top of page

Bài 16 : GIẢNG CHO THÂN HỮU

Hung Tran

Jun 18, 2023

Vấn đề không phải là bài giảng có đủ giáo lý, có vẻ thuyết phục hay không, nhưng là có liên hệ đến thân hữu hay không...



Bài 16: GIẢNG CHO THÂN HỮU


Câu gốc: “Hãy lấy sự khôn ngoan ăn ở với những người ngoại, và lợi dụng thì giờ. Lời nói anh em phải có ân hậu theo luôn, và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối đáp mỗi người là thể nào.” CoCl 4: 5-6


Vấn đề không phải là bài giảng có đủ giáo lý, có vẻ thuyết phục hay không, nhưng là có liên hệ đến thân hữu hay không.


I. PHONG CÁCH GIẢNG DẠY THÍCH ỨNG


1. Một phong cách mới:

Phong cách giảng dạy cho thân hữu phải khác với phong cách giảng dạy cho tín hữu, nếu không sẽ phản tác dụng. Lối giảng giải kinh từng câu, từng sách rất ích lợi cho việc gây dựng tín hữu nhưng không thích hợp với các thân hữu.


2. Lý do:

Từ truyền thông bắt nguồn từ tiếng La-tinh (communis) có nghĩa là “chung”: Chúng ta không thể giao tiếp với một ai trừ phi chúng ta tìm được một điểm chung với họ.

• Điểm chung với các thân hữu không phải là Kinh Thánh vì họ chưa chấp nhận thẩm quyền Kinh Thánh, nhưng là những nhu cầu, những nỗi đau và những sở thích chung của con người.


3. Giảng theo chủ đề:

Trước hết hãy thu hút sự chú ý của thân hữu bằng một nhu cầu, một nỗi đau hay sở thích của họ và sau đó đưa họ đến với lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên chúng ta không để thân hữu xoay chúng ta, nhưng bắt đầu sứ điệp bằng một nhu cầu cấp thiết là điều cần thiết. Chính Đức Chúa Trời đã từng tự bày tỏ chính Ngài tùy theo nhu cầu của con người qua nhiều Danh xưng: Giê-hô-va Di-rê, Giê-hô-va sa-lam... Rao giảng theo nhu cầu là một phương pháp thần học vững chắc để giới thiệu thân hữu đến với Đức Chúa Trời.


4. Giải nghĩa chủ đề:

Thay vì giải nghĩa một phân đoạn, chúng ta nên giải nghĩa chủ đề, dùng nhiều câu Kinh Thánh từ nhiều phân đoạn khác nhau (đây là lối giải nghĩa theo thần học hệ thống).

• Sự giảng dạy biến đổi đời sống đem lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời và nhu cầu thực tế của dân sự đến với nhau tại điểm áp dụng.

(Lời của Đức Chúa Trời áp dụng các nhu cầu của dân sự)

• Việc chúng ta bắt đầu từ bên nào tùy thuộc vào thính giả của chúng ta: Đối với tín hữu, chúng ta bắt đầu với Lời của Đức Chúa Trời qua lối giải kinh từng câu từng sách. Nhưng đối với thân hữu, chúng ta bắt đầu với nhu cầu cấp thiết qua lối giải nghĩa chủ đề (câu với câu).


II. TẠO ĐIỀU KIỆN TIẾP CẬN KINH THÁNH


Các thân hữu thường cảm thấy sợ Kinh Thánh, một nỗi sợ mê tín khi đọc hay cầm quyển Kinh Thánh, vì Kinh Thánh cổ đặc biệt khó hiểu... Hãy làm cho họ cảm thấy thoải mái khi đến với Kinh Thánh:


1. Hãy đọc bản dịch mới:

Ngày nay có nhiều bản dịch Kinh Thánh mới rất dễ hiểu nên không có lý do gì phải phức tạp hóa Phúc-âm bằng ngôn ngữ của gần một thế kỷ trước (1926) đối với các thân hữu: Sự rõ ràng quan trọng hơn cả văn chương hay truyền thống.


2. Dùng quyển Kinh Thánh tại chỗ:

Chúng ta có thể mua và đặt Kinh Thánh ngay tại chỗ thân hữu ngồi. Vì thân hữu không thuộc mục lục Kinh Thánh nên chúng ta chỉ cần đọc số trang trước khi nói đến đoạn và câu.


3. Chỉ dùng các phân đoạn Kinh Thánh thích hợp:

Dù toàn bộ Kinh Thánh đã được linh cảm, nhưng không phải phần nào cũng thích hợp cho thân hữu. Chẳng hạn, thân hữu sẽ khó chấp nhận Thi thiên 58. Vì thế, nên tìm những phân đoạn Kinh Thánh vừa thích hợp vừa dễ hiểu đối với thân hữu.


4. In Kinh Thánh và bố cục bài giảng:

Nên in bố cục của bài giảng và mọi phần Kinh Thánh trưng dẫn vào tờ chương trình. Điều nầy sẽ giúp các thân hữu khỏi bối rối khi lật tìm và khỏi mất thời gian của hội chúng (7 phút cho một bài giảng). Họ cũng có thể sử dụng để chia sẻ lại cho người khác. Hơn nữa, người nghe có thể ghi chú để nhớ sứ điệp hơn, vì 90-95 % sẽ được quên đi sau 72 giờ.


III. LÊN KẾ HOẠCH CÁC ĐỀ MỤC


1. Thu hút bằng các đề mục:

Hầu hết các mục sư không cố gắng thu hút thân hữu bằng các đề mục. Các tạp chí quốc tế bán rất chạy vì các bài báo của họ gắn liền với những nhu cầu, nỗi đau và sở thích của con người.

• Chúa Jesus dạy chúng ta hãy khôn khéo như rắn, đơn sơ như chim bồ câu. Vì thế, hãy chọn các đề mục “theo nhu cầu”.


2. Giảng theo loạt bài:

Mỗi sứ điệp được xây dựng trên nền tảng của sứ điệp trước đó sẽ tạo nên một sự thúc đẩy. Đây là sức mạnh của quán tính. Việc quảng bá các đề mục theo loạt bài sẽ khiến tín hữu dễ lựa chọn tuần lễ phù hợp để đưa thân hữu của mình đến. Nó cũng tạo nên cái móc lôi kéo các vị khách trở lại vào tuần sau. Tuy nhiên tốt nhất chỉ nên kéo dài 4-8 tuần.


3. Kiên định với phong cách giảng:

Chúng ta không thể nhắm qua nhắm lại các đối tượng thân hữu và tín hữu trong cùng một buổi thờ phượng. Dĩ nhiên, có thể giảng giáo lý cho các thân hữu, nhưng đừng dùng các thuật ngữ tôn giáo và phải tìm mối liên hệ đến nhu cầu của họ.


IV. LUÔN TẠO CƠ HỘI TIẾP NHẬN CHÚA


1. Tạo cơ hội:

Chúng ta cần tạo cơ hội cho thân hữu tiếp nhận Chúa trong chương trình dành cho thân hữu. Tuy nhiên cần phải tôn trọng họ, không được tạo áp lực trên họ. Sự thúc ép sẽ phản tác dụng: Nó sẽ làm cho tấm lòng cứng cỏi thêm.


2. Nhiều cách kéo lưới:

Có rất nhiều cách cho thân hữu tiếp nhận Chúa:

a. Kêu gọi tiến lên: Đây là phương pháp được Asahael Nettleton khởi xướng vào năm 1817 và Charles Finney đã quảng bá. Có thể thay đổi bằng việc mời đứng lên tại chỗ.

b. Tấm thiệp cam kết: Hãy biến mặt sau của thiệp chào mừng bằng thiệp cam kết. Vào đầu giờ hãy khích lệ họ điền vào mặt trước và cuối giờ hãy mời họ ghi vào mặt sau. Có thể thay đổi bằng cách để một chỗ trống để họ điền các chữ A, B, C, hoặc D vào cuối giờ. A: Nếu đã tin Chúa rồi - B: Nếu đây là lần đầu tiên tin Chúa - C: Nếu đang suy nghĩ về quyết định tin Chúa - D: Nếu không muốn dâng cuộc đời cho Chúa. Thường rất ít chữ D.


3. Những hướng dẫn quan trọng:

Dành thời gian cho thân hữu quyết định tin Chúa là một yếu tố vô cùng quan trọng:

a. Hãy giải thích rõ ràng cách đến với Chúa. Đừng để họ hiểu lầm.

b. Hãy lên kế hoạch thời điểm để kêu gọi vì số phận đời đời của nhiều người đang nằm trong sự cân nhắc của chúng ta.

c. Hãy sáng tạo trong việc mời gọi người ta tiếp nhận Chúa và hãy viết lời kêu gọi tin Chúa kèm theo mỗi sứ điệp.

d. Hãy hướng dẫn thân hữu bài cầu nguyện mẫu để họ có thể tuyên xưng đức tin của mình nơi Chúa.

e. Đừng bao giờ tạo áp lực để các thân hữu quyết định mà hãy tin cậy Đức Thánh Linh làm trọn công việc của Ngài. Thật không thực tế nếu đòi hỏi người ta phải thay đổi hướng đi của cả cuộc đời chỉ bằng một bài giảng (đừng ép người ta phải mua thịt bò khi người ta chỉ muốn mua sữa!).

f. Hãy chuẩn bị nhiều cách để thân hữu bày tỏ sự cam kết của mình với Đấng Christ: Bước lên, đứng lên, ghi tấm thiệp, giờ tiếp tân. . .

g. Hãy mong đợi thân hữu đáp ứng: Đức tin của chúng ta có thể sẽ ảnh hưởng trên cuộc chiến tâm linh đang diễn ra trong linh hồn của các thân hữu. Dù không thúc ép thân hữu nhưng chúng ta phải hết lòng mong đợi họ sẽ đáp ứng tích cực.

h. Không điều gì có thể thay thế được sự rao giảng được Đức Thánh Linh xức dầu. Sứ điệp đáp ứng nhu cầu sẽ được tiếp nhận cách tích cực.



bottom of page