top of page

Khảo Cổ Kinh Thánh ( Mẫu Tự M )

Hung Tran

May 8, 2023

Hàng ngàn các chứng cớ “ngoại tại” chứng thực các câu chuyện kể trong Kinh Thánh đang được phơi bày...



MARESHAH: Là quê hương của nhà tiên tri Mi-chê và của Ê-li-ê-xe, con trai của Đô-đa-va, là người nói tiên tri về sự bể nát của tàu bè thuộc Giô-sa-phát để rồi họ không thể đi đến Ta-rê-si được: “Khi ấy, Ê-li-ê-xe, con trai Đô-đa-va ở Ma-rê-sa, nói tiên tri về vua Giô-sa-phát, mà rằng: Bởi vì vua kết giao với A-cha-xia, nên Đức Giê-hô-va đã hủy phá công việc vua; những tàu bèn bị bể nát, không vượt đi Ta-rê-si được.” (IISu 2Sb 20:37).

Giê-rô-bô-am xây công sự Mareshad và A-sa không những củng cố những công sự nầy mà còn nhờ đánh bại đội quân Ê-thi-ô-bi dưới sự lãnh đạo của Xê-rách (IISu 2Sb 14:12). Thành phố đi đến chỗ diệt vong vào năm 40 TC là lúc người Parthian tàn phá nó.

Mô đất tròn có diện tích 6 acres được Bliss và Macalister khai quật vào 1898-1900 và phát hiện các bức tường, cổng và tòa nhà thuộc thời kỳ Hê-lê-nít (333-63 TC). Đây là cấp độ cư ngụ bên trên cấp độ mà tiên tri Mi-chê đã từng sống. Vào 1902 J.P.Peters khám phá “Ngôi mộ sơn của Marissa” ngày này trở nên nổi tiếng, khoảng vài trăm feet đông bắc Marissa. Những ngôi mộ này vượt xa các ngôi mộ khác tại Palestine về vẻ đẹp và kiểu dáng. Đó là những ngôi mộ tư nhân của di dân người Si-đôn sống tại Mareshad khoảng thế kỷ thứ ba trước Công nguyên.


MARI: Một thành phố cổ quan trọng trên khoảng giữa sông Ơ-phơ-rát, ngày nay mang tên là Tell Harari. Vị trí chiến lược ở chỗ nó là thành phố ở nửa đường của Carchemish và Ba-by-lôn.

Giáo sư Andre Parrot bắt đầu khai quật trên mô đất 300 acres vào năm 1933, và trong nhiều chiến dịch ông đã khám phá rất nhiều vật chất miêu tả đời sống trong thời đại phụ hệ. Ông phát hiện một cung vua của Zimri-lim là vua xứ Mari, cung vua này choán 7 acres với hơn 250 phòng và sân, ngoài ra còn có các thính phòng, phòng hành chánh, và chỗ ở cho các quan chức đến viếng từ các vùng đất khác. Trong số đó có 2 phòng là phòng nhà trường được dùng để dạy bọn trẻ đọc, viết và làm toán số học nhằm huấn luyện chúng vào đời, nhất là để trở thành thầy thông giáo tương lai. Tại trung tâm cung vua là nhà nguyện riêng của vua, ở đó có ba sân lộ thiên, sân trong cùng dài 75 feet với những bức tường cao 30feet. Trong nguyện đường nầy có bức tượng Ishtar là nữ thần về sinh nở. Nước chảy xuyên qua bức tượng và ra khỏi một cái bình đặt trên tay của nữ thần. Đây là nữ thần mà người Hê-bơ-rơ gọi là “Át-tạt-tê nữ thần của dân Si-đôn” (IVua 1V 11:33).

Trong phòng lưu trữ hồ sơ của cung vua, người ta khai quật được hơn 20.000 phiến đá. Trong đó khoảng 5000 phiến là những bức thư gửi đến vua từ các quan chức địa phương của nước Mari. Những phiến đá còn lại là những lá thư ngoại giao từ hoàng tử và các nhà thống trị trên khắp cõi Mê-sô-bô-ta-mi và Sy-ri. Có những lá thư của Hammurabi là vua Ba-by-lôn gửi người khác vào thời Mari thất thủ là năm trị vì thứ 32 của Zimri-lim. Trong các thư của quan chức địa phương có sự nhắc thường xuyên đến các thành phố Haran, Nahor, Serug, Peleg và “mô đất Terah” - những nơi được đề cập đến trong Cựu Ước. Những tên người như Reu, Terah, Nahor, Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp, Giô-sép, Bên-gia-min và Đa-vít là rất bình thường trong những lá thư này đến nỗi Tiến sĩ Albright phải nói rằng:

Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp dường như không còn là những nhân vật biệt lập, càng không phản ánh lịch sử của người Y-sơ-ra-ên sau nầy; giờ đây họ dường như là những đứa con thực sự trong thời đại của họ, mang cùng tên, di chuyển trên cùng lãnh thổ, thăm viếng cùng thị trấn (nhất là Haran và Nabor), sống với cùng những tập tục của người cùng thời đại.



MASADA: Một trong những công sự thiên nhiên đáng ngạc nhiên nhất của thế giới, là một núi mặt bàn có đỉnh phẳng và đường bệ choán diện tích 23 acres, 10 dặm phía nam Ên Ghê-đi và 2,5 dặm cách bờ tây của Biển Chết. Hình dạng của nó trông giống một con tàu khổng lồ dài 610m (2000feet) và bề ngang 1000feet ở phần giữa, nó nhọn về phía mũi đất tại phía bắc và phía nam. Hai bên của Madasa gồm toàn là vách đá cao 1000feet, phía trên đồng vắng Giu-đê cằn cỗi và 1300feet trên mực nước của Biển Chết.

Hầu như không thể tiếp cận được, và xa rời các tuyến du lịch bình thường, lần đầu tiên nó được Giô-na-than thầy tế lễ thượng phẩm xây công sự như là nơi ẩn náu hoàng gia vào thế kỷ 2 TC, lúc đó nó được đặt tên là Masada.

Vào năm 40 TC, Hê-rốt cùng gia đình từ Giê-ru-sa-lem bỏ chạy đến Masada để trốn tránh Mattathian Antigonus là người được dân Parthian tôn tên làm vua. Bỏ lại gia đình và người em của mình là Giô-sép cũng như 800 người đàn ông cùng phòng thủ Masada trong sự bao vây, Hê-rốt đi đến Rô-ma để cầu xin sự giúp đỡ. Trong trường hợp này pháo đài đó đã chứng tỏ giá trị của nó, sau khi trở về từ La-mã, Hê-rốt chọn Masada làm nơi ẩn náu và tỵ nạn trong trường hợp nếu có tấn công từ phía Cleopatra của Ai-cập hoặc trong trường hợp người Do-thái tìm cách truất phế ông và khôi phục triều đại trước trở lại nắm chính quyền.

Giữa các năm 36 và 30 TC, Hê-rốt bao bọc toàn bộ đỉnh cao nguyên bằng một bức tường lớn màu trắng của hầm xây cuốn dài 4590feet, cao 22feet, và bề ngang 13feet, có 3 cổng và 30 tháp phòng ngự. Bức tường và những cái tháp được tô trát với trát vữa trắng. Trong lúc hoàng tộc cư ngụ ở đây, ông xây “tây cung”, đó là một tòa nhà đẹp cực kỳ, rộng với phòng ngai vua, phòng khách và khu tiếp khách với các nhà tắm sang trọng, các sàn ghép màu mè và những căn hộ xa hoa. Quanh quẩn cung vua và các nơi khác trên đá mặt bàn nầy là cổng có hàng cột, tu viện, hành lang, hồ chứa nước, lùm cây, vườn hoa, và buồng kho chứa vũ khí và lương thực đủ cung cấp cho cả ngàn người đàn ông trong nhiều năm. “Và nó là một thành lũy được xây công sự bởi thiên nhiên và bởi bàn tay con người.” Sau đó, để làm cho việc ẩn náu an toàn hơn và nhiều lạc thú hơn, ông đã đưa các hoạt động kiến trúc đến vách đá cheo leo ở phía bắc Masada, tại đó ông đã dựng lên một cung treo ba tầng, đó là một kỳ quan kiến trúc của thế giới cổ đại.

Nhưng Hê-rốt chỉ sử dụng Masada như nơi nghỉ đông không thường xuyên và có lẽ chỉ dành cho vài chuyến đi để nghỉ ngơi. Sau khi Hê-rốt mất vào năm 4 TC, một đơn vị đồn trú La-mã đóng tại Masada và sự chiếm đóng này tiếp tục cho đến năm 66 SC, là lúc bùng nổ một cuộc dấy loạn qui mô lớn của người Do-thái trên khắp vùng. Vào thời điểm ấy người Do-thái đã tấn công chớp nhoáng vào Masada và đuổi quân La-mã ra khỏi nơi này. Bởi vì cuộc đánh nhau tiếp diễn trên khắp Palestine, càng có nhiều người Do-thái đầy nhiệt huyết đã đến Maada

Sau khi Giê-ru-sa-lem thất thủ vào tay Titus vào năm 70SC, một số ít người Do-thái sống sót sau khi trốn thoát được sự phu tù đã tìm cách băng qua đồng vắng Giu-đê để đến Masada và gia nhập cùng những người yêu nước với quyết tâm tiếp tục chiến đấu vì tự do. Vào mùa thu năm 72 SC, viên đại tướng La-mã là Flavius Silva dẫn quân lê dương thứ 10 cùng với quân đội dự bị và hàng ngàn tù binh chiến tranh người Do-thái đến bao vây Masada, lúc đó lãnh tụ của các tín đồ Do-thái giáo Xê-lốt là ông Ê-lê-a-sa đã phòng thủ Masada. Những con người yêu nước này đã phòng ngự trong nhiều tháng trời, cuối cùng thì người La-mã xây xong một dốc thoai thoải to lớn bằng đất đi lên đỉnh núi, dộng những phiến gỗ nặng vào tường và phóng hỏa vào công sự, những con người phòng thủ thấy rằng họ không thể chống cự được nữa. Ê-lê-a-sa đã đọc một bài diễn thuyết trong đó ông trình bày nỗi khủng khiếp về vận mệnh đang chờ đón họ là bị bắt làm tù binh, và khẩn cầu họ hãy tự sát hơn là rơi vào tay kẻ thù. Đội quân đồn trú đồng ý.

Ôm lấy người thân yêu, rồi dùng gươm hoặc dao găm, họ dâm lẫn nhau những nhát chí tử. Gom góp tất cả tài sản rồi chất đống và đốt. Ngày hôm sau họ rút thăm chọn ra 10 người để giết những người còn lại. Khi 10 người ấy làm xong công tác, một lần nữa họ rút thăm chọn ra một người để giết 9 người kia rồi tự sát. Trong sự yên lặng, kẻ thù chẳng nghi ngờ điều gì, đó là một trong những bi kịch thống thiết nhất trong lịch sử nhân loại.

Ngày hôm sau, 15 tháng 4 năm 73 SC, người La-mã đã chiếm pháo đài mà họ đã tốn công sức bao vây suốt thời gian dài, họ chỉ tìm thấy 2 phụ nữ, 5 trẻ em còn sống và ẩn núp, cùng với 960 xác chết. Một sự yên lặng đáng sợ đã thay chỗ cho sự huyên náo mà họ dự kiến.

Khi quân Lê dương thứ 10 nhổ trại và tiến quân ngược về Giê-ru-sa-lem, một ít binh lính ở lại canh gác pháo đài trong vài năm, sau đó bỏ hoang Masada và biến thành đống hư tàn trong suốt 19 thế kỷ tiếp sau đó.

Địa điểm lần đầu tiên được nhận ra bởi Edward Robinson vào 1838, và sau đó các nhà thám hiểm khác đã đến viếng và mô tả về nó. Tuy nhiên, sự quan tâm lớn được nhắm vào Masada vào 1953 vào lúc S.Guttman lần ra dấu vết “con đường mòn ngoằn ngoèo” ở phía đông, ở đó có hệ thống cấp nước của Hê-rốt, lập ra được đường nét tổng quát của các tòa nhà và dẫn dắt những đoàn nghiên cứu của thanh niên vượt bao gian nan để đi bộ đến Masada. Ông kêu gọi hãy tiến hành công cuộc khai quật quy mô lớn vì đó là địa điểm quan trọng.

Một cuộc thăm dò khảo cổ học chu đáo được thực hiện vào 1955-1956 bởi một đoàn thám hiểm Y-sơ-ra-ên hỗn hợp bao gồm nhà khảo cổ học M.Avi-Yonah, N.Avigad, I.Dunnayevsky và những người tình nguyện khác. Tiếp sau đó là ba mùa khai quật quy mô lớn từ 1963 đến 1965 dưới sự chỉ đạo của Giáo sư Yegael Yadin, tài trợ bởi Đại học Hê-bơ-rơ, Hội Thám Hiểm Y-sơ-ra-ên, và Ban Cổ Vật Y-sơ-ra-ên và Viện Bảo Tàng. Những quỹ tư nhân đến từ nước Anh cộng thêm một lời thông báo ngắn trên tờ báo Giê-ru-sa-lem Post và một loạt những bài viết xuất sắc của Patric O'Donovan trên tờ “Nhà quan sát Luân-đôn” đã mang lại đầy đủ ngân quỹ và hàng trăm thanh niên tình nguyện - người Do-thái hoặc ngoại bang đến từ Y-sơ-ra-ên và 28 quốc gia khác trên thế giới.

Một địa điểm làm trại được chọn ở phía tây, tại chân núi của dốc thoai thoải, gần căn cứ của trại lính La-mã ngày xưa. Với sự giúp đỡ tài tình của Đội Công binh, mặt đất được san bằng và chuẩn bị cho trại cơ sở. Các tòa nhà được xây dựng để làm văn phòng và xưởng của đoàn viễn chinh và lều trại được dựng lên cho các thành viên nhân viên thường trực và những người tình nguyện. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, việc khai quật một trong những địa điểm khảo cổ trên thế giới bắt đầu.


Hệ thống nước.


Một tổ thanh niên tình nguyện leo dọc dốc bắc phía dưới của tảng đá khổng lồ để khảo sát hai dãy trông giống những cái hang đen ngòm, dãy này ở phía trên dãy kia. Người ta chứng minh được đó là 12 hồ chứa nước hình vuông khổng lồ được đẽo thành hai hàng song song. Sau khi dọn sạch, mỗi hồ chứa ước tính có dung tích 3964,3 m3. Cùng lúc 12 hồ chứa có thể chứa tới 1.400.000feet khối nước. Trên hai sông cạn, Hê-rốt xây hai đập nước để làm chệch dòng nước mưa đi vào một kênh đào lộ thiên dẫn vào các hồ chứa nầy. Nước từ các hồ chứa được mang bởi các đầy tớ và lừa lên một dãy hồ chứa khác ở trên đỉnh cao nguyên.

Tường. Các nhà khai quật phát hiện toàn bộ đỉnh của Masada đều được bao bọc ngoại trừ mũi nhọn ở phía bắc với một bức tường hầm xây cuốn (khoảng không gian bên trong bức tường chia ra thành nhiều căn buồng). Chu vi của nó đo được 4590feet rất khớp một cách chính xác với 7 stadia theo cách tính của sử gia Josephus. Bức tường có 70 phòng, 30 tháp và 4 cái cổng tinh xảo.

-“Cung Treo” Ba Tầng của Hê-rốt. Tại mũi cực bắc của Masada, tại một nơi trên vách đá cheo leo, các nhà khai quật tìm thấy biệt thự hoàng gia ba tầng của vua Hê-rốt. Cung điện xa hoa của ông có được khí hậu mát nhất, thiên nhiên tạo lợi thế tối ưu cho việc phòng thủ, từ cung treo có thể nhìn thấy rõ khắp vùng chung quanh.

Tầng trên, được dùng làm nơi ở của Hê-rốt, có 4 căn hộ rộng và trang trí nhiều, vài hành lang, và một bao-lơn rộng hình bán nguyệt, trải dài đến mép vách đá. Tất cả sàn đều lát ván ghép màu trắng hay đen, sắp xếp theo các mô hình hình học.

Tầng giữa, cách tầng trên 60feet, là một cái đỉnh hình tròn có mái chống bằng cột, được thiết kế làm nơi thư giãn và giải trí. Quang cảnh nhìn từ đây thật tuyệt vời.

Tầng dưới, cách tầng giữa 50feet, bao gồm một căn hộ xây công phu, có nhiêù phòng, nhà tắm riêng trên diện tích 54feet x 54feet, bao quanh bằng hai dãy cột tạo thành hàng cột đôi. Các bức tường làm bằng đá hoa giả lắp đá quý. Những tranh tường tráng lệ trang trí bức tường phía nam được sơn kỹ đến nỗi chúng vẫn còn nguyên suốt 2000 năm. Tại đây Hê-rốt có thể thưởng ngoạn cùng với bạn bè, nhà tắm giúp ông sảng khoái, rồi dự yến tiệc, hay thong dong tựa vào cột hoặc tường hoa trong lúc đưa mắt khắp cảnh trí quanh mình.

Cầu thang trong nối liền ba tầng, được thiết kế kín đáo. Một bức tường gia cố thật chắc cao 80feet được xây trên vách cheo leo phía dưới tầng dưới của ngôi biệt thự treo.

-“Tây cung”. Ngoài biệt thự hoàng gia ba tầng, Hê-rốt xây dựng một cung lễ chính thức, chủ yếu gọi là “hoàng cung” trên triền núi phía tây của Masada. Tòa nhà lớn nhất trên đỉnh núi này gồm bốn chái, choán diện tích khoảng 3345,5m2 (36000feet vuông). Trong cung có các căn hộ hoàng gia, xây quanh một sân trung tâm lớn và đại sảnh tiếp tân trang hoàng tráng lệ dẫn vào trong phòng ngai vua. Trong đó có khu nhà hành chánh, các căn hộ xa hoa, các phòng khách, các phòng tắm xa xỉ có bồn tắm, một hồ nước lạnh, các phòng phục vụ gồm một nhà bếp với các lò nấu lớn đủ để cùng lúc có thể nấu tử 10-12 nồi. Buồng kho dài 64m (210feet). Ba cung điện nhỏ trang hoàng lộng lẫy ở gần đó có thể là nhà ở của thành viên trong hoàng tộc. Phía bắc của ba cung điện nhỏ là hai tòa nhà hình chữ nhật, hiển nhiên là trung tâm hành chánh và nhà ở của các viên chức cao cấp.

Nhà tắm. Phía nam tây cung là một nhà tắm rộng lớn với sân rộng tại đó người ta có thể viếng thăm, luận bàn việc đời hoặc chỉ la cà cho hết thì giờ. Buồng trước trang trí đẹp được dùng để thay quần áo. Căn phòng lớn nhất là một phòng tắm nóng, bên dưới là một sàn nhà khác. Giữa hai sàn nhà có hơn 200 cây cột để gia cố sàn nền và hình thành một khu đốt lửa để tỏa ra hơi nóng. Sát bên phòng tắm nóng là phòng tắm ấm và kế bên nữa là phòng tắm lạnh. Đó là một mô hình phòng tắm thượng lưu thịnh hành trong thời La-mã đế quốc.

Nhà kho. Phức hợp nhà kho nằm phía đông nam nhà tắm, gồm hai tòa nhà rộng hình chữ nhật xây bằng những phiến đá mỏng. Tòa nhà phía đông có 4 phòng, phòng rộng ở phía nam có 11 phòng hẹp dài một cách đáng ngạc nhiên. Bắp, rượu, dầu ăn, bột, đậu và trái cây các loại - mỗi thứ được chứa trong buồng riêng bằng những bình chứa đặc biệt - được bảo quản cẩn thận và còn trong tình trạng tốt vào lúc người La-mã tiếp quản. Có những vò rượu trên quai có khắc câu gửi đến Hê-rốt là vua xứ Giu-đê vào năm 19TC. Những bình chứa khác mang chữ khắc bằng tiếng Hê-bơ-rơ và A-ram. Nhiều khí mảnh thời Hê-rốt đã được những người phòng thủ Masada sử dụng.

Chung cư . Chung cư rộng lớn ngay phía nam buồng kho có nhiều căn để ở giống những căn được xây xung quanh sân trung tâm của tây cung. Mội đơn vị cư trú có một sân riêng và hai phòng nhỏ, có lẽ là nhà ở dành cho các quan chức cấp cao.

Những tòa nhà khác nhỏ hơn, chẳng hạn như nhà hội và nơi tắm lễ thì nằm sát bên bức tường hầm xây cuốn ở phía tây nam.

Hài cốt của người Do-thái theo phái Xê-lốt . Trong lúc Eleazar ben Ya'ir và gần 1000 thành viên phái Xê-lốt người Do-thái sống tại Masada, họ sử dụng hạn chế hai tòa nhà lớn thuộc cung điện, các dãy nhà ở, buồng kho, nhà tắm, nhà bếp, nhà hội và các nhà nhỏ khác. Tuy nhiên, nhiều người đã sống trong những căn phòng rộng bên trong bức tường và tháp của hầm xây cuốn, và sống trong những kiến trúc khiêm nhường nhất do chính họ dựng lên trên khoảng đất trống.

Ngay khi dọn sạch đống gạch đổ nát từ khu nhà tắm riêng ở tầng dưới trong cung du ngoạn của Hê-rốt, các nhà khai quật tìm thấy ba hài cốt nằm trên bậc thang gần hồ nước lạnh. Một hài cốt là của người đàn ông độ 20 tuổi, có lẽ là một trong những viên chỉ huy tại Masada. Gần đó là hàng trăm vảy bạc của áo giáp, hàng chục đầu mũi tên bằng sát, những đoạn của khăn trùm đầu cầu nguyện, một mảnh sành khắc bằng ký tự Hê-bơ-rơ. Yadin nói: “Trên bậc thang cũng có bộ xương của một thiếu phụ, với da đầu còn nguyên vẹn nhờ bầu không khí hết sức khô ráo. Mái tóc đen của cô ta thắt bím rất đẹp trông giống như vừa mới chải bới xong. Kế bên là lớp trát vữa bị hoen ố trông giống như máu. Bên cạnh thiếu nữ là đôi dép da có kiểu dáng tinh xảo và đúng thời trang lúc ấy. Bộ xương thứ ba của đứa bé. Không còn nghi ngờ gì, cặp mắt chúng ta đang nhìn vào hài cốt của những người đang phòng vệ Masada… Ngay cả những cựu chiến binh và người hay giễu cợt trong vòng chúng ta phải đứng ngây ra và nhìn chăm chăm với sự sợ hãi.”

Trong tầng giữa của biệt thự cung điện, người ta tìm thấy hàng trăm mũi tên chất thành đống và có lẽ định châm lửa đốt. Những mũi tên khác được tìm thấy trong tây cung và những nơi khác của Masada.

Những bộ sưu tập lớn về đồng tiền được tìm thấy trong tòa nhà công cộng của Masada, chẳng hạn như nhà kho, nhà tắm, nhà tắm lễ, lò làm bánh. Hầu hết những đồng tiền đều mang hình lá nho ở mặt này và hình ly tiệc thánh ở mặt kia. Câu khắc bằng tiếng Hê-bơ-rơ đọc là: “Vì tự do của Si-ôn.” Trong một cái túi trên sàn nhà, người ta tìm thấy 38 siếc-lơ bạc và nửa siếc-lơ bạc được đúc vào năm thứ 4 của cuộc nổi dậy, di tích của cái túi vải còn dính vào các đồng xu. Gần đó là một lớp tro dày, một cái hộp bằng đồng thiếc, trong đó có 6 đồng xu siếc-lơ bạc và 6 đồng xu nửa siếc-lơ.

Trong hai dãy nhà kho lớn có hàgn trăm bình chứa bị vỡ có chứa thức ăn còn sót lại. Nhiều cái bình mang nhãn hiệu mô tả nội dung bằng tiếng A-ram hay Hê-bơ-rơ. Một số bình mang câu khắc bằng tiếng Hê-bơ-rơ, cho biết tên của sở hữu chủ. Vài khí mạnh mang ký tự Tav, tiêu biểu cho từ Hê-bơ-rơ là Truma (“đặc quyền của thầy tế lễ”) biểu thị rằng những người phòng thủ Masada tuân thủ nghiêm ngặt vào những điều răn chẳng hạn như việc dâng phần mười này. Nhiều cái đĩa mà người phòng thủ dùng để ăn bữa được làm bằng đá tương tự như đồ đá được tìm thấy tại Giê-ri-cô thời kỳ đầu.

Trong một buồng kho chứa thiếc và các kim loại khác. Vài buồng kho thì hoàn toàn trống, chẳng có khí mạnh hoặc dấu hiệu gì về ngọn lửa, như vậy trông có vẻ tạo cho ta niềm tin vào cách giải thích của Josephus rằng, kho lương thực nào đó cố tình bỏ lại để người La-mã biết rằng những người phòng thủ Masada chết vì sự chọn lựa của chính họ chứ không phải chết đói. Các buồng kho không bị hư hại hiện nay có lẽ là một trong những cái buồng mà người Xê-lốt đã để lương thực, sau đó người La-mã chiếm và sử dụng só lương thực nầy.

Trong 110 phòng dọc bức tường hầm xây cuốn, và trong những căn nhà của phái Xê-lốt, các nhà khai quật tìm thấy những đống tro tàn có tàn tích của quần áo, dép, đèn, lược và vật dụng “kể về câu chuyện…có lẽ chỉ vài phút trước sự kết thúc, từng gia đình đã cùng gom góp các vật tùy thân ít ỏi rồi nổi lửa thiêu đốt tất cả như thế nào…những đống tro tàn này có lẽ là những cảnh tượng làm mủi lòng chúng tôi nhất trong những cuộc khai quật.”

Khám phá gây xúc động nhất là những đoạn của 14 cuộn da dê, trong đó gồm một phần của các sách Sáng-thế ký, Lê-vi ký, Phục-truyền luật-lệ ký, Thi-thiên, Ê-xe-chi-ên, mà về bản văn cũng như cách đánh vần thì giống y như Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ truyền thống. Họ cũng tìm thấy một đoạn của sách Jbilees nguyên gốc bằng tiếng Hê-bơ-rơ đã bị thất lạc từ lâu, một bản của sách Truyền đạo (Sự khôn ngoan của Ben-Sira), nguyên gốc bằng tiếng Hê-bơ-rơ đã thất lạc, và một phần của cuộn giống y với một cuộn của những Cuộn Biển Chết. Cuộn này dường như nói lên rằng, ít nhất là một số tín đồ khổ tu dòng Essence đến từ Qumran đã tham gia cuộc dấy loạn cùng với tín đồ Xê-lốt. Trong số khoảng 700 mảnh sành có câu khắc được phát hiện, thì 11 mảnh vỡ nhỏ gây sự quan tâm hơn cả, mỗi mảnh mang một tên khác nhau, nhưng đều được viết bởi một người. Một mảnh vỡ có ghi tên “Ben Yair” rất có thể là tên của viên chỉ huy gan dạ. Thực ra những mảnh sành có câu khắc này có thể là do 10 người đàn ông sống sót cuối cùng vẽ để quyết định ai là người trong số họ sẽ giết những người kia trước khi tự sát.

Phần lớn Masada đã được làm cho dễ tiếp cận một cách hấp dẫn đối với du khách ngày nay bằng cách lắp đặt một ô-tô cáp có thể đưa du khách đi vùn vụt trong vài phút từ Biển Chết đến đỉnh cao nguyên. Khách tham quan có thể thưởng ngoạn cảnh đẹp khắp phía bắc, tây, nam, khắp vùng sa mạc xung quanh đồng vắng Giu-đê, trên độ cao đến nín thở. Về phía đông là Biển Chết xanh biếc cùng bán đảo El Lisan màu trắng xám trông lạ mắt, xa hơn là ngọn núi Mô-áp, từ đó có thể nhìn xuống các công sự bao vây và trại khác nhau của người La-mã và có thể bách bộ xuyên qua các cung điện của vua Hê-rốt, tham quan những nhà tắm cá nhân, chiêm ngưỡng đại sảnh có hàng cột, sàn nhà bằng đá hoa hay ván ghép, những bức tường đầy màu sắc của vua. Du khách có thể ngồi trong nhà hội của người Do-thái, tại đó người ta đã phát hiện những mảnh, đoạn của cuộn Kinh Thánh từ thế kỷ 1 SC, ngắm nhìn những bức tường vừng chắc của pháo đài, những cái cổng kiến trúc cầu kỳ. Bằng trí tưởng tượng, du khách có thể sống lại thời kỳ căng thẳng và khủng khiếp của thành viên Xê-lốt, đã cố thủ trên pháo đài núi, nhìn xuống các binh sĩ La-mã cùng với các phu tù Do-thái bị bắt tại Giê-ru-sa-lem vào 70 SC, thế nào họ đã xây dựng cái dốc thoai thoải bằng đất, để cuối cùng trở thành phương tiện định đoạt số phận của họ.

Du khách dễ dàng rơi vào sự quyến rủ của Masada, và hiểu được dễ dàng tại sao nó trở thành nơi hấp dẫn lớn đối với du khách, một nơi thiêng liêng cấp quốc gia đối với Y-sơ-ra-ên và là nơi lôi cuốn hàng ngàn thanh niên Do-thái của thế hệ chúng ta leo lên đỉnh của nó mỗi chuyến hành hương trang trọng. Trên đỉnh cao của Masada, các tân binh của đơn vị thiết giáp thuộc lực lượng quốc phòng Y-sơ-ra-ên hiện đại, đã tuyên thệ trung thành với câu nói làm cảm động lòng người: “Masada sẽ chẳng bao giờ thất thủ nữa!”


MEDEBA: Một trong những thành phố quan trọng của Mô-áp, và là quê hương theo truyền thuyết của Ru-tơ và Ọt-ba, tại nơi đây, một bản đồ ghép lớn về Đất Thánh được phát hiện vào năm 1896. Bản đồ có kích thước 40 x 60 feet, mô tả vùng đất từ Ai-cập đến Constantinople. Địa danh được ghi bằng các ký tự Hy-lạp, biển màu xanh lá cây đậm, bình nguyên màu nâu nhạt, núi màu nâu sẫm. Biển Chết, sông Giô-đanh và Giê-ru-sa-lem còn được bảo tồn tốt. Bản đồ ấy hiện đang đặt tại sàn nhà của nhà thờ Hy-lạp tạ Masada, được trưng bày cho hàng ngàn du khách đến viếng thành phố, nhà thờ cách phía đông núi Nê-bô khoảng 3 dặm.


MEGIDDO: “Thành phố xe ngựa” canh giữ lối đi vào đèo Mê-ghi-đô, được Tiến sĩ G.Schumacher khai quật vào 1903-1905. Ông đào một đường hào cắt ngang mô đất có diện tích 13 acres. Những khám phá kém quant rọng bị lu mờ bởi sự khám phá một con dấu rất đẹp bằng ngọc thạch anh với dòng chữ “Shema, quan chức của Giê-rô-bô-am”. Con dấu thuộc thời đại Giê-rô-bô-am I (931 - 910 TC), và có lẽ là con dấu của quan tổng đốc thành phố.

Vào 1925, Tiến sĩ Henry Breasted tổ chức một đoàn thám hiểm do các Tiến sĩ Rockefeller, phó Tiến sĩ Clarence S.Fisher chỉ đạo công việc cho tới năm 1927 và ông P.L.O.Guy tiếp tục công việc cho tới 1934 là năm Gordon Laud đảm nhận trách nhiệm chỉ huy đoàn.

Nhiều khám phá được thực hiện tại Mê-ghi-đô. Trong số đó, trước hết là mảnh vỡ của một bia có khắc tên Sheauk bằng chữ tượng hình cổ đại - Si-sắc được nói đến trong Kinh Thánh như là người đã dùng Mê-ghi-đô như là căn cứ để thực hiện thành công cuộc đột kích vào Palestine (IVua 1V 14:25, 26). Điều này đã chứng minh một cách sống động lời kể trong Kinh Thánh, Tiến sĩ Breasted đã nói một cách xúc động: “Hãy tưởng tượng cảm xúc của tôi khi tôi ngồi trên mô đất và đọc tên Si-sắc trên đài tưởng niệm bị vỡ nầy, và hồi tưởng cách sống động khi tôi là một đứa bé học viên Trường Chúa Nhật mà lúc ấy tôi đọc câu chuyện của chính vị Si-sắc này đã tấn công Palestine và mang đi các chiến lợi phẩm.”

Trên cấp độ cư ngụ thứ tư của Mê-ghi-đô - cấp độ của thời vua Sa-lô-môn - các nhà khai quật tìm thấy chuồng ngựa rào kín đủ chứa 450 ngựa dùng kéo chiến xa. Những chuồng ngựa này được sắp xếp thành khu cho nên mỗi đơn vị có các ngăn riêng, mỗi ngăn chứa 24 con ngựa. Mỗi dãy có 12 ngăn đối diện nhau, tại đầu mỗi dãy có máng đá đựng cỏ hay hạt ngũ cốc cho ngựa ăn. Giữa các dãy chuồng là lối đi trên đó đặt các cỗ xe ngựa hoặc để kéo các cỗ xe ngựa. Gần đó là những khoảnh đất rộng để tập luyện ngựa, kế cận là đống đổ nát của nhà ở dành cho người giữ ngựa.

“Sa-lô-môn có bốn ngàn ngăn chuồng để giữ ngựa và xe ngựa, và mười hai ngàn ngựa để trong thành chứa xe ngựa, và gần bên vua, tại Giê-ru-sa-lem.” (IISu 2Sb 9:25)

Tại cấp độ thứ 7, vào mùa xuân năm 1937, người ta khám phá một bộ sưu tập tuyệt đẹp gồm gần 400 món đồ ngà voi điêu khắc trong tầng hầm cung điện được xây vào khoảng 1150 TC. Đó là những tấm thẻ, hộp, bàn đánh bài hay cờ, tách, chén, muỗng, lược, hạt chuỗi, vòng, những bức tượng nhỏ và những món đồ khác đủ loại, đa dạng hơn cả những gì được tìm thấy ở Sa-ma-ri. Về sự đa dạng và tay nghề thì bộ sưu tập nghệ thuật này có ý nghĩa quan trọng tương quan với nhiều đoạn Kinh Thánh nói về ngà voi.


MEIRON: Nhằm triệt hạ sự kháng cự của người Do-thái, người La-mã đã tàn phá Giê-ru-sa-lem và đền thờ tại đó vào năm 70 SC, tàn phá Masada vào 72-73 SC, tái thiết Giê-ru-sa-lem như là Aelia Capitolina vào 130 SC, đè bẹp cuộc khởi nghĩa cuối cùng của Bar Kochba vào năm 135 SC. Sau những bi kịch này là các lãnh tụ người Do-thái, cùng với đại đa số cư dân Do-thái còn sống sót bỏ chạy khỏi xứ Giu-đê để đến Ga-li-lê. Vào cuối thế kỷ 2 SC, Ga-li-lê thượng lác đác các ngôi làng người Do-thái, một trong bốn làng lớn nhất là Meiron, toạ lạc tại chân đồi phía đông của núi Meiron là ngọn núi cao nhất của Y-sơ-ra-ên (3600feet trên mực nước biển). Lượng mưa dồi dào và về phía đông bắc là một dãi đất rộng lớn trong đó ô-li-ve, cây vả và chà là tươi tốt sum suê.

Trong hai thế kỷ tiếp theo dân chúng đắp cao đất, đào kênh, xây đường phố và hồ chứa nước, và mở rộng việc định cư lên đến đỉnh núi mà tại đó sau rốt họ đã dựng lên nhà hội lớn nhất tại Ga-li-lê. Cùng lúc ấy tính thiêng liêng của Meiron tăng lên nhờ vào một số hiền sĩ nổi tiếng ở đó nghiên cứu Kinh Thánh một cách sâu rộng. Hợp tác với các thầy giáo kiêm học giả khác, họ soạn ra Bộ luật Talmud của người Palestine cùng với bộ luật Talmud của người Ba-by-lôn là Bộ luật truyền khẩu gồm những tranh luận pháp lý liên quan đến các tiểu tiết trong đời sống hằng ngày. Lời truyền khẩu của người Do-thái nói rằng tại đây ra-bi Simon ben Yochai biên soạn cuốn Zohar (“Sách Sáng Chói”) mà thuyết huyền bí của người Do-thái đã được phác thảo từ nguồn cảm hứng của sách nầy. Meiron bị bỏ hoang vào năm 360 SC vì những lý do chưa được biết đến.

Eric và Carol Myers là các giáo sư Khoa Tôn Giáo của Đại học Duke, đã khai quật tại Meiron từ năm 1971 đến 1975. Trên đỉnh núi Meiron, họ tìm thấy nhà hội lớn có từ thế kỷ 3 SC; 2/3 mặt chính diện nhà hội được xây bằng đá đẽo, vẫn còn đứng nguyên theo đúng chiều cao của mày cửa. Trong một khu vực khác họ tìm thấy một tháp hình chữ nhật, vẫn còn nguyên độ cao 7m (20feet) ở vài điểm. Tại khu cư trú họ tìm thấy một tòa nhà công nghiệp gia đình có nhiều phòng, một phòng trong số đó trông có vẻ giống văn phòng hoặc phòng chờ. Trong một nội thất ta thấy những băng dài bằng đá để làm việc và một bục đá hình bán nguyện với các miếng đá có cạnh cong dường như là được dùng để làm thùng có liên quan đến việc buôn bán nổi tiếng về ô-li-ve và dầu ô-li-ve của Meiron. Trong cái phòng khác người ta phát hiện 19 cái bình lớn vẫn còn chứa các chất nguyên thủy như lúa mạch, hồ đào và hạt đậu đũa - phần lớn còn nguyên vẹn nhưng trong tình trạng hóa than. Trong cùng căn phòng người ta tìm thấy một cái chuông đồng thiếc và hai mô hình thủy tinh lớn một cách bất thường, đường kính gần 35,6cm (14 inches). Trong một ngôi mộ nhiều khoang ở phía tây nhà hội, người ta tìm thấy gần 100 bộ xương bị rời ra thành từng mảnh. Trong một ngôi mộ của thế kỷ 1 SC, người ta tìm thấy một bầu mực bằng sứ, có lẽ được chôn cất chung với một thầy thông giáo. Trong một ngôi mộ khác có một chìa khóa kim loại lớn mà ai đó gợi ý rằng rất có thể nhằm ý định đưa ra cách tiếp cận vào “cổng thiên đình.”

Vào những năm sáng sủa hơn, tính thiêng liêng của Meiron được tăng thêm nhờ vào sự mai táng ra-bi Simon ben Ypchai, con của ông là ra-bi Eleazer; ra-bi Akiba; và ngay cả các ra-bi Hillel và ra-bi Shamai - tât cả là học giả lừng danh về sự diễn giải bộ luật Môi-se và bộ luật Talmud.

Vào ngày giỗ của ra-bi Simon ben Yochai, Meiron trở thành trung tâm hành hương của người Do-thái, có tầm quan trọng chỉ đứng sau Giê-ru-sa-lem mà thôi.



MEMPHIS: Thủ đô của Ai-cập vào thời kỳ cổ xưa nhất, và là thành phố thương mại cổ đại lớn nhất của Ai-cập, nằm tại bờ tây sông Nile, cách Cairo 14 dặm về phía nam. Người thống trị đầu tiên của Liên hiệp Ai-cập là Menes, đã xây dựng thành phố nầy.

Tại đây Áp-ra-ham và Sa-ra và người cháu trai là Lót đã đến cách đây 4000 năm. Tại đây Giô-sép đã bị bán như là tên nô lệ và sau đó trở thành tể tướng của Ai-cập. Đây cũng là nơi Môi-se được lớn lên, học hỏi mọi khôn ngoan của Ai-cập, cũng là nơi Môi-se và A-rôn đã đứng trước Pha-ra-ôn, yêu cầu vua cho dân Y-sơ-ra-ên ra đi.

Tại Memphis, “vua Pha-ra-ôn và tất cả quan chức, mọi người dân Ai-cập thức dậy trong đêm, có tiếng khóc thảm thiết trên đất Ai-cập vì không có nhà nào mà không có người chết” (XuXh 12:30).

Là một trung tâm văn hóa chính, Memphis chủ yếu thờ thần Ptah và bò đực linh thiêng Apis. Theo tín ngưỡng của người Ai-cập thì Ptah là “tinh thần của vũ trụ” là vị thần sáng tạo ra các thần khác và con người bằng sự suy nghĩ. Vị thần đặc biệt được kính trọng bởi nghệ nhân, thợ thủ công lành nghề, và người trí thức. Osiris là vị thần của người sống và người chết. Hầu hết các giai đoạn của đời sống ở đây và sau nầy đều do Osiris kiếm soát bằng cách này hay cách khác. Đối với Bò đực linh thiêng Apis, một đền thờ tráng lệ đã được xây dựng được biết như “nhà thờ chính tòa” của Ai-cập. Hai đền thờ đồ sộ này - của Ptah và Apis - được liên kết bằng một đại lộ dài của tượng quái vật đầu đàn bà mình sư tử.

Vào thời cực thịnh thì thành phố có kích thước dài khoảng 8 dặm và ngang 4 dặm, với dân số gần nửa triệu.

Memphis bị tàn phá vào năm 70 SC bởi sự xâm lăng của Ả-rập và nhiều thành phố mới của Ả-rập được xây dựng trên những đống đổ nát của nó, tên là Fostat, trên bờ đông sông Nile. Di tích duy nhất của Memphis “là ở dạng những kiến trúc đổ nát, những khối granít, những bức tượng và đài tưởng niệm đổ nát, và những đường phố có hàng cột thạch cao tuyết hoa, những thứ ấy đều bị chôn vùi từ 10-12feet dưới lớp cát trôi mãi đến nửa cuói thế kỷ 19, lúc đó các nhà khai quật mới có thể cho thấy sơ đồ bố trí của Memphis và đưa ra nhiều món đồ lý thú đã chôn vùi dưới lớp cát sa mạc từ 1200 đến 2000 năm.”

Nhiều nhà khai quật khám phá tàn tích của bốn ngôi đền thờ Ptah, Proteus, Isis và Apis, đều do Psammetichus. Họ tìm thấy tàn tích của hai cung điện và một pháo đài có diện tích 2 acres và có một sân rộng khoảng 929m2. Sau đó họ tìm thấy một tượng khổng lồ của Rameses II và một bức tượng khác nhỏ hơn cũng của ông vua nầy, và một tượng quái vật đầu đàn bà mình sư tử bằng thạch cao tuyết hoa, to lớn và đẹp, dài 26feet, cao 14feet, cân nặng 80 tấn. Vào năm 1928, tác giả lúc ấy là khách của Reisner, đã nhìn họ tìm thấy những con phố rộng và lát đá, có lề bằng những hàng cột thạch cao tuyết hoa dài và đẹp. Nhưng trong số tất cả những khám phá tại Memphis hay gần Memphis thì nghĩa địa ở phía tây thành phố là cái đáng quan tâm nhất và bộc lộ nhiều điều hơn cả.

Tại đây, dọc theo rìa sa mạc, ngoài tầm ngập lụt của nước sông Nile và để hoà hợp ý tưởng bất tử của người Ai-cập, là một nghĩa trang rộng lớn với bề ngang 2 dặm và bề dài khoảng 60 dặm, bắt đầu từ Kim Tự Tháp Abu Roash ở phía bắc và kết thúc bằng Kim Tự Tháp Lahun đông nam Fayum. Giống như một bãi tha ma khổng lồ 17 dặm thuộc “thành phố yên lặng của kẻ chết” thì hết sức chen chúc các hài cốt khoảng 40 đến 50 triệu thú vật, đàn ông, đàn bà, trẻ con và cả Pha-ra-ôn nữa. Một só hài cốt chỉ được phủ bằng lớp cát, một số được chôn trong mồ mã được đào kỹ lưỡng, một số nằm trong các mộ hình thuỗng được xây kiên cố, và một số khác trong hơn 70 kim tự tháp - một nghĩa địa hoang đường mà người cổ đại đã bỏ các xác chết tại đó. Có lẽ không có một nghĩa trang nào trên thế giới lại rộng lớn và nổi tiếng như vậy. Thật là thoả đáng khi tiên tri Ô-sê kêu lên: “…Mem-phi sẽ chôn chúng nó.” (OsHs 9:6) bởi vì chắc chắn là họ đã chôn cất với một quy mô chưa từng thấy ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Đống hư tàn của đền thờ chính tòa của thần Apis hoặc Bò Đực Linh Thiêng đã được tìm thấy, và dưới nó người ta phát hiện một đại lộ ngầm có chiều dài 320feet. Những cuộc khai quật sau đó đã nâng chiều dài tổng cộng lên 1120feet. Bố trí dọc hai bên đại lộ nầy là 64 cái khoang mai táng lớn. Tại trung tâm của mỗi khoang mai táng là một quách khổng lồ bằng granít đỏ hoặc đen dài 12 feet, cao 9feet và rộng 6feet, mỗi quách cân nặng gần 60 tấn. Trong mỗi quách có chôn một con bò đực linh thiêng. Nhưng nhiều thế kỷ trước đây thì các ngôi mộ đã bị bọn cướp mộ tàn phá.

Khi đi từ khoang nầy đến khoang khác trong cái thành phố đáng kinh ngạc của những con bò đực chết, Mariette tìm thấy một hầm mộ thoát khỏi bàn tay của bọn cướp bóc. Trong vữa có dấu các ngón tay của người thợ hồ đã đặt lên viên đá cuối cùng vào thời trị vì của Rameses II, trong bụi bặm là dấu chân của những ai đã giẫm lên nền nhà cách đây hơn 3000 năm. Tại đó cũng có những của lễ tạ ơn dâng lên bởi du khách đã đến viếng nơi nầy nhiều thế kỷ trước, trong số đó có phiến đá khắc chữ của con trai riêng của Rameses là thầy tế lễ thượng phẩm của Apis, là một trong những nhân vật quan trọng lúc bấy giờ. Chẳng có gì phải ngạc nhiên khi nhà thám hiểm vĩ đại đứng trên ngôi mộ và nhìn những đồ vật còn sót lại không bị xâm phạm trong 31 thế kỷ sau cùng, ông đã tràn ngập xúc động và bật khóc.

Vẻ phô trương long trọng và sự lộng lẫy trong việc thờ cúng thần bò đực Apis được tổ chức tại Memphis và tại Thebes giải thích sự bỏ đạo của người Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng khi họ đúc một con bê và nói rằng “Hãy là thần của chúng con, Ô, Ysơ-ra-ên, đã đưa chúng tôi ra khỏi xứ Ai-cập.” Họ đã quá quen thuộc với cảnh tôn thờ thần thánh, ngay cả những người cai của họ, đối với cái được coi là hóa thân của Thần tại núi Si-nai và họ đã đầu phục với sự thờ phượng mà họ tuân thủ bấy lâu nay rồi “tự mình làm hỏng bản thân, nhanh chóng xa rời đường lối mà Chúa đã răn dạy họ.”


MIZPAH: Là nơi Sa-mu-ên cầu thay và đoán xét dân Y-sơ-ra-ên “5 Đoạn, Sa-mu-ên nói: Hãy nhóm hiệp cả Y-sơ-ra-ên tại Mích-ba, ta sẽ cầu Đức Giê-hô-va giùm cho các ngươi. 6 Chúng Hội hiệp tại Mích-ba, múc nước và đổ ra trước mặt Đức Giê-hô-va. Trong ngày đó chúng cữ ăn, mà rằng: Chúng tôi có phạm tội cùng Đức Giê-hô-va. Sa-mu-ên đoán xét dân Y-sơ-ra-ên tại Mích-ba.”(ISa1Sm 7:5-6), theo truyền khẩu thì nơi nầy là Nebi Samwil, một làng mạc trên đỉnh núi trơ trọi cách Giê-ru-sa-lem 5 dặm phía tây bắc. Đó là một trong những vị trí hùng vĩ nhất của trung tâm Palestine, nhưng chưa được khai quật. Tuy nhiên, trong những năm gần đây thì sự chú ý được chuyển sang Tell en-Nasbeh nằm trên một đồi đá vôi tròn khoảng 8 dặm về phía bắc Giê-ru-sa-lem trên xa lộ đi về phía bắc đến Sa-ma-ri.

Tiến sĩ W.F.Bade được sự giúp đỡ của Học Viện Nghiên Cứu Đông Phương của Hoa Kỳ, thực hiện năm chiến dịch tại đây từ 1926 đến 1935 và tìm thấy những bức tường thành phố đồ sộ có độ dày bình quân là 17feet và có một chỗ với bề dày tới 26feet. Họ kết luận đây phải là những bức tường do A-sa là vua Giu-đê xây để phòng ngự các vương quốc phương bắc (IVua 1V 15:22). Họ phát hiện khoảng 80 dấu ấn trên những quai bình cùng với câu khắc “thuộc về vua” như vậy có nghĩa là những cái bình ấy là tài sản hoàng gia. Bảy cái quai bình với dấu “Mích-ba” bằng tiếng Hê-bơ-cơ cổ đã được làm sáng tỏ, nhưng điều khám phá gây xúc động nhất là một con dấu xưa trên đó khắc hình trông giống một con gà chọi và dòng chữ “Thuộc về Jaazaniah, sĩ quan của Vua.” Trong mùa thứ tư họ tìm thấy một cái cổng rất đẹp hướng về Si-lô là tiêu điểm của sự thờ phượng vào những ngày đầu của Sa-mu-ên.


Viện Thần Học.



bottom of page