top of page
Hung Tran
May 6, 2023
Hàng ngàn các chứng cớ “ngoại tại” chứng thực các câu chuyện kể trong Kinh Thánh đang được phơi bày...
• PERGAMUM: Nhà thờ thứ ba được sứ đồ Giăng gọi tên như vậy trong sách Khải-huyền, khoảng 15 dặm từ biển Aegea, 60 dặm phía bắc Smyrna. Thị trấn Bẹt-găm hiện đại (một sửa đổi làm sai lệch một số địa danh cổ đại của người Thổ Nhĩ Kỳ), đứng trên bình nguyên phía dưới vị trí đồi của thành phố cổ đại.
-Bẹt-găm là trung tâm của sự thờ phượng đa thần (Zeus, Athena, Dionysus, Esclepius) và là trung tâm thờ phượng vị đại đế lộng ngôn. Vì vậy Giăng nói đến nơi ấy như là “nơi là Sa-tan có ngai của nó” và “nơi mà Sa-tan sinh sống” (KhKh 2:13).
-Viện Bảo Tàng Berlin tiến hành khai quật ở đây vào năm 1878, khám phá một phức hợp nhà đẹp mắt với một nhà hát Hê-lê-nít tại trung tâm. Những tòa nhà hoàng gia trải ra trên hình bán nguyệt gồm có một tế đàn lớn, miếu Athena, đền thờ Trajan và Hadria, các cung vua, nhiều kiến trúc sang trọng khác. Tế đàn lớn với các tác phẩm điêu khắc về trận chiến giữa các thần và người khổng lồ là những đài tưởng niệm nghệ thuật quan trọng nhất được đưa ra ánh sáng tại Bét-găm. Không ai biết được có phải đây là “ngai của Sa-tan” hoặc có phải đây là nơi mà vị đại đế được thờ lạy trong đó!
• PERSEPOLIS: Vào năm 520 TC, đại đế Darius đưa các kiến trúc sư, nghệ nhân và thợ đi 40 dặm phía nam Pasargadae. Trên một mũi núi thấp, nhiều đá và có 3 tầng tại chân núi Mercy, nhìn xuống bình nguyên Waterfowl dễ thương, Darius xây dựng một bục hình chữ nhật để dùng làm nền của thành phố cung điện Persepolis cực kỳ lộng lẫy. Một cầu thang khổng lồ dẫn vào một bục lớn. Trên bục nầy các kiến trúc sư giàu trí tưởng tượng xây dựng một loạt những cung điện và tòa nhà, mà sau khi được bao bọc bằng những bức tường rất lớn, hình thành trung tâm của một trong những thành phố nổi tiếng nhất về đồ cổ. Tại đây nền văn hóa và văn minh của người Ba-tư lên đến đỉnh điểm. Các vua chúa của triều đại Achaemen sống tại đây vào mùa xuân và thu, đi đến Ecbatana vào mùa hè và Shushan vào mùa đông. Tại đây tổ chức lễ hội lớn hằng năm vào xuân phân, ăn mừng ngày tết của người Ba-tư. Kể từ khi Ê-xơ-tê trở thành hoàng hậu của Xerxes (tức là Ahasuerus) trong 13 năm, bà đã sống cùng chồng tại Persepolis trong những khoảng thời gian ngắn ngủi.
Tuy là một thành phố hùng mạnh, một kỷ niệm thực sự về văn hóa Ba-tư lại tồn tại khá ngắn ngủi. Vào năm 330 TC, lúc đó Persepolis chưa được 200 năm, đại đế A-lịch-sơn đã cướp phá và thiêu hủy, công khai như là “một tai nạn đáng thương của chiến tranh.” Theo các nhà sử học cổ đại thì đó là một hành động trả thù có tính toán đối với người Ba-tư vì họ đã xâm lược Hy-lạp và Xerxes đã đốt thành Athena. Để giải quyết việc cướp bóc tài sản Persepolis, theo Plutarch thì A-lịch-sơn đại đế đã dùng 10.000 con la và 5.000 lạc đà để chuyên chở các chiến lợi phẩm về Ecbatana.
Thành phố bị tàn phá và sau đó bị bỏ hoang, chôn vùi dưới đất cát của bình nguyên cho đến khi gần giữa thế kỷ 19, lúc đó các nhà đông phương học và nhà khảo cổ học bắt đầu điều tra mô đất. Mãi cho đến năm 1931 việc khai quật khoa học mới bắt đầu, lúc ấy Giáo sư Ernst Herzfeld của Học Viện Đông Phương thuộc Đại học Chicago tiến hành công việc, tiếp sau đó là Erich Schmidt làm việc từ 1935 đến khi chiến tranh thế giới lần II bùng nổ vào 1939.
Toàn bộ kiến trúc hoàng gia đã được tìm thấy, các bục đã được xây bởi Darius I (522-486 TC), Xerxes (486-465 TC), Artaxerxes (465-423 TC). Đi lên bục là một thang gồm 110 bậc, trong giống như cái dốc thoai thoải, tọa lạc tại góc tây bắc của nền đất cao. Bên ngoài là cổng Xerxes có hai bò đực khổng lồ bằng đá đứng canh giữ.
Về phía nam, trên một bục cao hơn, là đống hư tàn “Apadana” hoặc sảnh khán giả, do Darius và Xerxes xây. Đi lên bục nầy, ở phía bắc và phía đông, là một cầu thang cực lớn, một trong những cầu thang điêu khắc công phu nhất được phát hiện ở các nước Trung Đông. Sảnh khán giả đồ sộ nầy, ước chừng có thể chứa được 10.000 người, thuộc kiến trúc nhiều cột, mái của nó được chống đỡ bằng những cây đà hương bách to lớn nhập từ Li-ban. Sảnh trung tâm có 26 cột đá đặc ruột gồm có đế cột, đầu cột, cao 65feet.
Ở ba bên là các sảnh, mỗi sảnh có 12 cột cao bằng nhau. Trong số 72 cột nay chỉ còn 13 cột vẫn đứng sừng sững. Tại lối vào phía đông của sảnh lớn nầy, ngày nay vẫn còn những phù điêu chạm trổ rất đẹp, trông giống Darius I ngồi trên ngai cùng Xerxes, hoàng thái tử đứng phía sau. Bên trên họ là hình Ahura Mazda có cánh, đó là một thần vĩ đại của tín ngưỡng Zoroastria và “tác giả của mọi điều thiện.” Darius và những người kế vị ông là tín đồ của đạo Zoroaster, họ tin rằng đó là “giải thích phần nào cho chính sách sáng suốt của chính phủ Ba-tư.”
Sảnh Khán giả dẫn vào trong Tachara hay cung Darius, với các bức tường trang hoàng bằng phù điêu và vô số câu khắc, một câu trong đó là:
“Vua Saith Darius: Đất nước Ba-tư nầy mà Ahura Mazda ban cho tôi…và Darius vị vua chẳng sợ bất cứ ai.”
Vua Saith Darius: “Nguyện xin Ahura Mazda giúp đỡ tôi…bảo vệ đất nước này khỏi kẻ thù, khỏi nạn đói, khỏi sự sai lầm, tôi cầu xin điều này như là một ân huệ của Ahura Mazda. Ta là Darius, vua vĩ đại, vua của muôn vua, vua của nhiều quốc gia, con trai của Hystaspes, người Achaemenia…là người xây dựng cung điện nầy.”
Cung điện tráng lệ này được cung cấp dòng nước chảy qua các ống nước bằng đá dẫn nước từ mái nhà Apadana và từ các ngọn núi gần đó. Hệ thống thoát nước tốt đẹp nhờ vào một hệ thống cống rãnh rộng lớn.
Đi xa hơn về phía nam ra khỏi cung điện là các căn hộ của hoàng hậu với sảnh trung tâm và sân. Phía đông Apadana là Sảnh Đường Bách Trụ, được gọi như vậy vì mái nhà lộng lẫy bằng gỗ hương bách Li-ban của sảnh được chống bởi 100 cột điêu khắc công phu. So với các kiến trúc cổ khác trong vùng, về mặt tráng lệ nó chỉ thua đền tại Karnak của Ai-cập. Phía bên ngoài là vô số những kiến trúc khác, gồm kho tàng hoàng gia và một pháo đài. Xung quanh những kiến trúc nầy đều có vườn hoa với những cụm hoa lớn chung quanh ao và suối phun.
Vào năm 1951 Viện Khảo Cổ Persepolis khai quật bên ngoài bục lớn và tìm thấy tàn tích của một cung điện khác, một sảnh đồ sộ bằng đá với cổng chính và các phòng phụ, cùng với một hồ chứa nước cực lớn bằng đá.
Những khám phá khác đáng quan tâm trong mô đất là hàng ngàn mảnh vụn của những cái bình, chậu bằng đá rắn, một phiến bằng vàng dùng làm nền móng của Darius I, trên đó có một câu khắc ba loại chữ và câu khắc của của Xerxes, chồng của hoàng hậu Ê-xơ-tê. Trên câu khắc liệt kê những quốc gia mà ông đã cai trị gồm Media, Elam, Armenia, Parthia, Babylon, Assyria, Sardis và Ai-cập.
Trên sườn dốc của mô đất Mercy đông nam Persepolis là các ngôi mộ của những vị vua cuối cùng người Achaemen. Tại Naqsh-I-Rustam, cách Persepolis 4 dặm, là các ngôi mộ đường bệ của Darius đại đế, Xerxes, Artaxerxes I và Darius II được đục vào sườn núi đá. Chỉ có ngôi mộ của Darius đại đế là có câu khắc.
• PETRA: Tên nầy trong Kinh Thánh là Sela (nghĩa là bàn thạch), toạ lạc phía đông nam Biển Chết, trong một nơi khó đến nhất thế giới nầy. Nó được xây trên một bình nguyên sâu, cao trên các ngọn núi, vây quanh bởi đá granít màu sặc sỡ và bởi vách đá bằng cát-kết - một thành phố thực sự giống nhà hát tròn hay đấu trường, sự hấp dẫn của nó có lẽ chính là sự cách biệt với chung quanh.
Lối vào duy nhất của thành phố là “the sik”, một hẻm núi hẹp và dài cả dặm giữa các vách đá granít đỏ cao sừng sững. Vài nơi trong hẻm núi ấy là lòng suối có bề ngang 3,7m (12feet), cuối cùng dẫn đến một thung lũng rộng gọi là Wadi Musa, từ đây dần dần xuống thấp vào trong một khu vực choán bởi “thành phố màu đỏ hoa hồng mà thời gian chỉ làm cũ đi khoảng một nửa mà thôi”.
Kiến trúc xuất hiện đầu tiên là el-Khazneh (kho tàng), đó là một mộ đền hoàng gia đục từ bức tường đá, cao 150feet và trang trí bằng nhiều cột chạm trổ đẹp theo cách thức Cô-rinh-tô. Trên đỉnh của ngôi mộ đền là một cái lư đồ sộ nhưng thiết kế rất tài tình, theo người Ả-rập trong lư đó người ta tìm thấy kho tàng của Pha-ra-ôn. Trong ngôi đền là một hốc mộ cỡ vừa, không trang trí. Không ai biết mộ đền ấy thuộc về ai, nhưng nó được xem là mộ của vua người Nabatae của thời kỳ Hê-lê-nít - có thể là vua Aretas người Philhellene (87 - 62 TC).
Bên trong thành phố, trong phạm vi một dặm ở mọi hướng đều có diễn đàn, nhà hát, đền thờ, cung điện, nhà ở và mộ đục từ vách đá cát kết Nabia nhiều màu cao chót vót 200-400feet trtên không. Một ngôi mộ trông giống đền thờ của người Nabatea gần cổng vào có 4 đài kỷ niệm hình tháp cao vượt hẳn lên bên trên cổng vào.
Hơi chếch về phía bắc của thành quách, trên một rìa ở cao phía trên thành phố, là một “tế đàn” với kích thước 47feet dài và 24feet ngang, đi lên bằng những bậc thang đục vào trong đá. Trên đỉnh của các bậc thang, tại tế đàn có một bàn thờ dài 9feet, ngang 6feet, cao 3feet. Trên đỉnh bàn thờ là một hoảnh đất trống có dạng cái chảo để đốt lửa, ngay tại phía nam bàn thờ là nơi giết sinh tế làm của lễ. Ở đây người Nabatea thờ thần Dushara được tượng trưng bằng một tảng đá đen. Vào năm 1934, đoàn thám hiểm Melchett hợp tác với Tiến sĩ Albright khai quật tế đàn ấy, và trong những năm gần đây, người ta có tiến hành thăm dò và khai quật sâu hơn tại Petra.
Tiến sĩ Nelson Glueck nói: “Dù hiện nay Petra đang ở trong tình trạng tồi tàn, nó vẫn còn là một đài tưởng niệm khó quên.” Tính theo sức sáng tạo của người Ê-đôm cổ đại, và sau đó tính theo người Nabatea, những con người này dọn đến từ Ả-rập và gây dựng một vương quốc kéo dài ba thế kỷ cho đến năm 106 SC. Một trong những vị vua của họ là Aretas IV được nhắc đến trong IICo 2Cr 11:32.
• PHILIPPI: Được đặt tên theo Phi-líp của xứ Ma-xê-đoan (là cha của A-lịch-sơn đại đế) là người chiếm lấy thành phố từ tay của người Thracia vào thế kỷ 4 TC và đặt tên nầy. Nó có vị trí chiến lược về hướng đông tây xa lộ Egnation giữa La-mã và châu Á, và được A-lịch-sơn đại đế dùng làm khởi điểm cho chiến dịch quân sự để chinh phục thế giới.
Phao-lô đến thẳng Phi-líp sau khi ông có khải tượng về người đàn ông nói với ông: “Hãy đến Ma-xê-đoan để cứu giúp chúng tôi” (Cong Cv 16:9). Tại đây ông đã giảng Tin Lành nơi bờ sông, rồi bị bỏ tù, cũng tại đây ông gây dựng một hội thánh đầu tiên tại châu Âu, cũng là hội thánh mà ông rất gắn bó và yêu mến.
Học viện Pháp của Athens đã khai quật ở đây từ 1914 đến 1938. Nhiều khu của thành phố đã được khám phá. Nhưng sự chú ý đặc biệt được nhắm vào diễn đàn (300feet x 150fet), nơi họp chợ, nhà hát, một thư viện và phòng đọc sách, và một bục hình chữ nhật dùng làm nơi thuyết trình. Điều đáng quan tâm đối với các sinh viên Kinh Thánh là nền của một cổng vào lớn hình vòm bắt nhịp đường Egnation dẫn ra phần tây bắc của thành phố. Người ta tin rằng đây chính là cái cổng mà Phao-lô cùng người bạn đồng hành từ đó đi ra và trên đường đến bờ sông để giảng Tin Lành cho nhóm người đang cầu nguyện, bởi vì khoảng 1 dặm về phía tây của lối cổng là con sông duy nhất trong vùng phụ cận của Phi-líp (Cong Cv 16:12-13)
• RABBAH (RABBATH-AMMON): Thủ đô của vương quốc cổ người Am-môn, và thủ đô hiện tại (Amman) của Jordan, người ta cho rằng là do những con trai của Am-môn (con trai của Lót) xây dựng và dùng tên cha đặt cho thành phó (PhuDnl 3:11). Sau khi bị người Joab bao vây 2 năm rồi chiếm lấy, và ở phía trước các bức tường thành phố đã xảy ra cái chết của U-ri người Hi-tít theo lệnh gián tiếp của vua Đa-vít (IISa 2Sm 11:16-17).
Trong nhiều thế kỷ, Am-môn thực sự là “một bãi hư tàn” và vẫn còn một vài hư tàn La-mã trong thành phố, quan trọng nhất là cái nhà hát. Nhà hát ấy được đẽo vào trong vách của một vách cheo leo bằng đá và có thể ngồi khoảng 6000 người. Những cái ghế bây giờ vẫn còn nguyên vị trí, nhưng cái bục thuyết giảng và những bậc đài vòng (???) thì đã mất. Hiện nay vẫn còn rải rác vài cây cột trong thành phố, vài nhà tắm La-mã, nhưng tàn tích chính thì ở trên Đồi Pháo Đài cao nhìn xuống thành phố hiện nay. Người ta khai quật một phần bề mặt của những hư tàn này, và thuộc về thời kỳ La-mã, mà đền thờ chính là phần thưởng của sự khám phá. Đến nay người ta không phát hiện gì trong tàn tích người Am-môn cổ đại của thời Đa-vít, ngoại trừ ở góc đông bắc là nơi có một phần bức tường thành phố của thời đại Đồ Sắt, rất có thể là của thời Đa-vít, là được khám phá.
• RAS SHAMRA: Thành phố cổ Ugarit, ngày nay có tên là Ras Shamra, là một trung tâm thương mại và tôn giáo lớn trên bờ biển, 40 dặm tây nam An-ti-ốt, đối diện với đảo Síp.
Một người Sy-ri đã có sự khám phá tình cờ đang lúc cày trên cánh đồng của mình, ông ta để ý đến một mô đất lớn và Claude F.A.Schaeffer bắt đầu khai quật vào năm 1929 và tiếp tục cho đến 1939 - rồi bắt đầu lại trong nhiều năm sau đó. Ở đó có 5 cấp độ cư ngụ, nhưng cấp độ có từ thế kỷ 15 và đầu thế kỷ 14 TC mới cho nhiều khám phá quan trọng hơn.
Trong một nghĩa trang người ta tìm thấy những cái bình đẹp, tinh xảo tương tự như những cái bình được tìm thấy trong các cung điện Creta, các bình có dung tích lớn giống như bình được sử dụng thời Đấng Christ, một bộ ấm chén bàn xưa tới 3400 năm, một bộ quả cân từ đơn vị mina Ai-cập (437gram) xuống những phần chia nhỏ hơn, một hình đồng thiếc thần Horus (diều hâu Ai-cập) được bảo tồn nguyên vẹn, một hoa văn đồng thiếc của vị thần ngồi, một hoa văn thần Reshef (thần chiến tranh và thời tiết) được bảo tồn cực tốt, một tượng vàng nữ thần Át-tạt-tê của người Phoenicia, một cái bia có khắc chữ của Ba-anh là một trong những tượng trưng ít được biết đến của vị thần địa phương này.
Ở chân cầu thang của một tầng hầm, người ta tìm thấy 74 vũ khí và công cụ trong tình trạng tốt. Trong đó có 4 thanh gươm lớn bằng đồng thiếc dài gần 3feet, 11 cây dáo có hình dạng khác nhau, 27 cái rìu dẹp, 14 cái cuốc lớn, 2 dao găm và một cái kiềng ba chân với những cái chuông hình giống quả lựu treo lủng lẳng trên đó. Những món đồ này không có lớp rỉ sét bên ngoài, lớp rỉ đồng thường hay có trên đồ cổ khi chúng bị phơi trong không khí, vì vậy chúng dễ bị nhầm lẫn với công cụ mới rèn.
Tuy nhiên, hiện vật phát hiện quan trọng nhất là ngôi thư viện đền thờ, tọa lạc trong một tòa nhà giữa đền thờ Ba-anh và đền thờ Dargon. Ở đây có hàng trăm phiến đá nói về nền văn hóa không những của Phoenicia mà còn của các quốc gia lân cận. Nhiều phiến đá được viết bằng chữ hình nêm thông thường, nhưng có hơn 600 phiến đá được viết bằng loại văn tự trông có vẻ là chữ hình nêm, nhưng các chuyên gia không đọc được nó. Đôi lúc những chữ này được chứng minh là những chữ cái gồm 30 ký hiệu chữ hình nêm - một ngôn ngữ mới của người Semit gần với chữ Hê-bơ-rơ và các tiếng địa phương khác của người Semít nói bởi người Ca-na-an.
Về nội dung, phần lớn các phiến đá được tìm thấy là một loạt những bài viết về tôn giáo dưới hình thức thi ca, tiêu biểu cho những bao quát được mô tả rất chi tiết về bản chất niềm tin và tập quán tôn giáo của người Ca-na-an. Thông qua những bài biết nầy, chúng ta có được một khái niệm khá đầy đủ về các tôn giáo của người Ca-na-an vào thời người Hê-bơ-rơ tiến vào xứ sở của họ, và về ảnh hưởng của các tôn giáo ấy đối với người Hê-bơ-rơ sau khi họ định cư tại Ca-na-an.
Một số lễ nghi tôn giáo nào đó, chẳng hạn của lễ chuộc tội, của lễ bình an, của lễ đưa qua đưa lại, của lễ thiêu, của lễ hoa quả đầu mùa rất tương tự với những của lễ của người Hê-bơ-rơ; đến nỗi một số người thắc mắc không biết có phải những người di cư Midian đã mang theo các lễ nghi này vào Ugarit (Ras Shamra) trong những năm người Hê-bơ-rơ lang thang trong đồng vắng. Tuy nhiên, có vô số sự khác biệt trong niềm tin và các tập quán tôn giáo. Đứng đầu các vị thần Ca-na-an là El tức là Chúa Sáng Tạo và Cha của muôn vật, nhưng trong hệ thống các vật thì thần ấy có một người vợ tên nữ thần Asherah (Ashtoreth) phụ trách về sinh sản, đó là vị thần mà Y-sơ-ra-ên luôn lên án tương ứng với sự trung thành của họ đối với Đức Chúa Trời công bình về phương diện đạo đức (Cac Tl 2:12-15; ISa1Sm 12:10). Các thần khác của họ là Ba-anh, Đa-gôn, Reshef và Hadad, tất cả đều tiêu biểu cho sự không đạo đức. Những tập tục dâm dục không thể đề cập được điều liên kết với việc thờ phượng các vị thần nầy - như Kinh Thánh đã kết luận.
• ROME: Kinh thành của đế quốc La-mã, một trong những thành phố nổi tiếng nhất thế giới, được xây dựng cạnh sông Tiber vào 753 TC. Chẳng bao lâu, nó phát triển và phủ khắp 7 ngọn đồi, đó là Capitoline, Palatine, Aventine, Caelian, Esquiline, Viminal và Quirinal. Diễn đàn La-mã nằm giữa đồi Palatine và đồi Capitoline, là trung tâm văn hoá, dân sự và thương mại của La-mã. Những gì ưu việt nhất trong số các đền thờ, cung điện, đấu trường, nhà tắm công cộng, đài tưởngn iệm, nhà hát hình tròn, và các dinh thự quốc gia đều nằm cạnh Diễn đàn ấy - tất cả sinh hoạt của người La-mã đều tập trung nơi đây và chỗ nầy cũng là nơi xuất phát của các con đường tỏa ra khắp thành phố, các cọc chỉ dặm đường đều bằng vàng, đặt tại Diễn đàn. Phao-lô, Lu-ca và Phi-e-rơ, các Cơ-đốc nhân đầu tiên ắt đã thường xuyên có mặt tại Diễn đàn. Phao-lô có thể đã tìm sinh kế tại đây. Nhưng chiến tranh, động đất, hoả hoạn và thời gian đã tàn phá các kiến trúc cổ nầy, và bụi đất của nhiều thế kỷ đã phủ lên những công trình vang tiếng một thời nầy.
Vào năm 357 SC, Ammianus đã mô tả cách sinh động về sự nguy nga của La-mã lúc chưa bị tàn phá, may mắn thay những mô tả đó đã được bảo tồn. Ngay từ thế kỷ 16, người ta đã tiến hành khai quật tại Rome, nhiều hơn vào thế kỷ 17 và 18. Biondi bắt đầu khai quật vào 1817 và De Rosse vào 1853. Hội đồng Giám mục khảo cổ thiêng liêng đã nhận công việc và tiếp tục cho đến nay.
Ngày nay du khách đến La-mã khó có được ý niệm về sự xa hoa ban đầu của thành phố Vĩnh hằng nầy, nhưng chính Diễn đàn, tàn tích của các toà nhà chính, đài tưởng niệm, các địa điểm chính yếu được phơi bày, dễ dàng cho việc nghiên cứu.
Diễn đàn (240 x 690feet) với toàn bộ sự hiểu biết và truyền thuyết lịch sử về nó, chứng kiến việc xét xử và cái chết của Sê-sa Julius, bài diễn thuyết của Mark Anthony. Nhà hát tròn Colosseum (do Vespasian và Titus xây vào năm 75-80 SC) choán diện tích 6 acres, có thể chứa từ 50-60 ngàn khán giả để xem các Cơ-đốc nhân bị ném làm mồi cho thú dữ trong đấu trường. Trên đồi Palatine có cung điện của các vị đế vương và ngôi đền Jupiter đổ nát. Ta còn có thể thấy được đường nét của Trường giác đấu Circus Maximus , tại đó có tới 250.000 khán giả trong các trận đấu. Cổng vòm Titus cho ta thấy các phù điêu chạm trổ sinh động về Titus và các binh sĩ của ông mang các khí mảnh thánh của đền thờ khi họ trở về từ Giê-ru-sa-lem. Cổng vòm Constantine kể về sự kiện vĩ đại vào năm 316 SC khi hoàng đế Constantine tuyên bố Cơ-đốc giáo là quốc giáo. Còn nhiều nơi hấp dẫn và đáng quan tâm - ngay cả cái đồng hồ nước cổ đánh dấu ngày và giờ lúc Phao-lô lưu tại La-mã.
Vào năm 1941, trong công trình khai quật tại Ostia là hải cảng của La-mã tại cửa sông Tiber, người ta tìm thấy một câu khắc cho biết Tiberius bắt đầu trị vì từ năm 14 SC. Lúc ấy dân số La-mã lên đến 4,1 triệu người.
Các chứng cứ văn học và truyền thuyết đến từ các lãnh tụ giáo hội và các nhà văn từ năm 95 - 326 SC, và nhiều bức tranh cùng với câu khắc trong các ngôi mộ của Cơ-đốc nhân cho biết Phi-e-rơ, Phao-lô là những người tử đạo, khiến nhiều nhà khảo cổ và các chuyên gia kết luận rằng hai vị sứ đồ vĩ đại này đã tử đạo tại La-mã dưới tay của Nero.
Trong rất nhiều khám phá, thì thích thú nhất đối với Cơ-đốc nhân và người Do-thái vẫn là các Hầm Mộ nằm dọc đường, không có cái nào xa hơn ba dặm tính từ bức tường thành phố.
Lại lịch của Hầm Mộ nầy gồm những pha lịch sử kỳ lạ và huyền bí nhất. Lúc đầu chúng chỉ là những hố cát do cung ứng cho nhu cầu xây dựng các thành phố La-mã. Đá túp gồm tro núi lửa và cát, nhuyễn và kết dính vào nhau thành lớp trải dài nhiều dặm quanh Rome. Người ta phát hiện đây là loại vật liệu xây dựng tuyệt vời, nên đào thành những hầm hố dưới mặt đất để lấy.
Sau đó xảy ra sự xung đột giữa giáo hội đầu tiên với đế quốc La-mã cổ đại. Đế quốc La-mã hùng mạnh và rộng lớn nhất với thời Chúa Giê-xu, dễ dãi với mọi tôn giáo, nhưng vì Cơ-đốc nhân từ chối tuyên thệ trung thành với hoàng đế nên dẫn đến sự bắt bớ Cơ-đốc giáo ngày càng mãnh liệt hơn.
Các Cơ-đốc nhân bị buộc tội phạm pháp, sống lập dị; họ bị căm ghét và đặt ngoài vòng pháp luật. Các Cơ-đốc nhân sống giản dị, rất mực đạo đức, không tham dự các trận giác đấu và lễ hội. Một số Cơ-đốc nhân lên án cả những ai bán cỏ khô cho súc vật để làm sinh tế cho các tà thần. Quần chúng kinh sợ họ vì người dân sợ cơn giận dữ của các thần khi Cơ-đốc nhân không dâng của lễ cho các thần ấy. Nếu mùa màng thất thu, nếu sông Tiber dâng tràn, nếu bệnh dịch xảy ra, tiếng la hét sẽ là “Ném bọn Cơ-đốc nhân vào đấu trường.”
Tuy thế thì Cơ-đốc nhân vẫn rất nhân từ đối với những ai cần đến, họ cũng sẵn sàng săn sóc bệnh nhân vào những lúc cơn dịch bệnh hoành hành, trong lúc những người khác đều đã tránh xa vì sợ lây bệnh.
Nhằm để mọi người bày tỏ lòng trung thành với hoàng đế La-mã, nhà cầm quyền yêu cầu mỗi công dân La-mã phải thắp nhang cho hoàng đế. Các Cơ-đốc nhân coi đó là sự thờ phượng không phù hợp với niềm tin nơi Chúa nên không vâng phục. Thế là nhà cầm quyền có đủ lý do để bức hại các Cơ-đốc nhân bởi nhiều hình phạt và thường là xử tội chết.
Các Cơ-đốc nhân tỵ nạn trong các con đường ngoằn ngoèo của Hầm Mộ, trong đó cũng có nhà nguyện, nhiều phòng ở và cả nghĩa trang. Các Hầm Mộ đã trở thành nơi trú ẩn an toàn duy nhất cho các Cơ-đốc nhân.
Họ sinh sống, thờ phượng và chôn cất tại đây. Bài hát, lời cầu nguyện, sự thờ phượng của họ thánh hóa Hầm Mộ và nó trở thành cái nôi của Cơ-đốc giáo phương tây.
Hầm Mộ được khám phá và khai quật vào thế kỷ 16, kể từ 1950 được khai quật trên diện rộng. Sự hiểu biết của chúng ta về thành phố dưới mặt đất này chưa hoàn chỉnh, bởi sự thật là nó quá bao la. Tuy nhiên, ta cũng tích lũy đuợc phần nào từ những thành phố địa đạo nầy.
Khoảng sáu triệu người được chôn cất trong khoảng 60 Hầm Mộ, trong đó 54 cái là của Cơ-đốc nhân, 6 cái là của người Do-thái. Mỗi Hầm Mộ có lối vào khá mơ hồ, từ đó một cầu thang dẫn xuống các địa đạo, hành lang dài, phân nhánh vuông góc, tạo ra mạng lưới đường phố trong địa đạo, rải rác là các nhà nguyện. Vài Hầm Mộ có tới 4 tầng, nối nhay bằng một cầu thang. Tại mỗi tầng là một con đường lớn - nhiều đến nỗi nếu tất cả địa đạo trong Hầm Mộ được nối với nhau thì chúng dài tới 587 dặm.
Dọc theo bức tường của những lối đi, hoặc tại ngõ cụt của địa đạo, các Cơ-đốc nhân được chôn trong mộ tường, hoặc trong phòng ngủ nhỏ. Mỗi cái mộ được khép kín bằng gạch vuông hoặc đá hoa phiến mỏng, trên đó có tên của người quá cố.
Thông thường các bức thường hay trần nhà của các phòngn hỏ trên được trang trí bằng các bức tranh của nhân vật Kinh Thánh hoặc sự kiện Kinh Thánh, chẳng hạn như Môi-se đập vào tảng đá, Đa-vít, Đa-ni-ên và ba bạn Hê-bơ-rơ, Nô-ê, Giô-na… trong từng trường hợp đều nhằm bày tỏ sự giải cứu kỳ diệu của Đức Giê-hô-va. Trong một số trường hợp người ta tìm thấy chân dung của người quá cố. Vào năm 1853 DeRossi phát hiện một phòng ngủ nhỏ khép bằng một phiến đá hoa, trên đó có khắc chữ:
“Marcus Antonius Rastutus đã làm ngôi mộ này cho chính mình, là người tin cậy vào Chúa.”
Viện Thần Học.
bottom of page