top of page

Khảo Cổ Kinh Thánh ( Mẫu Tự A )

Hung Tran

May 17, 2023

Hàng ngàn các chứng cớ “ngoại tại” chứng thực các câu chuyện kể trong Kinh Thánh đang được phơi bày...




• ABEL BETH MAACAH (Cánh đồng của gia đình bị đàn áp) là một thành phố công sự cổ xưa tọa lạc tại miền cực bắc của Palestine; với một vai trò quan trọng trong thời đại Kinh Thánh thượng cổ dù hơi bi thảm. Thủ lĩnh của nhóm phiến loạn là Sheba đã lánh nạn tại đây và Joab cũng đã đuổi theo đến đó. Một người “phụ nữ khôn ngoan” trong thành phố đã ném thủ cấp của kẻ phiến loạn qua khỏi bức tường thành và vì vậy đã cứu thành phố (IISa 2Sm 20:14-22).

“14 Giô-áp đi khắp các chi phái Y-sơ-ra-ên, cho đến A-bên-Bết-ma-ca, và hết thảy những dõng sĩ đều nhóm hiệp lại và đi theo đạo quân người. 15 Vậy, họ đến vây phủ Sê-ba trong A-bên-Bết-ma-ca, đắp lên một cái lũy cao hơn đồn thành, và cả đạo quân Giô-áp đào tường thành đặng làm cho nó ngã xuống. 16 Bấy giờ, có một người nữ khôn ngoan ở trên đầu đồn thành la lên cùng chúng rằng: Các ngươi hãy nghe, hãy nghe! Xin hãy nói cùng Giô-áp lại gần đây, tôi muốn nói chuyện cùng người. 17 Khi Giô-áp đã lại gần, người nữ hỏi rằng: Ông có phải Giô-áp chăng? người đáp: Phải, ta. Nàng tiếp: Hãy nghe lời con đòi ông. Người đáp: Ta nghe. 18 Nàng bèn nói như lời nầy: Thuở xưa người ta có thói quen nói rằng: hãy đi hỏi ý dân A-bên; rồi mới nên việc như thế. 19 Trong Y-sơ-ra-ên, thành chúng tôi là một thành hòa bình và trung hậu hơn hết, mà ông lại muốn diệt một thành, là chánh đô của Y-sơ-ra-ên sao? Nhân sao ông muốn phá hủy cơ nghiệp của Đức Giê-hô-va? 20 Giô-áp đáp rằng: Không, không phải vậy đâu! Ta quyết hẳn không muốn diệt, không muốn phá hủy! 21 Đó chẳng phải là ý ta. Nhưng có một người ở núi Ép-ra-im tên là Sê-ba, con trai của Biếc-ri, đã phản nghịch cùng vua, tức là Đa-vít. Hãy nộp một mình hắn thôi, thì ta sẽ dan ra khỏi thành. Người nữ nói cùng Giô-áp rằng: Người ta sẽ ném đầu hắn qua tường cho ông. 22 Vậy, người nữ ấy đến trước mặt cả dân chúng, và nói cho nghe lời ý luận khôn ngoan của nàng. Chúng chém đầu Sê-ba, con trai Biếc-ri, rồi ném cho Giô-áp. Giô-áp bèn thổi kèn lên; đạo quân dan ra khỏi thành và tản đi; ai nấy đều trở về nhà mình, còn Giô-áp trở về Giê-ru-sa-lem, gần bên vua.”

- Dưới thời Bên-ha-đát (IVua 1V 15:20) thì thành phố nầy đã bị người Sy-ri chiếm đóng và sau đó bị người A-si-ri chiếm đóng vào thời Tiếc-la Phi-lê-sê (IIVua 2V 15:29).

- Trong thời kỳ La-mã thì thành phố nầy mang tên Abila. Ngày nay nơi này được gọi là Tell Abil và là một mô đất (tell) chưa khai quật điển hình, đứng sừng sững trên vùng cao đồng bằng khoảng 6 dặm phía tây Đan, nhìn xuống vùng đất trũng trải dài tới phía đông nam của hồ Huleh.



• CỘT ABSALOM (Bia Áp-sa-lôm) là đài tưởng niệm đẹp dù có phần nào kỳ lạ khi mang tên cột Áp-sa-lôm, tọa lạc tại thung lũng Kidron phía đông Giê-ru-sa-lem, giúp củng cố thêm lời giải thích trong Kinh Thánh nói rằng: “Áp-sa-lôm lúc còn sống có sai dựng một cái bia ở trong trũng vua; vì người nói rằng: Ta không có con trai đặng lưu danh ta. Rồi người lấy danh mình đặt cho cái bia đó; đến ngày nay người ta hãy còn gọi là bia Áp-sa-lôm.” (IISa 2Sm 18:18).

Đài tưởng niệm này cao 47 feet (khoảng 14,1m), phần dưới là một khối đá rắn khoảng 20 feet vuông và cao 21 feet, hoàn toàn tách khỏi vách đá bởi lối đi được đẽo rộng 9 feet và trang trí bằng kiểu cột Ionic (một kiểu cột Hy-lạp cổ).

Phần trên là cấu trúc vòng tròn viền quanh bằng đường gờ dây thừng và trên đỉnh là một tảng đá tạc một cách nghệ thuật có hình phễu uốn cong vào phía trong. Trong đó là một căn phòng với diện tích 8 feet vuông với các kệ để phần mộ ở hai bên.

Đài tưởng niệm này có thể đã do Áp-sa-lôm và thuộc hạ của mình đẽo tạc, nếu có đúng như vậy thì phần trang trí bên ngoài có thể đã được thêm vào sau đó. Theo như sự tồn tại đến hiện nay của bia Áp-sa-lôm thì nó có từ giữa thế kỷ thứ 2 TC và đầu thế kỷ thứ 5 TC - trừ phi Áp-sa-lôm cũng giống như người anh của mình là Sa-lô-môn, đã vay mượn các thiết kế kiến trúc khá lâu trước đó.


ACCO hay ACRE: Được biết đến trong thời đại Kinh Thánh Cựu Ước với cái tên Acco (Các Tl 1:31) và trong thời Tân Ước thì có tên là Ptolemais, tọa lạc tại đầu cùng phía bắc của bãi biển hình vòng của vịnh Acre.

Nơi đó đầy dẫy các hồi ức lịch sử ngược dòng thời gian về những năm tháng trước khi người Y-sơ-ra-ên có mặt tại Palestine. Nó được nhắc đến như là một địa điểm quan trọng trong các văn bản của người A-si-ri, người Ai-cập, người Maccabe, người Hy-lạp, người La-mã, thập tự quân và trong thời kỳ Napoleon cũng như mãi sau nầy. Tuy vậy, những người Cơ-đốc sẽ luôn luôn ghi nhớ nó như là nơi mà Phao-lô, trong hành trình cuối cùng của ông đến Giê-ru-sa-lem đã “chào hỏi các anh em và lưu lại đó một ngày” (Công Cv 21:7).

Các tàn tích cổ xưa hơn của Acco không thể khai quật được vì cớ các tòa cao ốc trên đó, còn phần các bức tường và công trình đắp bằng đất là những mẫu mực hoàn toàn cho các công trình xây bằng đá của thế kỷ 18 sau nầy, được xây dựng phần lớn trên nền tảng của thập tự quân bằng những tảng đá lấy từ bức tường thập tự quân.


ACZIB: Ngày nay được gọi là es-zib, đó là một hải cảng cổ xưa của người Phoenix làm chật ních đường bờ biển 9 dặm ở phía Bắc Acco. Bộ tộc Asher được phân chia vùng này, nhưng họ đã không thể tiếp quản thành phố. Ngày nay đây là một làng chài êm đềm giáp biển Địa Trung Hải ở phía tây, một nhánh sông ở phía nam, và sông Chezib ở phía bắc.

Những người khai quật đã mở các ngôi hầm mộ và hố mộ ở phía nam và nghĩa trang ở phía đông, tại đó 400 thi thể đã được hỏa táng và chôn cất trong suốt 300 năm - từ thế kỷ 10 TC cho đến cuối thế kỷ thứ 8 TC. Trong các ngôi mộ nầy có những khí mạnh nghi lễ, các tượng người nặn bằng đất sét, các bình nước đỏ bóng tao nhã, bình (có quai và vòi) với các sớ màu đỏ nổi tiếng của người Phoenix. Tro thi hài của từng người được đặt trong hố hỏa táng phía trên có một cái nắp và niêm phong bằng đất sét bùn.

Một khoảnh đất ở phía nam của mô đất đã được khai quật, tại đó người ta đã phát hiện các tàn tích của thập tự quân, người Ba-tư, người Hê-lê-nít, người La-mã, và các tàn tích trước thời La-mã. Ở phía bắc của mô đất một cái hào dài 40m bộc lộ một công sự thành lũy của thời kỳ Đồ Đồng Giữa mà nó đã bị phá hủy ở đầu thời kỳ Đồ Đồng Muộn. Thành phố đã được tái thiết, và trong sự san bằng của thời kỳ Đồ Sắt là tàn tích của một số tòa nhà công cộng, một trong những tòa nhà đó có vô số các bình (có quai và vòi) đứng cạnh nhau. Một số bình có câu khắc Arama, chẳng hạn như: “Kính dâng chúa tôi, quốc vương.”


ADULAM: Đây là hang động thường xuyên được dùng làm bộ chỉ huy bí mật của Đa-vít và số thuộc hạ đông đảo khoảng 400-600 người. Theo truyền thống thì hang nầy toạ lạc tại miền đồng vắng ở vách đá cheo leo thuộc miền nam Wadi Khareitun, khoảng 2 dặm về phía nam của Herodium và 3 dặm về phía đông bắc của Tekoa.

Nơi này có vẻ hoang dã và bí hiểm, với các mảnh đá đồ sộ rải quanh hang, còn cái hang thì nằm trên một gờ dài, hẹp ở phía trên cao của đáy khe núi. Một tảng đá lớn gãy khúc nặng hàng tấn, gần như chắn ngang lối vào. Gần đó là một con suối với dòng nước mát và trong vắt.

Lối vào duy nhất của hang là một khe hở hình tròn với chiều cao khoảng 2,1m (7feet). Bên trong có một lối đi thấp và hẹp dẫn vào một cái hang nhỏ, từ cái hang nhỏ nầy có một lối đi quanh co dẫn vào một phòng rộng khoảng 464,5m2 (5000feet vuông). Các lối đi hẹp chẻ nhánh và dẫn đến các phòng lớn khác, một số phòng ở mức thấp hơn. Có một căn phòng rộng đủ chứa 1000 người, Nơi này dường như đáp ứng được yêu cầu nêu trong lời tường thuật của Kinh Thánh, và Đa-vít đã thường xuyên lẩn trốn vua Sau-lơ trong vùng đất nầy.

AI (Đống tro tàn). Là địa điểm thứ nhì bị người Do-thái nhập cư tấn công dưới thời Giô-suê, là nơi thường được đồng nhất với Et-Tell, cách phía đông Bethel khoảng 2 dặm.

Dựa vào việc khảo sát các mảnh sành trên mặt đất và việc đào bới thử nghiệm vào năm 1928, Giáo sư Garstang và Tiến sĩ Albright kết luận rằng AI có thể đã thất thủ cùng thời điểm với Giê-ri-cô (1400 TC). Vào năm 1934-1935 Juddith Marquet-Krause và S.Yeivin tiến hành hai chiến dịch ngắn gọn mà qua đó họ đã tìm thấy di tích của một thành phố khá phồn vinh nhưng đã bị một trận hoả hoạn thiêu rụi vào khoảng năm 2200 TC. Người ta không tìm thấy các dấu vết xác định về việc chiếm đóng sau đó, ngoại trừ một làng nhỏ của người Hê-bơ-rơ được xây dựng giữa năm 1200 và 1100 TC.

Việc qua đời đột ngột của bà Marquet-Krause làm kết thúc công cuộc khai quật mà phải sau một thời gian dài nữa mới có thể hoàn tất. Báo cáo các kết quả của công cuộc khai quật, M.Dussaud nhấn mạnh những điều khám phá có tính chất phủ định từ năm 2200 TC - 1100 TC.

Một số người đã vội vã tuyên bố rằng, cuối cùng thì Kinh Thánh đã được chứng minh là không đúng sự thật. Tuy vậy, các lời tường thuật được viết cẩn thận trong chương 7 và 8 của sách Giô-suê nói rằng nơi đó có tên gọi là AI (đống tro tàn); đó là một địa điểm nhỏ ở phía đông Bethel; lúc ban đầu chỉ có “vài người đàn ông ở đó” nhưng sau đó, một công sự đã được xây lên nhanh chóng bởi tất cả đàn ông ở AI và Bethel (Gios Gs 7:3 8:17;), cho nên khi họ dại dột bỏ thành phố để đuổi theo Y-sơ-ra-ên, “không còn một người đàn ông nào ở lại AI và Bethel.” Sau đó người Y-sơ-ra-ên mai phục ở giữa AI và Bethel. bò vào trong và đốt cháy thành phố. Quân đội của Giô-suê đã đánh bại liên minh AI-Bethel; quân đội Giô-suê trở lại và sau khi mang theo trâu bò cùng chiến lợi phẩm đã đốt rụi AI, để lại “đống hư tàn” (Gios Gs 8:28).

Theo lời kể lại trong Kinh Thánh, ta có lý do vững vàng để tin rằng không hề có sự chiếm cứ trải rộng trên địa điểm của AI vào thời Giô-suê - chỉ hơn một công sự gỗ tạm thời, do các đàn ông của AI và Bethel đồn trú. Vì vậy mà “đống” còn lại sau đám cháy ắt có thể gồm có tro, than và vài viên đá. Chắc hẳn là sau đó người ta đã lượm lặt những viên đá xây sạch sẽ, họ là những người đi tìm các viên đá đẽo sẵn; sau nhiều thế kỷ chia cắt và sự xói mòn mạnh mẽ của gió khiến cho các di tích kể từ thời Giô-suê gần như không thể nhận ra trong thời đại chúng ta. Tuy nhiên, với sự khai quật nhiều hơn và cẩn thận hơn, thì một số tàn tích ít ỏi còn sót lại của AI vào thời Giô-suê có lẽ sẽ được tìm thấy. Hoặc giả, AI với tiếng tăm trong Kinh Thánh sẽ được phát hiện vị trí ở một nơi nào khác.


AKELDEMA hay “ruộng của người thợ gốm nhắc nhở chúng ta về trường hợp bi thảm của Giu-đa khi ông ta bán Chúa lấy 30 miếng bạc, sau đó mang tiền đi trả với nỗi dày vò tâm linh và cuối cùng treo cổ mà chết. “Các thầy tế lễ cả lượm bạc và …bàn với nhau dùng bạc đó mua ruộng của kẻ làm đồ gốm để chôn những khách lạ. Nhơn đó ruộng ấy đến nay còn gọi là “ruộng huyết” (Mat Mt 27:6-9).

Ở đầu cùng phía đông của dốc phía nam thung lũng Hinnom là một vùng đá gồ ghề ước chừng 8093m2 (2 mẫu Anh). đã được biết dưới tên “ruộng của kẻ làm đồ gốm” kể từ thời Jerome (400 SC). Tại đây, nơi trải dài từ một cái hang thiên nhiên cũng chính là nơi chôn cất khách lạ và kẻ bất hạnh qua nhiều thể kỷ.

Truyền thống thì khăng khăng cho rằng đây chính là vị trí của “nhà của người thợ gốm” mà Giê-rê-mi đã thăm viếng (Gie Gr 18:1-4) và sau đó các thầy tế lễ cả đã mua nó bằng đồng tiền phản bội để làm nơi chôn cất các khách lạ. Điều này có lẽ đúng vì nó đáp ứng được yêu cầu của Kinh Thánh và được nhiều chuyên gia chấp nhận.


ALEXANDRIA: Nơi sanh của Apollos, do Alexander đại đế làm nền móng vào năm 331 TC. Tại đây có cung điện của Ptolemies, các viện bảo tàng tuyệt vời, các thư viện lừng danh, với các dân chúng thông minh sắc sảo của Hy-lạp, Do-thái và Ai-cập, làm cho nơi đây trở thành một trong các trung tâm lớn nhất về tri thức và văn hóa của đế quốc La-mã.

- Bản Bảy Mươi (280-170 TC) của Cựu Ước được viết tại Alexandria, và cũng tại đây trong thời Tân Ước, Philo Judaeus lúc sinh thời là một người Do-thái tài ba và kỉnh kiền, đã viết những bài về Ngôi Lời (Logos) ở một phương diện nào đó tương tự như các sách do sứ đồ Giăng viết.

Người Ả-rập chiếm Alexandria vào năm 641 SC, phá hủy các viện bảo tàng tráng lệ, đốt cháy đại thư viện với tất cả sách quý trong đó cùng với các bản thảo, các hồ sơ. Người Thổ Nhĩ Kỳ kế tục vào 1517. Những bức tường của Alexandria và các tòa nhà chỉ còn là đống hư tàn, và sự huy hoàng trước đây của Alexandira không còn nữa. Thành phố hiện đại được xây dựng bên trên các đổng đổ nát; vì vậy các khám phá về khảo cổ học bị hạn chế rất nhiều đối với các di tích như Cột Pompey và hai tháp kỷ niệm của thế kỷ 16 TC tên là “Những Cây Kim của Cleopatra.” Vào năm 1878 một trong những tháp nầy được mang đến nước Anh và dựng trên đê sông Thames, gần Toà nhà Quốc Hội. Tháp còn lại được dựng lên ở Công viên Trung Ương, New York vào năm 1881.


AMARNA, TELL EL: (Mô đất của Amarna) Nằm giữa chừng của Memphis và Thebes, và là di tích của thủ đô kiểu mẫu của Pha-ra-ôn Akhenaton (Amenhotep IV) đã bị cướp phá và bỏ mặc cho tàn lụi vào khoảng 1358 - 50 TC.

Văn bản, lịch sử, chính trị và quan hệ buôn bán cũng như phương thức và tập quán của vùng đất Kinh Thánh đã được soi sáng rất nhiều, vào năm 1187, một bà nông phu đào bới để tìm đất phì nhiêu trong mô đất của Amarna và đã khám phá văn thư lưu trữ hoàng gia của Amenhotep III và con hoàng tộc của ông là Amenhotep IV, Amenhotep IV khi mới bắt đầu sự nghiệp đã thay đổi tôn giáo và được biết đến như là Akhenaton.

Cuối cùng, hơn 350 phiến đã chữ hình nêm được phục hồi, hầu hết là các bức thư cá nhân chân tình và được gửi từ vua, quan tổng đốc và sĩ quan tại các thành phố và thành luỹ của Ba-by-lôn, Mitanni, Phoenic, Sy-ri và Palestine. Các phiến đá được viết được viết trong khoảng thời gian 1400-1358 TC và gửi đến hai vị Pha-ra-ôn tại cung đình Ai-cập. Một số phiến đá nầy hiện nay đang ở trong Viện Bảo Tàng quốc gia của Anh, Pháp, Ai-cập và Đức; một số khác do những nhà sưu tập tư nhân sở hữu. Các phiến đá nầy có chiều rộng 2-3 inches (5,08-7,62cm), dài 3-9 inches (7,62-22.86cm), khắc chữ ở cả hai mặt.

Hầu hết các phiến đá nầy đều viết bằng chữ hình nêm của Ba-by-lôn, và tiết lộ một sự thật rằng các dân tộc khác nhau của quốc gia Tây Á đã sử dụng chữ hình nêm như là một ngôn ngữ chung trong một thời kỳ dài. Vì vậy, khi Áp-ra-ham đến Sy-ri, Ca-na-an và Ai-cập ông có thể chuyện trò ngay với những con người khác nhau.

Còn về nội dung, những phiến đá bằng đất sét này miêu tả Palestine và các quốc gia xung quanh như là đang ở trong một tình trạng hỗn loạn bên trong, và đang bị tấn công từ bên ngoài. Chẳng hạn, quan tổng đốc và sĩ quan phụ trách Gezer đã viết cho Pha-ra-ôn và nói rằng, sau đây xin trích một phần:

“Xin chúa tôi vua tôi, thái dương trên trời, lưu tâm đến đất đai của Ngài, bởi vì Khabiri hùng mạnh chống lại chúng ta; và xin vua tôi, chúa tôi đưa bàn tay của Ngài đến tôi và xin Ngài giải thoát tôi khỏi bàn tay của họ. Như vậy họ sẽ không tiêu diệt được chúng tôi.”

Một số lá thư đến từ Abddi-Heba, quan tổng đốc của Urusalem (Giê-ru-sa-lem), khẩn cầu sự giúp đỡ của Pha-ra-ôn Akhenaton để tránh cho đất nước rơi vào sự thống trị của người Ai-cập. Một đoạn của lá thư đã viết:

Kính gửi chúa tôi,vua tôi. Đầy tớ Ngài là Abdi-Heba xin thưa. Dưới chân của vua, chúa tôi, tôi xin sấp mình 7 lần và 7 lần… Toàn vùng đất đai của vua đang nổi loạn. Chẳng có một quan tổng đốc nào trung thành với vua, tất cả đều nổi loạn. Nguyện xin vua lắng nghe Abdi-Heba và gửi quân đội đến, bởi nếu quân đội không đến trong năm nay thì toàn bộ lãnh thổ của vua sẽ bị mất. Habiru sẽ cướp lấy thành lũy của vua. Nguyện xin vua quan tâm đất đai của Ngài. Habiru đang chiếm lấy các thành phố của vua…nếu không có xạ thủ nội trong năm nay, vậy thì xin vua gửi một đại diện để ông ta có thể giúp đỡ tôi cùng anh em của tôi và chúng tôi chết cùng vua, chúa chúng tôi.

Những phiến đá này thường xuyên sử dụng danh xưng Khabiri khi nói về những kẻ đang dày xéo đất nước. Nhiều học giả đã xem Khabiri như là người Hê-bơ-rơ, và nhiều tài liệu ăn khớp với những ngaỳ tháng đầu tiên (1400 TC) khi người Hê-bơ-rơ bắt đầu chinh phục xứ Ca-na-an dưới thời Giô-suê. Những phiến đá nầy đang nói rằng: “Tại đây chúng ta có một câu chuyện về sự chinh phục xứ Ca-na-an của Giô-suê được kể từ phía quân thù.”


ANATHOTH: Nhà của thầy tế lễ A-bia-tha (IVua 1V 2:26) và nhà của tiên tri Giê-rê-mi (Gie Gr 1:1), toạ lạc khoảng ba dặm đông bắc của Giê-ru-sa-lem. Tên của nơi nầy tồn tại trong một làng nhỏ của Anata , nhưng tàn tích của chính Anathoth cổ lại nằm khoảng 731,5m (800yards) về phía tây bắc, trên đỉnh một ngọn núi rộng ngày nay có tên là Ras el - Kharrubeh . Những người khai quật khám phá rằng nơi đây bắt đầu có người cư ngụ khoảng 1000 trước công nguyên, như là một thành phố của thầy tế lễ Y-sơ-ra-ên, và tiếp tục cho đến thế kỷ thứ 7 SC. Người ta không tìm thấy những vật gì chắc chắn là của Giê-rê-mi, nhưng quang cảnh về phía đông của đồng vắng Giu-đa và biển Chết thì gây ấn tượng mạnh, nhắc nhở chúng ta về lời nói của Đức Chúa Trời thông qua Giê-rê-mi “…Ta há là một đồng vắng hay là một đất tối tăm mờ mịt cho dân Y-sơ-ra-ên sao?”


ANTIOCH: Là nơi mà những người theo Chúa Giê-xu được gọi là Cơ-đốc nhân, cách Giê-ru-sa-lem khoảng 300 dặm về phía bắc, trên bờ tây của sông Orontes. Vào thời cổ đại nó được gọi là “Hoàng hậu đông phương” do hoàn cảnh xung quanh đẹp đẽ, cũng như tầm quan trọng về thương mại của nơi đây, đây cũng là một vị trí chiến lược nằm trên giao lộ của các đoàn lái buôn giữa đông, tây, nam, bắc.

Đại học Princeton và Viện Bảo Tàng Quốc Gia Pháp bắt đầu khai quật vào năm 1932 tại Antioch, và trong 6 năm tiếp sau đó, hơn 20 nhà thờ đổ nát, vô số nhà tắm, hai nghĩa trang, một sân vận động và nhiều sàn nhà lắp ghép lộng lẫy đã được khái quật. Một số sàn lắp ghép nầy miêu tả sự thờ cúng thần Isis (nữ thần sinh nở của người Ai-cập). Một tranh hình lắp ghép lớn và được giữ gìn tốt (30 x 40 feet ) khoảng 9 x 12m, miêu tả truyền thuyết về chim phượng hoàng, trong khi đó thì một tranh lắp ghép được tìm thấy tại sàn nhà thế kỷ thứ 6 của một tòa nhà gần Cổng Thánh Phao-lô, đã mang câu khắc như sau: “Bình an cho những ai vào đây, những ai nhìn vào tranh nầy; vui mừng và phước hạnh cho những ai ở lại đây.”

Tuy nhiên, khám phá gây xúc động mạnh nhất là ột cái cốc uống nước xinh đẹp bằng bạc, tạc từ một cục bạc và bên ngoài được bao bởi một cái ly tiệc thánh được chạm trổ tinh xảo với hình tượng trưng cành nho, ở giữa có 12 nhân vật đang ngồi mà nhiều người đã nghĩ hình ấy tượng trưng cho Đấng Christ và 11 sứ đồ của Ngài. Phần ly bên trong chứa được khoảng 2,35 lít (2,5 quarts chất lỏng), và hiển nhiên đó là một thánh tích thượng cổ với tính thiêng liêng vô cùng. Một vài người, không phải là tất cả, xem đó là Ly Tiệc Thánh của Chúa Giê-xu, được Ngài dùng vào Bữa Ăn Tối Cuối Cùng. Ly này có từ thế kỷ 1 đến thế kỷ thứ 6, hầu hết các học giả lại tán đồng rằng nó có từ thế kỷ 4-5 SC. Cái ly đôi nầy hiện đang để tại Tu viện Cloister, thành phố New York, và nổi tiếng là Ly Tiệc Thánh của Antioch.


ANTIPATRIS: Ngày nay có tên là Ras-el Ain, nằm trên một mô đất cao, trên xa lộ cách Giê-ru-sa-lem 42 dặm, vào thời cổ đại, nơi này dẫn xuống thủ đô dọc bãi biển của Caesarea. Hê-rốt Đại đế đã xây dựng nó ngay phía thượng nguồn của sông Aujeh, để tỏ lòng tôn kính cha của ông là Antipater, đồng thời để làm nơi nghỉ chân vui vẻ của lữ khách.

Bảy mươi kỵ binh và 200 bộ binh đã áp tải sứ đồ Phao-lô như một tù nhân đã đi lạc đường lộ này sau khi nghỉ ngơi tại Antipatris, bộ binh đã ở lại và Phao-lô tiếp tục hành trình với kỵ binh để tới Caesarea, 26 dặm về phía bắc (Cong Cv 23:23-33). Nhiều đoạn của đường phố cổ La-mã nầy, từ Giê-ru-sa-lem đến Caesarea, đang được phát hiện gần Antipatris và vẫn còn cho đến ngày nay.


ARABAH: Ngày nay được biết với tên Wadi Arabah, bắt đầu tận phía nam của biển Chết và trải dài 120 dặm về phía nam cho đến vịnh Aqaba. Đó là một vùng lõm, khô cằn với bề rộng 6-12 dặm - thực tế là sự nối dài của thung lũng Great Rift, khu vực này đã được biết từ thời Kinh Thánh cổ đại dưới tên là Arabah. Bắt đầu từ 393,8m (1292 feet) dưới mực nước biển thung lũng cao dần dần về phía nam khoảng 67 dặm cho tới đường phân nước mà tại đây cao 201,2m (660 feet) trên mực nước biển. Từ đây nó xuống thấp nhanh chóng cho tói 45 dặm về phía nam trải dài tới vịnh Aqaba tại Ezion Geber.

Sự thăm dò bề mặt cùng với những cuộc đào bới qui mô nhỏ do Tiến sĩ Nelson Ghueck tiến hành đã khám phá một số làng mạc đổ nát với nhiều mỏ đồng, mỏ bạc mà trong thời Sa-lô-môn (900-1000 TC), người ta đã lấy quặng tại đó cũng như trong thời Nabateans (300 TC-100 SC).


ASHDOD: Niềm kiêu hãnh về quân sự của người Phi-li-tin cổ đại được đặt tại một đồi thấp tròn, cách Ashkelon cổ đại 9 dặm về phía đông bắc, 3,5 dặm phía đông nam của Ashdod - thuộc địa cận đại của người Do-thái. Mô đất có diện tích khoảng 100 acres (40,468 hécta), trong đó gồm có một thành lũy kiên cố và một thành phố ở phía dưới.

Khi người Phi-li-tin cướp lấy hòm giao ước. họ đã đưa hòm đến đây và đặt trong đền thờ Đa-gôn. Sáng hôm sau dân chúng kinh ngạc khi thấy tượng thần Đa-gôn ngã gục trước hòm giao ước của Đức Chúa Trời (ISa 5:3). Tiên tri Ê-sai (EsIs 20:1) báo cáo rằng Sargon, vua A-si-ri (721-705 TC) đã sai Ta-tân là vị tướng của mình đến chiếm lấy thành Ách-đốt. Một vài nhà bình luận có sự tranh cãi về điều này bởi lịch sử thế tục chẳng hề đề cập đến một vị vua như vậy. Nhưng vào năm 1842, M.Botta đã khai quật khorsabad và tìm thấy một cái ống hình tám cạnh có ghi hàng chữ: “Trong cuộc viễn chinh lần thứ 9 đến miền đất bên ngoài biển lớn, đến Phi-li-tin và Ách-đốt tôi đã đi…các thành phố của Ách-dốt và Gimzo của người Ách-đốt, tôi đã bao vây và chiếm lấy.”

Herodotus thuật lại rằng Psamtik I (633-610 TC) là Pha-ra-ôn của Ai Cập, bao vây Ách-đốt trong 29 năm trước khi những lá cờ của Ai Cập tung bay trên thành phố. Sau khi làm báp-tem cho viên hoạn quan người Ê-thi-ô-pi thì Phi-líp đã đến thành A-xốt (Ashdod) để giảng Tin Lành.

Trong lúc khai quật tại đây vào năm 1962 thì Moshe Dothan và David Noel Freedman đã khám phá 20 tầng lớp cư ngụ cho thấy sự cư ngụ của con người từ thế kỷ 17 TC đến thời Byzantine. Trong ba tầng lớp xã hội của người Phi-li-tin (XIII-XI) họ tìm thấy một cái cổng vào thành phố, một đền thờ, tàn tích của những ngôi nhà, kho ngũ cốc, máy ép rượu, lò nướng bánh, dụng cụ nông nghiệp, vũ khí, và những con dấu được khắc với chữ viết không ai biết. Việc khai quật xác minh sự ghi chép của Kinh Thánh về sự tàn phá của Uzziah, vua xứ Giu-đa (IISu 2Sb 26:6) và khám phá ba trăm bộ xương người vào lúc Sargon chinh phục thành phố. Việc xác minh được chính xác hơn nhờ mảnh vụn của bia Sargon do ông ta dựng lên vào năm 712 TC.


ASHKELON: Là một trong năm thành phố liên bang của người Phi-li-tin, nằm trên bờ biển Địa Trung Hải, cách Gaza 12 dặm về phía bắc. Trông nó chẳng khác gì một cây cung đang giương về phía biển, và tàu bè của nhiều nước khác nhau đã đến bến cảng cổ đại của thành phố nầy để mua ngũ cốc và chở đi. Tại đây Hê-rốt đại đế đã ra đời, sau nầy ông trang trí thành phố bằng nhiều tòa nhà và phố xá với các dãy cột.

Tiến sĩ J.Garstang và W.J.Phythian-Adams khai quật tại đây vào 1921-1922 và tìm thấy nhiều tàn tích chứng tỏ nhiều người đã sống ở đây - người Ca-na-an, người Phi-li-tin, người Mác-ca-bê, người Hê-lê-nít, người La-mã, thập tự quân và người Ả-rập. Trong số những di tích quan trọng là hoàng cung lớn do Hê-rốt đại đế xây dựng và một ngôi mộ trang trí rất đẹp.


ASSHUR: Đây là nơi đầu tiên trong bốn thủ đô của đế quốc A-si-ri hùng mạnh, ngày nay được gọi là Qala'at Sherqat, toạ lạc tại bờ tây của sông Tigris, cách Mosul hiện đại 60 dặm về phía nam.. Lịch sử của Asshur bắt đầu từ khoảng 3000 TC, các thành phố lần lượt trở nên thịnh vượng, rồi bị phá hủy, thành phố cuối cùng bị tàn phá vào năm 614 TC.

Việc khai quật mô đất nầy lần lượt do Layard, Rassam và Koldewey đảm trách. Layaard cảm thấy hứng thú khi ông ta nghe người Ả-Rập bàn về cái mô đất có chứa “những hình người kỳ lạ tạc bằng đá đen.” Ngay sau khi các nhân viên của Layard bắt đầu làm việc, họ tìm thấy một tượng ba-dan đen bằng với cỡ người mà ba phía được phủ đầy các câu khắc chữ hình nêm nói về Shalmaneser III. Sau đó ông ta tìm thấy các viên gạch có khắc chữ, các viên đá làm ranh giới, mảnh vỡ của các phiến đá mỏng có khắc chữ và vài ngôi mộ với đầy đủ nội dung bên trong.

Trong năm 1853 Hormuzd Rassam cùng với công nhân đang đào bới mô đất thì Rawlins gửi một thông điệp khuyến cáo Rassam nên tìm kiếm “viên đá góc nhà” tại nền móng của ngôi miếu cổ (ziggurat: miếu hình kim tự tháp của người A-si-ri và Ba-by-lôn). Ngay sau khi điều tra, Rassam tìm thấy hai “phiến đá móng” của Tiglath - Pileser I (1110-1103 TC) và về sự tái thiết của Tiglath-Pileser khi ông còn sống. Một phiến đá đề cập rằng đây là thành phố Asshur.

Năm 1903, những người Đức dưới sự chỉ đạo của Robert Koldewey, bắt đầu công cuộc khai quật có hệ thống và tiến hành cho đến khi thế chiến thứ nhất bùng nổ. Họ thu thập được khối lượng lớn đồ sứ, dấu vết về đường nét của các đền thờ, miếu thờ, cung điện, phố xá và các công sự, cũng như khám phá nhiều bia có khắc chữ của các vị vua A-si-ri. Họ tìm thấy một bài thơ song ngữ của người A-si-ri nói về sự sáng tạo thế gian và sự khai sinh của nhân loại. Những dấu hiệu cùng với bài viết trông giống như “các nốt nhạc.” Quy mô khám phá của người Đức tại Asshur có lẽ sẽ không được người ta biết đến, bởi vì chiến tranh cắt đứt công việc và các báo cáo đầy đủ và ấn phẩm cũng sẽ không bao giờ được thực hiện.



ATHENS: Một trong những trung tâm văn hóa lớn nhất trong thời Phao-lô, phát triển trên một cao nguyên đá ở độ cao 158,5m (520feet) có tên là Acropolis. Tại đây, trên vùng đất cao nầy đứng sừng sững Parthenon nhiều cột, đó là kỳ quan kiến trúc nổi tiếng, và cũng có nhiều công trình xây dựng lớn dành cho việc thiêng liêng, nên chỗ nầy được gọi là “Acropolis nhiều đền thờ.”

Về phía bắc của Acropolis là trung tâm hành chánh danh tiếng và khu vực thương mại, mang tên Agora, tại đó người ta không những buôn bán mà còn thăm viếng và thảo luận các vấn đề sôi nổi lúc bấy giờ. Từ Acropolis tiến về phía đông bắc là một đồi đá có tên Areopagus hay Đồi Hoả Thần, tại đây các hội đồng và Tòa Án Tối Cao nhóm họp. Cả hai nơi này đều quen thuộc đối với Phao-lô. Tại khu thương mại, Phao-lô “biện luận…hằng ngày với những người tình cớ có mặt ở đây” (Cong Cv 17:17). Trong số những người theo phái Khắc Kỷ và phái Khoái Lạc đang nghe Phao-lô, có người hiếu kỳ, hâm mộ nhận xét rằng: “Ông ta dường như đang giảng về các thần ngoại quốc.” (Cong Cv 17:18). Vì vậy họ đưa Phao-lô lên đồi để nói trước phiên họp không chính thức của tối cao pháp viện. Đứng giữa Đồi Hỏa Thần, trước các vị đại biểu uyên bác vào bậc nhất thời đó, cũng có nhiều người khác đến lắng nghe Phao-lô nói về việc “Thờ Thần Không Biết” và công bố một trong những sứ điệp mạnh mẽ của mọi thời đại. Một số người cười nhạo, một số người xúc động sâu xa, và những người khác đã tiếp nhận Đức Chúa Trời.

Nhờ vào nhóm Nghiên Cứu Cổ Điển Hoa Kỳ, khu thương mại đã được khám phá, các đường sá được vẽ thành sơ đồ, các tòa nhà đổ nát được nhận dạng.

Bậc thang bắng đá gồm 35 nấc được tạc bằng đá ở tận trên đồi Hỏa Thần, và các dấu vết của bàn thờ và nhiều băng ghế đá trên đỉnh đồi có thể thấy được mãi đến nay. Hàng ngàn du khách từ các nơi trên thế giới, đến đứng trên các nấc thang nầy trên đồi Sao Hỏa, họ vẫn còn cảm xúc bởi ngôn từ và sức mạnh tinh thần trong bài thuyết giảng của Phao-lô.

Về phía tây nam là con đường cổ dẫn đến Cô-rinh-tô

Tại A-thên người ta không tìm thấy tàn tích của câu khắc bàn thờ “Kính Lạy Thần Không Biết” mà Phao-lô đã đề cập, nhưng vào năm 1903 người ta tìm thấy một câu khắc giống như vậy trên một bàn thờ khi khai quật thành phố Pergamum (xem thêm 4422).


Viện Thần Học.



bottom of page