05. Bói Quẻ, Xin Xăm và Đoán Chữ
CHÂN GIẢ LUẬN
Bói quẻ, xin xăm, đoán chữ viết (hay chiết tự) là những trò may rủi, cũng giống như đánh thò lò hay quay con vụ – thò lò là một kiểu đánh bạc thời trước bằng con quay có sáu mặt số, con vụ là một thứ đồ chơi của trẻ con – có thể trúng và cũng có thể sai, không có tính chính xác tuyệt đối.
Có khi quẻ bói nói tốt, nhưng sự việc xảy ra ngược lại; có khi đoán việc lành, mà xảy ra việc dữ. Bói một trăm lần thì cũng sẽ có một vài lần trúng! Cũng ví như một người chưa biết bắn, cứ cầm súng bắn bừa thì sẽ có lúc cũng trúng được một vài phát, không thể cho là bắn giỏi, mà chỉ là ngẫu nhiên mà thôi.
Xưa kia, Khuất Nguyên, chính trị gia và cũng là một thi sĩ nổi tiếng của Trung Quốc, đến xin Thiềm Doãn, viên quan thái bốc – quan xem bói cho vua – của Trung Quốc, một quẻ bói. Ông Thiềm Doãn bèn nói rằng: "Cái thước có chỗ ngắn, cái tấc có chỗ dài; vật có chỗ không đủ, trí có chỗ không sáng; số có chỗ đoán không tới, mà thần có chỗ cũng không thông. Ông cứ theo lòng, mà làm cho đúng ý ông. Cỏ thi và mu rùa, quả không thể biết được việc ấy." (Cỏ thi và mu rùa là hai vật được dùng làm phương tiện để lấy quẻ).
Xem như thế, người xưa cũng hiểu việc bói quẻ là vô ích. Việc xin xăm cũng vậy. Xăm tốt hay xăm xấu cũng đều không do ông thánh, ông tiên nào, linh ứng cả. Đừng cả tin vào những điều mơ hồ như thế, mất tiền vô ích mà còn gây tổn hại cho bản thân. Còn đối với những người hành nghề đoán chữ viết, việc ấy chẳng qua cũng chỉ là một phương cách mưu sinh; vì sinh kế nên phải bày ra trò gạt người để kiếm tiền. Họ xưng rằng mưu cầu lợi ích cho người khác, nhưng đối với chính bản thân mình thì họ cũng đành bó tay. Nếu có người truy vấn, hạch hỏi thì họ lại chống chế: "Tôi vẫn biết là thuật dối gạt người, nhưng vì đó là nghề kiếm cơm của tôi, cho nên, không thể từ bỏ mà vẫn phải kiếm sống bằng nghề ấy." Chúng ta nên nghe những lời biện hộ ấy, mà nhận thức vấn đề cho đúng với bản chất của nó.