top of page

8. Các Thị Trấn Và Thành Phố Trong Thời Quân Chủ Thống Nhất Và Phân Chia

Hung Tran

Apr 22, 2024

Thời đại nầy trong lịch sử Y-sơ-ra-ên nhấn mạnh đến nhu cầu có một vua cho quốc gia, mặc dù về nguyên tắc chính Đức Chúa Trời là nhà cai trị của họ...



Phần hai: Những Đặc Trưng Của Xứ Thánh.



Các thị trấn và thành phố trong thời vương quốc thống nhất và phân chia. (khoảng 1000 - 500 TC )


Thời...

...kỳ Các-Quan Xét được đặc trưng hoá như một kỷ nguyên hỗn loạn bởi vì “trong lúc đó không có vua nơi Y-sơ-ra-ên, mọi người cứ làm theo ý mình tưởng là phải” (17:6, và 18:1, 19:1, 21:25). Thời đại nầy trong lịch sử Y-sơ-ra-ên nhấn mạnh đến nhu cầu có một vua cho quốc gia, mặc dù về nguyên tắc chính Đức Chúa Trời là nhà cai trị của họ.


Khi Y-sơ-ra-ên bước vào kỷ nguyên vương quyền, một số thành phố nhất định trở nên nổi bật. Quan trọng nhất là Ghi-bê-a, Hếp-rôn, Giê-ru-sa-lem, Sa-ma-ri, Gít-rê-ên, Mê-ghi-đô, và La-ki.


Trong mỗi trường hợp, vị trí địa lý của những thành phố nầy có một ảnh hưởng chính yếu trên vai trò của chúng trong nền quân chủ Y-sơ-ra-ên. Một số trong những nơi nầy có liên hệ với những thời kỳ đáng khích lệ về sự thăng tiến vương quốc Đức Chúa Trời trên đất. Những thành phố khác gợi lại những giây phút suy vong đáng buồn trong sự trị vì công bình của Chúa. Đồng thời, những kinh nghiệm của Y-sơ-ra-ên dưới chế độ quân chủ chỉ cho thấy có một nhu cầu về một Đấng lớn hơn Đa-vít hoặc bất cứ người nào trong dòng dõi ông. Vị vua được Chúa lựa chọn phải được lấy ra từ giữa anh em người để người sẽ được chấp nhận như là có thể đến gần tất cả họ. Nhưng người cũng sẽ cần những thuộc tính của sự hoàn hảo thiên thượng và quyền năng cần thiết để làm thăng tiến vương quốc của ân điển giữa vòng một dòng dõi sa ngã và liên tục phạm tội.


Ghi-bê-a [11]


Thành phố Thời Đại Đồ Sắt Đầu Ghi-bê-a được thành lập vào thế kỷ thứ mười hai T:C: Các nhà khảo cổ học đã phát hiện một sự tàn phá diện rộng cho thành phố nầy có niên đại khoảng 1100 T:C: Sự tàn phá Ghi-bê-a bởi dân Y-sơ-ra-ên như được mô tả trong Các-Quan Xét 19-20 có thể lấy bằng chứng từ những tàn tích nầy: Thành phố nầy dường như đã được xây dựng lại một thời gian ngắn sau khi phá huỷ, tạo ra một pháo đài hình chữ nhật với các bức tường dày và những tháp góc kiên cố: Các công trình gốm sứ được khai quật định niên đại cho phức hợp nầy vào thời Sau-lơ: Một lớp tro dày khác tại cùng địa điểm nầy có thể được nhận dạng với cuộc chính phục của Nê-bu-cat-nết-sa vào 587-86 T:C


Nằm cách Giê-ru-sa-lem một khoảng ngắn về phía bắc, thị trấn Ghi-bê-a thuộc vùng lãnh thổ của chi phái Bên-gia-min. Bản tường thuật về lịch sử chán ngấy của nó bắt đầu vào thời Các Quan Xét, khi một người Lê-vi lang thang trên đường trở về nhà sau khi đã tìm được người thiếp bỏ nhà ra đi của mình. Đầy tớ của người Lê-vi nầy giục ông ở lại Giê-ru-sa-lem trước cảnh bóng tối cứ xuống dần. Nhưng người nầy cứ đòi phải về đến Ghi-bê-a vì nó được chiếm giữ bởi những đồng bào Y-sơ-ra-ên của ông, trong khi Giê-ru-sa-lem vào lúc nầy còn nằm trong tay những người Ca-na-an ngoại giáo. Ngược lại với luật hiếu khách ở Y-sơ-ra-ên đòi hỏi phải cung cấp chỗ ở cho một khách lạ, không ai trong thành phố Ghi-bê-a nầy đưa ra một lời mời người anh em lang thang nầy vào trú qua đêm. Một ông già vốn là người ngụ cư ở đây làm trọn bổn phận nầy. Nhưng trong đêm, những người đàn ông của thành phố Bên-gia-min nầy đòi hỏi ông già đó phải đưa người khách của ông ra cho họ được “biết”, nghĩa là nói đến hành động có tính chất tình dục méo mó. Đáp lại, hai người bên trong đưa ra người thiếp của người Lê-vi; cô đã bị lạm dụng suốt đêm đến nỗi cô nằm chết ngay tại cửa nhà họ vào sáng hôm sau. Trong một nỗ lực giải quyết tình huống gớm ghiếc nầy, tất cả các chi phái Y-sơ-ra-ên tập họp lại để thực thi sự công lý trên các cư dân của thành phố. Nhưng chi phái Bên-gia-min cương quyết can thiệp để bảo vệ những anh em của họ tại Ghi-bê-a.


Sau nhiều trận chiến nối tiếp nhau, nhiều người Y-sơ-ra-ên từ các chi phái khác nhau bị chết. Chỉ có sáu trăm người đàn ông trong toàn bộ chi phái Bên-gia-min còn sống sót. Cả quốc gia nản lòng bởi ý nghĩ về một chi phái trong Y-sơ-ra-ên bị xoá sổ. Vì một số phụ nữ còn sống sót qua vụ trừng phạt trên Gia-be Ga-la-át vì không chịu ủng hộ hoạt động quân sự chống lại Ghi-bê-a, những phụ nữ nầy được ban cho làm vợ những người Bên-gia-min còn lại. Nhưng chưa hết, một số người Bên-gia-min còn lại vẫn không tìm được vợ. Vì vậy những người Y-sơ-ra-ên “làm ngơ” trong khi những người độc thân Bên-gia-min cướp lấy những cô dâu cho mình từ các chi phái khác của Y-sơ-ra-ên tại một lễ hội tôn giáo đặc biệt. Thật thích hợp, tác giả sách Các-Quan Xét kết luận câu chuyện điên cuồng nầy của loài người bằng cách nói rằng trong những ngày ấy không có vua nơi Y-sơ-ra-ên, và do đó mọi người làm theo điều mình cho là đúng theo mắt mình (19:1-21:25).


Ân điển của Đức Chúa Trời hiển nhiên làm sao khi một vài năm sau đó vị vua đầu tiên của Y-sơ-ra-ên lại xuất thân từ chi phái Bên-gia-min và thị trấn Ghi-bê-a. Sau khi được Sa-mu-ên xức dầu làm nhà quân chủ đầu tiên của Y-sơ-ra-ên, Sau-lơ trở về quê nhà tại Ghi-bê-a để cai trị các chi phái của Y-sơ-ra-ên. Hành động anh hùng đầu tiên của ông là giải cứu các cư dân tại Gia-be Ga-la-át khỏi mối đe doạ bạo tàn của những người hàng xóm Am-môn ở vùng bên kia sông Giô-đanh (ISa1Sm 11:1-11).


Cũng thật đáng chú ý rằng vị giáo sĩ Cơ-đốc vĩ đại nhất từng sống cũng xuất thân từ những người sống sót ít oi nầy của chi phái Bên-gia-min. Phao-lô, vị sứ đồ cho Dân Ngoại, nhận mình là người Hê-bơ-rơ con của người Hê-bơ-rơ, dòng dõi của chi phái Bên-gia-min (Phi Pl 3:5). Sự hỗn loạn tạo ra bởi những hành động tồi tệ nhất của con người đến cuối cùng cũng trở thành hữu ích cho các mục đích ân điển cao cả nhất của Đức Chúa Trời.


Ngày nay ngọn núi Ghi-bê-a cổ xưa đứng ngay phía bắc của thành phố Giê-ru-sa-lem. Trên đỉnh núi là cái khung trơ trọi của một kiến trúc hiện đại không bao giờ được hoàn tất. Vị vua của quốc gia Jordan hiện đại từng có lần bắt đầu xây dựng một lâu đài trên đỉnh núi Ghi-bê-a. Nhưng chiến tranh làm gián đoạn kế hoạch của ông, và dự án chẳng bao giờ được hoàn tất.


Hếp-rôn [12]



Để có thêm bối cảnh về Hếp-rôn, xin xem chương 6:


Vì Hếp-rôn là nơi duy nhất tại Đất Hứa mà Áp-ra-ham có sở hữu một ít bất động sản, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi Đa-vít lấy Hếp-rôn làm kinh đô thứ nhất cho vương triều của ông. Nằm trên vùng lãnh thổ Giu-đa dọc theo con đường của các tổ phụ, Hếp-rôn có lợi thế tự nhiên của một ngàn năm được vinh dự quốc gia. Ở đây Áp-ra-ham đã chôn Sa-ra, và ở đây Y-sác và Ích-ma-ên đã chôn cất cha mình là Áp-ra-ham.


Khi Sau-lơ và Giô-na-than con trai người mất mạng trong trận chiến đấu với người Phi-li-tin tại núi Ghinh-bô-a, Đa-vít nhất cử nhất động đều phải cực kỳ cẩn trọng. Ông cầu hỏi Chúa ông có nên từ bỏ chỗ ở của mình tại vùng Nê-ghép và tái định cư trong một trong những thành của Giu-đa không. Chúa hướng dẫn ông đến Hếp-rôn, là nơi ông định cư với gia đình mình và những bầy tôi trung thành của mình (IISa 2Sm 2:1-3). Bây giờ đã đến lúc Đa-vít phải được công nhận là vua trên Y-sơ-ra-ên. Nhưng khởi đầu chỉ có chi phái của chính Đa-vít, chi phái Giu-đa, mới thừa nhận ông là vị vua được xức dầu hợp pháp từ nơi Chúa. Vì vậy trong bảy năm rưỡi, Đa-vít cai trị Giu-đa tại Hếp-rôn, tranh đấu suốt thời kỳ nầy với một quốc gia phân tranh (2:4, 5:5). Từ Hếp-rôn ông tiến hành chiến tranh với Áp-ne là người ủng hộ Ích-bô-sết, con trai của Sau-lơ, nối ngôi vua. Vì vậy Hếp-rôn tiếp tục đóng một vai trò nổi bật trong những ngày đầu của vương triều nầy tại Y-sơ-ra-ên cho đến khi toàn thể quốc gia sẵn sàng thừa nhận Đa-vít như là vị vua được Chúa chọn và xức dầu.


Thật đáng buồn mà nói, thành phố nầy về sau lại trở thành vùng đất dàn dựng cho Áp-sa-lôm, người con trai nổi loạn đầy tham vọng của Đa-vít. Áp-sa-lôm đã được sinh ra tại Hếp-rôn, và vì thế nó trở thành một nơi tự nhiên để ông tự nhận quyền lãnh đạo tương tranh của mình. Sau khi đã dẫn dụ lòng của dân chúng lìa xa Đa-vít trong thời gian bốn năm, con người tham vọng trẻ tuổi nầy bí mật sai sứ giả đến đồng bào mình khắp nước mời đến gặp ông tại Hêp-rôn. Tại đó ông tự tuyên bố mình là vua thế cho Đa-vít, và từ đó ông tiến quân về thành phố thủ đô Giê-ru-sa-lem đang bỏ ngõ (15:1-12).


Từ điểm nầy trở đi, Hếp-rôn đóng một vai trò nhỏ trong lịch sử dân tộc. Không có chỗ nào trong Tân Ước nhắc đến nó như là một chỗ Đấng Christ hoặc môn đồ của Ngài thi hành chức vụ. Dường như sự tủi nhục vì có liên hệ với cuộc nổi loạn của Áp-sa-lôm đã phủ bóng mờ lên thành phố một thời huy hoàng nầy. Dù sao, trước khi nhường chỗ cho Giê-ru-sa-lem, Hếp rôn cũng đã là thủ đô cho thời kỳ mở màn cho triều đại Đa-vít.


Giê-ru-sa-lem [13]


Để nghiên cứu thêm về Giê-ru-sa-lem, xin xem các chương 6, 7, 9:


Du lịch vùng đất được Đức Chúa Trời chỉ định từ Đan cho đến Bê-e Sê-ba người ta không thể tìm thấy nơi nào có thể sánh với Giê-ru-sa-lem. Những địa bàn khác cũng có thể là những những ứng viên hợp lý hơn để được chọn làm thủ đô cho một vương quốc thống nhất. Si-chem, Si-lô, hoặc Ghi-bê-a đều có thể đưa ra những lợi thế của vinh dự xa xưa cũng như vị trí chiến lược của mình. Nhưng Đa-vít chọn Giê-ru-sa-lem, một thành phố thậm chí chưa được coi là lãnh thổ Y-sơ-ra-ên vào thời đó.


Dù được chiếm lấy bởi người Y-sơ-ra-ên khỏi tay dân Ca-na-an vào thời Các-Quan Xét (Cac Tl 1:8), địa điểm nầy lại tiếp tục rơi vào tay quân thù. Bốn trăm năm sau cuộc chinh phục và phân chia đất đai dưới quyền Giô-suê, Giê-ru-sa-lem vẫn cứ nằm dưới sự kiểm soát của người Giê-bu-sít. Đa-vít hẳn phải tìm ra những lý do chính đáng để biến nơi nầy thành thủ đô của chính mình.


Và có đủ lý do chính đáng. Ngay cả việc thành phố nầy không nằm dưới quyền kiểm soát của Y-sơ-ra-ên có thể được coi như một lý do tích cực để Đa-vít chọn nó làm thủ đô tương lai. Vì như thời gian đã chứng minh, nơi nầy sẽ được nổi tiếng suốt thiên niên kỷ với tên “Thành Đa-vít”. Nếu nó không do Đa-vít chiếm lấy, hẳn nó đã không mang tên ông.


Vị trí địa lý của Giê-ru-sa-lem cũng ủng hộ việc lựa chọn nó làm thành phố thủ đô thống nhất. Du khách có thể ngạc nhiên khi nhìn thành phố lần đầu, vì vị trí của thành phố nguyên thuỷ của Đa-vít rõ ràng là không cao hơn các đỉnh núi lân cận. Thật vậy, địa điểm nầy hoàn toàn bị bao quanh bởi những ngọn núi cao hơn. Ngọn đồi của Đa-vít có thể được mô tả như một miếng bánh lẻ loi còn sót lại trong một cái chảo chiên tròn.


Tuy vậy, điều kiện có vẻ như thấp thỏi nầy lại làm cho vị trí nầy thêm nổi bật. Như một hí trường hình móng ngựa khiến cho mọi mắt đổ dồn vào vở kịch diễn ra bên dưới thể nào, những ngọn núi bao quanh Giê-ru-sa-lem cũng cung ứng một vị thế độc đáo để con người chiêm ngưỡng vẻ huy hoàng của nó. Giê-ru-sa-lem có một cấu trúc địa lý độc đáo của riêng mình.


Những thung lũng hình chữ V xác định dãy núi gọi là thành Đa-vít nầy được tạo thành bởi các mặt nghiêng dốc. Với một bức tường phòng thủ vững chắc nằm trên đỉnh các độ cao nầy, thành phố nầy thực sự không thể tiến công từ ba mặt. Chỉ mặt phía nam Giê-ru-sa-lem mới bị đe doạ nghiêm trọng bởi các lực lượng tiến công. Thật hoàn toàn dễ hiểu khi Đa-vit biểu dương công trạng của những người đã thay ông đánh chiếm thành phố nầy (ISu1Sb 11:6). Có một khả năng là Giô-áp thành công trong việc đánh chiếm thành phố nầy khỏi tay người Giê-bu-sít chỉ bằng cách đi qua một đường hầm lấy nước dẫn ông ta vào bên trong các bức tường thành, chứ không phải bởi tấn công ào ạt vào hàng phòng thủ của nó (IISa 2Sm 5:8). Những người Giê-bu-sít, là những người đã tuyên bố rằng “những kẻ què và đui” là đã đủ để bảo vệ Giê-ru-sa-lem, có đủ lý do để khoe khoang như vậy (5:6). [14]


Các tàn tích về một đường hầm thẳng đứng và những đường hầm kết nối cho phép dân cư Giê-ru-sa-lem bên trong thành đến được suối Ghi-hôn bên ngoài thành được tìm thấy bởi các nhà khảo cổ học xưa: Đường hầm thẳng đứng, gọi là “Đường Hầm Warren” theo tên người khám phá ra nó, tỏ ra rất khó leo bởi những kẻ thù cố gắng xâm nhập vào thành: Dù vậy hẳn đã nhờ leo lên bằng những đường hầm nầy mà Giô-áp, cùng với những người của Đa-vít, đã thâm nhập được vào thành của người Giê-bu-sít


Vị trí nầy của thành phố cung ứng một hoàn cảnh thích hợp để Giê-ru-sa-lem đóng vai trò một đại diện trên đất cho thành phố đời đời của Đức Chúa Trời. Hãy để mọi quốc gia nhóm lại chung quanh vành đai của nó và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nơi mà Đức Chúa Trời của trời và đất cai trị, vì Giê-ru-sa-lem “đẹp đẽ” (Thi Tv 48:2-3). Hãy để con người với chính mắt họ nhìn thấy sự an ninh trong đó thành của Đức Chúa Trời cư ngụ, vì hễ Chúa còn ở đó, thì nơi nầy là bất khả xâm phạm (46:4-5). Hãy để con người từ mọi quốc gia chứng kiến nền hoà bình vững chải ngự trị tại đây và vào trong các vách thành của nó là nơi họ có thể tìm thấy sự hoà bình cho chính mình.


Hoàn cảnh chính trị của Giê-ru-sa-lem cung ứng một lý do nữa cho sự lựa chọn của Đa-vít. Mới đây nhất, khối chính trị của Y-sơ-ra-ên đã bị phân chia bởi cuộc đấu tranh giữa Sau-lơ của Bên-gia-min và Đa-vít của Giu-đa. Đằng sau cuộc tranh giành nầy là sự phân biệt từ xa xưa giữa hai dòng hậu tự từ hai người vợ của tổ phụ Gia-cốp. Vì Giu-đa là con của Lê-a và Bên-gia-min là con của Ra-chên. Lời tiên tri của chính Gia-cốp về các chi phái sẽ phát xuất từ các con trai mình tạo bối cảnh cho sự căng thẳng có liên quan đến quyền lãnh đạo bên trong quốc gia. Cây trượng của nhà cai trị sẽ không rời khỏi Giu-đa, con của Lê-a (SaSt 49:10); nhưng Giô-sép của Ra-chên, người anh thuần huyết thống với Bên-gia-min, cũng có địa vị trổi hơn (49:26, PhuDnl 33:16). Ngay phía bắc của Bên-gia-min là lãnh thổ rộng lớn hơn của Ép-ra-im, con trai của Giô-sép, cũng là dòng dõi của Ra-chên. Ép-ra-im giữ địa vị cao cả đã được tiên tri cho Giô-sép qua mọi thế kỷ kể từ khi rương giao ước, đại diện cho ngôi của Đức Chúa Trời trên đất, đã được đặt tại Si-lô (Gios Gs 18:1, 8, 19:51, 21:2, Cac Tl 18:31, 21:19, ISa1Sm 1:3, 3:21, 4:3-4). Lúc ấy chi phái Bên-gia-min, dòng dõi của Ra-chên, đã bước vào sự nổi bật của quyền lãnh đạo với việc bổ nhiệm Sau-lơ người Bên-gia-min làm vị vua đầu tiên của Y-sơ-ra-ên.


Chính trong bối cảnh kéo dài hàng thế kỷ vai trò nổi bật về chính trị đối với các chi phái xuất phát từ Ra-chên mà Đa-vít của Giu-đa trở nên vua trên toàn cõi Y-sơ-ra-ên (IISa 2Sm 5:1-2). Liên minh phía bắc ủng hộ Ích-bô-sết, con trai của Sau-lơ cuối cùng đã sụp đổ. Những trưởng lão đại diện cho mọi chi phái của Y-sơ-ra-ên đi sâu vào trong lãnh thổ chi phái Giu-đa để xức dầu cho Đa-vít làm vua tại Hếp-rôn. Nhưng quá hiển nhiên cho một người sắc sảo như Đa-vít hiểu rằng ông không thể cai trị hữu hiệu từ địa bàn nầy. Nhưng ông có thể đi đâu chứ? Si-chem quá xa vùng hạt nhân ủng hộ của ông tại Giu-đa. Si-lô của Ép-ra-im không thích hợp cho ông, vì đó chính là nơi mà chữ Y-ca-bốt (Ichabod ), nghĩa là “sự vinh hiển đã rời khỏi”, đã được long trọng tuyên bố vào lúc quân Phi-li-tin cướp lấy rương giao ước (ISa1Sm 4:21-22 cf. Thi Tv 78:60-61, 67-68, Gie Gr 7:12, 26:5-6, 9). Ghi-bê-a của Sau-lơ cũng không được coi như là một vị trí hợp lý để làm thành phố thủ đô của con người đã bị Sau-lơ săn đuổi quyết liệt trong nhiều năm.


Nhưng rồi lại có thành phố nầy của người Giê-bu-sít. Và nó nằm ở đâu? Trên sườn phía bắc của thung lũng Hin-nôm, vừa qua khỏi đường ranh của lãnh thổ Giu-đa, đặt nó vào trong lãnh thổ của Bên-gia-min (Gios Gs 15:1, 8).


Về mặt chính trị đó là một sự di chuyển hoàn hảo. Nếu Đa-vít có thể tập hợp được sự ủng hộ từ những bà con của Sau-lơ tại Bên-gia-min, ông có khả năng lớn nhất để thu phục Ép-ra-im, những người bà con gần nhất của Bên-gia-min ở về phía bắc. Một khi chi phái mạnh nhất nước nầy đã ủng hộ cách vững chắc, Đa-vít có thể trông đợi toàn dân tộc đứng đằng sau ông trong cuộc tranh chấp không tránh khỏi với các nước lân bang.


Và đúng như vậy. Những ơn phước của sự thống nhất đã đạt được. Anh em sống với nhau trong sự hoà hợp. Giọt sương của núi Hẹt-môn, xa tít về phía bắc, bắt đầu rơi trên núi Si-ôn ở miền nam (Thi Tv 133:3). Vương quốc bình an và thịnh vượng của Đức Chúa Trời bắt đầu định hình dưới quyền của một lãnh tụ được Chúa bổ nhiệm.


Nhưng không được giả định rằng vị trí của Giê-ru-sa-lem được quyết định chỉ bởi vị vua Đa-vít trẻ tuổi và là một chính khách khôn khéo. Việc lựa chọn Giê-ru-sa-lem có những gốc rễ sâu xa hơn. Giê-ru-sa-lem từng là nơi xảy ra sự thờ phượng dâng sinh tế có ý nghĩa nhất trong lịch sử cổ đại của Y-sơ-ra-ên, và từ ban đầu dường như Đa-vít đã có trong trí việc tái định vị trung tâm thờ phượng của quốc gia cũng như tái định vị ngai vàng của chính mình. Sau một chuyến đi ba ngày, có lẽ từ rìa sa mạc Bê-e Sê-ba, Áp-ra-ham đã đến núi Mô-ri-a để dâng con trai mình làm sinh tế cho Đức Chúa Trời. Theo lệnh truyền của Chúa, Áp-ra-ham đã dâng con trai mình tại địa điểm đã chỉ định trước, và con trai ông không kháng cự việc nầy.


Nhưng Đức Chúa Trời chuẩn bị cho chính Ngài một sinh tế. Trên núi nầy, chính ngọn núi Đa-vít sau đó đã chọn để đặt ngai vàng giữa Y-sơ-ra-ên, Áp-ra-ham đã dâng con trai một của mình và nhận lại đứa con ấy. Điều đó dường như Y-sác đã chết và đã sống lại (SaSt 22:9-14, HeDt 11:17-19). Tại cùng chỗ nầy, Đa-vít cũng đã dâng sinh tế của chính mình, một sinh tế để xin chuyển cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời ra khỏi đất nước mình (ISu1Sb 21:25-26).


Ngay từ đầu, Đa-vít dường như đã hình dung được sự kết nối giữa ngai vàng của mình với ngai Đức Chúa Trời. Ông dự định xây dựng một căn nhà cho Đức Chúa Trời mình tại thành phố thủ đô của vương quốc (IISa 2Sm 7:1-3). Có lẽ chính với niềm trông mong nầy mà Đa-vít đã xây cung điện của ông nằm thấp bên dưới vùng đỉnh của ngọn đồi. Khu vực rộng hơn phía trên ông để dành cho nhà Đức Chúa Trời, đền thờ Đức Chúa Trời ngự, nơi các sinh tế sẽ được dâng lên hằng ngày cho nhiều thế hệ đến sau. Rồi cuối cùng, khi thời gian đã trọn, chính Đức Chúa Trời sẽ lập ra một sinh tế vĩ đại cuối cùng cho tội lỗi nhân loại qua việc hiến tế chính Con Một của Ngài, Con mà Ngài yêu quí, để chấm dứt mọi sinh tế khác. Sinh tế nầy cũng sẽ được dâng trong nơi thánh khiết nầy.


Sa-lô-môn cuối cùng đã xây dựng nhà Đức Chúa Trời như Đa-vít đã mong ước. Đó là một cấu trúc tráng lệ. Nhưng nhiệm mạng của nó phải bị giới hạn, giống như mọi loại hình và bóng khác của kỷ nguyên giao ước cũ. Như chính Sa-lô-môn đã nhìn nhận (IVua 1V 8:27), dù đền thờ đó có tráng lệ đến đâu, Đức Chúa Trời không thể được chứa đựng trong một đền thờ bởi tay lòai người làm ra. Dù có vĩ đại bao nhiêu, Giê-ru-sa-lem dưới đất chỉ là hình bóng về thực tại ở trên trời (cf. HeDt 12:22, GaGl 4:26).


Nhưng sự tráng lệ của địa điểm nầy làm bối rối trong tâm trí của con dân Đức Chúa Trời. Người ta đã giả định rằng vì nơi nầy đã trở nên nơi ngự của Đức Chúa Trời trên đất, thành thánh không bao giờ sụp đổ được. Chống lại sự mê tín nầy, Giê-rê-mi rao giảng “bài giảng đền thờ” nổi tiếng, khiến ông sém mất mạng (Gie Gr 7:1-34); và để chống lại sự giả định sai trật nầy, Ê-tiên công bố rằng Đấng Chí Cao không ngự trong những ngôi nhà do tay lòai người làm ra, điều nầy đã khiến ông mất mạng (Cong Cv 7:48-60). Nhầm lẫn tương tự như thế vẫn cứ tiếp tục cho đến ngày nay và cần được minh định bằng cách khuyến giục con người đặt lòng tin cậy nơi sự hiện diện của Đức Chúa Trời được bày tỏ qua sự nhập thể, sự đóng đinh, và sự phục sinh của Con Ngài, chứ không phải nơi những truyền thống có tính chất mê tín về một nơi hoặc một dân tộc linh thiêng.


Sa-ma-ri [15]



Để nghiên cứu thêm về Sa-ma-ri, xin xem chương 9:


Khi Sa-lô-môn băng hà, Rô-bô-am, con trai ông, đã du hành vào lãnh thổ phía bắc để được đăng quang làm vua trên cả Y-sơ-ra-ên. Thành Si-chem cổ là một nơi tự nhiên cho việc khẳng định quyền thừa kế ngai vàng của cha ông là Sa-lô-môn. Dân chúng có những lời thỉnh cầu mạnh mẽ xin được nới lỏng quyền quân chủ chuyên chế vào thời điểm chuyển giao quyền lực gay cấn đó. Một sự siết chặt hơn từ vị vua mới là chính sách sai lầm vào thời điểm đó, và kết quả là sự ly khai. Giê-rô-bô-am, từ chi phái mạnh mẽ Ép-ra-im, dắt dẫn dân chúng ở phía bắc thành lập một đế chế mới lấy Si-chem làm thủ đô. Dưới triều Ba-ê-sa trung tâm của nó được chuyển về Tiệt-sa (IVua 1V 15:33 nhưng cf. IVua 1V 14:17), và rồi đến khởi đầu nền chuyên chế của Ôm-ri nó được đặt tại Sa-ma-ri (16:24). [16]


Bằng chứng quan trọng về sự chiếm cứ của người Y-sơ-ra-ên đã được khám phá bởi những khai quật mở rộng tại Sa-ma-ri: Những nhà khảo cổ đã nhận diện sáu thời kỳ Y-sơ-ra-ên bắt đầu với Ôm-ri và chấm dứt với sự phá hủy thành phố bởi tay người A-sy-ri năm 722 T:C: Kỹ thuật xây dựng và các toà nhà của Y-sơ-ra-ên đã tỏ ra có phẩm chất thượng thặng: Khu vực hoàng cung của vệ thành bao gồm hai hệ thống phòng thủ chính và một toà nhà được coi là một phần lâu đài của các vua Y-sơ-ra-ên: Toà nhà có tên “Ostraca” chứa nhiều mảnh gốm có khắc chữ:


Ba địa điểm nầy - Si-chem, Tiệt-sa, và Sa-ma-ri - đều nằm gần nhau, ở trong những thung lũng và đồng bằng gần đó được làm nổi bật bởi các ngọn núi Ga-ri-xim và Ê-banh. Chính sự kiện rằng vương quốc Y-sơ-ra-ên phía bắc có ba trung tâm quyền lực chỉ trong một số năm ngắn ngủi đã tự kể nên một câu chuyện. Đức Chúa Trời đã không chỉ định cho họ một nơi như Ngài đã làm với vương quốc Giu-đa (cf. PhuDnl 12:5-7, 11-14, 18, 21, 26). Mỗi địa bàn mới tiêu biểu cho sự xuất hiện mang tính bạo lực của một gia đình hoàng tộc khác nhau, tương phản với sự ổn định được thiết lập bởi nền quân chủ độc nhất của Đa-vít ở miền nam.

Ngoài ra, vương quốc phía bắc không bao giờ hoà nhập hiệu quả vào các trung tâm dân cư của quốc gia với trung tâm tôn giáo của nó, như Đa-vít đã làm với việc mang rương giao ước của Đức Chúa Trời về Giê-ru-sa-lem. Để làm hài lòng dân chúng và để làm chệch hướng những chuyến hành hương hằng năm của họ về Giê-ru-sa-lem, Giê-rô-bô-am thiết lập các trung tâm của riêng mình để thờ phượng tại Đan ở phía bắc và tại Bê-tên ở phía nam. Với một lịch tôn giáo khác biệt và một hệ thống tế lễ không có người Lê-vi do chính ông lựa chọn, ông hi vọng làm chuyển hướng lòng trung thành của dân chúng khỏi dòng dõi nhà Đa-vít khi họ tiếp tục cai trị tại Giê-ru-sa-lem (IVua 1V 12:26-33).


Giê-rô-bô-am và những người thừa kế ông ở phía bắc dẫn dân chúng vào một khuôn mẫu thờ phượng sai trật và nền đạo đức suy đồi. Cuối cùng họ rơi vào sự suy đồi nghiêm trọng đến nỗi việc lưu đày khỏi vùng đất của Chúa là điều không thể tránh khỏi.


Sa-ma-ri đóng một vai trò nổi bật trong toàn bộ tiến trình sa sút nầy. Thành phố được xây dựng và được tô điểm bởi Ôm-ri, A-háp, A-cha-xia và Giô-ram, là những đế chế mà cộng dồn thời gian cai trị là dài thứ nhì của vương quốc phía bắc. Trong khoảng năm mươi năm, các chính sách bành trướng và đồi bại của đế chế Ôm-ri đã kiểm soát được tâm trí của vương quốc phía bắc. A-háp đặc biệt thể hiện được những chính sách dung nạp bừa bãi các tập tục sa đoạ của đạo thờ Ba-anh của người Ty-rơ với sự thờ phượng thuần khiết Đức Chúa Trời thánh của Y-sơ-ra-ên. Chính Giê-sa-bên, hoàng hậu của A-háp từ thành phố Ty-rơ ven biển, là người đã lập ra cái thứ thờ cúng pha tạp, đưa các thần Ba-anh vào việc thờ kính Chúa giao ước của Y-sơ-ra-ên.


Thủ phủ Sa-ma-ri nằm trên một ngọn đồi tròn, rộng lớn tại trung tâm của một thung lũng rộng rãi dẫn về phía tây theo hướng Địa Trung Hải. Nó trở nên một vị trí cai trị chính yếu cho lãnh thổ nầy nhiều thế kỷ sau đó dưới thời của người La-mã, như nó đã phục vụ cho người Y-sơ-ra-ên trong thời kỳ vương quốc phân tranh. Tại địa điểm nầy, A-háp xây dựng lâu đài bằng ngà nổi tiếng của ông (22:39). Tại các cổng của thành phố nầy, A-háp của Y-sơ-ra-ên và Giô-sa-phát của Giu-đa ngồi trên các ngai vàng với tất cả uy phong của họ trong khi tiên tri Mi-chê tiên đoán rằng vua A-háp sẽ chết trong chiến trận chống lại quân đội A-ram tại Ra-mốt Ga-la-át (22:10, 28).

Dù ông giả dạng để ra trận, một mũi tên vu vơ bay trúng vào chỗ giáp mối của áo giáp A-háp khi ông chạy xuyên qua chiến trường trong chiến xa của mình. Ứng nghiệm một phần lời tiên tri của Ê-li, những con chó liếm máu A-háp từ chiến xa của ông khi ông trở về Sa-ma-ri (21:17-19, 22:38).


Đến cuối cùng Sa-ma-ri bị bao vây trong một thời gian ba năm khi vùng đất bị xâm lược bởi Sanh-ma-na-se, vua A-sy-ri. Năm 722 T.C. thành phố rơi vào tay San-chê-ríp của A-sy-ri và bị thiêu rụi, công dân của nó phải chịu số phận nghiệt ngã hoặc bị giết hoặc bị lưu đày.


Gít-rê-ên.


Gít-rê-ên đáng chú ý với tư cách là cung điện mùa đông của A-háp và Giê-sa-bên. Có vị trí chiến lược bên lề của đồng bằng Esdraelon (Gít-rê-ên), Gít-rê-ên canh giữ vùng thung lũng dẫn xuống Bết-San.


A-háp bày tỏ tính nhỏ mọn của mình khi ông tham muốn vườn nho của Na-bốt nằm cạnh hoàng cung tại Gít-rê-ên. Vị vua nầy hờn dỗi khi người hàng xóm của vua tôn trọng luật pháp Môi-se và từ chối bán miếng đất. Không cần hỏi câu nào, Giê-sa-bên tuyên bố rằng bà có một cách làm thoả mãn đòi hỏi quá mức của ông (LeLv 25:23, IVua 1V 21:7). Bà ta làm điều nầy bằng cách để cho người hàng xóm Na-bốt bị ném đá chết dựa trên những lời chứng dối đưa ra bởi những người làm chứng thuê. Nhưng cả A-háp lẫn Giê-sa-bên đều không thể thoát khỏi đường lối công chính của Chúa. Ngay tại nơi huyết của người vô tội Na-bốt đổ ra, chó sẽ liếm máu của A-háp và Giê-sa-bên (21:19, 23-24).


Một sự ăn năn dù rất nhỏ nhoi của A-háp, bản thân ông đã được tha khỏi sự sỉ nhục khi lời tiên tri nầy được ứng nghiệm (21:27-29). Tuy nhiên, ông đã chết trong chiến trận như lời tiên tri của Chúa tiên báo, và chó liếm máu chảy ra từ chiến xa của ông tại Sa-ma-ri (22:35-38). Nhưng sau đó, dưới bàn tay của Giê-hu, huyết của cả Giê-sa-bên và Giô-ram con trai bà phải đổ ra tại vườn nho của Na-bốt (IIVua 2V 9:25-26, 36-37). Lâu đài mùa đông xa xỉ nầy của các vua Y-sơ-ra-ên đáng xem như là nơi Chúa bày tỏ đường lối công chính của Ngài đối với tội nhân.


Mê-ghi-đô.


Sa-lô-môn củng cố Mê-ghi-đô, cùng với Hát-so và Ghê-xe, như là một trong những điểm quan yếu để bảo vệ quốc gia của mình (IVua 1V 9:15). [17]


Việc Sa-lô-môn củng cố Mê-ghi-đô được khảo cổ học minh chứng: Trên đỉnh bờ dốc tạo ra lối đi vào thành phố là một khúc ngoặt rất vuông góc dẫn đến cổng thành: Lối đi vào đặc trưng cho một phức hợp có sáu phòng tiêu biểu của thời Sa-lô-môn, một kiểu dáng được sao lại tại Hát-so và Ghê-xe và có niên đại vào thời kỳ vương quốc thống nhất: Ngay phía đông của cổng thành là một lâu đài rõ ràng được xây dựng bởi Sa-lô-môn, và bức tường có cửa sổ lớn mà qua đó nhà vua củng cố thành phố: Những khai quật cho thấy rằng Mê-ghi-đô là một thành phố náo nhiệt dưới thời Sa-lô-môn: Bằng chứng về sự tàn phá khủng khiếp dinh thự Sa-lô-môn bao phủ cả địa điểm nầy, mà có thể gán cho cuộc xâm lược của Pha-ra-ôn Si-sắc vào khoảng 925 T:C: Kết luận nầy đã được hổ trợ bởi sự khám phá một bia văn thời Si-sắc trên chính ngọn núi nầy:


Là hàng xóm của Gít-rê-ên, Mê-ghi-đô cũng canh giữ một trong những đường đèo nối liền những thung lũng rộng lớn của Ga-li-lê với vùng đồng bằng duyên hải đi dọc theo Địa Trung Hải hướng về Ai-cập. Quân đội hành quân từ hướng bắc xuyên qua Palestine hướng về Phi-châu hầu như không thay đổi và cứ đi qua dưới bóng các công sự của Mê-ghi-đô. Ngay cả ngày nay, những xa lộ hiện đại cũng mở ra cho vô số xe cộ chạy gần địa điểm cổ xưa đó.


Đối với những người sót lại của Y-sơ-ra-ên sinh sống tại Giu-đa, Mê-ghi-đô trở thành tiêu điểm của mối quốc hận lớn lao. Vì tại đó vị vua anh minh cuối cùng của Giu-đa từ trần năm 609 T.C. Vua Giô-si-a khăng khăng cản đường Pha-ra-ôn Nê-cô của Ai-cập khi ông nầy tiến quân về phía bắc. Mục đích của Giô-si-a có thể là để ngăn chận sự liên kết các lực lượng của Ai-cập với tàn quân A-sy-ri đã bị quân Ba-bi-lôn đánh cho tơi tả. Pha-ra-ôn của Ai-cập như một trung gian kỳ lạ cho lời Đức Chúa Trời phán với một vị vua tốt lành như Giô-si-a. Nhưng trong trường hợp nầy lời cảnh cáo cho ông phát xuất từ Chúa. Chúng bị Giô-si-a bỏ qua. Vị vua tốt nầy chết một cách vô ích, và Giê-rê-mi đã than khóc ông cách cay đắng. Giê-rê-mi thấy niềm hi vọng vào con người cuối cùng của Y-sơ-ra-ên phai tàn dần với sự ra đi của nhà vua (IIVua 2V 23:29-30, IISu 2Sb 35:20-25). [18]


Tàn tích tại địa điểm Mê-ghi-đô có niên đại vào thời vương quốc phân ly là rất nhiều: Trên phần phía nam của ngọn núi, một kho lúa lớn có niên đại vào thời Ôm-ri - A-háp đã được phát hiện: Như được làm chứng bởi các tàn tích, một chuỗi các toà nhà ba mặt có trụ chống có lẽ được dùng để làm kho chứa hoặc chuồng ngựa trong thời A-háp: Thêm vào đó, khai quật đã phát hiện một đường hầm phức tạp dài bảy mươi mét kết thúc tại một suối nước bên ngoài thành: Mê-ghi-đô tiếp tục là một thành phố nổi tiếng trải qua thời vương quốc phân ly, duy trì vai trò của nó trong suốt thời Sa-lô-môn:


Lời ca thương của Giê-rê-mi mang màu sắc tận thế trong những lời tiên tri hậu lưu đày của Xa-cha-ri khi ông dự đoán một ngày tương lai trong đó quốc gia sẽ khóc than vết thương chết người của Đấng còn lớn hơn Giô-si-a nữa (XaDr 12:10-12). Đến cuối cùng địa bàn Mê-ghi-đô sẽ được nhận diện cách hình bóng như là địa điểm của trận chiến lớn cuối cùng giữa các lực lượng của Đức Chúa Trời và Sa-tan (KhKh 16:16).

Hạt-ma-ghê-đôn vẽ ra trên tầm quan trọng chiến lược quá khứ của thành phố nầy để tiên đoán ngày Đấng Mêt-si-a của Đức Chúa Trời sẽ chiến thắng rực rỡ trên mọi kẻ thù của Đức Chúa Trời. Không nên trông đợi rằng tại đường đèo cụ thể nầy ở Palestine mà các lực lượng quân sự đại diện Đức Chúa Trời và Sa-tan sẽ trao đổi những đòn phủ đầu bằng tên lửa trang bị đầu đạn hạt nhân. Dù rộng như những thung lũng trải dài phía trước Mê-ghi-đô có thể xuất hiện, chúng không chứa nổi loại chiến tranh được mô tả trong Kinh Thánh.

Nhưng nhiều sự đối đầu diễn ra tại nơi nầy là những hình bóng thích hợp cho ngày đến của Chúa, khi Đấng Christ trị vì sẽ tận diệt mọi kẻ thù của Ngài với hơi thở của miệng Ngài. Nếu Giô-si-a ngã chết như một sự bày tỏ rõ ràng về sự không hoàn hảo của ngay cả vị vua tốt nhất trong số các vị vua được xức dầu của Y-sơ-ra-ên xưa, thì Đức Chúa Giê-xu sẽ chiến thắng khải hoàn trên mọi kẻ thù của Ngài và của chúng ta.


La-ki.


Một khi các ông trùm chiến tranh của A-sy-ri và Ba-bi-lôn đã phát huy ưu thế của mình tại đèo Gít-rê-ên hoặc Mê-ghi-đô, thì họ đối đầu với rất ít sự can thiệp từ phía Y-sơ-ra-ên khi họ hành quân dọc theo đồng bằng Sa-rôn vào trong lãnh thổ Phi-li-tin. Chỉ khi nào họ quay hướng trở lên và qua hướng đông về phía vùng đồi núi Giu-đê thì họ mới bị đối đầu bởi sự kháng cự quyết liệt. Dọc theo mỗi thung lũng dẫn về hướng Giê-ru-sa-lem là một vị trí được tăng cường đặt ra để ngăn trở mọi kẻ xâm nhập có tham vọng.


Thành phố La-ki là thành phố mang tính chiến lược, nằm ngay giữa trung tâm trên con đường tạo ra bởi một trong các thung lũng chính yếu dẫn vào vùng nội địa Giu-đê. Rô-bô-am, con trai Sa-lô-môn, củng cố thành phố nầy như một trong các điểm phòng ngự chủ chốt của mình (IISu 2Sb 11:5-12). Một bức tường dày đến gần 6 mét bao quanh phần đỉnh của ngọn núi là nơi xây thành. Phía dưới sườn dốc khỏang 45 mét là một bức tường thứ hai dày khỏang 4 mét bao bọc thành phố. Bởi tầm quan trọng chiến lược của nó, những tuyến phòng thủ phức tạp nầy của La-ki đã được duy trì trải qua các triều đại kế tiếp nhau của Giu-đê. Vì một khi La-ki bị mất, phần đất trung tâm nội địa là nơi có thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị bỏ ngõ cho sự tấn công trực diện.


Chỉ hai mươi năm sau khi thủ đô Sa-ma-ri phía bắc bị sụp đổ (722 T.C), San-chê-ríp, vua A-sy-ri, quay lại để chiếm luôn Giu-đa nữa. Năm 701 T.C. ông đã sẵn sàng mở một cuộc tấn công qui mô vào Giê-ru-sa-lem. La-ki là một trong các thành phố cuối cùng bị bao vây. Nếu lực lượng A-sy-ri có thể phá hủy các tuyến phòng thủ của nó thì không còn sự hỗ trợ nào có thể đến can thiệp vào một cuộc tấn công vào thủ đô của Giu-đa (IIVua 2V 18:13-17, IISu 2Sb 32:1-9, EsIs 36:1).


Việc chiếm La-ki đem lại cho San-chê-ríp một ý niệm về sự tòan thắng đến nỗi ông cho khắc bia đá lớn để kỷ niệm chiến thắng của mình. Phù điêu lớn nầy, bây giờ nằm trong viện bảo tàng Anh quốc tại London, mô tả với độ chính xác sống động hình dạng ngọn núi xây dựng La-ki, vị trí của cổng thành, và tình trạng hoảng loạn của các cư dân bại trận - tất cả đều từ góc nhìn trên ngọn đồi gần đó là nơi San-chê-ríp đặt đài chỉ huy để quan sát mọi diễn biến của trận hãm vây thành. Cũng trong dịp nầy lời mô tả của San-chê-rip về việc ông “đánh bại” Giê-ru-sa-lem không được chính xác như vậy. Ông khoe khoang rằng ông “nhốt Ê-xê-chia trong Giê-ru-sa-lem như một con chim trong lồng” (Pritchard 1950, 287-88). Lời tuyên bố nầy chính xác đúng như nó mô tả. Nhưng điều suy diễn rằng San-chê-rip thật sự lấy được Giê-ru-sa-lem là hoàn toàn lừa dối. Thay vào đó, quân đội ông bị tàn sát cách bí hiểm trong khi cắm trại chung quanh thành phố đó (IIVua 2V 19:20-37, EsIs 37:21-37). Vị vua oai hùng của A-sy-ri phải trở về xứ mình để giải quyết các xáo trộn nội bộ, và rồi bị ám sát bởi chính những đứa con trai của mình trong nhà của thần mình (37:38). [19]


Những phát hiện khảo cổ tại địa điểm La-ki chiếu rọi ánh sáng quan trọng trên những sự kiện của thế kỷ thứ tám T:C: Trong thời kỳ nầy một trong những vị vua của Giu-đa đã củng cố La-ki và biến nó thành một pháo đài phòng thủ tốt: Một bức tường phòng vệ kép bao quanh thành phố: Lối vào thành duy nhất là xuyên qua một cổng đôi tiến đến gần bởi một con dốc đi song song với tường ngoài: Bên trong bức tường, một pháo đài -lâu đài đứng sừng sững trên một khoảnh đất nâng cao: Phù điêu San-chê-rip từ Ni-ni-ve mô tả tỉ mỉ một cuộc tấn công của quân A-sy-ri vào thành phố: San-chê-rip xây dựng một kè bao vây ở góc tây nam của thành phố và phá huỷ tuyến phòng vệ của nó bằng cách sử dụng lính bắn cung, bộ binh, và máy phá thành: Một bờ kè chống bao vây ở bên trong góc thành tây nam được các nhà khảo cổ học phát hiện cho thấy các nổ lực của người Giu-đê để củng cố hàng phòng ngự chống lại sự tàn sát của người A-sy-ri: Nổ lực kháng cự căng thẳng nầy không đem lại lợi ích gì:


Bởi sự can thiệp đầy ân điển của Đức Chúa Trời, Giê-ru-sa-lem đã đứng vững qua cuộc tấn công đầy chết chóc nầy bởi quân A-sy-ri. Nhưng sự bất trung đối với giao ước khiến cho thành phố không thể nào đứng vững được mãi mãi. Dù là một nơi trên đất được lựa chọn bởi Chúa, Giê-ru-sa-lem không được miễn trừ các biện pháp kỷ luật của Chúa. Chỉ hơn một trăm năm sau, vua Nê-bu-cát-nết-sa của Ba-bi-lôn hành quân dọc theo cùng con đường của quân A-sy-ri trước đó. Sau khi chiếm lấy mọi thành phố nhỏ hơn biết kháng cự, Nê-bu-cát-nết-sa đặt các thiết bị bao vây chống lại La-ki trước khi mở cuộc tấn công vào Giê-ru-sa-lem. Hai mươi mốt mảnh gốm có khắc chữ, được biết đến dưới tên “những lá thư La-ki”, làm sống động những ngày cuối cùng của thành phố trước khi nó sụp đổ. Một lá thư kết thúc với lời tuyên bố. “và hãy để (chúa tôi) biết rằng chúng tôi đang trông chừng các dấu hiệu của La-ki, theo như mọi chỉ dẫn chúa tôi đã đưa ra, vì chúng tôi không thể thấy Azekah” (Lachish Letter #4; cf. Pritchard, 1950, 322). Lời tuyên bố nầy phù hợp chính xác với với sự tham chiếu trong Giê-rê-mi về La-ki và Azekah như những thành phố bị sụp đổ cuối cùng trước khi các lực lượng Ba-bi-lôn quay sự chú ý sang Giê-ru-sa-lem (Gie Gr 34:7). Lời ghi chú thương tâm từ người lính canh cho thấy rằng anh ta đang trông ngóng suốt đêm về hướng La-ki để xem có dấu hiệu gì là họ đã kháng cự được cuộc tấn công của những kẻ xâm lược Ba-bi-lôn không. Nhưng tia hy vọng cuối cùng đó bây giờ đang tàn lụi và rất ít khả năng còn lại có thể chống đỡ được vị vua Nê-bu-cát-nết-sa không biết thương xót nầy. Một khi La-ki sụp đổ, sự sụp đổ của Giê-ru-sa-lem hầu như chắc chắn sẽ theo sau.


Vào năm 586 T.C. thành phố được chọn của Chúa sụp đổ trước quân thù. Với các quốc gia lân cận đứng chế nhạo, máu của các đầy tớ của Đức Chúa Trời chảy xuyên qua các đường phố của thành thánh. Những bức tường của thành phố, lâu đài, và chính đền thờ bị tàn phá hoàn toàn. Vì vậy Chúa công khai bày tỏ sự ngu xuẩn của những kẻ tự tin có thể ẩn mình đằng sau địa vị được ưu đãi của Giê-ru-sa-lem. Những ưu đãi quá khứ của ân điển Đức Chúa Trời không bao giờ có thể bảo đảm cho tội nhân rằng người ấy sẽ được miễn trừ khỏi sự phán xét công chính của Chúa.


Sau khi bảy mươi năm lưu đày được mô tả trong lời tiên tri đã trôi qua, con dân của Chúa lại trở về quê hương của họ (IISu 2Sb 36:21, Gie Gr 29:10, DaDn 9:2). Ngôn ngữ của các lời tiên tri đương thời mô tả các sự kiện đó bằng những thuật ngữ xuất thần. Giê-ru-sa-lem sẽ có cư dân như một thành phố không có tường thành, dù một bức tường lửa bao chung quanh nó (XaDr 2:4-5).



Đền thờ được khôi phục sẽ có vinh quang lớn hơn đền thờ Sa-lô-môn với tất cả tráng lệ của nó (AgKg 2:9). Việc quay về vùng đất có nghĩa là sự khôi phục của địa đàng và sự sống lại từ trong kẻ chết (Exe Ed 37:11-14).


Nhưng sự việc lại xảy ra không có vẻ giống như vậy. Ít hơn năm mươi ngàn phu tù trở về. Quy mô nhỏ bé của đền thờ được xây lại khiến cho những người còn nhớ vẻ huy hoàng quá khứ của đền thờ đầu tiên phải bật khóc (Exo Er 3:12).


Dù vậy có một mầm chân lý trong bức tranh thi vị về các nhà tiên tri. Vì một loại vinh hiển khác sẽ đến trên đền thờ được khôi phục. Chính Đấng Mê-si-a sẽ đến, thể hiện trong chính Ngài vinh hiển của Đức Chúa Trời còn đến mãi mãi. Chính thân thể Ngài sẽ là một đền thờ còn vinh hiển hơn bất cứ kiến trúc nào được xây dựng bởi bàn tay con người (GiGa 2:19-22). Thời gian đang đến gần cho vùng đất của Kinh Thánh tiếp đón vị khách vinh hiển nhất của nó.



bottom of page