top of page
Hung Tran
May 13, 2023
Hàng ngàn các chứng cớ “ngoại tại” chứng thực các câu chuyện kể trong Kinh Thánh đang được phơi bày...
• EBLA (TELL MARDIKH): Ở tây bắc Sy-ri, giữa Ai-cập và A-si-ri, đó là một dãy những mô đất mà trong nhiều thập niên được người ta giải thích cách cẩu thả như là những mô đất do Hyksos đắp lên trên các công trường thành phố khi họ bành trướng về phương nam vào thế kỷ 16 và 15 TC. Một số người khác cho đó là những đồn lũy của người Ả-rập từ thế kỷ 7 và 8 SC. Mô đất gây được sự chú ý nhất trong số mô đất nầy mang tên là Tell Mardikh, nằm 30 dặm phía nam Aleppo hiện đại, cao 15,24m (50feet) so với bình nguyên và chiếm diện tích khoảng 67.852,2m2 (140 acres).
-Vào mùa xuân năm 1964, Tiến sĩ Paolo Matthiae, giáo sư khảo cổ học Cận Đông của Đại học Rô-ma, cùng với vợ là Gabriela nhận được giấy phép để khai quật Tell Mardikh, cùng đi có một trợ lý giỏi về khảo cổ. Họ đã đào những lỗ khoan 4m2 với các bờ lỗ 1m - nhiều như Kathleen Kenyon đã làm tại Giê-ri-cô và Giê-ru-sa-lem. Mỗi mét vuông có một người cuốc, người khác dùng xẻng xúc và một người đẩy xe cút-kít. Tổ đốc công gồm một người chỉ huy, một phụ tá, một kiến trúc sư và một thực địa viên.
Trong vài năm đầu họ thực hiện việc đo độ sâu tại nhiều nơi khác nhau của mô đất. Người ta phát hiện những cổng thành giống như cửa Sa-lô-môn tại Gezer và Mê-ghi-đô, và hai đền thờ nhỏ, dạng như nhà nguyện, trông giống cái đền nổi tiếng của Si-chem, Mê-ghi-đô và Hazor - tất cả có từ 2000 - 1600 TC, được xem là Thời Kỳ Đồ Đồng Thiếc Giữa I&II.
Năm 1968 nhà khảo cổ khám phá một tượng vua trên đó mang một câu khắc đề tặng cho một Ibbit-Lim. “Chúa Của Thành Phố Elba, dâng nữ thần Ishtar.” Chẳng mấy chốc vấn đề trở nên sáng tỏ, thì ra họ đang khai quật thủ phủ đáng kính của Vương quốc Ebla, một đế quốc Semit rộng lớn có trung tâm đặt tại bình nguyên của Sy-ri cận đại. Qua những câu khắc cổ đại vương quốc nầy được tình cờ nhắc đến - từ Uz, Lagash, Nippur, Mari và Ai-cập - các nhà khảo cổ từ lâu đã nghi rằng có sự hiện diện của một nền văn minh như vậy ở bắc Sy-ri. Ngày nay nhiều địa điểm và sự kiện lịch sử có thể rơi vào đúng chỗ nầy.
-Vào năm 1973 công việc được bắt đầu tại Ebla, Thời Kỳ Đồ Đồng Thiếc Sớm có giữa năm 2400 - 2225 TC. Các nhà khai quật tìm thấy một phiến đá nói rằng thành phố lúc bấy giờ được chia ra hai phần - một thành phố cao và một thành phố thấp, thành phố cao gồm 4 phức hợp xây dựng: cung điện của thành phố, cung điện của vua, cung điện của đám người hầu, và các chuồng trại. Thành phố thấp được phân ra 4 phần, mỗi phần có một cái cổng: cổng thành phố, cổng Dagan, cổng Rasap, cổng Sipis.
-Vào năm 1975, trong lúc đang khai quật tại cung điện thành phố là trung tâm hành chánh đầu não, họ tình cờ bắt gặp tàn tích của một tòa nhà rộng, là một hoàng cung ba tầng với bốn thế hệ thịnh vượng trước khi Áp-ra-ham ra đời. Nó gồm một cung thính giả rộng lớn 30,48m - 51,82m (100-170feet, với cổng vòm bằng gỗ chạm trổ và cột đá trang trí bằng vàng và đá thiên thanh) một buồng tháp, hai phòng nhỏ hơn tại lối vào của sân trong. Trong buồng tháp có 42 phiến đá ghi công việc bằng chữ hình nêm và một phiến đá nhỏ làm bài tập ở trường.
-Trong năm tiếp theo họ làm việc trong hai căn phòng tại lối vào của sân trong. Phòng thứ nhất có khoảng 1000 phiến đá công việc và hành chánh mà họ tìm thấy chúng “đặt rải rác và lộn xộn.” Phòng thứ nhì là một thư viện lớn - phòng lưu trữ văn thư hoàng gia chân chính - chứa 15000 phiến đá xếp đều đặn trên các kệ gỗ. Tuy nhiên, khi cung điện bị hỏa hoạn tàn phá, ngọn lửa đã thiêu rụi giá gỗ và các phiến đá đã xếp chồng lên nhau. Bà Mathiae báo cáo rằng “Đó là một cảnh tượng đáng kinh ngạc - tôi không thể tin rằng chúng ta lại khám phá một kho tàng quan trọng, đẹp đẽ và to tát như vậy. Ngay cả chồng tôi là người ít khi mất bình tĩnh, cũng đã tỏ ra xúc động xiết bao! Bất chợt ông cảm nhận được cái cảm giác tuyệt vời mà các nhà khảo cổ trải qua như Botta khám phá cơ quan lưu trữ của Ashurbanipal, hoặc Hilprecht đã tìm thấy những phiến đá của Nippur.”
Trong một phòng gần đó có 1000 phiến đá khác, cùng những dụng cụ để viết. Như vậy trông giống như phòng của thầy thông giáo. Trong phòng khác nữa có 800 phiến đá cùng với những hình bằng gỗ chạm trổ đẹp, vết in của con dấu, và những tấm gỗ vàng, và đá thiên thanh. Người ta cũng tìm gặp một tấm vàng.
Ý thức được nhiệm vụ cực kỳ to tát đang chờ họ, Giáo sư Mathiae cho mời Giáo sư Giovanni Pettinato, chuyên gia môn A-si-ri và Sumero của Đại học Rô-ma. Giáo sư G.Pettinato phát hiện rằng phần lớn các phiến đá được viết bằng chữ hình nêm dạng hình V của người Sumeri - ngôn ngữ cổ nhất thế giới. Tuy vậy, bản thân các phiến đá lại có từ giữa thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên. Một phiến đá lớn là một quyển từ điển đưa ra tiếng tương đương của Sumeri với khoảng 3000 từ Ebla. Với sự hỗ trợ của quyển từ điển, Pettinato giải mã được nhiều phiến đá Ebla khác. Khoảng 20% các phiến đá được viết bằng ngôn ngữ Semit tây bắc mà Pettinato gọi là Paleo-Canaanite hoặc tiếng Ca-na-an cổ, mặc dù chữ viết được dùng cũng là chữ hình nêm Sumeri. Ông nói đây là ngôn ngữ được nói tại Ebla và gần với tiếng Hê-bơ-rơ Kinh Thánh về mặt từ vựng và văn phạm so với các tiếng địa phương khác của Ca-na-an, kể cả tiếng Ugarit.
NỘI DUNG VÀ Ý NGHĨA CỦA NHỮNG PHIẾN ĐÁ
Tính đến nay số lượng phiến đá đã được khai quật là gần 20.000, đại đa số có kích thước khá lớn. Những bảng đá được phiên dịch - nhưng chỉ là phần nhỏ - kể về nền kinh tế, hành chánh, giáo dục, tôn giáo, thương mại và những chiến thắng của một đế quốc thương mại vĩ đại mà tất cả ký ức đã bị đánh mất trong những truyền thuyết lịch sử Cận Đông.
Từ lúc bắt đầu công việc, cho đến tháng 11 năm 1982, những nhà khai quật gợi ý rằng có thể mất 200 năm mới thăm dò hết phần còn lại của Tell Mardikh và các địa điểm xung quanh, và xử lý hết các dữ liệu. Nhưng cái mà họ tìm thấy dã soi sáng họ trên nhiều khía cạnh trong lãnh vực nghiên cứu lịch sử cổ đại và khảo cổ học Kinh Thánh, trong nhiều khu vực thì những phiến đá Ebla nay được xem là có nhiều ý nghĩa hơn cho sự diễn giải lịch sử cổ đại và những bối cảnh ban sơ của Kinh Thánh so với sự khám phá về khảo cổ khác đã từng được khai quật.
Dựa trên một phiến đá thì thành phố Ebla có 260.000 dân, còn đế quốc thì hình thành một trong những cường quốc lớn mạnh nhất tại Cận Đông Cổ Đại vào thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên. Ảnh hưởng thương mại và chính trị của đế quốc vươn ra xa khỏi biên thùy - từ Si-nai ở phía tây nam cho đến Mê-sô-bô-ta-mi ở phía đông. Như là một trung tâm thương mại chính yếu, đế quốc nầy kiểm soát tuyến buôn bán đông tây, cho ngũ cốc và gia súc từ phương tây, gỗ bá hương từ Li-băng, kim loại, sợi dệt từ Anatolia - quê hương của Hittites - cùng với việc buôn bán vàng bạc và một số hàng hóa khác từ Chíp-rơ và các quốc gia khác của vùng Địa Trung Hải.
Ebla là một nền văn minh Semit phồn vinh. Nghệ thuật của Ebla phát triển mạnh và thợ thủ công của Ebla nổi tiếng về chất lượng của sản phẩm kim loại, sơi dệt, đồ sành sứ và hàng gỗ. Họ làm vải bằng phẩm đó và vàng, vũ khí bằng đồng thiếc, bàn ghế, tủ bằng gỗ. Hệ thống giáo dục rất tiên tiến. Họ cất giữ hồ sơ bằng ngôn ngữ riêng của mình trên các phiến đá đất sét mà họ cất trong phòng lưu trữ sâu dưới tầng hầm của hoàng cung. Tất cả những điều nầy đã tồn tại hơn 1000 năm trước khi nền văn minh sáng lạn của Đa-vít và Sa-lô-môn ra đời.
Ebla có một vua và một hoàng hậu. Giống như Y-sơ-ra-ên, vua và tiên tri được xức dầu tại Ebla. Vua phụ trách quốc gia đại sự, hoàng hậu cũng được kính trọng như vua. Hoàng thái tử phụ giúp việc nội chính và hành chính, còn hoàng tử thứ nhì thì giúp vua cha trong công việc ngoại giao. Những phiến đá nói khá rõ ràng về cơ cấu nhà nước và về vương triều. Sáu vị vua có tên trong danh sách, trong số đó có Ebrum. Theo Sáng 10:21, việc giống nhau của tên vua ấy với Eber, cha của Semit khiến người ta phải kinh ngạc, bởi đó là tên rất giống với tên Eber trong Kinh Thánh, một con cháu trực hệ của Nô-ê và tổ tiên của Áp-ra-ham.
Những tên họ khác được tìm thấy trong bài viết trên phiến đá và sau đó được các nhân vật Kinh Thánh sử dụng như: Áp-ra-ham, Ê-sau, Sau-lơ, Mi-ca-ên, Đa-vít, Y-sơ-ra-ên, Ích-ma-ên (Ish-ma-il).
Có khoảng 500 thần tượng được thờ tại Ebla, gồm có El và Ya. El kà cách gọi tắt của Elohim, sau nầy được người Hê-bơ-rơ dùng tới và được dùng trong các phiến đá Ugarit. Ya là cách gọi vắn tắt mà một số người nghĩ là Yahweh, hay Giê-hô-va, được sử dụng cho thần chí cao và các thần khác của họ. Các thần khác là Dagan, Rasap (Resef), Sipis (Samis), Astar, Adad, Kamis và Malik.
Trong việc ghi chép những cách giải quyết mậu dịch và hiệp ước của Ebla, những phiến đá đưa ra hàng trăm địa danh riêng biệt, trong số đó có Urasalim (Giê-ru-sa-lem), Geza, Lachish, Joppa, Ashtaroth, Dor và Mê-ghi-đô cũng như các thành phố phía đông Jordan. Một phiến đá (số 1860) đề cập các thành phố trên bình nguyên - theo đúng thứ tự trong Sáng-thế ký 14:2 (Sô-đôm, Gô-mô-rơ, Admah, Zeboiim, Bela hoặc Zoar) - như là những thành phố mà Ebla tiến hành buôn bán trên diện rộng. Đây là lần đầu tiên những địa danh nầy được tìm thấy bên ngoài Kinh Thánh. Tiến sĩ David Noel Freedman giải thích rằng sự ghi chép nầy có trước trận đại nạn có dính líu tới Lót mà nhiều học giả cận đại cho rằng là hoàn toàn giả tưởng.
Bài viết hàm chứa những câu chuyện của người Ca-na-an về sự Sáng tạo và về cơn đại hồng thủy và một bộ luật của người Ca-na-an. Phiến đá Sáng tạo vũ trụ - một bài thơ 10 dòng được khắc rất đẹp - gần gũi với sự ghi chép trong Sáng-thế ký hơn bất kỳ khám phá nào khác. Về ý chính, một phần của bài thơ ấy như sau:
Có một thời mà chưa có trời, và đấng chí cao (Lugal) đã hình thành trời từ con số không; lúc đó cũng chưa có đất và Lugal đã dựng nên nó; lúc đó cũng chưa có ánh sáng và Ngài đã tạo ra nó.
Câu chuyện đại hồng thủy được nêu lên trong năm cột chữ trên một phiến đá nhỏ. Tính cho đến lúc viết bài này thì người ta chỉ mới giải mã được hai cột.
Ebla chỉ mới được khai quật một phần, tuy nhiên một phần hoàng cung, hai cái đền, một pháo đài, ba cái cổng thành và gần 20000 phiến đá đã được đưa ra ánh sáng. Những phiến đá này là một bộ phận của hồ sơ lưu trữ chính thức của một đại đế quốc. Có một thời Ebla thậm chí cai trị và nhận cống vật của Mari-Reverses, do vậy mà Ebla đã bị tàn phá. Rõ ràng là sự tàn phá đó không triệt để, bởi vì Ebla lại có được phần nào sự sống lần thứ nhì trong giai đoạn đầu của thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên. Các nhà khai quật chỉ phát hiện tàn tích kiến trúc và tượng vua Ibbit-Lim của thời kỳ nầy.
Khoảng năm 1800 TC, Ebla trở thành nước chư hầu của đại vương quốc Aleppo, được nói đến trong những lá thư Mari qua tên Yamhad. Khoảng 1600 TC, Naram Sin là vua của Akkad đã đánh bại Ebla và tàn phá thành phố. Sau tai họa đó thành phố Ebla không bao giờ khôi phục được nữa, và nó bị chôn vùi dưới đống gạch vụn của chính nó cho đến khi những nhà khai quật cận đại bắt đầu đào bới.
Cống hiến của Ebla đối với khảo cổ học và địa lý lịch sử làm cho cảnh trí Kinh Thánh phong phú và xác thực hơn nhiều - dù rằng nó có trước Y-sơ-ra-ên ban sơ từ 400-1000 năm. Nó giúp cho sinh viên thần học hiểu biết đầy đủ hơn về cuộc sống và thời đại của thế giới đông Địa Trung Hải vào thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên, và về nền văn minh thuộc một phần của di sản Áp-ra-ham.
• ECBATANA: Hiện nay được gọi là Hamadan, là thủ đô đầu tiên của Medes, sau đó trở thành thủ đô mùa hè của Cyrus đại đế (tức là Cyrus II).
Trong Exo Er 6:2 “kể rằng một cuộn giấy trên đó Cyrus viết chiếu chỉ phóng thích những người Do-thái và tái thiết Giê-ru-sa-lem không thể tìm thấy trong cơ quan lưu trữ của Ba-by-lôn.” Cuộn giấy ấy sau nầy được tìm gặp trong cung lưu trữ tại Ecbatana, nơi đây, người ta đã giả định đó là nơi mà Darius de Mede (Gobryas), viên đại tướng lão thành của Cyrus, được đưa lên làm vua một thời. Ngay khi về hưu tại thành phố của mình tại Ecbatana, ông ta đã đem theo tờ chiếu chỉ, cất nó trong cung lưu trữ tại Ecbatana. Các tác giả cổ đại nói rằng thành phố này có 7 bức tường, mỗi bức tường có một màu riêng, bức tường trong được giát vàng. Semiramis, một hoàng hậu người A-si-ri, xây một cung điện đẹp tại đây vào 800 TC; và 546 TC. Cyrus chinh phục Lydia và đưa vị vua cùng tài sản của ông về Ecbatana.
Thành phố cận đại Hamadan được xây dựng trên mô đất của Ecbatana cổ đại, làm cho việc khai quật tàn tích của thành phố thủ đô trù phú đầy tính thần thoại nầy gần như không thể thực hiện được. Nhưng thỉnh thoảng người ta cũng tìm thấy những món đồ bằng bạc và vàng, và cái đầu bò có lỗ trục và trang trí bằng hình con sư tử trên phù điêu cũng được phát hiện. Món đồ nầy hiện đang ở Viện Bảo Tàng Anh, và có từ khoảng năm 1200 TC. Người ta cũng tìm thấy một câu khắc bằng ba loại ngôn ngữ là Ba-tư, Susi và Ba-by-lôn, những ngôn ngữ của Ạt-ta-xét-xe Mnemon, vua của xứ Ba-tư từ 405-362 TC. Trong Viện Bảo Tàng Anh có một mảnh của một phiến đá bằng đất sét khắc biên niên sử của Nabonidus, trong đó ghi chép việc Cyrus đánh chiếm thành phố.
Khoảng 80 dặm về phía tây Ecbatana, lơ lửng trên cao một sườn núi, là câu khắc Behistun danh tiếng - bức hình ngoài trời lớn nhất được dựng từ trước đến nay. Nó vẽ hình Đa-ri-út đại đế đang trong tư thế nhận sự thần phục của 10 vị vua bị chinh phục. Câu chuyện đầy đủ của sự kiện nầy được kể trong câu khắc ba thứ ngôn ngữ kèm theo bức tranh.
• EDREI: Là nơi mà người Y-sơ-ra-ên đánh bại vua của Ba-san là Óc, hiện nay có tên gọi cận đại là Der'ah và là một giao điểm quan trọng cách Đa-mách 60 dặm về phía nam.
Mô đất cổ đại nằm gần thành phố cận đại, có nhiều đống đổ nát, câu khắc, những mảnh sành sứ trên mặt đất chứng minh rằng nơi đây có người cư ngụ liên tục từ thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên cho đến thời đại hiện nay. Tuy nhiên, tiếng tăm chủ yếu của nó thuộc về một thành phố độc đáo dưới mặt đất nằm dưới mộ đất hiện hữu. Để đi vào thành phố ẩn tàng nầy, họ phải băng qua một sân dài và một lối đi hẹp dẫn xuống một cửa đá chắc chắn để vào thành phố đúng đường, chống đỡ bằng những cột cao 3,05m (10feet), và thông gió bằng những giếng không khí, người ta thấy ở đây có nhiều phòng, lối đi quanh co, một con đường rộng với nhà ở và cửa tiệm ở cả hai bên, và ngã tư, một nơi họp chợ, và một đại sảnh tráng lệ có trần nhà làm bằng một phiến ngọc bích duy nhất.
Người ta nghĩ rằng thành phố ngầm đáng chú ý này được xây dựng vào thời Hê-rốt đại đế hoặc có thể trước đó, được dùng làm nơi trú ẩn trong thời chiến tranh hoặc các cuộc tấn công. Người dân ở đây sẵn sàng chống lại cuộc bao vây của kẻ thù “miễn là khi nào trong nhà kho còn đầy đủ lương thực, chuồng trại còn trâu bò và hồ chứa còn nước.” Thành phố dưới mặt đất đã có người ở hầu hết thời gian kể từ lúc nó được kiến tạo.
• ELAM: Là một đất nước cấu thành bởi rặng núi Zagros, và những lãnh thổ khác rất đáng khao khát ơ phía đông Ba-by-lôn. Thủ đô là Shushan.
Cyrus đại đế đã sát nhập Media, Elam và Anshan (“đất Ba-tư”) thành một đế quốc mang tên Ba-tư. Elam rất nổi tiếng trong các văn bản của A-si-ri và Ba-by-lôn, vì Elam ở kế hai nước nầy, và chính Elam đã mang lại nhiều phát hiện khảo cổ làm xác thực một vài khía cạnh lịch sử của Kinh Thánh. Người Elam có mặt tại Giê-ru-sa-lem vào ngày Ngũ tuần lúc Đức Thánh Linh giáng lâm (Cong Cv 2:9).
• EMMAUS: Sau khi Chúa bị đóng đinh, hai môn đệ của Ngài trên đường đi từ Giê-ru-sa-lem đến Em-ma-út, trong khi ấy Chúa Giê-xu phục sinh đi cùng họ và bàn luận với họ “về mọi điều đã xảy ra” mà họ không nhận biết Ngài (LuLc 24:13-33)
Bốn thị trấn cận đại được đề xuất như là Em-ma-út. Tuy nhiên, nơi đáp ứng chính xác những mô tả do Lu-ca và sử gia Josephus đề ra là một làng hiện nay được gọi là El-Qubeibeh. Làng này ở một vị trí rất thuận lợi, cách tây bắc Giê-ru-sa-lem độ 7 dặm, trên một con lộ hơi chệch về phía bắc của người La-mã đi về hướng tây do Nebil Samwill tạo dựng. Từ làng nầy ta có thể nhìn rõ mọi hướng trong tầm vài dặm - nhất là về hướng tây nơi mà bình nguyên Sharon và Địa Trung Hải hiện ra mênh mông theo đường chân trời.
Vào năm 1099, Thập Tự Quân tìm thấy gần nơi này một pháo đài La-mã cũ kỹ có tên Castellum Emmaus. Khi Franciscans dựng lên nhà thờ Thánh Cleophas tại đây vào năm 1878, họ đào lên những di tích của một nhà thờ được đánh giá là của thập tự quân. Hiện nay tại đây có một nhà thờ rất đẹp của người Đức, cũng vừa là nhà tế bần, trong vườn hoa của nhà thờ có trồng thông, sồi và dương xỉ.
• EN GEDI: (ain Jidy, “nguồn nước của con trẻ”) Là một địa điểm nổi tiếng khoảng 400 feet phía trên bờ biển phía tây của Biển Chết, tại đó có suối nước nóng mênh mông trào ra từ những vách núi đá vôi và thác nước xuống một bình nguyên tuy nhỏ nhưng phì nhiêu, bề ngang 0,5 dặm, bề dài 1 dặm.
Vào đời thượng cổ, tại đây có trồng nho, cây cọ, cây bóng nước, cây long não, cây bạch đàn Ả-rập, mía, cây dưa tây và nhiều loại cây ăn trái và cây cỏ làm cho nó trở nên một trong những khu vườn nổi tiếng trên thế giới.
Làng hay thị trấn Ên-ghê-đi có thể nằm phía dưới con suối ở triền bình nguyên, điều đó ta có thể thấy qua những tàn tích của công trình xây dựng rải rác đó đây. Phía trên và chung quanh nguồn nước là vách đá cao và một vùng hoang dã được gọi là đồng vắng Ên-ghê-đi mà có thể nói cách không quá đáng rằng đó là nơi để trú ẩn. Ở đây có nhiều hang, mà một số hang đã được Đa-vít và thuộc hạ ở “trong đồn Ên-ghê-đi” (ISa1Sm 24:1).
Vua Sau-lơ cùng với 3000 người đến lùng sục Đa-vít và những thuộc hạ của ông cho đến “các hòn đá của dê rừng” (ISa1Sm 24:3) đó là một trong những hang mà Đa-vít đã cắt vạt áo tơi của Sau-lơ (ISa1Sm 24:5).
Tiến sĩ Yigael Yadin khai quật nhiều cái hang nầy và tìm thấy đồ gốm cùng với những di vật khác của những người đã cư ngụ tại đây vào thời xa xưa.
• EN ROGEL: Hiện nay được gọi là Giếng Gia-cốp. Một mốc ranh giới phân chia lãnh thổ giữa Bên-gia-min và Giu-đa (Gios Gs 18:16-17). Nó nằm tận phía thấp của thung lũng Kidron - ngay tại giao điểm của thung lũng Hinnom và thung lũng Kidron. Tuy gần Giê-ru-sa-lem, nhưng từ phía thành phố lại khó nhìn rõ nơi đây, vì vậy Giô-na-than và A-hi-mác đã đứng tại Ên-rô-ghên khi họ chờ để thông báo cho Đa-vít về động tĩnh của Áp-sa-lôm, “bởi vì họ sợ bị người ta thấy khi vào thành” (IISa 2Sm 17:17). Khi A-đô-ni-gia nói “Ta sẽ làm vua” (IVua 1V 1:5), tại đây ông đón nhận lễ đăng quang được thực hiện luống công, trong khi đó Sa-lô-môn và lực lượng hoàng gia, đến muộn, gặp nhau tận thung lũng Kidron tại suối Gihon (nay gọi là Suối Trinh Nữ), vội vã hoàn tất lễ đăng quang, tại đó nhân dân tung hô “Sa-lô-môn vạn tuế!” (IVua 1V 1:9-39)
Giếng Ên-rô-ghên hiện nay sâu 38,1m (125feet), tràn nước trong mùa đông mưa lớn từ hai đến ba ngày. Lúc ấy giếng thu hút nhiều người ở Giê-ru-sa-lem đến thành từng đoàn để tham quan “Kidron trào dâng.”
• EPHESUS: Trung tâm thương mại, chính trị và tôn giáo của vùng Tây Á, có vị trí gần sông Cayster và Meander chảy vào biển Aegean. Pliney nói rằng vào thời thượng cổ “biển thường tràn lên đến đền thờ Đi-anh”, nhưng hải cảng tự nhiên và khu vực chung quanh dần dần ngập bùn cho đến ngày nay, đống đổ nát của thành phố nằm trong một bình nguyên sâu trong nội địa, cách biển bốn hay năm dặm.
Giống như những thành phố cổ đại khác, Ê-phê-sô mang nặng màu sắc tôn giáo. Thành phố tôn thờ nữ thần Đi-anh (người Hy-lạp gọi là thần Artemis), thần sinh nở của vùng châu Á. Đền đầu tiên có từ cuối thế kỷ thứ 8 TC, và hai đền thờ đẹp dành cho nữ thần Đi-anh trên cùng địa điểm nầy. Đền thờ thứ nhất bắt đầu xây dựng từ 550 TC, làm lễ dâng vào 430 TC, bị cháy vào 356 TC vào chính đêm Alexander đại đế chào đời. Đền thứ hai phải mất 30 năm xây dựng. Phụ nữ tại Ê-phê-sô đã bán nữ trang của họ để gây quỹ cho đền thờ. Các nhà vua thì tặng trụ cột, quà bằng vàng, dâng vào đó đủ thứ từ nhiều nước khác nhau.
Khi đền thờ hoàn tất vào 323 TC, đó là tòa kiến trúc tráng lệ nhất trong thế giới Hy-lạp, và được tôn là một trong Bảy Kỳ Quan của thế giới cổ đại. Đền thờ trở nên cực kỳ giàu có nhờ vào đồ hiến tế và di sản, được nổi tiếng nhờ vào tượng thần Đi-anh mà người ta nói với những kẻ cả tin rằng tượng thần ấy từ trời giáng xuống (Cong Cv 19:35)
Phao-lô đã làm việc tại đây khoảng ba năm, đặt nền tảng cho Hội thánh Cơ-đốc mạnh mẽ nhất của thế kỷ đầu tiên. Chức vụ của ông có kết quả đến nỗi những người tin Chúa “trước đây hành nghề phù phép nay đem sách vở đốt trước mặt thiên hạ” (Cong Cv 19:19) và sự tôn thờ Đi-anh suy giảm cho đến Đê-mê-triu là người thợ bạc khuấy lên một cuộc bạo động chống lại Phao-lô (Cong Cv 19:24, 38). Ti-mô-thê và Giăng tiếp tục công việc tại đây và trong sáu nhà thờ khác trong khu vực nầy. Bởi vì Cơ-đốc giáo phát triển, việc tôn thờ Đi-anh suy tàn dần. Vào năm 262 SC, đền thờ Đi-anh bị cướp bóc và đốt phá bởi người Goth, cuối cùng bị bỏ hoang sau khi có chỉ dụ của hoàng đế Theodosius của La-mã, nhằm đóng cửa các đền thờ ngoại giáo. Thành phố bị suy giảm về quy mô do nạn sốt rét ngã nước, và các tòa nhà của nó trở nên nghẽn đầy bùn sông và bị chôn vùi dưới cát bụi theo thời gian.
Việc khai quật bắt đầu tại Ê-phê-sô vào ngày 2 tháng 5 năm 1863 do Viện Bảo Tàng Anh thực hiện dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư J.T.Wood và tiếp tục cho đến 1874. Mục tiêu chính của Wood là xác định vị trí của đền thờ Đi-anh, nhưng ông làm việc suốt 6 năm mà chẳng mang lại kết quả nào. Sau đó, vào một ngày nọ, khi đang khai quật nhà hát, ông tìm thấy một câu khắc bằng chữ La-mã nói về tượng thần Đi-anh được mang từ đền thờ đến nhà hát như thế nào vào sinh nhật của nữ thần, đám rước đi vào thành phố qua cổng Magnesia, trở ra theo cổng Coressia như thế nào. Khi tìm thấy những cổng nầy, ông ta khám phá được con đường dẫn đến đền thờ là nơi ông cùng đội công tác đã khai quật năm năm tại đó. David C.Hogarth tiếp tục công việc tại đền thờ trong thời gian 1904-1905. Học viện khảo cổ Úc bắt đầu vào 1898, trong hơn 30 năm họ tiến hành việc khai quật để nhằm có được bức tranh tổng thể của thành phố.
Những nhà khai quật tìm thấy các bức tường của thành phố Ê-phê-sô có chiều dài khoảng 5 dặm, rào quanh một diện tích hơn 1000 acres. Bức tường cao, một số đường phố được lát đá hoa. Đây là con đường quan trọng nối từ nhà hát đến hải cảng, khoảng 0,5 dặm. Đường rộng 10,67m (35feet), sườn được gia cố bằng những hàng cột, phía sau là cửa tiệm và những tòa nhà lộng lẫy khác. Ở hai đầu có những cổng đồ sộ.
Vị trí của ngôi đền “Artemis của người Ê-phê-sô” là khoảng 1 dặm về phía đông bắc của bức tường thành. Nó được xây dựng trên một nền cao khổng lồ bằng bê-tông 71,3m x 127,4m (234 x 418feet), trong khi đó đền thờ có diện tích 49,7 x 104,2m (163 x 342feet). Mái đền được nâng đỡ bằng 127 cây cột Iomia có đường kính 1,8m (6feet) và cao 18m (60feet). Trong số những tàn tích Wood phát hiện được một bàn thờ, khi Hogarth vỗ lên “bàn thờ” và khám phá âm thanh của một lỗ hổng. Sau đó Hogarth đập ra, tìm thấy một bộ sưu tập lớn, có ý nghĩa nhất về đá quý, đồng tiền và các sản phẩm nghệ thuật. Nhiều người xem đó là bộ sưu tập của viên đá góc hoặc vật chôn cất theo nền móng, nghĩa là đặt ở nền nhà khi xây cất đền thờ.
Ở giữa thành phố là một khoảng rộng (agora) hay nơi họp chợ, đó là khu hình chữ nhật dài 109,73m (360feet), bao quanh bởi những đại sảnh có cột, cửa tiệm, và phòng ốc. Ở giữa khoảng trống ngoài trời có một cái đồng hồ cổ (dùng nước và mặt trời).
Ở phía đông bắc khoảng sân trống trên sườn phía tây của núi Pion, nhà khai quật tìm thấy một nhà hát với những hàng ghế xếp thành bậc để có thể ngồi được tối thiểu 24000 người. Trong các thành phố Hy-lạp, nhà hát là nơi gặp gỡ thông thường của quần chúng, nhà hát đặc thù nầy tiêu biểu cho một trong những địa điểm sống động nhất trong Tân Ước, bởi đó chính là nơi mà người thợ bạc Đê-mê-triu và tập đoàn thợ bạc dẫn một đám đông quần chúng dấy loạn chống lại Phao-lô, về việc tôn thờ nữ thần Đi-anh và việc buôn bán giảm sút do sự kiện Cơ-đốc giáo phát triển tại đây (Cong Cv 19:23-41).
Phía bắc nhà hát, gần cổng Coressia, họ tìm thấy một sân vận động cổ hay nhà hát hình tròn, tại đó diễn ra các trò chơi, đấu gươm và các cuộc giác đấu, có thể Phao-lô đề cập đến nơi nầy khi viết “Nếu cân nhắc lợi hại như người đời, tôi dại gì xông pha chiến đấu với hùm beo rắn rết tại Ê-phê-sô?” (ICo1Cr 15:32)
Những khám phá khác gồm có một nhà tắm bằng đá hoa đẹp, có nhiều phòng, một thư viện lớn, một nhà thờ lớn xây sâu với hai dãy cột dâng cho “Thánh Giăng, nhà thần học”, “Hầm Mộ của bảy người ngủ” trong đó có hàng trăm chỗ chôn cất, và một đền thờ nhà vua. Trong đó có tượng Domitia, đó là nhà vua đã lưu đày sứ đồ Giăng ra đảo Bát-mô và là kẻ bức hại các Cơ-đốc nhân vào lúc Chúa Giê-xu mặc khải cho Giăng.
Không thành phố nào lại được khai quật triệt để như Ê-phê-sô, và những công cuộc khai quật ở đây soi sáng đáng kể cho thư tín của Phao-lô và bài viết của Giăng - nhất là về sự Mặc Khải đối với bảy hội thánh.
• ERECH: Cách tây bắc U-rơ 20 dặm, có một đống đổ nát lớn của thành phố cổ Erech (Uruk hay Warka) do Nim-rốt khởi công; ông là một nhà xây dựng đại tài và tay “thợ săn can đảm trước mặt Chúa” (SaSt 10:9-10). Đây cũng là mơi có hoàng cung và thành phố pháo đài của vua Gilgamish, người anh hùng trong Đại hồng thủy của truyền thuyết Ba-by-lôn.
Công việc khai quật tại đây bắt đầu vào 1852 và được tiến hành cách quãng trong hơn 100 năm. Một vài vật phát hiện sớm nhất là một bức tường gạch cao 15,2m (50feet) bao quanh thành phố với chiều dài 5,5 dặm. Đền thờ Parthia được trang trí bằng tấm khảm màu, một nghĩa trang Parthia rộng cung cấp hầu như vô tận những cỗ quan tài bóng hình dép, miếu cổ hình tháp cao 30,4 m (100feet) và hàng ngàn phiến đá chữ hình nêm tân Ba-by-lôn, một vài phiến còn có vẻ bao bằng đất sét.
Những cuộc khai quật sau đó thâm nhập xuống tận đất chưa khai phá, và thành lập ra một sự phân bố tương đối có từ gần 4000 năm TC. Trong những địa tầng lâu hơn nầy, người ta khai quật được tàn tích của một bức tường khổng lồ có từ 3000 TC, những dấu ấn hình trụ và khoảng 575 phiến đá viết bằng chữ tượng hình rất cổ. Những phiến đá nầy ghi chép nhiều lịch sử tôn giáo, và nói rằng những cư dân ban đầu của Erech (Warka) tin rằng chỉ có hai vị thần, vị thần này có trước vị thần kia.
Hai địa tầng của trầm tích lũ lụt đã được thâm nhập, nhưng các nhà khai quật chưa thể xác định mối quan hệ đúng đắn giữa chúng với nạn Hồng Thủy.
• EZION GEBER: Nơi dừng chân thứ 20 của người Y-sơ-ra-ên trong hành trình từ Ai-cập đến Ca-na-an, và sau đó là cảng hải quân của vua Sa-lô-môn, nằm tại đầu vịnh Aqaba, một nhánh của Biển Đỏ. Cho đến nay thì vị trí chính xác của nó chưa biết được; vào năm 1937, nhà thám hiểm người Đức là Fritz Frank đã khám phá mô đất Tell el-Kheleifeh cách bờ biển không tới nửa dặm. Trên mặt mô đất có những mảnh vụn đồ gốm mà ông ta nghĩ là cổ xưa - đủ xưa đến nỗi khiến ông đưa ra giả thuyết là địa điểm đó phải là Ezion Geber.
Năm sau đó, một đoàn khảo cổ do tiến sĩ Nelson Glueck dẫn đầu, đi từ Giê-ru-sa-lem và chẳng mấy chốc đã đến Wadi el-Arabah, thung lũng Great Rift (nghĩa là cái khu nứt lớn) ở phía nam Biển Chết. Tại nhiều nơi, khi họ đi về phía nam dọc theo thung lũng này, họ chợt gặp những đống xỉ của quặng sắt và đồng, và những đường hầm dẫn vào trong sườn đồi đầy đá - tất cả đều còn quặng trước khi bị bỏ hoang trong thời gian dài. Đi tiếp toàn bộ chiều dài 106 dặm, thung lũng giống sa mạc, cuối cùng họ tới Tell el-Kheleifeh, một mô đất đơn độc của thành phố nhô lên khỏi bình nguyên, không một chút bóng mát, cách nửa dặm về phía bắc vịnh Aqaba. Từ những giếng khoan thí điểm đào vào trong mô đất họ tìm thấy những lưỡi câu cá bằng đồng, ngói, đồ gốm và những mảnh còn lại của các bức tường. Đồ gốm có từ 900-1000 TC, đó là thời vua Sa-lô-môn “sắm sửa một đội tàu tại Ê-xi-ôn Ghê-be, gần Ê-lốt (Elath) trên bờ Biển Đỏ, trong xứ Ê-đôm” (IVua 1V 9:26).
Trong ba mùa khai quật tiếp theo đó, các nhà khai quật tìm thấy tàn tích của một vùng định cư rộng trong đó có vô số khuôn gang, khối lượng xỉ lớn, và một tòa nhà rộng lớn với các bức tường màu xanh lục đã phai nhạt. Người ta chứng minh tòa nhà ấy là một lò cao được xây dựng hết sức hoàn hảo. Những tường gạch ở bên phía bắc có hai dãy lỗ được xây vào phía trong như ống thông một cách tài tình, mà qua đó gió bắc thổi không bao giờ ngừng từ Wadi el-Arabah, những ống thông nầy có tác dụng như ống thổi cho lò tinh luyện được xây dựng như các hệ thống Bessemer của thế kỷ 19.
Việc khai quật thị trấn cùng với khu dân cư và thương mại của nó, những bức tường có hầm xây cuốn, cổng rất chắc, và lò cao rất lớn (cùng với nhiều phát hiện khác), không những chứng minh được đó là thành phố cổ Ezion Geber, mà còn làm cho tiến sĩ Gluech viết rằng:
“Ezion Geber là kết quả của sự quy hoạch chu đáo và được xây dựng như một công trình thiết bị kiểu mẫu với sự khéo léo về kiến trúc và kỹ thuật rất đáng chú ý tới. Thật ra về mặt thực tiễn thì cả thị trấn Ezion Geber, xét về mặt không gian và thời gian, là một địa điểm công nghiệp lạ thường mà không có gì bì nổi trong toàn bộ lịch sử của Đông phương cổ đại. Ezion Geber là Pittsburgh của Palestine cổ, và đồng thời nó cũng là hải cảng quan trọng nhất của Palestine cổ đại.”
Viện Thần Học.
bottom of page