từ lợi điểm nầy, vị tổ phụ có thể nhìn thấy khe nứt Biển Chết ngang qua vùng sa mạc Giu-đê khô cằn ở hướng đông, và có thể nhìn sang hướng tây đến lãnh thổ Phi-li-tin phì nhiêu ven bờ Địa Trung Hải. Một con đường mòn đầy thách thức nhưng thường có người qua lại nầy từ các đỉnh núi của Hếp-rôn nằm ở độ cao trên ba ngàn bộ (khỏang 1000 m) phía trên mực nước biển dẫn xuống các dòng suối của Ên Ghê-đi nằm tận bên dưới trên bờ Biển Chết. Tại 1.300 bộ (gần -400 m) dưới mực nước biển, đây là trũng thấp nhất trái đất. Trong một khoảng cách khoảng hai mươi dặm, độ chênh lệch đã lên đến trên 4.500 bộ (1370m).


Sự khác biệt quyết liệt giữa hai vùng nầy, Hếp-rôn trên cao và thung lũng phì nhiêu chung quanh sông Giô-đanh, trở nên một điểm tranh chấp chính giữa Áp-ra-ham và người cháu Lót. Dù được Đức Chúa Trời hứa ban cho cả vùng đất, Áp-ra-ham rộng rãi cho người bà con trẻ tuổi, háo thắng của mình được quyền chọn trước bất cứ vùng đất nào (SaSt 13:8-9). Bị thúc đẩy bởi một động cơ không phải là tốt nhất, Lót chọn cho mình cánh đồng phì nhiêu của vùng Giô-đanh (13:10-11). Nhưng sau khi Lót chia tay khỏi ông, chính Chúa hiện ra với Áp-ra-ham và tái bảo đảm với ông rằng đến cuối cùng toàn bộ vùng đất sẽ thuộc về ông và dòng dõi ông (13:14-17).


Với lời hứa tươi mới nầy trong tâm trí, Áp-ra-ham định cư tại Hếp-rôn với viễn cảnh thấy được từ đỉnh cao nầy như một lời nhắc nhở liên tục về lời hứa mở rộng của Chúa. Thật thích hợp, ở đây Áp-ra-ham cũng lập một bàn thờ cho Chúa nữa (13:18).


Sau nhiều năm lang thang như một người du mục, Áp-ra-ham quay trở về Hếp-rôn gần cuối cuộc đời mình. Tại đây người bạn đồng hành trung thành của ông là Sa-ra qua đời. Vào giây phút đau buồn nầy, vị tổ phụ cuối cùng có được quyền sở hữu trên một phần rất nhỏ của vùng đất trước đây đã được hứa cho mình. Ông trả giá với một chủ đất người Hê-tít về một lô đất có hang động để chôn Sa-ra (23:17-20). Đến cuối cùng chính Áp-ra-ham, cùng với Y-sác, Rê-be-ca, và Lê-a đều được chôn tại đây. Nhiều năm sau đó, Giô-sép khóc than lại quay về chốn nầy được hộ tống bởi đoàn tuỳ tùng Ai-cập để chôn xác ướp của Gia-cốp cha mình (50:12-13). Trung thành với lời hứa, Giô-sép tôn kính lời yêu cầu kiên định của cha rằng ông phải được chôn tại Đất Hứa Ca-na-an chứ không phải tại Ai Cập (50:4-5).


Nhưng điều đó có thể đem lại cho Gia-cốp sự khác biệt nào sau khi ông chết chứ? Và tại sao những người con của Y-sơ-ra-ên, dù đi trong hối hả, phải mang theo hài cốt của Giô-sép khi họ rời khỏi Ai-cập bốn trăm năm sau đó? Có phải chỉ vì những lý do tình cảm mà các tổ phụ đòi phải được chôn trong vùng đất nầy, Đất Hứa không? Chứng cứ của Kinh Thánh cho thấy rằng sự thử nghiệm đức tin đóng vai trò một trường học mà trong đó Chúa dạy họ phải trông đợi một điều gì đó nằm phía bên kia cuộc đời nầy. Áp-ra-ham, như thư Hê-bơ-rơ xác nhận. “chờ đợi một thành có nền vững chắc, mà Đức Chúa Trời đã xây cất và sáng lập” (HeDt 11:10). Tiếng từ bụi gai nói với Môi-se rất lâu sau khi vị tổ phụ cuối cùng qua đời rằng. “Ta là ” Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp (XuXh 3:6), chứ không phải “Ta đã là ” Đức Chúa Trời của họ. Nếu Ngài là Đức Chúa Trời của kẻ sống và không phải của kẻ chết, thì Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp vẫn tồn tại đâu đó, chờ đợi sự ứng nghiệm những lời hứa của Đức Chúa Trời mà họ chưa hề kinh nghiệm được trong đời nầy (Mat Mt 22:31-32).


Vì vậy, được chôn tại Hếp-rôn, một đỉnh cao để quan sát vùng Đất Hứa, cho thấy hi vọng của các tổ phụ về sự sống lại từ cõi chết. Một ngày nọ họ sẽ thức dậy từ mộ phần của mình và nhìn bằng đôi mắt mới lên vùng đất mà Chúa đã ban cho họ, một vùng đất đã mở rộng dưới giao ước mới lấy cả thế gian làm sản nghiệp (RoRm 4:13). Sự ứng nghiệm các lời hứa của một Đức Chúa Trời giữ lời giao ước sẽ vượt xa cả trí tưởng tượng hoang tưởng nhất của họ.


Khi dân Y-sơ-ra-ên bước đến vùng biên giới của Đất Hứa sau hơn bốn trăm năm kiều ngụ tại Ai-cập, mười hai thám tử được chỉ định đi đến Hếp-rôn, nơi họ nghe nói có những người khổng lồ trong nhân loại sống ở đó (Dan Ds 13:21-22). Họ thích thú lấy mẫu chùm nho mang về trại quân làm bằng chứng về hoa lợi của vùng đất. Nhưng sự nghi ngờ của họ đã đánh bại họ, và bởi sự vô tín của mình mà họ bị kết án phải lang thang trong hoang mạc bốn mươi năm. Họ chưa hưởng được hoa lợi của vùng Hếp-rôn màu mỡ.


Sau đó, dưới quyền lãnh đạo của Giô-suê, Hếp-rôn bị quân đội Y-sơ-ra-ên đánh bại vì vua Hô-ram của Hếp-rôn phạm sai lầm khi gia nhập liên minh miền nam của các vua Ca-na-an (Gios Gs 10:1-27). Cuối cùng, Ca-lép của chi phái Giu-đa được ban cho thị trấn nầy theo lời hứa Môi-se dành cho ông sau lời tường trình đầy đức tin của ông với tư cách là một trong mười hai người tiên phong đi do thám vùng đất (14:6-15).


Bê-e Sê-ba


Khi đi theo con đường tự nhiên mà Áp-ra-ham và các tổ phụ khác từng đi khi nếu du khách xuôi về hướng nam qua phần trung tâm của vùng đất, họ sẽ trước hết đến Si-chem như là điểm trung tâm của Sa-ma-ri ở phía bắc. Rồi sau khi vượt qua Bê-tên và Giê-ru-sa-lem, họ sẽ đến Hếp-rôn như là trung tâm của Giu-đa ở phía nam.

Cuối cùng họ sẽ đi xuống vùng Bê-e Sê-ba, nằm ở trung tâm vùng Nê-ghép trên con đường đi về Ai-cập. Một du khách quốc tế không có công việc gì trên vùng đất chính Palestine sẽ đi theo “con đường của biển” ven bờ Địa Trung Hải, hoặc có thể theo Đaị Lộ Hoàng Gia dọc theo vùng cao nguyên phía bên kia sông Giô-đanh đi men theo rìa phía đông của sa mạc A-ra-bi. Nhưng người có công việc trong vùng đất nầy hẳn sẽ đi theo đúng con đường mòn mà các tổ phụ trong Kinh Thánh đã đi, với lộ trình dẫn họ đi qua những nơi nầy và cuối cùng đến Bê-e Sê-ba.


Bê-e Sê-ba nằm trên sườn phía bắc của sa mạc Si-na-i dọc theo đường chập chùng của vùng đồng cỏ thất thường dẫn vào vùng Si-na-i khô cằn tùy thuộc lượng mưa từng năm ở miền nam. Nhưng thị trấn nầy vẫn luôn ổn định chỉ vì nó không tuỳ thuộc vào mưa như nguồn cung cấp nước.


Hai tường thuật trong Kinh Thánh liên quan đến việc đặt tên cho thị trấn nầy, một tường thuật liên quan đến Áp-ra-ham và một liên quan đến Y-sác, con trai ông. Trong cả hai trường hợp, A-bi-mê-léc, một vị vua trong vùng duyên hải Phi-li-tin, tìm cách thân thiện với các vị tổ phụ trong Kinh Thánh. Nhà cai trị Phi-li-tin được ổn định và an toàn trong vùng đất của chính mình, nhưng ông quan sát thấy rằng ơn phước lớn hơn của Đức Chúa Trời ngự trên những kẻ lang thang không mảnh đất cắm dùi nầy.

Mặc dù Áp-ra-ham có phàn nàn về việc các đầy tớ của A-bi-mê-léc cướp lấy một trong những cái giếng ông đã đào, ông là người lấy bảy con chiên sinh tế làm ấn chứng cho một giao ước hoà bình giữa chính ông và A-bi-mê-léc. Do hành động nầy, nơi nầy được gọi là Bê-e Sê-ba , nghĩa là “Giếng của lời thề” hoặc “giếng của bảy.” Ngay cả trong thời hiện đại người ta cũng đã xác nhận rằng bảy cái giếng nầy giúp phân định được địa bàn của thành phố nầy (Smith 1972, 193f.). Sau khi quốc vương Phi-li-tin từ giã, Áp-ra-ham trồng một cây me tại Bê-e Sê-ba, cho thấy ông ý thức chính mình đã đi một bước gần hơn đến quyền sở hữu thật sự các lời hứa (SaSt 21:22-32).


Những nét tương tự trong cuộc trao đổi giữa Áp-ra-ham và A-bi-mê-léc và biến cố tiếp theo liên quan đến Y-sác đã khiến một số người kết luận rằng những tác giả khác nhau hẳn phải báo cáo lại cùng một biến cố, dù lấy Y-sác thay thế cho Áp-ra-ham. Tính tình của Y-sác vốn thụ động mà rõ nét nhất là lòng vâng phục thậm chí sẵn sàng để cho người cha già trói mình vào bàn thờ sinh tế.

Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi ông để ra một lượng lớn thời gian đào lại chính những cái giếng cha mình đã đào trước đây. Ông cũng khẳng định một lời thề tương tự với A-bi-mê-léc tại Bê-e Sê-ba. Vì ông đã đặt tên cho các giếng ông đào lại với chính tên ban đầu do Áp-ra-ham cha ông đã đặt (26:18), nên ông cũng tái khẳng định tầm quan trọng của nơi được gọi là “Bê-e Sê-ba” nầy khi gia nhân của ông báo cáo lại rằng họ đã đào trúng mạch nước đúng vào ngày mà hiệp ước hoà bình được ký kết với A-bi-mê-léc (26:32).


Qua những thế kỷ tiếp theo đó, nơi định cư xa xôi nầy do Áp-ra-ham và dòng dõi ông thừa nhận đã đóng vai trò của cột mốc cực nam của vùng đất. Phạm vi vùng Đất Hứa được tính từ nhiều điểm khởi đầu ở phía bắc, nhưng luôn luôn “… đến Bê-e Sê-ba” ở miền nam. Vì vậy vương quốc nguyên thuỷ được tính từ “Đan đến Bê-e Sê-ba” (Cac Tl 20:1, ISa1Sm 3:20, IISa 2Sm 3:10, 17:11, 24:15, IVua 1V 4:25, IISu 2Sb 30:5). Sau cuộc phân tranh kích thước được rút gọn là “từ Ghê-ba đến Bê-e Sê-ba” (IIVua 2V 23:8). Tiếp theo chuyến hồi hương từ chốn lưu đày, đó là “từ Bê-e Sê-ba đến Trũng Hin-nôm” (NeNe 11:27, 30). Dù có nhiều thay đổi qua các thế kỷ, Bê-e Sê-ba vẫn cứ ổn định như là điểm đặt neo cho biên giới phía nam của vương quốc.


Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày nào đó trong tương lai những cơn mưa ở Palestine chuyển hẳn về phía nam? Những lời tiên tri hàm ý gì khi tuyên bố rằng sa mạc sẽ đâm hoa kết nụ (EsIs 35:1)? Lúc ấy biên giới của Đất Hứa sẽ đặt cái neo mới của nó ở đâu? Có thể nhận thức được rằng Bê-e Sê-ba sẽ được thay thế bằng một thành phố biên giới khác đóng ấn cho một nền hoà bình lâu bền hơn giữa nhân loại không?


Có lẽ những lời tuyên bố tiên tri về sự chuyển biến của sa mạc dự định để cho thấy rằng những bờ cõi cổ xưa của Đất Hứa không rộng đủ để bao gồm những dự đoán của họ về tương lai. Có lẽ Đức Chúa Trời đã dự định tất cả để mở rộng vương quốc phước hạnh có biên giới hạn hẹp nầy vượt xa mọi điều các tổ phụ có thể tưởng tượng. Vì chẳng phải chính Chúa đã cho thấy từ đầu rằng từ một người là Áp-ra-ham mà mọi quốc gia trên thế giới sẽ được phước hay sao? Và sự trông mong của con dân Đức Chúa Trời không phải đến cuối cùng sẽ định hướng về một trời mới và đất mới, khi hình bóng của giao ước cũ về việc quay về vùng đất nầy được thay thế bởi lối vào một địa đàng được khôi phục sao? (Tham khảo EsIs 2:2-4 và so sánh MiMk 4:1-3).


Phê-ni-ên


Thành phố cuối cùng đáng chú ý vì tầm quan trọng của chúng trong thời các tổ phụ là Phê-ni-ên. Nằm trên bờ rạch Gia-bốc ở vùng phía bên kia sông Giô-đanh, nơi nầy có vị trí nằm bên ngoài lối đi thông dụng được các tổ phụ đi theo. Nhưng đây là nơi Thiên Sứ của Chúa chọn để đối đầu với Gia-cốp khi ông trở về Palestine với gia đình mình sau khi chạy trốn khỏi Ê-sau mười bốn năm trước đó. Chúa vật lộn với con người nhiều thủ đoạn nầy cho đến hừng đông, cho đến khi con người có tên (Gia-cốp) là “kẻ chiếm đoạt” nầy nhận được sự chúc phước từ Đức Chúa Trời. Như thế, vị tổ phụ được đổi tên từ “Gia-cốp” thành “Y-sơ-ra-ên”, nghĩa là “hoàng tử với Đức Chúa Trời”. Chỗ nầy được gọi là Phê-ni-ên , vì Gia-cốp đã thấy “mặt Đức Chúa Trời” (SaSt 32:29-30).


Nhưng dân chúng tại Phê-ni-ên gặp khó khăn trong việc sống đúng với vinh dự được gắn kết bởi sự xuất hiện của Đức Chúa Trời cho tổ phụ họ tại chốn nầy. Khoảng năm trăm năm sau, Ghi-đê-ôn và ba trăm người can đảm của ông đuổi theo tàn quân đông mười lăm ngàn người của quân đội Ma-đi-an. Khi họ đến thị trấn Phê-ni-ên, tất cả “dù mệt nhọc họ cũng cứ rượt theo quân thù” (Cac Tl 8:4). Tất cả điều họ yêu cầu là có đủ bánh bồi dưỡng để họ có thể tiếp tục truy sát những kẻ thù của Chúa. Nhưng dân chúng Phê-ni-ên đang chơi trò chính trị. Họ có bánh mì, họ thấy nhu cầu cần giúp đỡ những đồng bào Y-sơ-ra-ên của họ. Nhưng những dân Phê-ni-ên nghi ngờ đạo quân nhỏ bé của Ghi-đê-ôn. Họ tưởng tượng rằng đòan quân Ma-đi-an sẽ quay trở lại để đàn áp họ nếu họ giúp đỡ đạo quân Y-sơ-ra-ên nầy. Vì vậy họ không chịu giúp đỡ.


Ghi-đê-ôn cảnh cáo họ về hậu quả sự hèn nhát của họ. Tháp Phê-ni-ên quý báu, có lẽ là một kỷ niệm về sự Chúa hiện ra cho Gia-cốp, sẽ bị phá huỷ. Không có điều gì thiêng liêng hoặc trần tục có thể bảo vệ được họ khỏi sự phán xét công minh của Chúa.


Sau khi hoàn tất việc chận đứng quân đôi Ma-đi-an, Ghi-đê-ôn trở về thị trấn Phê-ni-ên. Ông làm như ông đã nói. Ông phá đổ ngọn tháp và xử tử những nhà lãnh đạo của thành. Dù được tôn trọng trong lịch sử của Y-sơ-ra-ên, địa điểm Phê-ni-ên không thể miễn trừ cho cư dân của nó trách nhiệm phục vụ Chúa cách liên tục và trung tín được.



HỘI THÁNH TIN LÀNH TRƯỞNG NHIỆM GARDEN GROVE
Quận Cam-vùng nam California
​11832 South Euclid St, Garden Grove,
CA. 92840
Orange County​-Southern California
​Tel: 714-638-4422    

Email: vpcgg.ca@gmail.com

SUBSCRIBE FOR EMAILS

Thanks for submitting!

Copyright Ⓒ 2023 vpcgg (PC-USA). All rights reserved. 

bottom of page