top of page

BÀI 5 : PHÚC ÂM LU-CA

Hung Tran

May 27, 2023

Lu-ca, một bác sĩ thuộc dân ngoại và là người đồng hành với Phao-lô. Những tư liệu trong Phúc-âm Lu-ca và sách Công-vụ khiến Lu-ca trở thành người đóng góp nhiều nhất trong Kinh Thánh Tân Ước...



BÀI 5: PHÚC ÂM LU-CA



Tác giả: Lu-ca, một bác sĩ thuộc dân ngoại và là người đồng hành với Phao-lô. Những tư liệu trong Phúc-âm Lu-ca và sách Công-vụ khiến Lu-ca trở thành người đóng góp nhiều nhất trong Kinh Thánh Tân Ước.

Niên Đại: Cuối thập niên 50 (có thể sau Mác) hoặc đầu thập niên 60.

Chủ Đề: Đấng Cứu Rỗi Tìm Kiếm.

Câu gốc: “Bởi Con người đã đến tìm và cứu kẻ bị mất.”

(19:10).

Bố Cục:

I. Sự Giáng Sinh và Thời Niên Thiếu của Chúa Giê-xu (1:1-2:52)

II. Thời Kỳ Đầu Chức Vụ và Sự Giảng Dạy của Chúa Giê-xu (3:1-4:13)

III. Chức Vụ của Chúa Giê-xu tại Ga-li-lê (4:14-9:50)

IV. Hành Trình Cuối Cùng đến Giê-ru-sa-lem (9:51-19:27)

V. Tuần Lễ Cuối, Sự Đóng Đinh, Sự Sống Lại và Sự Thăng Thiên (19:28-24:53)

* Đặc Điểm của Sách Lu-ca:

1. Sách Phúc-âm dài nhất, đây là Phúc-âm duy nhất không được viết bởi nhân chứng trong cuộc đời của Chúa Giê-xu.

2. Được viết để an ủi những Cơ-đốc nhân ngoại bang.

3. Bày tỏ sự quan tâm đến người nghèo khó.

4. Là bức tranh sống động về Đấng Christ.

5. Nhấn mạnh đời sống cầu nguyện của Chúa Giê-xu

6. Nhấn mạnh vai trò của Đức Thánh Linh.

7. Nhấn mạnh các bài ca ngợi khen.

* Những ẩn dụ đặc biệt trong sách Lu-ca:

1. Ẩn dụ về Người Sa-ma-ri Nhơn Lành (chương 10).

2. Ẩn dụ về Người Giàu Dại Dột (chương 12).

3. Ẩn dụ về Những Điều Cần Cảnh Giác (chương 12).

4. Ẩn dụ về Cây Vả (chương 13).

5. Câu chuyện về Người Khách tại Tiệc Cưới (chương 14).

6. Ẩn dụ về Chiên Lạc Mất, Đồng Tiền Lạc Mất, Con Trai Lạc Mất (chương 15).

7. Câu chuyện về Người Quản Gia Bất Trung (chương 16).

8. Câu chuyện về người Giàu và La-xa-rơ (chương 16).

9. Ẩn dụ về Bà Góa Kiên Trì (chương 18).

10. Ẩn dụ về người Pha-ri-si và người thâu thuế (chương 18).


I. MỘT NHÂN CHỨNG ĐÁNG TIN CẬY CHO CHÚA GIÊ-XU

1. Tầm quan trọng của Phúc Âm:

- Sách Lu-ca cung cấp nhiều bằng chứng lịch sử đáng tin cậy về những sự kiện trong cuộc đời Chúa Giê-xu từ lúc Ngài giáng sinh cho đến khi thăng thiên.

- Phúc-âm Lu-ca là sách dài nhất trong Thánh Kinh Tân Ước. Lu-ca cũng là nhà lịch sử đầu tiên của Hội thánh.

- Lu-ca viết với lòng trắc ẩn của một người giảng dạy-mục vụ. Ông cũng nhấn mạnh việc mang Phúc-âm đến cho những người bị xã hội ruồng bỏ, và người ngoại.

- Những ẩn dụ của Chúa Giê-xu được ghi lại chỉ trong sách Lu-ca (Lu-ca 15) là những ẩn dụ được yêu thích nhất.

2. Tác giả:

- Mặc dù người viết Phúc-âm thứ ba này vô danh nhưng các vị lãnh đạo của hội thánh đầu tiên khẳng định chính Lu-ca là tác giả của Phúc-âm này.

- Tác giả của Công-vụ là người đồng hành với Phao-lô vì thường dùng đại từ “chúng ta”. Lu-ca cũng là người ở với Phao-lô trong suốt thời kỳ tù đày ở Rô-ma. Từ đó cũng có thể khẳng định Lu-ca cũng là tác giả của Phúc-âm thứ 3 này.

3. Niên Đại:

Lu-ca viết sách Công-vụ sau khi Phao-lô ở Rô-ma hai năm, khoảng năm 63 SC. Nếu chúng ta cho rằng Lu-ca dùng hoặc đã thấy sách Mác khi ông viết thì Lu-ca viết Phúc-âm thứ ba trễ hơn Mác một chút, có thể là cuối thập niên 50 hoặc đầu thập niên 60.

- Có thể Lu-ca viết Phúc-âm này tại Sê-sa-rê khi Phao-lô bị tù (Công 24:27; 27:1) hoặc tại Rô-ma khi ông ở với Phao-lô trong lần tù đày ở đó (Công 28:30-31).

4. Chủ đề và mục đích Ngay từ những lời đầu tiên tác giả đã cho biết mục đích của sách là nhằm khẳng định chắc chắn về niềm tin và giáo lý Cơ-đốc (Lu-ca 1:1-4)


II. NHỮNG SỰ THẬT ĐỘC ĐÁO VỀ SỰ GIÁNG SINH CỦA CHÚA GIÊ-XU


1. Giăng Báp-tít được sanh ra (1:5-25, 57-80):

- Thiên sứ Gáp-ri-ên đã hiện ra với thầy tế lễ Xa-cha-ri trong lần dâng hương duy nhất của ông nơi đền thờ để báo tin rằng ông và vợ ông Ê-li-sa-bét sẽ sanh một con trai. Khi Xa-cha-ri đáp lại bằng sự hoài nghi, thiên sứ khiến ông không thể nói được cho đến khi con ông được sanh ra.

- Ngày thứ tám sau khi Giăng được sanh ra, lễ cắt bì diễn ra với sự hiện diện của bạn bè và người thân. Cha mẹ đặt tên con trẻ là Giăng, từ đó Xa-cha-ri nói được và ngợi khen Chúa.

2. Báo tin về việc Chúa Giê-xu giáng sinh (1:26-56):

- Sáu tháng sau thiên sứ Gáp-ri-ên cũng đã hiện ra Ma-ri và báo cho cô biết rằng cô là người nhận được đặc ân của Đức Chúa Trời vì qua cô Con của Đức Chúa Trời được đưa vào thế gian. Ma-ri thể hiện sự vâng phục hoàn toàn.

3. Chúa Giê-xu giáng sinh (2:1-20):

- Lu-ca liên hệ sự giáng sinh của Đấng Christ với các sự kiện lịch sử kiểm tra dân số trên các thuộc địa của đế quốc La-mã, Giô-sép đã dẫn Ma-ri về Bết-lê-hem để thực hiện việc kiểm kê này và điều này đã ứng nghiệm lời tiên tri của Mi-chê đã dự ngôn cách hơn 700năm trước.

- Ngay trong đêm Chúa Giê-xu giáng sinh thì thiên sứ cũng đã đến báo tin cho các gã chăn chiên biết và họ đã tìm đến để tôn thờ Ngài.

4. Thời Thơ Ấu của Chúa Giê-xu (2:41-52):

- Chỉ có sách Lu-ca cho chúng ta thông tin chính xác về thời kỳ niên thiếu của Chúa Giê-xu. Sau này một số Cơ-đốc nhân đã viết những phúc âm hư cấu như: Những Phúc-âm thời Thơ Ấu để thỏa mãn sự tò mò của con người về thời thơ ấu của Chúa Giê-xu.

- Ở độ tuổi 13 các em trai Do-thái được cử hành lễ bar mitzvah và trở thành thành viên chính thức của Do-thái giáo. Giô-sép và Ma-ri đã mang Chúa Giê-xu đến đền thờ lúc 12 tuổi để Ngài làm quen với môi trường xung quanh và các buổi lễ tổ chức ở đó.


III. NHỮNG TRẢI NGHIỆM BAN ĐẦU TRONG SÁCH LU-CA


1. Chúa Giê-xu chịu báp-têm (3:21-22):

- Cả bốn sách Phúc-âm đều ghi lại việc Chúa Giê-xu chịu báp-têm. Đức Thánh Linh giáng trên Ngài trong hình hài chim bồ câu cho thấy một diện mạo rõ ràng của Đức Thánh Linh.

2. Gia phổ trong sách Lu-ca (3:23-38):

- Gia phổ trong Ma-thi-ơ và Lu-ca khác nhau. Gia phổ trong Lu-ca dài hơn trong Ma-thi-ơ. Ma-thi-ơ truy dòng dõi của Chúa Giê-xu từ Áp-ra-ham, nhưng Lu-ca truy tổ phụ của Chúa Giê-xu ngược về A-đam. Ma-thi-ơ bắt đầu từ Áp-ra-ham và truy đến Giô-sép. Lu-ca bắt đầu từ Giô-sép mà truy ngược lại A-đam. Nhưng chỉ có sách Lu-ca kể tên tổ phụ của Chúa Giê-xu từ Áp-ra-ham đến A-đam.

3. Chúa Giê-xu tại Nhà Si-môn (7:36-50):

- Lu-ca ghi lại việc Chúa chịu xức dầu bởi người nữ phạm tội đến thờ phượng Ngài. Có một người Pha-ri-si tên là Si-môn đã mời Chúa đền nhà dự tiệc, người nữ này đã đến xức chân Chúa với một loại dầu thơm đắt tiền và lấy tóc mình mà lau.


VI. SỰ GIẢNG DẠY VÀ NHỮNG ẨN DỤ TRÊN ĐƯỜNG ĐẾN GIÊ-RU-SA-LEM (9:51-19:27)

1. Người Sa-ma-ri nhân lành (10:25-37):

- Chúa Giê-xu trả lời câu hỏi thứ nhất bày tỏ những chứng cớ về sự sống đời đời. Câu hỏi thứ hai của thầy dạy luật nhằm để tranh luận với Ngài rằng anh ta có nên bày tỏ tình yêu thương với những người mình không thích hay kẻ thù không.

- Ẩn dụ của Chúa không nhằm trả lời câu hỏi nhưng để cho anh ta biết ai là người lân cận của anh. Ngài muốn con người sẵn lòng bày tỏ tình yêu thương với bất kỳ ai đang cần.

- Qua câu chuyện Chúa muốn chúng ta phải bày tỏ tình yêu thương với cả những người mình đã có thành kiến. Chúng ta đừng viện những chi tiết nhỏ nhặt để ngụy biện nhằm tránh né trách nhiệm với những người đang cần giúp đỡ.

2. Người giàu dại dột (12:13-21):

- Chúa Giê-xu dạy về cách sử dụng của cải đúng cách khi Ngài đưa thí dụ về ông chủ giàu có kia muốn xây một kho tàng cất giữ sản vật mà không quan tâm đến ý muốn Đức Chúa Trời và giúp đỡ người khác. Chúa gọi người đó là “ngu dại” bởi ông ta nghĩ rằng mình có thể kiểm soát được tương lai mà không biết rằng những gì quan trọng đối với ông có thể bị tiêu tan trong phút chốc.

- Chúa Giê-xu muốn dạy những người nghe Ngài hãy làm giàu nơi Đức Chúa Trời bằng sự vâng lời và phục vụ hầu mang đến sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời.

3. Ẩn dụ về đứa con trai hoang đàng (15:11-24):

- Chủ đề chính của ẩn dụ này là tình yêu thương của Cha đối với tội nhân. Đây là yếu tố quan trọng để kêu gọi những người hư mất khi chúng ta chia sẻ Phúc-âm.

- Có hai đặc điểm nổi bật trong ví dụ này. Thứ nhất, tình yêu thương của Cha Thiên Thượng đối với chúng ta. Ngay cả khi chúng ta thấy mình không xứng đáng và không thể nào nhận phước hạnh từ nơi Chúa thì lòng rộng lượng của Ngài tràn ngập trên chúng ta. Thứ hai, chúng ta tìm thấy được niềm vui thật chỉ khi nào trở về với Cha. Niềm vui đến trong cuộc sống khi ở trong ý Cha.

4. Người giàu và La-xa-rơ (16:19-31):

- Trong ẩn dụ này Chúa Giê-xu phát họa một người giàu có sống một cuộc sống thoải mái và chỉ sống cho chính mình, còn La-xa-rơ, một tôi tớ trung thành với Đức Chúa Trời, khi qua đời được đặt trong “lòng của Áp-ra-ham, người giàu thì ở nơi đau khổ. Có một hố ngăn cách không thể vượt qua giữa người giàu và La-xa-rơ.

- Người giàu xin Áp-ra-ham cho La-xa-rơ đến khuyên năm anh em mình kẻo họ cũng giống như ông, nhưng câu trả lời của Áp-ra-ham cho thấy dù một người sống lại từ kẻ chết đến làm chứng cho họ cũng không thể khiến những người chối bỏ Kinh Thánh ăn năn.

5. Bà góa kiên trì (18:1-8):

- Qua ẩn dụ này Chúa Giê-xu muốn khích lệ con cái Ngài kiên trì trong sự cầu nguyện. Câu chuyện nhấn mạnh là bà góa kiên trì thỉnh cầu đến nỗi vị quan án không muốn giải quyết cuối cùng cũng phải đáp lại lời kêu cầu của bà. Ẩn dụ này khuyến khích chúng ta cứ bền chí trong sự kêu cầu thì Chúa sẽ bày tỏ ý muốn của Ngài.


V. TUẦN LỄ CUỐI CỦA CHÚA GIÊ-XU (19:28-22:53)

1. Thứ Ba: Lu-ca ghi lại các sự kiện:

- Câu hỏi của các môn đồ về thời kỳ sau rốt (21:5-9) tương tự như trong sách Ma-thi-ơ và Mác.

- Lu-ca đề cập đến lời tiên tri về thành Giê-ru-sa-lem (21:20) với sự bao vây của kẻ thù trong tương lai. Lời tiên tri này đã ứng nghiệm chính xác vào năm 70 SC khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy phá.

2. Thứ Năm:

- Trong buổi tiệc thánh của Chúa các môn đệ bàn luận và tranh cãi với nhau về vị trí của họ trong chức vụ của Chúa Giê-xu: ai là người nổi bật nhất.

- Lu-ca làm nổi bật phản ứng về mặt nhân tánh của Chúa Giê-xu trong suốt thời gian cầu nguyện tại vườn Ghết-sê-ma-nê.

3. Thứ sáu:

- Lu-ca không ghi chi tiết về sự trình diện của Chúa Giê-xu trước tòa án tối cao Do-thái. Lu-ca cũng cho biết thêm rằng ngoài lần đứng trước Phi-lát, Chúa Giê-xu cũng đứng trước Hê-rốt An-ti-pa nữa. Vì Phi-lát không muốn chịu trách nhiệm về việc xử tử Chúa Giê-xu nên ông gửi Ngài đến Hê-rốt. Hê-rốt tò mò muốn xem Chúa Giê-xu làm phép lạ, nhưng Ngài đã không đáp trả một lời nào. Cuối cùng, Hê-rốt trả Chúa Giê-xu về cho Phi-lát và Phi-lát một lần nữa bất thành trong nỗ lực thả Chúa Giê-xu khi ông muốn thả một tù nhân theo truyền thống của lễ Vượt Qua. Đám đông không đồng ý thả Chúa Giê-xu mà yêu cầu thả tù phạm Ba-na-ba là một người chống nghịch Rô-ma. Cuối cùng thì Phi-lát phải từ bỏ lòng liêm chính để cứu lấy vị trí của mình trước sự chống đối của người Do-thái.

- Chúa Giê-xu chịu đóng đinh (23:26-49): Lu-ca ghi lại lời than khóc của các bà khi Chúa Giê-xu tiến đến đồi sọ. Lu-ca cũng nói đến sự ăn năn của một trong hai tên cướp trên thập tự giá và lời hứa của Chúa Giê-xu với tên cướp là lời khích lệ cho những ai đang xa cách Đức Chúa Trời.

4. Thứ sáu:

- Sự sống lại của Chúa Giê-xu được Lu-ca ghi lại giống như Ma-thi-ơ và Mác đã viết. Tuy nhiên, chỉ có Lu-ca tường thuật về sự kiện Chúa Giê-xu xuất hiện với hai môn đệ trên đường về làng Em-ma-út.

- Việc Chúa Giê-xu đã bất ngờ xuất hiện cho các môn đồ (24:36-49) cũng được Giăng mô tả trong Giăng 20:19-23. Chúa đã xua tan sự nghi ngờ của họ khi Ngài cùng ăn với họ để chứng tỏ sự thật về sự sống của Ngài.

- Chỉ duy nhất Phúc-âm này đề cập đến sự thăng thiên. Chúa đã hoàn thành công việc của Ngài trên đất, Ngài trở về nơi ở của mình trên trời và bắt đầu công việc trên trời qua Hội Thánh của Ngài.


ÔN TẬP:

Để ôn lại phần này hãy trả lời những câu hỏi sau. Có thể ghi câu trả lời ở một quyển tập khác.

1. Lu-ca là ai, và ông đã viết những sách nào trong Thánh Kinh Tân Ước dưới sự hà hơi của Chúa Thánh Linh?

2. Lu-ca viết cho đối tượng nào?

3. Kể một sự kiện về sự giáng sanh của Chúa Giê-xu có trong Lu-ca nhưng không có trong Ma-thi-ơ?

4. Tại sao gia phổ trong Lu-ca và trong Ma-thi-ơ khác nhau, khác nhau thế nào?

5. Chúa mong chúng ta nên có thái độ nào đối với của cải vật chất, liên quan đến những người đang có cần (Lu-ca 16:19-31)

6. Chúa nghĩ thế nào về tội nhân? Chứng minh câu trả lời của bạn dựa vào câu chuyện người con trai hoang đàng trong Lu-ca.

7. Liệt kê hai sự kiện về sự đóng đinh của Chúa Giê-xu mà chỉ có Lu-ca ghi lại.



bottom of page