top of page

BÀI 4 : PHÚC ÂM MÁC

Hung Tran

May 28, 2023

Hội Thánh đầu tiên xem Giăng Mác là tác giả của Phúc-âm Mác. Papias cho biết Mác không được nghe hoặc theo Chúa cách riêng tư,...



BÀI 4: PHÚC ÂM MÁC



Tác Giả: Giăng Mác, cộng sự của Phao-lô (Côl. 4:10-11)

Niên Đại: Cuối thập niên 50

Chủ Đề: Chức vụ của Đầy Tớ Đức Chúa Trời

Câu gốc: “Vì Con người đã đến không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người.” (10:45)

Bố Cục:

I. Chức Vụ của Chúa Giê-xu Trong Thời Kỳ Đầu (1:1-45).

II. Chức Vụ của Chúa Giê-xu Tại Ga-li-lê (2:1-9:50).

III. Hành Trình của Chúa Giê-xu đến Giê-ru-sa-lem (10:1-52).

IV. Tuần Lễ Cuối của Chúa Giê-xu, Sự Đóng Đinh, và Sự Sống Lại (11:1-16:20).

* Đặc điểm của sách Mác:

1. Sách Phúc-âm ngắn nhất.

2. Được viết cho độc giả Rô-ma.

3. Tập trung vào hành động của Chúa Giê-xu.

4. Nhấn mạnh đến chức vụ Đầy Tớ của Chúa Giê-xu.

5. Ghi lại nhiều phép lạ.

6. Ghi lại những phản ứng về mặt cảm xúc.

7. Nhấn mạnh sự Vâng Phục Phúc-âm.


I. HỌC BIẾT VỀ SÁCH MÁC

1. Tác giả:

- Hội thánh đầu tiên xem Giăng Mác là tác giả của Phúc-âm Mác. Papias cho biết Mác không được nghe hoặc theo Chúa cách riêng tư, nhưng sự giảng dạy và hướng dẫn của Phi-e-rơ đã cung cấp cho Mác những nguồn thông tin đáng tin cậy về cuộc đời và chức vụ của Chúa Giê-xu.

2. Niên Đại:

- Có phải Mác là Phúc-âm đầu tiên không? Bằng chứng duy nhất giúp xác định niên đại của Phúc-âm là lời tiên tri về sự sụp đổ đền thờ (13:2,14). Như vậy, Mác được viết trước năm 70 SC. Ngoài ra, sách Ma-thi-ơ có khoảng một nửa các câu trong sách Mác. Hơn nữa, Ma-thi-ơ và Lu-ca cũng trình bày trình tự các sự kiện trong cuộc đời Chúa Giê-xu y như Mác, và thường lặp lại chính xác những lời trong sách Mác (Mác 2:20; Math. 9:15; Lu-ca 5:34- 35). Từ những điều này các học giả Kinh Thánh đã kết luận rằng Ma-thi-ơ và Lu-ca đã tiếp cận Phúc-âm Mác khi viết sách.

- Cuối thập niên 50: Sách Công-vụ kết thúc với việc Phao-lô bị giam ở La-mã vào đầu thập niên 60. Sách Lu-ca được viết trước đó sớm hơn. Nếu Lu-ca và Ma-thi-ơ dùng sách Mác trong sách của mình thì có lẽ Mác viết Phúc-âm này vào cuối thập niên 50.

3. Chủ Đề và Mục Đích:

- Nhấn mạnh Phúc-âm: Tin lành về sự cứu rỗi trong Đấng Christ đã mạnh mẽ khích lệ Hội thánh tiếp tục rao giảng chân lý.

- Nhấn mạnh Thần Tánh của Chúa Giê-xu: Mác mở đầu với lời khẳng định Chúa Giê-xu chính là Con của Đức Chúa Trời.

- Nhấn mạnh chức vụ đầy tớ của Chúa Giê-xu: người đầy tớ dẫn chúng ta đến sự cứu chuộc.

Khích lệ hội thánh bị bắt bớ cứ rao giảng Phúc-âm về sự chết hy sinh của Chúa Giê-xu nhằm mang lại sự cứu rỗi cho thế gian.

- Mác còn bày tỏ một cách nhìn thẳng thắn và cởi mở trong tư tưởng của những người mà ông đề cập. Trong 3:5 ông nói đến cơn giận của Chúa Giê-xu và nỗi đau sâu xa về thái độ tàn nhẫn của những người Pha-ri-si đối với người teo tay. Những Phúc-âm khác mô tả phép lạ mà thôi nhưng chỉ có Mác đề cập đến phản ứng tình cảm của Chúa Giê-xu trong trường hợp này và một số trường hợp khác


II. BỐ CỤC SÁCH MÁC

1. Chức vụ của Chúa Giê-xu trong Thời Kỳ Đầu (1:1-45)

a. Chúa Giê-xu chịu Báp-têm và Cám Dỗ (1:1-13).

b. Kêu Gọi các Môn Đồ Đầu Tiên (1:14-20).

c. Các Phép Lạ Chữa Lành Người Bệnh (1:21-45).


2. Chức Vụ Của Chúa Giê xu Tại Xứ Ga li-lê (2:1-9:50)

a. Những Ngày Lý Thú trong Chức Vụ (2:2-3:35).

b. Các Ẩn Dụ của Chúa Giê-xu (4:1-34).

c. Chúa Giê-xu Chứng Tỏ Quyền Phép của Đức Chúa Trời (4:3-5:34).

d. Thành Công và Chống Đối (6:1-8:26).

e. Chúa Giê-xu Dạy Dỗ các Môn Đồ (8:27-9:50).

3. Hành Trình của Chúa Giê-xu đến Giê-ru-sa-lem (10:1-52)

a. Chúa Giê-xu Dạy về sự Ly Dị (10:1-12)

b. Con Trẻ và Chúa Giê-xu (10:13-16)

C. Vương Quốc và Sự Hy Sinh (10:17-31)

D. Chúa Giê-xu Báo Trước về Sự Chết của Ngài (10:32-34)

E. Ước Muốn Làm Đầu (10:34-44)

F. Người Mù Ba-ti-mê ở Giê-ri-cô (10:46-52)

4. Tuần Lễ Cuối của Chúa Giê-xu, Sự Đóng Đinh và Sự Sống Lại (11:1-16:20)

A. Tuần Lễ Cuối của Chúa Giê-xu (11:1-14:42)

a. Vào Thành cách Khải Hoàn (11:1-11)- CHÚA NHẬT LỄ LÁ

b. Chúa Quở Cây Vả, Thanh Tẩy Đền Thờ (11:12-19)

c. Cây Vả và Đức Tin (11:20-26)- THỨ HAI

d. Chúa Giê-xu Bị Chất Vấn (11:27-12:34)

e. Chúa Giê-xu Dạy về Đấng Christ và các thầy dạy Luật (12:35-40) - THỨ BA

f. Sự Dâng Hiến của bà Quả Phụ (12:41-44)

g. Bài Giảng trên núi Ô-li-ve (13:1-37)

h. Chúa Giê-xu được Xức Dầu tại Bê-tha-ni (14:1-11)

i. Bữa Tiệc của Chúa (14:12-26)- THỨ NĂM

j. Lời Báo Trước về sự Chối Chúa của Phi-e-rơ (14:27-31)

k. Vườn Ghết-sê-ma-nê (14:32-42)

B. Chúa Giê-xu Bị Đóng Đinh (14:43-15:47)- THỨ SÁU

a. Chúa Giê-xu bị bắt (14:43-52)

b. Xét Xử Trước Thầy Tế Lễ Cả và San-đơ-rin (14:53-65)

c. Phi-e-rơ Chối Chúa (14:66-72)

d. Trước Tòa Án Phi-lát (15:1-15)

e. Chúa Giê-xu bị Đánh và Sỉ nhục (15:16-20)

f. Sự Đóng Đinh Chúa Giê-xu (15:21-47)

C. Chúa Giê-xu Sống Lại (16:1-20)- CHÚA NHẬT

a. Sự Viếng Thăm Sáng Sớm của các Bà (16:1-8)

b. Chúa Giê-xu xuất hiện trước Ma-ri Ma-đơ-len (16:9-11).

c. Chúa Giê-xu xuất hiện cho Hai Người ở Làng Quê (16:12-13).

d. Chúa Giê-xu Xuất hiện cho Mười Một Người (16:14).

e. Đại Mạng Lệnh của Chúa Giê-xu (16:15-18).

f. Chúa Giê-xu Thăng Thiên (16:19-20).


III. MỘT KHỞI ĐẦU BẬN RỘN

1. Các môn đồ đầu tiên (1:16-20).

- Chúa Giê-xu đã kêu gọi những người hoàn toàn xa lạ làm môn đồ Ngài.

- Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ, và Giăng từ bỏ nghề đánh cá để theo Chúa Giê-xu.

2. Giúp đỡ những người bị tổn thương (1:21-45):

- Chúa Giê-xu bắt đầu chức vụ của Ngài ở Ga-li-lê trọn hai ngày để giảng dạy, chữa bệnh, và đuổi quỷ. Chúa Giê-xu thể hiện quyền kiểm soát tuyệt đối của Ngài trên sức mạnh của ma quỷ, từ đó tin đồn về năng quyền và thẩm quyền của Ngài truyền ra khắp cả xứ.

3. Những ngày sôi động trong chức vụ (2:1-3:35):

- Mác ghi lại nhiều sự kiện bày tỏ chức vụ đầy quyền năng của Chúa nhưng cũng cho thấy có sự gia tăng chống đối Ngài. Việc Chúa chữa lành người bại như một đáp ứng đối với đức tin của họ cũng chứng minh Ngài có quyền tha thứ tội lỗi.

- Việc Chúa giao thiệp với người thâu thuế tên Ma-thi-ơ là một vấn đề khó hiểu đối với các thầy thông giáo và người Pha-ri-si.

- Về ngày Sa-bát: Người Giu-đa hỏi Chúa về những việc làm của môn đệ Ngài trong ngày Sa-bát Chúa nhắc họ nhớ rằng Ngài là Chúa của ngày Sa-bát, ngày Sa-bát là để yên nghỉ và thờ phượng Chúa.

- Khi Chúa chữa lành người bị quỷ ám, người mù và người câm, Chúa Giê-xu phán ba điều sau để đáp lại lời cáo buộc của những người Pha-ri-si. Thứ nhất, thật là vô lý khi cáo buộc Ngài dùng quyền phép của ma quỷ để chống lại ma quỷ. Thứ hai, Ngài mạnh hơn Sa-tan nên đã cầm giữ chúng khi Ngài giải phóng người bị quỷ ám khỏi quyền kiểm soát của chúng. Thứ ba, Ngài cảnh cáo những người nghe Ngài về tội phạm thượng đến Đức Thánh Linh.


VI. NHỮNG SỰ KIỆN QUAN TRỌNG TRONG SÁCH MÁC

1. Hóa bánh cho năm ngàn người ăn (6:30-44):

- Đây là phép lạ duy nhất được ghi lại trong cả bốn sách Phúc-âm. Ắt hẳn sự kiện này có ấn tượng sâu sắc đối với họ.

2. Câu hỏi về việc rửa tay (7:1-23):

- Những người Pha-ri-si và thầy thông giáo đã bắt bẻ các môn đệ của Chúa phá vỡ luật lệ truyền thống Do-thái là rửa tay trước khi ăn. Lời cáo buộc của họ không liên quan đến vấn đề vệ sinh mà là sự vi phạm việc thực hành tôn giáo, đây là một tội nghiêm trọng đối với người Pha-ri-si.

- Đáp lại sự chỉ trích của người Pha-ri-si, Ngài chỉ cho họ thấy rằng chính họ đã phạm luật pháp của Đức Chúa Trời khi họ thực hành luật “Cô-ban” theo truyền thống. Vì thế đối với Chúa Giê-xu, vâng phục Đức Chúa Trời quan trọng hơn làm theo truyền thống con người.

3. Người trai trẻ giàu có (10:17-22):

- Người trai trẻ giàu có nghĩ rằng mình có thể có được sự sống đời đời bởi việc làm khoa trương nhưng Chúa khẳng định rằng chỉ có Đức Chúa Trời là tốt lành mà thôi và từ đó Chúa cũng cho người trai trẻ này thấy việc cần phải làm để có được sự sống đời đời nhưng anh ta đã không thể từ bỏ những của cải vật chất đời này để đi theo Chúa.

4. Ước muốn làm lớn hơn hết của Gia-cơ và Giăng (10:35-45):

- Khi các môn đệ khác hiểu được điều Gia-cơ và Giăng muốn thì họ cũng ganh tị về địa vị của họ và sợ rằng Gia-cơ và Giăng có thể cướp mất lợi thế của họ.

- Lời đáp của Chúa Giê-xu, tương phản với sự cãi vả tranh quyền lực của những nhà cầm quyền thế gian là sự thuận phục trong việc phục vụ và hy sinh tiêu biểu cho Cơ-đốc nhân. Làm lớn thực sự đến từ việc bày tỏ tình yêu thương qua việc phục vụ người khác chứ không phải bởi quyền lực.

- Chính đời sống Chúa Giê-xu cho thấy Ngài đến để phục vụ.

“Ngài đã từ bỏ vinh hiển là Con của Đức Chúa Trời và trở nên đầy tớ của Đức Chúa Trời chịu chết cách sỉ nhục trên thập tự giá.” (Phi 2:6-8).

“Ngài đã trả giá bằng chính sự sống của Ngài để cứu chuộc chúng ta. Vì thế chúng ta cũng nên hy sinh trong sự phục vụ các anh em là như vậy.” (I Giăng 3:16).


V. TUẦN LỄ CUỐI CỦA CHÚA GIÊ-XU

1. Những sự kiện trong Tuần Lễ Cuối (11:1-14:42):

- Điều răn lớn nhất: Chúa dạy chúng ta yêu Chúa cách trọn vẹn. Sự cam kết này với Đức Chúa Trời dẫn đến một cam kết tương tự với con người. Mục đích chính trong đời sống của chúng ta là yêu Đức Chúa Trời hết lòng và phục vụ với tinh thần không vị kỷ những người mà Chúa đã tạo dựng.

- Bữa tiệc của Chúa: Khi chúng ta dự lễ tiệc thánh, chúng ta được nhắc hai điều về sự chết của Chúa Giê-xu. Thứ nhất, chúng ta suy gẫm về sự chết của Ngài. Thứ hai, sự chết của Ngài nhắc chúng ta rằng Chúa sẽ trở lại (Mác 14:25; I Côr. 11:26).

2. Sự khổ nạn của Chúa Giê-xu (14:43-15:20):

- Sự phản bội của Giu-đa được thể hiện rõ trong việc bắt Chúa Giê-xu. Sau khi Giu-đa nhận dạng Chúa Giê-xu cho mấy tên lính bằng cách hôn Ngài, họ đã bước đến và bắt Ngài đi. Phi-e-rơ chém đứt tai một đầy tớ để chống lại sự bắt giữ này. Phản ứng của Chúa đối với Phi-e-rơ thể hiện sự tin quyết của Ngài nơi Đức Chúa Trời trong giây phút nguy nan nhất. Ngài chọn làm theo ý muốn Đức Chúa Trời hơn là tranh đấu để bảo vệ chính mình.

- Việc Phi-e-rơ chối Chúa cho thấy sự sợ hãi và cam kết dao động của ông. Nhưng thất bại của Phi-e-rơ không thể ngăn chúng ta nhìn thấy những điều kỳ diệu ông đã làm trong sách Công-vụ. Phi-e-rơ đã tìm được ân điển trong sự tha thứ của Đức Chúa Trời ngay cả với tội cố ý của ông và trở thành nhà lãnh đạo trong vòng các Cơ-đốc nhân thế kỷ thứ nhất.


ÔN TẬP:

Để ôn lại phần này hãy trả lời những câu hỏi sau. Có thể ghi câu trả lời ở một quyển tập khác.

1. Giữa Ma-thi-ơ và Mác, sách nào có hệ thống hơn? mang tính hoạt động hơn? quan tâm nhiều hơn đến sự giảng dạy của Chúa Giê-xu? quan tâm nhiều hơn đến chức vụ đầy tớ của Chúa Giê-xu?

2. Hai đặc điểm của Phúc-âm Mác là gì?

3. Hãy ghi ra bố cục tổng quát của Phúc-âm Mác?

4. Điều gì cấu thành tội không thể tha thứ? Một Cơ-đốc nhân có thể phạm tội này không?



bottom of page