top of page

Khảo Cổ Kinh Thánh ( Mẫu Tự K-L )

Hung Tran

May 9, 2023

Hàng ngàn các chứng cớ “ngoại tại” chứng thực các câu chuyện kể trong Kinh Thánh đang được phơi bày...



KADESH BARNEA: Địa điểm cắm trại và cư trú nổi tiếng của Y-sơ-ra-ên, đôi khi còn được cho là Ain Qedeis, khoảng 49 dặm tây nam Bê-e-sê-ba. Tuy nhiên, ai nghiên cứu vùng nầy cách kỹ lưỡng sẽ tin rằng Ca-đe Ba-nê-a chính là Wadi Qudeirat, 5 dặm tây bắc Ain Qedeis. Nơi nầy sử dụng nước từ con suối ở Ain Qedeirat, tạo thành một thung lũng đẹp và phì nhiêu. Đại tá Lawrence khám phá một pháo đài của người Giu-đê ở đây, và di tích của một cộng đồng nông nghiệp của thế kỷ 21 đến 19 TC, nằm trên ngọn đồi nhìn xuống con suối. Tiến sĩ Nelson Glueck và các chuyên gia khác cảm thấy rằng Wadi Qudeirat chắc chắn là Ca-đe Ba-nê-a, mà đối với Y-sơ-ra-ên, nó trở thành “ngã tư đường của sự quyết định tối hậu.” Không nghi ngờ gì, Y-sơ-ra-ên sẽ tận dụng cả hai ốc đảo này vì chúng chỉ cách nhau 5 dặm.


KEDESH hoặc Kedesh-Naphtali: Là một thành phố hoàng gia trước đây của người Ca-na-an. Bị Giô-suê (Gios Gs 12:22) đánh chiếm, sau đó biến thành một trong sáu thành phố tỵ nạn (Gios Gs 20:7). Kê-đe là quê hương của Ba-rác, tại đây ông và bà Đê-bô-ra tập hợp lực lượng từ Nép-ta-li và Sa-bu-lôn cho một cuộc chiến chống lại Si-rê-ra (Cac Tl 4:6-11), Nép-ta-li, Ba-rác, Đê-bô-ra và Gia-ên đã được chôn cất tại đây. Tiglath-Pileser III chiếm thành phố vào năm 734 TC và lưu đày các cư dân sang A-si-ri (IIVua 2V 15:29). Tại đây Giô-na-than Mác-ca-bê đánh bại quân đội Si-ri do Demetrius (1Mcb 11:63).

Ngày nay, địa điểm này được gọi là Tell Kades và bị chiếm một phần bởi làng nhỏ của người Ả-rập, tọa lạc 5 dặm tây bắc hồ Huleh trên mép một núi nhìn xuống bình nguyên Ca-đe phì nhiêu. Sự thăm dò và sự tìm kiếm trên mặt đất cho thấy rằng nơi đây đã có người cư trú từ Thời Đại Đồ Đồng Thiếc Sớm và Muộn.



KHORSABAD: Thủ đô tráng lệ của Sargon vua A-si-ri, tọa lạc 10 dặm tây Ni-ni-ve. Paul Emile Botta bắt đầu khai quật ở đây vào 1842, ông đã tìm thấy một thành phố to tát rộng 741 acres, được bố trí dưới hình thức một hình vuông có công sự với bề ngang 1 dặm và 7 cổng, một khu vực hoàng cung có đường bộ với diện tích 25 acres.

Hoàng cung cùng với các khu dân cư rộng lớn, hậu cung xa hoa, ba đền thờ đẹp và các miếu cổ hình tháp, toàn bộ toạ lạc trên một nền đất cao lát gạch rộng 25 acres và cao 13,7m (45feet) so với khu vực chung quanh. Các bức tường cung vua được xây bằng những viên đá lớn hình vuông, với chiều dài từ 2,5m 4,9m (9,5-16feet). Tại một nơi, các viên gạch dày tới 7,6m (25feet). Trong cung điện có những đại sảnh tiếp khách được trang hoàng khắp nơi bằng những câu khắc, điêu khắc, phù điêu nổi, tượng trưng cho các vị thần, vua, cảnh chiến tranh, lễ nghi tôn giáo. Những con bò đực có cánh được trang trí một cách công phu, được đúc hay tạc đẹp bằng đồng thiếc, đã trang hoàng các bức tường, và tất cả các ô cửa chính đều được gia cố hai bên sườn bằng tượng bò đực có cánh trông oai vệ và lộng lẫy, nặng từ 10 đến 30 tấn mỗi pho tượng.

“Cổng và phòng tiếp tân phô bày tất cả sự lỗng lẫy mà các nghệ nhân A-si-ri có thể làm được, các căn hộ trong hậu cung được trang hoàng một cách thẩm mỹ bằng các tranh tường, kiểu trang trí đường lượn và tượng đá hoa. Tất cả sàn nhà bên trong hoặc làm bắng đá lát (hay gạch vuông) hoặc bằng đất sét nện, trên đó từng được trải các tấm thảm đẹp. Các sân ngoài và khoảng sân được lát gạch vuông rất nhiều màu hoặc đá hoa.

Trên tường dường như được chạm trổ liên tục bằng một chuỗi những bức chân dung điêu khắc rất chi tiết về cuộc sống hằng ngày, thú vui, phong thái, tập tục, tôn giáo và lịch sử của người A-si-ri. Phiến đá làm tường trong ba căn phòng lộng lẫy của cung điện được chạm trổ chi tiết về cuộc trị vì 15 năm của vị vua hùng mạnh. Những trận đánh nhau của Raphia, trận đánh thứ nhì của Karkar đều được miêu tả sinh động. Các khía cạnh khác nhau của đời sống trị vì tích cực đầy quyền lực cũng được phác họa, bao gồm chiến dịch của ông đối với Palestine và bờ Địa Trung Hải, tại đó ông đập tan mọi kháng cự và làm cho mọi nước sụp đổ ngoại trừ xứ Giu-đê.”

Họ tìm thấy “rất nhiều công trình điêu khắc, tượng, rất nhiều phù điêu khiến họ phải sửng sốt, nhưng họ đã làm việc với sự hài hoà, năng lực và tận tụy trong những tháng hè nóng và bụi, và mãi cho đến tháng 10, khi mọi dấu vết của bức tường cung điện bị biến mất.”

Victor Place đã tiếp nhận công tác khai quật vào năm 1851, và “khám phá 14 cái thùng hình trụ có ghi câu khắc cùng với các ghi chép lịch sử, một buồng kho đầy đồ gốm, một buồng kho khác chứa đầy gạch vuông, còn buồng kho khác chứa các công cụ bằng sắt đủ loại trong một tình trạng hoàn hảo nhờ vào sự bảo quản của các thợ Ả-rập của ông. Ông hết sức thành công trong việc thu thập các món đồ nhỏ bằng đất sét, đá, thủy tinh và kim loại sẽ góp phần làm sáng tỏ đời sống thường nhật của con người lúc bấy giờ. Ông khai quật được cả nhà vệ sinh, lò bánh và hầm rượu của nhà vua, người ta nhận ra đó là hầm rượu là nhờ vào những bình thon nhọn nằm trong hai hàng lỗ trên nền nhà có lát, và bốc ra mùi men nồng sau trận mưa đầu tiên làm hòa tan các chất cặn màu đỏ trong bình.” Ông Place cũng khám phá “hai bò đực đầu người trông oai vệ mà người ta không còn nghi ngờ gì, đó là sản phẩm gây ấn tượng mạnh nhất của người A-si-ri hiện còn tồn tại. Ông đã trao đổi tượng hai còn bò ấy với Rawlinson và hai tượng ấy hiện được đặt tại cổng vào hành lang A-si-ri trong Viện Bảo Tàng Anh.

Place đã không thực hiện nhiều khám phá rgây sửng sốt về các đài tưởng niệm lớn như Botta đã làm, nhưng các món đồ nhỏ mà ông đã phát hiện thì hết sức quan trọng. Ngoài ra công việc của Place làm chúng ta có thể có được bức tranh rõ hơn về thành phố Khorsabad và người sáng lập thành phố cũng như kẻ thống trị hùng mạnh là Sargon II “ông vua vĩ đại, hùng mạnh…vua của A-si-ri.”

“Nhưng ai là vị Sargon ấy?” Trước đây trong lịch sử thế tục không hề có ghi chép tên ấy và trị vì như là một quân vương A-si-ri. Người duy nhất đề cập tên Sargon chính là Ê-sai, nhà tiên tri hùng biện đã chêm vào như sau, nhằm giải thích cho rõ thêm:

“Nhằm năm mà Sa-gôn, vua A-si-ri, sai Ta-tân đến Ách-đốt, vây thành và chiếm lấy.” (EsIs 20:1).

“Nhưng vài học giả không tin vào tính lịch sử của Kinh Thánh, đã nói rằng chẳng có vị vua A-si-ri nào có tên như vậy cả. Thế nhưng trong biên niên sử được khắc sâu trên các bức tường của cung vua, là “bài tường thuật được sự cho phép” của chính ông kể về lần bao vây cuối cùng và chiếm Sa-ma-ri, và sự trục xuất dân chúng trong thành:

“Nhằm năm trị vì đầu tiên của ta… thành phố Sa-ma-ri mà ta bao vây và đánh chiếm. Ta bắt 27290 người làm phu tù. Ta mang về 50 cỗ xe ngựa để bổ sung vào lực lượng hoàng gia của ta… Ta đã trở về và mang thêm nhiều thứ. Ta bổ nhiệm quan chức của ta làm quan tổng đốc của Sa-ma-ri. Ta nhận cống vật và thu thuế.”

Và tiếp theo trong biên niên sử, Sa-gôn góp phần giải thích một đoạn văn trong sách Ê-sai đoạn 20 mà ông mô tả về cảnh đánh chiếm Ách-đốt:

“Azuri, vua của Ách-đốt, đã toan tính trong lòng là không triều cống, và trong số các vua láng giềng của Azuri bị gieo rắc lòng thù hận đối với A-si-ri. Vì cớ điều tà ác mà ông ta đã làm ta phế bỏ chức vị vua chúa của ông ta. Trong cơn thịnh nộ của lòng ta, ta chưa triệu tập đội quân đông đảo của ta. Ta chưa tập hợp toàn bộ doanh trại của ta. Chỉ cùng với các vệ sĩ bình thường của ta là đủ chống chọi Ách-đốt, Ta bao vây nó, và ta đã hạ nó. Ta chiếm nó sau khi tàn phá các tượng thần trong đó, ta giết vợ con hắn, cướp châu báu trong cung điện của hắn cũng như nhân dân trên đất của hắn.”


KIDRON: Thung lũng của Kidron mọc lên ở phía bắc Giê-ru-sa-lem trong một chỗ lõm không quan trọng có tên Wady el Joz. Nằm trải dài nửa dặm về phía đông, nó vòng quanh xuống phía nam, ngang qua giữa bức tường bắc của Giê-ru-sa-lem và vườn Ghết-sê-ma-nê; băng qua thung lũng Vua và vườn Vua, cuối cùng gặp thung lũng Hinnom tại giếng En Rogel.

Công việc khai quật cho thấy có tới 21,3 -24,4m (70-80feet) chất thải đổ thành đống trong thung lũng, và lòng con suốt đã di chuyển về phía đông khoảng 21,3m (70feet). Tuy nhiên, chẳng có gì phải ngạc nhiên vì rác rưởi từ thành phố và một phần bức tường đã lăn xuống thung lũng này trong nhiều thế kỷ.


KIRIATH JEARIM: Ngày nay được gọi là Abu Ghosh, nằm cách Giê-ru-sa-lem 9 dặm về phía tây, trên con đường đến Tel Aviv và Giốp-bê. Hòm giao ước đã lưu tại đây trong 20 năm; trong khoảng thời gian người Phi-li-tin gửi hòm trở về Y-sơ-ra-ên và thời trị vì của Đa-vít là người đưa hòm giao ước trở về Giê-ru-sa-lem (ISu1Sb 13:5-8).

Vào năm 1928, những linh mục dòng Benedictine đã cày lên những công cụ bằng đá silic và các khí mạnh bằng đá tại địa điểm gần nhà thờ Thập Tự Quân tại đây. R.Newville đào những mương thăm dò nhưng chỉ có kết quả khiêm tốn. Trong lần khai quật vào năm 1951 và 1960, họ tìm thấy những căn nhà với nền trát vữa và lò sưởi, cùng với 12 bộ xương người được chôn dưới sàn nhà.

Vào 1944, các linh mục Benedectine đã khai quật hai ngôi mộ và các di tích của một hồ chứa nước lớn thuộc về đội quân lê dương thứ 10 của La-mã, mà họ đã đóng tại địa điểm nầy. Lối vào của một ngôi mộ nói trên có một hòn đá tròn giống như hòn đá che bên ngoài mộ Chúa Giê-xu.


KIRIATH SEPHER: “Thành phố của thầy thông giáo” nay được đồng nhất với Tell Beit Mirsim, 11 dặm tây nam Hếp-rôn, nơi đây từng mang tên Debir.

Mô đất được các Tiến sĩ Kyle và Albrigth (1926-1932SC) khai quật từng phần qua bốn chiến dịch. Người ta tìm thấy một thành phố có từ khoảng năm 2200 TC; một số thành phố khác mọc lên rồi sụp đổ trên mô đất nầy. Vào thế kỷ 8 TC thì dường như thành phố này có được đỉnh cao về sự phồn thịnh vì nó là trung tâm công nghiệp nhuộm sợi dệt. Cuối cùng nó bị Nê-bu-cát-nết-sa đốt và tàn phá vào năm 586TC. Con dấu của Ê-li-a-kim đề ngày 597 TC cũng được tìm thấy ở cấp độ cư ngụ nầy.


KISH: Ngoại ô của thành phố thuộc Ba-by-lôn và có lẽ là một phần của Ba-by-lôn vĩ đại hơn, là một trong các thành phố cổ nhất thế giới mà chúng ta ghi nhận được. Đó là một thành phố quan trọng từ năm 4000 TC đến thế kỷ 4 SC. Nó từng phát triển trên diện tích khoảng 10.000 dặm vuông. Ngày nay nó là một loạt những mô đất mang tên Tell el-Ukheimir dài 5 dặm và ngang 2 dặm. Nó được chia thành đông Kish và tây Kish bởi một lòng sông cổ mà nhiều người xem đó là lòng sông Ơ-phơ-rát xưa trước khi nó dịch chuyển sang phía tây.

Đại học Oxford và Viện Bảo Tàng Field Chicago đã khai quật Kish. Chiến dịch được tài trợ một cách hào phóng bởi H.Weld Blundell, Giáo sư Stephen Langdon của Oxford cùng với các đồng nghiệp của ông là E.Mackay và M.E.Watelin đã chỉ đạo việc khai quật. Henry Field và những người khác thỉnh thoảng phụ giúp công việc.

Những người khai quật đã huy động một lực lượng đông đảo và đào bới có hệ thống đến tận lớp đất chưa ai chạm tới. Nhờ làm như vậy họ đã khám phá một chuỗi cuộc sống và văn hóa của hơn 10 tầng lớp cư ngụ, trong đó 6 tầng lớp được ước tính là xa xưa tới 5000 năm. Địa tầng tương quan với thời kỳ 3000 - 2900 TC chỉ gồm toàn là cát mịn và đất sét, dày khoảng 1,5feet và không chứa dấu vết gì về vỏ sò biển hoặc dấu vết đời sống biển. Địa tầng nầy có lẽ bị trận lụt lớn chôn vùi. Bên trên và bên dưới lớp trầm tích phù sa nầy đều có các cấp độ cư ngụ của con người.

Việc khám phá ra lớp này được coi là bằng chứng hữu hình của cơn Đại Hồng Thủy có ghi trong Kinh Thánh và trong truyền thuyết của người Ba-by-lôn. Một lăng trụ được phát hiện có toàn bộ danh sách của vị vua Sumeria, trước và sau trận lụt, đến tận năm 2000 TC. Những triều đại trước đó thuộc về truyền thuyết, nhưng các thời kỳ sau đó rất khớp với bằng chứng tìm thấy trong nhiều cuộc khai quật khác.

Tại Kish, nhà khai quật tìm thấy một ngôi đền người Ba-by-lôn, được bảo tồn khá tốt, có khoảng năm 550 TC do Nê-bu-cát-nết-sa khởi xướng, nhưng bị Nabonidus bỏ dở dang. Họ cũng tìm thấy một cung điện trang trí bằng xà cừ và đá thiên thanh, từ thời vua Sargon I (2400 TC), các đồ vật khác nhau cho thấy nghệ thuật của thời kỳ Sassania và các thánh tích của Sumeria, bao gồm một cỗ xe ngựa bốn bánh làm bằng gỗ và ráp bằng đinh đồng. Phía trước xe ngựa là hài cốt bộ xương những con ngựa đã kéo chiếc xe.

Nhà khai quật tìm thấy bút trâm bằng xương, nhờ nó mà lần đầu tiên người ta biết được chữ hình nêm được viết như thế nào, người ta cũng tìm thấy nơi cất giấu các phiến đá chữ hình nêm và những đồ vật đáng lưu tâm. Một phiến đá dường như ghi trên mặt của nó những dạng chữ tượng hình cổ nhất được khám phá tại Ba-by-lôn. Ba trăm phiến đá ghi ngày tháng muộn hơn cho thấy rằng đền thờ đa thần của cư dân tại đó chỉ gồm một thần trên trời, một thần dưới đất và thần mặt trời. Thần trên trời tiêu biểu cho vị thần nguyên thủy mà từ đó mới có các thần khác - cuối cùng có khoảng 5000 vị thần. Sau khi đọc các phiến đá và xem xét kỹ lưỡng các chứng cứ khác được tìm thấy tại Kish, Erech và Shuruppak, Langdon đã viết như sau:

Theo ý kiến của tôi, lịch sử tôn giáo cổ xưa nhất của nhân loại là một sự suy giảm nhanh chóng từ sự thờ độc thần đến đa thần cực đoan và sự phổ biến rộng rãi về niềm tin với các thần linh tà ác. Trong một ý nghĩa hết sức đúng đắn đó chính là lịch sử về sự sa ngã của nhân loại.


KORAZIN: Ngày nay được đồng nhất với đống đổ nát có tên Kerazeh (bằng tiếng Ả-rập), khoảng 2 dặm phía bắc Ca-bê-na-um. Trong số những đống đổ nát rộng lớn có di tích của một nhà hội, có phần nào nhỏ, tương tự với nhà hội tại Ca-bê-na-um. Nó xây bằng đá bazan đen, trang trí cách đầy đủ giống như nhà hội Ca-bê-na-um, nhưng vẻ đẹp thì kém xa. Tại đây có những biểu tượng bằng điêu khắc, một số là ngoại giáo (một đầu Medusa và một quái vật đầu người mình ngựa đánh nhau với sư tử), nhưng những biểu tượng khác thì tượng trưng cho chim và thú, và biểu tượng miêu tả người ta đang hái và ép nho.

Trong nhà hội nầy các nhà khai quật tìm thấy một ghế đá, khớp với ngôi của Môi-se được Chúa Giê-xu đề cập trong Mat Mt 23:2. Đó là một cái ghế đặc biệt của sự vinh dự dành cho thầy thông giáo chính hoặc người giảng chính trong nhà hội vào thời ấy. Cái ghế nầy có chỗ tựa tay, một miếng đá tựa lưng cao và trên mặt ghi dòng chữ khắc bằng tiếng A-ram: “Hãy ghi nhớ mãi mãi Yudan con trai của Ích-ma-ên đã làm cổng vòm và các bậc tại cổng. Nguyện ông chia sẻ sự công nghĩa như là phần thưởng.”


LACHISH (Tell ed-Duweir hiện đại): là một thành phố công sự quan trọng có một vị trí chiến lược tại Shephelah hoặc đất trũng của Giu-đê, 30 dặm tây nam Giê-ru-sa-lem.

Người Y-sơ-ra-ên nhập cư dưới thời Giô-suê đã chiếm La-ki vào ngày bao vây thứ nhì (Gios Gs 10:32) rồi đi qua mà không đốt thành (Gios Gs 11:13). Sau đó, Vua Rô-bô-am xây công sự cho La-ki và làm cho nó bền vững (IISu 2Sb 11:9-12).

Ông J.L.Starkey và đồng sự đã chỉ đạo việc khai quật tại La-ki từ 1932 đến ngày 10 tháng giêng năm 1938, đã có nhiều phát hiện đầy ý nghĩa, quan trọng nhất là 23 bức thư (nay được gọi là Những Lá Thư La-ki) mà họ tìm thấy trong tro và than tại phòng canh gác bên cổng ngoài thành phố. Những lá thư này được viết bằng “mực than bởi Hô-sa-gia”(NeNe 12:32; Gie Gr 42:1; 43:2), một sĩ quan đóng tại tiền đồn gần Giê-ru-sa-lem gửi cho Joash là viên chỉ huy tại La-ki. Những thông điệp ngắn này được viết vào những năm cuối đời của Giê-rê-mi (khoảng 588 TC) và phản ánh thời kỳ nhiễu nhương trong đời trị vì của Sê-đê-kia, trước khi La-ki thất thủ khoảng 20 năm trước khi Giê-ru-sa-lem thất thủ. Hiển nhiên các lá thư được viết trong khoảng thời gian vài ngày hay vài tuần, như đã được nêu trong các đoạn có tính tương đồng mà 5 đoạn được ráp lại như các mảnh vỡ của một khí mạnh ráp lại thành một khí mạnh hoàn chỉnh.

Bức thư thứ nhất gồm danh sách của 9 tên riêng, 5 tên họ trong đó được tìm thấy trong Cựu Ước. Ba tên họ dường như chỉ xuất hiện trong thời của Giê-rê-mi. Trong lá thư thứ 4. Hô-sa-gia viết:

“Và hãy để cho chúa tôi biết rằng chúng ta đang để ý xem các dấu hiệu của La-ki liên quan đến tất cả những dấu hiệu mà chúa đã ban cho, bởi vì chúng ta không thể nhìn thấy A-xê-ca.”

Giê-rê-mi đề cập đến các dấu hiệu (Gie Gr 6:1) và cho biết vua Ba-by-lôn “đang đánh nhau với Giê-ru-sa-lem và các thành phố khác của Giu-đa như thế nào mà chỉ còn lại La-ki và A-xê-ca là không đầu hàng - đó là hai thành phố công sự bền vững còn lại của xứ Giu-đa" (Gie Gr 34:7)

Lá thư thứ 6 nhắc đến những ngôn từ của các hoàng tử như “làm yếu đuối bàn tay của chúng ta”, tất cả những từ ngữ ấy gây nên sự hứng thú khi ta so sánh với Gie Gr 38:4 “…Xin hãy sai giết người nầy, vì nó nói những lời dường ấy, làm cho tay của lính chiến ở lại trong thành và của cả dân sự ra yếu đuối…”

Những lá thư nầy phản ánh tình hướng chính trị và xã hội căng thẳng của thời kỳ mà Giê-rê-mi nói tiên tri và bị bỏ tù. Các lá thư cũng cung cấp bằng chứng trực tiếp về các dụng cụ và mực được Ba-rúc dùng trong khi viết các chữ cái Hê-bơ-rơ.

“Đoạn, họ gạn hỏi Ba-rúc rằng: Hãy cho chúng ta biết thể nào ngươi đã chép mọi lời nầy bởi miệng người. Ba-rúc đáp rằng: Ngươi lấy miệng thuật cho tôi những lời nầy, và tôi dùng mực chép vào cuốn sách.” (Gie Gr 36:17-18)

Giáo sư Haypert của Đại học Moravia và Thần Học Viện Moravia nói:

“Ý nghĩa thực sự của các lá thư La-ki khó lòng mà có thể khoa trương hết được. Không có một khám phá khảo cổ học nào đến hôm nay lại có một mối liên quan trực tiếp đến Cựu Ước hơn các lá thư ấy. Những thầy thông giáo đã viết các lá thư (hơn một người viết) bằng sự khéo léo chân chính của tiếng Hê-bơ-rơ cổ điển, và chúng ta thực sự có được một phần mới của văn học Cựu Ước: phần bổ sung cho sách Giê-rê-mi.”

Tiến sĩ Albright nói:

“Trong những lá thư ấy chúng tôi thấy mình sống trong thời đại của Giê-rê-mi với những điều kiện chính trị, xã hội hoàn toàn khớp với bức tranh được phác họa trong quyển sách mang tên ông.”


LAGASH: Được gọi là Tello trong thời cận đại, cách U-rơ khoảng 50 dặm về phía bắc. Dưới sự lãnh đạo của Ernest de Sarzec, người Pháp đã khai quật nó từ năm 1877 và kéo dài đến 1900.

Công việc khai quật đã đưa ra ánh sáng một số đồ vật như: (10 Bia có khắc chữ đáng chú ý của Eannatum (2900 TC), được biết như là Bia Khắc Kền Kền cho thấy các binh sĩ tiến về chiến trận trong một đội hình sát cánh nhau, được trang bị bởi khiên và giáo, trong khi đó, chim kên kên đang rỉa thịt những xác chết trên chiến trường. (2) Tượng đồng Gudea, vua của Lagash khoảng 2600 TC cùng với những hồ sơ về ông được khắc trên phiến đất sét hình trụ. (3) Bộ sưu tập tượng đẹp lộng lẫy (??) bằng đá diorit, đó là tượng các quan tổng đốc đầu tiên của Lagash, gồm khoảng 40.000 phiến đá khắc chữ đã đóng góp nhiều cho sự hiểu biết của chúng ta về lịch sử kinh tế thời ban sơ của quốc gia Sumer mà Lagash là một trung tâm chiến lược.



LAODICEA: Quê hương của một trong bảy hội thánh trong sách Khải-huyền (KhKh 1:4, 11), toạ lạc trên một xa lộ cổ đại đi lên từ Ê-phê-sô, xuyên qua thung lũng Maeander và Lycus về phía đông tới Sy-ri. Cô-lô-se cách Lao-đi-xê 10 dặm về phía đông. Trong khi đó thì Hierapolis cách Lao-đi-xê 6 dặm về phía tây bắc.

Thành phố được thành lập vào khoảng 250 TC bởi Antiochus II, ông đặt tên thành phố theo tên của vợ ông là Laodicea, và đưa dân đến ở gồm người Sy-ri và người Do-thái mà ông đã đưa từ Ba-by-lôn. Lao-đi-xê nằm trên một bình nguyên gần như vuông vức 30,4m (100feet) phía trên thung lũng và được bao quanh bởi một cánh đồng phì nhiêu rộng lớn và đồng cỏ tốt cho súc vật. Nơi đây chẳng mấy chốc trở nên nổi tiếng nhờ vào cảnh đẹp và sự trù phú có được phần lớn từ cừu mà len cừu đen lánh của chúng được dùng để dệt quần áo và thảm. Thành phố này cũng là một trung tâm dịch vụ ngân hàng và các nghiệp vụ tài chính được điều hành bởi một nhóm người Do-thái giàu có và xuất chúng. Thành phố đúc những đồng tiền của mình từ thế kỷ thứ 2 TC và cuối cùng trở thành thủ đô thế tục của tây Phrygia, “kinh đô của châu Á" và trong thời kỳ đầu của lịch sử Cơ-đốc nó trở thành địa phận giám mục nổi bật nhất của Phrygia.

Trong phần cuối của thế kỷ đầu tiên là lúc sách Khải huyền được viết, hội thánh Lao-đi-xê bị bao trùm bởi bầu không khí giàu sang nổi bật trong thành phố và đã bị Chúa quở trách vì cớ giàu có vật chất nhưng đời thuộc linh thì nguội lạnh. Chúa khuyên hội thánh hãy mua vàng thử lửa của Chúa, áo trắng và thuốc xức mắt đặng thoa mắt (KhKh 3:18), Sir William Ramsey đã thấy được sự liên quan đến sự giàu sang, quần áo nổi tiếng của Lao-đi-xê và có lẽ liên quan đến thuốc xức mắt Phrygia được làm ở đây.

Trong các cuộc chiến tranh của Seljuk Turks thành phố suy tàn và bị bỏ hoang sau thế kỷ 13. Thị trấn Denizli được xây dựng gần đống hư tàn của Lao-đi-xê, ngày nay mang tên là Eski Hissar. Nơi đó chưa được khai quật nhưng các hình nét của những bức tường thành, hai nhà hát và sân vận động dài 304,8m (1000feet) của Lao-đi-xê có thể được tìm thấy dấu vết.


LYDDA: Nay gọi là Ludd, là một thị trấn quan trong, cách đông nam Giốp-bê 11 dặm. Trong thời Cựu Ước nơi này có tên là Lod (ISu1Sb 8:12), trong thời Tân Ước, đây là nơi Phi-e-rơ chữa lành người bại có tên là Ê-nê. Trong thời Thập Tự Quân, nơi này trở nên nổi tiếng như là địa điểm truyền thuyết về sự tử đạo của thánh George, thần hộ mạng của nước Anh.

Đống đổ nát của những sự định cư cổ xưa hơn được chôn phía dưới thành phố hiện nay. Chỉ có đống hư tàn gây cảm xúc của Nhà thờ Thập Tự Quân của thánh George là tồn tại.


LYSTRA: Là nơi Phao-lô chữa lành người què, kết quả là nhiều người đã coi Phao-lô và Ba-na-ba như các vị thần - gọi Ba-na-ba là thần Zeus và Phao-lô là thần Hermes. Nhưng sau đó dưới sự sách động của người Do-thái đến từ An-ti-ốt, họ ném đá Phao-lô và bỏ mặc Phao-lô cho đến chết.

Việc nhận ra thành Lít-trơ, mãi đến 1885 mới chắc chắn, lúc ấy J.R.S.Sterrett khám phá một bàn thờ La-mã có khắc chữ, bàn thờ cao 3,5feet và dày 1feet trên một mô đất khoảng 25 dặm tây nam Iconium. Trên miếng đá ấy có dòng chữ LYSTRA bằng tiếng La-tinh cùng với lời tuyên bố rằng Lít-trơ trở thành thuộc địa La-mã dưới sự thống trị của Augustus Caesar.


Viện Thần Học.



bottom of page