top of page

Bài 19 : BIẾN THÀNH VIÊN THÀNH NGƯỜI PHỤC VỤ

Hung Tran

Jun 18, 2023

Hội Thánh đúng là một người khổng lồ đang ngủ (giống như Napoleon nói về Trung Hoa), với những thành viên chẳng làm gì với đức tin mình ngoại trừ giữ nó!...



Bài 19: BIẾN THÀNH VIÊN THÀNH NGƯỜI PHỤC VỤ


Câu gốc: “Vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo.” 2: 10


I. NGƯỜI KHỔNG LỒ ĐANG NGỦ


1. Thành viên năng động:

Hội thánh đúng là một người khổng lồ đang ngủ (giống như Napoleon nói về Trung Hoa), với những thành viên chẳng làm gì với đức tin mình ngoại trừ giữ nó!

Người ta thường gọi thành viên năng động là người dự nhóm thường xuyên và biết dâng hiến. Nhưng Chúa mong đợi ở họ nhiều hơn thế: Họ còn phải dùng các ân tứ và tài năng của mình để phục vụ.


2. Được kêu gọi để phục vụ:

Dù Hội thánh có đẩy mạnh mục vụ thì phân nửa thành viên vẫn là khán giả! (Chỉ có 10% đang phục vụ và 40% sẵn sàng khi được mời). Họ cảm thấy mình không được kêu gọi để phục vụ. Vì họ đang có một sự kêu gọi khác: Đó là chỗ ngồi của họ!


II. DẠY NỀN TẢNG KINH THÁNH VỀ MỤC VỤ


Hội chúng cần được biết tại sao trước khi được dạy phải làm thế nào. Dựa vào RoRm 12: 1-8; chúng ta thấy Hội thánh được xây dựng trên 4 cột trụ:


1. Cột trụ 1:

Mỗi tín hữu là một người phục vụ: Mỗi tín hữu đều được kêu gọi vào sự phục vụ: phục vụ thế gian và phục vụ Hội thánh. Đây là một sự phục vụ bắt buộc chứ không phải tùy hứng, vì Cơ-đốc nhân phải giống Đấng Cơ-đốc: Phục vụ và ban cho (Mat Mt 20: 28).

Mỗi Cơ-đốc nhân được tạo dựng để phục vụ (Eph Ep 2: 10), được cứu để phục vụ (IITi 2Tm 1: 9), được ban ơn để phục vụ (IPhi 1Pr 4: 10), có trách nhiệm và sẽ được ban thưởng khi phục vụ (CoCl 3: 23-24).


2. Cột trụ 2:

Mọi mục vụ đều quan trọng: Một số mục vụ ai cũng thấy, một số khác thì ẩn khuất, nhưng tất cả đều giá trị như nhau, không có mục vụ nào là vô nghĩa cả. Hơn nữa, các mục vụ “nhỏ” thường tạo nên sự khác biệt lớn (bóng đèn ngủ nhỏ bé nhưng rất ích lợi một cách duy nhất...).


3. Cột trụ 3:

Chúng ta phụ thuộc lẫn nhau: Không mục vụ nào độc lập với các mục vụ khác mà có thể hoàn tất mọi điều Hội thánh được kêu gọi để thực hiện. Vì thế, chúng ta cần nương dựa và cộng tác với nhau.

Xã hội đề cao chủ nghĩa cá nhân và sự độc lập, nhưng về phương diện thuộc linh, chúng ta cần sự hỗ tương và lệ thuộc lẫn nhau, vì một người trưởng thành là người biết lệ thuộc hoàn toàn vào Chúa.


4. Cột trụ 4:

Mục vụ là thể hiện định dạng: Định dạng quyết định mục vụ của mỗi người. Định dạng của mỗi người khác nhau để mỗi người là chính mình chứ không phải một ai khác. Bằng cách xác định năm yếu tố định dạng của mình, chúng ta có thể phám phá ý muốn của Chúa cho mình.

a. Các ân tứ thuộc linh: Đức Chúa Trời luôn ban cho mỗi tín hữu các ân tứ thuộc linh để dùng vào việc phục vụ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta còn được Ngài ban cho những khả năng bẩm sinh, nhân cách và kinh nghiệm. Vì thế, ân tứ thuộc linh chỉ bày tỏ một phần ý muốn Đức Chúa Trời cho mục vụ của chúng ta, chứ không phải tất cả.

Chúng ta cần phải bắt đầu thực nghiệm các mục vụ khác nhau và sau đó mới có thể khám phá các ân tứ của mình. Cần lưu ý hầu hết các ân tứ thuộc linh trong Tân ước lại không có định nghĩa và càng trưởng thành, chúng ta lại có những nét đặc trưng của vài ân tứ.

b. Tấm lòng: Kinh Thánh dùng khái niệm tấm lòng để ám chỉ trung tâm động cơ, khát vọng, sở thích và những khuynh hướng tự nhiên của chúng ta. Tấm lòng quyết định lời nói, sự cảm nhận và hành động của chúng ta.

Đức Chúa Trời ban cho chúng ta nhịp tim tình cảm độc nhất, là điều sẽ tác động khi chúng ta đối diện với những điều khiến chúng ta thích thú. Đừng phớt lờ sở thích tự nhiên vì người đạt thành tựu lớn thường là người thích điều họ đang làm. Nhịp tim tình cảm là một chìa khóa rất quan trọng để hiểu được ý muốn Đức Chúa Trời trong đời sống chúng ta.

c. Các khả năng: Khả năng là những tài năng tự nhiên bẩm sinh: Năng khiếu ngôn ngữ, năng khiếu thể thao, âm nhạc, kiến trúc (XuXh 31: 3). . .

Mỗi người trung bình có từ năm trăm tới bảy trăm kỹ năng. Tuy nhiên, Cơ-đốc nhân cần có một quá trình xác định kỹ năng và một quá trình phối hợp những kỹ năng vào đúng mục vụ.

d. Cá tính: Đức Chúa Trời yêu thích sự đa dạng. Vì thế, Ngài tạo dựng con người với những cá tính khác nhau và Ngài sẵn sàng sử dụng mọi cá tính: Lạc quan của Phi-e-rơ, nóng nảy của Phao-lô, đa sầu của Giê-rê-mi. . .

. Chúng ta cần đủ loại cá tính để làm cân bằng Hội Thánh và đem lại hương vị cho Hội Thánh. Bắt chước người khác sẽ không bao giờ thành công, vì chúng ta không có cá tính của họ. . .

e. Các kinh nghiệm: Đức Chúa Trời không hề lãng phí một kinh nghiệm nào (RoRm 8: 28). Chúng ta cần xem xét năm lãnh vực kinh nghiệm: Học vấn - nghề nghiệp - thuộc linh - phục vụ - kinh nghiệm đau buồn.

Thay vì cố gắng tái định hình chính mình trở nên giống người khác, hãy vui mừng với định dạng Chúa ban để bước vào mục vụ Chúa định sẵn.


III. TẦM QUAN TRỌNG CỦA MỤC VỤ


1. Phục vụ hay tham dự?

Một lý do chính khiến nhiều thành viên trong Hội thánh không tích cực phục vụ là vì họ quá bận rộn tham dự các buổi nhóm: Hội thánh “nổi tiếng” với quá nhiều buổi nhóm!


2. Tận dụng thời gian của tín hữu:

Càng ngày, con người càng có ít thời gian rảnh rỗi hơn. Tài sản quý giá nhất tín hữu có thể dâng hiến chính là thời gian của họ. Vì thế phải tận dụng thời gian họ dâng cho Chúa một cách tốt nhất: Đừng làm tiêu hao sự sống của họ bằng các buổi nhóm ban ngành.


3. Sự khác biệt giữa ủy ban và mục vụ:

- Các ủy ban thảo luận, nhưng mục vụ thực hiện - Các ủy ban tranh luận, nhưng mục vụ thì hành động - Các ủy ban chỉ duy trì, còn mục vụ thì phục vụ - Các ủy ban xem xét, tìm hiểu nhu cầu, còn mục vụ lo chăm sóc và đáp ứng nhu cầu.

Mỗi Hội thánh cần quyết định xem mình cần có một cơ cấu để nắm quyền hay một cơ cấu để tăng trưởng: Dân sự phải thôi nắm quyền điều khiển hàng lãnh đạo và mục sư cũng thôi nắm quyền mục vụ. Nếu không, cả hai sẽ trở thành cái cổ chai ngăn trở Hội thánh tăng trưởng.


4. Lãnh đạo hay điều khiển?

Công việc của mục sư là lãnh đạo Hội thánh chứ không phải điều khiển Hội thánh. Trong trách nhiệm lãnh đạo, các mục sư giữ cho Hội thánh vững vàng về giáo lý và hướng dẫn Hội thánh đi đúng hướng. Nhưng những quyết định hằng ngày là do những người đang thực hiện mục vụ lựa chọn.


5. Ích lợi của sự phục vụ:

Người lãnh đạo phải sắp xếp cơ cấu của mình để tối đa hóa mục vụ và giảm thiểu hóa duy trì. Kết quả Hội thánh sẽ được vui vẻ, hài hòa và nhuệ khí sẽ gia tăng.

Chúng ta có thể thấy được nhuệ khí và tình bạn ấm áp giữa vòng những người cùng chiến đấu nơi tiền tuyến. Trong khi đó, những người lính hậu phương thường càu nhàu và đầy nan đề. Cũng vậy, những tín hữu khó tính và hay phê phán là những người không dự phần vào một mục vụ nào cả !


IV. SẮP XẾP HỢP LÝ CƠ CẤU TỔ CHỨC


1. Đừng tổ chức bầu cử các vị trí mục vụ:

Đây là những lý do tại sao:

a. Chúng ta sẽ tránh được một cuộc thi đua cá tính: Việc bầu cử vào mục vụ sẽ loại trừ những người nhút nhát, thiếu tự tin, sợ bị loại ra. Tuy nhiên, một mục vụ mới cần phải có thời gian chuẩn bị.

b. Không bỏ sót những người có năng lực: Các thành viên mới có thể là người phục vụ tốt nhất, nhưng sẽ hiếm khi được cử vào đúng công việc.

c. Loại bỏ được những người thích quyền lực: Bỏ việc bầu cử, chúng ta sẽ thu hút được những người thực sự muốn phục vụ chứ không phải háo danh.

d. Nếu họ thất bại thì sự hủy bỏ cũng dễ dàng hơn. Cần nhớ một số tín đổ xác thịt sẽ thà phá hoại Hội thánh hơn là phải từ bỏ một chức vị !

e. Con dân Chúa có thể đáp ứng sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh nhanh chóng hơn với các loại mục vụ: cầu nguyện, chăm sóc bệnh nhân ung thư. . .


2. Hãy tổ chức một tiến trình thiết lập mục vụ:

Đưa các thành viên vào sự phục vụ phải là một tiến trình liên tục. Có ba bộ phận quan trọng:

a. Lớp học hằng tháng: Mỗi tháng Hội thánh cần mở lớp 301 Phát hiện mục vụ của tôi, một lớp học kéo dài 4 giờ, giúp trang bị nền tảng Kinh Thánh trong việc phục vụ, khái niệm định dạng, và giới thiệu các mục vụ khác nhau trong Hội thánh. Có thể tổ chức vào chiều Chúa nhật và tổ chức cùng lúc với các lớp thành viên (101) và lớp trưởng thành (201).

b. Một tiến trình thiết lập: Tiến trình thiết lập gồm 6 bước: Tham dự lớp 301 - Cam kết và ký giao ước phục vụ - hoàn thành hồ sơ định dạng - phỏng vấn và tư vấn mục vụ để xác định mục vụ - gặp gỡ lãnh đạo - công khai bổ nhiệm. Tiến trình phải tập trung vào cá nhân chứ không phải nhu cầu.

c. Nhân sự hỗ trợ tiến trình: Dân sự cần được quan tâm và hướng dẫn cá nhân khi họ cố gắng khám phá mục vụ thích hợp với họ. Họ không chỉ tham dự một lớp học, mà còn phải được tư vấn cá nhân.


V. HUẤN LUYỆN KINH NGHIỆM LÀM VIỆC


1. Tầm quan trọng:

Huấn luyện kinh nghiệm làm việc còn quan trọng và hiệu quả hơn là rèn luyện tầm nhìn. Một chương trình huấn luyện tầm nhìn kéo dài sẽ khiến hầu hết mọi người đánh mất nhiệt huyết: họ sẽ có khuynh hướng trở thành học sinh chuyên nghiệp, thích học về mục vụ hơn là thực hiện nó! Một người cần được ném xuống nước và bị ướt mới được thôi thúc học bơi. Vì thế, cách tốt nhất để bắt đầu là hãy bắt đầu phục vụ.


2. Chương trình:

Chương trình huấn luyện kinh nghiệm mục vụ được tổ chức hai giờ trong một tối Chúa nhật mỗi tháng, bao gồm thì giờ thờ phượng, thì giờ ghi nhận mọi mục vụ hiện có, các bài làm chứng từ thực tế, bổ nhiệm các mục vụ, thông báo tin tức Hội thánh, cầu nguyện theo nhóm. Sau đó là phần huấn luyện mục vụ và bài giảng về khải tượng để khích lệ, nâng đỡ hàng lãnh đạo.

Ngoài ra, cần có các lớp huấn luyện khác nhau cho các mục vụ đặc biệt như mục vụ nhóm trưởng nhóm tế bào, mục vụ thanh niên, mục vụ thiếu nhi, mục vụ âm nhạc, mục vụ chăn bầy...

Đừng bao giờ bắt đầu một mục vụ mà không có người đặc trách mục vụ. Không có người lãnh đạo tốt, mục vụ chỉ giậm chân tại chỗ, có thể gây hại nhiều hơn là đem lại ích lợi.


3. Những lưu ý:

Hãy rộng lượng cho phép dân sự chấm dứt hoặc thay đổi mục vụ. Đừng cột chặt họ vào một mục vụ nhất định nào đó. Hãy để họ tự do thử nghiệm phục vụ trong nhiều mục vụ khác nhau.

Hãy tin cậy dân sự, trao quyền cùng trách nhiệm cho họ. Hãy tạo cho họ cảm giác được làm chủ, tự do hành động mà không bị ngăn trở bởi ban điều hành hay ủy ban. . .


VI. CUNG CẤP SỰ HỖ TRỢ CẦN THIẾT


1. Hỗ trợ phương tiện:

Archimedes đã nói: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng trái đất lên”. Các mục vụ không chuyên cũng quan trọng như những nhân viên trả lương. Họ cần các phương tiện như văn phòng, bàn ghế, máy tính, điện thoại... Hãy cho họ thấy rằng điều họ làm là quan trọng !


2. Hỗ trợ liên lạc:

Hãy nghĩ ra nhiều cách để giữ liên lạc với các phục vụ viên không chuyên như: Thiệp chào mừng, người chăm sóc, bản báo cáo...


3. Hỗ trợ việc quảng bá giữa Hội thánh:

Hãy giúp cho Hội thánh thấy các mục vụ nầy là quan trọng, bằng cách: Mỗi mục vụ có một bàn ở phòng khách hay phòng giải lao để giúp các tín hữu biết về các mục vụ - Phát bảng tên cho các thành viên mục vụ - Tổ chức các buổi triển lãm mục vụ - In tờ bướm cho mỗi mục vụ - Đề cập đến các mục vụ trong bài giảng. . .


4. Hỗ trợ tinh thần:

Hãy liên tục thể hiện sự cảm kích đối với những thành viên mục vụ, cả ở nơi công cộng lẫn chốn riêng tư. Hãy tổ chức những buổi tiệc cám ơn hay phần thưởng khích lệ, tạo tinh thần thi đua phục vụ. . .

. Ý tưởng về hai tầng lớp tín hữu trong Hội thánh (hàng giáo phẩm và hàng tín hữu) xuất phát từ truyền thống Công giáo La-mã, nhưng trong cái nhìn của Đức Chúa Trời, không có sự khác biệt nào giữa những phục vụ viên tình nguyện và phục vụ viên ăn lương. Chúng ta cần tôn trọng cả hai.


VII. THƯỜNG XUYÊN LÀM MỚI KHẢI TƯỢNG


1. Truyền đạt khải tượng:

Hãy giữ và truyền đạt khải tượng cho dân sự. Hãy cho họ thấy tầm quan trọng của các mục vụ của họ. Khi thành lập một mục vụ mới, hãy nhấn mạnh ý nghĩa đời đời của việc phục vụ.


2. Ích lợi:

Mặc cảm và áp lực chỉ làm cho người ta nản lòng, nhưng chính khải tượng mới có thể thúc đẩy họ phục vụ. Hãy giúp họ thấy được rằng không có điều gì lớn hơn vương quốc của Đức Chúa Trời.


3. Nguyên tắc Nê-hê-mi:

Trong Nê-hê-mi đoạn 6, chúng ta thấy rằng khải tượng phải được làm mới lại mỗi 26 ngày, tức là mỗi tháng một lần. Đó là lý do mỗi tháng một lần, Hội thánh cần có buổi họp làm mới khải tượng cho các thành viên mục vụ.



bottom of page