top of page
Hung Tran
May 24, 2023
Phao-lô là một minh họa cho người ảnh hưởng thế giới bằng cả đời sống và các tác phẩm của ông...
BÀI 8: CÁC THƯ TÍN CỦA PHAO-LÔ (Phần I)
Phần I I. CUỘC ĐỜI VÀ CÁC THƯ TÍN CỦA PHAO-LÔ
1. Điểm độc đáo của Phao-lô:
- Phao-lô là một minh họa cho người ảnh hưởng thế giới bằng cả đời sống và các tác phẩm của ông.
- Văn phong của Phao-lô rất độc đáo. Ông viết về niềm tin cá nhân được phát triển từ những tình huống có thật trong cuộc sống. Và ông cũng có mối liên hệ cá nhân với các tín hữu trong các bức thư. Cảm xúc của ông tuôn tràn qua từng trang giấy (Phi. 3:1-11).
2. Nhân cách của Phao-lô:
- Nhân cách của Phao-lô đa dạng và tỏa sáng như một viên kim cương nhiều mặt. Mối quan hệ của ông với hội thánh xen kẻ giữa tình yêu cảm thông và sự quở trách mạnh mẽ. Ông như là một thanh thép cứng rắn không thể bẻ cong được nhưng có những vấn đề nhạy cảm thì ông mềm dẻo như cao su.
- Tình yêu thương của Phao-lô đối với các tín hữu tỏa sáng rực rỡ trong từng bức thư. Ông dịu dàng với các tín hữu như người mẹ đối với con (ITê 2:7) và cứng rắn như của người cha (ITê 2:11).
- Ý chí của Phao-lô rất kiên định cho dù có nhiều áp lực. Ông không dễ dàng ngã lòng hay than vãn khi gặp thử thách. Ý chí kiên định xuất phát từ công việc của Đức Thánh Linh ở trong ông (I Cô. 15:10; Gal. 5:22-24).
- Phao-lô có sức chịu đựng khác thường về thể chất. Nhiều lần ông đã bị ném đá, bị kéo lê ra khỏi thành, và bị những người tấn công bỏ mặc cho chết. Nhưng ngày sau ông đã đi chỗi dậy và tiếp tục rao giảng Tin Lành.
- Phao-lô cũng có sức chịu đựng khác thường về cảm xúc. Ông học cách thỏa lòng trong những hoàn cảnh cực kỳ thiếu thốn cũng như dư dật (Phi. 4:12-13).
- Phao-lô cũng thể hiện sự giận dữ đối với những người tìm cách dẫn dụ các tín hữu của ông về những giáo lý sai lạc.
III. NGUỒN TÀI LIỆU VÀ SỰ SẮP XẾP CÁC THƯ TÍN
1. Nguồn Tư Liệu của Phao-lô: - Đức Chúa Trời phán qua Đức Thánh Linh là nguồn tư liệu căn bản cho các thư tín và thần học của Phao-lô.
- Đức Thánh Linh rõ ràng đã hướng dẫn Phao-lô dựa vào ít nhất là ba nguồn tư liệu để viết thư tín:
. Sự giảng dạy tín lý của hội thánh đầu tiên.
. Thánh Kinh Cựu Ước.
. Sự khải thị đặc biệt qua Đức Thánh Linh.
- Phao-lô không phải chỉ là người phát ngôn đi theo truyền thống của giáo hội như nhiều người nói.
2. Sắp xếp các Thư Tín của Phao-lô:
- Bản Kinh Thánh mà chúng ta có nói chung xếp các thư tín của Phao-lô theo độ dài của thư chứ không theo thứ tự thời gian.
- Trong các thư tín của Phao-lô thì 9 thư tín đầu tiên gửi cho 7 hội thánh (Rô-ma, I & II Cô-rinh-tô, Ga-la-ti, Ê-phê-sô, Phi-líp, Cô-lô-se, I & II Tê-sa-lô-ni-ca). Tiếp theo là 4 thư tín gửi cho ba cá nhân (I & II Ti-mô-thê, Tít, và Phi-lê-môn).
- Sắp xếp thư tín theo thứ tự thời gian.
a. Cuối hành trình truyền giáo thứ nhất: Ga-la-ti
b. Trong hành trình truyền giáo thứ hai: I và II Tê-sa-lô-ni-ca
c. Trong hành trình truyền giáo thứ ba: Rô-ma, I và II Cô-rinh-tô
d. Trong lần bị giam giữ ở Rô-ma lần thứ nhất: Phi-líp, Ê-phê-sô, Cô-lô-se và Phi-lê-môn
e. Trước và trong thời kỳ bị giam giữ ở Rô-ma lần hai: I và II Ti-mô-thê, Tít.
* Mục đính chính của các thư tín:
. Ga-la-ti: làm rõ ý nghĩa của Phúc-âm mà Phao-lô đã rao giảng (Gal.1:16-17).
. I & II Tê-sa-lô-ni-ca: hướng dẫn hội thánh trẻ đang phát triển về hoạn nạn (I Tê. 3:1- 5), đạo đức (I Tês, 4:3-8), và sự trở lại của Đấng Christ (I Tê. 4:13-18, II Tê. 2:1-10).
• Rô-ma, I & II Cô-rinh-tô: giúp cho chúng ta có sự hiểu biết rõ ràng về sự chết của Chúa Giê-xu (Rô. 3:21-26). Cả 3 bức thư phần lớn để giải quyết những vấn đề khác nhau tại hội thánh địa phương.
• Phi-líp, Ê-phê-sô, Cô-lô-se và Phi-lê-môn: 4 thư này còn được gọi là thư tín trong tù. Tất cả là bằng chứng sống động về sức lực mà Đức Chúa Trời ban cho Phao-lô dưới áp lực của tù đày (Phi. 1:12-18). Thư Phi-lê-môn là một lời khẩn cầu kỳ diệu về tình yêu Cơ-đốc đối với một người trước đó là nô lệ tên là Ô-nê-sim.
• I & II Ti-mô-thê và Tít: nhóm cuối cùng được gọi là Thư Tín Mục Vụ. Phao-lô viết các thư này để hướng dẫn giải quyết vấn đề tà thuyết trong các hội thánh Ê-phê-sô và trên đảo Cơ-rết.
IV. DẪN NHẬP THƯ RÔ-MA
1. Chủ đề và bố cục:
- Rô-ma là lá thư liên quan đến giáo lý nhiều nhất và là tư liệu quan trọng nhất Phao-lô đã viết. Không giống những thư khác, thư này không được viết chỉ để giải quyết những vấn đề trong hội thánh. Phao-lô viết thư để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm đến La-mã của ông (Rô. 15:22-44).
- Đề tài chính của thư là giáo lý về sự xưng công chính bởi ân điển.
- Chủ đề của sách này là sự cứu rỗi bởi đức tin trong Chúa Giê-xu Christ (1:16-17).
- Mười một chương đầu chứa đựng những đặc điểm quan trọng trong thần học của Phao-lô. Năm chương sau là việc ứng dụng những chân lý này trong đời sống hằng ngày.
2. Niên Đại và Địa Điểm Viết Thư:
- Phao-lô viết thư này khi ông đang ở Cô-rinh-tô (Rô-ma 15:25-26).
- Ông viết thư này sau khi ông viết các thư tín cho hội thánh Cô-rinh-tô vào khoảng năm 57 SC
3. Những Vấn Đề Đặc Biệt ở Rô-ma:
- Thành lập Hội thánh tại La-mã: Không có nhiều thông tin về thời điểm Cơ-đốc giáo bắt đầu xuất hiện tại Rô-ma. Có một vài dẫn chứng nhưng không chắc chắn.
. Công-vụ 18:2 ghi lại Hoàng đế La-mã Cơ-lốt đã cấm người Do-thái vào La-mã khoảng vào năm 49-50 SC vì những người Do-thái này nghe biết về Chúa Giê-xu là Đấng Mê-si-a đã gây náo động, khiến cho Hoàng đế Cơ-lốt ra cấm chỉ đối với người Do-thái.
. Trong ngày lễ Ngũ Tuần tại Giê-ru-sa-lem có lẽ cũng có một số người từ La-mã đã quy đạo và họ mang Tin Lành trở về.
. Giữa La-mã và An-ti-ốt có nhiều việc thông thương và giao thiệp nên có thể những người tại An-ti-ốt đã mang Phúc-âm đến La-mã.
- Người Do-thái và người ngoại trong hội thánh: Rô-ma có nhiều dẫn chứng Thánh Kinh Cựu Ước và đề cập đến tương lai của Y-sơ-ra-ên mặc khác Rô-ma 1:13 đề cập đến “những người ngoại khác” cho thấy hội thánh bao gồm cả người Do-thái lẫn người ngoại.
V. TỔNG QUAN VỀ SÁCH RÔ-MA
Chủ đề của sách Rô-ma: Sự Cứu Rỗi Bởi Đức Tin trong Chúa Giê-xu Christ.
“Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin, trước là người Giu-đa, sau là người Gờ-réc; vì trong Tin lành nầy có bày tỏ sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi đức tin mà được, lại dẫn đến đức tin nữa, như có chép rằng: Người công bình sẽ sống bởi đức tin” (1:16-17).
- Giới thiệu (1:1-17).
I. Kế Hoạch Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời (1-8)
A. Tất cả đều phạm tội (1:18-3:20).
B. Sự Cứu Chuộc trong Đấng Christ (3:21-5:21).
C. Quyền Năng Biến Đổi Cuộc Đời (6-8).
II. Kế Hoạch của Đức Chúa Trời cho Dân Y-sơ-ra-ên và Dân Ngoại (9-11).
III. Kế Hoạch của Đức Chúa Trời cho Đời Sống Cơ-đốc nhân (12-15:13) Kế hoạch cá nhân và lời chào thăm (15:14-16:27).
- Chủ đề: Sự xưng công chính bởi đức tin trong Chúa Giê-xu Christ (Rô-ma 1:16-17) có nghĩa là:
. Sự Cứu Rỗi: là sự giải cứu khỏi hình phạt của tội lỗi trong quá khứ, quyền lực của tội lỗi trong hiện tại và sự hiện diện của tội lỗi trong tương lai.
. Xưng công chính: là tuân thủ theo một tiêu chuẩn không thay đổi (không thể đạt được chỉ bởi nỗ lực của con người) và là quà tặng về một địa vị đúng đắn trước mặt Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-xu Christ.
. Đức tin là sự đáp ứng của toàn bộ con người đối với sự khải thị của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ.
1. Tất cả đều đã phạm tội (1:18-3:20).
- Tất cả dân ngoại đều thiếu mất sự công chính (1:18-32) và đáng bị định tội bởi thái độ và cách ăn ở tội lỗi của mình trước một Đức Chúa Trời thánh khiết.
- Người Do-thái cho mình là tin kính và đạo đức cũng đều hụt mất tiêu chuẩn thánh (2:17- 29). Tất cả loài xác thịt, người Do-thái lẫn dân ngoại đều phạm tội trước mặt Đức Chúa Trời (3:9).
2. Sự Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ (3:21-5:21).
- Đức Chúa Trời đã xưng chúng ta là công bình qua sự chết của Chúa Giê-xu hầu cho mọi người có thể kinh nghiệm sự tha thứ bởi đức tin trong Đấng Christ.
- Ba từ then chốt liên hệ đến vai trò của Đấng Christ trong phương cách xưng công nghĩa:
. Sự chuộc tội: huyết của Đấng Christ đã đáp ứng tiêu chuẩn thánh khiết của Đức Chúa Trời là hình phạt tội lỗi và đã cất bỏ cơn thạnh nộ của Ngài đối với chúng ta.
. Sự cứu chuộc: Đấng Christ đã trả một giá để mua sự tự do cho người tin Ngài, giúp họ thoát khỏi hình phạt của tội lỗi.
. Sự xưng công chính: trong Đấng Christ mọi người tin Ngài được Đức Chúa Trời tuyên bố là công chính khi người đó đặt đức tin trong Đức Chúa Giê-xu Christ.
- Lợi ích của sự xưng công bình: bình an với Chúa có được nhờ tình yêu thương của Đức Chúa Trời, và Ngài sẽ tiếp tục truyền tình yêu và sự sống của Ngài cho chúng ta.
- Đấng Christ là A-đam thứ hai với những kết quả trái ngược của A-đam thứ nhất.
3. Quyền năng biến đổi đời sống của Đức Chúa Trời (Rô-ma 6-8).
- Đời sống được biến đổi bởi được xưng công bình là một đời sống thánh khiết (chương 6), không bị luật pháp ràng buộc (chương 7) và làm được như vậy là nhờ công việc của Đức Thánh Linh (chương 8).
- Khi nhận lễ báp-têm Cơ-đốc nhân chứng tỏ họ chết đối với tội lỗi và có đời sống mới trong Đấng Christ, người đó nhận biết địa vị mới của mình trong Đấng Christ và dâng chính mình trong sự phục vụ Đức Chúa Trời. Tự do khỏi tội lỗi không phải là sống cẩu thả dưới ân điển nhưng phục vụ Đức Chúa Trời cách ngay thẳng. Cơ-đốc nhân cũng được tự do thắng hơn ảnh hưởng của luật pháp nhờ chiến thắng trong Đấng Christ.
- Chiến thắng trong Đấng Christ đến bởi Đức Thánh Linh là Đấng ban năng lực cho mỗi người tin. Đức Thánh Linh sẽ khiến mỗi tín hữu trở nên thích hợp cách trọn vẹn cho Chúa Giê-xu khi chúng ta sống lại trong tương lai.
4. Kế hoạch của Đức Chúa Trời cho dân Y-sơ-ra-ên và dân ngoại (9-11).
- Phao-lô chỉ ra rằng dân Y-sơ-ra-ên đã chối bỏ Đấng Mê-si-a và Ngài không phải là không công bình trong việc đối đãi với dân Y-sơ-ra-ên (9:1-29). Vì thế dân Y-sơ-ra-ên phải chịu trách nhiệm về việc chối bỏ Đức Chúa Trời. Họ không chỉ khước từ Ngài mà còn cố gắng thiết lập một phương cách công bình cho chính mình.
- Dân Y-sơ-ra-ên không thể bào chữa cho việc chối bỏ Phúc-âm mà họ đã nghe. Nhưng Chúa chỉ từ bỏ một phần dân Y-sơ-ra-ên chứ không phải hết thảy. Những người Y-sơ-ra-ên biết ăn năn có thể được mang trở về trong chương trình của Đức Chúa Trời (11:16-24) và Phao-lô cũng nói đến sự vinh hiển trong tương lai của dân Y-sơ-ra-ên (11:1-32).
5. Kế Hoạch của Đức Chúa Trời cho Đời Sống Cơ-đốc nhân (12:1-15:13).
- Phao-lô kêu gọi thực hành đức tin: dâng chính mình (12:1-2), nghĩa vụ với Đức Chúa Trời và với các Cơ-đốc nhân khác (12:3-21), trách nhiệm với chính quyền và người khác (13:1-4) và mối quan hệ giữa Cơ-đốc nhân yếu và mạnh (14:1-15:13).
6. Kế Hoạch Cá Nhân và Lời Chào Thăm (15:14-16:27).
- Trong lời kết luận, Phao-lô giải thích kế hoạch và mục đích của ông trong chức vụ (15:14-33) và gửi lời chào thăm đến các tín hữu La-mã.
VI. THƯ TÍN THỨ NHẤT CỦA PHAO-LÔ GỞI ĐẾN CÔ-RINH-TÔ
1. Thành Cô-rinh-tô:
- Cô-rinh-tô là thành phố lớn nhất và phồn vinh nhất của Hy Lạp. Tuy vậy, đây cũng là một thành phố suy đồi, có lối sống trụy lạc và dâm loạn.
- Tại đây có hàng ngàn các nữ tư tế sẵn sàng phục vụ cho hoạt động dâm dục tại đền thờ nữ thần tình ái Aphrodite. 2. Cơ Hội và Niên Đại Viết Sách:
- Phao-lô ở tại Cô-rinh-tô 18 tháng trong hành trình truyền giáo thứ hai ông thấy tình trạng thuộc linh của hội thánh đã sa sút. Trong thời gian ở Ê-phê-sô 3 năm trong hành trình truyền giáo thứ 3 Phao-lô đã viết thư cho Cô-rinh-tô như đã đề cập trong I Côr 5:9.
- Từ anh em nhà Cơ-lô-ê, Phao-lô biết được hội thánh chia rẽ thành các phe nhóm, cũng như từ thư thỉnh cầu sự khuyên lơn và hướng dẫn của ông cho các vấn đề của hội thánh (7:1), Phao-lô đã viết thư tiếp theo là I Cô-rinh-tô trong thời kỳ cuối ở Ê-phê-sô, có thể là năm 54 SC.
3. Tổng Quan và Nội Dung I Cô-rinh-tô.
- Đây là quyển sách quan trọng về thần học cũng như thực tiễn. Về thần học, Phao-lô trình bày nhiều chân lý quan trọng về sự đóng đinh và sự chết của Đấng Christ và vai trò của Đức Thánh Linh trong những ân tứ thuộc linh.
- Về thực tiễn, thì thư này bày tỏ năng lực và tính cách con người Phao-lô như là một mục sư và nhà lãnh đạo hội thánh. Ông đưa ra những nguyên tắc để giải quyết những vấn đề cho chính hội thánh chúng ta.
- Chủ đề của I Cô-rinh-tô: Một Hội Thánh đầy ân tứ và thế gian.
- Câu gốc: 1 Cô-rinh-tô 1:10. “Hỡi anh em, tôi nhân danh Ðức Chúa Jêsus Christ chúng ta, khuyên anh em thảy đều phải đồng một tiếng nói với nhau, chớ phân rẽ nhau ra, nhưng phải hiệp một ý một lòng cùng nhau.”
- Bố cục:
I. Phao-lô trả lời về các vấn đề (1-6).
A. Sự phân rẽ trong hội thánh (1:10-4:21).
B. Vấn đề đạo đức trong hội thánh (5:1-6:20).
II. Phao-lô trả lời các câu hỏi (7-16).
4. Trả lời về những vấn đề trong hội thánh (1-6).
- Vấn đề chia rẽ trong hội thánh (1:10-4:21). Nhấn mạnh ý tưởng sự lãnh đạo con người không bao giờ có thể thay thế được vai trò lãnh đạo của Đấng Christ.
- Phao-lô đưa ra 3 lý do gây chia rẽ dai dẵng trong hội thánh.
. Thứ nhất, các tín hữu Cô-rinh-tô đã hiểu không đúng về sứ điệp Cơ-đốc. Phao-lô khẳng định việc rao giảng về thập tự giá cho thấy khôn ngoan của con người là trống rỗng nhưng bày tỏ năng quyền biến đổi bởi sự khôn ngoan Đức Chúa Trời.
. Thứ hai, quan niệm sai lầm về chức vụ Cơ-đốc. Họ xem Phao-lô, A-pô-lô, và những vị mục sư khác là những đối thủ của nhau, nhưng Phao-lô khẳng định rằng tất cả chỉ là người làm công cho Đức Chúa Trời. Đấng Christ chính là nền tảng của hội thánh và vai trò của những vị lãnh đạo chỉ là những tôi tớ của Đấng Christ.
. Thứ ba, sự kiêu ngạo của con người đã gây chia rẽ trong hội thánh, ông khẳng định rằng ân điển của Đức Chúa Trời đã ban cho họ đầy đủ điều họ cần.
- Ông cảnh cáo hội thánh về việc lạm dụng nguyên tắc tự do Cơ-đốc. Đấng Christ ban cho chúng ta tự do không phải để phạm tội nhưng để chúng ta có năng lực hầu việc Ngài.
5. Trả lời những câu hỏi từ hội thánh Cô-rinh-tô (7-16).
- Hôn Nhân (7:1-40): sự kết hợp bình thường giữa người nam và người nữ, nhưng người nào cam kết với Đấng Christ sống độc thân là chọn lựa riêng của người đó (7:32-35).
- Sự tự do (8:1-11:1): Cơ-đốc nhân nên hạn chế sự tự do trong việc ăn những thức ăn đã cúng nếu điều đó gây vấp phạm cho người khác, cho sự phát triển của Phúc-âm. Mỗi tín hữu nên giới hạn sự tự do của mình trong Đấng Christ hầu cho không ngăn trở sự tăng trưởng thuộc linh của từng cá nhân. Vì vậy, ông kêu gọi hãy tìm kiếm sự vinh hiển của Đức Chúa Trời chứ không phải quyền lợi hay đặc quyền cá nhân.
- Sự thờ phượng chung (11:2-11:22): cách thờ phượng đúng đắn liên quan đến việc phụ nữ trùm đầu trong khi thờ phượng và Tiệc Thánh. Phụ nữ nên trùm đầu trong khi thờ phượng nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ truyền thống xã hội đã được thiết lập trong hội thánh, bên cạnh đó phụ nữ cũng nên dùng sự tự do mới trong việc tôn trọng chồng mình cũng như tôn trọng tục lệ của hội thánh. Còn về tiệc thánh thì các tín hữu nên tránh say sưa và phàm ăn để giữ gìn mối thông công.
- Ân tứ thuộc linh (12:1-14:40): sự đa dạng của ân tứ và dùng minh họa về thân thể con người để cho thấy Cơ-đốc nhân phụ thuộc lẫn nhau về những ân tứ thuộc linh khác nhau. Ông cũng nhấn mạnh việc gìn giữ sự hiệp một và mối thông công.
- Sự sống lại (15:1-58): vì trong hội thánh có một số người nghi ngờ về sự sống lại của Đấng Christ nên Phao-lô phải khẳng định tầm quan trọng của giáo lý này như là một phần của Phúc-âm và là nền tảng của sự cứu rỗi chúng ta. Mỗi tín hữu cũng sẽ sống lại trong tương lai với một thân thể phục sinh.
- Sự ban cho (16:1-9): ông quan tâm mục vụ rộng lớn đến việc dâng hiến của hội thánh cho các tín hữu nghèo ở Giê-ru-sa-lem. Và lời chúc phước của ông bằng tiếng A-ram Maranatha: “Lạy Chúa, xin hãy đến” bày tỏ niềm hy vọng về sự trở lại của Chúa Giê-xu, niềm hy vọng này là một phần của niềm tin ban đầu của hội thánh.
6. Thư tín thứ hai của Phao-lô viết cho hội thánh Cô-rinh-tô.
- Trước đó Phao-lô đã viết cho Hội Thánh Cô-rinh-tô một lá thư như đã đề cập trong I Côrinh-tô 5:9 cảnh cáo họ không kết hợp với những người vô đạo đức và kẻ gian ác. Sau đó ông mới viết I Cô-rinh-tô tại Ê-phê-sô và hình như Phao-lô đã đến thăm Cô-rinh-tô sau đó như đã đề cập trong II Cô-rinh-tô 2:1. Cuộc viếng thăm “đau đớn” này nhằm để giải hòa với những người chống đối và nghi ngờ về chức vụ của ông và đã không thành công nên Phao-lô trở lại Ê-phê-sô.
- Tại đó Phao-lô lại viết một lá thư nữa được gọi là lá thư “gay gắt” (II Cô. 2:4) nhưng giờ đây đã thất lạc. Trong thư này ông đã bày tỏ tình yêu thương đối với những người Côrinh-tô nhưng ông dùng những từ ngữ mạnh mẽ để kêu gọi họ ăn năn (II Cô 7:8-12). Tít đã mang thư này đến Cô-rinh-tô và hội thánh đã ăn năn, do đó một lần nữa họ ao ước được gặp và nói chuyện với ông (II Cô 2:12-13; 7:5-7). Phao-lô đã viết II Cô-rinh-tô và sau đó đến thăm họ (Công 20:2-3).
VII. TỔNG QUAN VỀ SÁCH II CÔ RINH TÔ
1. Niên Đại và Mục Đích:
- II Cô-rinh-tô được viết vào khoảng năm 56 SC, có thể là một năm sau khi quyên góp tiền cho những tín hữu nghèo tại Giê-ru-sa-lem như đã đề cập trong I Cô-rinh-tô 16:1.
- Phao-lô thực hiện nhiều mục tiêu khi viết thư này. Thứ nhất, ông giải thích sự cao quý của chức vụ mà Đức Chúa Trời đã giao phó cho ông (2:14-7:16). Thứ hai, ông kêu gọi các tín hữu tại đó hãy hoàn tất việc quyên góp cho những người có cần tại Giê-ru-sa-lem (II Cô 8- 9). Thứ ba, ông bảo vệ chức vụ sứ đồ của mình khi đề cập đến thẩm quyền thánh đã được ban cho ông trong việc cùng chia sẻ chức vụ của Đấng Christ (II Cô 10-13).
2. Sự hiệp nhất của II Cô-rinh-tô:
- II Cô-rinh-tô 1-9 mang tinh thần vui vẻ (2:14) nhưng từ 10-13 Phao-lô đã chuyển sang thái độ khác là tự bảo vệ chính mình (10:11). Một số sinh viên Thần Học Tân Ước đã không tin rằng hai phần này cùng thuộc một lá thư.
- Một cách giải thích khác cho sự thay đổi thái độ là Phao-lô nói với số đông tín hữu trong hội thánh là những người đã ăn năn việc họ chống đối Phao-lô trước đây nhưng từ chương 10-13 ông nói với số ít người vẫn còn cứng đầu chống đối ông. Do đó chúng ta có thể xem sách này là một trong đó sứ điệp của Phao-lô gửi đến hai nhóm khác nhau nên chia thành hai phần khác nhau.
3. Chủ đề của II Cô-rinh-tô: Chức vụ giảng hòa.
Câu gốc: II Cô-rinh-tô 5:20. “Vậy chúng tôi làm chức khâm sai của Ðấng Christ, cũng như Ðức Chúa Trời bởi chúng tôi mà khuyên bảo. Chúng tôi nhơn danh Ðấng Christ mà nài xin anh em: hãy hòa thuận lại với Ðức Chúa Trời."
I. Phao-lô giải thích về việc làm của mình (1:1-2:13).
II. Phao-lô đề cao chức vụ của mình (2:14-7:16).
III. Phao-lô kêu gọi tinh thần rộng rãi (8:1-9:15).
IV. Phao-lô bảo vệ thẩm quyền của mình (10:1-13:14).
- Phao-lô giải thích việc làm của mình: Trong I Cô-rinh-tô 16:5-9 và II Cô-rinh-tô 1:15-16, Phao-lô giải thích kế hoạch viếng thăm Cô-rinh-tô của ông. Tuy nhiên, ông đã không thể thực hiện được kế hoạch này. Một số người ở Cô-rinh-tô cho rằng cách cư xử như vậy là hay thay đổi và không kiên định. Phao-lô khẳng định ông không lừa dối họ nhưng lý do ông chưa đến thăm là vì không muốn có cuộc chạm trán đau đớn với họ. Ông bảo vệ cho sự chính trực và kiên định của mình Ông xin lỗi những người chống đối ông và kêu gọi hội thánh bày tỏ sự tha thứ cho ông.
- Từ 2:14 đến 7:16 Phao-lô cân bằng giữa sự khó khăn mà ông phải đối diện với việc mô tả về năng quyền và vinh quang trong chức vụ. Ông tin rằng Đức Chúa Trời luôn ban ơn để ông tiếp tục chức vụ hiệu quả dẫu nhiều khó khăn.
- Các tín hữu tại Giu-đê gặp nhiều khó khăn do đói kém trong thời trị vì của hoàng đế Claudiút. Nhận thấy rằng lòng rộng rãi sẽ thúc đẩy sự hiệp một Cơ-đốc nên Phao-lô kêu gọi các tín hữu Cô-rinh-tô hãy ban cho cách rộng rãi. Ông đã làm điều này trong I Cô-rinh-tô 16:1-4 nhưng họ đã chậm chạp trong việc ban cho nên ở đây ông lại kêu gọi lần nữa.
- Phần cuối cùng Phao-lô bảo vệ cho việc sử dụng thẩm quyền của mình trong mối quan hệ với hội thánh Cô-rinh-tô và ông cẩn thận chỉ đề cập điều Đức Chúa Trời thực hiện qua ông chứ không phải ông thực hiện cách độc lập. Phao-lô cũng ước ao các tín hữu Cô-rinh-tô hoàn toàn đầu phục Đức Chúa Trời.
ÔN TẬP:
Để ôn lại phần này hãy trả lời những câu hỏi sau. Có thể ghi câu trả lời ở một quyển tập khác.
1. Hai cách mà Phao-lô đã ảnh hưởng đến thế giới là gì?
2. Hãy liệt kê hai đặc điểm trong nhân cách của Phao-lô.
3. Phao-lô đã dùng ba nguồn tư liệu nào để viết các thư tín?
4. Các thư tín của Phao-lô được sắp xếp thế nào trong Thánh Kinh Tân Ước?
5. Chủ đề của sách Rô-ma là gì?
6. Bạn chia sách Rô-ma thành các phần chính như thế nào?
7. Hãy cho biết hai phần chính của sách I Cô-rinh-tô
8. Mô tả ba vấn đề tại hội thánh Cô-rinh-tô
9. Ghi lại điểm chính của II Cô-rinh-tô trong một câu.
bottom of page