top of page
Hung Tran
May 15, 2023
Hàng ngàn các chứng cớ “ngoại tại” chứng thực các câu chuyện kể trong Kinh Thánh đang được phơi bày...
• CAESAREA: Thủ đô La-mã của Giu-đê trong thời của Đấng Christ và Phao-lô, nằm gần Địa Trung Hài, cách Joppa 32 dặm về phía bắc và cách Giê-ru-sa-lem 60 dặm về phía tây bắc. Hê-rốt đại đế khởi công xây dựng thành phố vào 25 TC và hoàn tất vào năm 13 TC. Trong lễ dâng thành phố vào năm 12 TC, Hê-rốt đã đặt tên là Sê-sa-rê để tỏ lòng tôn kính Sê-sa và biến nó thành thủ đô La-mã của Giu-đê. Chẳng bao lâu nơi đây trở thành một hải cảng sầm uất, một trung tâm thương mại lớn, và một trong những thành phố thu hút nhất của thời ấy. Thành phố nầy được xây dựng hoàn hảo và trên cơ sở một kế hoạch tuyệt vời đến nỗi nó thường xuyên được gọi là “tiểu La-mã.” Nhà truyền giáo Phi-líp sống ở đây, sứ đồ Phao-lô đã từng bị cầm tù ở đây trong 2 năm, trong thời gian đó ông ứng hầu trước Phê-lít, Phê-tu và vua Ạc-ríp-ba.
Thành phố đã đứng vững với nhiều vận mệnh khác nhau mãi cho đến năm 1256 SC thì vua Bibars của Ai-cập, theo Hồi giáo đã chiếm lấy thành phố và tàn phá các bức tường và hầu hết các công trình kiến trúc trong đó. Nó tiếp tục bị điêu tàn trong nhiều thế kỷ tiếp sau đó chỉ còn lại đồ sứ bể vụn, những phần của cổng và lâu đài, mảnh vụn của các cột đá hoa và đá granít, chỉ một phần nhô lên khỏi cát và phần kia chìm trong nước biển cạn.
Sở Đồ Cổ của chính phủ Y-sơ-ra-ên đang tiến hành khai quật Sê-sa-rê. Cho đến nay thì các khám phá lớn gồm có một lâu đài thập tự quân rất tráng lệ; hí viện, nhà hát tròn, trường đua xe ngựa, và lề đường của nhà hội - có thể chính là cái nhà hội mà Cọt-nây đã từng tham gia thờ phượng và được Phi-líp, Phi-e-rơ, Phao-lô thăm viếng. Trong hí viện họ tìm thấy một phiến đá có khắc chữ mang danh hiệu của Phi-lát và Ti-bê-ri-út. Đây là lần đầu tiên tên của Phi-lát được tìm thấy trên một dòng chữ khắc trên đá. Người ta cũng tìm thấy một đền thờ lớn dâng cho Sê-sa của La-mã, trong đó có một tượng lớn phi thường của hoàng đế.
Vào năm 1960 Cơ quan The Link Expedition to Israel đã thăm dò và vẽ sơ đồ hải cảng rộng do Hê-rốt đại đế xây dựng. Chỉ có phần đỉnh của những tảng đá làm công phu của đê chắn sóng nhô khỏi mặt nước đó đây, nhưng việc thám hiểm dưới biển đã xác nhận sự miêu tả của Josephus về hải cảng Sê-sa-rê là đồ sộ và rộng lớn.
• CAESAREA PHILIPPI: Được tọa lạc tại chân núi Hẹt-môn, như một dòng suối lấp lánh, nguồn nước cực đông của sông Giô-đanh trào ra từ một cái hang dưới nền của một vách đá lớn và gặp các nguồn nước khác của những con sông nổi tiếng. Nhờ được cấp nước đầy đủ, nơi này có đủ loại cây cối, dây leo, và bụi cây có trổ bông và là một trong những nơi đẹp nhất của Đất Thánh. Trong thời Cựu Ước tại đây có một cái miếu thờ thần Ba-anh, sau đó người Hy-lạp xây một miếu thờ cho thần Pan, thần thiên nhiên, và đặt tên là Paneas (thành phố của Pan).
Vào năm 20TC, Hê-rốt đại đế xây một đền thờ lớn bằng đá hoa tại đây và dâng cho Augustus Caesar. Khi Hê-rốt băng hà thì thành phố nầy giao cho con trai của ông là Hê-rốt Phi-líp, ông này đã mở rộng và chỉnh trang thành phố ấy rồi đặt tên là Sê-sa-rê Phi-líp, nhằm đẹp lòng Hoàng đế Tiberius Caesar, cũng để phân biệt với các thủ đô và hải cảng khá nổi tiếng khác ven bờ biển của Caesarea.
Đây cũng là nơi với vẻ đẹp thiên nhiên mà Chúa Giê-xu đã dẫn các môn đệ của Ngài đến nghỉ ngơi và cầu nguyện trong khoảng thời gian ngắn, cũng tại đó, sau khi cầu nguyện, Ngài đã hỏi họ: “Các con nói ta là ai?” Si-môn Phi-e-rơ đã đưa ra lời tuyên bố hùng hồn: “Ngài là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống” (Mat Mt 16:16; Mac Mc 9:18). Vào thời trung cổ (1120 SC) Thập tự quân đã xây một lâu đài tại đây trên sườn núi nhô cao khoảng 350,5m (1150feet) phía trên suối phun, và đặt tên là Lâu đài của Subeibeh.
Ngày nay, hàng khối đá xây dựng, những mảnh cột gãy, và mái vòm chôn một phần dưới mặt đất được rải rác khắp nơi trong thành phố. Trên mặt của một vách đá thật lớn quanh cái hang là nơi dòng suối chảy qua, ta thấy vài cái hốc và một câu khắc Hy-lạp với ý nghĩa “thần Pan và các nữ thần của Ngài hiện ra ở nơi đây.” Một câu khắc khác thì nói rằng: “Thầy tế lễ của thần Pan.”
Một nơi cất giấu các đồng tiền đã được khám phá. Trên đồng tiền có hình cái khèn của Pan; trên đồng tiền khác ta thấy hình Pan tựa vào cây và thổi sáo; trên đồng tiền thứ ba có hình miệng hang và Pan thổi sáo trong đó; trên đồng tiền thứ tư là tên của thành phố “Caesarea Paneion.”
Từ trên núi nhìn xuống Caesarea Philippi, ta thấy Lâu đài Subeibeh bao bọc bởi những bức tường dày 3,9m (10feet) và cao 34,9m (100feet), được củng cố bởi vô số tháp tròn. Bên trong của pháo đài cổ nầy là một khoảng đất không bằng phẳng với diện tích 16.187-20234m2 (4-5 acres), lác đác đó đây vài căn nhà, bể chứa nước, tường cao và các sân rộng. Lâu đài trở nên cũ kỹ và hư hao theo thời gian cùng mưa gió, nhưng nó vẫn được bảo tồn tốt hơn các lâu đài khác trong vùng.
• CALAH: Ngày nay được gọi là Nimrud, ở cách Ni-ni-ve 20 dặm về phía nam, trên bờ sông phía tây của ông Tigris. Theo SaSt 10:11 thì nơi đây được Nim-rốt xây trước tiên: “Nim-rốt đi đến A-si-ri tại đó ông xây Ni-ni-ve, Rehoboth Ir, Calah.”
Henry Layard bắt đầu thăm dò mô đất vào năm 1845 và tìm thấy tàn tích của những bức tường thành phố cổ đại có kích thước 2134m x 168m (7000feet x 5500feet). Phía trong những bức tường ấy ông tìm thấy tàn tích cung điện của ba vị vua: Ashurnasirpal (885-860 TC), Shalmaneser III (860-825 TC) và Esarhaddon (680-669 TC) cùng với nhiều công trình điêu khắc trên tường. Trong số đó, công trình điêu khắc gây hứng thú nhất là một loạt những ghi nhận về sự thắng lợi của Tiglath-Pileser III, Phun vua của A-si-ri trong IIVua 2V 15:19 Những hình vẽ nầy cho thấy, theo kiểu đồ thị, việc triệt thoái khỏi thành phố, những cuộc hành quân gắn liền với một cuộc vây hãm, và việc đối xử thô bạo đối với tù nhân. Những công trình điêu khắc nầy dường như được vua Esarhaddon dọn khỏi hoàng cung cũ và đặt trong hoàng cung ở Calah.
Tượng Nebo, thần thông thái và sáng tác, được khai quật tại Nimrud và có từ thời của Adadnirari III (812-782 TC). Sau đây là dòng chữ khắc trên pho tượng: “Tin cậy Nobo; đừng tin cậy thần khác.”
Phù điêu tại hoàng cung của Tiglath-Pileser III cho thấy bốn bức tượng thần được vác trên vai binh sĩ A-si-ri ra khỏi thành phố bị chinh phục.
Tuy vậy, khám phá quan trọng nhất tại Calah chính là Tượng Đài Đen do Shalmaneser III dựng lên tại tòa nhà trung tâm. Đó là một đài tưởng niệm rất rộng, bệ làm bằng đá hoa đen cao 1,97m (6feet6inches) và nhọn dần lên phía đỉnh. Tượng đài có 20 phù điêu thỏ sơ nhỏ, 5 cái mỗi bên, thể hiện việc các viên chức của năm quốc gia khác nhau mang cống vật đến dâng cho vua. Bên trên, bên dưới và ở giữa các phù điêu là 210 dòng chữ khắc hình nêm kể về thành tựu của vua trong cả chiến tranh lẫn hoà bình, trong suốt 31 năm trị vì. Trong số những cá nhân được đề cập, có Ha-xa-ên của Đa-mách và Giê-hu của Y-sơ-ra-ên. Trên tưởng niệm đài của Shalmaneser nói rằng:
“Trong thời gian 18 năm trị vì của ta, ta băng qua Ơ-phơ-rát 16 lần. Ha-xa-ên của Đa-mách đặt sự tin tưởng vào đội quân hùng hậu của ông ta, triệu tập quân đội với con số khổng lồ, biến núi Senir (sa-ni-ru) đối ngang Li-ban, thành pháo đài của ông. Ta đã đánh trận với ông ấy và đánh bại ông ta, giết 16.000 binh sĩ tinh nhuệ bằng lưỡi gươm. Ta đoạt được 1121 cỗ xe ngựa, 470 ngựa cưỡi cùng với doanh trại. Ông ta tháo chạy thoát thân nhưng ta đuổi theo đến Đa-mách tận hoàng cung của ông ta. Tại đó, ta phá hỏ những vườn hoa bên ngoài thành phố và tiến quân cho đến núi Hauran, ta phá hủy, đốt cháy vô số thị trấn, mang về chiến lợi phẩm nhiều không đếm xuể. Sau đó ta tiến quân đến tận các ngọn núi của Ba'lira'si, gần bờ biển và dựng lên một bia khắc có hình ta như là đấng quân vương. Trong thời gian đó ta nhận cống vật của các dân cư thuộc Ty-rơ, Si-đôn và của Giê-hu, con trai Ôm-ri.”
Sau đó trong câu khắc có một đoạn gây nhiều hứng thú cho cả sinh viên nghiên cứu Kinh Thánh. Nội dung là:
Cống vật của Giê-hu, con trai Ôm-ri: “Ta nhận từ hắn bạc, vàng, một cái chén vàng, một bình vàng đáy nhọn, những chiếc ly (có chân) bằng vàng, những bức hình bằng vàng, những thỏi chì, vương trượng và những cây lao, ta đã nhận.”
Giê-hu đang quỳ trước mặt Shalmaneser cùng cống vật. Vị quân vương A-si-ri có hai viên hầu cận đứng cạnh (một người cầm dù che nắng cho vua), vua đứng kiêu hãnh với biểu tượng của Ashur và Ishtar khắc ở phía trên. Vua Giê-hu của Y-sơ-ra-ên có chòm râu ngắn, tròn, đội mũ da mềm và áo ghi-lê không tay, áo đánh dấu ông ta như một tù nhân. Theo sau Giê-hu là những người Do-thái mặc áo choàng dài mang theo vàng bạc cùng các cống vật khác. Phù điêu này hết sức quan trọng bởi đó là bức phù điêu chạm trổ duy nhất mà chúng ta có được về một vị vua Do-thái.
• CALVARY hay GÔ-GÔ-THA: Cả hai từ - từ thứ nhất bắt nguồn từ tiếng La-tinh, từ thứ nhì bắt nguồn từ tiếng A-ram - đều có nghĩa là “cái sọ” hoặc “chỗ cái sọ”, đều chỉ nơi Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên cây thập tự (Mat Mt 27:33; LuLc 23:33). Nơi nầy thường được gọi là “đồi sọ” vì là nơi hành hình (có nhiều sọ người ở đó), hay vì nó giống hình cái sọ người thì cũng chỉ là sự phỏng đoán.
Địa điểm chính xác chưa được biết đến vì Titus tàn phá Giê-ru-sa-lem vào năm 70 SC và thành phố đã hoang tàn trong suốt 60 năm. Một số ít Cơ-đốc nhân trở về đó, và những người đã di tản khi trở về được cũng không còn nhận dạng được thành phố vì đã bị tàn phá hoàn toàn suốt thời gian dài đến 60 năm. Kinh Thánh chỉ đề cập đến sự kiện ác nghiệt (?) xảy ra bên ngoài bức tường thành, trên một chỗ mà ai cũng có thể thấy từ xa. Nó gần một cổng thành, gần một lòng đường, hiển nhiên là đi xuyên qua cổng và gần nơi hành hình (GiGa 19:20; HeDt 13:12; LuLc 23:49; Mat Mt 27:39). Giăng đề cập đến ngôi mộ nằm trong một vườn hoa gần đó (GiGa 19:47).
Nhiều địa điểm khác nhau đã được gợi ý nhưng chỉ có hai nơi là đáng nghiên cứu cách nghiêm túc. Thứ nhất là trong Nhà Thờ Thánh Mộ; hai là Calvary của Gordon với Ngôi Mộ Hoa Viên ở đó.
Nhà Thờ Thánh Mộ đã tồn tại như sau: Vào năm 312 SC, Constantine thấy một khải tượng về một thập tự giá trên không trung, với dòng chữ “Chiến thắng bởi vật nầy.” Ông đã chọn thập tự làm quân kỳ, sau sự thành công lạ thường cùng với nỗ lực của ông, cuối cùng Constantine trở thành đại đế của châu Âu và Tây Á. Ao ước được đền ơn Đấng Christ và Cơ-đốc giáo, ông đã nhờ mẹ ông là Helena sang Đất Thánh để tìm kiếm ngôi mộ đã chôn Chúa Giê-xu. Với sự giúp đỡ của Eusebius là giám mục của Sê-sa-rê và Macarius là giám mục của Giê-ru-sa-lem, người ta đã dọn đống gạch vụn khỏi một mô đất, phát hiện một ngôi mộ gần đó. Tại đây người ta tìm thấy ba cây thập tự, và các bằng chứng khác đã làm cho họ gọi nơi đó là Calvary, và ngôi mộ phải là một trong những ngôi mộ mà Chúa đã nằm.
Helena loan truyền tin ấy, cộng đồng Thiên Chúa giáo hồ hởi và hoàng đế Constantine dựng lên một nhóm tòa nhà tráng lệ trên địa điểm “được khám phá một cách kỳ diệu.” Tất cả những công trình ấy hoàn tất và làm lễ dâng vào năm 335 SC, đặt tên là Nhà Thờ Thánh Mộ. Vào năm 333 SC, lúc nhà thờ chưa hoàn tất, một nhóm người mộ đạo từ Bordeaux (Pháp) hành hương đến dây đã mô tả đó là “một nhà thờ với vẻ đẹp thần kỳ.”
Tòa nhà đã đứng vững cho tới năm 614 SC thì bị Chosroes II san bằng. Nhờ sự quyên góp của dân chúng mà nhà thờ được tái thiết và bị tàn phá vào năm 1010 bởi cái gọi là “Caliph Hakem điên cuồng.” Với thời gian 38 năm tái thiết, rồi sau đó bị thập tự quân chiếm đóng khi họ tiến quân vào Giê-ru-sa-lem năm 1099. Ngay tức thì, họ nới rộng và chỉnh trang công trình ấy, để rồi bị cháy vào tháng 9 năm 1808. Sau đó người ta quyên góp được ba triệu đô-la và một nhà thờ khác mọc lên ở đó, dầu không lớn và đẹp như ngôi nhà thờ trước, và nó tồn tại đến hôm nay, và là niềm kiêu hãnh vinh quang của những Cơ-đốc nhân phương đông. Đó là một kiến trúc kép, che lên cả phần đóng đinh Chúa và phần mộ được cho là của Chúa. Ở đây có những nhà nguyện ngăn riêng ra cho người Công giáo La-mã, Chính thống Hy-lạp, người Ạc-mê-ni Gregory, người Copt, người Gia-cô-bi.
Chính Thánh Mộ được đặt trong gian phòng lớn hình tròn ở tận phía tây của gian giữa nhà thờ, tại đó từng nhóm tín đồ Cơ-đốc thay phiên nhau thờ phượng vào những dịp đặc biệt. Cách đó vài mét, cao hơn ngôi mộ khoảng 1,52m là “cây thập tự thật” gắn đầy những ngọc chạm và đá quý trị giá hằng triệu đô-la. Gần đó là một khe nứt trong tảng đá được người ta cho là do động đất mà có vào lúc Chúa bị đóng đinh.
Đối với người Cơ-đốc thì không có nơi nào bị cho là khủng khiếp và lại được tôn kính bằng tòa nhà có tên “Nhà Thờ Thánh Mộ”. Không có nơi nào đã được đấu tranh và mong mỏi bằng nơi ấy. Người ta ước tính rằng hai phần ba tín đồ Cơ-đốc trên thế giới yêu mến nơi nầy hơn hẳn những nơi khác bởi vì họ tin rằng cái đồi phải là Gô-gô-tha và ngôi mộ là nơi Chúa bị đóng đinh và chôn ở đấy. Tuy vậy thì nơi đó nằm phía trong những bức tường hiện nay của Giê-ru-sa-lem và nhiều người thắc mắc ước gì nó không nằm phía trong các bức tường của thành phố Hê-rốt.
Calvary của Gordon và Ngôi Mộ Hoa Viên nằm trên ngọn đồi riêng lẻ màu xám ở phía bắc Giê-ru-sa-lem, “một khoảng ngắn có thể ném đá tới”" từ bức tường cổ, và khoảng 213,4 (700feet) bên ngoài cổng Đa-mách, là một địa điểm nổi bật trải ra trên một diện tích độ 12140,4m2 và có thể nhìn thấy rõ ràng từ mọi hướng. Là một ngọn đồi cao hơn khu vực chung quanh khoảng 12,2m-15,2m (40-50feet), sườn đồi quay về phía thành phố, đỉnh đồi có hình tròn trông hao hao giống như chiếc sọ người. Có những hang như là hốc mắt, một tảng đá nhô ra như là cái mũi, một cái khe dài như là cái miệng và một cái gò phía dưới như là cái cằm - “một sự giống nhau khá rõ rệt được bắt gặp trong hầu hết những tương đồng thiên nhiên, được người ta nhân ra một cách phổ biến tại nhiều nơi khác nhau trên thế giới.”
Vào năm 1842 Otto Thenius của Oresden nghiên cứu tỉ mỉ ngọn đồi nầy và cho rằng nó là Gô-gô-tha. Ông ta chỉ ra rằng theo truyền thuyết của người Do Thái thì đó là nơi để ném đá, nơi đó nằm ngoài thành phố, vì lẽ ấy nó có hình dạng cái sọ người (!). Rồi đến một ngày của năm 1885, một đại tướng trong quân đội Anh là Charles G.Gordon, cũng là một Cơ-đốc nhân danh tiếng đang đi bộ bên ngoài bức tường phía bắc của Giê-ru-sa-lem. lúc đó ông ta quan sát, nghiên cứu sự hình thành các tảng đá có hình sọ người. Ngay khi trở về khách sạn, ông nói: “Hôm nay tôi phát hiện đúng chỗ của Calvary.” Tướng Gordon viết thư cho em gái và những người khác về sự phát hiện nầy, ba năm sau ông bị sát hại tại Khartoum, châu Phi. Lew Wallace, Captain Condor và những người khác đều đồng ý với quan điểm của Gordon. Vì thế mà sau một thời gian, người ta đã mua một phần mảnh đất phía tây đồi sọ. Trong khi khai quật người ta tìm thấy một vườn hoa cổ đại, trong đó một ngôi mồ đã từng bị niêm phong bởi một hòn đá lăn. Sự khai quật gần đó cho thấy những phần mộ của Cơ-đốc nhân ngày xưa.
Một công ty của tín đồ Tin Lành người Anh đã mua nơi đó và đặt một người canh giữ ngôi mộ. Ngày nay nơi nầy được nổi tiếng với tên Calvary của Gordon và Ngôi Mộ Hoa Viên. Ngôi mộ chẳng có sự trang trí hoặc phô trương, và chính như vậy càng làm cho ngôi mộ gây ấn tượng hơn. Chẳng có ai thờ phượng nơi đó và chúng ta tin tưởng rằng họ sẽ chẳng bao giờ làm vậy, nhưng nhiều buổi lễ Phục Sinh tiếng tăm đã được cử hành ở đây. Moody và Talmage đã giảng đạo tại đây, và hàng trăm ngàn người từ bốn phương trời tụ tập ở đây một cách tôn kính, trong một chừng mực bé nhỏ, họ cảm nhận được năng lực và tính bình dị trong lời nói của thiên sứ: “Hãy đến xem chỗ Ngài đã nằm” (Mat Mt 28:6).
Nhiều cuộc khai quật đã được thực hiện và nỗ lực nhằm lần ra dấu vết của lộ trình mà bức tường phía bắc phải được lấy đi trong thời của Chúa Giê-xu (?). Công trình xây dựng Herodian bên dưới cổng Đa-mách nói lên sự hiện diện của bức tường trong vùng ấy vào thời Chúa Giê-xu, nhưng lộ trình chính xác của bức tường từ cổng Jaffa đến Đa-mách phải đước đánh dấu trước khi quyết định được lộ trình ấy nếu vị trí đó nay bị Nhà Thờ Thánh Mộ choán lấy có hoặc không có kèm theo bức tường thành. Cho đến lúc ấy mới có thể nói được vị trí chính xác của Calvary.
• CANA của GALILEE: Ngôi làng Chúa Giê-xu đã làm phép lạ đầu tiên, thường được người ta cho rằng chính là Kefr Kenna, cách Na-xa-rét khoảng 4 dặm về hướng đông bắc. Làng này nằm trên đường đi Ca-bê-na-um và là một địa điểm truyền thống. Làng có nhiều vườn nho, vườn cây vả sai trái và nguồn nước dồi dào. Sự khai quật hạn chế đã được thực hiện ở đây, trong lúc chưa đưa ra được bằng chứng xác thực thì nơi đây rất khớp với tất cả những gì mà Giăng đã kể về Ca-na.
Tuy nhiên, nhiều học giả hiện đại lại muốn cho rằng Ca-na chính là Khirbet Kana, một đống đổ nát trên đỉnh một ngọn đồi cách Na-xa-rét khoảng hơn 8 dặm về phía bắc. Người ta chưa khai quật nơi đây, nhưng Josephus và vài khách hành hương thời trung cổ miêu tả nơi này như là “Ca-na của Ga-li-lê” khi họ biết Khirbet Kana.
• CAPERNAUM: Tọa lạc tại bờ tây bắc biển Ga-li-lê tại một nơi có tên Tell Hum. Đó là một trung tâm thương mại và xã hội của vùng nầy vào thời Chúa Giê-xu thi hành chức vụ. Tại đây, trên một xa lộ rộng lớn giữa Sy-ri và Palestine, người ta thu thuế hải quan và có một đội quân đồn trú La-mã đóng tại đây. Sau khi rời Na-xa-rét thì Chúa Giê-xu đã đến dây và nhà của Phi-e-rơ trở thành nơi trú ngụ của Ngài. Tại đây Ngài kêu gọi Ma-thi-ơ cũng như đã dạy dỗ, giảng đạo và làm nhiều công việc lớn lao.
Chúa Giê-xu tiên đoán Ca-bê-na-um sẽ sụp đổ, ngày nay còn những đống đá bazan đen nằm rải rác trên suốt chiều dài dọc theo bờ biển. Đó đây người ta còn thấy những đường nét mờ nhạt của những tòa nhà hiện ra trên mặt đất. Điều quan trọng hơn trong số đó chính là đống hư tàn của một kiến trúc hình bát giác mà ngày nay được cho là nhà của Phi-e-rơ (càng có khả năng hơn đó là một tòa nhà tưởng niệm ngay trên vị trí của nhà sứ đồ Phi-e-rơ), và di tích của một trong những nhà hội đẹp nhất và được bảo tồn tốt nhất tại Ga-li-lê.
Mọi công tác khai quật ở đây đều nhằm vào nhà hội ấy, đó là nhà hai tầng, mái có đầu hồi, nhà có diện tích 18,3m x 24,4m (60 x 80 feet) hướng về Giê-ru-sa-lem. Ở phía tây nhà hội có một cổng vòm trông hấp dẫn. Chính nhà hội được xây bằng đá vôi trắng, và bên trong có một hàng cột ở mỗi bên để gia cố tòa nhà và tạo thành bao lơn để phụ nự có thể thờ phượng ở tầng hai.
Những trang trí của trụ ngạch bên trong, trên mái đua, và trên ngạch cửa của các cánh cửa thuộc nhà hội ấy thì vô cùng đa dạng. Đó là những hình giống như cây cối, chim muông, những sinh vật trong huyền thoại, cũng như những hình vẽ hình học. Người ta cũng bắt gặp những biểu tượng thiêng liêng quen thuộc của người Do-thái như chân đèn cầy bảy ngọn, sao sáu cạnh.
Trên trụ ngạch là một phù điêu tiêu biểu cho hòm giao ước đi phía trước đoàn dân Do-thái đang lang thang trong đồng vắng. Trên một trong những trụ đá vôi trắng ta thấy dòng chữ khắc bằng tiếng A-ram ghi rằng “HLPW, con của Zebidah, con của Johanan, đã dựng nên cột nầy. Nguyền xin người ấy được phước.” Theo tiến sĩ Glueck thì “những tên gọi ấy đại để tương ứng với A-phê, Xê-bê-đê, và Giăng được đề cập đến trong danh sách của môn đệ Chúa Giê-xu và gia đình họ” (Mac Mc 3:17-18).
Nhiều người tin rằng đó là nhà hội do thầy đội xây cất và được Chúa Giê-xu thăm viếng tại Ca-bê-na-um, nhưng hầu hết những nhà khảo cổ lại nghĩ rằng nó được dựng lên nào thế kỷ thứ 2 hoặc thứ 3 SC, ngay trên địa điểm của nhà hội vào thời Chúa Giê-xu. Họ đưa ra kết luận trên cơ sở kiến trúc và nhất là đựa trên những hình tiết trang trí.
• CARCHEMISH: Hiện nay được gọi là Jerablus, là thủ đô phía đông của đế quốc Hittite cổ đại, và là trung tâm thương mại và quân sự chiến lược của bắc Sy-ri. Nó nằm phía tây của sông Ơ-phơ-rát, nơi chỗ cạn của thượng nguồn con sông, cách thành phố Aleppo hiện đại 65 dặm về phía đông bắc.
Carchemish đã từng là nơi xảy ra những trận chiến sống còn. Kinh Thánh và lịch sử đại cương đã đề cập như thế và khảo cổ học cũng đã làm sáng tỏ, nhất là trận chiến Carchemish A-si-ri thất thủ, thủ đô Ni-ni-ve rơi vào tay liên quân Ba-by-lôn vào năm 612 TC và vào tay Haran vào 610 TC. Sau đó thủ đô được đặt tại Carchemish. Pha-ra-ôn Neco II trên đường đi đến Carchemish để tiếp viện người A-si-ri chống lại liên quân Ba-by-lôn khi vị vua tốt bụng Giô-si-a mất mạng lúc đón Neco tại đèo Mê-ghi-đô (IISu 2Sb 35:20). Đón lần nữa tại Riblah(IIVua 2V 23:31). Cuối cùng, Pha-ra-ôn đã đến Carchemish quá trễ. Nê-bu-cát-nết-sa đột kích và chiếm lấy Carchemish của người A-si-ri; sau đó chống lại người Ai-cập dưới sự lãnh đạo của Neco và đánh bại hoàn toàn người Ai-cập trong cuộc chiến xáp lá cà. Nê-bu-cát-nết-sa đuổi theo người Ai-cập đến Hamoth đến nỗi, như sự tích của người A-si-ri kể rằng: “chẳng còn một người đàn ông nào thoát được về nhà.” Trận chiến Carchemish năm 606 TC đã chấm dứt đế quốc A-si-ri, Ai-cập chỉ còn là cường quốc hạng nhì và Ba-by-lôn dành được uy thế khắp Trung Đông lúc bấy giờ.
Địa điểm nầy được khai quật trong thời gian 1912-1914 bởi Sir Leonard Woolley và T.E.Lawrence (sau đó trở thành Lawrence của Ả-rập), họ làm việc cho Viện Bảo Tàng Anh. Họ tìm thấy tàn tích đáng kể của một thành phố hùng mạnh với pháo đài, cung điện, đền thờ, nơi nhóm chợ và một bức tường khổng lồ điêu khắc hình một đoàn hiệp sĩ và vua cùng thái tử ăn mừng chiến thắng. Người ta tìm thấy nhiều món đồ, và vô số những câu khắc trong một nguyên bản đã làm lúng túng nhiều nhà khảo cổ học và nhà ngôn ngữ học mãi cho đến gần đây. Những khám phá nầy chứng thực và làm sáng tỏ những gì tường thuật trong Kinh Thánh và các tài liệu lịch sử khác.
• COLOSSE: Tọa lạc tại thung lũng Lycas, cách Lao-đi-xê 11 dặm về phía đông. Nhờ nằm trên tuyến thương mại đông-tây, từ Ê-phê-sô đến Ơ-phơ-rát, Cô-lô-se nổi tiếng và phồn vinh mãi cho đến thế kỷ thứ 8 SC; khi ấy có sự thay đổi lớn về hệ thống đường sá làm cho Lao-đi-xê có được lợi thế nầy. Người Thổ Nhĩ Kỳ tàn phá Cô-lô-se vào thế kỷ 12 và cứ để cho nó hoang tàn cho đến nay.
Vào năm 1835, William J.Hamilton đã xác minh và thăm dò tàn tích của thành phố và những thành quách. Ông quan sát thấy nhiều cột đá hoa, một nhà hát điêu tàn với nhiều chiếc ghế được bảo tồn, một nghĩa trang thành phố với phần mộ bằng đá đẽo.
Những khám phá về khảo cổ hạn chế trong vài câu khắc, một số đồng xu và một ngôi nhà thờ cổ. Dù hạn chế như vậy, chúng cũng tăng thêm ý nghĩa cho lá thư của Phao-lô gửi tín hữu Cô-lô-se.
• CORINTH: Một thành phố kiêu hãnh, giàu có và gian ác của thế giới cổ đại, tọa lạc trên một dải đất rộng bốn dặm nối liền Peloponnesus ở miền Nam với đại lục Hy-lạp. Bởi tọa lạc trên xa lộ bắc-nam, có hai hải cảng sầm uất của Cenchrea ở phía đông và Lechaeum ở phía tây, nó đúng nghĩa là “giao lộ”, và dễ dàng trở thành trung tâm thương mại lớn nhất của Hy-lạp. Xung quanh Cô-rinh-tô là những vùng đất mầu mỡ, trồng ô-li-ve, nho, chà là và những loại cây trái khác.
Với tư cách là lãnh tụ của liên minh Achaean , nó bị Mumnius tàn phá vào năm 146 TC , đó là một lãnh tụ côn đồ của La-mã và đã đưa xuống tàu những pho tượng của Cô-rinh-tô , những bức tranh và kho tàng nghệ thuật về La-mã . (Phân đoạn nầy nên xem lại ).
Julius Caesar đã tái thiết thành phố vào năm 46 TC, tạo cho Cô-rinh-tô những đường phố rộng, những nơi họp chợ, những đền thờ, những nhà hát, những pho tượng, những suối phun, và những diễn đàn bằng đá hoa trắng hay màu lam, tại đó thường có những cuộc hùng biện hay xét xử.
Về phía nam là ngọn đồi tên Acrocorinth cao hơn thành phố khoảng 152,4m (500feet). Trên mô đất là tượng nữ thần Aphrodite (Astarte) , biểu tượng về tình yêu và sinh sản, đó là vị thần không những có ảnh hưởng lớn đến đời sống tôn giáo và xã hội của thành phố mà sự tôn thờ vị thần có xu hướng ấp ủ và làm phổ biến tính phi đạo đức trong dân cư lẫn khách du lịch.
Phao-lô đến Cô-rinh-tô khoảng năm 52 SC, ở lại đó một năm sáu tháng, sống tự túc bằng nghề may trại để dạy đạo, nhờ đó nhiều người Do-thái lẫn Hy-lạp đã đầu phục Chúa, nhóm lại thờ phượng Chúa và trưởng thành, ông đã viết cho họ hai bức thư bất hủ.
Thành phố hầu như liên tục có người định cư mãi cho đến 1858, một trận động đất khủng khiếp đã tàn phá nơi nầy. Những cư dân sống sót đã phải dọn ra xa bốn dặm và xây một Cô-rinh-tô mới. Thành phố cũ chỉ con là đống đổ nát, dần dần bị vùi lấp dưới lớp đất cao hằng thước, cho đến năm 1896 thì Học Viện Nghiên Cứu Cổ Điển Hoa Kỳ tại A-thên đã sở hữu chỗ ấy, đào bới hai mươi đường hào thử nghiệm tại nhiều vị trí khác nhau. Tại đường hào số 3 họ phát hiện một con đường lát rộng 14m (46feet), có lề đường và rãnh nước nhưng không dấu vết bánh xe có nghĩa là con đường đó chỉ dành cho người đi bộ. Con đường đi ra hướng nam và hướng bắc, vì vậy người đào bới cứ theo con đường với hy vọng sẽ tìm ra nơi tụ tập của người Hy-lạp hoặc nơi họp chợ.
Trong nhiều chiến dịch khác nhau tiếp sau đó, những người khai quật thực hiện được nhiều cuộc khám phá chẳng hạn như những mảnh vụn điêu khắc, mảnh vụn bình chậu, phù điêu, đồ sứ, một tiền cổ bằng vàng, một ngạch cửa bằng đá hoa trên có khắc câu “Nhà hội của người Hê-bơ-rơ” và một khối đá vôi trên đó có dòng chữ khắc của thế kỷ đầu tiên nói rằng Erastus, Uỷ viên thành phố, đã lát quảng trường này (khoảng 5,5742m2) bằng tiền của ông. Phao-lô có viết về quan coi kho bạc thành phố tên Ê-rát (RoRm 16:24) và có thể chính là tên của người được đề cập trên câu khắc mà sau đó ông nầy đã trở thành Cơ-đốc nhân và là một trợ thủ đắc lực cho Phao-lô.
Những khám phá to tát hơn gồm một nhà hát Hy-lạp, đền thờ Apollo, một tòa án cổ đại và suối phun Peirene, nơi họp chợ và diễn đàn xét xử, rất có thể tại đó Phao-lô được dẫn đến hầu trước mặt Ga-li-ôn và đang tuyên bố vô tội. Lề đường phía dưới mà tại đó người Hy-lạp chống lại Sốt-then, chủ nhà hội, đánh đòn trước toà án. Nhưng Ga-li-ôn tỏ ra có quan tâm (Công Cv 18:15-17)
Viện Thần Học.
bottom of page