top of page

Khảo Cổ Kinh Thánh (Mẫu Tự S)

Hung Tran

May 5, 2023

Hàng ngàn các chứng cớ “ngoại tại” chứng thực các câu chuyện kể trong Kinh Thánh đang được phơi bày...



SAFAD hay Zefat, là một trong bốn “thành phố thánh” của người Do-thái, được cho là thành phố mà Chúa Giê-xu nhắc đến khi Ngài nói “một cái thành ở trên núi thì không khi nào bị khuất được” (MaMl 5:14). Thành phố uốn lượn hùng vĩ trên đỉnh núi Safad, cách Ti-bê-ri-át 16 dặm về phía tây bắc và cách mực nước biển Ga-li-lê 3400feet.

Trong thành phố có những đường phố hẹp, những đợt bậc thang dốc, nhà quét vôi trắng với bao lơn phía ngoài, nhà hội với các ký hiệu phù chú huyền bí trên đó. Xung quanh nơi này là những đồn điền lớn trồng Ô-li-ve và vườn nho sai trái. Vào một ngày quang đãng, từ thành phố nầy có thể nhìn rõ ràng phần lớn Ga-li-lê thượng và hạ, luôn cả biển Ga-li-lê. Vào thời huy hoàng của các vương triều Y-sơ-ra-ên và Giu-đa, nó được gọi là Isafet hay Zefat, có nghĩa là “nơi canh phòng”, bởi vì tại đây lửa hiệu được đốt lên để loan báo về sự mọc lên của vàng trăng mới. Sự kiện này trước tiên được tuyên bố ở Giê-ru-sa-lem trên núi Ô-li-ve, rồi sau đó chuyển tiếp từ điểm cao nầy đến điểm cao khác, cho đến khi lửa hiệu của Safad được dùng làm tín hiệu cho cả vùng bắc Palestine.

Safad khơi dậy thái độ tôn kính trong lòng người Do-thái. Đó là một trong những nơi lánh nạn của các ra-bi cổ đại sau khi Giê-ru-sa-lem thất thủ và lần thất trận đầy cay đắng của Bar Kochba tại Bitter (có nghĩa là đắng) vào năm 132 SC. Vì là nơi ẩn dật của các học giả, nó trở thành trung tâm của trường phái Talmud, một trung tâm về toàn bộ kiến thức và truyền thuyết của Do-thái giáo và triết học thần bí của người Do-thái. Có lẽ quyển Midrash Ha Zohar, Sách Sáng Chói (quyển kinh về thần bí học) theo Simon ben Yochai, thì một ra-bi người Tây ban Nha đã biên tập quyển sách tại đây vào năm 160 SC. Đây cũng là chỗ ở của Joseph Caro, tác giả của Ahulchan Aruch, bộ luật cuối cùng được soạn hẳn hoi của người Do-thái.

Học trò của ông là ra-bi Jacob Berov, đã nỗ lực tái thiết lập Palestine như là một trung tâm phong chức cho các ra-bi.

Thơ văn Do-thái đã hồi sinh tại Safad, tại đây Alkabetz đã viết thánh thi chiều Sa-bát, “Bạn tôi hãy đến gặp tân lang', một bài ca về tái thiết Si-ôn.”

Safad được Thập Tự Quân xây công sự vào thế kỷ 12 nhưng bị Saladin đánh chiếm vào 1188. Sau đó nó bị Templars chiếm lại và giữ trong 16 năm.

Vào thế kỷ 16, Safad trở thành trung tâm nhập cư người Do-thái từ Tây Ban Nha và nơi gặp gỡ để học tập về triết học thần bí Do-thái. Vào năm 1578, các ra-bi đã thành lập tại đây nhà in đầu tiên của vùng Palestine. Vào 1607 tại Safad được coi là có 300 ra-bi, 18 trường đào tạo ra-bi và 21 nhà hội. Bởi lẽ Safad là nơi đặt các trường đào tạo ra-bi vĩ đại, Safad đã dành được tiếng tăm lớn giữa vòng người Do-thái, như là một trong 4 thành phố thánh của Y-sơ-ra-ên.

Nhà thần bí Do-thái có một thời đã hết sức nổi bật tại Safad, trong quyển sách thiêng của họ là Zohar, trong sách nói rằng Đấng Mê-si-a sẽ xuất hiện tại Ga-li-lê thượng. Issac Luria nổi bật trong số người thần bí Do-thái như là con người phi thường và thiên tài, và vẫn còn là một nhân vật nổi bật trong truyền thuyết Safad. Niềm mơ ước của nhà thần bí học nầy là làm cho phong trào Đấng Cứu Thế được thực hiện một cách lạ lùng trong Shabbathae Zevi, và cũng đã mang lại nhiều kết quả trong những năm gần đây khi niềm mơ ước được trở lại Palestine đã dấy động tâm cang của người Do-thái.

Một trận động đất tại Safad vào 1765 khiến hầu hết dân cư bị chết, nhưng thị trấn Safad được tái định cư nên vào đầu thế kỷ 19, có 4000 người Do-thái cư ngụ ở đây. Không may là một trận động đất khác đã xảy ra vào 1836, một lần nữa cướp đi gần hết dân số trong cộng đồng nầy. Kể từ thảm họa ấy, thị trấn Safad không còn là niềm kiêu hãnh của người Do-thái, và chỉ mới phồn vinh trở lại vào những thập niên gần đây dưới chính quyền Y-sơ-ra-ên.



SAMARIA: Thủ đô của vương quốc bắc Y-sơ-ra-ên, toạ lạc trên một ngọn đồi cao 300feet, cách Giê-ru-sa-lem 42 dặm về phía bắc. Vị trí nầy được khai quật vào năm 1908-1910 bởi các Tiến sĩ G.A.Reisner và Clarence S.Fisher thay mặt đại học Harvard, và một lần nữa vào 1931-1933, sau đó bởi J.W.Crowfoot vào năm 1935.

Cấp độ cư ngụ (I,II) có ý nghĩa quan trọng nhất là của vua Ôm-ri, và con trai ông là A-háp, Ôm-ri đã giành được ngọn đồi và xây dựng thủ đô của mình trên đó (IVua 1V 16:24). A-háp xây dựng một cung điện tráng lệ cho chính ông và hoàng hậu Giê-sa-bên.

Các nhà khai quật tìm thấy nền của cung điện Ôm-ri, và cái nền lớn hơn trong đống đổ nát của cung điện A-háp trên đỉnh ngọn đồi Sa-ma-ri. Ngay bên trong tường bắc của cung điện, họ khám phá vài ngàn mảnh vụn ngà voi, nhiều cái đã bị lửa thiêu rụi. Khoảng 30-40 ngà voi được tìm thấy trong tình trạng được bảo tồn cực kỳ hoàn hảo. Trên một số ngà voi có hình hoa sen, sư tử, quái vật đầu đàn bà mình sư tử, các tượng thần Isis và Horus, cho thấy ảnh hưởng mạnh mẽ của Ai-cập vào Y-sơ-ra-ên vào thời ấy.

Bộ sưu tập ngà voi gồm có những miếng khắc chạm với đủ loại kích cỡ và hoa văn. Một số hình tròn, một số hình thuẫn với phù điêu thấp, và những cái khác thì có bóng mờ hay “tác phẩm châm xuyên” (??) Một số miếng ngà voi được cắt, giát màu, những mảnh khác được phủ vàng hoặc khảm đá màu thiên thanh. Các nhà khai quật nghĩ rằng lúc nguyên thủy những mảnh ngà voi ấy được lắp vào ngai vua, vào giường, vào trường kỷ, bàn, tủ, và có lẽ cũng ở trong những tấm ván tường hay ván trần nhà của cung điện. Tất cả những khám phá nầy đưa ra tính chắc chắn của lời kể trong: “Các chuyện khác của A-háp, những công việc người làm, cái đền bằng ngà người cất, và các thành người xây, đều chép trong sử ký về các vua Y-sơ-ra-ên.” IVua 1V 22:39, liệt kê căn nhà ngà voi như là một trong những thành tựu lớn nhất của A-háp - đó là căn nhà ông ta xây cho chính ông và hoàng hậu Giê-sa-bên khó chìu của ông. Những ngà voi ấy cũng xác nhận lời tuyên cáo của tiên tri A-mốt:

“Khốn thay cho những kẻ ăn ở nể trong Si-ôn, và cho những kẻ tưởng mình an ổn trên núi Sa-ma-ri…Các ngươi nằm ngủ trên giường ngà và duỗi dài trên ghế dài mình…” (AmAm 6:1, 4).

“…Những nhà bằng ngà voi sẽ bị phá, và những nhà lớn sẽ bị hủy diệt, Đức Giê-hô-va phán vậy.” (AmAm 3:15).

Tại tận cùng phía bắc của sân cung điện A-háp, các nhà khai quật tìm thấy vị trí của một cái ao bằng xi-măng, mà họ nghĩ rất có thể chính là “ao Sa-ma-ri” mà A-háp đã rửa chiếc xe ngựa vấy máu ở đó (IVua 1V 22:38). Trong một căn buồng kho của cung điện họ tìm thấy “mảnh sành khắc chữ Sa-ma-ri” nổi tiếng gồm vài trăm mảnh sành khắc chữ bằng mực. Còn có thể đọc khá rõ khoảng 63 mảnh được khắc bằng chữ Hê-bơ-rơ. Đó là những ký hiệu liên quan đến việc đóng thuế bằng dầu và rượu của cá nhân gửi đến kho của hoàng cung. Một số quản gia có tên trong Kinh Thánh như A-háp, Sê-ba, Nim-si, A-hi-nô-am, Gô-me.


SARDIS: Một trong bảy thành phố được đề cập trong sách Khải huyền, là thủ đô của vương quốc Lydia nổi tiếng. Nó cách phía đông Smyrna 50 dặm, trên sườn phía nam của thung lũng Hermus phì nhiêu, là nơi mà sông Pactolus ra khỏi núi Tmolus.

Vườn trái cây rộng lớn, kỹ nghệ dệt, nhà máy đá quý và sự trù phú của Sạt-đe nhờ vào sự đãi vàng từ cát của sông Pactolus đã làm Sạt-đe trở thành một trong những thành phố hải đảo giàu nhất và hùng mạnh nhất của thế giới cổ đại. Tương truyền rằng đồng tiền đầu tiên đã được đúc tại đây, và Croesus (Kré-sus) là nhà thống trị nổi tiếng của Sạt-đe vào thế kỷ 6 TC, giàu đến nỗi kể từ thời đó có câu nói “giàu như Croesus.”

Sạt-đe bị Cyrus đánh chiếm vào năm 546 TC, sau đó bị A-lịch sơn đánh chiếm vào 334 TC, rồi bị trận động đất tàn phá vào 17 TC. Người La-mã tái thiết Sạt-đe, đã chuyển sang Cơ-đốc giáo vào thế kỷ 1 SC. Sạt-đe tồn tại cho đến khi Tamerlane càn quét khắp nước vào năm 1402 và hầu như tàn phá cả xứ. Chỉ một làng nhỏ có tên Sart nằm gần địa điểm của thành phố cổ.

Đại học Princeton khai quật Sạt-đe đầu tiên dưới sự chỉ đạo của Giáo sư H.C.Btler vào năm 1909 và tiếp tục trong năm mùa cho đến khi bị Thế Chiến I làm gián đoạn. Vào 1958 Đại học Harvard và Cornell phối hợp với Học Viện Nghiên Cứu Đông Phương của Hoa Kỳ dưới sự chỉ đạo của Giáo sư Haufmann và Giáo sư Detweiler.

Cho đến nay các khám phá gồm có tường, cổng, tượng, câu khắc, đồng tiền, đá quý, bình đựng dầu thơm, đồ sành, cây đèn nến bằng đồng thiếc, đầu sư tử bằng đồng thiếc, một sân vận động, hai nghĩa trang, vệ thành……(?) và một số tòa nhà khá nguy nga. Trong đó có một nhà hội rộng 60feet, dài 270feet.

Công trình kiến trúc đường bệ nhất là đền thờ Artemis, nữ thần tượng trưng cho sự sinh nở, là chị sanh đôi của Apollo. Trong vùng nầy, nữ thần ấy đôi lúc được đề cập đến như là thần Cybele. Đền được xây vào thế kỷ 4 TC để tỏ lòng tôn kính thần, và chắc chắn phải là một kiến trúc tráng lệ, có kích thước 163 x 327feet. “Lối đi thiêng liêng” dẫn lên một lối vào mà hai bên là tượng những sư tử trong tư thế sẵn sàng.

Nhiều cư dân tại Sạt-đe trở thành Cơ-đốc nhân vào thế kỷ 1 SC, và một hội thánh thịnh vượng đã trưởng thành tại đây. Hội thánh đã bị phê phán, hoặc ít nhất là lời khuyến cáo có tính xây dựng và nêu đích danh Chúa Giê-xu Christ thông qua người khải thị là sứ đồ Giăng “…Ta biết công việc ngươi, ngươi có tiếng là sống, nhưng mà là chết. Hãy tỉnh thức! Và làm cho vững sự còn lại…”(KhKh 3:1-6).

Lời khuyến cáo ắt hẳn đã được tiếp thu đầy đủ, bởi vì những nhà khai quật tìm thấy dấu thánh giá được khắc nhiều nơi trong đền thờ, cho thấy rằng Cơ-đốc nhân đã tiếp quản đền thờ và biến nó thành nhà thờ Cơ-đốc giáo, như họ đã từng làm với các đền thờ tại Ai-cập và các nơi khác.

Khoảng thế kỷ 4SC, đền thờ ấy bị bỏ hoang, các Cơ-đốc nhân xây một nhà thờ ở góc đông nam của đền thờ. Đó là một kiến trúc bằng gạch, còn trong tình trạng bảo tồn rất tốt lúc được phát hiện. Chỉ có phần mái nhà là không còn. Muốn đi vào nhà thờ phải đi qua bục cao của ngôi đền, và bàn thờ trên bục ấy vẫn còn.


SHECHEM: Toạ lạc gần ngôi làng Balatah cận đại, phía bắc xa lộ, trong một thung lũng đẹp giữa núi Ê-banh và núi Ghê-ri-xim.

Đây là địa điểm đầu tiên mà Áp-ra-ham đã đến viếng Palestine (SaSt 12:6-7). Gia-cốp cùng gia đình đến Si-chem và lập một bàn thờ và đào một cái giếng (SaSt 33:18-20). Anh em của Giô-sép đã chăn chiên tại đây, Giô-sép cũng được chôn nơi đây (Gios Gs 24:32). Cũng tại đây Giô-suê tập trung các chi phái của Y-sơ-ra-ên, Rô-bô-am lên ngôi vua, đất nước quân chủ bị chia cắt, và Giê-rô-bô-am thành lập cung điện hoàng gia của ông (IVua 1V 12).

Việc khai quật đầu tiên tại đây do Carl Watzinger thực hiện vào 1907-1909, sau đó là Ernest Sellim vào 1913 và 1934. Kể từ 1956, công việc khai quật được Đoàn Thám Hiểm Khảo Cổ Drew - McCormick tiến hành dưới sự chỉ đạo của Tiến sĩ G.Ernest Wright, và bởi những người khác.

Nhiều thời gian, công sức và tiền bạc được dốc vào cuộc khai quật thành phố naỳ, nhiều nhà khảo cổ trẻ tuổi đã được đào tạo tại đây. Nhiều nhà khảo cổ dày dạn kinh nghiệm như Tiến sĩ O.R.Sellers, Tiến sĩ Bull, và những người khác với sự hỗ trợ của Tiến sĩ Wright. Cổng, tường, đền thờ và rất nhiều đồ gốm, đồng tiền, công cụ cũng như những món đồ nhỏ khác được phát hiện, và xác nhận một cách đáng kể về mặt lịch sử, cả phương diện thế tục lẫn Kinh Thánh.

Các nhà khai quật tìm thấy tàn tích của một bức tường lớn có từ Thời Đại Đồ Đồng Thiếc Giữa (thời Áp-ra-ham và Gia-cốp), trong bức tường có một cổng vào rất có khả năng là nơi mà Hê-mô và con trai của ông là Si-chem đã tham vấn các vị lãnh đạo của thành phố về vấn đề quan hệ của họ với Gia-cốp và người của Gia-cốp (SaSt 34:20-24). Bên trong thành phố là một công trình xây dựng đồ sộ với những bức tường dày 15feet, bao quanh một diện tích 33 x 39 feet, bên trong người ta tìm thấy hai dãy cột chống đỡ trần nhà, và có thể là tầng hai. Lối vào hướng về đông nam, và hiển nhiên là hai bên có hai tháp công sự. Nó được xây vào Thời Đại Đồ Đồng Thiếc Muộn, và tồn tại cho đến thời kỳ các quan xét. Tại đây, các nhà khai quật nghĩ rằng chắc chắn là tháp Si-chem mà A-bi-mê-léc đã đốt cháy cùng với “một ngàn người đàn ông và đàn bà” của thành phố tị nạn ở đó (Cac Tl 9:46-49). Gần đó họ tìm thấy một đền thờ lớn, được nhận định là đền Baal-berith.


SHILOH: Ngày nay gọi là Seilun, toạ lạc 10 dặm phía bắc Bê-tên “và phía đông con lộ đi từ Bê-tên đến Si-chem” (Cac Tl 21:19). Đó là nơi mà Y-sơ-ra-ên dựng lên hội mạc ngay sau khi họ vào Ca-na-an. Tại đây cậu Sa-mu-ên được phong chức trước mặt Chúa và trở thành vị tiên tri đầu tiên của người Hê-bơ-rơ.

Đúng như lời mô tả của tiên tri Giê-rê-mi, người Phi-li-tin đánh bại Y-sơ-ra-ên vào 1050 TC, cướp lấy Hòm Giao Ước, và bỏ rơi thị trấn ấy chìm đắm trong quên lãng. Cuối cùng, bị lửa thiêu rụi khoảng 450 năm sau đó.

“Thế thì, hãy đi đến chỗ ở cũ của ta tại Si-lô, là nơi trước kia ta đã gửi danh ta mà xem, vì tội ác của dân Y-sơ-ra-ên ta, ta đã làm cho nó thể nào.” (Gie Gr 7:12)

Người Đan Mạch khai quật Si-lô vào các năm 1922, 1926, 1927 và 1931 dưới sự chỉ đạo của Tiến sĩ Aage Smith, ông tìm thấy những tàn tích có từ thế kỷ 13 đến 11 TC, nhưng chẳng có tàn tích nào trong thời kỳ từ 1050 - 300 TC. Điều nầy tương xứng với ghi chép trong Kinh Thánh nói rằng Si-lô đã bị người Phi-li-tin tàn phá sau trận đánh của Ebenezer và việc cướp lấy Hòm Giao Ước (ISa1Sm 4:10-11).

Ở tận phía bắc mô đất các nhà khai quật tìm thấy một sân trong hình bốn cạnh đục từ đá, 80 x 120feet, mà họ tin rằng đó là địa điểm của hội mạc cổ xưa mà Sa-mu-ên đã ngủ trên đó và nghe tiếng Chúa gọi. Tuy vậy, sau đó vị trí nầy lại được xác định là tàn tích của những tòa nhà thuộc thời kỳ Byzantine (323 - 636 SC). Sau đó người ta đi đến kết luận là các Cơ-đốc nhân ắt hẳn đã xây một nhà thờ lớn trên cái nền của nhà hội và nơi thánh của người Hê-bơ-rơ. Các học giả Palestine nhất trí rằng “Tất cả những điều khám phá bởi người Đan Mạch tại Si-lô hoàn toàn khớp với những gì được ám chỉ trong Cựu Ước.” Các khai quật trong tương lai có lẽ sẽ khám phá vị trí chính xác và nền của nơi thánh hội mạc, nếu các Cơ-đốc nhân đã thực sự không xây nhà thờ trên cái nền ấy.


SIDON: Thành phố của người Phê-ni-xi được khám phá đầu tiên, từ lâu được biết đến nhờ vào cảnh đẹp, sự phì nhiêu của bình nguyên, cũng như chất lượng và chủng loại đa dạng của cây ăn quả, Bởi lâu đời nên nó có nhiều đống đổ nát nhưng chỉ một số ít nơi đã được khai quật.

Vào năm 1855, một số ngôi mộ được phát hiện, một vài nơi trong số ấy còn những quách, có quách rất đẹp, bằng đá bazab đen của Eshmunazar, vua của Si-đôn trong thế kỷ 5 TC. Quách dài hơn 8feet, có khắc 990 chữ trên nắp. Câu khắc bằng chữ Phê-ni-xi, gồm phần lớn là thông tin về ông và sự kiện tại nơi chôn cất của ông (nguyên văn là giường mai táng) không có vàng, vì vậy sự nguyền rủa sẽ đến với bất cứ ai - dù là vua quan hay dân dã - mở cái quách ấy ra, cuối cùng là ông và gia đình đã dựng lên những đền thờ cho các thần như Át-tạt-tê (Ashtoreth), Esmuno (Dagon) và Ba-anh của Si-đôn. Nổi tiếng hơn trong số quách nói trên là một quách to, đẹp, bằng đá hoa, trên đó điêu khắc hai cảnh của cuộc đời A-lịch-sơn đại đế. Một cảnh là cuộc săn sư tử có sự tham gia của A-lịch-sơn, và cảnh kia là một trận chiến, trong đó ngựa, kỵ sĩ, lính bộ nổi lên trên cái nền óng ánh của đá hoa thiên nhiên. Cả điêu khắc và loại sơn đều là các tuyệt tác Hy-lạp, cái quách ấy được xếp hạng là một trong những cái tốt nhất từng được phát hiện, được gọi là “quách đá hoa vĩ đại của A-lịch-sơn”; mặc dù người ta giả định trong quách là thi hài của một quan chức cao cấp dưới triều A-lịch-sơn hay của tổng đốc thành phố Si-đôn.

Tuy thế, điều đáng quan tâm chính yếu về khảo cổ của Si-đôn lại nằm trên những mảnh vỡ của lề đường khảm tại phía bắc một cái gò có hàng triệu vỏ sò ốc bị vỡ (người ta lấy phẩm nhuộn màu tím từ vỏ sốc ấy), ở phía tây nam nghĩa trang nổi tiếng trên bình nguyên về phía đông nam, và đống hư tàn lớn của lâu đài Thập Tự Quân. Ernest Renan, một học giả Pháp, khai quật tại đây vào năm 1860, nhưng chỉ làm được “tấm bản đồ thành phố của người chết”, khám phá những đồng tiền cổ, và vài phát hiện nhỏ. Ông nghi ngờ rằng ông đã đến “muộn tới 50 năm.”



SILOAM (ao Si-lô-ê), là nơi Chúa Giê-xu bảo người mù đến rửa, nằm tại thung lũng Tyropoeon, tại nơi thấp hơn của máng nước ngầm của Hezekiah (địa đạo Si-lô-ê) dẫn nước vào thành phố từ suối Gibon (Suối phun Trinh Nữ). “Dòng nước Si-lô-ê chảy dịu” (EsIs 8:6) chỉ về dòng nước chảy qua địa đạo 1770feet đồ vào ao, được gọi là Si-lô-ê bởi ao đối diện với thung lũng Kidron từ làng Si-lô-ê. Nước ao được người Giê-ru-sa-lem sử dụng nhiều vì họ xem đó là nước thánh.

Việc khai quật được tiến hành tại đây từ 1896-1897 do Quỹ Thám Hiểm Palestine thực hiện theo dấu vết của 34 bậc thang đi xuống ao. Phần chính của cầu thang được xây bằng đá cứng, nối với nhau rất khớp được đặt trên những miếng đá nhỏ và vữa vôi, nhưng phần kia của cầu thang thì được đục từ đá thiên nhiên và mặt bậc thang “được chà rất bóng bởi dép”. Đường nét của ao cổ xưa cho thấy nó có kích thước lớn gấp đôi ao hiện nay.

Các nhà khai quật cũng tìm thấy đống đổ nát được bảo tồn tốt của một nhà thờ do nữ hoàng Eudocia xây tại đây vào thế kỷ thứ 5, và đống đổ nát của tu viện được xây vào thế kỷ 11. Tháp Si-lô-ê, sụp và làm chết 18 người (LuLc 13:4) có lẽ nằm trong khu vực nầy nhưng chưa có gì chắc chắn.


SODOMGOMORRAH: Hầu hết chuyên gia đều coi đống đổ nát của những thành phố này - nếu thực sự là còn - thì phải ngập dưới dòng nước cạn, trong khu vực Biển Chết, phía nam bán đảo Lisan. Tất cả truyền thuyết địa phương còn giữ lại bởi người bản xứ đều đồng ý về vị trí nầy. Josephus nói rằng Biển Chết trải dài từ Giê-ri-cô cho đến tận Zoar (B.T; IV.VIII.4), và sử gia Cơ-đốc giáo là Eusebius, thuộc thế kỷ 4, xác nhận những truyền thuyết và bổ sung rằng ở đó có một tiền đồn La-mã. Trong nhà thờ Medeba của người Hy-lạp, người ta cũng tìm thấy một bản đồ ghép, có từ thế kỷ thứ 5 hay 6, ghi Zoar ở góc đông nam của Biển Chết.

Vào năm 1924, một đoàn thám hiểm hỗn hợp của Thần Học Viện Pittsburgh - Xenia và Học Viện Nghiên Cứu Đông Phương của Hoa Kỳ, do các Tiến sĩ Wright và Kyle dẫn đầu, thám hiểm vùng lãnh thổ tận phía nam của Biển Chết để xác định vị trí của Sô-đôm, Gô-mô-rơ và thành Xoa. Họ tìm thấy đống đồ nát của thành Xoa thuộc thời kỳ Byzantine và Ả-rập; nhưng họ tin rằng vị trị của Xoa đã bị ngập nước do mực nước Biển Chết dâng lên trước đó.

Jebel Usdum (gò Sô-đôm) một ngọn núi bằng muối tinh thể, dài 5 dặm và cao 300feet dọc theo bờ tây nam của Biển Chết, có tên như vậy vì người ta tin rằng Sô-đôm ở gần cạnh nó.

Tiến sĩ George Adam Smith nói về đống hư tàn của Sô-đôm và Gô-mô-rơ như sau:

“Tại đây là nơi xảy ra sự phán xét khủng khiếp nhất về tội lỗi của con người. Ngọn lửa được ném xuống Sô-đôm và Gô-mô-rơ trong toàn bộ lịch sử Kinh Thánh. Đó là sự phán xét tội lỗi rõ ràng và công bình. Câu chuyện được thuật lại trong Sáng-thế ký, được nhắc lại trong Phục-truyền luật-lệ ký bởi A-mốt, Ê-sai, Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên, Ca-thương và Sô-phô-ni. Chúa chúng ta dùng câu chuyện ấy hơn một lần - như là hình ảnh về sự phán xét mà Ngài sẽ giáng xuống thành phố nào không vâng theo sự rao giảng, và chúng ta cảm nhận ngọn lửa đang táp vào má chúng ta (Mat Mt 10:15; 11:24; LuLc 10:12; 17:29). Phao-lô, Phi-e-rơ, Giu-đe đã đề cập đến nó. Trong sách Khải-huyền, thành phố tội lỗi - theo cách gọi thuộc linh - là Sô-đôm. Tuy đống đổ nát đã mất tích nhưng ngọn lửa thảm họa vẫn còn tiếp tục cháy!”


SUSA (SHUSHAN): Cách 200 dặm về phía đông Ba-by-lôn, là thủ đô của Ê-lam cổ (Susiana), sau đó trở thàh thủ đô mùa đông của các vua Ba Tư. Đó là nơi xảy ra các sự kiện Kinh Thánh vào thời Đa-ni-ên, Nê-hê-mi, hoàng hậu Ê-xơ-tê và vua A-suê-ru (Xerxes).

Người Pháp bắt đầu khai quật ở đây vào năm 1852 dưới sự chỉ đạo của W.K. Loftus, năm 1884 được tiếp tục bởi M.Dieulafoy, sau đó là Jacques de Morgan và những người khác đã tiếp tục công trình. Đống đổ nát có 4 khu và choán diện tích 4900 acres vì vậy công việc khai quật không biết kéo dài đến bao giờ!

Dieulafoy và vợ ông đã khám phá pháo đài cung điện mà tác giả E-xơ-ra gọi nó là “thành trì Su-sa", diện tích khoảng 123 acres và nổi lên cao hơn so với thành phố xung quanh nó, gồm nơi đặt ngai vua, hoang cung, hậu cung cùng nội viện, sân chầu, ngự viên, cột tháp, cầu thang, bục cao, một số lối đi có mái vòm. Nơi đặt ngai vua là đại sảnh có nhiều cột, diện tích gần 4046m2, khoảng 36 cột - mỗi hàng 6 cột - các cột điêu khắc hình bò đực quỳ đấu lưng với nhau, những đà bằng gỗ hương bách Li-ban đặt trên những cây cột đồ sộ. Tại phòng này có tổ chức các buổi yến tiệc và tổ chức các nghi lễ quốc gia được mô tả trong chương 1 của sách Ê-xơ-tê. Sàn đại sảnh được lát đá hoa đỏ, lam, trắng, đen như được mô tả trong sách Ê-xơ-tê. Hoàng hậu Ê-xơ-tê xinh đẹp đã bước đi uyển chuyển trên sàn đá hoa nầy khi liều mạng sống để xin ơn vua giải cứu dân tộc bà; bà đã bước lại gần ngai vua có tán che màu đỏ tía, dừng lại trước tấm thảm chỉ có vua mới được đặt chân lên đó.

Phía trước đại sảnh là hoa viên, nơi vua đã từng bước chân chậm rãi tới lui suy nghĩ về hành vi xấu xa của Ha-man. Cạnh đó là cung vua điêu tàn và hậu cung cũng trong tình trạng ấy, hai khu nhà nầy nằm cạnh nhau. Cổng vua là nơi Mạc-đô-chê từng ngồi. Và trong đống đổ nát, Dieulafoy thậm chí tìm thấy một viên súc-sắc hình chữ nhật, trên đó khắc số 1,2,5,6. Vói viên súc sắc nầy, họ gieo để quyết định vận mệnh như Ha-man đã làm để định ngày tàn sát người Do-thái.

Viên súc-sắc đã gây ấn tượng mạnh đối với Dieulafoy, và ông đã làm một mô hình theo tỉ lệ xích của cung điện khổng lồ ấy mà trong đó đã diễn ra nhiều sự kiện trong sách Ê-xơ-tê, và ông đặt mô hình ấy trong Viện Bảo Tàng Louvre tại Paris. Với sự phục chế như vậy, ta có thể xác định dễ dàng vị trí của Cổng Vua, nơi mà Mạc-đô-chê đã ngồi, nội viện đối diện với cung điện vua, nơi mà Ê-xơ-tê có thể đến mà không bị cấm, ngoại viện là nơi Ha-man đến hỏi xin vua để treo cổ Mạc-đô-chê; và ngự viên là nơi vua đến suy nghĩ và nguôi cơn thạnh nộ đối với Ha-man. Vì vậy chúng ta có thể phục hồi các cấu trúc xung quanh cung điện và có thể làm quen với nhiều sự kiện xảy ra ở đó, và thấy được sự chính xác lạ lùng của sách Ê-xơ-tê.

Vào năm 1901 các nhân viên của de Morgan tìm thấy ba mảnh vỡ bằng đá diorite đen, khi ghép lại hình thành một bia có khắc chữ với đỉnh tròn, cao 2,26m (7feet 5inches) và được chứng minh là Bộ luật của vua Hammurabi. Trên đỉnh bia là một phù điêu nổi thấp cho thấy Shamash là thần mặt trời, đang trong tư thế trao bộ luật cho vua Hammurabi. Bên dưới hình điêu khắc là bộ luật dài, khắc bằng chữ hình nêm, và gồm khoảng 282 điều luật viết thành 3000 dòng; 248 điều luật vẫn còn trong tình trạng bảo tồn khá tốt, trong khi đó từ năm đến bảy cột của bản văn ở dưới đáy của mặt trước đã bị xóa mất trước khi tấm bia được phát hiện. Pere Jean Vincent Scheil, một chuyên gia lỗi lạc người Pháp về A-si-ri, đã dịch và xuất bản Bộ Luật trong vòng ba tháng. Chẳng mấy chốc Bộ Luật ấy được công nhận là một trong những tài liệu pháp lý quan trọng nhất thời cổ mà chúng ta có được.

Bộ Luật được mở đầu bằng một đoạn dài dòng, trong đó Hammurabi tỏ ý tôn kính các vị thần đất và tự coi mình là “hoàng tử kỉnh kiền và kính sợ thần linh, là người ra lệnh khắc bia rồi dựng nó nơi công cộng” để người mạnh không ức hiếp kẻ yếu, công lý phải lưu hành trên đất. Bộ Luật của Hammurabi được dành cho mọi người trong vương quốc - cho thường dân cũng như quan xét là người quyết định các vụ kiện. Chú ý lời kêu gọi làm yên lòng dân trong đoạn mở đầu của Bộ Luật:

“Hãy để cho bất cứ ai là người bị ức hiếp có một cớ để trình diện trước điều luật của ta, vua của công lý, và sau đó đọc kỹ bia khắc của ta, chú ý đến lời nói quý báu của ta, mong nguyện bia khắc của ta sẽ minh oan cho người ấy. Nguyện người ấy hiểu được vụ kiện của mình; nguyện người ấy được an lòng vững dạ.

Trong Bộ Luật, phần tiếp theo là pháp chế chỉ đạo hầu hết mọi khía cạnh trong sinh hoạt người dân, chứ không chỉ mang tính chất tôn giáo.”

Việc khám phá ra bia là một điều quan trọng nổi bật đối với mọi người, nhất là đối với học giả Kinh Thánh. Trước hết, nó là bằng chứng củng cố tính xác thực của luật Môi-se. Các nhà phê bình tin rằng nghệ thuất viết và khoa học về luật đã có từ thời ban sơ của lịch sử mà ta chưa biết được, nhưng đây là bằng chứng không thể chối cãi là ai ai cũng biết bia khắc lẫn Luật Môi-se đã có nhiều thế kỷ trước Môi-se. Thêm nữa, có sự tương đồng, thậm chí có sự tương đương đáng chú ý giữa một số điều luật của Hammurabi với luật Môi-se trong sách Giao Ước chẳng hạn, khi trích dẫn luật về gây thương tích đối với con người, điều luật 206 của Hammurabi nói rằng:

“Nếu một người đàn ông trong cuộc gây gổ đã vô tình gây thương tích người khác bằng cục đá hay quả đấm, làm cho kẻ bị thương phải nằm liệt giường, thì kẻ gây thương tích phải bồi thường tổn thất về thời gian cũng như tiền khám bệnh.”

Luật Môi-se với sự phạm tội tương tự đã ghi như sau:

“Khi hai người đánh lộn nhau, người nầy đánh người kia bằng đá hay là đấm cú, không đến nỗi phải chết, nhưng phải nằm liệt giường, nếu đứngdậy chống gậy đi ra ngoài được, người đánh đó sẽ được tha tội. Nhưng chỉ phải đền tiền thiệt hại trong mấy ngày nghỉ, và nuôi cho đến khi lành mạnh” (XuXh 21:18-19).

Tính tương tự giữa các điều luật nầy với một vài điều luật khác khiến cho một số học giả khó tính nào đó đưa ra lý thuyết cho rằng Luật Môi-se trong Kinh Thánh là bắt nguồn phần lớn từ Bộ Luật của Hammurabi. Thế nhưng sau nhiều khai quật kỹ lưỡng hơn, các học giả đã bỏ lý thuyết nầy, và các nguồn nghiên cứu khác cho biết vào thời cổ đại tại nhiều nước khác cũng có bộ luật. Thậm chí có bộ luật còn xa xưa hơn cái bia khắc của Hammurabi. Lương tâm nhân loại từ lâu đã cho họ biết phải trái và công lý là tiêu chuẩn thỏa đáng nhất cho sự cư xử giữa người với người.

Luật Môi-se thì cao hơn so với bộ luật Hammurabi, hoặc so với bất cứ bộ luật cổ nào, bởi lẽ do tiêu chuẩn luân lý cao của Luật Môi-se. Luật này nhấn mạnh đến động cơ tình thương, cả với Thượng Đế lẫn con người, Luật này đòi hỏi sự cư xử nhân đạo hơn đối với nô lệ, giá trị lớn lao hơn được đặt vào đời người, và tôn trọng hơn đối với phụ nữ.

Nhưng về cơ bản, Luật Môi-se cao hơn bởi nó đưa ra tiêu chuẩn cao về đạo đức so với các bộ luật khác. Môi-se đã dạy dỗ về sự thật của tội lỗi và trách nhiệm của con người đối với Đức Chúa Trời về phương diện tội lỗi; một sự thật mà Hammurabi lẫn các nhà làm luật khác đã hoàn toàn không thể lĩnh hội. Bộ luật Hammurabi hoàn toàn chỉ là dân sự và hình sự, trong khi đó thì luật Môi-se có tính chất nghi thức, tôn giáo và hết sức thuộc linh - trong tất cả bộ luật của mọi thời đại thì phương diện thuộc linh chính là tính độc đáo của Luật Môi-se.


Viện Thần Học.



HỘI THÁNH TIN LÀNH TRƯỞNG NHIỆM GARDEN GROVE
Quận Cam-vùng nam California
​11832 South Euclid St, Garden Grove,
CA. 92840
Orange County​-Southern California
​Tel: 714-638-4422    

Email: vpcgg.ca@gmail.com

SUBSCRIBE FOR EMAILS

Thanks for submitting!

Copyright Ⓒ 2023 vpcgg (PC-USA). All rights reserved. 

bottom of page