top of page

BÀI 6 : PHÚC ÂM GIĂNG

Hung Tran

May 26, 2023

Đây là một Phúc-âm riêng biệt với ‘Phúc-âm cộng quan’. Giăng ghi lại nhiều điều không có trong các Phúc-âm kia, nhấn mạnh đến thần tánh của Đấng Christ,...



BÀI 6: PHÚC ÂM GIĂNG



Tác Giả: Giăng, một môn đệ Chúa yêu (Giăng 19:25-27) Niên Đại: khoảng năm 85-95 SC

Chủ Đề: Con của Đức Chúa Trời

Câu gốc: “Nhưng các việc nầy đã chép, để cho các ngươi tin rằng Ðức Chúa Jêsus là Ðấng Christ, tức là Con Ðức Chúa Trời, và để khi các ngươi tin, thì nhờ danh Ngài mà được sự sống.” (20:31)

Bố cục:

* Lời giới thiệu: Con của Đức Chúa Trời bày tỏ Cha cho thế gian (1:1-18).

I. Chức Vụ Ban Đầu của Con Đức Chúa Trời (1:19-3:36).

II. Chức Vụ của Con Đức Chúa Trời tại Giu-đê và Ga-li-lê (4:1-12:50).

III. Mục vụ của Con Đức Chúa Trời cho các Môn Đệ (13:1-17:26).

IV. Con Đức Chúa Trời Chịu Đóng Đinh (18:1-19:42).

V. Sự Sống Lại của Con Đức Chúa Trời (20:1-21:25).

* Đoạn Then Chốt: Giăng 1:1-18 (lưu ý đặc biệt câu 1, 14, 18).

* Tầm Quan Trọng của Giăng: Đây là một Phúc-âm riêng biệt với ‘Phúc-âm cộng quan’. Giăng ghi lại nhiều điều không có trong các Phúc-âm kia, nhấn mạnh đến thần tánh của Đấng Christ, và đề cập nhiều đến ý nghĩa các sự kiện chứ không phải chỉ là sự kiện mà thôi.

* Đặc điểm:

1. Được viết ra để nhằm đạt đến một đức tin nơi Chúa Giê-xu (20:30-31).

2. Bổ sung cho Phúc-âm Cộng Quan.

3. Nhấn mạnh đến chức vụ ở Giu-đê.

4. Không có ẩn dụ; mục đích của các phép lạ là “dấu hiệu” bày tỏ Đức Chúa Trời (2:11).

5. Làm sống động những lời phán về Thần Tánh của Chúa Giê-xu.


I. TÍNH ĐỘC ĐÁO CỦA PHÚC-ÂM GIĂNG

1. Tầm Quan Trọng của Phúc-Âm này:

- Giăng trình bày những bằng chứng khác nhau để bày tỏ Thân Vị của Đấng Christ chính là Con của Đức Chúa Trời.

- Giăng có một nhận thức sâu xa về thần học.

- Giăng cung cấp cho các Cơ-đốc nhân thế hệ thứ hai, thứ ba những lời huấn thị về Chúa Giê-xu để bảo vệ niềm tin trước sự tấn công của những giáo lý sai trật nguy hại đến hội thánh.

- Cơ-đốc nhân đọc Phúc-âm này củng cố niềm tin quyết rằng Chúa Giê-xu là Con của Đức Chúa Trời và Ngài cũng chính là Đức Chúa Trời.

2. Tác Giả và Niên Đại:

- Môn đệ Chúa Giê-xu yêu là tác giả của Phúc-âm này (21:42) và ông là:

- người có mặt tại Bữa Ăn Cuối Cùng (13:23-24).

- người có lẽ đã giúp Phi-e-rơ bước vào sân của thầy cả thượng phẩm (18:15-16).

- người được chỉ định chăm sóc cho mẹ Chúa Giê-xu (19:25-27).

- người cùng đi với Phi-e-rơ đến ngôi mộ trống (20:2-8).

- một trong những người nhìn thấy Chúa Giê-xu tại biển Ti-bê-ri-át (21:7).

- Các giáo phụ đã không ngần ngại khẳng định rằng Sứ đồ Giăng là tác giả của Phúc-âm này.

- Tác giả phải là một người Do-thái vì phong cách viết và sự am hiểu địa lý xứ thánh (5:2; 9:7).

- Tác giả là một trong ba môn đệ thân thiết của Chúa Giê-xu. Cả ba đều ở với Ngài trong vườn Ghết-sê-ma-nê. Phi-e-rơ không viết Phúc-âm thứ tư này vì ông thường xuất hiện ở ngôi thứ ba (13: 23-24), còn Gia-cơ tuận đạo bởi Hê-rốt Ạc-ríp-ba trước đó rất lâu không thể viết Phúc-âm này (Công-vụ 12:2). Vậy sứ đồ Giăng là người đủ điều kiện làm môn đệ Chúa “yêu” cũng là tác giả của Phúc-âm.

- Nhiều học giả cho rằng Giăng viết sách này sau các sách Phúc-âm kia và niên đại viết sách vào khoảng năm 85 hoặc 90 SC.

3. Chủ Đề và Mục Đích:

- Giăng 20:30-31 cho biết rõ ràng về mục đích của Giăng khi viết sách Phúc-âm này.

4. Những nét riêng biệt của Phúc-âm Giăng:

- Giăng trình bày những tư liệu về Đấng Christ mà các sách Phúc-âm khác không có. Ông nhấn mạnh chức vụ của Chúa Giê-xu tại Giu-đê.

- Giăng cho biết rõ chức vụ công khai của Chúa Giê-xu kéo dài hơn một năm. Ông cũng cho biết có ba lễ vượt qua (2:13; 6:4; 12:1), mà cũng có thể là bốn (5:1) trong suốt thời kỳ chức vụ công khai của Ngài. Điều này cho thấy chức vụ công khai của Chúa kéo dài hơn hai năm và có lẽ ba năm.

- Giăng ghi lại nhiều bài giảng giá trị của Chúa Giê-xu. Lời chứng cho Ni-cô-đem (3:1-21), cuộc trò chuyện với người phụ nữ bên giếng nước (4:1-26) và bài giảng về bánh hằng sống (6:25-71). Giăng cũng nhấn mạnh đến thần tánh của Chúa cách rõ ràng và chắc chắn (5:36; 17:5; 20:28).


II. NGẮM XEM VINH HIỂN CỦA CHÚA GIÊ-XU

Giăng chỉ ghi lại bảy phép lạ Chúa Giê-xu đã thực hiện để qua đó chỉ ra những chân lý thuộc linh và chính Đức Chúa Trời.

* Bảy phép lạ trong Phúc-âm Giăng:

1. Biến nước thành rượu (2:1-11).

2. Chữa lành con trai quan thị vệ (4:46-54).

3. Chữa lành người bại (5:1-9).

4. Hóa bánh cho năm ngàn ngươi ăn (6:1-15).

5. Đi bộ trên biển (6:16-21).

6. Chữa lành người bị mù bẩm sinh (9:1-41)

7. Khiến La-xa-rơ sống lại từ kẻ chết (11:38-44)


1. Ngôi Lời đời đời (1:1):

Sứ đồ Giăng đã trình bày bối cảnh của Lời trước khi nhập thể. Giăng dùng ngôn từ Lời để chỉ về Chúa Giê-xu. Tại đây có ba điều để chỉ về Lời.

- Ngôi Lời hiện hữu trước khi thế gian này được dựng nên.

- Ngôi Lời của Đức Chúa Trời khác biệt với chính Đức Chúa Trời. Ngôn từ “Đức Chúa Trời” trong 1:1 là Đức Chúa Cha. “Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời” bày tỏ mối tương giao toàn hảo và mối liên hệ sống động giữa Ngôi Lời và Đức Chúa Trời.

- Giăng công bố thần tánh của Ngôi Lời chính là một hữu thể đời đời.

2. Sự nhập thể (1:14-18):

- Lần đầu tiên Giăng khẳng định trong câu 14 Ngôi Lời và Chúa Giê-xu là một. Thứ hai, Giăng trình bày sự kiện nhập thể, làm chứng về sự vinh hiển của việc nhập thể, và mô tả đặc điểm của sự nhập thể.

- Về sự nhập thể, Chúa Giê-xu vẫn là Đức Chúa Trời nhưng Ngài trở thành con người thực sự và hoàn toàn. Ngài thực sự là Trời-Người.

- Làm chứng về sự vinh hiển của sự nhập thể, Chúa Giê-xu chính là vinh hiển của Đức Chúa Trời.

- Qua sự nhập thể, Chúa Giê-xu trở thành “Con Một Độc Sanh” của Cha, đây là điểm độc đáo của Chúa Giê-xu.

- Khi Giăng nhìn xem Chúa Giê-xu, ông nhìn thấy ân điển và lẽ thật của Đức Chúa Trời.

3. Sự trở lại đạo của Ni-cô-đem (3:1-5):

- Ni-cô-đem tiếp cận Chúa Giê-xu với lời tôn Ngài là đại giáo sư (3:1-2) và Chúa thách thức ông rằng cần phải sanh lại. Từ đây Chúa dạy một giáo lý quan trọng là sự tái sanh.

- Chúa Giê-xu đưa ra ba yếu tố của sự quy đạo: thứ nhất, phép báp-têm (bằng nước) tượng trưng cho sự ăn năn tội mà người tin Chúa phải thể hiện. Thứ hai, Đức Thánh Linh thay đổi đời sống (sanh ra bởi Thánh Linh). Cuối cùng, cần phải có đức tin hoặc cam kết cá nhân với Ngài để nhận được sự sống đời đời.

- Giăng không đưa ra đáp ứng tức thì của Ni-cô-đem. Nhưng có hai bằng chứng cho thấy ông đã chuyển hướng mà đặt niềm tin nơi Chúa Giê-xu.


III. NHỮNG TÌNH TIẾT ĐỘC ĐÁO TRONG GIĂNG

1. Lời mời đến với đời sống dư dật (7:37-39):

Lời hứa của Chúa Giê-xu tại đây tiêu biểu cho một trong những lời hứa quý báu nhất trong Kinh Thánh. Đó là sự đến của Chúa Thánh Linh. Chúa Giê-xu hứa rằng hễ ai tin vào Ngài sẽ kinh nghiệm sự hiện diện đầy dẫy của Đức Thánh Linh.

2. Quan điểm của Chúa đối với tội lỗi (7:53-8:11):

- Ngài không kết án người nữ phạm tội tà dâm nhưng Ngài cũng không chấp nhận hay che đậy tội lỗi của cô. Ngài kêu gọi cô phải cắt đứt với tội lỗi.

3. Bản chất đời đời của Chúa Giê-xu (Giăng 8:51-58):

- Lời phán của Chúa ở đây chứng tỏ Ngài là Đấng hiện hữu đời đời và mang thần tánh. Chúa nói về Áp-ra-ham để cho thấy ông có một sự bắt đầu khi được sinh ra (động từ quá khứ). Nhưng Chúa Giê-xu thì luôn hiện hữu, nên Ngài luôn xưng “Ta là” (động từ hiện tại).

- Mệnh đề “Ta là” là cách thể hiện thần tánh của Ngài cũng tương tự như trong Xuất 3:14 nói về Danh Thánh của Đức Chúa Trời. Những người nghe Ngài cũng hiểu lời phán này tuyên bố thần tánh của Ngài. Họ đã ném đá Chúa vì cho rằng Ngài phạm thượng, nhưng Đức Chúa Trời đã bảo vệ Con Ngài khỏi sự nguy hại.

4. Có phải đau khổ là do tội lỗi? (Giăng 9:3-4):

- Đây là phân đoạn quan trọng nói về mối liên hệ giữa tội lỗi và sự đau khổ. Các môn đồ thắc mắc nguyên nhân nào khiến người mù từ lúc mới sinh, sự mù lòa này không phải do tội lỗi mà mục đích là để công việc thánh của Chúa được thực hiện trong ông và bày tỏ vinh hiển của Đức Chúa Trời.


IV. CHÚA GIÊ-XU CHĂM SÓC NHỮNG NGƯỜI THUỘC VỀ NGÀI

1. Sự an ninh đời đời của chúng ta (Giăng 10:27-28):

- Sự sống đời đời là món quà chúng ta nắm giữ vì Chúa Giê-xu giữ chặt chúng ta. Không gì có thể cướp chúng ta ra khỏi Ngài.

- Lời Chúa tại đây dạy chúng ta đừng bao giờ dùng những câu Kinh Thánh này để bào chữa cho việc phạm tội nhưng chúng ta tin chắc rằng Đức Chúa Trời gìn giữ con cái Ngài.

2. Tình Yêu Thương là Bằng Chứng của Đức Tin Cơ-đốc (Giăng 13:34-35):

- Lời Chúa tại đây bao gồm một mạng lệnh, một khuôn mẫu và một kết quả. Mạng lệnh là yêu thương lẫn nhau và Chúa tập trung vào tình yêu giữa những người tin Chúa với nhau.

- Khuôn mẫu là chúng ta yêu như Chúa đã yêu chúng ta. Kết quả là bằng chứng người khác có thể nhìn thấy tình yêu thương giữa Cơ-đốc nhân với nhau.

3. Nguồn Lực Thuộc Linh (15:1-10):

- Chúa Giê-xu dùng hình ảnh cây nho để dạy rằng kết quả trong đời sống Cơ-đốc nhân phụ thuộc vào mối tương giao đúng đắn với Ngài. Ngài chính là gốc nho thật và Cha là người tỉa sửa cây nho.

- Việc đáp ứng sứ điệp của Lời Ngài mang đến sự thanh tẩy cho các môn đệ. Cần luôn ở trong mối tương giao đầy sức sống với Ngài để sanh trái thuộc linh.

4. Đức Thánh Linh và Thế Gian (16:5-11):

- Công việc của Đức Thánh Linh trong đời sống của người chưa tin: Ngài đến để cáo tội của thế gian. Có ba điều Đức Thánh Linh vạch trần:

(1) Ngài phơi bày tội lỗi, thế gian sẽ nhận thức được tội lỗi của mình trước mặt Đức Chúa trời,

(2) Ngài sẽ chứng tỏ cho thế gian thấy sự công bình của Đấng Christ, đó là sự chết và sự sống lại của Ngài có thể khiến chúng ta trở nên công bình trước mặt Đức Chúa Trời và

(3) Ngài cho thấy rằng Sa-tan đã bị đoán xét và đánh bại. Thánh Linh của Đức Chúa Trời cũng giúp cho người chưa tin hiểu được kết quả của sự chết Chúa Giê-xu và kéo họ trở về đức tin nơi Đấng Christ.


V. NHỮNG CÔNG TÁC CUỐI CÙNG CỦA CHÚA GIÊ-XU

1. “Mọi sự đã trược trọn” (19:30):

- Chúa Giê-xu phán “Mọi việc đã được trọn” bày tỏ sứ mạng Cha giao đã hoàn tất.

- Việc Ngài mua chuộc chúng ta đã xong, chỉ cần chúng ta đến và nhận lãnh mà thôi.

2. Hành trình đức tin (20:24-29):

- Thô-ma là một người theo Chúa Giê-xu cách trung thành nhưng bi quan và ngờ vực vì thế ông trực tiếp chứng kiến Chúa sống lại thì ông mới tin.

3. Khôi phục người lãnh đạo sa ngã (21:15-19):

- Đây là đoạn Kinh Thánh Chúa Giê-xu hỏi Phi-e-rơ về tình yêu của ông. Trong hai câu hỏi đầu Ngài dùng từ Hy-lạp “agapao” (đó là một tình yêu hy sinh sâu sắc và dư dật như tình yêu của Đức Chúa Trời đối với tội nhân), còn câu hỏi cuối Chúa dùng từ “phileo” (tình bạn), Phi-e-rơ đã đáp lại bằng từ phileo, sự thay đổi trong cách dùng từ thể hiện sự thay đổi về ý nghĩa.

- Mặc dù Phi-e-rơ nhận biết tình yêu giới hạn của ông đối với Ngài nhưng ông vẫn khẳng định tình yêu của mình ba lần và cả ba lần Chúa đều ban sứ mạng cho ông. Việc Chúa giao sứ mạng cho ông đã hoàn tất tiến trình đem Phi-e-rơ trở lại vị trí lãnh đạo giữa vòng các sứ đồ.


ÔN TẬP:

Để ôn lại phần này hãy trả lời những câu hỏi sau. Có thể ghi câu trả lời ở một quyển tập khác.

1. Kể ra hai cách mà Phúc-âm Giăng khác biệt với ba Phúc-âm kia.

2. Giăng nói tại sao ông viết Phúc-âm này?

3. Kể ra bốn lời phán “Ta là”.

4. Chúa Giê-xu liên hệ với Ni-cô-đem thế nào? với người nữ phạm tội tà dâm? với Thô-ma? với Phi-e-rơ?

5. Ghi lại một câu giải thích giáo lý về sự an ninh đời đời của tín đồ.

6. Kể ra hai mục vụ của Đức Thánh Linh.



bottom of page