top of page

BÀI 3 : PHÚC ÂM MA-THI-Ơ

Hung Tran

May 29, 2023

Được trích dẫn nhiều nhất.
- Có hệ thống nhất.
- Được sắp xếp rõ ràng nhất.
- Là nguồn duy nhất về một số lời dạy của Chúa Giê-xu...



BÀI 3: PHÚC ÂM MA-THI-Ơ



Tác giả: Người thâu thuế Lê-vi Ma-thi-ơ (Math. 9:9-13; Mác 2:13-17).

Niên đại: Năm 60-70 S.C.

Địa điểm viết sách : Thành An-ti-ốt.

Chủ đề: Đấng Mê-si-a đến.

Câu gốc: “Ðức Chúa Jêsus đến gần, phán cùng môn đồ như vầy: Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta.” (28:18).

Bố cục:

I. Sự Giáng Sinh và Thời Kỳ Đầu trong Cuộc Đời của Đấng Mê-si-a (1:1-2:23).

II. Thời Kỳ Đầu Chức Vụ của Đấng Mê-si-a (3:1-7:29).

III. Lời Nói và Việc Làm của Đấng Mê-si-a ở Ga-li-lê (8:1-18:35).

IV. Hành Trình đến Giê-ru-sa-lem của Đấng Mê-si-a (19:1-20-34).

V. Tuần Lễ Cuối, Sự Đóng Đinh và Phục Sinh của Đấng Mê-si-a (21:1-28:20).

* Tầm Quan Trọng:

- Được trích dẫn nhiều nhất.

- Có hệ thống nhất.

- Được sắp xếp rõ ràng nhất.

- Là nguồn duy nhất về một số lời dạy của Chúa Giê-xu.

* Đặc Điểm:

1. Nhấn mạnh sự giảng dạy của Chúa Giê-xu (chẳng hạn Bài Giảng Trên Núi, các Ví Dụ, và Bài Giảng trên núi Ô-li-ve).

2. Công cụ truyền giáo cho những người Do-thái không tin.

3. Nhấn mạnh phép lạ của Chúa Giê-xu.

* Năm Bài Giảng:

1. Bài Giảng trên Núi (Chương 5-7).

2. Sứ Mạng cho Mười Hai Môn Đồ (Chương 10).

3. Các Ví Dụ (Chương 13).

4. Sự Khiêm Nhường và Sự Tha Thứ (Chương 18).

5. Bài Giảng trên Núi Ô-li-ve (Chương 24-25).


I. KHÍA CẠNH ĐỘC ĐÁO CỦA MA-THI-Ơ

1. Tầm quan trọng của Sách Phúc-âm này:

-Từ thế kỷ thứ 2 trở đi, Ma-thi-ơ là sách được trích dẫn nhiều nhất trong các sách Phúc-âm. Đặc trưng của sách này là sự sắp xếp cách hệ thống sự giảng dạy của Chúa Giê-xu.

- Ma-thi-ơ được liệt kê đầu tiên trong Thánh Kinh Tân Ước bởi ban đầu các học giả nghĩ rằng Ma-thi-ơ là Phúc-âm được viết trước tiên, mặt khác, sách này trích dẫn nhiều câu Kinh Thánh Cựu Ước, đây được xem như là cầu nối giữa Cựu Ước và Tân Ước.

2. Tác giả:

- Trong sách không có tên tác giả nhưng hội thánh đầu tiên đều cho rằng đây là Phúc-âm do Ma-thi-ơ người thâu thuế viết và các học giả cũng tin rằng Ma-thi-ơ chính là Lê-vi người thâu thuế đã đáp ứng tiếng gọi của Chúa Giê-xu tại Ca-bê-na-um.

- Nội dung của sách được sắp xếp cách gọn gàng thể hiện tính cách của một người thâu thuế. Chỉ có Phúc-âm này ký thuật câu chuyện Chúa Giê-xu nộp thuế đền thờ. Tất cả những điều trên có thể khẳng định Ma-thi-ơ là tác giả của sách.

3. Niên đại:

- Việc xác định thời điểm các sách Phúc-âm được viết ra là điều không dễ dàng vì sách không cho biết những sự kiện đương thời xảy ra liên quan đến nội dung Phúc-âm.

- Chỉ có Ma-thi-ơ dùng từ “hội thánh” (Math. 18:17) cho thấy ông viết Phúc-âm này khi giáo lý hội thánh trở nên quan trọng.

- Việc trích dẫn Kinh Thánh Cựu Ước, nhấn mạnh vấn đề đạo đức, cũng như cách gọi Đức Chúa Trời là “Cha trên trời” tiêu biểu cho những đặc trưng người Do-thái thường dùng.

- Từ những điều nêu trên có thể khẳng định sách được viết ra cuối thời các sứ đồ khi hội thánh đã phát triển nhưng trước khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy phá năm 70 SC. Sách này cũng có thể viết sau sách Mác nên niên đại sách là khoảng năm 60-70 SC.

4. Chủ đề và mục đích của Phúc-âm Ma-thi-ơ:

- Ma-thi-ơ không nêu mục đích cụ thể của sách nhưng việc sắp xếp cách hệ thống của Phúc-âm có thể giúp ích cho việc giảng dạy.

- Ma-thi-ơ bày tỏ Chúa Giê-xu trong thân vị Con Người và cuộc đời của Ngài trên đất là sự ứng nghiệm lời tiên tri trong Cựu Ước (Math 4:14-16), mối tương quan giữa Phúc-âm và luật pháp.

- Ma-thi-ơ cũng nhấn mạnh đến sự thật về sự sống lại của Chúa Giê-xu đối nghịch lại nỗ lực của người Do-thái tìm cách chối bỏ điều này. Từ đó cho thấy sách này được dùng như một công cụ truyền giảng cho những người Do-thái chưa tin.


II. ĐẶC ĐIỂM CỦA SÁCH MA-THI-Ơ

* Ma-thi-ơ và các sách Cộng Quan: Ba sách Phúc-âm Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca có cùng một cách nhìn về Chúa Giê-xu nên được gọi là Phúc-Âm Cộng Quan. Mặc dù các sách này tương tự nhau nhưng mỗi Phúc-âm đưa ra cách nhìn độc đáo về cuộc đời của Chúa Giê-xu.

* Nhấn mạnh về các phép lạ: Mặc dù đặc điểm nổi bật nhất của sách Ma-thi-ơ nhấn mạnh vào việc giảng dạy của Chúa Giê-xu, nhưng cũng có một đặc điểm nổi trội khác nữa là phép lạ. Thường Ma-thi-ơ mô tả việc Chúa giảng dạy cặp theo phép lạ (8:1-17; 17:24-27; 26:2-4; 27:51-54).

1. Gia phổ (1:1-17):

Ma-thi-ơ ghi lại gia phổ của Chúa Giê-xu qua Giô-sép để chứng minh cho người Do-thái thấy rằng lời hứa về Đấng Mê-si-a từ dòng dõi vua Đa-vít mà ra đã ứng nghiệm.

2. Sinh Ra từ Nữ Đồng Trinh (1:18-25):

- Ma-ri và Giô-sép chưa có quan hệ tình dục khi cô mang thai bởi Đức Thánh Linh.

- Động cơ Giô-sép quyết định âm thầm ly hôn với Ma-ri là để không làm tổn thương cô.

- Giô-sép quyết định đặt tên cho con trẻ Giê-xu theo điều mà thiên sứ bảo với ông.

- Sau khi Chúa Giê-xu được sanh ra, Giô-sép và Ma-ri rõ ràng là có mối quan hệ hôn nhân bình thường.

3. Cám Dỗ của Chúa Giê-xu (4:1-11):

- Sa-tan không thể tiếp cận với Chúa qua bản chất tội lỗi vì Ngài vô tội nhưng nó khiêu khích cơn đói tự nhiên của Ngài sau 40 ngày kiêng ăn cầu nguyện. Chúa Giê-xu đáp lại với Sa-tan rằng con người cần vâng phục Chúa hơn là cần thức ăn. Vâng phục Đức Chúa Trời là vấn đề của cám dỗ này.

- Trong cám dỗ thứ hai, Sa-tan xúi giục Chúa làm một thử nghiệm về lời hứa quan phòng của Đức Chúa Trời trên Ngài. Câu trả lời của Ngài cho thấy Ngài không cần phải thử Đức Chúa Trời bằng cách nhảy từ tháp đền thờ vì Ngài đã biết sự chăm sóc yêu thương của Đức Chúa Trời. Tin cậy Chúa là vấn đề của cám dỗ này.

- Cuối cùng Sa-tan đã cố gắng thuyết phục Chúa Giê-xu rằng Ngài có thể trở thành Đấng Mê-si-a mà không cần phải qua thập tự giá. Chúa đã từ khước thỏa hiệp với Sa-tan khi tuyên bố rằng chỉ có Đức Chúa Trời mới đáng được thờ phượng. Thỏa mãn tham vọng cá nhân là vấn đề của cám dỗ thứ ba này.

* Thực chất sự cám dỗ xoay quanh 3 điều căn bản sau:

(1) Sự mê tham của xác thịt,

(2) sự kiêu ngạo của đời và

(3) Sự mê tham của mắt.

Áp dụng:

- Sa-tan biết Kinh Thánh và tìm cách dẫn dắt người ta áp dụng sai lời dạy của Kinh Thánh.

- Kiến thức Kinh Thánh là vũ khí phòng thủ mạnh mẽ để chống lại cám dỗ.

- Cơ-đốc nhân cần phải luôn cầu nguyện nhờ cậy sức Chúa đắc thắng cám dỗ.

- Sa-tan muốn dẫn con người làm theo đường lối của nó hơn là theo đường lối Đức Chúa Trời.

- Sa-tan biết những điểm yếu nhất của chúng ta.

- Vấn đề thực chất của hầu hết các cám dỗ là chúng ta có tin cậy và vâng phục Đức Chúa Trời hay không.


III. BÀI GIẢNG TRÊN NÚI (5-7)

1. Nguyên tắc của công nghĩa thật (5)

- Trong Ma-thi-ơ 5:3-12, Chúa Giê-xu công bố phước hạnh cho những ai bày tỏ một số thái độ tâm linh. Ví dụ như người đói khát sự công chính, Chúa hứa ban sự công chính đó cho những ai khát khao hết lòng.

- Trong Ma-thi-ơ 5:17-48, cách giải thích về Cựu Ước của Chúa Giê-xu trái ngược với sự hiểu biết thông thường của người Do-thái lúc bấy giờ. Họ được dạy rằng hãy yêu kẻ lân cận mà ghét kẻ thù nghịch. Nhưng Chúa dạy mạng lệnh yêu thương đó đòi hỏi yêu kẻ thù nghịch, chúc phước cho kẻ rủa sả và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ mình.

2. Nguyên tắc thờ phượng thật (6)

- Trong Ma-thi-ơ 6:1-8, Chúa Giê-xu dạy về những nguyên tắc bày tỏ lòng thương xót, cầu nguyện và kiêng ăn. Trong bài cầu nguyện Chúa dạy, Ngài khuyên đừng lặp lại những lời vô ích và kêu gọi người nghe hãy bắt đầu lời cầu nguyện bằng sự ngợi khen Đức Chúa Trời và cầu xin ý Chúa được nên. Chúa cũng kêu gọi họ xin những nhu cầu trong đời sống hằng ngày, sự tha tội và sức mạnh để tránh cám dỗ.

- Trong 6:19-34, Chúa Giê-xu muốn dạy về lòng tham lam và sự lo lắng. Ngài chỉ ra những tác hại suy đồi của lòng tham lam và sự vô ích khi cố gắng giải quyết những vấn đề của cuộc sống bằng thái độ lo lắng. Thay vì tập trung vào những mục tiêu vật chất trong cuộc sống, Chúa Giê-xu muốn con cái Ngài tập trung làm theo ý muốn Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ chu cấp mọi nhu cầu trong đời sống của chúng ta.

3. Nguyên tắc xét đoán đúng (7)

- Chúa Giê-xu cấm chúng ta có tinh thần phê phán luôn bới móc những sai phạm của người khác. Ngài cũng cảnh báo về sự phán xét của Đức Chúa Trời, rằng người ta phải vâng phục Đức Chúa Trời không phải bằng lời mà thôi nhưng bằng cả việc làm (7:21-23). Ngài hứa sẽ có sự phán xét cho những ai cố ý bất phục Đức Chúa Trời.


IV. NHỮNG LỜI DẠY DỖ KHÁC

1. Ẩn dụ về Nước Đức Chúa Trời (13:1-50):

- Chúa Giê-xu dùng các ẩn dụ để truyền đạt chân lý cho các môn đồ cách rõ ràng và thậm chí để kích thích những kẻ chống đối Ngài suy nghĩ cách nghiêm túc về sự dạy dỗ của Ngài. Trong đoạn này Chúa giải thích sự phát triển của nước Đức Chúa Trời được ví với sự phát triển của hạt cải (13:31-32) và giá trị của nước Trời như giá trị của viên ngọc quý (13:45-46). Quen thuộc nhất là ẩn dụ về người gieo giống.

2. Lời tuyên xưng vĩ đại của Phi-e-rơ (16:13-20):

- Sau khi Chúa hóa bánh cho năm ngàn người ăn, có một số người chống đối Ngài, tuy nhiên các môn đệ của Ngài nhận biết Ngài là Đấng Mê-si-a. Mặc dù Phi-e-rơ xưng nhận Chúa Giê-xu chính là Đấng Mê-si-a nhưng ông không hiểu đầy đủ điều ông nói, nếu không ông đã không trách Chúa như trong 16:22. Vấn đề khó giải thích ở đây là Chúa có ý gì khi Ngài nói đến hòn đá mà trên đó Ngài sẽ xây dựng Hội thánh. Ngài không có ý cho rằng Phi-e-rơ là người duy nhất sáng lập Cơ-đốc giáo, nhưng là một nhà lãnh đạo xuất chúng, ông sẽ có ảnh hưởng lớn trên sự phát triển của Cơ-đốc giáo.

- Một vấn đề khác liên quan đến lời hứa về chìa khóa của nước Trời được giao cho Phi-e-rơ (16:19). Chúa giao cho Phi-e-rơ, người phát ngôn cho các sứ đồ, thẩm quyền rao ra sự tha thứ, tuyên bố điều kiện được vào nước Trời bằng sự tha thứ tội lỗi. Sau đó trong Ma-thi-ơ 18:18 thẩm quyền này thuộc về tất cả các sứ đồ và thực ra cho mọi Cơ-đốc nhân (28:18-19).

3. Tự bỏ mình và mang thập tự giá (16:24):

- Tự bỏ chính mình có nghĩa là từ bỏ vật chất - tìm kiếm sự giàu có; từ bỏ cái tôi- tìm kiếm sự thỏa mãn chính mình và thừa nhận đặc biệt; từ bỏ nhục dục- tìm kiếm lối sống theo thế gian và vô đạo đức.

- Vác thập tự giá: không chỉ là đối diện với khó khăn và đau khổ trong cuộc sống mà còn chịu khổ vì chính Ngài, chấp nhận những hậu quả khi bước theo Chúa Giê-xu.

4. Hòa giải và sự tha thứ (18:15-35):

- Bốn bước để giải quyết vấn đề giữa người với người:

(1) Gặp gỡ riêng,

(2) Gặp gỡ với hai hoặc ba người làm chứng,

(3) Đưa vấn đề ra trước toàn thể hội thánh, và

(4) Loại khỏi hội thánh những người ương ngạnh.

- Sự tha thứ: Từ câu hỏi của Phi-e-rơ rằng cần phải tha thứ cho người phạm lỗi với mình bao nhiêu lần, Chúa dạy Cơ-đốc nhân phải tha thứ không giới hạn lần. Chân lý này không phải để chúng ta phạm tội thoải mái nhưng giúp chúng ta tin chắc vào mối thông công đã được phục hồi khi chúng ta ăn năn.

5. Lời dạy về việc ly dị (19:1-12):

- Các học giả Kinh Thánh người Do-thái nhìn chung đều đồng ý rằng luật pháp Môi-se cho phép ly dị và được quyền tái hôn (Phục 24:1-4). Chúa Giê-xu trả lời cho vấn đề này bằng cách chỉ ra ý muốn toàn hảo của Đức Chúa Trời về hôn nhân là một người nam và một người nữ duy trì hôn nhân trong thời gian sống trên đất (19:6). Sau đó Chúa tuyên bố rằng chỉ được phép ly dị đối với “người không chung thủy trong hôn nhân” (19:9) hoặc phạm tội ngoại tình. Tuy nhiên, con cái Chúa phải tìm kiếm cách sống theo tiêu chuẩn thánh như trong đoạn 19:4-6.


V. TUẦN LỄ CUỐI CỦA CHÚA GIÊ-XU (21-26:46)

1. Các sự kiện trong Tuần Lễ Cuối (21-28):

- Chúa Nhật Lễ Lá: Chúa cỡi lừa con vào thành Giê-ru-sa-lem cách khải hoàn (21:1-11) để bày tỏ cho người Giu-đa thấy Ngài là Đấng Mê-si-a đến theo cách rất nhu mì và khiêm nhường.

- Thứ Hai: Có nhiều người chào đón Ngài cho thấy họ công nhận Chúa chính là Đấng Mê-si-a.

- Thứ Ba: Chúa Giê-xu có những cuộc tranh luận với những vị lãnh đạo tôn giáo khi họ hỏi Chúa lấy thẩm quyền gì thanh tẩy đền thờ (21:23-27). Cũng trong ngày đó người Pha-ri-si hỏi Chúa về việc đóng thuế cho Sê-sa (22:15-22), sau đó Ngài cũng trả lời cho người Sa-đu-sê về sự sống lại của kẻ chết (22:23-33) và câu hỏi của thầy dạy luật về điều răn lớn nhất (22:34-40). Qua đó Ngài cũng có một bài giảng dài lên án sự giả hình của người Pha-ri-si (23:1-39).

- Bài giảng trên núi Ô-li-ve (24-25): Chúa Giê-xu dùng hình ảnh thành Giê-ru-sa-lem sụp đổ năm 70 SC để mô tả về hình phạt của Đức Chúa Trời trên kẻ ác trong suốt giai đoạn hoạn nạn trước khi Đấng Christ trở lại. Chúa nói rõ rằng Ngài không biết chính xác thời điểm nhưng sẽ sau giai đoạn hoạn nạn và Ngài giục giã các tín hữu hãy luôn sẵn sàng.

- Thứ Tư và Thứ Năm: Mặc dù các sách Phúc-âm không ghi lại bất kỳ sự kiện nào trong ngày thứ Tư của tuần lễ cuối, chúng ta có thể cho rằng Ngài đã rất bận rộn với việc giảng dạy vì Ngài làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Ngày thứ Năm Chúa giữ lễ Vượt Qua với các môn đệ (26:17-30) và cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê (26:36-46).

- Thứ Sáu: Sự đóng đinh Chúa Giê-xu (27:32-56) kéo dài khoảng 6 tiếng sau khi bắt đầu lúc 9 giờ sáng. Đến 3 giờ chiều, Ngài kêu lên “Đức Chúa Trời tôi ôi, Đức Chúa Trời tôi ôi, sao Ngài lìa bỏ tôi” (27:46). Những dấu hiệu khác xảy ra sau đó là động đất, bức màn trong đền thờ bị xé ra, và sự xuất hiện của các thánh được sống lại từ mồ mả. (27:51-52).

- Chúa Nhật: Chúa Giê-xu Phục Sanh (28:1-15). Sau phục sanh Chúa hiện ra với nhiều người, ở nhiều nơi và vào nhiều thời điểm khác nhau. Sau 40 ngày Chúa đã thăng thiên về trời và chúng ta sẽ thấy Ngài trở lại để đón chúng ta về với Ngài.


ÔN TẬP:

Để ôn lại phần này, hãy trả lời những câu hỏi sau. Có thể ghi câu trả lời ở một quyển tập khác.

1. Chủ đề và mục đích của Phúc-âm Ma-thi-ơ là gì?

2. Hai đặc điểm của Phúc-âm Ma-thi-ơ là gì?

3. Bài Giảng trên Núi được tìm thấy ở chương nào trong sách Ma-thi-ơ?

4. Hãy kể ra một hoạt động cho mỗi ngày trong tuần lễ cuối của Chúa Giê-xu.

5. Cho biết ít nhất hai bằng chứng về sự sống lại của Chúa Giê-xu.



bottom of page