top of page
Hung Tran
Jul 19, 2023
Chúng ta là chi thể trong thân Đấng Christ, đang ở về phe chiến thắng. Và chúng ta chắn chắc rằng Sa-tan ở phía thất bại...
Chúa...
...Jêsus phán rằng: ...các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó. (Mat 16:18). Vì vậy, chúng ta là chi thể trong thân Đấng Christ, đang ở về phe chiến thắng. Và chúng ta chắn chắc rằng Sa-tan ở phía thất bại.
Trong Sáng thế ký 3:15 có ghi lời hứa đầu tiên về sự đắc thắng nầy. Đây là lời tiên tri nói về sự hiện đến của Chúa Jêsus và sự đắc thắng Sa-tan. Dòng dõi người nữ sẽ đạp đầu con rắn. Cách đây nhiều năm, có vài nơi trên thế giới sử dụng tục lệ: Kẻ thắng trận đạp trên cổ kẻ bị bại trận. Điều nầy chứng tỏ rằng người bị thua trận hoàn toàn không chống cự được. Đó cũng là cách chúng ta đối xử với Sa-tan.
Mặc dù nó gầm thét chung quanh chúng ta như một con sư tử, nhưng chúng ta phải nhớ rằng nó là kẻ thù bị bại trận.
Trường hợp nầy giống như con chó và con mèo. Bình thường nếu con mèo tìm được một nơi an toàn để núp thì nó chọc ghẹo con chó, nó cong lưng lên và gầm gừ, còn con chó quay lưng đi chổ khác, không chống cự. Cũng vậy, chúng ta phải giống như con mèo ở phía tấn công vào Sa-tan vì nó bại trận rồi.
Trong thư Phi-líp 2, sau khi được biết Chúa Jêsus đã tự hạ mình xuống và vâng phục cho đến chết trên cây thập tự, thì chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao và ban cho Ngài Danh trên hết mọi Danh. Ngài đã được quyền cai trị trên tất cả những tạo vật của Đức Chúa Trời. Theo Cô-lô-se 1:12-13, là những tín đồ, chúng ta được đem ra khỏi nước tối tăm để vào nước của con yêu dấu của Đức Chúa Trời, trường hợp nầy giống như người bị làm tôi mọi được người khác phóng thích cho được tự do .
NỀN TẢNG CỦA SỰ ĐẮC THẮNG
Nền tảng của sự đắc thắng nằm ở sự kiện là Đấng Christ đã đắc thắng Sa-tan tại thập tự giá. Tại đó Sa-tan đã bị xét xử và bị trục xuất (Giăng 12:31-16:11). Nhờ sự hoàn tất kỳ diệu nầy mà tín đồ đắc thắng Sa-tan.
Trong Khải huyền 12:11 chép: “Chúng đã thắng nó bởi huyết Chiên Con và bởi lời làm chứng của mình; chúng chẳng tiếc sự sống mình cho đến chết.” không những nhờ sự chết đó chúng ta được cứu khỏi tội mà chúng ta còn được cứu khỏi Sa-tan nữa. Chính điều nầy đưa chúng ta đến sự hiệp một với Đấng Christ. Chúng ta phải hiệp làm một với Ngài ở trong sự chết của Ngài.
Dĩ nhiên Ga-la-ti 2:20 nêu rõ: ”Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.“ Điều gì xảy ra khi Chúa Jêsus bị đóng đinh, chịu chôn và được sống lại? Ngài được đem ra khỏi vương quốc thuộc về vật chất để vào một vương quốc khác mà con người trần gian không thể đụng chạm đến Ngài.
Vì chúng ta cùng được làm một với Ngài trong sự chết Ngài, thì chúng ta cũng làm một với Ngài trong sự tấn công kẻ thù. Tôi thích nghĩ đến hình ảnh các trẻ em Y-sơ-ra-ên đứng bên trong cánh cửa đã được bôi huyết. Thiên sứ giết trẻ con đầu lòng, đi ngang qua đó vào giờ ấn định nhưng vượt qua luôn, vì có huyết bôi trước cửa nhà, vị ấy không làm gì được. Trong trường hợp Sa-tan cũng vậy, nó không thể nào đi ngang qua huyết của Đấng Christ.
Huyết của Ngài trở thành bức tường kiên cố ngăn cách chúng ta và kẻ ác. Một người không tin Chúa bị ma quỷ chiếm hữu, thì người ấy không thể hát những bài ca ngợi dòng huyết, và cũng khó nói về dòng huyết của Chúa Jêsus. Chúng ta thường dùng thành ngữ: ”tội lỗi của tôi dưới dòng huyết“, “tâm trí tôi ở dưới dòng huyết”, và ”tôi ở trong dòng huyết”. Điều đó có nghĩa gì?
Nghiã là chúng ta được sự chết của Chúa bảo vệ, dựa trên quan điểm của loài người, khó có thể giải thích điều nầy Nhưng tất cả những gì tôi phải làm ấy là tin lời Đức Chúa Trời. Vì vậy, trong thực tế hằng ngày chúng ta phải kể mình như đã chết thật sự với tội lỗi. Còn trước mặt Đức Chúa Trời, thì chúng ta đã thật sự chết về tội lỗi trong Đấng Christ. Bây giờ mỗi ngày chúng ta phải kể mình như chết về tội lỗi. (ICôr 15:31).
Trong Hê-bơ-rơ 2: 14-15 cũng soi sáng vấn đề nầy: ”14 Vậy thì, vì con cái có phần về huyết và thịt, nên chính Đức Chúa Jêsus cũng có phần vào đó, hầu cho Ngài bởi sự chết mình mà phá diệt kẻ cầm quyền sự chết, là ma quỉ, 15 lại cho giải thoát mọi người vì sợ sự chết, bị cầm trong vòng tôi mọi trọn đời.“
Trong thơ Cô-lô-se cũng nói lên lẽ thật tương tự: ”Ngài đã truất bỏ quyền cai trị và các thế lực, dùng thập tự giá chiến thắng chúng nó, và nộp ra tỏ tường giữa thiên hạ.“
Trong tiếng Hê-bơ-rơ chữ “truất bỏ” có nghiã là “làm cho mất quyền hành”, “làm cho vô dụng”, hay”chấm dứt”.
Vì thế, qua sự chết của Đấng Christ, quyền lực của Sa-tan đã bị bẻ gãy. Cứu Chúa chúng ta đã tước bỏ quyền lực của Satan đến nổi nó không có đủ năng lực để chống lại Cơ-đốc nhân là người vâng lời Chúa trong trận chiến thuộc linh nầy.
Ma quỷ nghĩ rằng nó sẽ đắc thắng khi Đấng Christ chết, nhưng nó không ngờ rằng qua sự chết của Ngài nó bị đại bại. Cũng vậy, qua sự chết ấy, kẻ tin Ngài sẽ đánh bại Sa-tan và làm vô hiệu quyền lực của nó .
Một lần nữa, chúng ta hãy trở lại kinh nghiệm của dân Y-sơ-ra-ên đi từ xứ Ê-díp-tô vào Ca-na-an. Trong sự chết của Pha-ra-ôn, chúng ta thấy rõ hình ảnh của chân lý nầy. Đức Chúa Trời đã mở một con đường ngang qua biển đỏ cho dân Y-sơ-ra-ên vượt qua an toàn. Đây là bức tranh chỉ về sự chết. Người Ê-díp-tô đã khó nhọc rượt đuổi theo dân Y-sơ-ra-ên đến bờ bên kia, và lúc chân họ đặt trên hòn đá của mọi thời đại, thì Môi-se giơ tay ra trên biển, dòng nước lấp con đường, chôn vùi Pha-ra-ôn cùng toàn cả đạo binh của ông. Biển nầy mang ý nghiã là sự giải cứu của dân Y-sơ-ra-ên và nó cũng mang ý nghiã là sự thất bại hoàn toàn của Pha-ra-ôn. Đồi Gô-gô-tha cũng mang ý nghiã nầy. Chúa Jêsus chết tại đấy, nhưng trong sự chết nầy, Ngài đã chấm dứt mọi quyền lực của Sa-tan kể từ giờ phút ấy, Sa-tan là một kẻ thù bị đánh bại.
Vậy, tại sao Sa-tan vẫn còn hoạt động?
Nó là kẻ sống ngoài vòng pháp luật và nó sẽ không từ bỏ sự tấn công vào chúng ta nếu chúng ta không đứng trong vị trí chiến thắng của Đấng Christ tại Gô-gô-tha. Trong đời sống hằng ngày chúng ta phải sử dụng đức tin để nhận những kết quả của sự đắc thắng nầy.
QUYỀN NĂNG ĐỂ ĐẮC THẮNG
Khi nói về quyền năng vinh diệu nầy, Phao-lô viết: ”33 Ôi! sâu nhiệm thay là sự giàu có, khôn ngoan và thông biết của Đức Chúa Trời! Sự phán xét của Ngài nào ai thấu được, đường nẻo của Ngài nào ai hiểu được! 34 Vì, ai biết ý tưởng Chúa, ai là kẻ bàn luận của Ngài? 35 Hay là ai đã cho Chúa trước, đặng nhận lấy điều gì Ngài báo lại? 36 Vì muôn vật đều là từ Ngài, và hướng về Ngài. Vinh hiển cho Ngài đời đời, vô cùng! A-men.” (Rô-ma 11:33-36).
Trong trận chiến với ma quỷ, Đức Chúa Trời xử dụng chúng ta, và Ngài đổ quyền năng của Ngài cho chúng ta để Ngài làm việc ấy. Trong Ê-phê-sô 6:10, chúng ta đọc thấy: ”Vả lại, anh em phải làm mạnh dạn trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài.“ Sức mạnh của chúng ta không phải là năng lực bình thường của con người, mà là sức mạnh của Đức Chúa Trời hoạt động có hiệu lực qua chúng ta để đánh bại Sa-tan.
Tôi có dịp quan sát nông trại và xem các hệ thống dẫn nước ở nông trại. Người ta xây những bồn nước thật to và cao, rồi ban đêm họ dùng máy bơm nước để chứa đầy những bồn ấy để suốt ngày hôm sau có thể dùng. Tuy nhiên, những hệ thống nầy cũng có lúc trục trặc. Còn bồn chứa quyền năng vĩ đại trong các câu Kinh Thánh nầy cũng vĩ đại như chính Đức Chúa Trời. Có thể ví quyền năng của Đức Chúa Trời với khả năng làm được của con người, một bên là cả đại dương, còn bên kia là một giọt nước nhỏ.
Trong Ê-phê-sô 1, Đức Chúa Trời bày tỏ cho chúng ta thấy một ít quyền năng của thể nầy có hiệu lực đối với chúng ta. Đây là sự mặc khải chứ không phải là triết lý của con người hay sự suy luận của con người.Trong lời cầu nguyện ông nói: ”18 lại soi sáng con mắt của lòng anh em, hầu cho biết điều trông cậy về sự kêu gọi của Ngài là thể nào, sự giàu có của cơ nghiệp vinh hiển Ngài cho các thánh đồ là làm sao, 19 và biết quyền vô hạn của Ngài, đối với chúng ta có lòng tin, là lớn dường nào, y theo phép tối thượng của năng lực mình, 20 mà Ngài đã tỏ ra trong Đấng Christ, khi khiến Đấng Christ từ kẻ chết sống lại và làm cho ngồi bên hữu mình tại các nơi trên trời.“(Êph 1:18-20).
Chúng ta cần phải nhận diện kẻ thù của mình và so sánh sức mạnh của nó đối với khả năng của ta, nhưng không được đề cao quyền lực của nó so với quyền năng của Đấng Christ. Sa-tan là một kẻ thù bị đánh bại, còn chúng ta là những Cơ-đốc nhân đã có một quyền năng vĩ đại của Đấng Christ, quyền năng ấy thừa sức thắng Sa-tan.
Đa-vít đã sử dụng Danh của Đức Giê-hô-va để giết Gô-li-át, mặc dù tất cả những gì ông có trong tay là cái trành ném đá và cục đá. Sự kiện trong cựu ước nầy nhắc chúng ta nhớ đến công tác vĩ đại của Đấng Christ được chép trong Cô-lô-se 2:15: ”Ngài đã truất bỏ các quyền cai trị cùng các thế lực, dùng thập tự giá chiến thắng chúng nó, và nộp ra tỏ tường giữa thiên hạ.“ Tại đồi Gô-gô-tha, Sa-tan gặp thất bại.
NGUỒN GỐC CỦA SỰ ĐẮC THẮNG
Sa-tan là một kẻ thù có quyền lực mạnh mẽ, không có người nào có thể cự địch nổi với Sa-tan nếu không có sự giúp đỡ từ Thiên Thượng. Một tín đồ không thể tấn công Sa-tan, nhưng chỉ có thể chống cự nó. Chữ “chống cự“ có nghiã là “chống lại”, đứng vững trước sự công kích của kẻ thù.
Chữ “chống cự“ cũng mang ý nghĩa là chúng ta không chạy trốn trước mặt kẻ thù. Trận chiến nầy đòi hỏi sự can đảm, và Đức Chúa Trời sẽ ban cho con cái Ngài sự can đảm ấy. Sa-tan và lực lượng ủng hộ nó phải chạy trốn khi Cơ-đốc nhân đứng vững trong vùng đất quyền năng của Đức Chúa Trời. Tìm được chổ đứng hay vị trí đứng của mình là mục đích của trận chiến nầy (Ê-phê-sô 6:13).
Sách Ê-phê-sô cho chúng ta bằng chứng rõ ràng là Đức Chúa Trời sẽ cung cấp đầy đủ sức lực cho con cái Ngài để họ đương đầu với kẻ thù trong trận chiến nầy Đoạn 1:19 chép: ”và biết quyền vô hạn của Ngài, đối với chúng ta có lòng tin, là lớn dường nào, y theo phép tối thượng của năng lực mình.“ Trong đoạn 6, những vũ khí dùng để chiến đấu đều chỉ về Đấng Christ. Ở câu 18, sự góp phần của Thánh Linh để giúp chúng ta trong trận chiến được nhấn mạnh cách đặc biệt. Đức Thánh Linh hướng dẫn và kiểm soát chúng ta qua sự cầu nguyện, chúng ta trang bị những vũ khí cho mình bằng chính Đấng Christ, và Đức Chúa Trời lại đổ quyền năng của Ngài cho chúng ta. Như thế Ba Ngôi Đức Chúa Trời đều có vai trò quan trọng trong sự đắc thắng ma quỷ của Cơ-đốc nhân. Chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng sự giúp đỡ của chúng ta nằm ở nơi Đức Chúa Trời chứ không phải ở nơi chúng ta: ”Vậy, hãy hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ thuận hiệp Ngài nhắc anh em lên;“ (I Phi-e-rơ 5:6). Với quyền năng vô hạn ở về phía chúng ta, thì Sa-tan không thể kháng cự nổi.
CON ĐƯỜNG ĐẮC THẮNG
Hiện nay Chúa Jêsus đang mở con đường đắc thắng qua các chi thể của Thân Ngài. Chúa Jêsus là đầu Hội Thánh, còn chúng ta chi thể của thân Ngài phải thực hiện ý muốn của Ngài. Ngài là bộ óc của thân thể, Ngài hoạch định chiến lược và thực hiện qua chúng ta. Cũng như lúc chúng ta đang ở trong nhà nhìn ra ngoài vườn và suy nghĩ sẽ làm điều nầy điều nọ. Những điều suy nghĩ ấy cần phải thực hiện, và thân thể chúng ta cần phải làm điều ấy. Thân thể của Đấng Christ cũng vậy, khi Ngài muốn làm việc gì, Ngài làm qua chúng ta. Mối liên hệ giữa chúng ta với Ngài giống như mối liên hệ của ngón tay nhỏ bé với thân thể chúng ta, nếu tôi muốn viết, tâm trí tôi không thể viết. Nó chỉ có thể nghĩ ra điều sẽ viết, và tay tôi phải cầm cây viết để viết những điều trong trí ra giấy.
Đây chính là lý do mà Chúa dạy chúng ta phải mạnh mẽ trong Chúa và trong quyền năng của sức lực Ngài, không có quyền năng nào khác để chúng ta đắc thắng Sa-tan. Giống như bắp thịt chúng ta nở nang nhờ làm việc, thì bắp thịt thuộc linh của chúng ta phải mạnh mẽ hơn nhờ vận động nhiều trong chiến trận nầy. Qua chúng ta, Chúa Jêsus đang tiếp tục công việc của Ngài trên trần gian nầy.
Đôi khi có vài trường hợp cần lưu ý, chúng tỏ rằng chúng ta đang đối diện với thực tại chứ không phải lý thuyết. Cách đây vài năm, có một đôi vợ chồng đến thăm chúng tôi. Chúng tôi được biết bà vợ là một giáo viên của lớp Kinh Thánh và là người chinh phục được nhiều tội nhân. Bà đã dâng đời sống mình hầu việc Chúa trong nhiều năm. Tuy nhiên, lúc bà đến thăm chúng tôi thì bà đã ngưng công tác làm chứng đạo. Bà đang sống dưới sự lo lắng và sợ hãi, nỗi sợ hãi của bà tăng lên cao độ, bà không dám ở nhà một mình khi chồng đi làm, mà bà phải đến nhà hàng xóm.
Sắc diện bà thay đổi, bà bị dày vò bởi tư tưởng là đã phạm tội không thể tha thứ được. Sự làm chứng về Chúa Jêsus cho người khác cũng dần dần tắt lịm. Tôi xin bà hãy tin cậy tôi để thuật lại cho tôi biết diễn biến trong cuộc đời bà trước thời gian bà bị khủng hoảng nầy. Khi bà nói chuyện, tôi cầu xin Chúa soi sáng để thấy cốt lõi vấn đề nằm ở đâu. Ngay lập tức tôi thấy được sự sai trật. Bà ấy suy nghĩ rằng mình đã mở lòng ra để Chúa đổ quyền năng của Ngài vào, không có gì sai trật trong vấn đề nầy cả. Nhưng thay vì tin rằng Đức Chúa Trời tiếp nhận sự dâng hiến của mình, bà cứ chờ xem có gì xảy ra sau khi mình đầu phục không.
Chúa dạy chúng ta hãy dâng đời sống mình cho Ngài thì Ngài sẽ sử dụng đời sống chúng ta. Tuy nhiên có vài lý do nào đó bà không tin điều nầy. Bà đã ngưng tin cậy Đức Chúa Trời, đức tin đã bị cảm xúc thay thế. Bà chờ đợi có một kinh nghiệm hay một cảm xúc lạ lùng gì xảy ra mà đó chính là cơ hội cho Sa-tan. Trước hết nó làm cho bà nghi ngờ, và sau đó là sự sợ hãi.
Thật may mắn, bà là người hiểu biết Kinh Thánh và tiếp nhận sự phân tích của tôi về hoàn cảnh nầy. Tôi khuyên bà nên mở cuộc tấn công vào Sa-tan trong Danh Chúa Jêsus, vì Ngài đã chiến thắng nó và qua Đấng Christ bà cũng chiến thắng nó nữa. Tôi khuyên giục bà mở miệng nói thẳng lời chống cự ma quỷ trong Danh Chúa Jêsus. Bà theo lời khuyên của tôi và về nhà, sau đó vài tháng, tôi được nghe tin bà trở lại sự hầu việc Chúa và có những lời chứng về Chúa rất tươi mới Quỷ sợ hãi rời khỏi bà và bà được tẩy sạch.
Rõ ràng đây là trường hợp đặc biệt, nhưng điều đáng buồn đây không phải là trường hợp duy nhất. Những sự phá hoại tương tự như thế của sự Sa-tan càng lúc càng tăng trong vòng dân sự Đức Chúa Trời. Hầu hềt các trường hợp, ma quỷ không đắc thắng hoàn toàn như vậy, nhưng nó có thể ngăn cản chúng ta.
Cách đây một thời gian, có một anh em Tín hữu cầu xin Đức Chúa Trời chống cự Sa-tan, tôi phải cắt đứt lời cầu nguyện của anh ta và nói: ”Anh bạn ơi, đó không phải là điều Đức Chúa Trời muốn anh cầu nguyện. Nếu anh muốn đắc thắng Sa-tan, anh phải nhân Danh Chúa Jêsus mà nói với nó rằng anh đang chống cự nó. Anh hãy nói điều đó đi.“ Người ấy làm theo lời tôi, và anh ta được đắc thắng, sự căng thẳng thần kinh tan biến ngay, gánh nặng đè xuống tâm linh anh được cất khỏi.
Chương trình của Đức Chúa Trời cho mỗi chúng ta là Ngài muốn sử dụng chúng ta như một cái ống để qua đó Ngài có thể đổ quyền năng chống cự và đuổi quân thù ra khỏi linh hồn chúng ta. Sức mạnh ấy không nằm ở nơi chúng ta, nhưng ở nơi Đấng Christ, và Ngài muốn hoàn thành sự đắc thắng ấy qua chúng ta. Chúng ta phải lưu ý đến những sự nhấn mạnh ở một vài khía cạnh của vấn đề nầy như một số người đã làm trong quá khứ. Thật thế, đó là một trong những lý do khiến nhiều Cơ-đốc nhân ngày nay thất bại. Họ chạy trốn trước sự tấn công của ma quỷ vì họ thấy những điểm sai lầm trầm trọng của nột số người trong quá khứ. Tuy nhiên, sự kiện vẫn còn bé, đồng thời với mạng lệnh chống cự Sa-tan, thì Chúa cũng bảo chúng ta đầy dẫy Thánh Linh. Hễ mỗi Cơ-đốc nhân càng tìm cách vâng Lời Đức Chúa Trời để được đầy dẫy Đức Thánh Linh sớm chừng nào, thì người ấy dễ dàng chống cự Sa-tan chừng nấy. Trên con đường nầy có đôi lúc, hoặc rất nhiều lần chúng ta sẽ đương đầu hoặc thật sự lâm vào trận chiến với lực lượng của Sa-tan đang điều khiển thế lực tối tăm của trần gian nầy. (2 Côr 11:14; Êph 6:12).
Đức Chúa Trời không dành quyền ưu tiên chống cự Sa-tan cho một số người đặc biệt nào, mỗi Cơ-đốc nhân đều phải xông vào trận điạ. Mỗi chúng ta người ở trong gia đình của Đức Chúa Trời, phải sống cuộc đời trần gian nầy ở tư thế luôn luôn chống cự Sa-tan. Phải lưu ý đến phần sau của Khải-huyền 12:11, mỗi Tín đồ phải đắc thắng ma quỷ “BỞI LỜI LÀM CHỨNG CỦA MÌNH“. Đức Chúa Trời muốn chúng ta dùng phương tiện là lời làm chứng của mình để đắc thắng Sa-tan. Chúng ta biết rằng Chúa Jêsus đã trực tiếp quở trách Sa-tan (Ma-thi-ơ 4:10). Thiên sứ trưởng Mi-chên cũng nhơn Danh Chúa mà quở trách nó (Giu-đe câu 9). Sứ đồ Phao-lô ra lệnh cho quỷ rời khỏi cô gái tại thành Phi-líp và ông đã nhơn Danh Chúa Jêsus mà đuổi quỷ ra. Bảy con trai của Sê-va cũng bắt chước Phao-lô nhơn Danh Chúa Jêsus đuổi quỷ, nhưng họ không có kinh nghiệm áp dụng sự tha tội trong dòng huyết của Chúa Jêsus cách cá nhân nên bị ma quỷ hành hạ (Công vụ 19:13-16).
Khuôn mẫu để chúng ta thực hiện nằm trong lời Đức Chúa Trời. Chúng ta phải luôn luôn nhơn Danh Chúa Jêsus để chống cự Sa-tan với mục đích giữ đời sống cầu nguyện và các sinh hoạt của đời sống Cơ-đốc nhân không bị ngăn trở. Nhưng sẽ có một số người thắc mắc: Chúng ta có thể nhơn Danh Chúa Jêsus để quở mắng và công kích Sa-tan được không? Được chứ, đó là điều Kinh Thánh dạy. Bạn có thể nói cách đơn sơ như sau:”Ta đã chết rồi với Chúa Jêsus, vì vậy ngươi không có quyền gì trên ta nữa, nhơn Danh Chúa Jêsus ta quở mắng ngươi.“
NGHỆ THUẬT ĐẮC THẮNG
Câu Kinh Thánh chìa khóa cho nghệ thuật đắc thắng Sa-tan nằm ở Gia-cơ 4 :7 “Vậy hãy phục Đức Chúa Trời; hãy chống trả ma quỉ, thì nó sẽ lánh xa anh em.“ Lệnh truyền từ Thiên Thượng dạy chúng ta cách chống cự Sa-tan, cách thành công ấy là phải đầu phục Đức Chúa Trời. Về phần chúng ta, nếu không đầu phục Đức Chúa Trời, tức là chúng ta rơi vào tay Sa-tan.
“Thuận phục” là ngôn ngữ của chiến trận. Chúng ta hãy giống như một người lính tốt, luôn luôn tuân hành triệt để mệnh lệnh của cấp chỉ huy mình. ”Chống cự” có nghiã là chiến đấu một cách can đảm, anh dũng trước mặt kẻ thù. Trong trận chiến với ma quỷ, sự bắt đầu và sự kết thúc của sự đắc thắng nằm ở sự tuân hành triệt để của Đức Chúa Trời. Mỗi Cơ-đốc nhân nên cầu nguyện: ”Lạy Chúa, nếu điều nầy thuộc về Ngài, thì con xin tiếp nhận. Nếu nó thuộc về Sa-tan, con xin nhơn Danh Chúa Jêsus mà chống cự nó.“
Đây là con đường Gô-gô-tha chiến thắng. Đây là con đường Chúa Jêsus yêu dấu đã đi qua, Ngài đã vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự Chúng ta thấy sự đắc thắng nầy trong đời sống Áp-ra-ham. Khi ông dâng con trai yêu dấu mình làm của lễ thiêu mà chẳng thắc mắc trước lệnh truyền của Đức Chúa Trời. Lúc ông đã bày tỏ sự trọn vẹn vâng lời và đầu phục của mình, thì Đức Chúa Trời tái xác nhận lời hứa của Ngài là khiến ông trở thành tổ phụ của một nước lớn Chính giờ phút ông hoàn toàn vâng phục Đức Chúa Trời, giơ tay ra định giết con mình làm của lễ thiêu, thì Đức Chúa Trời can thiệp và Ngài chuẩn bị sẵn một con chiên đực thế chổ cho Y-sác.
Trong kinh nghiệm chúng ta cũng vậy. Chỉ khi nào chúng ta bày tỏ sự đầu phục Đức Chúa Trời hoàn toàn thì kẻ thù mới thôi gầm thét chung quanh chúng ta Đức Chúa Trời muốn ban cho chúng ta sự đắc thắng Sa-tan và làm cho chúng chạy xa, nhưng nếu chúng ta quên điều nầy, thì chúng ta sẽ thiếu đi sự đầu phục Ngài. Chúng ta phải học tập chờ đợi thì giờ của Đức Chúa Trời trong tất cả mọi sự. Thật chúng ta rất giống hai chị em của La-xa-rơ, trách Chúa sao Ngài không đến sớm để La-xa-rơ khỏi chết.
Tại sao có sự trì hoãn ấy? Có phải Chúa Jêsus không yêu La-xa-rơ không? Không,
vì Kinh Thánh chép Chúa Jêsus khóc bên mộ La-xa-rơ. Ngài trì hoãn vì Ngài chờ đợi sự đầu phục Chúa trọn vẹn của gia đình nầy và sự đắc thắng cõi chết lại càng vinh hiển bội phần hơn. Bằng chứng của sự đầu phục nằm ở sự thử nghiệm. Càng đầu phục sớm, càng đắc thắng sớm.
Câu Kinh Thánh ở sách Gia-cơ là lời kêu gọi chúng ta mang vũ khí. Câu nầy không bảo chúng ta ở thái độ thụ động, nhưng là sự chống cự Sa-tan cách tích cực và kiên cường. Hễ Cơ-đốc nhân nào không ý thức rằng mình cần ở mức độ đầu phục Chúa nhiều hơn, và vâng lời Chúa trọn vẹn hơn, thì người ấy đang đứng ở vùng đất nguy hiểm. Thật vậy, càng bước đi gần gũi với Đức Chúa Trời bao nhiêu, thì chúng ta càng thấy rằng mình cần nhận được sự sống mới từ Ngài bấy nhiêu. Trên con đường đi đến sự đầu phục Chúa, chúng ta phải coi chừng bẫy dò của Sa-tan đưa ra để làm cho nhiều con cái Đức Chúa Trời vấp ngã. Nhiều người đã nói giống như tác giả Thi-thiên: ”Xin xem thử tôi có lối ác nào chăng, Xin dắt tôi vào con đường đời đời.“ (Thi 139:24).
Điều nầy thật tốt, nhưng đừng dừng lại tại đấy, hãy đi xa hơn nữa. Nếu không đi xa hơn mà cứ ở tình trạng ấy thì sẽ mở cánh cửa cho Sa-tan hoạt động. Nó sẽ đào lên những tội lỗi cũ mà chúng ta đã đem chôn trong dòng huyết Chúa Jêsus từ lâu, và nó sẽ làm cho lương tâm chúng ta ray rức .Trong trường hợp nầy, hãy nhớ đến kinh nghiệm thực tiễn của Phao-lô “Quên mọi sự ở đằng sau...“. Khi đã chôn tội lỗi trong dòng huyết Chúa Jêsus, thì đừng đào bới lên xem làm gì nữa.
Có một Mục sư ví dụ như sau: Ngày xưa có một giống người khi chôn con mèo thì chừa lại cái đuôi. Mỗi ngày họ cứ ra chổ đã chôn con mèo rồi đào lên xem thử. Dĩ nhiên thì mỗi ngày xác chết con mèo càng thúi rữa hơn, thật kinh tởm. Nhưng đó lại là việc làm của chúng ta đối với tội lỗi cũ của mình dù nó đã được chôn dưới dòng huyết và đã được tha thứ.
Khi bạn sấp mình xuống nơi chơn Chúa để xin Ngài chỉ cho bạn xem những lỗi ác trong bạn, thì bạn có thể tin rằng Ngài sẽ chỉ cho bạn thấy vài sai lầm của mình. Liền lúc ấy, hãy lập tức xin Ngài thương xót và cảm ơn Ngài đã chôn toàn thể cuộc đời mình ở dưới dòng huyết. Làm như thế thì Sa-tan không còn cơ hội khuấy phá bạn (I Giăng 1:9).
Tôi được biết có một người phải vào bệnh viện thần kinh vì lý do tương tự như thế. Khi tôi chỉ cho ông cách chống cự Sa-tan, và người nầy đã xác định vị trí của mình trong Đấng Christ, thì ông được khỏi bệnh. Có một giáo sĩ ở Phi châu cũng ở trong tình trạng nầy. Trong thời gian rất lâu, bà bị gánh nặng tội lỗi mà Sa-tan đã đào lên để đè bẹp bà. Bà bị bệnh rất nặng và rất nhiều bác sĩ không tìm ra nguyên nhân nào gây bệnh, hội truyền giáo đưa bà về quê nhà để chữa bệnh. Ngay lúc ấy Đức Chúa Trời đã dùng những giáo sĩ bạn để giúp bà về phương diện thuộc linh và chỉ cho bà thấy rằng những tội lỗi đó đã được tha thứ. Bà đã được chữa lành, và sau khi nghĩ một năm bà có thể trở lại Phi châu để tiếp tục công việc mà Đức Chúa Trời vẫn còn sử dụng bà.
Chúng ta hãy xem trong I Phi-e-rơ, mấy câu dùng làm kết luận cho chương nầy.
“8 Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỷ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được. 9 Hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự nó, vì biết rằng anh em mình ở rải khắp thế gian, cũng đồng chịu hoạn nạn như mình.“ (I Phi-e-rơ 5:8-9).
Trong bản dịch Kinh Thánh của ông Williams, chữ “tiết độ” được thay thế bằng chữ “bình tĩnh”. Điều nầy nhắc nhở chúng ta thấy rằng hãy nhơn Danh Chúa Jêsus đối với Sa-tan trong tư thế bình tĩnh, không hề sợ hãi nao núng. Chúng ta cần phải thức canh, không phải vì sợ mà chúng ta tỉnh thức, mà thức canh tức là học hỏi lời Đức Chúa Trời để chúng ta sáng suốt nhận định, thấy được rõ ràng các phương cách ma quỷ tấn công. Tuy nhiên, lẽ thật chống cự Sa-tan đã bị lạc mất quá lâu đối với phần đông Cơ-đốc nhân, nên tôi e rằng có nhiều người chẳng biết chút gì về những cách ma quỷ tấn công họ.
bottom of page