top of page
Hung Tran
May 12, 2023
Hàng ngàn các chứng cớ “ngoại tại” chứng thực các câu chuyện kể trong Kinh Thánh đang được phơi bày...
• GAZA: Thuộc năm thành phố liên minh của người Phi-li-tin, ở cực nam và nổi tiếng nhất, có vị trí cách biển 2,5 dặm; trên một ngọn đồi tròn cao 60 feet so với bình nguyên chung quanh.
Toạ lạc trên một xa lộ ven bờ biển lớn nằm giữa Ai-cập và Mê-sô-bô-ta-mi, tại giao lộ của tuyến mậu dịch từ nam đến trung Ả-rập, là một trung tâm quân sự và thương mại quan trọng kể từ thời của người Ca-na-an. Gaza có vẻ như là một thị trấn qua nhiều thế kỷ, có những nhân vật danh tiếng đã có thời lưu trú đại đây như: Sam-sôn, Alexander đại đế, Napoleon và Allenby.
Ông M.J.Phythian-Adams, quyền giám đốc môn Cổ Vật đã thực hiện sự thăm dò tại đây vào mùa thu 1922 và tìm thấy một “đồng gạch đổ nát rất khó giải quyết”. Nhưng không thể tiến hành công việc khảo cổ mang ý nghĩa bởi vì sự hiện diện của thành phố mới trên vị trí cũ.
• GERAR: Là nơi mà cả Áp-ra-ham lẫn Y-sác đã có một thời lưu trú, tại đây có nhiều giếng, phát đạt dưới sự đối đãi thân thiện của “A-bi-mê-léc vua Gê-ra” (SaSt 20:1-18, 26:1-35), đã có lần người ta đồng nhất Ghê-ra với Tell Jemmeh, cách Gaza khoảng 8 dặm về phía nam. Địa điểm này được khai quật từng phần do W.J.Phythian - Adams (1922) và Sir Flinder Petrie (1927) thực hiện. Trong lần khai quật của Phythian Adams, người ta tìm thấy 4 cấp độ thành phố, trải ra từ thời kỳ phụ hệ đến thời kỳ La-mã. Trong một mùa, tiến sĩ Petrie và vợ ông đã khám phá các dấu ấn, vật trang trí hình bọ hung, đá quý, hình tượng, vũ khí, vật dụng gia đình, công cụ nông nghiệ, hố lớn chứa ngũ cốc, một “lò gươm” tại đó các công cụ bằng sắt và vũ khí được làm sắc bén, và rất nhiều đồ gốm đủ loại. Tuy nhiên, người ta không tìm thấy gì để xác minh địa điểm nói trên là Gera.
Những thăm dò gần đây đã khiến nhiều chuyên gia lỗi lạc nhất tin rằng Gerar rất có thể là Tell Abu Hureiah nằm trên bờ Wade Es-Sariah, cách Gaza 7 dặm về hướng tây nam. Mô đất choán khoảng 40 acres, trên bề mặt có nhiều mảnh sứ vỡ biểu thị rằng thành phố đã có sự phồn vinh đáng kể vào Thời Kỳ Đồ Đồng Thiếc Giữa - thời kỳ phụ hệ.
• GERIZIM: Núi Ga-ri-xim và núi Ê-banh là hai ngọn núi tọa lạc tại trung tâm Palestine. Núi Ê-banh cao 937,56m (3067feet) so với mặt biển và núi Ga-ri-xim cao 868,07m (2848feet). Hai ngọn núi này có vai trò quan trọng trong lịch sử của người Sa-ma-ri từ 700 TC đến nay. Giữa hai ngọn núi có thung lũng Si-chem phì nhiêu, ngang 0,5 dặm, là thung lũng có nhiều nước nhất tại trung tâm Palestine.
Núi Ga-ri-xim thường được gọi là Núi Chúc Lành, bởi vì sau khi băng qua sông Giô-đanh, Giô-suê đã đặt phân nửa dân sự phía trước núi Ga-ri-xim và phân nửa kia phía sau núi Ê-banh. Sự Chúc Lành dành cho những ai tuân thủ luật pháp được tuyên bố từ núi Ga-ri-xim và sự rủa sả dành cho những ai vi phạm luật pháp đến từ núi Ê-banh (Gios Gs 8:30-35).
Truyện ngụ ngôn Giô-tham về cây cối sau này được kể lại cho người Si-chem từ một khoảng nổi bật giữa đường trên dốc núi. Chỗ nầy này được gọi là bục giảng kinh của Giô-tham.
Ngay sau khi trở về từ thân phận phu tù của người Ba-by-lôn, người Do-thái từ chối sự giúp đỡ của người Sa-ma-ri trong việc tái thiết đền thờ tại Giê-ru-sa-lem. Vì lẽ ấy mà người Sa-ma-ri lập nên chức thầy tế lễ của riêng họ và xây dựng đền thờ riêng trên núi Ga-ri-xim. Đền thờ bị John Hyrcanus tàn phá vào khoảng 128 TC; nhưng người đàn bà Sa-ma-ri đã nói với Chúa Giê-xu tại giếng nước “tổ phụ chúng tôi thờ phượng trên ngọn núi nầy” (GiGa 4:20). Cho đến ngày nay, một nhóm nhỏ người Sa-ma-ri sống ở Nablus và kỷ niệm lễ Vượt Qua, lễ Ngũ tuần và lễ Lễu tạm hằng năm trên núi Ga-ri-xim. Họ tôn kính tàn tích rộng lớn của một đền thờ mà họ cho là do San-ba-lát (NeNe 2:10, 19) xây cất. Những người khác thì nói các tàn tích này là của một nhà thờ do Justinia xây vào thế kỷ thứ 5. Còn có những đống đổ nát khác nằm trên đỉnh ngọn núi, còn tại chân núi Ga-ri-xim thì có đống đổ nát của một đền thờ Ca-na-an có từ khoảng 1600 TC và được xác định là miếu Ba-anh.
• GETHSEMANE: Vườn Ghết-sê-ma-nê là một vườn ô-li-ve với máy ép dầu, tính từ Giê-ru-sa-lem thì nó ở bên kia suối Kidron, trên dốc tây của núi Ô-Ii-ve. Nó là một nơi hẻo lánh, Chúa Giê-xu thường cùng môn đệ đến đây để cầu nguyện, và lần cuối cùng đã bị bắt do Giu-đa bán Ngài (LuLc 22:39-44)
Một truyền thuyết có từ thế kỷ 4 nói vườn có vị trí khoảng 45,72m (50yards), phía đông cầu Kidron, tại đó có một khu vực đóng kín (khoảng 4046,8m2), trong đó có nhiều hoa đẹp, 8 cây ô-li-ve đầy mắt với đường vòng quanh thân cây rất lớn và sống lâu đời - được nói rằng có từ thời của Chúa chúng ta. Tính chất bình dị êm ái và yên tịnh của vườn làm cho nó trở thành một nơi gây nhiều ấn tượng cho sự trầm tư mặc tưởng. Hàng triệu người đến viếng nơi nầy và đều có cảm xúc mạnh mẽ.
Tuy vậy, đôi khi người ta nên nghi ngờ, phải chăng vườn quá nhỏ và cây cối thì đã quá già cỗi như vậy?
Josephus nói rằng Titus đốn hết cây ở xung quanh Giê-ru-sa-lem vào lúc thành phố bị bao vây vào năm 70SC. Điều này có lẽ đúng, nhưng cây ô-li-ve khi bị đốn thì lại đâm chồi từ gốc cây, mọc lên tươi tốt. Về phía bắc, khoảng 90,44m cách đường, có một chỗ mà người ta nghĩ là “phù hợp hơn và ít bịa đặt hơn”. Dẫu sao đi nữa thì vườn ô-li-ve mà Con Đức Chúa Trời từng thống khổ vì cớ nhân loại sẽ nằm đâu đó trong khu vực nầy.
• GEZER: Ngày nay có tên là Tell el-Jezer, tọa lạc trên một đỉnh đồi 27 acres, nhìn xuống bình nguyên Maritime, 18 dặm phía tây Giê-ru-sa-lem. Nó canh giữ ngọn đèo từ Joppa đến Giê-ru-sa-lem, và xa lộ từ Ai-cập đến Sy-ri, vì vậy nó là một trong những thành phố chiến lược của Palestine. Đôi khi Gezer thuộc về Ai-cập, lúc khác thì lại thuộc về Palestine, bởi lẽ ấy nó đóng vai trò quan trọng trong lịch sử hai nước này. Trong cuộc hôn nhân của vua Sa-lô-môn với công chúa Ai-cập, vua Ai-cập đã tặng Gezer cho con gái như là món quà. Sa-lô-môn tái thiết và biến nó thành một thành phố chiến xa (IVua 1V 9:16-17)
Từ những cuộc khai quật do R.A.S Macalister thực hiện vào 1902 -1905 và 1907 -1909, do A.Rowe vào 1934 thì người ta biết rằng những cư dân đầu tiên của Gezer không phải là người Semit, một số là người sống trong hang. Một vài cái hang là có tự nhiên, trong khi đó thì những hang khác được đục cẩn thận từ đá vôi mềm. Một số cư dân thậm chí còn đục cẩn thận cả cầu thang, Nhiều bức tường của những căn phòng lớn hơn được trang trí bằng hình biểu thị rằng họ có tôn giáo và họ sống bằng trồng trọt và săn bắn - cũng y như họ đã sống như vậy cho hết thời đại của họ. Khoảng 2500 TC, một dân tộc Semit đã chiếm lấy nơi này và giữ nó cho đến cuối chế độ quân chủ của người Hê-bơ-rơ. Các nền văn minh khác tồn tại ở đây cho tới năm 100 TC.
Một tế đàn cổ của người Semit được tìm thấy và tế đàn đó đã làm sáng tỏ nhiều về việc thờ lạy thần Ba-anh và Át-tạt-tê của người Ca-na-an. Trung tâm thờ phượng này có một dãy cột đá nhẹ, đục sơ sài, cây cột cao nhất là 3,276m (10feet 9 inches) và cây cột ngắn nhất là 1,752m, vài chỗ trên cột rất bóng láng do sự thành kính hôn vào cột của những người mộ đạo. Trên một bục, xung quanh những cột này, có những tấm sành về thần Át-tạt-tê với sự phô trương thô bỉ về cơ quan sinh dục, và những điều khác nói về sự tôn thờ xác thịt của người Ca-na-an, mọi thứ đó nêu lên hiện thực sống động về điều răn nghiêm ngặt của Đức Giê-hô-va.
“Phải phá đổ bàn thờ, đập bể pho tượng, và thiêu những trụ A-sê-sa của chúng nó trong lửa, lại làm tan nát những tượng chạm về các thần chúng nó, và xóa tên các thần ấy cho khỏi chỗ đó” (PhuDnl 12:3).
Bên trong phần đông nam thành phố, có từ 2000-1400 TC, là một đường hầm có bậc thang và đục từ đá, bề rộng 3,96m (13feet), bề cao 6,1m (20feet), chiều dài 66,75m (219 feet) xuyên qua đá dẫn đến một suối lớn, ở phía dưới mặt đất 28,8m (94,5feet). Hốc trong tường dốc xuống có đèn để soi đường cho người mang nước từ suối lên. Các vết ố do khói trên những hốc này là bằng chứng của việc sử dụng các cây đèn dầu ô-li-ve cách đây 4000 năm. Ở một chỗ khác, gần trung tâm mô đất, Macalister phát hiện một hồ chứa nước to lớn có sức chứa 2 triệu gallons nước. Hiển nhiên là hồ chứa nầy được xây sau khi con suối ở đáy đường hầm cạn dần.
Một viên đá bàn thờ có đề khắc cho Heraclus cũng được tìm thấy. Viên đá nầy là của một bàn thờ người Hê-bơ-rơ vì trên dòng chữ khắc có đề cập đến Đức Giê-hô-va.
Macalister phát hiện một phức hợp xây dựng với những bức tường chắc chắn, một cổng đẹp, một loạt tháp mà ông ta giả định rằng đó là những lâu đài do Simon Maccabeus xây để làm “nơi cư ngụ” của mình vào năm 142 TC (1Mcb 13:47-48). Nhưng những khám phá gần đây hơn về các cổng Sa-lô-môn và các bức tường tại Mê-ghi-đô và Hazor khiến cho các chuyên gia tin rằng đó là cổng và tường do vua Sa-lô-môn dựng lên khi ông tái thiết và xây công sự cho Gezer. Kích thước cái cổng ở đây “hoàn toàn giống” với những cổng do Sa-lô-môn xây cất tại Mê-ghi-đô và Hazor.
Trong cấp độ Semit thứ 4, có từ cuối thế kỷ 10 TC, Macalister tìm thấy một tấm đá vôi nhỏ dài 11,4cm, rộng 6,98cm, được chứng minh là một bài tập của học sinh về cách lập ra một cái lịch cho biết thứ tự của các tác vụ chính trong nông nghiệp suốt các mùa trong năm. Bằng ngôn ngữ Hê-bơ-rơ cổ điển hoàn thiện, nội dung của nó như sau:
“Hai tháng thu hoạch ô-li-ve.
Hai tháng gieo hạt.
Hai tháng trồng muộn.
Một tháng cuốc cây lanh.
Một tháng thu hoạch lúa mạch.
Một tháng hội hè thu hoạch.
Hai tháng chăm sóc nho.
Một tháng trái cây mùa hè.”
• GIBEAH: Thủ đô đầu tiên của liên hiệp Y-sơ-ra-ên, và nơi cư ngụ của vua Sau-lơ, cách 4 dặm về phía bắc Giê-ru-sa-lem. Là một ngọn đồi hình chóp, có bậc thang từ đáy lên đỉnh và tàn tích chồng lên đỉnh, lâu nay nó làm bối rối những khảo cổ, mãi cho đến 1922 và 1933 Tiến sĩ Albright dẫn đoàn thám hiểm khám phá bảy cấp cư ngụ của con người, có từ năm 1100 TC đến 70 SC. Trên cấp cư ngụ đầu tiên tức là lớp cư ngụ xưa nhất, Albright tìm thấy tro và tàn tích hoá thành than của một thị trấn người Y-sơ-ra-ên, bị cháy gần cuối thế kỷ 12. Người ta tin rằng tàn tích này tiêu biểu cho sự phá hủy được ghi chép trong chương 19 và 20 của sách Các Quan Xét.
Ở cấp độ thị trấn thứ nhì, được xây dựng khoảng 1000 TC, những nhà khai quật tìm thấy một pháo đài hai tầng trông giống lâu đài của vua Sau-lơ, có diện tích 47,2m x 51,8m, Những bức tường đá đẽo có bề dày bình quân 2,43m - 3,04m và có một cầu thang đá rất đẹp dẫn đến tầng hai. Phòng thính giả mà người ta nghỉ tại đó Đa-vít đã chơi đàn hạc để yên ủi vua Sau-lơ, phòng có diện tích 4,27 x 7,01m - tức là kích thước của phòng khách trung bình ngày nay. Trong tàn tích người ta tìm gặp những nồi nấu ăn, vật dụng đánh bóng, đá mài, con lăn cọc sợi dệt và một cái bảng đánh bạc. Trong tầng hầm của lâu đài Sau-lơ có những bình chứa rượu và dầu, và một kho thóc gạo mà trong đó còn có một lượng thóc đáng kể bị hoá than và bị đen gần ba ngàn năm.
• GIBEON: Hiện nay có tên là Al Jib, cách 8 dặm tây bắc Giê-ru-sa-lem. Đây là quê hương của người Ghi-bê-ôn, họ đi đến Ginh-ganh và đánh lừa Giô-suê ký một hòa ước với họ như là một nước chư hầu (Gios Gs 9:3-27), nơi mà binh lính của Áp-ne và Giô-áp giao chiến nhau “tại lối hồ Ga-ba-ôn” (IISa 2Sm 2:12-17) và là nơi ở của hội mạc, sau khi hội mạc được dời từ Nob cho đến khi đền thờ Sa-lô-môn xây xong. Tại đây Sa-lô-môn tổ chức một bữa tiệc lớn và nằm thấy một giấc mơ lạ lùng, và chọn Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan hơn là sự giàu có, danh vọng (IISu 2Sb 1:3-13).
Khai quật tại đây từ 1956-1957 do Tiến sĩ James B.Pritchard tiến hành, ông dọn sạch những đống gạch đổ nát từ một cái hồ đục từ đá, có chiều sâu 10,06m và đường kính 10,67m. Một cầu thang xoắn ốc, bề ngang xấp xỉ 1,52m dẫn xuống đáy hồ, tại đây người ta tìm thấy 27 cái quai bình, tất cả được đóng dấu bằng chữ Hê-bơ-rơ, cùng với tên Ghi-bê-ôn. Nhiều cái quai trong số nầy cũng được khắc với những tái tên như Amariah, Azariah, và Hananiah - tất cả là tên của nhân vật Kinh Thánh. Hananiah là đối thủ của Giê-rê-mi và đến từ Ghi-bê-ôn (Gie Gr 28:1).
Tại đáy hồ, các bậc thang dẫn xuống một địa đạo tiếp tục đi xuống một độ sâu 14,93m, để tới một cái buồng lớn có suối trong lòng đất. Điều này khiến cho nhà khai quật phải la lên “phải chăng đây là một kỳ công kỹ thuật đầy ấn tượng; một cái hồ đẽo từ đá với những bậc thang dẫn xuống con suối 24,99m dưới mặt đất, có phải đây là chính cái dốc lịch sử được nhắc đến như là nơi giao chiến giữa người của Giô-áp và người của Áp-ne?” Tiến sĩ Prichard nghĩ phải là như vậy và nhiều người đồng ý với những kết luận của ông.
Trong ba mùa đào bới, nhiều thánh tích khảo cổ được khám phá có từ Thời Kỳ Đồ Đồng Thiếc Giữa, nhưng cái làm cho sinh viên Kinh Thánh thích thú và thấy có ý nghĩa quan trọng chính là những thánh tích của thời kỳ người Y-sơ-ra-ên.
• GIHON: Nay có tên là Suối Phun Trinh Nữ, là một suối phun có nước trong theo mùa và phun lên từ dưới sâu trong thung lũng Kidron, phía đông Giê-ru-sa-lem và đối diện ngang với làng Siloam. Từ thời ban sơ nó đã được biết đến như là con suối có nước liên tục, gần Giê-ru-sa-lem. Thật ra thì thành phố được đặt tại bình nguyên này là vì nguồn cấp nước tuyệt vời này.
Những cư dân Giê-bu-sít của Giê-ru-sa-lem đã đào một đường hầm sâu dưới mặt đất về phía tây từ suối phun, dưới bức tường và vào trong thành phố, vì vậy mà họ có thế lấy nước mà không cần đi ra phía ngoài những bức tường, cũng làm cho họ có thể nhận được đủ nước cho nhu cầu trong thời gian bị bao vây mà khỏi lộ mình trước quân địch. Con đường hầm từ suối phun nầy được cho là cái “giếng nước” mà Giô-áp đã dẫn các hiệp sĩ đi vào trong thành phố, cướp lấy tiền đồn một cách bất ngờ và trở thành tướng của Đa-vít (IISa 2Sm 5:8)
Sau cuộc chinh phạt của Đa-vít, con đường hầm dưới mặt đất càng ngày càng ít cần đến, bởi hình như Đa-vít xây dựng một hồ chứa cao và một hồ thấp để trữ nước cho nhu cầu của mỗi gia đình, và để tưới các vườn hoa trong Thung Lũng Các Vua ở bên dưới.
Vào 1867 Warren khám phá cái giếng và đường hầm mà qua đó người Giê-bu-sít có được nước. Cuối đường hầm là một cái ao, và một cái giếng dẫn lên đỉnh một ngọn đồi trong thành phố. Ở đỉnh giếng có một vòng sắt để qua đó kéo nước từ ao lên.
Sa-lô-môn được tôn lên làm vua tại con suối ở Ghi-hôn, và cưỡi con la hoàng gia của Đa-vít trở vào thành phố, vì vậy báo hiệu cho nhân dân biết ông là vua của họ, như vua cha đã làm trước đây.
Rất nhiều gạch đổ nát từ nhiều cuộc tàn phá Giê-ru-sa-lem lấp đầy lòng Thung Lũng Kidron, mãi cho đến ngày nay, ta có thể xuống con suối Ghi-hôn bằng 30 nấc thang dốc đứng. Suối vẫn chảy mạnh nhưng lúc chảy lúc dừng, chảy bốn hay năm lần mỗi ngày vào mùa mưa, và một hay hai lần mỗi ngày vào mùa hè khô hạn.
• GIGAL: Là điểm cắm trại đầu tiên của Y-sơ-ra-ên sau khi họ băng qua sông Giô-đanh. Tại đây họ dựng 12 hòn đá tưởng niệm lấy từ dòng sông Giô-đanh (Gios Gs 4:20), làm lễ cắt bì cho nam giới (5:10) và giữ Lễ Vượt qua (5:10). Tại đây Giô-suê gặp vị nguyên soái của quân đội Chúa (5:14), Y-sơ-ra-ên cắm trại ở đây trước khi chiếm thành Giê-ri-cô (4:19), họ ký hiệp ước với người Ga-ba-ôn (9:6), phát động chiến dịch chống năm vua A-mô-rít (10:6). Ghinh-ganh vẫn là một địa điểm tập họp của người Y-sơ-ra-ên cho nhiều thế hệ sau nầy.
Thành phố theo sự ghi chép của Kinh Thánh có vị trí “trên biên giới phía đông của Giê-ri-cô” (Gios Gs 4:19). Sử gia Josephus nói rằng người Y-sơ-ra-ên sau khi băng qua sông Giô-đanh, tiếp tục đi 50 stadia rồi sau đó cắm trại 10 stadia cách Giê-ri-cô (Ant V, 1, 4). Trong Onomasticon, Eusebius chỉ rằng Ghinh-ganh có vị trí tại “khoảng mốc dặm thứ nhì tính từ Giê-ri-cô.”
Khirbet el-Mefjir, một mô đất 1,25 dặm phía đông bắc Giê-ri-cô, gần như nhất trí hoàn toàn với ước tính của ba chuyên gia nầy. Tính một stadium La-mã bằng 185,01m (607feet), thì địa điểm nầy là 2011,09m (10,87 stadia), tính từ Giê-ri-cô cổ và 9250,68m (50 stadia) kể từ sông Giô-đanh. Trong việc thăm dò tại một trong những mô đất nhỏ ở Khirbet el-Mefjir vào năm 1955, James Muilenburg phát hiện tàn tích có từ thời kỳ Đồ Sắt Sớm và Giữa, tương ứng khá chính xác với những năm dài mà Ghinh-ganh không có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử của Y-sơ-ra-ên.
Viện Thần Học.
bottom of page