top of page

Bài 9 : ĐỐI TƯỢNG CỦA BẠN LÀ AI ?

Hung Tran

Jun 18, 2023

Một cậu bé tập bắn cung thay vì nhắm vào hồng tâm, đã bắn vào một nơi khác, rồi chạy đến vẽ một hồng tâm mới nơi đó,...



Bài 9: ĐỐI TƯỢNG CỦA BẠN LÀ AI?


Câu gốc: “Trái lại, họ thấy sự giảng Tin Lành cho kẻ không chịu phép cắt bì đã giao cho tôi, cũng như sự giảng Tin Lành cho người chịu phép cắt bì đã giao cho Phi-e-rơ vậy.” GaGl 2: 7


I. TỔNG QUÁT


1. Không bao giờ trật mục tiêu:

Một cậu bé tập bắn cung thay vì nhắm vào hồng tâm, đã bắn vào một nơi khác, rồi chạy đến vẽ một hồng tâm mới nơi đó, để bảo đảm cậu không bao giờ trật mục tiêu! Nhiều khi chúng ta bắn những mũi tên tin mừng vào cộng đồng, và nếu nó tình cờ trúng ai đó, chúng ta sẽ nói rằng: Đó là mục tiêu của chúng ta!


2. Mục tiêu là mọi người?

Dù mục tiêu của Đại Mạng lệnh là mọi người, nhưng con người rất khác biệt nhau, nên không một Hội thánh đơn lẻ nào có thể tiếp cận mọi người. Vì thế, chúng ta cần nhiều loại Hội thánh.

- Sứ điệp vẫn giữ nguyên, nhưng phương pháp và phong cách truyền thông cần phải thay đổi với những đối tượng khác nhau.

- Để truyền giáo hiệu quả, chúng ta phải tìm xem những người sống trong khu vực thuộc loại nào và quyết định Hội thánh cần được trang bị tốt nhất để chinh phục nhóm nào trước khi nói đến phong cách truyền giáo.

- Tuy nhiên, trước tiên phải xác định các mục đích của Hội thánh.


II. ĐIỀU KINH THÁNH DẠY


1. Gương Chúa Jê-sus:

Dù muốn đem sự cứu rỗi cho mọi người, Chúa Jê-sus đã tập trung chức vụ vào “các con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên” (Mat Mt 15: 24) và Ngài cũng đã từng truyền dạy các sứ đồ như thế (10: 5-6).


2. Gương các môn đồ:

Phao-lô đã tập trung chức vụ vào dân ngoại trong khi Phi-e-rơ nhắm mục tiêu là dân Do-thái và cả hai đều kết quả phước hạnh. Chúa cũng đã dùng tới bốn sách Phúc-âm để nhắm vào các đối tượng khác nhau.


3. Đại mạng lệnh:

Thật ra ý niệm truyền giáo có mục tiêu cũng đã được hàm ý trong Đại Mạng lệnh với từ “muôn dân” có nghĩa là mọi nhóm người. Mỗi nhóm cần có những chiến dịch truyền giáo thích hợp với những bối cảnh văn hóa, xã hội... của họ. Vì thế, Hội thánh cần nhắm vào các mục tiêu truyền giáo rõ ràng, nhất là các Hội thánh nhỏ.

* Thí dụ: Năm 1995 chiến dịch của Mục sư Billy Graham đã được phát thanh bằng 116 thứ tiếng với các bài làm chứng và âm nhạc thích hợp.


III. XÁC ĐỊNH ĐỐI TƯỢNG CỦA BẠN


Để hiểu Lời Chúa, chúng ta cần nghiên cứu văn cảnh, và để truyền đạt Lời Chúa cho người thời nay, chúng ta cần tìm hiểu cộng đồng của mình.


1. Xác định đối tượng về phương diện địa lý:

Trong Công-vụ Cv 1: 8, Chúa Jê-sus đã xác định 4 đối tượng theo phương diện địa lý. Trong chức vụ chúng ta, xác định đối tượng theo phương diện địa lý chỉ là xác định nơi mà những người chúng ta muốn tiếp cận sinh sống: Hãy đánh dấu vị trí Hội thánh trên bản đồ và lấy đó làm tâm để vẽ một vòng tròn bán kính 10-30km (ở thành phố khoảng 5-10 km). Lưu ý khoảng cách lái xe hợp lý tối đa là 12 chốt đèn giao thông. Tuy nhiên, vị trí không quan trọng bằng sự đáp ứng nhu cầu tín hữu, và Hội thánh càng tăng trưởng thì khu vực tiếp cận sẽ nới rộng bấy nhiêu.


2. Xác định đối tượng về phương diện nhân khẩu:

Biết rõ đối tượng chinh phục sẽ khiến sứ điệp trở nên hữu hiệu hơn. Cần nắm các dữ kiện sau:

a. Tuổi tác: Có bao nhiêu người trong các nhóm tuổi?

b. Tình trạng gia đình: Bao nhiêu người độc thân, bao nhiêu cặp vợ chồng?

c. Thu nhập: Thu nhập của những gia đình khá giả và trung bình?

d. Trình độ: Trình độ học vấn trong cộng đồng ở mức nào?

e. Nghề nghiệp: Các ngành nghề nào chiếm ưu thế trong cộng đồng?


3. Xác định đối tượng về phương diện văn hóa:

Cần tìm hiểu nền văn hóa, lối sống và cách suy nghĩ của những người trong cộng đồng: Sở thích, cách đánh giá, nỗi lo sợ...

* Cách tốt nhất để khám phá nền văn hóa, hệ tư tưởng và lối sống của cư dân trong vùng là đi ra chào hỏi, lắng nghe và nói chuyện với họ.


4. Xác định đối tượng về phương diện tâm linh: Sau hết, cần phải khám phá nền tảng tâm linh của những người sống trong cộng đồng: Họ tin có Đức Chúa Trời hay một vị thần phổ quát nào không? Họ có tin Kinh Thánh không? Họ có tin sự sống sau khi chết không? . . .

* Điều nầy giúp chúng ta biết phải bắt đầu làm chứng từ chỗ nào, cũng như giúp chúng ta tránh khỏi sự lãng phí thì giờ, sức lực, tiền của vào các phương pháp truyền giáo không hiệu quả đối với cộng đồng chúng ta.


IV. CÁ NHÂN HÓA ĐỐI TƯỢNG CỦA BẠN


1. Hình thành một mẫu người cần tiếp cận:

Cần tổng hợp mọi thông tin để hình thành một mẫu người chưa tin Chúa mà Hội thánh muốn tiếp cận: Tuổi tác, trình độ văn hóa, gia đình, sở thích, mối ưu tư, cách ăn mặc...


2. Ích lợi:

Càng hiểu đối tượng chinh phục chừng nào, chúng ta càng dễ tiếp cận với họ chừng nấy, tránh được những hàng rào có thể ngăn cản họ.



bottom of page