top of page

7. Các Thị Trấn Và Thành Phố Trong Thời Kỳ Chinh Phục Và Thời Kỳ Các Quan Xét

Hung Tran

Apr 23, 2024

Ba vị trí rất đáng được chú ý như là những nơi có tầm quan trọng đặc biệt trong suốt thời kỳ chinh phục vùng đất của dân Y-sơ-ra-ên. Giê-ri-cô, Giê-ru-sa-lem, và Hát-so...



Phần hai: Những Đặc Trưng Của Xứ Thánh.



Các thị trấn và thành phố trong thời kỳ chinh phục và thời Các-Quan Xét. (khỏang 1500 - 1000 TC )



Bảng...

...niên đại của lịch sử Y-sơ-ra-ên trong thời kỳ chinh phục và thời Các Quan Xét (Thẩm Phán) đã được các học giả thảo luận nghiêm túc về một số các năm. Dù một trường hợp có thể có những lựa chọn khác nhau, bằng chứng Kinh Thánh dường như ủng hộ hai kết luận đưa ra sự hỗ trợ quan trọng để giải quyết nan đề niên đại của thời kỳ nầy.

• Trước hết, ghi chú niên đại trong IVua 1V 6:1 ủng hộ một niên đại vào thế kỷ thứ mười lăm T.C. cho việc Xuất Ai-cập và một niên đại vào thế kỷ thứ mười bốn cho việc chinh phục Đất Hứa.

• Thứ hai, đối chiếu Cac Tl 10:6-7 về sự đàn áp liên hợp mà Chúa dùng dân Am-môn và dân Phi-li-tin như được tiếp tục triển khai trong tường thuật của sách Các-Quan Xét, mạnh mẽ đề xuất những chức vụ quan xét đồng thời trong Y-sơ-ra-ên.

Hai kết luận nầy cung ứng một khung sườn để giải quyết hầu hết các nan đề có liên quan đến niên đại của thời kỳ Các-Quan Xét. Sự thảo luận tiếp theo sẽ phát triển hai kết luận nầy đầy đủ hơn.


Những thành phố chính của cuộc chinh phục.


Ba vị trí rất đáng được chú ý như là những nơi có tầm quan trọng đặc biệt trong suốt thời kỳ chinh phục vùng đất của dân Y-sơ-ra-ên. Giê-ri-cô, Giê-ru-sa-lem, và Hát-so. Ba thành phố nầy đóng vai trò trung tâm ở ba giai đoạn chính trong các chiến dịch của Giô-suê.


Giê-ri-cô [8]



Để nghiên cứu thêm về Giê-ri-cô, xem thêm chương 9:


Được nhìn nhận như là thành phố cổ nhất thế giới được biết đến, Giê-ri-cô có một lịch sử lâu đời từ những năm 8000 T.C. Những viên đá tại Giê-ri-cô minh chứng cho sự tồn tại của một thành phố có tường thành rộng bảy đến tám mẫu (khỏang 2,8 -3,2 hectares) vào năm 7000 T.C. Nằm ở tám trăm bộ (243 m) dưới mực nước biển trên rìa phía tây của thung lũng Giô-đanh, thành phố rất kiên cố nầy canh giữ lối chính đi vào vùng trung tâm Palestine từ phía đông. Được gọi là “thành phố của những cây chà là”, Giê-ri-cô được đặt trong một thung lũng xanh tươi, tương phản rõ nét với vùng sa mạc Giu-đê khô cằn trải dài dọc theo lối đi khó khăn lên Giê-ru-sa-lem ở phía tây.


Bởi vị trí chiến lược của nó, Giê-ri-cô không thể bị bỏ qua bởi những dân tộc tiến vào xứ Palestine từ phía đông. Hoặc là pháo đài nầy phải được chinh phục, hoặc là những kẻ xâm lược phải trông đợi sự quấy nhiễu liên tục bởi các lực lượng nội kích xuất phát từ những bước tường thành của nó ngày và đêm. Giô-suê và dân Y-sơ-ra-ên phải tìm cách vô hiệu hoá mối đe doạ ẩn tàng về những cuộc chiến gay cấn với Giê-ri-cô nầy khi họ tiến vào vùng đất.


Phương cách Đức Chúa Trời đối xử với Giê-ri-cô không phải là cách của con người. Vì vậy không có gì đáng phải ngạc nhiên khi những học giả hiện đại xếp bản tường thuật nầy của Kinh Thánh vào lãnh vực văn chương hư cấu đầy kịch tính. Một tác giả đáng kính đã tuyên bố. “Truyền thống Kinh Thánh chỉ nói bằng những từ ngữ truyền thuyết về cuộc chinh phục Giê-ri-cô… “ (Aharoni 1967, 192). Nhưng bản tường thuật của Kinh Thánh được đưa ra dưới dạng miêu tả thẳng thắn về một tiến trình chinh phục tương ứng với nguyên tắc sa-bát liên quan đến việc khôi phục vùng đất đã mất. Sau sáu ngày diễu hành chung quanh thành phố, quân đội Y-sơ-ra-ên thực hiện đường đi đó bảy lần vào ngày thứ bảy. Rồi sau đó đáp ứng với tiếng kèn của các thầy tế lễ, Đức Chúa Trời ban cho họ vùng đất đã bị từ chối cho họ hơn bốn trăm năm trước (Giô-suê 6:1-21;, cf. Lê-vi ký 25:8-13;). Món quà ân điển này về vùng đất được Đức Chúa Trời ban cho con dân Ngài bằng một phương cách thích hợp với các nguyên tắc ngày sa-bát gắn liền với sự tể trị của Đức Chúa Trời trên thế giới kể từ cuộc Sáng Tạo.


Bằng chứng khảo cổ sớm hơn đã được đọc theo cách khẳng định chứng cứ của Kinh Thánh liên quan đến việc tính niên đại cho cuộc chinh phục của dân Y-sơ-ra-ên. Những đồ trang sức hình bọ hung được phát hiện tại Giê-ri-cô có niên đại đến thời Amenhotep III của Ai Cập, là người trị vì một mình cho đến khoảng 1385 T.C. khi con trai ông - Akhenaton dị giáo - trở nên đồng nhiếp chính. Do thiếu vắng tại Giê-ri-cô các đồ trang sức hình bọ hung hoặc đồ gốm của kỷ nguyên mới nầy, một niên đại cho việc tàn phá thành phố được thiết lập phù hợp với niên đại Kinh Thánh trong IVua 1V 6:1 (Gartang 1948, 135; cf. Pfeiffer 1966,308). Tuy nhiên, những cuộc điều tra các tàn tích của Giê-ri-cô sau nầy đã giải thích bằng chứng nầy theo một cách nhập nhằng hơn. Dù vậy ngay cả những lời giải thích nầy đã đặt niên đại cho sự chiếm đóng trễ nhất thành Giê-ri-cô trong kỷ nguyên nầy “vào một phần tư thứ ba của thế kỷ thứ mười bốn T.C.,” tức là rơi vào khoảng giữa 1350 và 1325 T.C., chỉ có hai mươi đến năm mươi năm trễ hơn niên đại hợp với Kinh Thánh nhất (cf. Kenyon 1957, 262).

Trong bất cứ trường hợp nào, sự giải thích trễ hơn nầy các vật liệu phát hiện tại Giê-ri-cô không ủng hộ cho niên đại được các nhà phê bình ưa thích là cuộc Xuất Ai-cập nằm vào thế kỷ mười ba T.C. Một sự thảo luận mới đây hơn về các dữ kiện đã chỉ đến một niên đại khoảng 1430 T.C. cho sự sụp đổ của Giê-ri-cô (xem Bimson 1978, 144). Cuối cùng thì bản tường trình của Kinh Thánh về cuộc chinh phục Giê-ri-cô vẫn tiếp tục tỏ ra đáng tin cậy khi nói về việc con dân Đức Chúa Trời tiến vào Đất Hứa, và những ghi chú niên đại ngắn ngủi của nó đứng vững như một chứng cứ cho thực tại lịch sử của những sự kiện nầy. [9]


Niên đại cho sự sụp đổ của Giê-ri-cô được hổ trợ trong bài báo của Bryant Wood: “Dân Y-sơ-ra-ên có chinh phục Giê-ri-cô không?”, Tạp chí Khảo cổ học Thánh Kinh 16:2 (1990):14-58: Dựa trên một sự tái đánh giá về những báo cáo khai quật ban đầu phân tích đồ gốm, địa tầng học, dữ kiện đồ trang sức hình bọ hung, và thử nghiệm carbon 14, Wood kết luận rằng Giê-ri-cô bị phá huỷ vào cuối thời đại đồ đồng muộn, khoảng 1400T:C:


Giê-ru-sa-lem [10]



Nghiên cứu thêm về Giê-ru-sa-lem, xin xem các chương 6, 8, 9:


Khó có thể có một thời kỳ nào tồn tại trong lịch sử Kinh Thánh mà Giê-ru-sa-lem không đóng một vai trò nổi bật. Thời kỳ chinh phục không phải là ngoại lệ, mặc dù thành phố được định làm nơi Đức Chúa Trời lựa chọn trên đất bây giờ được nổi trội vì nó cung ứng một nhà lãnh đạo giữa các kẻ thù của Đức Chúa Trời. Vị vua của thành quốc nổi tiếng nầy trong thời Giô-suê được nhận diện là A-đô-ni Xê-đéc. Tên của ông ta có nghĩa là “Chúa tôi là công chính,” thật sự đồng nghĩa với tên Mên-chi-xê-đéc, tên của vị vua Giê-ru-sa-lem vào thời Áp-ra-ham. Có thể nào hai vị vua của cùng thành phố nầy lại có cùng tên và có liên hệ với nhau ở một mức độ nào đó không?

Có thể nào chỉ có một triều đại đã cai trị trên Giê-ru-sa-lem suốt năm trăm năm phân cách Áp-ra-ham và Giô-suê không? Thật khó quyết định câu trả lời cho câu hỏi nầy. Nhưng thật rõ ràng đặc điểm công chính được tìm thấy trong Mên-chi-xê-đéc không được phản ánh trong con người A-đô-ni Xê-đéc. Khi những nhà lãnh đạo của thành phố Ga-ba-ôn lân cận tình nguyện đầu hàng Y-sơ-ra-ên, A-đô-ni Xê-đéc khởi xướng việc triệu tập nhiều vị vua Ca-na-an nổi bật của miền nam Palestine gia nhập vào liên minh của ông để trừng phạt dân Ga-ba-ôn nhằm làm cho các thành khác run sợ không dám nghĩ đến việc ký hoà ước với Giô-suê và quân đội ông (Gios Gs 10:1-5).


Hành động nầy của vị vua Giê-ru-sa-lem thúc đẩy một trong những giây phút hào hứng nhất trong lịch sử Kinh Thánh. Giô-suê và quân đội ông tiến lên suốt đêm từ Giê-ri-cô để chặn đứng liên minh năm vua tiến đánh Ga-ba-ôn, đồng minh mới nhất của họ. Họ đuổi theo kẻ thù đông đảo dọc theo con đường dốc dẫn đến Bết Hô-rôn, mười dặm (khỏang 16 km) phía tây bắc Giê-ru-sa-lem. Khi họ bắt đầu đi xuống thung lũng A-gia-lôn, Giô-suê thấy rằng những giờ ban ngày sẽ qua đi trước khi ông có thể kết thúc chiến dịch nầy.

Vì vậy ông cầu xin Chúa khiến mặt trời đứng yên, cho ông thêm thời gian để đuổi theo quân thù. Vào ngày nầy, Chúa lắng nghe tiếng của một con người mà trước đây chưa từng có và sau nầy cũng không hề có. Tạm thời nhốt năm vua Ca-na-an trong một hang đá, sau đó ông trở lại với quân đội mình và hành hình họ như một gương mẫu về cách thức Đức Chúa Trời sẽ trừng phạt mọi kẻ thù của con dân Ngài.

Rồi Giô-suê tiến lên đánh chiếm hoàn toàn các thành phố Ca-na-an ở miền nam, theo một đường hình cung xuyên qua Ma-kê-đa, Líp-na, La-ki, Éc-lôn, Hếp-rôn và Đê-bia. Cuộc xung đột do vua Giê-ru-sa-lem khởi xướng đã làm suy yếu năng lực quân sự của những thành phố nầy đến nỗi họ kháng cự yếu ớt trước các cuộc tấn công của quân đội Giô-suê. Vì vậy đến cuối cùng, liên minh của các kẻ thù của Chúa chỉ giúp làm thăng tiến các mục đích của Chúa trong việc ban vùng đất nầy cho con dân Ngài (10:6-43).


Hát-so.


Vua Hát-so ở miền bắc phục vụ cho các mục đích của Chúa theo một cách tương tự với vua Giê-ru-sa-lem ở miền nam. Nghe tin cuộc chinh phục Giê-ru-sa-lem cùng với các đồng minh của nó, Gia-bin, vua Hát-so, tập hợp một lực lượng đông đảo tại vùng nước Mê-rôm để chiến đấu chống lại dân Y-sơ-ra-ên. Nhưng Giô-suê không phải là một người nhút nhát trước các lực lượng có ưu thế hơn. Ông đã nhìn thấy Đức Chúa Trời chiến cự cho mình, và ông sẵn sàng tấn công chống lại lực lượng liên minh mới nầy. Chúa hiện ra cho ông và bảo ông rằng ông cũng sẽ chiến thắng kẻ thù mới nầy nữa. Vì vậy, toàn bộ quân đội của Giô-suê tiến đánh địch thủ cách bất ngờ và đánh bại toàn bộ khối quân sự đồ sộ nầy (11:1-20).


Hát-so được các nhà khảo cổ học xác định là nằm trên một trong các ngọn đồi đồ sộ nhất được tìm thấy bất cứ nơi nào tại Palestine. Nằm về phía bắc Biển Ga-li-lê mười lăm đến hai mươi lăm cây số, ngọn núi nầy đạt độ cao khoảng 130 bộ (khỏang 40 m), cho thấy biết bao nhiêu nền văn minh từng hưng vong trên địa điểm nầy. Nó bao phủ một diện tích khoảng hai mươi lăm mẫu Anh (khỏang 10 ha), trong khi phần thấp hơn của thành phố có thêm một diện tích khoảng 175 mẫu Anh (70 ha) (cf. Pfeiffer 1966, 284; Aharoni 1967, 206). Đỉnh cao dân số của Hát-so đã được ước lượng khoảng bốn mươi ngàn người, một cộng đồng rất lớn vào kỷ nguyên đó.

Kinh Thánh cho thấy rằng Giô-suê chỉ đốt Hat-so trong số các thành phố của miền bắc (11:11, 13). Điều nầy thật thích hợp vì vua của nó chính là người khởi xướng liên minh lực lượng chống lại Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, vào thời Các-Quan Xét, thành phố nầy rõ ràng đã được tái thiết, vì về sau họ đã đô hộ Y-sơ-ra-ên vào thời Đê-bô-ra (Cac Tl 4:2). Quân đội của vị vua Gia-bin thứ hai nầy “trị vì tại Hat-so” bị đánh bật bởi Y-sơ-ra-ên, và cuối cùng chính vị vua nầy bị tiêu diệt (4:23-24).


Giô-suê đánh trận để giành lấy toàn vùng trong khoảng bảy năm. Nhưng ba chiến dịch chính yếu nầy chống lại các thành phố hàng đầu của Ca-na-an thể hiện những cú đột phá chủ yếu của cuộc chinh phục. Vào cuối đời ông người ta có thể nói rằng Giô-suê đã chiếm lấy toàn bộ vùng đất, mặc dù nhiều cụm dân cư Ca-na-an vẫn còn kháng cự trong vùng (cf. Gios Gs 11:23).


Phạm vi cai trị của các quan xét Y-sơ-ra-ên.


Các-Quan Xét cai trị Y-sơ-ra-ên từ Giô-suê cho đến Sau-lơ xuất thân từ một số địa bàn khác nhau trong xứ. Phần lớn trong họ rõ ràng chỉ có trách nhiệm trong khu vực mình mà thôi. Trong số những người nổi bật nhất có.


• Ốt-ni-ên của Giu-đa, con rễ của Ca-lép, người chiếm lấy Đẹt-bia ở miền nam (Cac Tl 1:13).

• Ê-hút người Bên-gia-min, người giải cứu Y-sơ-ra-ên khỏi Éc-lôn, vua Mô-áp (3:15, 30).

• Ghê-đê-ôn người Ma-na-se, người giải cứu Y-sơ-ra-ên khỏi Ma-đi-an (6:14-15).

• Thô-la người Y-sa-ca, người xây nhà mình trong vùng đồi núi Ép-ra-im (10:1-2).


Đáng chú ý nhất là bản tường thuật về hai vị quan xét hoạt động đồng thời nhưng độc lập với nhau ở hai miền khác nhau của xứ là Giép-thê ở Ga-la-át và Sam-sôn của xứ Đan. Sách Các-Quan Xét đặt bối cảnh cho công tác của họ bằng cách chỉ định rằng bởi vì tội lỗi của Y-sơ-ra-ên nên Chúa “phó chúng nó vào tay dân Phi-li-tin và vào tay người Am-môn” (10:7). Rồi bản tường thuật mới kể lại chi tiết việc giải cứu Y-sơ-ra-ên, trước hết khỏi tay người Am-môn bởi Giép-thê tại Ga-la-át (11:1-12:15), và rồi khỏi tay người Phi-li-tin bởi Sam-sôn dọc theo vùng đồng bằng Địa Trung Hải (13:1-16:31).

Vì Ga-la-át có vị trí ở miền đông bắc tại vùng bên kia sông Giô-đanh trong khi xứ Phi-li-tin có vị trí ở miền tây nam trên đường đến Ai-cập, thật hoàn toàn hợp lý để giả định rằng những chức vụ quan xét nầy diễn ra đồng thời. Tuy vậy những sự phân biệt nhất định có thể được chỉ định về hai miền nầy và những sự giải cứu được hoàn tất bởi từng vị quan xét nói trên.


Ga-la-át.


Ga-la-át đã được nổi danh trải qua nhiều thế kỷ vì những đồng cỏ đẹp đẽ, nhũ hương ly kỳ của nó, và sự an ninh nó đem lại cho bất cứ số lượng dân nào chạy trốn khỏi kẻ thù nghịch. Giô-sép bị bán cho một đoàn con buôn Ích-ma-ên đến từ Ga-la-át, có lạc đà “chở đầy thuốc thơm, nhũ hương và một dược” (SaSt 37:25). “Nhũ hương của Ga-la-át” cũng được đề cập trong những phân đoạn khác của Kinh Thánh (cf. Gie Gr 8:22, 46:11, Exe Ed 27:17). Cao nguyên nầy ở bên kia sông Giô-đanh phục vụ như một nơi ẩn náu cho gia đình Sau-lơ sau những sự kiện bi thảm tại núi Ghinh-bô-a, cho Đa-vít khi ông chạy trốn khỏi Áp-sa-lôm con trai mình, và cho những người còn sống sót sau cuộc phá hủy Giê-ru-sa-lem vào thế kỷ thứ nhất S.C. (IISa 2Sm 2:8, 17:21-22 cf. Baly 1957,228,229). Những người dân Gia-be tại Ga-la-át bày tỏ lòng trung thành sâu xa đối với Sau-lơ khi ông giải cứu họ khỏi mối đe doạ của người Am-môn bằng cách băng ngang sông Giô-đanh và lấy thi thể của Sau-lơ về từ các tường thành Bết-san để cho vị vua bị giết có thể có được một nơi yên nghỉ xứng đáng (ISa1Sm 31:11-13).


Vùng Pentapolis Phi-li-tin.


Người Phi-li-tin là dân miền biển, từ đảo Crete đến định cư dọc theo bờ biển Ca-na-an vào khỏang thế kỷ 13,14 TC. Họ đã xây dựng năm thành quốc (city-states) nằm trong dồng bằng duyên hải miền nam Palestine là. Ga-xa, Gát, Ách-kê-lôn, Ách-đốt và Éc-rôn. Chúng thường được nhắc đến như là “vùng Pentapolis Phi-li-tin” (Ngũ vệ thành Phi-li-tin). Một phần trong sản nghiệp ban đầu của chi phái Đan nằm trong khu vực nầy. Điều đó có nghĩa là chi phái nhỏ bé nầy ít khi có hoà bình. Sống quá gần với những kẻ thù không đội trời chung có nghĩa là chi phái nầy phải liên tục đương đầu với các áp lực đòi phải thoả hiệp.

Vì vậy không ngạc nhiên gì khi thấy Sam-sôn của chi phái Đan lang thang một vài trăm mét xuống thung lũng Sô-rết tới Thim-na là nơi ông thấy một cô gái Phi-li-tin và muốn cưới làm vợ. Thoạt tiên mẹ ông lớn tiếng phản đối, nhưng cuối cùng bà cũng đồng ý tác hợp cho họ. Nhưng vài tháng sau đám cưới, khi Sam-sôn quay lại với vợ mình, ông phát hiện rằng cô ấy đã được người Phi-li-tin gã cho một người khác. Cuối cùng cuộc chiến đấu giữa Sam-sôn và những kẻ hàng xóm Phi-li-tin đã dẫn đến cái chết của chính ông cùng với một số lớn quý tộc Phi-li-tin (14:1-16:31).


Hầu như mọi phần khác nhau của Đất Hứa đều có “quan xét” cũng là người giải phóng cho họ vào lúc nầy hoặc lúc khác. Chúa nhân từ không làm ngơ trước các nhu cầu của bất cứ con dân nào của Ngài, mặc dù tội lỗi họ là nguyên nhân chủ yếu đem đến thảm hoạ cho họ.



bottom of page