top of page
Hung Tran
May 11, 2023
Hàng ngàn các chứng cớ “ngoại tại” chứng thực các câu chuyện kể trong Kinh Thánh đang được phơi bày...
• HAMATH: Từng là thành phố hoàng gia của Hittites, được tiêu biểu trong thành phố hiện tại là Hama, nằm phía bắc Baalbek trên sông Orontes. Vua của Ha-mát gửi quà đến Đa-vít khi Đa-vít đánh bại vua của Xô-ba (IISa 2Sm 8:6) và nơi này thường được đề cập đến trong Kinh Thánh như là một biên giới phía bắc lý tưởng của Y-sơ-ra-ên.
“Người khôi phục bờ cõi Y-sơ-ra-ên từ nơi giáp Ha-mát cho đến biển đồng bằng, theo như lời Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên đã phán bởi miệng tiên tri Giô-na, tôi tớ Ngài, là con trai A-mi-tai, ở tại Gát-Hê-phe.” (IIVua 2V 14:25). Nhưng đó chỉ là một khoảng thời gian ngắn ngủi, dưới thời Đa-vít, Sa-lô-môn và Giê-rô-bô-am II, quốc gia Ha-mát thần phục Y-sơ-ra-ên, và lúc đó, người ta giả định rằng sự thống trị chỉ là trên danh nghĩa.
Thành phố cận đại Hama có dân số khoảng 100.000 người, được xây dựng chung quanh mô đất cổ, mô đất cổ đó khá gây ấn tượng, nhô cao 39,62m (130feet) trên mực nước sông.
Vào năm 1812 Burckharht tìm thấy một câu khắc chữ tượng hình tại Hama, và vào năm 1872 Tiến sĩ Wright của Anh, giành được câu khắc ấy cho Viện Bảo Tàng tại Constantinople, tạo điều kiện cho sự nghiên cứu khoa học. Câu khắc Hittites trên đài tưởng niệm được phát hiện vào năm 1871 và thỉnh thoảng cũng có vài phát hiện nhỏ; nhưng đối với đại bộ phận sự hiểu biết của chúng ta về Ha-mát, chúng ta phải ghi công cho một cuộc khai quật của Đan-mạch do Giáo sư H.Ingholt thực hiện từ 1932-1938. Ông ta phát hiện 12 cấp độ cư dân, cấp độ sớm nhất có từ thời Neolitho (đá mới). Thời kỳ Ba-by-lôn cổ (1830-1550 TC) và thời đại Amarna (1300 TC) thì quan trọng trong đời sống của thành phố, nhưng công cuộc khai quật thì còn lâu mới hoàn tất.
• HARAN: Nơi dừng chân đầu tiên của Áp-ra-ham trên đường đến xứ Ca-na-an, đó là một trung tâm thương mại và giao điểm quan trọng nằm trên sông Balikh khoảng 40 dặm phía đông Corchemish, trên xa lộ mà các đoàn nhà buôn và quân đội thường xuyên diễu hành. Nơi nầy cách U-rơ của người Canh-đê 600 dặm về phía tây bắc và khoảng 400 dặm đông bắc Ca-na-an.
Trên các phiến đá Mari và nguồn chữ hình nêm khác, thường xuyên nhắc đến Haran như là một thành phố thịnh vượng trong thế kỷ 19 và 18 trước công nguyên; lúc đó Áp-ra-ham, Rê-bê-ca, Nahor, Gia-cốp sống trong vùng nầy.
Sau sự sụp đổ của Ni-ni-ve (612 TC), người A-si-ri rút lui về Haran, và nó trở thành thủ đô của A-si-ri cho đến khi người Ba-by-lôn chiếm vào 609 TC.
Mô đất cổ Haran chưa có ai cư ngụ, nhưng sát bên nó là một làng người Hồi giáo, đại đa số nhà có dạng "tổ ong" phổ biến ở bắc Sy-ri. Cư dân hiện nay có nhiều truyền thuyết về Áp-ra-ham và một cái giếng gần đó mà họ kể là Ê-li-ê-xe gặp Rê-bê-ca ở đó khi ông tìm kiếm một cô dâu cho Y-sác.
Công việc khai quật tại mô đất tiết lộ một lịch sử liên tục từ khoảng 2000 TC đến khoảng 1000 SC hoặc muộn hơn. Trong suốt thời kỳ đó, dường như thành phố chỉ thờ một thần duy nhất là Sin, thần mặt trăng. Người ta không tìm thấy câu khắc nào, nhưng các mảnh vỡ của một con sư tử A-si-ri, tàn tích của một lâu đài rất xưa, và di tích của một nhà thờ Công giáo được tìm thấy.
• HAZOR: Quê hương của “Jabin vua xứ Hazor”, tọa lạc 4 dặm tây nam “Các nguồn nước của Merom” trên một mô đất hùng vĩ khoảng 80,93 héc ta (200 acres). Có vị trí tại ngã tư của hai tuyến thương mại quốc tế, vị trí của Hazor đủ uy nghi để được xưng là “thủ phủ của mọi vương quốc” phương bắc của người Ca-na-an (Gios Gs 11:10). Giô-suê tàn phá nơi này nhưng nó được Sa-lô-môn tái thiết cùng với Mê-ghi-đô và Ghê-xe (IVua 1V 9:15). Tiglath-Pileser III của A-si-ri phá hủy nó vào 733 TC.
Garstang tiến hành sự khảo sát sơ bộ mô đất (nay gọi là Tell el-Qedah) vào năm 1928 và ông kết luận Hazor bị Giô-suê tàn phá vào khoảng 1400 TC nhưng sự khảo sát của ông thì quá ngắn để có thể kết luận được.
Vào năm 1955, Giáo sư Yigael Yadin bắt đầu khai quật dưới sự bảo trợ của James A.de RothChild. Việc khai quật nầy được tiến hành nhiều năm với số lao động nhiều tới 200 người, dưới sự chỉ đạo của Tiến sĩ Yadin và 45 nhà khảo cổ, kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia, hoạ viên và các sinh viên ngành khảo cổ.
Địa điểm gôm hai khu vực khác biệt. Thành quách cao 36,6m (120feet) và choán một diện tích 10,1 hécta (25 acres), trong khi đó tại chân thành quách ở phía bắc có một cao nguyên rộng hình chữ nhật có diện tích 70,8 hécta (175 acres) mà thỉnh thoảng nơi ấy được dùng làm khu cắm trại và lúc khác lại được dùng làm khu nhà ở. Toàn bộ thành phố được xây công sự với những bức tường thật lớn và thành lũy rộng bằng đất nện, đủ vững chắc để tạo lòng tin cho bất cứ ai cố thủ nơi này.
Trên khu vực thành quách, nhà khai quật tìm thấy mười cấp độ thành phố, điều đó có nghĩa là thành quách và đền thờ xây chồng lên nhau. Trên cấp độ Sa-lô-môn có một cổng tráng lệ gần giống y về kích thước và kiểu dáng với cái được phát hiện tại Mê-ghi-đô, cũng như cái được tìm thấy sau nầy tại Ghê-xe. Yadin kết luận các cổng nầy do cùng một kiến trúc sư hoàng gia xây khu định cư của người Y-sơ-ra-ên hạn chế trong khu vực thành quách 10,1 hécta (25 acres).
Trên cao nguyên hình chữ nhật phía dưới người ta tìm thấy một đền thờ người Ca-na-an 16,8m x 24,4m (55 x 80feet). Trong “nơi chí thánh” của đền thờ người ta tìm thấy một bộ trọn vẹn về bàn ghế và dụng cụ cho nghi lễ cúng tế, ngoài ra còn có bốn bức tượng nhỏ bằng đồng thiếc, nhiều dấu ấn hình trụ, và một dấu ấn trang trí hình bọ hung của Ai-cập thuộc về Amenhotep III (1413-1376 TC). Sự tàn phá thành phố vào năm 733 TC bởi Tiglath-Pileser được minh họa một cách sống động bằng các lớp tro và mảnh vụn hóa than được tìm thấy trong thành qúch và tại các nơi khác của thời kỳ nầy. Nhiều khí mạnh vẫn ở tại vị trí cũ của chúng, như vậy có vẻ là sự tàn phá ập đến bất chợt.
Vẫn còn rất nhiều điều mà Tiến sĩ Yadin chưa khám phá, nhưng ông nói: “Tay này cầm Kinh Thánh và tay kia cầm cái xẻng dường như là phương pháp thành công nhất để khám phá thánh tích của thành phố thuộc Kinh Thánh ấy.”
• NÚI HERMON: “Thủ lĩnh của những ngọn núi” tại Palestine, bề ngang 5 dặm và bề dài 20 dặm. Hẹt-môn có ba đỉnh núi, đỉnh cao nhất là 2793,8m (9166 feet) trên mực nước biển Địa Trung Hải. Trước thời Áp-ra-ham nhiều thế kỷ thì ngọn núi được tôn kính vì có quan hệ với Ba-anh.
Sự thờ lạy Ba-anh là tôn giáo hàng đầu ở Ca-na-an. Trên hầu hết các đỉnh núi của đất nước đều có miếu thờ được biết như là “đất cao” - càng cao càng thánh khiết. Tại đây người ta trồng các lùm cây và dựng lên những miếu thờ. Bởi vì núi Hẹt-môn cao hơn tất cả các ngọn núi khác trong vùng, nó là “đất cao chính", là miếu của tất cả miếu. Người Ca-na-an hướng về núi Hẹt-môn chẳng khác gì người đạo Hồi hướng về Mecca khi họ cầu nguyện.
Tương phản với tập tục nầy, Đa-vít nêu câu hỏi “tôi ngước mắt lên trên núi, sự tiếp trợ tôi đến từ đâu?”, rồi ông trả lời “sự tiếp trợ tôi đến từ Đức Giê-hô-va, là Đấng đã dựng nên trời và đất” (Thi Tv 121:1-2).
Trong mùa hè năm 1934, Tiến sĩ J.Stewart Crawford và người viết bài nầy dẫn một đoàn thám hiểm nhỏ để nghiên cứu các miếu thờ Ba-anh cổ xưa xung quanh núi Hẹt-môn. Chúng tôi tìm ra vị trí của nhiều tàn tích, và trong từng trường hợp miếu đều được định hướng để khi thầy tế lễ và người mộ đạo có mặt tại bàn thờ thì họ đều hướng về nơi thánh chính của Ba-anh. hay còn gọi là Quibla, tọa lạc tại đỉnh cao nhất trong ba đỉnh của Hẹt-môn.
Sau đó chúng tôi đi lên núi và tìm thấy ngôi đền Ba-anh điêu tàn, công trình xây dựng từ thời Hê-rốt, có từ trước khi kỷ nguyên Cơ-đốc bắt đầu. Trong một nơi thấp gần góc tây bắc đền thờ, chúng tôi khai quật và tìm thấy hàng đống tro và xương bị đốt, bị đổ tại đây như là đồ thải của của lễ cúng tế. Hiển nhiên đền Ba-anh này được dùng đến khi Chúa Giê-xu hóa hình trên đỉnh núi về phía nam. (?)
Viện Thần Học.
bottom of page