top of page
Hung Tran
May 22, 2023
Thư Hê-bơ-rơ được viết để cảnh báo và ngăn chặn các tín hữu Do-thái là những người cam kết theo Đấng Christ nhưng quay trở lại với những nghi lễ hư không của Do-thái giáo...
BÀI 10: CÁC THƯ TÍN CHUNG (HÊ-BƠ-RƠ VÀ GIU-ĐE)
I. Sách Hê-bơ-rơ
1. Dẫn nhập thư Hê-bơ-rơ:
- Thư Hê-bơ-rơ được viết để cảnh báo và ngăn chặn các tín hữu Do-thái là những người cam kết theo Đấng Christ nhưng quay trở lại với những nghi lễ hư không của Do-thái giáo. Tác giả đã trình bày Đấng Christ ưu việt hơn các tiên tri, thiên sứ, Môi-se, Giô-suê, và A-rôn trong Cựu Ước. Tác giả đan kết những lẽ thật này thành những lời cảnh cáo kinh khiếp đối với sự bội đạo.
- Nhưng học giả Kinh Thánh Origen đã nói “Ai thực sự là người viết thư tín này thì chỉ có Đức Chúa Trời biết mà thôi.” Vì thế có nhiều giả thuyết liên quan đến tác giả của sách.
. Ba-na-ba: là một người Lê-vi (Công 4:36) vì thế ông có thể am hiểu nghi lễ Cựu Ước là điểm nổi bật của sách Hê-bơ-rơ.
. Lu-ca: người có khả năng viết bằng tiếng Hy-lạp bao hàm trong tiếng Hê-bơ-rơ. Nhưng Lu-ca là người ngoại, còn Hê-bơ-rơ được viết từ quan điểm của người Do-thái.
. Phao-lô: các Đông Giáo Hội xem Phao-lô là tác giả. Tuy nhiên, Phao-lô không bao giờ viết thư vô danh như thế.
- Trong thời kỳ này, những người theo Cơ-đốc giáo phải chịu nhiều cơn bách hại khiến một số người dường như muốn quay lại Do-thái giáo để tránh bị bắt bớ. Thư này được viết ra nhằm để thuyết phục và thêm sức cho họ giữ vững niềm tin.
- Sách này không có bằng chứng cho thấy đền thờ đã bị phá hủy, cộng với việc Ti-mô-thê vẫn còn sống (13:23) cho thấy niên đại phù hợp nhất là khoảng giữa đến cuối thập niên 60 trước khi La-mã hủy phá đền thờ.
- Chủ đề của sách Hê-bơ-rơ: Sự Ưu Việt của Đấng Christ. -
- Câu gốc: Hê-bơ-rơ 1:1-3. “Ðời xưa, Ðức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách, rồi đến những ngày sau rốt nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài, là Con mà Ngài đã lập lên kế tự muôn vật, lại bởi Con mà Ngài đã dựng nên thế gian; Con là sự chói sáng của sự vinh hiển Ðức Chúa Trời và hình bóng của bản thể Ngài, lấy lời có quyền phép Ngài nâng đỡ muôn vật; sau khi Con làm xong sự sạch tội, bèn ngồi bên hữu Ðấng tôn nghiêm ở trong nơi rất cao.”
I. Đấng Christ Trổi Hơn Bất Kỳ Ai (1:1-4:13).
II. Đấng Christ Trổi Hơn Tôn Giáo Do-thái (4:14-10:18).
III. Đấng Christ Đòi Hỏi Đức Tin Nhẫn Nại của Chúng Ta (10:19-13:16).
2. Tổng Quan và Nội Dung của Hê-bơ-rơ 1-10:
- Sự khải thị của Đức Chúa Trời qua các tiên tri chỉ từng phần nhỏ và không hoàn chỉnh tương phản với sự khải thị của Ngài qua Đấng Christ, Ngài chính là Người Kế Tự, Đấng Sáng Tạo, Sự Chói Sáng Vinh Hiển, Ảnh Tượng của Đức Chúa Trời và Đấng Bảo Toàn thế giới.
- Sự ưu việt của Đấng Christ trên cả thiên sứ. Thiên sứ được dựng nên là người hầu việc Đức Chúa Trời và giúp đỡ những người tin Ngài. Trái lại, Đấng Christ là Con, nhận sự thờ phượng của thiên sứ và còn lại đời đời.
- Sự nhập thể và sự chết của Đấng Christ là để mang những người tin đến sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Sự chịu khổ của Ngài là sự khích lệ thuộc linh cho con cái Ngài khi đối diện với thử thách và cám dỗ.
- Môi-se là vị lãnh đạo tài giỏi nhất, nhưng tác giả chứng tỏ Đấng Christ còn ưu việt hơn cả Môi-se. Môi-se chỉ là một tôi tớ của Đức Giê-hô-va, quản trị trong nhà của Đức Chúa Trời, còn Đấng Christ cai trị trên nhà của Đức Chúa Trời.
- Giô-suê có nghĩa là cứu rỗi, là người đã dẫn dân Ngài vào miền đất hứa phước hạnh nhưng không thể dẫn đưa dân sự của Ngài vào nơi yên nghỉ thuộc linh cuối cùng như Đấng Christ đã làm.
Chức vụ tế lễ của Đấng Christ ưu việt hơn chức vụ tế lễ của A-rôn và các thầy tế lễ thuộc dòng dõi này. A-rôn là thầy tế lễ đại diện cho dân sự trước mặt Đức Chúa Trời, Đấng Christ là thầy tế lễ thượng phẩm đã ban cho chúng ta đặc ân bước vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời.
- Tác giả khích lệ các tín hữu phải trưởng thành và bày tỏ đức tin của mình. Nếu người nào từ bỏ Chúa bởi sợ bị bắt bớ thì chứng tỏ rằng người đó không có đức tin thực.
- Đấng Christ và Mên-chi-xê-đéc: Mên-chi-xê-đéc là người không có bắt đầu cũng như kết thúc. Thứ nhất, đây là lời hứa của Đức Chúa Trời thiết lập Đấng Christ trong chức vụ tế lễ. Thứ hai, chức vụ tế lễ của Đấng Christ là vĩnh cửu, Ngài là thầy tế lễ đời đời và luôn cầu nguyện cho con dân Ngài. Thứ ba, đặc tính của Ngài là thánh khiết và không có tội. Ngài có thể thêm sức cho người yếu đuối, là điều mà A-rôn không thể làm được.
- Đấng Christ và giao ước mới. Có ba điểm ích lợi cho những ai sống dưới giao ước này. Thứ nhất, Đức Chúa Trời đặt để luật pháp của Ngài trong tâm trí họ và ban sức mạnh bên trong. Thứ hai, Đức Chúa Trời khiến cho mọi người nhận biết chính Ngài cách riêng tư chứ không như trong thời Cựu Ước chỉ lựa chọn một số người. Thứ ba, Đức Chúa Trời tha thứ tội lỗi cho những ai nhận biết Đấng Christ là Cứu Chúa của mình.
4. Hê-bơ-rơ 11-13:
- Đức tin khiến những điều không thấy được thành sự thật và đức tin làm vui lòng Đức Chúa Trời. Ngoài ra có dẫn chứng những anh hùng đức tin trong Cựu Ước nhưng Đấng Christ là gương mẫu đáng khích lệ về sự nhẫn nại vì thế chúng ta phải học nơi Ngài.
- Đặc tính của Đức Chúa Trời khích lệ chúng ta trong sự nhẫn nại, Ngài mong muốn dân sự Ngài nên thánh. Cơ-đốc nhân sẽ được kế tự trong vương quốc không hề dời đổi. Điều này ban ân điển để chúng ta phục vụ Ngài mà không thỏa hiệp với thế gian.
- Lời kêu gọi độc giả hãy thực hiện những nghĩa vụ Cơ-đốc và có kết ước chân thực với Ngài. Cũng hãy bày tỏ sự tôn trọng người lãnh đạo và dâng của tế lễ thuộc linh là sự vâng phục, ngợi khen và phục vụ người khác nữa.
III. SÁCH GIA CƠ
1. Dẫn nhập vào sách Gia-cơ:
- Bản văn chỉ đề cập đến người viết là “tôi tớ của Đức Chúa Trời”, nhưng phần lớn các Giáo Phụ đều cho rằng Gia-cơ, em của Chúa Giê-xu, chính là tác giả. Khi chức vụ của Chúa Giê-xu còn trên đất thì Gia-cơ là người chưa tin nhưng khi Đấng Christ phục sinh hiện ra cho ông thì ông không còn nghi ngờ và trở thành môn đồ của Ngài (Công 1:14), sau đó ông trở thành một lãnh đạo quan trọng trong hội thánh đầu tiên.
- Các nhà giải kinh cho rằng sách Gia-cơ có thể là bản văn sớm nhất trong cả Tân Ước. Vì, thứ nhất, ngôn từ trong sách Gia-cơ và các sách Phúc Âm Cộng Quan dường như tương tự nhau. Thứ hai, Gia-cơ mô tả về khoảng cách kinh tế giữa người giàu và người nghèo bởi cuộc nổi dậy của người Do-thái chống lại đế quốc La-mã vào năm 66 SC đã khiến những người giàu thất bại nên mâu thuẫn giữa người nghèo và người giàu đã chấm dứt. Thứ ba, tổ chức hội thánh trong Gia-cơ rất đơn giản, chỉ có “trưởng lão” được đề cập trong sách này. Tất cả những yếu tố này cho thấy niên đại sớm nhất có lẽ vào đầu thập niên 50.
- Gia-cơ gửi thư cho “mười hai chi phái tan lạc khắp các nước” (1:1) vì vậy cả người viết và người nhận đều có nguồn gốc là Do-thái. Ông viết cho một nhóm Cơ-đốc nhân Do-thái đang chịu thử thách và bách hại. Gia-cơ kêu gọi họ hãy tăng trưởng trong sức chịu đựng thuộc linh và khích lệ họ có đức tin sâu sắc hơn và bày tỏ bằng chứng của đức tin đó.
- Khi đã công nhận Gia-cơ là tác giả thì có thể nói rằng ông viết thư này tại Giê-ru-sa-lem, nơi ở của ông vì trong thư ông đề cập đến thời tiết mùa màng (5:7) liên quan đến xứ Do-thái.
- Thư của Gia-cơ cũng nhấn mạnh đến đạo đức khi ông chủ trương rằng đức tin không có việc làm là vô nghĩa và vô dụng.
2. Tổng Quan và Nội Dung sách Gia-cơ
Chủ đề: Nếp Sống Cơ-đốc Thực Tiễn
Câu gốc: Gia-cơ 2:18 “Hoặc có kẻ nói: Ngươi có đức tin, còn ta có việc làm. Hãy chỉ cho ta đức tin của ngươi không có việc làm, rồi ta sẽ chỉ cho ngươi đức tin bởi việc làm của ta.”
I. Lời Kêu Gọi của Người Chăn Bầy về sự Nhẫn Nại và Làm Việc Lành (1:1-2:26)
II. Lời Kêu Gọi của Nhà Tiên Tri về sự Khôn Ngoan và Vâng Phục (3:1-5:20)
- Tác giả đưa ra những ích lợi của việc thử nghiệm để khích lệ các tín hữu trong cơn thử thách. Vì thế phải cầu nguyện xin sự khôn ngoan để đánh giá đúng đắn và có phản ứng hợp lý trong sự thử thách.
- Gia-cơ thách thức người đọc bày tỏ đức tin bằng việc làm và lòng thương xót. Đức tin mà thiếu việc làm kể như “chết” và ông đưa dẫn chứng về đức tin của Áp-ra-ham và Ra-háp.
- Nhấn mạnh đến việc kỷ luật bản thân, đặc biệt là việc kiểm soát cái lưỡi và tính không nhất quán của cái lưỡi. Khắc phục lối sống thế gian bằng cách vâng phục Đức Chúa Trời trong sự khiêm nhường và ăn năn. Thư cũng lên án những người chủ giàu có vì sự tham lam và thiếu quan tâm.
- Tận tâm kiên trì trong sự hầu việc Chúa và đưa ra ba ví dụ của người hết lòng kiên trì: người nông dân, nhà tiên tri và Gióp.
- Cơ-đốc nhân phải luôn cầu nguyện trong mọi giai đoạn của cuộc sống. Khi gặp khó khăn thì cầu nguyện để được thêm sức và giúp đỡ, lúc phước hạnh thì ngợi khen Đức Chúa Trời, khi đau ốm thì nhờ người lãnh đạo đến cầu nguyện cho.
- Cuối cùng Gia-cơ bày tỏ mối quan tâm đến những Cơ-đốc nhân đang lầm lạc. Nói chung, sứ điệp của Gia-cơ nhắc nhở chúng ta cần có hành động và thái độ mà Đức Chúa Trời đòi hỏi nơi con dân Ngài, đó là cách sống đẹp lòng Đức Chúa Trời.
IV. SÁCH I VÀ II PHI-E-RƠ
1. Dẫn nhập thư tín của Phi-e-rơ
- Phi-e-rơ tuyên bố quyền tác giả của mình trong cả hai thư (1:1). Ngoài ra có điểm tương đồng trong I Phi-e-rơ 4:5 và bài giảng trong Công-vụ 10:42 là lời của một người mà thôi. Trong II Phi-e-rơ ông đã khẳng định mình là người chứng kiến cảnh Chúa Giê-xu hóa hình (1:16-18), ông cũng xưng mình là sứ đồ và là bạn của Phao-lô.
- Phi-e-rơ chỉ định rõ thư gửi cho các tín hữu tại các tỉnh thuộc xứ Bông, Cáp-ba-đốc, A-si, và Bi-thi-ni. Những người này là những người ngoại tin Chúa (4:3) và thư thứ hai cũng gửi cho họ (3:1).
- Phần lớn trong thư thứ nhất là để hướng dẫn và khích lệ các tín hữu đang trong sự bắt bớ dưới thời của hoàng đế Nê-rô. Và Phi-e-rơ viết thư này tại Ba-by-lôn (I Phi 5:13).
2. Tổng Quan và Nội Dung I và II Phi-e-rơ:
Chủ đề: I Phi-e-rơ: Sống như tuyển dân của Đức Chúa Trời Câu gốc: I Phi-e-rơ 1:7. “Hầu cho sự thử thách đức tin anh em quí hơn vàng hay hư nát, dầu đã bị thử lửa, sanh ra ngợi khen, tôn trọng, vinh hiển cho anh em khi Ðức Chúa Jêsus Christ hiện ra.”
I. Dân Sự của Đức Chúa Trời là thánh (1:1-2:3)
II. Dân Sự của Đức Chúa Trời là Nhân Chứng cho Thế Gian (3:4-3:12)
III. Dân Sự của Đức Chúa Trời Chịu Khổ (3:13-5:14)
- Phi-e-rơ đề cập đến phương cách và bản chất của sự cứu rỗi và hướng đến đời sống thánh khiết.
- Trong phần hai ông đưa ra ba hình ảnh về dân sự của Đức Chúa Trời (2:4-10):
1) hội thánh là một thân thể sống phục vụ Đức Chúa Trời,
2) hội thánh là một công trình được xây trên Đấng Christ là đá góc nhà và
3) các tín hữu là những người được chọn lựa để chiếu sáng vinh quang của Đức Chúa Trời.
- Các tín hữu phải chịu những sự chống đối từ những người chưa tin, vì thế phải bày tỏ một sự kết ước khác biệt để thuyết phục những người cáo buộc họ về sự chân thật của Cơ-đốc giáo. Ông cũng dạy về mối quan hệ giữa con người với nhau, thuận phục chính quyển, tôn trọng chủ và mối quan hệ trong gia đình giữa chồng và vợ.
- Sự chịu khổ và sự bắt bớ: cần phải chuẩn bị chịu khổ vì sống công chính theo kế hoạch của Đức Chúa Trời bao gồm cả sự chịu khổ, tuy vậy Ngài sẽ ban thêm sức lực trong khi chịu khổ.
- Trong phần kết luận, ông nói về phần thưởng tương lai cho những đầy tớ trung tín biết nuôi dưỡng và chăm sóc cho bầy mình. Ông nhắc họ rằng sự chịu khổ chỉ tạm thời, còn Đức Chúa Trời kêu gọi những ai vâng phục Ngài đến sự “vinh hiển đời đời” (5:10).
3. Tổng quan và nội dung của II Phi-e-rơ:
Chủ đề: Đức Tin trong Thời Kỳ Khó Khăn
Câu gốc: II Phi-e-rơ 1:3-4. “Quyền phép Ðức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tin kính, khiến chúng ta biết Ðấng lấy vinh hiển và nhân đức mà gọi chúng ta, và bởi vinh hiển nhân đức ấy, Ngài lại ban lời hứa rất quí rất lớn cho chúng ta, hầu cho nhờ đó anh em được lánh khỏi sự hư nát của thế gian bởi tư dục đến, mà trở nên người dự phần bản tánh Ðức Chúa Trời.”
I. Tầm Quan Trọng của việc Tăng Trưởng trong Đức Tin (1:1-21).
II. Mối Nguy Hiểm của các Giáo Sư Giả (2:1-22).
III. Sự Chắc Chắn về Ngày của Chúa (3:1-8).
- Thư thứ hai của Phi-e-rơ nhằm kêu gọi các tín hữu tăng trưởng thuộc linh và cảnh báo những lời dạy lừa dối của các giáo sư giả.
- Phi-e-rơ truyền cho độc giả của mình hy vọng về sự nhẫn nại khi nói đến sự chắc chắn và kết quả của ngày Đấng Christ trở lại. Ông chứng minh việc Đấng Christ trở lại bằng lời khẳng định Đức Chúa Trời kiểm soát cả lịch sử. Lời hứa của Đấng Christ là chắc chắn và sự thành tín của Ngài là đáng tin cậy. Vì thế Cơ Đốc Nhân phải nên thánh và khẩn trương ra đi làm chứng về Ngài.
V. THƯ TÍN GIĂNG VÀ GIU-ĐE
1. Dẫn Nhập Thư Tín I, II, và III Giăng.
- Các lãnh đạo hội thánh đầu tiên đều cho rằng Sứ đồ Giăng là tác giả. Bằng chứng là cách sử dụng từ ngữ tương tự nhau trong Phúc-âm Giăng và I Giăng.
- Không có đủ tài liệu để biết được niên đại của các thư này. Truyền thống giáo hội cho rằng ông trải qua những năm cuối của chức vụ tại Ê-phê-sô, mà các ngôn từ và nội dung của các thư này giống như của Phúc-âm Giăng, nên có thể ông viết các thư này vào đầu hoặc giữa thập niên 90. - Trong I Giăng không nói rõ người nhận nhưng ông gọi họ là “các con cái bé mọn” (2:1) và là “anh em” nên có thể ông thân thiết với họ và có lẽ là nhóm Cơ-đốc nhân ở Tiểu Á. Thư thứ hai ông gửi cho “bà được chọn và con cái bà” (câu 1), có thể đó là những bạn hữu của ông. Giăng viết thư thứ ba cho Gai-út nhưng chúng ta không rõ nơi Gai-út sinh sống.
- Vào thời điểm Giăng viết thư, có một tà thuyết gọi là Trí Huệ đang phát triển giữa vòng Cơ-đốc giáo. Nên thư thứ nhất ông bày tỏ quan điểm nghịch lại tà thuyết này.
- Giăng viết thư thứ nhất để khuyến khích mối thông công, khuyên giục độc giả tập tành vâng phục, cảnh báo về sự giảng dạy sai trật và đưa ra nền tảng chắc chắn của sự cứu rỗi. Thư thứ hai ông cảnh báo sự giảng dạy sai trật về sự khiêm nhường thật của Đấng Christ. Thư thứ ba ông hướng dẫn hội thánh đang trong tình trạng chia rẽ bởi sự cãi lẫy nội bộ.
2. Tổng Quan và Nội Dung của các Thư Tín Giăng.
- Chủ đề I Giăng: Bằng Chứng của Đức Tin Thật.
- Câu Gốc: 1 Giăng 5:13. “Ta đã viết những điều nầy cho các con, hầu cho các con biết mình có sự sống đời đời, là kẻ nào tin đến danh Con Ðức Chúa Trời.”
I. Sự Vâng Phục là Bằng Chứng của Đức Tin (1:1-2:6; 2:28-3:10; 5:4-21).
II. Tình Yêu Thương là Bằng Chứng của Đức Tin (2:7-17; 3:11-24; 4:7-5:3).
III. Niềm Tin Đúng Đắn là Bằng Chứng của Đức Tin (2:18-27; 4:1-6).
- Khẳng định về sự sống đời đời, vì thế hãy bước đi trong sự sáng của sự vâng phục Đức Chúa Trời. Những ai đã sa ngã trong đời sống thuộc linh hãy xưng tội mình và hưởng sự tha thứ từ Đức Chúa Trời.
- Tình yêu thương giữa các tín hữu là đặc trưng của Cơ-đốc nhân. Người nào yêu anh em trong Chúa là người bước đi trong mối thông công với Đức Chúa Trời.
- Thực tại của sự sống đời đời là người có quan điểm đúng đắn về Đấng Christ và công tác của Ngài.
- Thực hành nếp sống đạo: sự nên thánh và sự công bình. Đưa ra định nghĩa cụ thể về tình yêu thương lẫn nhau, bởi nhận được tình yêu thương từ Đấng Christ thể nào thì hãy bày tỏ việc làm tốt và lòng thương xót người khác thể ấy.
- Nhận biết Thần Lẽ Thật là niềm tin đúng đắn nơi Đấng Christ. Bởi tình yêu thương của Đức Chúa Trời mà chúng ta tin quyết vào ngày Chúa Giê-xu trở lại.
- Chủ đề II Giăng: Bước Đi trong Lẽ Thật.
- Câu Gốc: II Giăng 1:6. “Vả, sự yêu thương là tại làm theo các điều răn của Ðức Chúa Trời. Ðó là điều răn mà các ngươi đã nghe từ lúc ban đầu, đặng làm theo.”
- Vấn đề Giăng đối diện trong thư này cũng giống như thư trước. Ông dùng từ “bà được chọn và con cái bà” là chỉ về một hội thánh Cơ-đốc. Ông khích lệ họ cứ tiếp tục bước đi trong điều răn của Đức Chúa Trời. Ông cũng cảnh cáo những ai chối bỏ sự nhập thể của Đấng Christ là người thiếu đức tin thật và ông cũng thông báo việc chuẩn bị đến thăm họ.
- Chủ đề III Giăng: Cùng Nhau Bước Đi vì Lẽ Thật.
- Trong thư này vị sứ đồ khuyên giục các tín hữu xử lý cách khôn ngoan những người hay gây gỗ và hống hách trong hội thánh. Trước nhất, ông khuyên một tín hữu trung tín là Gai-út bày tỏ lòng tốt và hiếu khách đối với những Cơ-đốc nhân lữ hành. Thứ hai, ông cảnh cáo thái độ ngạo mạn của Đi-ô-trép. Thứ ba, ông khen ngợi Đê-mê-triu là người có cách cư xử đáng tôn trọng. Và ông kết luận với hy vọng sẽ đến thăm họ sớm.
3. Dẫn nhập sách Giu-đe.
- Giu-đe tự xưng mình là một tôi tớ của Chúa Giê-xu Christ và là em của Gia-cơ (câu 1). Thư của ông được viết trong khoảng thời gian từ năm 70 đến 80 SC.
- Thư này không ghi cụ thể người nhận, chỉ biết dành cho những người “được nên thánh” và “được dành sẵn”, là các Cơ-đốc nhân khắp mọi nơi.
4. Tổng quan và Nội Dung của sách Giu-đe.
- Chủ đề: Đấu Tranh cho Đức Tin
- Câu Gốc: Giu-đe 1:3. “Hỡi kẻ rất yêu dấu, vì tôi đã ân cần viết cho anh em về sự cứu rỗi chung của chúng ta, tôi tưởng phải làm điều đó, để khuyên anh em vì đạo mà tranh chiến, là đạo đã truyền cho các thánh một lần đủ rồi.”
- Tác giả đề cập đến “sự cứu rỗi” khi ông thấy nhiều giáo sư giả đang gây ra vấn đề trong hội thánh. Ông muốn khuyên giục hội thánh hãy hết sức nỗ lực bảo vệ sứ điệp Phúc-âm và bày tỏ năng quyền của Phúc-âm bằng nếp sống đúng đắn.
- Năm điều mà Giu-đe đề cập về các tà thuyết. Thứ nhất, những người đó đáng bị trừng phạt. Thứ hai, họ là kẻ kiêu ngạo. Thứ ba, ông so sánh đường lối đồi bại của họ như của Ba-la-am và Cô-rê trong Cựu Ước. Thứ tư, ông đề cập đến Hê-nóc về hình phạt trong tương lai. Thứ năm, ông nói về sự ương ngạnh của họ.
- Các tín hữu phải chống trả những lời dụ dỗ của tà thuyết. Bên cạnh đó phải tăng trưởng trong sự thông biết và áp dụng đức tin Cơ-đốc và cầu nguyện mạnh mẽ. Cứ giữ mình trong tình yêu của Đức Chúa Trời bằng sự vâng phục và hãy thổi ngọn lửa trông cậy bằng nếp sống thánh khiết. Hãy biết giúp đỡ những tín hữu trong lúc khó khăn bằng cách bày tỏ lòng thương xót.
ÔN TẬP :
1. Mục đích và chủ đề của thư Hê-bơ-rơ?
2. Chủ đề và điểm nhấn mạnh của thư Gia-cơ?
3. Hãy xác định ba cách Cơ-đốc nhân làm chứng cho thế gian từ I và II Phi-e-rơ?
4. Kể ra 3 bằng chứng của đức tin thực từ trong I Giăng?
5. Giăng nói gì về lẽ thật trong II và III Giăng?
6. Giu-đe nói gì về đức tin?
bottom of page