top of page
Hung Tran
Jun 18, 2023
Đồng hóa (assimilation) là nhiệm vụ đưa người từ cộng đồng (biết về Hội thánh đó) vào đám đông (tham dự Hội thánh nầy) rồi trở nên một thành viên năng động trong Hội chúng...
Bài 17: BIẾN NGƯỜI THAM DỰ NÊN THÀNH VIÊN
Câu gốc: “Dường ấy anh em chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà của Đức Chúa Trời.” Eph Ep 2: 19
I. ĐỒNG HÓA
1. Nhiệm vụ đồng hóa:
Đồng hóa (assimilation) là nhiệm vụ đưa người từ cộng đồng (biết về Hội thánh đó) vào đám đông (tham dự Hội thánh nầy) rồi trở nên một thành viên năng động trong Hội chúng (Hội thánh của chúng tôi).
2. Quyền sở hữu:
Các thành viên thật sẽ cảm nhận quyền sở hữu: Họ là những người đóng góp, chứ không phải chỉ là những người thụ hưởng. Làm một tín hữu đồng nghĩa với việc có một mối liên hệ nào đó với một Hội thánh địa phương.
3. Sự thuộc về:
Chủ nghĩa cá nhân khiến một số tín hữu “nhảy” từ Hội thánh nầy sang Hội thánh khác mà không có đăng ký, trách nhiệm hay cam kết với một Hội thánh nào cả.
• Tuy nhiên, nếp sống Cơ-đốc không chỉ tin mà thôi, nhưng cũng gồm cả sự thuộc về nữa. Chúng ta tăng trưởng trong Đấng Christ vì chúng ta ở trong mối liên hệ với các Cơ-đốc nhân khác (RoRm 12: 10).
4. Tư cách hội viên:
Tư cách hội viên là một từ có nguồn gốc Cơ-đốc, nhưng thế gian đã xóa ý nghĩa nguyên thủy của nó với việc nộp phí, nghi lễ và nội quy. . .
• Phao-lô dạy rằng thành viên của Hội thánh không có nghĩa là gia nhập một tổ chức mà trở thành một bộ phận quan trọng trong một thân thể sống (12: 4-5; ICo1Cr 6: 15; 12: 12-27). Bất cứ một bộ phận nào tách khỏi thân thể đều sẽ nhanh chóng chết đi.
5. Không hề tự động:
Việc sáp nhập thành viên mới vào mối thông công trong Hội thánh không tự động diễn ra mà cần một hệ thống và cơ cấu tốt. Khi Chúa Jesus muốn ban những con đỏ vào Hội thánh, Ngài luôn tìm xem ở đó có những lồng ấp nuôi trẻ ấm áp không!
II. PHÁT TRIỂN KẾ HOẠCH HỘI NHẬP
1. Mười hai câu hỏi:
Mỗi Hội thánh đều có một lịch sử, nền văn hóa và tốc độ phát triển khác nhau. Vì thế, cần xác định kế hoạch hội nhập nào là phù hợp nhất qua việc thăm dò 12 câu hỏi về yêu cầu cho thành viên...
2. Năm câu hỏi cần được giải đáp:
Trước khi gia nhập Hội thánh, người ta cần lời giải đáp cho năm câu hỏi sau:
- Tôi có thích hợp với nơi nầy không? (vấn đề chấp nhận)
- Có ai muốn làm quen với tôi không? (vấn đề tình bạn)
- Người khác có cần tôi không? (vấn đề giá trị)
- Ích lợi của việc gia nhập Hội thánh là gì? (vấn đề lợi ích) - Những đòi hỏi nơi các thành viên là gì? (vấn đề trách nhiệm).
III. TRUYỀN ĐẠT GIÁ TRỊ CỦA TƯ CÁCH THÀNH VIÊN
1. Những lợi ích khi trở nên thành viên:
Có vô số lợi ích khi trở thành một thành viên trong Hội thánh:
a. Điều nầy xác nhận một người là tín hữu thật (Eph Ep 2: 19; RoRm 12: 5).
b. Điều nầy đem đến một gia đình thuộc linh hỗ trợ và khích lệ họ trên bước đường theo Chúa (GaGl 6: 1-2; HeDt 10: 24-25).
c. Đều nầy cung cấp một nơi để khám phá và sử dụng các ân tứ của họ trong chức vụ (ICo1Cr 12: 4-27).
d. Điều nầy đặt họ dưới sự bảo vệ thuộc linh của những người lãnh đạo tin kính Chúa (HeDt 13: 17;. Cong Cv 20: 28-29).
e. Điều nầy đặt ra cho họ trách nhiệm cần có để tăng trưởng (Eph Ep 5: 21).
2. Những lợi ích đặc biệt:
Việc cá nhân hóa các mục đích của Hội thánh sẽ cho các thành viên thấy rằng Hội thánh có thể đem đến cho họ những lợi ích mà họ không thể tìm thấy ở một nơi nào khác trên thế giới:
a. Sự thờ phượng Chúa giúp họ tập trung vào Đức Chúa Trời. Nó chuẩn bị họ về phương diện thuộc linh và tình cảm cho một tuần lễ mới.
b. Mối thông công giúp họ đối diện những nan đề của cuộc sống bằng cách đem đến sự hỗ trợ và khích lệ từ các Cơ-đốc nhân khác.
c. Môn đồ hóa giúp họ củng cố niềm tin bằng cách học biết lẽ thật trong Lời Chúa và áp dụng các nguyên tắc Thánh Kinh vào đời sống của họ.
d. Mục vụ giúp họ khám phá và phát triển các tài năng của mình, rồi dùng chúng để phục vụ người khác.
e. Truyền giáo giúp họ hoàn thành sứ mạng chinh phục những người thân của họ và gia đình họ cho Đấng Christ.
3. Khốn khổ của một tín hữu không có Hội thánh:
Có nhiều hình ảnh minh họa, nhưng dễ hiểu nhất là hình ảnh đứa con không có gia đình ! ITi1Tm 3: 15 gọi Hội thánh là Nhà của Đức Chúa Trời. Eph Ep 2: 19 gọi chúng ta là người Nhà của Đức Chúa Trời. Có nhiều yếu tố góp phần làm tan rã gia đình: Ly dị, hôn nhân bị trì hoãn, nhấn mạnh độc thân, phụ nữ ra ngoài làm việc. . . Hội thánh là một Đại gia đình sẽ đánh mạnh vào tình cảm của nhiều tấm lòng cô đơn.
IV. TỔ CHỨC LỚP THÀNH VIÊN BẮT BUỘC
1. Tầm quan trọng:
Cách người ta gia nhập Hội thánh sẽ quyết định năng suất của họ khi làm một thành viên trong những năm tới: Nếu đòi hỏi ít quá khi gia nhập thì không thể mong đợi gì nhiều nơi các thành viên.
• Lớp quan trọng nhất trong Hội thánh là lớp thành viên vì nó đặt ra những tiêu chuẩn và đòi hỏi của mọi điều sau đó. Thời điểm tốt nhất để khơi dậy một cam kết vững chắc nơi các thành viên là lúc họ gia nhập.
• Mục sư quản nhiệm phải là người chịu trách nhiệm chính của lớp nầy.
2. Nội dung:
Một lớp thành viên mạnh sẽ xây dựng một Hội thánh mạnh. Lớp mạnh không nhất thiết là lớp dài. Lớp 101 chỉ kéo dài 4 giờ và chỉ học trong một ngày, nhưng sẽ tạo ra một mức độ cam kết cao nhờ nội dung và sự kêu gọi cam kết khi họ thấy tâm tình mục sư và Hội thánh. . Lớp thành viên không phải là lớp giáo lý hay tăng trưởng tâm linh: Cần dạy về Hội thánh với những mục đích, chiến lược, khải tượng, và về đòi hỏi nơi thành viên. Nội dung phải gồm:
a. Sự cứu rỗi : Sự biết chắc- Biểu tượng: Báp-tem, thông công.
b. Tuyên ngôn của chúng ta: Mục đích-Khải tượng- Đức tin- Tiêu chuẩn.
c. Chiến lược của chúng ta: Lịch sử - Tiến trình phát triển - Chiến lược...
d. Cơ cấu : Tổ chức Hội thánh - Ý nghĩa sự gia nhập...
3. Đòi hỏi:
Học viên phải sẵn lòng học, phải hết sức chú ý để hiểu trách nhiệm của một thành viên và cam kết thực hiện. Cần có nhiều lớp khác nhau theo từng lứa tuổi: Thiếu nhi - Thanh Thiếu niên - Người lớn.
V. PHÁT TRIỂN MỘT GIAO ƯỚC THÀNH VIÊN
1. Tầm quan trọng:
Được gia nhập mà không có một cam kết sẽ tạo nên một hội chúng biếng nhác, thiếu quan tâm đến sự dâng hiến, phục vụ ... IICo 2Cr 8: 5, đề cập đến hai loại cam kết với Chúa và với các lãnh đạo.
• Thông công (koinonia) là dâng mình phục vụ nhau như phục vụ Chúa.
• Nhiều tín hữu biết GiGa 3: 16 mà không biết gì đến IGi1Ga 3: 16.
• Chúa muốn chúng ta yêu nhau như Ngài đã yêu (GiGa 13: 34-35).
• Tân ước đề cập đến cụm từ “lẫn nhau”, “với nhau” hơn 50 lần.
2. Bốn đòi hỏi nơi thành viên:
(1). Lời tuyên xưng đức tin. (2). Nhận báp-têm dìm mình. (3). Hoàn thành lớp thành viên. (4). Ký giao ước thành viên.
3. Giao ước thành viên:
Thành viên cần cam kết:
(1). Bảo vệ sự hiệp nhất của Hội thánh bằng cách yêu thương, không nói hành, vâng phục lãnh đạo.
(2). Chia sẻ trách nhiệm trong Hội thánh bằng cách cầu nguyện, mời thân hữu...
(3). Thực hiện mục vụ trong Hội thánh.
(4). Bày tỏ về Hội thánh mình bằng cách trung tín nhóm lại, sống tin kính và dâng hiến đều đặn.
bottom of page