top of page

9. Xứ Thánh Trong Thời Đại Tân Ước

Hung Tran

Apr 21, 2024

Vùng đất nầy được tạo ra cho Đức Chúa Giê-xu Christ. Tính đa dạng của nó được thiết kế để phục vụ Ngài...



Phần hai: Những Đặc Trưng Của Xứ Thánh.



Vùng đất của Kinh Thánh trong thời đại giao ước mới. (khoảng 5 T.C. - 100 S.C.)



Vùng...

...đất nầy được tạo ra cho Đức Chúa Giê-xu Christ. Tính đa dạng của nó được thiết kế để phục vụ Ngài. Đặc điểm của nó như là một nhịp cầu nối liền ba lục địa được chuẩn bị chu đáo từ buổi Sáng-thế cho vai trò chiến lược của Ngài trong lịch sử nhân loại. Ngay cả ngày nay mọi quốc gia đều liên tục đổ về nơi nầy, vì thật độc đáo đó là vùng đất của Ngài, tiêu điểm của thế giới.


Khi nói đến vùng đất của Kinh Thánh trong thời đại giao ước mới, trước hết cần phải xác định bối cảnh xuất hiện của nhân vật chính, là Đức Chúa Giê-xu Christ, Đức Chúa Trời nhập thể. Vì vào thời điểm quan trọng nầy, sân khấu lịch sử loài người không hẳn là trống không. Dù chỉ có một Con độc nhất của Đức Chúa Trời, Ngài có nhiều địch thủ. Ba trong số họ nổi bật vào thời điểm Đấng Christ đến thế gian là. Sê-sa, Hê-rốt, và quyền lãnh đạo quốc gia Do-thái.


Các Sê-sa của kỷ nguyên giao ước mới không lỗi thời khi chấp nhận lời đề nghị của dân chúng để tự cho mình là những vị thần. Làm thế nào giải thích khác đi quyền kiểm soát hoàn toàn của họ trên các quốc gia trên thế giới chứ? Họ đã chinh phục thế giới được biết thời bấy giờ, kể cả vùng đất Palestine. Họ đặt dấu ấn không tẩy xoá được trên mặt đất với đường sá, ống dẫn nước, hí trường, đền thờ, lâu đài, tượng chạm, và thành phố. Vào thời Đức Chúa Giê-xu và các sứ đồ, luật pháp La-mã chi phối cuộc sống của quốc gia. Những luật pháp nầy có ảnh hưởng quan trọng trên sự giáng sinh, đời sống, sự chết, và chức vụ của Đấng Christ và các sứ đồ Ngài.


Dĩ nhiên, Kinh Thánh nói rõ ràng rằng Đức Chúa Trời của trời đất cai trị và tể trị trên mọi công việc con người bất chấp họ tự khẳng định mạnh mẽ mình là ai. Không bao giờ và trong bất cứ hoàn cảnh nào Ngài từ bỏ quyền kiểm soát trên mọi công việc của tạo vật Ngài. Ngài làm cho quân đội của loài người và các cư dân trên đất thấy rằng “chẳng ai có thể cản tay Ngài và hỏi rằng. Ngài làm chi vậy?” (DaDn 4:35). Trong suốt cuộc đời Đấng Christ trên đất, những vị quốc vương hùng mạnh nầy âm mưu và nổi giận chống lại Chúa và Đấng được xức dầu của Đức Chúa Trời. Nhưng đến cuối cùng, họ chỉ phục vụ cho những mục đích định trước của Đức Chúa Trời, Đấng đang cầm quyền tể trị đời đời, đầy lòng nhơn từ, giàu ân sủng.



Các Hê-rốt cai trị vào thời đại giao ước mới cũng đặt dấu ấn của họ trên vùng đất của Kinh Thánh. Hê-rốt đại đế (37-4 T.C.) bị un đốt bởi một đam mê xây dựng. Một phần để làm vừa lòng người Do-thái, một phần để thoả mãn thiên hướng vui thú của riêng ông, và một phần vì nổi sợ hoang tưởng rằng người ta đang tìm cách hại mạng sống ông. Hê-rốt cứ xây dựng, xây dựng và xây dựng mãi. Ông dựng lên những kiến trúc tráng lệ trên các ngọn núi phía bắc và trong sa mạc phía nam, từ bờ biển Địa Trung Hải đến rìa Biển Chết. Khắp nơi Đức Chúa Giê-xu và các môn đồ Ngài đi qua, các dấu ấn do vua Hê-rốt để lại thật đầy dẫy.


Địch thủ thứ ba đối với lời tuyên xưng của Đức Chúa Giê-xu trên vùng đất Palestine được cô đọng lại trong quyền lãnh đạo dân Do-thái. Những khát vọng dân tộc chủ nghĩa của họ không tránh khỏi xung đột với các mục đích thật sự của Đức Chúa Trời được bày tỏ trong Đức Chúa Giê-xu Christ. Dù sống dưới quyền cai trị La-mã, họ giữ được một số quyền tự quyết nhất định mà họ không có ý định từ bỏ. Như một người đương thời mô tả theo góc nhìn của họ về chức vụ của Đức Chúa Giê-xu trong mối liên hệ với các quyền dân tộc tự quyết của riêng họ. “Nếu chúng ta để cho người (Giê-xu) làm, thì thiên hạ tin người, rồi dân Rô-ma sẽ đến diệt nơi nầy và cả nước chúng ta nữa” (GiGa 11:48). Lời tuyên bố nầy trong nguyên văn Kinh Thánh nhấn mạnh đại từ sở hữu. “Chính nơi của chúng ta và quốc gia của chúng ta mà người Rô-ma sẽ lấy đi vì cớ ông ta.” Cảm nhận về quyền sở hữu nầy ngự trị trong lòng các nhà lãnh đạo Do-thái, thúc đẩy họ phải thực hiện bằng được việc đóng đinh Đấng Christ trên cây thập tự.


Vì vậy vũ đài được dựng lên vì cuộc đấu tranh giành quyền sở hữu vùng đất. Vùng lãnh thổ nầy sẽ thuộc về ai? Phải chăng đó là của Sê-sa, giành lấy bởi quyền lực, sự hiện diện, và hiệu năng của La-mã? Hay nó là của Hê-rốt, vì nhờ sự nhạy bén chính trị giúp ông ta sống còn trước áp lực của cả người La-mã lẫn dân Do-thái? Có phải vùng đất nầy không thể đảo ngược được là thuộc về quốc gia Do-thái do lời hứa với các tổ phụ, cho họ có quyền sở hữu nội tại vào mọi thời đại không? Hoặc vùng đất gọi là Palestine nầy thật sự thuộc về Jesus người Na-xa-rét, vị giáo sư từ Ga-li-lê, bước đi như một nông dân trải qua các mảnh đất đa dạng, chẳng sở hữu thứ gì nhưng lại hành động như Ngài sở hữu mọi thứ chăng?


Bây giờ hãy xem xét đến một số những lời nói và công tác chính yếu của Con Đức Chúa Trời khi Ngài đi đây đó trong vùng đất mà Chúa đã sửa soạn cho Ngài trước khi sáng thế. Hãy so sánh với những lời tuyên bố của các địch thủ của Ngài về quyền làm chủ vùng đất. Hãy đi theo Ngài khi Ngài đi từ nơi nầy đến nơi khác, và hãy xem vùng đất đó thật sự thuộc về ai.


Na-xa-rét.



Lời tuyên bố rằng đến cuối cùng kỳ hạn được trọn đã được chuyển giao trước hết cho Nữ đồng trinh Ma-ri trong thị trấn Na-xa-rét.


“Há có vật gì tốt ra từ Na-xa-rét được sao?” là câu nói gắn liền với Đức Chúa Giê-xu trong suốt chức vụ của Ngài (GiGa 1:46). Một chuyến viếng thăm địa điểm nầy của thành phố ngày nay cũng giúp giải thích lời tuyên bố ấy. Cách xa mọi con đường thường đi lại, tận trên những con đường ngoằn ngoèo dốc đứng dù người ta đi đến thành phố nầy từ hướng bắc hay hướng nam, Na-xa-rét hầu như ít được biết đến đối với những người thuộc giao ước cũ. Nhưng đó là nơi sứ giả Đức Chúa Trời chuyển giao lời Ngài cho Ma-ri. Trong khi vẫn còn là một trinh nữ, cô mang thai một đứa bé sẽ được biết như là Em-ma-nu-ên, Đức Chúa Trời ở giữa chúng ta.


Với sự an toàn tương đối của ngôi làng trái đường đi nầy, Đức Chúa Giê-xu trở về khi còn tấm bé sau khi chạy cứu mạng tại Ai-cập. Giấu mình trong sự mờ nhạt giữa các cư dân Na-xa-rét cho đến khi Ngài đạt đến lứa tuổi khoảng ba mươi, Đức Chúa Giê-xu có thể nhìn xuyên qua thung lũng và nghĩ đến cuộc đời của các vị vua trước đấy của Y-sơ-ra-ên. Ngài có thể nhìn xem núi Ghinh-bô-a nơi Sau-lơ, vị vua được xức dầu đầu tiên của Y-sơ-ra-ên, đã ngã chết bi thảm trong chiến trận. Ngài có thể nhìn về hướng tây đến núi Cạt-mên nơi Ê-li đã phát động cuộc đối đầu với A-háp, vị vua tồi tệ nhất của Y-sơ-ra-ên. Ngài cũng có thể nhìn về hướng đèo Mê-ghi-đô nơi Giô-si-a, vị vua tốt đẹp cuối cùng của Giu-đa, đã chết sớm trong tay quân đội của Pha-ra-ôn. Kể từ sau sự gục ngã bi thảm của Giô-si-a sáu trăm năm trước khi Đức Chúa Giê-xu giáng sinh chẳng hề có một vị vua công chính nào cai trị trên Y-sơ-ra-ên.


Đức Chúa Giê-xu được mọi người quen biết như là con trai người thợ mộc, và một trong những nơi trước tiên Ngài bắt đầu bày tỏ sứ mạng độc đáo của mình là tại thị trấn quê nhà của Ngài. Nhưng khi Ngài giải thích trước người Do-thái rằng mục đích của Đức Chúa Trời cho sự cứu rỗi con người có thể bao hàm các dân tộc ngoại đạo, thì đồng bào của chính Ngài đã điên tiết lên. Đức Chúa Giê-xu chứng minh lập luận của Ngài từ Kinh Thánh Do-thái bằng cách nhắc đến sự cứu rỗi dành cho một goá phụ Ca-na-an và một vị tướng lãnh Sy-ri chứ không đến với những con người Do-thái có nhu cầu tương tự (LuLc 4:25-27). Nhưng những sự kiện nầy ít đem lại ấn tượng trên dân chúng tại thị trấn quê nhà của Đức Chúa Giê-xu. Trong tâm trí họ, dân Do-thái tồn tại không có đối thủ, họ là những người được ưu đãi trên thế gian. Nếu Đức Chúa Giê-xu dự định quảng bá cho bất cứ quan điểm nào khác, Ngài thậm chí còn đánh mất luôn cả quyền tiếp tục tồn tại.


Bết-lê-hem.



Việc Đức Chúa Giê-xu đến thế gian trước hết được công bố cho cha mẹ Ngài tại thị trấn quê nhà Na-xa-rét. Nhưng Bết-lê-hem phải là nơi sinh của Ngài, vì lời tiên tri chỉ định cụ thể rằng nhà cai trị Mê-si-a của Y-sơ-ra-ên phải xuất thân từ thị trấn quê nhà của Đa-vít (MiMk 5:2). Trong hoang mạc Giu-đê gần thị trấn đó, vị vua của dân Do-thái đã xây dựng một công sự đồ sộ được gọi là Herodian. Hê-rốt đã xây dựng một tuyến pháo đài để tạo sự an tòan khi ông phải rút lui khỏi một kẻ thù tưởng tượng. Những dự án xây dựng to lớn của vua được thiết kế để bảo vệ ông khỏi bất cứ tình huống nào. Nhưng Vua Giê-xu đến trong vùng được phòng ngự nầy như một đứa trẻ dễ bị uy hiếp, không phương thế tự vệ trước các cuộc tấn công của Hê-rốt và những tên đao phủ của hắn. Chỉ có chính Chúa mới có thể sắp xếp mọi việc để cung ứng nơi trú ẩn cho Con Ngài dưới sự che chở của Pha-ra-ôn xứ Ai-cập ngoại đạo (Mat Mt 1:13-15).


Trong một thế giới sa ngã, tiếng khóc than đi kèm với vụ tàn sát con trẻ tại Bết-lê-hem của Hê-rốt có thể được coi như một thảm kịch thường nhật. Nhưng trong trường hợp nầy, Đức Chúa Trời giữ gìn Con Ngài để đương đầu với những nỗi thống khổ còn lớn hơn nhiều để cuối cùng cung ứng sự giải cứu cho vô số người trên khắp các quốc gia.


Hoang mạc xứ Giu-đê.


Hai sự kiện có ý nghĩa trong cuộc đời thanh xuân của Chúa Giê-xu gắn liền với hoang mạc xứ Giu-đê. lễ báp-têm và sự cám dỗ của Ngài. Cả hai sự kiện nầy khẳng định sự kiện rằng Giê-xu là Con Đức Chúa Trời.


Giăng Bap-tít kêu gọi toàn thế hệ của ông hãy “vào trong hoang mạc” để chuẩn bị con đường cho sự xuất hiện của Chúa. Nếu dân chúng thật lòng ăn năn tội lỗi, họ sẽ sẵn sàng từ bỏ những điều họ sở hữu và đi vào hoang mạc để được thanh tẩy. Trước khi có sự hiện diện của Giăng, cả một cộng đồng đã định cư trong những vách đá khô cằn dọc theo Biển Chết nhằm phản kháng sự suy đồi trong chức vụ tế lễ tại Giê-ru-sa-lem. Ngày nay người ta biết đến họ như là cộng đồng Qumran, những người nầy có ý tưởng chờ đợi trong hoang mạc một đấng Mê-si-a hầu đến. Theo Văn Kiện Đa-mách, người ta trông đợi rằng Môi-se sẽ tái xuất hiện và dẫn dắt họ một lần thứ nhì xuyên qua hoang mạc để chiếm hữu Đất Hứa (cf. Jeremias 1967, 4.861).


Đức Chúa Giê-xu đến với Giăng Báp-tít trong hoang mạc. Tại đó Ngài chịu bap-têm như một cách đồng hoá với dân mình trong nhu cầu được thanh tẩy mọi ô nhơ của tội lỗi. Khi Con đang cầu nguyện, Thánh Linh ngự trên Ngài bằng hình dạng thấy được trong khi lời Cha tuyên bố. “Con là con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đường” (LuLc 3:21-22). Theo cách nầy, chính Đức Chúa Trời Ba Ngôi công khai khẳng định thân vị và công tác của Đức Chúa Con Mê-si-a. Với tư cách Con độc nhất của Đức Chúa Trời, Ngài sẽ cai trị trên mọi thế lực thay cho con dân Ngài (Thi Tv 2:7-9), đồng thời cũng đảm nhận công tác khủng khiếp của “người đầy tớ chịu khổ” mà Đức Chúa Trời hài lòng (EsIs 42:1, 53:12). Đức Thánh Linh sẽ trang bị cho Đức Chúa Con mọi nguồn lực cần thiết để làm trọn công tác của Ngài, và Đức Chúa Cha sẽ khẳng định cho thế giới xuyên suốt mọi thời đại rằng đây là Đấng duy nhất có tư cách kế thừa thế giới. Trong hoang mạc xứ Giu-đê lúc Chúa Giê-xu chịu báp-têm, sự mạc khải nầy được ban cho liên quan đến người thừa kế thật sự của vùng đất.


Cũng trong hoang mạc, Chúa Giê-xu chịu thử thách liên quan đến quyền làm con của Đức Chúa Trời bởi ma quỉ. Trong vườn địa đàng, A-đam thất bại trong thử nghiệm của kẻ Cám Dỗ, chọn lựa quyền tự quyết hơn là đầu phục Đức Chúa Trời. Y-sơ-ra-ên, sau khi được giải cứu khỏi Ai-cập, cũng không chống nổi việc phàn nàn chống lại ý chỉ của Đức Chúa Trời khi đối diện với những mất mát trong hoang mạc. Dù được gọi là “con dân” Đức Chúa Trời, dân tộc được lựa chọn nầy đã thử Chúa mười lần khi họ lang thang trong hoang mạc. Nhưng Đức Chúa Giê-xu thành công trong hoang mạc tại chỗ mà cả A-đam lẫn Y-sơ-ra-ên đều thất bại. Mặc dù bị từ chối bánh và nước trong bốn mươi ngày đêm, Ngài chọn đầu phục ý muốn của Cha. Ngài không chấp nhận lời đề nghị của sa-tan về một quyền sở hữu tức thì, không chút đau đớn, các vương quốc của thế gian như một cách tránh né lời rủa sả trên cây thập tự. Dù những hoàn cảnh luôn chống lại Ngài, Ngài đắc thắng sự cám dỗ trong hoang mạc và vì thế chứng minh rằng Ngài thật sự là Con Đức Chúa Trời.


Ca-bê-na-um.


Chính lúc Giăng Bap-tit bị Hê-rốt An-ti-pa bắt giam thì Đức Chúa Giê-xu đi đến Ca-bê-na-um “bên mé biển” để bắt đầu chức vụ Ngài (Mat Mt 4:12-13). Tại nơi nầy trong xứ Ga-li-lê của Dân Ngoại, Đức Chúa Giê-xu công bố rằng “nước thiên đàng” đã đến gần. Đức Chúa Giê-xu nhìn thấy trong việc bắt Giăng Bap-tít một điềm báo trước về điều người Do-thái cuối cùng sẽ làm với Ngài. Ngài đáp ứng bằng cách đăng quang chức vụ mình tại một địa điểm và theo một cách thức mà tính truyền thông chắc chắn sẽ đạt đến chiều kích toàn cầu. Ngài không bị giới hạn vào một quốc gia, nhưng sẽ vươn tới mọi dân tộc trên thế giới.


Ngày nay, giữa các đống đổ nát chung quanh nhà hội cổ xưa nầy tại Ca-bê-na-um, đứng sừng sững một đài kỷ niệm đánh dấu là Via Maris, “lối đi của biển”. Vì Ca-bê-na-um nằm ngay trên đường đi của các Dân Ngoại trên thế giới, Đức Chúa Giê-xu không có địa điểm nào khác tốt hơn để làm biểu tượng cho việc vươn ra toàn cầu với Phúc-âm của Ngài.


Đáng kể nhất là sự kiện rằng Phúc-âm Ma-thi-ơ nhắc đến thành phố nầy như là “thành phố của Ngài (Giê-xu)” (9:1, 13:54). Không có nơi nào khác, ngay cả Giê-ru-sa-lem, nhận được danh hiệu nầy. Ngài không được sinh ra tại Ca-bê-na-um, cha mẹ Ngài không sống tại Ca-bê-na-um, Ngài không lớn lên tại Ca-bê-na-um. Nhưng nó đã trở nên thành phố “của Ngài”. Nơi nầy có sự giao thương liên tục giữa người Do-thái và Dân Ngoại - đây là nơi thích hợp nhất để mang lấy đặc trưng là “của Ngài”.


Phúc-âm Mác bắt đầu bằng một ngày bận rộn với Chúa Giê-xu tại Ca-bê-na-um (Mac Mc 1:21-34). Chúa Giê-xu giảng dạy trong nhà hội và đuổi ra một tà linh hung bạo. Rồi Ngài đi với Gia-cơ và Giăng đến nhà của Phi-e-rơ và Anh-rê, gần nhà hội, nơi Ngài chữa lành bệnh sốt rét cho bà gia Phi-e-rơ (1:31). Sau khi mặt trời lặn, dân thành phố mang đến cho Đức Chúa Giê-xu tất cả những người ốm đau và bị quỷ ám. Toàn thành phố họp lại tại cửa nhà khi Ngài chữa lành cho nhiều người. Chúa Giê-xu để nhiều giờ nghe người ta trình bày các nhu cầu của họ và rồi đưa ra sự giúp đỡ mà chỉ có Ngài mới làm được. Thời khoá biểu bận rộn nầy hẳn phải được lặp đi lặp lại nhiều lần khi Ngài đến và đi khỏi Ca-bê-na-um, trung tâm hoạt động của Ngài tại Ga-li-lê.



Nổi bật giữa các kiến trúc vẫn còn tàn tích tại Ca-bê-na-um là khung sườn của một nhà hội bằng đá vôi lớn mà một số nhà khảo cổ định niên đại vào thời Byzantine vào thế kỷ thứ tư S.C. Đồ gốm từ thế kỷ thứ nhất S.C. đã được phát hiện dưới một nền đá cuội bazan xưa bên dưới gian giữa của nhà hội. Nền nhà xưa nầy rất có thể là một phần của nhà hội được xây dựng bởi một đội trưởng tốt bụng người La-mã vào thời Đức Chúa Giê-xu (cf. LuLc 7:1-10). Con người tốt bụng nầy đã sai các sứ giả Do-thái đến với Đức Chúa Giê-xu không phải vì lợi ích của chính mình mà vì quan tâm đến một trong các đầy tớ của mình đang hấp hối.

Những sứ giả Do-thái của ông giải thích rằng người nầy đã xây nhà hội cho họ, yêu mến dân tộc họ, và đáng được nhận bất cứ sự giúp đỡ nào từ nơi Đức Chúa Giê-xu. Thái độ của chính người nầy khẳng định sự đánh giá của họ. Ông không thấy chính mình đáng được Đức Chúa Giê-xu đến thăm. Nhưng vì quen với việc thi hành quyền lực quân sự, ông diễn đạt sự tin tưởng rằng chỉ một lời nói ra từ miệng Đức Chúa Giê-xu thậm chí ở khoảng cách xa như vậy cũng đủ để chữa lành người đầy tớ đau ốm của ông. Với sự ngạc nhiên, Đức Chúa Giê-xu lưu ý rằng Ngài chưa bao giờ tìm thấy đức tin lớn như vậy giữa tuyển dân Y-sơ-ra-ên.


Vì vậy thành phố Ca-bê-na-um, với sự pha trộn giữa người Do-thái và Dân Ngoại, phục vụ tốt như một lời tiên đoán sống động về sự tạo dựng vương quốc Mê-si-a hầu đến. Một chiến binh La-mã đã xây dựng nhà hội cho người Do-thái bây giờ nhận được ơn phước từ quyền cai trị cứu rỗi của Đức Chúa Trời trên đất, và được hoan nghênh là người có đức tin lớn hơn bất cứ thành viên đang có nào trong tuyển dân cổ xưa nầy của Đức Chúa Trời.


Dù vậy với tất cả các đặc quyền chồng chất lên thành phố duy nhất nầy, những lời than trách của Đấng Mê-si-a lại lên án cư dân của nó (10:13-15). Người ta có thể nghĩ rằng Ca-bê-na-um sẽ được “nhấc lên các từng trời” để đối địch với Giê-ru-sa-lem trên trời vì nó được chấp nhận làm thành phố của chính Chúa Giê-xu. Nhưng không phải! Thay vào đó thành phố được ưu đãi nầy sẽ bị mang xuống các vực sâu. Đặc quyền không thể nào được sử dụng như một căn bản cho sự bảo đảm ơn phước. Thay vào đó, đặc quyền càng lớn trách nhiệm càng cao.


Sa-ma-ri [20]



Để nghiên cứu thêm về Sa-ma-ri, xin xem chương 8:


Sa-ma-ri đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình đời sống và chức vụ của Đức Chúa Giê-xu: Vì tính lịch sử và địa lý độc đáo của nó, thị trấn nầy mãi mãi là một gương mẫu hoàn hảo về những người lân cận xem như xa lạ về mặt văn hoá:


Khi người Ba-by-lôn hoàn tất việc tàn phá và lưu đày, họ tái định cư khu vực phía bắc Giê-ru-sa-lem với một hỗn hợp dân ngoại quốc (IIVua 2V 17:24-40). Những người nầy cuối cùng đã kết hôn qua lại với những người Do-thái không có tay nghề còn sót lại sống rải rác trong miền, và họ phát triển một nền văn hoá và tôn giáo pha tạp của riêng mình: Tác giả sách Các-vua ghi chú rằng “tổ phụ chúng nó làm thế nào, thì con cái cháu chắt chúng nó cũng hãy còn làm thế ấy cho đến ngày nay” (17:41). Ga-ri-xim trở thành núi thánh của họ, và dự định sẽ tiến đến chỗ trở thành quê nhà cho một đền thờ làm trung tâm thờ phượng, cạnh tranh với Giê-ru-sa-lem: Vì tất cả những lý do nầy người Sa-ma-ri bị khinh miệt và tránh né một cách thận trọng bởi người Do-thái: [21]

Hê-rốt đại đế xây dựng lại Sa-ma-ri theo kiểu La-mã vào thế kỷ thứ nhất T:C: Ông biến nó thành một nơi trưng bày hoang phí cho bạn bè và vị bảo hộ Sê-sa Au-gut-tơ, đặt tên lại là thành phố “Sebaste”, là từ Hy-lạp tương đương với chữ Au-gut-tơ: Những cuộc khai quật đã phát hiện ra một hội trường và pháp đình kiểu La-mã có niên đại vào thời Hê-rốt: Ngoài ra, Hê-rốt còn dựng lên một đền thờ lớn để tôn kính hoàng đế La-mã: Những kiến trúc nầy nằm ngay trên đỉnh các lâu đài thời các vua Y-sơ-ra-ên là những người đã cai trị tại Sa-ma-ri nhiều thế kỷ trước đó:


Nhưng Đức Chúa Giê-xu từ khước bất cứ cái nhìn thành kiến nào, dù Ngài không ngần ngại sửa lại những lầm lỗi trong niềm tin và tập tục của người Sa-ma-ri. Ngài lấy chính mình để hoà nhập người Sa-ma-ri bình đẳng với người Do-thái trong vương quốc của Ngài. Ngược lại với phong tục thời đó, Ngài bắt chuyện với một người phụ nữ Sa-ma-ri tại một cái giếng bên ngoài thành phố chính của họ. Hành động nầy về phần Đức Chúa Giê-xu cuối cùng đem lại sự cải đạo cho một số người đàn ông Sa-ma-ri (GiGa 4:7-9, 39-41).

Về sau Đức Chúa Giê-xu chữa lành một người cùi Sa-ma-ri cùng với chín người cùi Do-thái khác và nhấn mạnh đến sự kiện chỉ có người Sa-ma-ri nầy trở lại để cám ơn Ngài (LuLc 17:11-19). Ngài kể câu chuyện về “người Sa-ma-ri nhơn lành” đã giúp đỡ một khách lạ bị thương ngay cả khi những “người thánh” Do-thái tránh ra chỗ khác (10:29-37). Ngài đều đặn đến các làng Sa-ma-ri để rao truyền Phúc-âm cứu rỗi. Dù bị họ từ khước tiếp đón khi Ngài quyết định đi thẳng về hướng Giê-ru-sa-lem, Đức Chúa Giê-xu thăng thiên vẫn xem người Sa-ma-ri bình đẳng với người Do-thái trong việc chia sẻ các ơn phước trong ngày Đức Thánh Linh giáng lâm (9:51-56, Cong Cv 1:8, 8:4-17).


Sa-ma-ri vẫn còn đóng một vai trò quan trọng trong các mục đích của Đức Chúa Trời, không phải trong một nhóm nhỏ của bộ tộc Sa-ma-ri cổ xưa vẫn còn tiếp tục tồn tại đến ngày nay, mà vì có liên quan đến nguyên tắc rao truyền Phúc-âm được thể hiện qua việc Đức Chúa Giê-xu chấp nhận họ. Sứ mạng của Đấng Christ luôn luôn bao gồm những người hàng xóm gần đó là những người có thể thuộc về một nhóm văn hoá khác biệt hoặc nói một ngôn ngữ khác biệt. Lời đề nghị rằng Phúc-âm sẽ chỉ được phổ biến hoặc chủ yếu được phổ biến cho các dân tộc thuần nhất cần phải được xem xét cẩn thận dưới ánh sáng chức vụ của Đức Chúa Giê-xu giữa người Sa-ma-ri.


Giê-ri-cô [22]


Để nghiên cứu thêm về Giê-ri-cô, xin xem chương 7:


Kể từ khi Phi-e-rơ xưng nhận rằng Giê-xu là Đấng Christ của Đức Chúa Trời, tại Sê-sa-rê Phi-lip, Đức Chúa Giê-xu đã lên đường hướng về Giê-ru-sa-lem (LuLc 9:18-22, Mat Mt 16:13-21). Từ điểm cực bắc nầy trong chức vụ năng động của Ngài, Chúa Giê-xu quyết định lên đường xuyên qua vùng đất của Kinh Thánh hướng về điểm đến cuối cùng của Ngài. Một trong những trạm dừng chân sau cùng trước khi đến Giê-ru-sa-lem là Giê-ri-cô.


Khi viếng thăm Giê-ri-cô ngày nay, du khách có thể quan sát hai địa điểm dành cho thành phố nầy. Cách ngọn núi xưa khoảng một dặm là Giê-ri-cô của Tân Ước, được xây dựng làm thủ đô mùa đông của Hê-rốt đại đế (37-4 T.C). Giê-ri-cô có thể không được thú vị lắm trong mùa hè, với nhiệt độ lên đến 1200 F(gần 50oC).


Nhưng vào mùa đông, nó lại là một nơi tĩnh dưỡng lý tưởng khỏi cái lạnh cóng da của Giê-ru-sa-lem. Đúng với tâm tính của một vị vua có khát vọng trở thành một nhà xây dựng lớn hơn Sa-lô-môn, Hê-rốt dựng lên nhiều kiến trúc phức tạp bao gồm một lâu đài lộng lẫy, những toà nhà công cộng, và những vườn trũng dài đến 350 bộ (khỏang 320m). Nhiều biệt thự cũng được xây dựng bởi những nhân vật tai to mặt lớn những người cùng đi với Hê-rốt đến Giê-ri-cô khi thời tiết thích hợp.


Trong chuyến đi cuối cùng xuyên qua Giê-ri-cô, Đức Chúa Giê-xu gặp hai người ăn xin mù đáng thương. Sự tồn tại của hai địa điểm cho Giê-ri-cô có thể giải quyết sự căng thẳng rõ ràng giữa bản tường thuật của một sách Phúc-âm mô tả Đức Chúa Giê-xu như đang đi ra khỏi và sách kia nói Ngài đang đi vào thành phố khi Ngài gặp những người mù nầy (20:29, LuLc 18:35). Một người dạn dĩ tên là Ba-ti-mê không ngừng khuấy động sự yên tĩnh cho đến khi Đức Chúa Giê-xu dừng lại để chữa lành cho ông (Mac Mc 10:46-52).


Bây giờ Đức Chúa Giê-xu đang trên hành trình cuối cùng đến Giê-ru-sa-lem. Khi Ngài được chào đón nồng nhiệt bởi những khách hành hương xuôi qua thành Giê-ri-cô để dự lễ Vượt Qua tại Giê-ru-sa-lem, Đức Chúa Giê-xu chọn ra Xa-chê, một trong những người giàu có nhất thành phố. Trong dinh thự của con người trần tục bây giờ biết ăn năn về những hành vi bòn rút của mình, Đức Chúa Giê-xu ăn bữa tối vào cái ngày trước khi đi lên Giê-ru-sa-lem lần cuối để chịu đóng đinh trên cây thập tự (LuLc 19:1-10).


Ngay cả vào thời điểm muộn màng nầy trong cuộc đời Ngài, mối quan tâm chủ yếu của Chúa vẫn dành cho những người khác chứ không phải chính mình. Cả người nghèo Ba-ti-mê và người giàu Xa-chê đều là những người nhận được tình yêu thương vô biên mà Ngài dành cho mọi người thuộc mọi địa vị trong xã hội.


Giê-ru-sa-lem [23]


Để nghiên cứu thêm về Giê-ru-sa-lem, xin xem chương 6, 7, 8:


Chính Đức Chúa Trời, bằng Lời của Ngài, đã mô tả thành phố nầy là “Giê-ru-sa-lem, Ta đã đặt nó giữa các dân tộc, và các nước bao xung quanh nó” (Exe Ed 5:5). Bởi sự chỉ định của Đức Chúa Trời, thành phố Giê-ru-sa-lem được đặt làm tiêu điểm cho toàn thế giới. Và bây giờ khi Đức Chúa Giê-xu đến gần thành phố nầy lần cuối cùng, mọi thời đại quá khứ cũng lên đến đỉnh điểm của chúng. Đây là thời điểm mà nơi nầy được thăm viếng, và lẽ ra đã luôn được nhắc đến với lòng tôn quý và kính mến hơn bao giờ hết!


Ít có du khách nào đến với vùng đất của Kinh Thánh ngày nay có đủ sức chịu đựng để đi bộ từ Giê-ri-cô về Giê-ru-sa-lem, nhưng Đức Chúa Giê-xu đã làm điều đó. Ngài bắt đầu từ tám trăm bộ (khỏang 244 m) dưới mực nước biển và đi lên độ cao 2.400 bộ (khỏang 730 m) phía trên mực nước biển, một khoảng cách tổng cộng khoảng mười tám dặm (khỏang 29 km). Không ai đặt câu hỏi nào về tình trạng thể lực của con người Giê-xu. Ngài thật sự là “kiểu mẫu toàn hảo.”


Ngoài ra, rất ít du khách đến vùng nầy thấy được mình có thể duy trì các bước chân của Giê-xu trong tuần lễ cuối cùng của cuộc đời Ngài. Nghỉ lại hằng đêm tại Bê-tha-ny, phía bên kia núi Ô-liu, Ngài đi xuống và rồi đi lên các sườn dốc đứng dẫn đến khu vực đền thờ mỗi ngày (Mat Mt 21:17, LuLc 21:37).


Nhưng điểm chính là gì? Tại sao Ngài để mình bị lộ diện như thế trước dân Do-thái vào những ngày nầy ngay trước lễ Vượt Qua? Trước đấy Đức Chúa Giê-xu không đi lên Giê-ru-sa-lem bởi vì Ngài biết các nhà lãnh đạo của dân chúng đang tìm cách giết Ngài (GiGa 7:1, 11:8). Tại sao bây giờ Ngài tỏ bày chính mình cách công khai như vậy trước sự hiện diện của họ?


Câu trả lời là hiển nhiên, và nó được thể hiện dứt khoát khi những người Hy-lạp đến tìm Chúa tại Giê-ru-sa-lem trong tuần lễ cuối cùng của cuộc đời Ngài (GiGa 12:20). Nhiều lần Ngài đã tuyên bố. “Giờ ta chưa đến” (2:4, 7:6, 8, 30, 8:20). Nhưng bây giờ Ngài phán. “Giờ đã đến, khi Con Người sẽ được vinh hiển” (GiGa 12:23). Giờ đã đến cho Ngài để được “cất lên” trong việc bị đóng đinh, phục sinh và thăng thiên (12:32). Do đó, con người từ mọi quốc gia sẽ được kéo đến bên Ngài. Ngài là Đấng Christ của vũ trụ, và toàn cõi vũ trụ sẽ chịu ảnh hưởng bởi việc Ngài được cất lên. Không chỉ từ giữa người Do-thái, nhưng từ giữa mọi quốc gia trên thế giới, những con người trải qua mọi thời đại và từ mọi lục địa sẽ được kéo đến với Ngài.


Việc Con Đức Chúa Trời được cất lên chỉ có thể xảy ra tại Giê-ru-sa-lem. Không có nơi nào khác, không có thành phố nào khác có thể thay thế. Ngài phải đến với dân tộc giao ước của Đức Chúa Trời, và Ngài phải bị khước từ bởi dân tộc giao ước của Đức Chúa Trời. Chỉ khi ấy thì các mục đích và kế hoạch của Đức Chúa Trời mới thành hiện thực như được bày tỏ trải qua mọi thời đại.


Vì vậy tuần lễ cuối cùng của cuộc đời Ngài trên đất bắt đầu với “hành trình khải hoàn” vào Giê-ru-sa-lem. Chúa Giê-xu phải bị từ khước với tư cách không ai khác hơn là vua dân Do-thái. Cưỡi trên lưng một con lừa là phương tiện di chuyển của hoàng gia, Ngài đi vào thành phố được bao quanh bởi sự hoan nghênh vang dội của đám đông. Ngài đi lên thành cổ Giê-ru-sa-lem, như Sa-lô-môn đã đi trên con la của Đa-vít vào ngày đăng quang (IVua 1V 1:38). Bất chấp sự bất đồng của hầu hết các nhà lãnh đạo Y-sơ-ra-ên, Ngài được chào đón như là “Đấng đang đến” là Đấng mang sự cứu rỗi đến cho con dân của Đức Chúa Trời. Bước vào quảng trường rộng lớn trong đền thờ Hê-rốt, Đức Chúa Giê-xu thực thi thẩm quyền của Ngài với tư cách Con Đức Chúa Trời và đuổi hết mọi kẻ đổi tiền sa đoạ ra khỏi nhà của cha Ngài. [24]


Tàn tích vật thể của Giê-ru-sa-lem từ thời Đức Chúa Giê-xu rất phức tạp và đầy ấn tượng: Qua các bằng chứng khảo cổ, Hê-rốt đại đế của thế kỷ thứ nhất T:C: có thể được nhìn nhận là nhà xây dựng lớn nhất trong lịch sử của vùng đất Kinh Thánh: Hê-rốt dựng lên một lâu đài đồ sộ gọi là Citadel, khoe khoang về một hệ thống phòng vệ tiên tiến: Ngoài ra, ông còn xây dựng pháo đài Antonia có bốn tháp, cũng như một đền thờ khang trang cho người Do-thái để thay thế cho kiến trúc sơ sài, xuống cấp thời hậu lưu đày: Một số các tảng đá Hê-rốt được dùng xây dựng sân đền thờ đo được đến ba mươi chín bộ (gần 12 m) và nặng tới một trăm tấn: Cổng Huldah, được phát hiện ở phía nam của sân đền thờ, mở lối lên đỉnh núi: Đức Chúa Giê-xu và môn đồ Ngài hẳn đã vào khu vực đền thờ ngang qua các cổng nầy:


Một lần nữa điểm chính được nhấn mạnh. “Mọi quốc gia, dân tộc” đều được bao gồm như nhau trong vương quốc của Ngài, và nhà cha Ngài phải đứng như một biểu tượng nghênh đón tất cả những ai kêu cầu danh Chúa.


Việc Đức Chúa Giê-xu đối đầu với các nhà lãnh đạo của dân chúng cứ tiếp diễn suốt cả tuần lễ, cho đến khi cuối cùng Ngài bị phản bội. Trên một phòng cao đâu đó trong thành phố nầy, Đức Chúa Giê-xu thiết lập giao ước mới, giao ước đỉnh điểm, giao ước cuối cùng, giao ước tối hậu với dân tộc được lựa chọn của Ngài. Lấy phần còn lại trong bữa ăn lễ Vượt Qua, Ngài thay thế thân Ngài và huyết Ngài một cách biểu tượng cho lễ vật là chiên con sinh tế. Đêm dài cuối cùng đã bắt đầu. Đó là một thời gian đuối sức khi Ngài trắng đêm lần bước khỏi thành phố ngang qua khe Kit-rôn vào vườn Ghết-sê-ma-nê.

Vào nửa đêm Ngài thống khổ một mình, bị bắt và bị đối xử tàn tệ. Trong khi trời vẫn còn tối, và vào những giây phút đầu tiên của buổi sáng, Ngài bị kéo lui kéo tới qua thành phố. Ngài trải qua sáu lần xét xử khác nhau, ba lần tôn giáo và ba lần dân sự. Phi-lát, nhà cầm quyền La-mã, công khai tuyên bố không dưới ba lần rằng Ngài vô tội nhưng rồi lại giao Ngài để bị đánh đòn và đóng đinh.


Con đường Đấng Christ đi theo ngang dọc thành phố nầy vào đêm đó không thể tái tạo một cách chính xác được. Nó hẳn đã bắt đầu ở góc đông bắc của khu vực đền thờ tại pháo đài Antonia, rồi lui tới ngang qua thành phố từ nơi ở của Phi-lát đến toà Hê-rốt. Dù gì thì Ngài cũng đã kiệt sức vào sáng hôm sau nhưng vẫn phải mang cây thập tự của chính mình. Nhiều trong số mười bốn “trạm” truyền thống về cây thập tự mang tính truyền thuyết, nhưng vài trạm khác có thể dùng để nhắc nhở về những thống khổ Ngài chịu đựng suốt cả đêm dài đó. Ngài bị lên án và đánh đập, Ngài nhận lấy cây thập tự, Si-môn người Sy-ren vác lấy cây thập tự, Đức Chúa Giê-xu phán với những con gái thành Giê-ru-sa-lem, Ngài bị lột hết y phục, Ngài bị đóng đinh trên cây thập tự, Ngài chết trên cây thập tự, Ngài được hạ xuống khỏi cây thập tự, Ngài được đặt vào trong mộ.


Những nơi mà bây giờ được nhận diện là “Gordon’s Calvary”(Đồi đóng đinh Gordon) và “Gordon’s Tomb” (Phần Mộ Gordon) tỏ ra thương tâm, theo cách nhìn thẩm mỹ học, hơn là những địa bàn được đề nghị khác cho sự chết và sự chôn Chúa. Nhưng rất có thể những nơi xưa nay được chọn là nơi Đức Chúa Giê-xu bị đóng đinh và được chôn, đang là nơi có Nhà Thờ Ngôi Mộ Thánh vẫn thích hợp hơn. Constantine và mẹ ông bắt đầu xây dựng một nhà thờ tại địa điểm nầy vào năm 326 S.C. Bên trong nhà thờ như nó đứng ngày nay là một tảng đá đồ sộ hai tầng nhô lên từ một mỏ đá xưa nằm bên ngoài bức tường thành của thế kỷ thứ nhất. Từ thuở xa xưa nhất ngọn núi nầy đã được nhận diện là nơi đóng đinh trong Kinh Thánh.

Một mô hình chi tiết của tảng đá đồ sộ nầy và vùng mỏ đá bao quanh có thể được nhìn thấy trong thành phố Giê-ru-sa-lem hiện đại. Nổi bật lên trong bối cảnh của thành phố có tường thành và đền thờ Hê-rốt của nó, tảng đá đồ sộ gọi là Calvary (Đồi Đóng Đinh) nầy đứng sừng sững như một hiện tượng tự nhiên cũng nổi bật như các kiến trúc khác trong vùng. Đó là tiêu điểm của lịch sử nhân loại, điểm nút của sự giải quyết thiên thượng đối với sự sa bại của con người, nơi có cây thập tự của Đức Chúa Giê-xu Christ. Tại nơi nầy, Con Đức Chúa Trời đã chịu dâng mình thay thế cho sự phán xét của sự chết mà tội nhân đáng phải chịu. Mọi con đường đều dẫn về nơi nầy. Ở đây hoặc là tội nhân sẽ xoay mặt đi trong sự vô tín và chuốc lấy hậu quả của chính tội lỗi mình, hoặc sẽ kêu xin ơn thương xót của Đức Chúa Trời để nhìn xem đời sống và sự chết của Con Đức Chúa Trời đã thay thế cho sự bất toàn của mình.


Ngay gần nơi nầy sự kiện của vũ trụ về sự phục sinh của Con Đức Chúa Trời cũng đã diễn ra, một sự kiện có ý nghĩa như sự sáng tạo thế giới. Vì là trái đầu mùa của một tạo vật mới, Đức Chúa Giê-xu Christ ra khỏi phần mộ với một loại thân thể khác hẳn, một thân thể dầm thấm bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời.

Thân thể mới nầy có thể được nhận diện, chạm đến, và nhìn thấy được; và dù vậy vẫn có thể đi qua các cửa đóng, xuất hiện và biến mất theo ý muốn. Trong khi có những đặc tính của sự tồn tại thể xác, nó cũng dự phần trong bản chất rạch ròi của linh. Là người đầu tiên thuộc loại nầy, dạng thực tại mới nầy thật khó hiểu, vì sự giới hạn của hiểu biết và kinh nghiệm của con người. Dù vậy bởi đức tin ngày nay một người có thể dự phần vào quyền năng của sự sống mới nầy phát xuất từ Thánh Linh của Đức Chúa Trời.


Để biết được con đường sống mới nầy với Đức Chúa Trời, một người phải nhìn xem “Giê-ru-sa-lem trên cao”, nơi Đấng Christ phục sinh cai trị trên các thế lực trên trời và dưới đất. Đối với hiện tại, Giê-ru-sa-lem trên đất được con người biết đến cứ tiếp tục làm nô lệ với tất cả con cái của nó (GaGl 4:25). Quyền năng lưu xuất từ Giê-ru-sa-lem trên trời và vị vua phục sinh đang cai trị được phô bày ra vào ngày lễ Ngũ Tuần, năm mươi ngày sau bữa ăn lễ Vượt Qua cuối cùng của Chúa Giê-xu.

Các môn đồ đã được dặn phải ở lại trong chính thành Giê-ru-sa-lem dưới đất nầy cho đến khi họ nhận được lời hứa của Cha. Chính trong khu vực đền thờ - có lẽ tại những bậc tam cấp rộng phía nam nhìn xuống thành Đa-vít xưa - mà sự thể hiện thấy được, nghe được đó của món quà Đức Thánh Linh đổ xuống trên các môn đồ nhóm lại. Mười hai người nhận được Đức Thánh Linh đầu tiên của kỷ nguyên mới của sự cứu chuộc ngay lập tức trở nên những phương tiện chuyển tải sự sống mới bắt nguồn từ Giê-ru-sa-lem trên trời.

Y-sơ-ra-ên mới của Đức Chúa Trời được sinh ra trong một ngày, và chẳng bao lâu sau vương quốc toàn thế giới của Đấng Christ của vũ trụ bắt đầu lan rộng ra những vùng rộng lớn do con người thuộc mọi quốc gia chiếm giữ. Trong khi Giê-ru-sa-lem dưới đất nầy tiếp tục làm nô lệ cho niềm kiêu hãnh về ý thức thành công cá nhân của con người, thì Giê-ru-sa-lem trên cao sinh ra những người con tự do mới mẻ.


Sê-sa-rê



Sau khi mô tả thành phố Giê-ru-sa-lem và vai trò trung tâm của nó trong lịch sử cứu chuộc, việc cân nhắc đến bất cứ nơi nào khác đều có thể dường như phản lại đỉnh điểm. Nhưng từ khi Đấng Christ thăng thiên và tuôn đổ Thánh Linh từ địa vị mới của Ngài tại bên hữu Đức Chúa Cha, trung tâm hoạt động trong vương quốc của Đức Chúa Trời đã chuyển từ Giê-ru-sa-lem dưới đất lên Giê-ru-sa-lem trên trời. Từ góc nhìn nầy, bất cứ điểm nào trên đất được Thánh Linh đầy uy lực của Đấng Christ chạm đến đều mang một ý nghĩa chính yếu. Vì vậy nếu công tác lớn lao hơn của Đức Chúa Trời sẵn sàng xảy ra tại bất cứ nơi nào khác hơn thành Giê-ru-sa-lem dưới đất, thì nơi đó, dù bất kể là đâu, đều được nổi bật hơn rất nhiều.


Một dấu hiệu trên lối vào khu vực đền thờ Giê-ru-sa-lem cấm mọi người Do-thái đi vào, vì sợ họ vô tình dẫm đạp lên nơi Chí Thánh. Chính vì chống lại sự hiểu nhầm nầy về bản chất của Đức Chúa Trời mà Ê-tiên bị ném đá. Ông tranh luận rằng Đức Chúa Trời không thể bị địa phương hóa, giới hạn lại trong Giê-ru-sa-lem, và rằng thành phố đó tự nó không có sự thánh khiết (Cong Cv 7:48-53). Vì lập luận nầy bị xem là một thứ tà giáo mà ông giết chết.


Hậu quả của sự khước từ chân lý nầy liên quan đến bản chất căn bản của Đức Chúa Trời xuất hiện hầu như ngay lập tức và vẫn còn có thể cảm nhận được ngày hôm nay. Sự bách hại dấy lên sau vụ tuận đạo của Ê-tiên đã rải các tín hữu Cơ-đốc đầu tiên ra vượt quá các giới hạn của thành Giê-ru-sa-lem và vùng phụ cận. Mặc dù các sứ đồ vẫn còn ở lại Giê-ru-sa-lem, nhiều sứ giả của Phúc-âm cứu rỗi của Đức Chúa Trời đã chạy trốn khỏi thành phố. Mọi quốc tịch trên thế giới đều là người hưởng lợi, nhưng Y-sơ-ra-ên chịu khổ tạm thời và chịu hư mất đời đời.


Trong thành phố Sê-sa-rê thuần túy La-mã, nằm trên bờ biển Địa Trung Hải về phía bắc thành phố Yafo hiện đại (Giốp-bê), một đội trưởng La-mã kính sợ Đức Chúa Trời tên là Cọt-nây sống với gia đình mình (10:1-2).


Chúa hiện ra trong một khải tượng cho người lính ngoại đạo thuộc đơn vị I-ta-li-a thiện chiến nầy. Một người tên là Phi-e-rơ phải đến gặp ông từ thị trấn duyên hải kế cận Giốp-bê. Trong khi đó sứ đồ Phi-e-rơ, do chức vụ lưu động đã đến khu vực nầy, đang được Chúa dạy dỗ về tình trạng mới của Dân Ngoại trong vương quốc của Đức Chúa Trời qua một khải tượng cho riêng ông.

Theo lệnh truyền trực tiếp của Chúa, Phi-e-rơ làm theo lời thỉnh cầu của phái đoàn của viên đội trưởng và đi đến Sê-sa-rê. Khi ông công bố sự chết và sự phục sinh của Đức Chúa Giê-xu, Thánh Linh giáng xuống trên những người ngoại đang lắng nghe nầy như Ngài đã giáng trên người Do-thái vào ngày lễ Ngũ Tuần (10:44-48). Chưa bao giờ là một phần của dân Y-sơ-ra-ên dưới đất, Cọt-nây - cùng với tất cả gia đình và bạn bè mình - đều đã nhận được ơn phước tối hậu của Thánh Linh. Đức Chúa Trời đang phá vỡ các rào cản con người để tỏ bày quyền tể trị của Ngài trên mọi quốc gia.


Ngày nay, những tàn tích của thành phố tráng lệ từng là Sê-sa-rê cổ kính nầy có thể được nhìn thấy. Một hải cảng nhân tạo tầm cỡ với các đê chắn sóng nhân tạo, một đền thờ, một lâu đài, một rạp hát, một trường đua ngựa, và một hệ thống ống dẫn nước phức tạp - cùng với những tàn tích của một thành phố thập tự chinh mở rộng - tất cả đều ở đó. Hê-rốt đại đế xây dựng thành phố nầy vào khoảng năm 22 T.C. theo khuôn mẫu của một thành phố La-mã và đặt tên nó theo tên Sê-sa Au-gut-tơ. Bôn-xơ Phi-lát sống tại đây, và một văn bia đã được tìm thấy tại địa điểm mang tên ông.

Ở đây Chúa cũng tỏ ra ưu thế của Lời Ngài trên những lời công bố kiêu hãnh của các kẻ quyền cao chức trọng trên trần gian.

Hê-rốt Ạc-ríp-ba, người mới đó đã phát động một cuộc bắt bớ Hội thánh Cơ-đốc bằng cách chém đầu Gia-cơ anh của Giăng và bỏ tù Phi-e-rơ để làm vừa lòng người Do-thái, đến Sê-sa-rê trong một nỗ lực nhằm ổn định một cuộc tranh chấp giữa ông và dân thành Ty-rơ và Si-đôn (12:1-4, 19-20). Mặc hoàng bào lộng lẫy, Hê-rốt chấp nhận lời tung hô nịnh hót của những người kẻ bợ đỡ khi ông đọc bài diễn văn. Do không dâng vinh hiển cho Đức Chúa Trời, nhà vua bị đánh chết ngay tại chỗ (12:21-23).


Nhưng Lời của Chúa tiếp tục tăng thêm và lan rộng (12:24). Quyền cai trị của Hê-rốt kết thúc cách bi thảm, nhưng quyền cai trị của vương quốc mới của Đấng Christ trải rộng từ Sê-sa-rê vẫn cứ tiếp tục thăng tiến khắp thế giới cho đến ngày nay.


Sứ đồ Phao-lô cũng đã có những cuộc chạm trán với các viên chức La-mã tại Sê-sa-rê. Khi một âm mưu chống lại mạng sống ông được khám phá trong lúc ông bị người La-mã quản thúc tại Giê-ru-sa-lem, viên đội trưởng chịu trách nhiệm ra lệnh cho một tiểu đoàn có bảy mươi kỵ binh và hai trăm bộ binh hộ tống Phao-lô đến chỗ an toàn tại Sê-sa-rê. Để vô hiệu hoá lời cam kết điên cuồng của hơn bốn mươi người thề không ăn cho đến khi họ đã giết được Phao-lô, đoàn quân nầy được lệnh rời khỏi Giê-ru-sa-lem lúc chín giờ tối hôm đó (23:12-24).

Trong khi tại Sê-sa-rê, Phao-lô được gọi đến trước mặt các quan tổng đốc kế tiếp nhau là Phê-lít và Phê-tu cũng như trước mặt vua Ạc-rip-ba. Trong mỗi trường hợp ông đều được yêu cầu đưa ra chứng cứ liên quan đến đức tin của mình (24:1-26:31). Mọi phiên toà quan trọng nầy đều được tổ chức trong thành Sê-sa-rê. Đến cuối cùng, sự trông cậy duy nhất của Phao-lô là thỉnh cầu đến La-mã. Nhưng trước khi ông rời khỏi Sê-sa-rê, ông đã nói những lời bất hủ, những lời còn lâu bền hơn nhiều so với mọi công trình kỷ niệm của các tổng đốc La-mã và Do-thái đang ngổn ngang quanh thành phố.


• Tôi vẫn gắng sức cho có lương tâm không trách móc trước mặt Đức Chúa Trời và trước mặt loài người. (24:16)

• Ấy vì sự sống lại của kẻ chết mà hôm nay tôi bị xử đoán trước mặt các ông. (24:21)

• Ví bằng tôi có tội hay là phạm điều gì đáng chết, thì tôi chẳng từ chối chết đâu. (Công-vụ 25:11;a)

• Tôi kêu cầu sự đó đến Sê-sa. (25:11c)

• Hiện nay tôi bị đoán xét, vì trông cậy lời Đức Chúa Trời đã hứa cùng tổ phụ chúng ta. (26:6)

• Các ông há lại ngờ chẳng có thể tin được rằng Đức Chúa Trời khiến những kẻ chết sống lại sao? (26:8)

• Tôi chẳng hề dám chống cự với sự hiện thấy trên trời. (26:19)

• Tôi còn sống đến ngày nay, làm chứng cho các kẻ lớn nhỏ. (26:22b)

• Tôi không nói chi khác hơn là điều các nhà tiên tri và Môi-se đã nói sẽ đến, tức là Đấng Christ phải chịu thương khó, và bởi sự sống lại trước nhứt từ trong kẻ chết, phải rao truyền ánh sáng ra cho dân chúng và người ngoại. (26:22, 23)

• Cầu xin Đức Chúa Trời, chẳng kíp thì chầy, không những một mình vua, nhưng hết thảy mọi người nghe tôi hôm nay đều trở nên như tôi, chỉ trừ bỏ xiềng nầy thôi! (26:29)


Chính qua những lời nầy, chứ không phải qua những đài kỷ niệm nhân tạo, mà thành phố Sê-sa-rê tiếp tục gây ấn tượng trên lịch sử thế giới thậm chí cho đến ngày nay. Lời chứng của một sứ đồ cô đơn của Đức Chúa Giê-xu Christ đã chứng minh là có sức mạnh lớn hơn mọi danh vọng của các Sê-sa.


An-ti-ốt.



Thành phố cuối cùng đáng được quan tâm đến lại nằm bên ngoài những bờ cõi tiêu chuẩn của vùng đất Kinh Thánh. Nhưng công tác tiếp diễn của Đức Chúa Trời trong thời đại các sứ đồ của Giê-xu khiến cho địa điểm xa xôi nầy thật sự có ý nghĩa bằng bất cứ nơi nào khác trong lịch sử Kinh Thánh. Thành An-ti-ốt nầy nằm trong xứ Sy-ri, cách Giê-ru-sa-lem hơn ba trăm dặm (hơn 480 km) về phía bắc. Địa điểm nầy như một tiêu điểm mới của vương quốc mở rộng của Đấng Mê-si-a thật sự rất đáng kể khi nghĩ đến việc Đức Chúa Giê-xu chỉ đi dọc theo bờ biển Địa Trung Hải đến Si-đôn mà thôi, nghĩa là ít hơn nửa đường đến An-ti-ốt. Ngay cả vương quốc của Sa-lô-môn lúc mở rộng nhất cũng không bao gồm vùng An-ti-ốt.


Dù vậy thành phố nầy hiển nhiên trở thành một yếu tố quyết định trong quá trình phát triển vương quôc Cơ-đốc giáo. Lúc cuộc bách hại phát xuất từ sự tuẫn đạo của Ê-tiên, một số môn đồ đã chạy trốn đến tận An-ti-ốt. Những tín đồ bôn tẩu nầy có sáng kiến và bắt đầu nói cho những người Hy-lạp nghe Tin Lành của Chúa Giê-xu. Khi những báo cáo về sự cải đạo hàng loạt của Dân Ngoại tại An-ti-ốt được đưa về Giê-ru-sa-lem, Hội Thánh sai Ba-na-ba đi điều tra vấn đề.

Việc ông đến đem lại nhiều người cải đạo hơn, nhiều đến nỗi họ phải xin sự giúp đỡ thêm từ Sau-lơ người Tạt-sơ. Ba-na-ba biết Phao-lô rất rõ, vì ông đã xác nhận Sau-lơ trước mặt các sứ đồ tại Giê-ru-sa-lem khi phần còn lại của các môn đồ không đồng ý cho ông gia nhập vào mối thông công vì sợ rằng ông không thật sự cải đạo (9:26-27). Không nghi ngờ gì Ba-na-ba đã nghe Phao-lô kể lại câu chuyện về sứ mạng của ông đối với Dân Ngoại nhiều lần rồi và đã chứng kiến kỹ năng của ông khi tranh luận với người Do-thái-Hy-lạp tại Giê-ru-sa-lem (9:15, 28-29). Trọn một năm, cặp nhân sự tuyệt vời nầy đã môn đệ hoá một lượng người rất lớn tại An-ti-ốt. Nhóm người cải đạo tăng trưởng mau lẹ nầy tạo ra một ấn tượng mạnh trên thành phố đến nỗi danh hiệu “Cơ-đốc nhân” được sử dụng tại An-ti-ốt lần đầu tiên để gọi các môn đồ của Giê-xu (11:19-26).


Những bằng chứng phụ thêm làm tăng cường sự thay đổi tại trung tâm trọng lực cho vương quốc Đức Chúa Trời trên đất. Một tiên tri tên là A-ga-bút đi gần năm trăm km từ Giê-ru-sa-lem đến An-ti-ốt để tiên đoán một nạn đói toàn cầu (11:27-30). Tại sao ông không hài lòng nếu chỉ trình bày tiên đoán của mình tại Giê-ru-sa-lem mà thôi? Rất có thể những lời nầy từ Chúa đến tại An-ti-ốt để những tín đồ mới, nhiệt thành nầy có thể giúp đỡ những Cơ-đốc nhân nghèo hơn đang chịu khổ tại Giê-ru-sa-lem. Nhưng điều đáng chú ý chẳng phải là sự giúp đỡ đến với Giê-ru-sa-lem thay vì đến từ Giê-ru-sa-lem hay sao?


Rồi đến lúc Thánh Linh huy động Hội thánh nầy thành một lực lượng cho công tác truyền giáo đột nhập vào những khoảng trống mênh mông của thế giới dân ngoại. Nhưng phương diện mới đầy kịch tính nầy trong cuộc sống của Hội Thánh Đấng Christ không phát xuất từ Giê-ru-sa-lem. Thay vào đó, chính tại những tiền đồn xa xôi của An-ti-ốt mà sức thúc đẩy đã đến. Thành lũy của Hội thánh nầy dày thêm với các tiên tri, giáo sư, và mục sư đầy ơn. Khi họ đang thờ phượng và kiêng ăn, Thánh Linh chỉ dẫn Hội thánh biệt riêng Phao-lô và Ba-na-ba cho công tác họ được bổ nhiệm để ra đi với Phúc-âm cho thế giới dân ngoại (13:1-3). Sau những lao động gian khổ nhưng hiệu quả trải qua vùng Tiểu Á, đội truyền giáo đầu tiên không trở về Giê-ru-sa-lem nhưng trở về An-ti-ốt, nhóm họp Hội thánh lại, và báo cáo đầy đủ về mọi điều Đức Chúa Trời đã làm qua họ, giải thích phương cách Ngài đã mở cửa đức tin cho Dân Ngoại (14:26-28).


Không phải An-ti-ốt thực sự lấy mất chỗ của Giê-ru-sa-lem. Nhưng An-ti-ốt đứng chung với Giê-ru-sa-lem giữa nhiều nơi khác như những trung tâm quan trọng mà từ đó quyền năng của vương quốc Đấng Christ toả ra. Ê-phê-sô, Cô-rinh-tô, Phi-lip, La-mã - tất cả những cộng đồng quốc tế trên đất nầy làm những trung tâm vệ tinh để rao truyền Tin Lành về vương quốc giao ước mới đầy ân điển của Đức Chúa Trời. “Rượu mới” của Phúc-âm giao ước mới và phạm vi toàn cầu của nó không thể chứa trong những “bầu da cũ” của những cơ chế vương quốc biểu tượng, giới hạn của cộng đồng giao ước cũ. Giê-ru-sa-lem của giao ước cũ phục vụ tốt trong thời của nó như là bóng và kiểu của thực tại giao ước mới bây giờ đã được thay thế bởi thực tại của Giê-ru-sa-lem ở trên trời, là nơi Đấng Christ phục sinh tiếp tục cai trị trên cả trời và đất. Người thờ phượng ngày nay đến gần một núi Si-ôn khác, đến Giê-ru-sa-lem ở trên trời là nơi các thánh đồ và thiên sứ họp lại để liên tục ca ngợi Đức Chúa Trời về sự cứu chuộc bởi Đấng Christ (HeDt 12:22).


Dù vậy không được kết luận rằng Giê-ru-sa-lem trong vùng đất của Kinh Thánh đã mất hết mọi vai trò trong các mục đích và kế hoạch của Đức Chúa Trời. Không chỉ ở An-ti-ốt mà còn ở những nơi xa xôi hơn của Hội Thánh Đấng Christ, một mối quan tâm rõ ràng được bày tỏ cho những thánh đồ chịu khổ tại Giê-ru-sa-lem (IICo 2Cr 8:1-4, RoRm 15:25-26). Một mối dây thông công cụ thể được duy trì liên tục giữa các thánh đồ của Đức Chúa Trời rải rác khắp đế quốc La-mã và những thánh đồ bị bách hại tại Giê-ru-sa-lem. Trải qua các thời đại, Hội thánh phổ quát của Đấng Christ đã chứng minh mối quan tâm của nó trên thành phố nầy, vùng đất nầy, dân tộc nầy.


Nhưng bây giờ câu hỏi cuối cùng phải được nêu lên. Vùng đất của Kinh Thánh ngày nay phải được xem xét như thế nào? Cơ-đốc nhân ở nhiều nơi trên thế giới nên có thái độ nào đối với nơi nầy là chỗ đã từng đóng một vai trò nổi bật như thế trong lịch sử của con dân Đức Chúa Trời trải qua các thời đại? Một số câu trả lời đã được đưa ra cho câu hỏi cốt yếu nầy, và mỗi góc nhìn khác nhau nầy cần được cân nhắc kỹ lưỡng.



bottom of page