top of page
Hung Tran
Jun 18, 2023
Nhiều Hội Thánh đã xác định mục đích, truyền đạt cho hội chúng, thậm chí cũng đã tổ chức lại cơ cấu Hội Thánh, tuy nhiên phần quan trọng nhất là nghiêm chỉnh..
Bài 8: ÁP DỤNG CÁC MỤC ĐÍCH CỦA HỘI THÁNH
Câu gốc: “Về phần anh em, chúng tôi có lòng tin cậy trong Chúa rằng anh em đang làm và sẽ làm những việc chúng tôi dặn biểu.” IITe 2Tx 3: 4
I. TỔNG QUÁT
1. Phần quan trọng nhất:
Nhiều Hội thánh đã xác định mục đích, truyền đạt cho hội chúng, thậm chí cũng đã tổ chức lại cơ cấu Hội thánh, tuy nhiên phần quan trọng nhất là nghiêm chỉnh áp dụng các mục đích vào từng công việc của Hội thánh: Lên chương trình, ngân quỹ, giảng dạy...
2. Phần khó nhất:
Người lãnh đạo phải hoàn toàn tận tâm, tận lực vào cả tiến trình, đòi hỏi nhiều tháng, thậm chí nhiều năm trong sự cầu nguyện, lập kế hoạch, chuẩn bị và thử nghiệm. Có 10 lãnh vực phải lưu tâm khi tái định hình Hội thánh thành một Hội thánh theo đúng mục đích.
II. MƯỜI CÁCH TRỞ THÀNH HỘI THÁNH THEO ĐÚNG MỤC ĐÍCH
1. Từ ngoài vào trong:
Hãy bắt đầu với các thành viên mới, từ vòng tròn cộng đồng vào đám đông, đến hội chúng, vào nhóm cam kết, đến nhóm nòng cốt, và cuối cùng, đưa nhóm nòng cốt trở lại cộng đồng.
a. Lý do: Phải phát triển Hội thánh từ ngoài vào, vì bất lợi của lối phát triển từ trong ra là tín hữu sẽ mất liên hệ với cộng đồng, e ngại tiếp xúc với thân hữu, hơn nữa, thân hữu cũng không dám gia nhập vào nhóm những người “thánh” tách biệt với họ !
b. Tiến trình thành lập Hội thánh Saddleback:
- Năm đầu tiên là xây dựng một đám đông từ cộng đồng bằng cách xây những chiếc cầu tình bạn, gửi thư cho 15.000 hộ, quảng cáo (khi Hội thánh đông, không cần quảng cáo) ... và giới thiệu Đấng Christ cho họ.
- Năm thứ hai đưa đám đông vào hội chúng trong khi vẫn tiếp tục đi vào cộng đồng để gia tăng kích thước đám đông, và xây dựng các mối quan hệ trong mối thông công.
- Năm thứ ba làm tăng mức độ cam kết của các thành viên, khích lệ họ tận hiến cho Chúa và tiến lên mức trưởng thành. Sau đó nhấn mạnh sự dấn thân vào chức vụ, tuyển dụng nhân sự.
c. Một chức vụ đa phương: Hãy xây dựng một chức vụ đa phương bằng cách bắt đầu với các tân tín hữu, tập trung vào từng mức độ cam kết. Khi đã có 5 nhóm chạy đều, hãy tập trung đồng đều vào mỗi nhóm.
d. Chậm nhưng chắc: Có lẽ người ta sẽ phê phán chúng ta về tốc độ chậm chạp khi đưa dân sự vào các mức độ cam kết sâu nhiệm hơn. Tuy nhiên, hãy xây dựng một cây đại thụ, chứ đừng bằng lòng với một cây nấm!
2. Lập chương trình cho từng mục đích:
Phải lập chương trình cho từng mục đích và hãy dạn dĩ cắt bỏ bất cứ chương trình nào không cần thiết và hãy nhớ chương trình chỉ là đầy tớ cho các mục đích.
a. Nối một nhịp cầu: Hãy thu hút cộng đồng bằng những buổi họp mặt quan trọng hằng năm: Ngày hội mùa gặt, lễ Phục sinh, lễ Giáng sinh, lễ quốc khánh, cùng với các buổi hòa nhạc, các buổi giao lưu.
b. Buổi nhóm cho người chưa tin: Buổi nhóm truyền giảng hằng tuần, hỗ trợ cho việc cá nhân chứng đạo bên cạnh mạng lưới nhóm nhỏ.
c. Viện phát triển đời sống: Mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng thuộc linh qua nghiên cứu Kinh Thánh, hội nghị chuyên đề, học hàm thụ. . . nhất là buổi huấn luyện hằng tháng cho nhóm nòng cốt để làm chứng, chia sẻ khải tượng, rèn luyện kỹ năng, bổ nhiệm nhân sự.
• Cần phải có các chương trình khác nhau để đáp ứng nhu cầu của cả năm mức độ cam kết khác nhau.
3. Tổ chức lớp học cho từng mục đích:
Chương trình giáo dục Cơ-đốc cũng phải phụ thuộc vào mục đích của Hội thánh.
a. Mục tiêu: Mục tiêu phải là giúp con cái Chúa phát triển một đời sống truyền giáo, thờ phượng, thông công, môn đồ hóa và phục vụ, nghĩa là phải sản sinh những con người thực hành Lời Chúa.
b. Tiến trình phát triển đời sống: Sự biến đổi không diễn ra tình cờ, mà phải thông qua chương trình môn đồ hóa, giáo dục để khích lệ con cái Chúa thực hành điều họ đã học và tin điều họ đang làm.
c. Lớp 101: Trong mô hình sân bóng chày, muốn đến trạm đầu tiên, tân tín hữu phải hoàn thành lớp 101: “Lớp giáo lý căn bản” và cam kết bằng giao ước thành viên, trở nên thuộc viên chính thức của Hội thánh.
d. Lớp 201: Tín hữu phải hoàn thành lớp 201: “Khám phá sự trưởng thành thuộc linh” và ký vào giao ước trưởng thành thuộc linh.
e. Lớp 301: Tín hữu phải hoàn thành lớp 301: “Phát hiện mục vụ của tôi” và ký cam kết phục vụ.
f. Lớp 401: Tín hữu phải hoàn thành lớp 401: “Phát hiện sứ mạng của tôi” và ký cam kết sứ mạng, cam kết chia sẻ niềm tin của mình cả ở nhà lẫn trong các chuyến truyền giáo.
g. Không bỏ trạm: Mỗi tín hữu phải hoàn tất 16 giờ huấn luyện căn bản và ký giao ước cam kết tại mỗi trạm trước khi tiến lên trạm kế tiếp, để cuối cùng sẽ “biến thính giả thành đạo quân” cho Chúa.
4. Hình thành những nhóm nhỏ có mục đích:
Mỗi nhóm một công việc:
a. Các nhóm tìm kiếm: Với mục đích truyền giáo, nhóm tìm kiếm tạo một môi trường hiền hòa cho người chưa tin Chúa tìm hiểu chính Chúa.
b. Các nhóm hỗ trợ: Với mục đích chăm sóc, thông công và thờ phượng, các nhóm hỗ trợ tạo mối thông công, lo việc yên ủi, hàn gắn, phục hồi...
c. Các nhóm phục vụ: Hướng về xã hội với đến với trại mồ côi, nhà tù, những nan đề xã hội... và tạo mối thông công trong chức vụ chung.
d. Các nhóm tăng trưởng: Tập trung phát triển, huấn luyện môn đồ hóa và nghiên cứu Kinh Thánh chuyên sâu với hơn 50 chương trình khác nhau.
* Mỗi tín hữu sẽ lựa chọn nhóm phù hợp với nhu cầu, sở thích, tình trạng cuộc sống hay mức độ trưởng thành thuộc linh của họ.
5. Tổ chức người tình nguyện theo từng mục đích:
Mỗi nhân sự được mời phải nhận một việc có mục đích rõ ràng, được khám phá qua phỏng vấn. Chức vụ của họ không chỉ lệ thuộc vào cá tính, năng lực mà còn thiện cảm của họ đối với một trong những mục đích của Hội thánh.
* Thí dụ: Nếu muốn mở một Hội thánh mới, chúng ta cần 5 nhân sự cho 5 mục đích của Hội thánh: Thờ phượng, thông công (dạy lớp 101), môn đồ hóa (dạy lớp 201), phục vụ (dạy lớp 301), và truyền giảng (dạy lớp 401). Lúc đầu các nhân sự là tình nguyện, sau đó bán thời gian và cuối cùng là trọn thời gian: Hội thánh theo đúng mục đích không lệ thuộc lớn nhỏ.
6. Xây dựng cơ cấu theo từng mục đích:
Thay vì tổ chức theo ban ngành truyền thống, hãy tổ chức các đội làm việc theo từng mục đích:
a. Đội truyền giáo: Đối tượng là cộng đồng, họ phải lên kế hoạch, đầu tư, và giám sát mọi chương trình nối nhịp cầu của Hội Thánh, quản lý các nhóm tìm kiếm, tổ chức huấn luyện truyền giáo kể cả lớp 401, tổ chức các chương trình, chiến dịch truyền giáo (kêu gọi ¼ tín hữu tham dự).
b. Đội ngợi khen-Âm nhạc: Với mục đích thờ phượng Chúa, đối tượng của họ là đám đông. Họ phải lên kế hoạch, tổ chức và giám sát các chương trình thờ phượng Chúa cho đám đông chưa tin và đã tin Chúa.
c. Đội thông công: Để thực hiện mục đích thông công, đối tượng của họ là hội chúng. Họ phải chăm sóc cả bầy: Tổ chức lớp thành viên 101, giám sát các nhóm hỗ trợ, các hôn lễ, tang lễ, khải đạo, thăm hỏi bệnh nhân. . .
d. Đội trưởng thành: Có nhiệm vụ môn đồ hóa, đối tượng của họ là nhóm cam kết. Họ phải điều hành lớp 201, kiêm luôn việc phát triển đời sống, các chương trình thờ phượng Chúa giữa tuần, lớp nghiên cứu Kinh Thánh.
e. Đội phục vụ: Với nhiệm vụ phục vụ, đối tượng của họ là nhóm nòng cốt. Họ phải biến tín hữu thành người phục vụ với chức vụ phù hợp.
7. Giảng có mục đích:
Muốn tín hữu quân bình, khỏe mạnh, mục sư cần lên kế hoạch giảng về năm mục đích (có thể mỗi mục đích 4 tuần) và phải cá nhân hóa các mục đích để tín hữu thấy kế hoạch của Chúa cho chính họ.
8. Chi tiền đúng mục đích:
Cần phân loại các khoản chi của ngân quỹ dựa trên các mục đích của Hội thánh, xem nó có hỗ trợ hay liên hệ gì với các mục đích không.
* Chúng ta có thể đánh giá những ưu tiên của Hội thánh dựa vào kế hoạch thu chi và lịch sinh hoạt của Hội thánh. Cách chúng ta đầu tư thời gian và tiền bạc cho thấy điều gì thực sự quan trọng đối với chúng ta. Nếu chúng ta xem truyền giáo là một ưu tiên, hãy dành ngân sách cho truyền giáo.
9. Hoạch định thời khóa biểu theo mục đích:
Mỗi năm có thể dành hai tháng để nhấn mạnh một mục đích. Thí dụ: Tháng giêng và tháng sáu là tháng dành cho mục đích trưởng thành. Hãy nhấn mạnh về sự trưởng thành thuộc linh, khích lệ tín hữu đọc toàn bộ Tân ước, học thuộc lòng một số câu Kinh Thánh, tổ chức một ngày học Kinh Thánh hay hội thảo về Kinh Thánh...
* Nếu không lên kế hoạch sắp đặt các mục đích vào chương trình, thì chúng sẽ không được nhấn mạnh và tín hữu sẽ không được phát động để làm những điều cần phải làm.
10. Lượng giá bằng mục đích:
Để giữ tính hiệu quả của Hội thánh trong một thế giới luôn thay đổi, chúng ta phải liên tục lượng giá những việc mình làm. Trong Hội thánh theo đúng mục đích, mục đích của chúng ta chính là tiêu chuẩn để đánh giá tính hiệu quả của Hội thánh.
- Cần có một bảng thống kê lượng giá mỗi tháng để xem tiến trình phát triển môn đồ đã đến đâu: Nó cho biết ai đang ở trạm nào trong tiến trình phát triển đời sống, hay ai đang ở trong vòng nào thuộc năm vòng tròn cam kết. Từ đó chúng ta có thể biết những chỗ nào đang bị trì trệ.
- Nhờ các bảng thống kê nầy, chúng ta có thể quyết định xem cần nhấn mạnh ở mục đích nào, mục tiêu nào, đối tượng nào... Chúng ta cần luôn tự hỏi: “Công việc chúng ta là gì?” và “Nó đang tiến triển ra sao?”.
*. Tăng trưởng mạnh hơn: Khi tìm cách áp dụng các mục đích của Hội thánh vào từng lãnh vực, Hội thánh sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn và vững vàng hơn. Thay vì tìm kiếm những chương trình mới, chúng ta sẽ tập trung vào những điều thực sự có ích. Cần rút tỉa kinh nghiệm từ những sai lầm và cam kết với mục đích để khiến Hội thánh hiệu quả hơn.
bottom of page